Tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là gì

TCCS - Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực có nhiều biến động bất lường, bất an và đặc biệt khi nước ta ngày càng tham gia sâu tiến trình hội nhập quốc tế trên những tầm cao mới, càng đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phát huy tính chủ động, tích cực hơn trong hội nhập quốc tế, góp phần bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.

Hội nhập quốc tế của các địa phương: một số vấn đề đặt ra hiện nay

Hội nhập quốc tế cấp địa phương là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Hội nhập quốc tế cấp địa phương góp phần tạo dựng mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác, đưa các mối quan hệ đó đi vào chiều sâu, thực chất. Việc triển khai tiến trình hội nhập quốc tế cấp địa phương giúp triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của địa phương trong công tác đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo kịp thời đối với chính quyền địa phương về thực hiện công tác đối ngoại. Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 27-1-2001, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về hội nhập kinh tế quốc tế, nêu rõ mục tiêu cụ thể trong hội nhập kinh tế quốc tế là “xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập với một lộ trình cụ thể để các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp... nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, bảo đảm hội nhập có hiệu quả”. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế khẳng định: “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”, qua đó khẳng định vai trò của chính quyền địa phương là chủ thể triển khai quán triệt Nghị quyết, đồng thời là chủ thể trực tiếp thực hiện quá trình hội nhập quốc tế tại địa phương. Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05-11-2016, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do [FTA] thế hệ mới, cũng nêu rõ: “Các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các chương trình văn hóa tại địa phương mình hoặc ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hoá độc đáo của địa phương; đồng thời chủ động mở rộng hợp tác với các địa phương trên thế giới”. Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định: “phát huy thế mạnh của từng địa phương; khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 38 /NQ-CP, ngày 25-4-2017 khẳng định: “Các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các chương trình văn hóa có yếu tố nước ngoài tại địa phương mình hoặc ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương; đồng thời chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố, địa phương trên thế giới”. Những nghị quyết của Đảng và Nhà nước là những cơ sở, quyết sách chính trị quan trọng để các địa phương chủ động, tích cực triển khai hội nhập quốc tế khi đất nước bước sang thời kỳ chiến lược mới.

Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia tổng lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân; hội nhập quốc tế không chỉ là “việc riêng” của Trung ương mà còn là “việc chung” của toàn xã hội. Do vậy, không một địa phương nào có thể đứng ngoài cuộc, phải coi hội nhập quốc tế là nội dung thường xuyên, quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, tự xác định, đặt mình trong dòng chảy hội nhập chung của cả nước, có nghĩa vụ tham gia, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, đặc thù của mình. Nói cách khác, quá trình hội nhập quốc tế có đi tới thành công, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho đất nước/địa phương hay không phụ thuộc vào sự đồng thuận tham gia chủ động, tích cực của địa phương, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Quán triệt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các địa phương đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động hội nhập trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch...

Về chính trị - đối ngoại, các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các địa phương, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài. Các thỏa thuận quốc tế đã ký kết đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ và quảng bá hình ảnh, thương hiệu với các đối tác nước ngoài. Ngoài việc thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế, các địa phương đã chủ động đẩy mạnh, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ với các đối tác nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Trong công tác ngoại giao kinh tế, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành Trung ương triển khai các hoạt động đối ngoại lớn của đất nước; chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác thông tin đối ngoại, triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại... Giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở ra nhiều không gian hợp tác, phát triển mới cho các địa phương. Những kết quả quan trọng trên góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nhập quốc tế của các địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, trong đó có cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như nhận thức và triển khai công tác hội nhập quốc tế của địa phương còn nhiều lúng túng trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế và lồng ghép vào các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và xây dựng quảng bá thương hiệu địa phương vẫn chưa thực sự hiệu quả; công tác thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư kinh doanh và tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại địa phương còn nhiều hạn chế... Những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục, hoàn thiện để có thể khai thác tốt nhất các nguồn lực trong nước và ngoài nước một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Hiện nay trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, các tiến trình hội nhập trên thế giới cũng diễn ra với các cấp độ, tốc độ vô cùng nhanh chóng. Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa chiến lược, bản lề trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước. Sự nghiệp hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước vào giai đoạn sâu rộng, toàn diện với việc thực thi các cam kết kinh tế quốc tế trên nhiều tầng nấc, trong đó có những cam kết FTA thế hệ mới tiêu chuẩn và trình độ cao. Khác với các giai đoạn trước, hội nhập quốc tế cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách suy nghĩ mới, cách làm mới. Đó là đổi mới tư duy về hội nhập quốc tế, từ “tham gia” sang “chủ động và tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến” để xây dựng “luật chơi” chung, tăng cường cách tiếp cận đa ngành, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Thực tiễn đó đã và đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành ở Trung ương cũng như địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực hội nhập sâu rộng hơn trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống người dân; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội của địa phương, của cả nước.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Thực tiễn hội nhập quốc tế những năm qua và yêu cầu trong thời gian tới đặt ra yêu cầu cần xây dựng những tiêu chí phản ánh sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của các địa phương, lấy đó làm nền tảng để thúc đẩy tiến trình tham gia hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và hiệu quả. Tính chủ động, tích cực của các địa phương thể hiện rõ ở một số tiêu chí căn bản sau.

Thứ nhất, xác định rõ ràng, phù hợp và đúng thời điểm mục tiêu cần đạt được trong hội nhập quốc tế của địa phương nhằm tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển. Hội nhập phải bảo đảm mang lại lợi ích phát triển, bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế hình ảnh địa phương, trong đó lợi ích phát triển của địa phương được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai, nhìn nhận đúng theo thời thế, lợi ích và khả năng thực tế của địa phương mình, từ đó xác định lộ trình hội nhập, với những bước đi phù hợp với điều kiện, năng lực tham gia hội nhập quốc tế của địa phương. Trên cơ sở xác định rõ lộ trình, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hành động và kế hoạch tổng thể với những mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể, theo từng giai đoạn nhất định, trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tế của mỗi tỉnh, vùng, địa phương; lựa chọn những biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện một cách hiệu quả. Đề ra chiến lược cụ thể, rõ ràng không chỉ trong trước mắt mà còn ở tầm trung và dài hạn một cách có cơ sở khoa học, đồng thời có sự tổng kết xây dựng chiến lược về hội nhập quốc tế riêng cho địa phương mình.

Thứ ba, xác định thực lực, lợi thế, tiềm năng, khả năng và giới hạn của địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế. Cần nhận rõ thế mạnh nào, yếu tố chủ lực nào tạo nên lợi thế riêng biệt, đột phá chiến lược của địa phương để từ đó lựa chọn, xây dựng và nâng cao chuỗi giá trị của một số ngành, sản phẩm địa phương. Cần xác định đâu là ngành mũi nhọn cần tập trung ưu tiên để hội nhập, hợp tác không chỉ gói gọn trong phạm vi vùng, ngành, tỉnh, thành mà phải chuyển dần lên những nấc cao hơn, từng bước bứt phá, vươn tỏa, vươn tới tầm khu vực, quốc tế, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của các thị trường “khó tính”, chất lượng cao. Làm sao tận dụng và phát triển thế mạnh của địa phương, tạo được sản phẩm chủ lực mang tính liên vùng, liên ngành, phát huy giá trị xuất khẩu các mặt hàng và xây dựng chuỗi giá trị quốc tế cho sản phẩm địa phương, gia nhập, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, từ đó định vị được chỗ đứng tối ưu của mình trên thương trường khu vực và quốc tế.

Bên cạnh việc lựa chọn những vấn đề, lĩnh vực mang lại sức bật cho địa phương, cần xác định những mặt hạn chế, khó khăn, để từ đó chủ động đưa ra giải pháp tháo gỡ những “nút nghẽn” trong hợp tác, phát triển. Hội nhập quốc tế không phải là con đường bằng phẳng một chiều, mà là sự tương tác đa chiều cạnh, đa góc độ. Do đó cần xác định các yếu tố cần tương tác, bổ sung. Trong hội nhập quốc tế, không chỉ xác định ta hợp tác cái gì, hợp tác với ai cho có lợi mà điều quan trọng hơn cả là phải khắc phục những điểm yếu của ta, làm cho ta mạnh lên.

Việc tự hiểu mình hơn trong một thế giới đầy biến động, bất lường với vô vàn cơ hội nhưng cũng lắm thách thức là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần tính toán, cân nhắc khi nguồn lực, tiềm lực còn nghèo và còn có hạn để làm sao tận dụng, “mài sắc” lợi thế cạnh tranh, tập trung lựa chọn đúng và trúng những vấn đề, lĩnh vực ưu tiên, những mặt có thể tham gia hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Trong Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8-2018, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định, cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu” để bắt kịp tình hình quốc tế, vừa phải “hành động địa phương”, xác định “quê ta” có gì để tham gia hội nhập.

Chủ động nắm bắt rõ thông tin về các đối tác nước ngoài một cách linh hoạt, cũng như về các thỏa thuận thương mại tự do đã ký kết với các nước. Ưu tiên phát triển quan hệ với các đối tác, địa phương giàu tiềm năng, các tỉnh giáp biên và các địa phương có lợi ích tương đồng và lợi ích thiết thân, sát sườn, có thế mạnh, tiềm năng phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, tạo điều kiện cho quan hệ hợp tác giữa đôi bên và cho chính sự phát triển của địa phương. Bên cạnh việc xác định rõ đối tác, cần tập trung vào các giải pháp có tính ưu tiên và thực tiễn cao, triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tập trung vào các mục tiêu/giải pháp ít tốn kém nhưng đem lại hiệu quả cao.

Thứ tư, thước đo sự chủ động, tích cực thể hiện ở khả năng chuẩn bị toàn diện, đồng bộ và kịp thời mọi điều kiện vật chất và tinh thần, huy động tối đa mọi nguồn lực và lợi thế từng vùng nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế. Bối cảnh tình hình mới hiện nay đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các địa phương phải có những bước đi chủ động để bắt kịp với xu thế thời đại. Đó là, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực địa phương, bao gồm nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực để tham gia hội nhập quốc tế. Quy hoạch lại nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của địa phương. Có những giải pháp chiến lược trong việc phát huy các nguồn lực nội tại địa phương, trong việc lựa chọn, tiếp thu, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài. Sự kết hợp nội lực và ngoại lực để phục vụ sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong các nguồn lực trên, nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất. Đây là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại của địa phương.

Có thể thấy, tiến trình hội nhập quốc tế có được triển khai tích cực, chủ động, bảo đảm kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh và bền vững, phát huy được nội lực của địa phương hay không phụ thuộc quan trọng vào chiến lược xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, khả năng đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí mới của tiến trình hội nhập quốc tế, nhất là khi Cộng đồng ASEAN đã đi vào hoạt động và nước đã tham gia ký kết nhiều FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn và trình độ cao hơn. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất chính là cạnh tranh về nguồn lực con người, nguồn lực trí thức. Nếu không có sự chuẩn bị tốt và kịp thời, đổi mới chính sách nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực kích thích và giải phóng sức sáng tạo cho nguồn lực này thì khả năng bị “hụt hơi” “thua ngay trên sân nhà” là điều hoàn toàn có thể xảy ra, mà địa phương - một trong những chủ thể hội nhập quốc tế quan trọng - sẽ chịu sự thua thiệt.

Do vậy, các địa phương cần đưa vào đào tạo bài bản đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác hội nhập, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, có tư duy năng động, linh hoạt, nhạy bén, có năng lực tổ chức, quản lý, tác phong làm việc đáp ứng yêu cầu tình hình mới, khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh. Tích cực chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng tham gia, chủ động đón bắt những cơ hội và đương đầu với thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế... là nhân tố quan trọng cho tiến trình hợp tác, hội nhập quốc tế của địa phương.

Thứ năm, mức độ sẵn sàng và sự chuẩn bị tâm thế hội nhập là chủ động đón bắt các xu thế phát triển mới của thế giới, khả năng chuyển biến kịp thời trong tư duy chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, từ đó có những phản ứng chính sách phù hợp với điều kiện của mình để có thể điều chỉnh, thích nghi, ứng biến linh hoạt, phù hợp với những biến động, xoay trở của thực tiễn. Nắm sát những diễn biến của tình hình thế giới và khu vực; dự báo, kịp thời đưa ra những chính sách ứng phó; tham mưu, đề xuất các vấn đề chiến lược, sách lược về hội nhập quốc tế; nắm rõ các quy tắc, chuẩn mực, “luật chơi” chung, các cam kết, thỏa thuận kinh tế mà nước ta tham gia ký kết, đánh giá tác động của các thỏa thuận, hiệp định song phương, đa phương, các tổ chức, diễn đàn mà Việt Nam tham gia để từ đó có thể “đón đầu”, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các cam kết tại địa phương, tận dụng tối đa các cơ hội mà các thỏa thuận đó đem lại, hạn chế các thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ động tích cực thúc đẩy hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, thiết thực, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở tiềm năng, điều kiện, bối cảnh tình hình của địa phương. Việc mở rộng về đối tác, lĩnh vực, địa bàn, lực lượng tham gia, phương thức quan hệ cần tính tới hiệu quả thực tế, theo một tiêu chí được tính toán kỹ để có thể tạo đan xen lợi ích với các nước, các đối tác.

Thứ sáu, năng lực triển khai hội nhập quốc tế trên thực tế. Đó là trình độ kỹ năng của nguồn nhân lực, xây dựng các chính sách tham gia hội nhập, các cơ chế chỉ đạo phối hợp phù hợp với tình hình mới.

Thứ bảy, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ chung; đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên nguyên tắc cùng có lợi, nhằm tăng cường quan hệ, tranh thủ cơ hội, biến tiềm năng thành hiện thực.

Để các tiêu chí được bảo đảm thực hiện hiệu quả, cần tiến hành các biện pháp, như gắn kết giữa hội nhập quốc tế với đẩy mạnh cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp; tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập quốc tế nhằm mở rộng hị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tranh thủ các nguồn lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Hiện nay thế giới đang có những chuyển động vô cùng nhanh chóng với những xu thế mới, những bước ngoặt mang tính cách mạng, những chuyển đổi đầy trăn trở của giai đoạn quá độ. Nước ta đang bước vào quỹ đạo phát triển của thời kỳ chiến lược mới, trong một không gian hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ với việc thực thi các cam kết quốc tế mới, nhiều vận hội song cũng đầy thách thức, chông gai. Bối cảnh tình hình đó đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và nhất là các địa phương phải chủ động, tích cực, từ đổi mới tư duy đến quyết liệt hành động trong hội nhập quốc tế và đây phải được coi là nhiệm vụ quan trọng và quyết tâm chính trị của mỗi địa phương để có thể nắm bắt, tận dụng, khai thác hiệu quả cơ hội, chủ động, tích cực kiến tạo những điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi nhất nhằm giành lấy vị thế tối ưu hoặc ít bất lợi nhất cho mình, góp phần đưa tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước đi tới thành công./.

Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là gì?

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Ý nghĩa của hội nhập kinh tế quốc tế là gì?

- Hội nhập quốc tế giúp tạo ra một hệ thống kinh tế mới, mang tính quốc tế hơn, lớn hơn, phát triển hơn và mang lại nhiều cơ hội hơn cho mọi thành phần dân cư. Nó cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người và làm cho thế giới trở thành một nơi an toàn và thịnh vượng hơn.

Có bao nhiêu hình thức hội nhập kinh tế quốc tế?

Nhìn tổng thể thì hội nhập quốc tế có ba cấp độ chính là: Hội nhập toàn cầu, khu vực và song phương. Các phương thức hội nhập này được triển khai trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Đặc trưng của hội nhập kinh tế quốc tế là gì?

Đặc trưng của hội nhập kinh tế quốc tế là sự hình thành các liên kết kinh tế quốc tế và khu vực để tạo ra sân chơi chung cho các nước.

Chủ Đề