Trình tự xây dựng và ban hành văn bản năm 2024

QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND CẤP HUYỆN QUY ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI GIAO HOẶC ĐỂ THỰC HIỆN PHÂN CẤP NHIỆM VỤ (PHẦN 1)

  1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ THẨM QUYỀN

Khoản 1 Điều 30 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thẩm quyền của HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết trong trường hợp: “1. Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, … để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.”.

II. NHẬN DIỆN TÍNH CHẤT CỦA NGHỊ QUYẾT

- Việc thực hiện thẩm quyền ban hành nghị quyết thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Khi được luật, nghị quyết của Quốc hội giao cụ thể, trực tiếp;

+ Để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, việc phân cấp cho chính quyền địa phương phải “được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp”.

- HĐND cấp huyện không ban hành các nghị quyết sau theo trình tự, thủ tục và hình thức của nghị quyết QPPL:

(1) Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu HĐND và các chức vụ khác;

(2) Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu HĐND và bầu các chức vụ khác;

(3) Nghị quyết giải tán HĐND;

(4) Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương;

(5) Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch;

(6) Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND;

(7) Nghị quyết khác không có nội dung QPPL.

III. QUY TRÌNH THỰC HIỆN

1. Bước 1: Đề xuất xây dựng nghị quyết

- Chủ thể thực hiện: các cơ quan chuyên môn thuộc UBND căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên ngành có văn bản đề xuất xây dựng nghị quyết. Trường hợp cần thiết mà không có/chưa có đơn vị chuyên môn đề xuất, UBND chỉ đạo cụ thể việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND cấp mình và phân công cơ quan tham mưu cho UBND soạn thảo dự thảo, chuẩn bị hồ sơ trình nghị quyết.

- Căn cứ thực hiện: khoản 1 Điều 133 Luật năm 2015.

- Nội dung yêu cầu: văn bản đề xuất phải nêu rõ cơ sở thực hiện đề xuất xây dựng nghị quyết (cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về thẩm quyền, nội dung; đối tượng, phạm vi điều chỉnh, hiệu lực thi hành).

- Kết quả/sản phẩm: văn bản của UBND về việc giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng nghị quyết.

2. Bước 2: Tham mưu soạn thảo nghị quyết

- Chủ thể thực hiện: phòng, ban chuyên môn thuộc UBND.

- Căn cứ thực hiện: khoản 1 Điều 133 Luật năm 2015.

- Nội dung yêu cầu:

+ Căn cứ giao nhiệm vụ xây dựng nghị quyết của UBND, cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo (phối hợp với cơ quan khác – nếu có) thực hiện soạn thảo nghị quyết. Dự thảo được trình Chủ tịch UBND xem xét phê duyệt;

+ Đối với nghị quyết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành hoặc có tầm quan trọng đặc biệt thì Chủ tịch UBND có thể thành lập Tổ soạn thảo gồm đại diện các phòng, ban thuộc UBND;

+ Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm: xây dựng dự thảo nghị quyết, soạn thảo tờ trình nghị quyết và xin ý kiến Chủ tịch UBND trước khi thực hiện quy trình xin ý kiến đối với dự thảo.

- Kết quả/sản phẩm: dự thảo nghị quyết (Dự thảo 1).

3. Bước 3: Lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết

- Chủ thể thực hiện: cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết.

- Căn cứ thực hiện: khoản 2 Điều 133 Luật năm 2015.

- Nội dung yêu cầu:

+ Căn cứ ý kiến phê duyệt của Chủ tịch UBND, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết;

+ Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến, địa chỉ tiếp nhận ý kiến và bảo đảm ít nhất là 07 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản.

- Kết quả/sản phẩm: văn bản xin ý kiến góp ý của cơ quan chủ trì soạn thảo.

* Lưu ý: Cơ quan, tổ chức có liên quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo nghị quyết.

4. Bước 4: Tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết và lập hồ sơ thực hiện quy trình thẩm định

- Chủ thể thực hiện: cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết.

- Căn cứ thực hiện: khoản 2 Điều 133 Luật năm 2015.

- Nội dung yêu cầu:

+ Nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo;

+ Xây dựng dự thảo tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về dự thảo;

+ Hoàn thiện dự thảo nghị quyết (Dự thảo 2) và gửi hồ sơ đề nghị thẩm định đến PhòngTư pháp (chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp). Hồ sơ để thực hiện quy trình thẩm định bao gồm:

(1) Dự thảo Tờ trình của UBND về dự thảo nghị quyết (bản giấy có dấu xác nhận của cơ quan soạn thảo);

(2) Dự thảo nghị quyết (bản giấy có dấu xác nhận của cơ quan soạn thảo);

(3) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý (bản điện tử);

(4) Tài liệu khác (nếu có).

- Kết quả/sản phẩm: hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết.

5. Bước 5: Thẩm định dự thảo nghị quyết

- Chủ thể thực hiện: Phòng Tư pháp.

- Căn cứ thực hiện:

+ Điều 134 Luật năm 2015;

+ Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020;

+ Tiểu Mục 4 Mục 2 Chương IV Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

- Nội dung yêu cầu: Phòng Tư pháp thực hiện thẩm định đảm bảo các nội dung sau:

(1) Đối tượng, phạm vi điều chỉnh đối với dự thảo nghị quyết;

(2) Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật;

(3) Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với văn bản đã giao cho HĐND quy định;

(4) Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

- Kết quả/sản phẩm: Báo cáo thẩm định dự thảo nghị quyết.

* Lưu ý 1: Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến về việc dự thảo nghị quyết đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình UBND và được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Phòng Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định. Trường hợp kết luận dự thảo chưa đủ điều kiện trình thì phải nêu rõ lý do.

* Lưu ý 2: Đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì trước khi tiến hành thẩm định, Phòng Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

6. Bước 6: Giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình dự thảo nghị quyết

- Chủ thể thực hiện: cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết.

- Căn cứ thực hiện: khoản 2 Điều 134 (dẫn chiếu khoản 5 Điều 121) Luật năm 2015.

- Nội dung yêu cầu: cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết và lập hồ sơ trình UBND.

- Hồ sơ trình UBND bao gồm:

(1) Dự thảo Tờ trình của UBND về dự thảo nghị quyết (bản giấy có dấu xác nhận của cơ quan soạn thảo);

(2) Dự thảo nghị quyết (bản giấy có dấu xác nhận của cơ quan soạn thảo);

(3) Báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định (bản giấy);

(4) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân (bản điện tử);

(5) Tài liệu khác (nếu có).

- Kết quả/sản phẩm: Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và hồ sơ trình dự thảo (Dự thảo 3).

* Lưu ý 1: Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến UBND để chuyển đến các thành viên UBND. Luật Ban hành văn bản QPPL không quy định thời gian gửi UBND nhưng về nguyên tắc, hồ sơ cần được gửi trước ngày UBND họp. Nội dung này mỗi địa phương căn cứ vào Quy chế làm việc của UBND để thực hiện đảm bảo phù hợp.

* Lưu ý 2: Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Phòng Tư pháp khi trình UBND dự thảo nghị quyết.