Thư vận động luyện tập thể thao

Ngày 27-3-1946 đã trở thành ngày lịch sử của nền Thể thao Việt Nam khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên Báo Cứu quốc-Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh. Lời kêu gọi của Bác Hồ đã trở thành văn kiện lịch sử quý giá, mang lại nguồn động viên to lớn cho phong trào tập luyện thể dục thể thao [TDTT] nước nhà.

Phong trào thể thao quần chúng ngày càng được quan tâm và phát triển rộng khắp cả nước [Ảnh:TA]

Cùng với cả nước, ngành TDTT đã có những bước tiến mới qua từng chặng đường phát triển, đóng góp nhất định trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được trên bình diện thể thao đỉnh cao quốc tế, phải kể đến việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT phát triển đa dạng với các loại hình tập luyện, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia.

Ngày 23 tháng 5 năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết đinh số 1879 về Kế hoạch tổ chức Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020.

Trong suốt những năm qua các tỉnh, thành, Bộ, ngành đã đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức và nhân cách, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Chương trình, Kế hoạch và triển khai thực hiện cuộc vận động với các mục tiêu sát thực, cụ thể, lộ trình và nhiệm vụ cho từng giai đoạn rõ ràng, luôn bám sát những hướng dẫn của trung ương, qua đó nhằm đẩy mạnh phong trào luyện tập TDTT của người dân ngày càng đông đảo để việc luyện tập trở thành một nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển trong từng năm, từng giai đoạn và cả cuộc vận động.

Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Cuộc vận động trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi trong các đối tượng trên địa bàn cả nước, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên. Tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên năm 2010 đạt 23,6% dân số, năm 2015 đạt 28,3% dân số thì đến năm 2019 đã là 33,6 % và dự báo năm 2021 là trên 34% vượt chỉ tiêu của Cuộc vận động trên 1%; Tỷ lệ gia đình tập thể dục thể thao thường xuyên năm 2010 đạt 15,8 % tổng số hộ gia đình năm 2015 đạt 21,1 % tổng số hộ gia đình, năm 2019 là 25% và dự báo năm 2021 là gần 26% vượt chỉ tiêu Cuộc vận động khoảng 1%.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai rộng khắp trong những năm qua đã phát huy hiệu quả thực tiễn và là động lực thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Việc tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội TDTT toàn quốc I lần thứ VII năm 2014 và lần thứ VIII năm 2018 đã thực sự trở thành ngày hội TDTT của nhân dân các xã, phường, thị trấn, quận huyện của các địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực nhân dân và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020.

Từ năm 2015 việc tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Ngành đã trở thành hoạt động thể thao truyền thống hàng năm. Năm 2014, Đại hội TDTT cấp xã có 10.978/11.162 xã, phường, thị trấn tổ chức, đạt tỷ lệ 98,5%; Đại hội TDTT cấp huyện có 712/713 huyện tổ chức, đạt tỷ lệ 99,8%; Đại hội TDTT cấp tỉnh có 63/63 tỉnh, thành tổ chức đạt tỷ lệ 100%; Năm 2018, Đại hội TDTT cấp xã có 11.114/11.162 xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT đạt 99,56%; 712/713 quận, huyện, thị xã tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện, đạt 99,5% và 63/63 tỉnh/thành đã tổ chức Đại hội, đạt 100%. Năm 2015 có trên 4 triệu người thuộc các tầng lớp nhân dân tham gia ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Từ năm 2016 đến nay hằng năm có trên 6 triệu người tham dự Ngày chạy với khoảng trên 85% số xã, phường tổ chức ngày chạy và các đơn vị quân đội, công an tham dự.

Hiện nay, tổng số các loại công trình TDTT trên toàn I quốc là khoảng 115.693 công trình, trong đó sân vận động là 8.281, nhà tập luyện và thi đấu 9.380, bể bơi các loại 4.185, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, quần vợt 79.539, các sân thể thao khác 14.034. Tổng cục Thể dục thể thao tham mưu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 “Quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc thể dục thể thao cơ sở”. Sau khi có Thông tư hướng dẫn nhiều Câu lạc bộ TDTT cơ sở đã được thành lập giúp cho việc quản lý và phát triển phong trào TDTT quần chúng được thuận lợi. Năm 2015 có trên 50.000 Câu lạc bộ TDTT, bao gồm cả công lập và dân lập, đến năm 2019 có trên 1 57.000 câu lạc bộ TDTT cơ sở và gần 16.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT thường xuyên hoạt động; hàng năm trên phạm vi toàn quốc tổ chức trên 50.000 giải thể thao quần chúng. Các hoạt động thể thao giải trí gắn kết với hoạt động du lịch được tạo điều kiện phát triển ở nhiều địa phương; công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Với những kết quả đã đạt được, trong các năm tới, ngành TDTT tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", từ đó đưa thể thao quần chúng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hội nhập với các địa phương trong nước và quốc tế./.

Chủ Đề