U lympho dạng không phải nang là gì

U lympho không Hodgkin còn được gọi là ung thư hạch không Hodgkin. Đây là bệnh ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết của cơ thể. Hệ thống này có vai trò khống chế sự ảnh hưởng của bệnh lên cơ thể. Để biết thêm thông tin cơ bản về căn bệnh này, cùng bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu ngay nhé!

Nội dung bài viết

  • 1. Tổng quan về bệnh u lympho không Hodgkin
  • 2. Những loại u lympho không Hodgkin
  • 3. Triệu chứng của bệnh u lympho không Hodgkin
  • 4. Nguyên nhân nào gây nên bệnh u lympho không Hodgkin?
  • 5. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin
  • 6. Chẩn đoán bệnh u lympho không Hodgkin
  • 7. Điều trị bệnh u lympho không Hodgkin như thế nào?

1. Tổng quan về bệnh u lympho không Hodgkin

Trong u lympho không Hodgkin, các khối u hình thành từ tế bào lympho – một loại tế bào bạch cầu. Bệnh ung thư này phổ biến hơn các loại ung thư hạch khác – u lympho Hodgkin. Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều loại phụ của u lympho không Hodgkin. Trong đó, u lympho tế bào B lớn lan tỏa và u lympho dạng nang là một trong những loại phụ phổ biến nhất.

Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị u lympho không Hodgkin đã giúp cải thiện tiên lượng sống cho những người mắc bệnh này.

2. Những loại u lympho không Hodgkin

  • Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho.
  • U lympho tế bào B ở da.
  • U lympho tế bào T ở da.
  • Bệnh tăng globulin đại phân tử Waldenstrom.
  • U lympho dạng nang.
Có nhiều loại bệnh u lympho không Hodgkin

3. Triệu chứng của bệnh u lympho không Hodgkin

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u lympho không Hodgkin bao gồm:

  • Các hạch sưng nhưng không đau ở vùng cổ, nách hoặc bẹn.
  • Đau hoặc chướng bụng.
  • Đau ngực, ho hoặc cảm thấy khó thở.
  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Sốt.
  • Đổ mồ hôi về đêm.
  • Giảm cân không giải thích được.
Hạch có thể xuất hiện ở vùng cổ, nách hoặc bẹn

Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Hãy hẹn khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng, đặc biệt là những triệu chứng vừa nêu trên.

4. Nguyên nhân nào gây nên bệnh u lympho không Hodgkin?

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ không biết rõ nguyên nhân nào gây ra căn bệnh quái ác này. Trong một số trường hợp, đó là do hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Nhưng đó cũng là lúc khởi đầu của bệnh khi cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào lympho bất thường.

Thông thường, các tế bào lympho trải qua một vòng đời có thể đoán trước được. Các tế bào lympho cũ sẽ chết đi và cơ thể sẽ tạo ra các tế bào mới để thay thế chúng. Trong u lympho không Hodgkin, tế bào lympho không chết mà còn tiếp tục tăng trưởng và phân chia. Tế bào lympho dư thừa sẽ tập trung vào các hạch bạch huyết và khiến chúng sưng lên.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết

Từ tế bào B và tế bào T

U lympho không Hodgkin có thể bắt nguồn từ:

  • Tế bào B. Tế bào B chống lại sự nhiễm trùng bằng cách sản xuất kháng thể vô hiệu hóa các tác nhân xâm hại. Hầu hết u lympho không Hodgkin phát sinh từ các tế bào B. Các loại u có liên quan đến tế bào B bao gồm: u lympho tế bào B lớn lan tỏa, u lympho dạng nang, u lympho tế bào vỏ và u lympho Burkitt.
  • Tế bào T. Tế bào T tham gia trực tiếp vào việc tiêu diệt những tác nhân xâm hại. U lympho không Hodgkin do tế bào T xảy ra ít hơn. Các loại u có liên quan đến tế bào T bao gồm: u lympho tế bào T ngoại vi và u lympho tế bào T ở da.

Việc xác định u lympho không Hodgkin phát sinh từ tế bào nào sẽ giúp xác định được các lựa chọn điều trị.

U lympho không Hodgkin xảy ra ở cơ quan nào?

U lympho không Hodgkin thường liên quan đến sự hiện diện của các tế bào lympho có tính ung thư trong hạch bạch huyết. Nhưng bệnh cũng có thể di căn đến các cơ quan khác trong hệ thống hạch bạch huyết. Chúng bao gồm mạch bạch huyết, amidan, VA [hay còn gọi là amidan vòm], lách, tuyến ức và tủy xương. Đôi khi, u lympho không Hodgkin liên quan đến các cơ quan nằm ngoài hệ thống hạch bạch huyết.

5. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin

Trong hầu hết các trường hợp, những người được chẩn đoán mắc bệnh u lympho không Hodgkin không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào rõ ràng. Và nhiều người có các yếu tố nguy cơ của bệnh nhưng lại không bao giờ mắc bệnh.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho không Hodgkin, bao gồm:

  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Nếu được ghép tạng, bạn sẽ dễ mắc bệnh hơn. Bởi vì liệu pháp ức chế miễn dịch đã làm giảm khả năng chống lại bệnh của cơ thể.
  • Nhiễm trùng một số loại virus và vi khuẩn. Một số bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Virus có liên quan đến bệnh u lympho không Hodgkin bao gồm HIV và Epstein-Barr. Vi khuẩn có liên quan đến bệnh là Helicobacter pylori.
  • Hóa chất. Một số loại hóa chất, chẳng hạn như hóa chất dùng để diệt côn trùng và cỏ dại, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho không Hodgkin. Cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu về mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và căn bệnh này.
  • Lớn tuổi. U lympho không Hodgkin có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên theo tuổi. Bệnh thường gặp nhất ở những người từ 60 tuổi trở lên.

6. Chẩn đoán bệnh u lympho không Hodgkin

Bác sĩ sẽ hỏi qua về bệnh sử của bạn và tiền sử sức khỏe của gia đình. Sau đó, họ sẽ thăm khám và đề nghị những xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Thăm khám. Bác sĩ sẽ khám các hạch bạch huyết bị sưng. Chúng nằm ở các vùng như cổ, dưới cánh tay và bẹn. Ngoài ra, họ còn thăm khám vùng bụng để phát hiện liệu lách và gan có sưng hay không.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu. Những xét nghiệm này có thể giúp loại trừ tình trạng nhiễm trùng và các bệnh khác.
Bạn sẽ được xét nghiệm máu để chẩn đoán u lympho không Hodgkin
  • Hình ảnh. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm hình ảnh để tìm các khối u trong cơ thể. Các xét nghiệm này bao gồm X-Quang, CT, MRI và chụp cắt lớp phát xạ positron [PET].
  • Xét nghiệm hạch bạch huyết. Bác sĩ có thể đề nghị thủ thuật sinh thiết hạch. Thủ thuật này sẽ lấy toàn bộ hoặc một phần hạch để làm xét nghiệm. Phân tích mô hạch bạch huyết có thể xác định liệu bạn có bị u lympho không Hodgkin hay không. Nếu có, xét nghiệm cũng sẽ cho biết bạn bị mắc loại gì.
  • Xét nghiệm tủy xương. Chọc hút và sinh thiết tủy là thủ thuật dùng kim đưa vào xương hông để lấy một mẫu tủy xương. Mẫu này sẽ được đem đi phân tích để tìm tế bào ung thư.

Các xét nghiệm và thủ thuật khác có thể được sử dụng tùy thuộc vào tình trạng của bạn.

Bạn có thể đọc thêm: Viêm hạch bạch huyết: Những điều cần hiểu đúng về bệnh.

Các giai đoạn của u lympho không Hodgkin

Sau khi bác sĩ đã xác định bạn mắc u lympho không Hodgkin, tiếp theo họ sẽ phân giai đoạn bệnh. Biết được giai đoạn ung thư giúp bác sĩ xác định được tiên lượng và các lựa chọn điều trị.

Các giai đoạn của bệnh u lympho không Hodgkin bao gồm:

  • Giai đoạn I. Ung thư chỉ giới hạn ở một vùng hạch bạch huyết hoặc một nhóm lân cận.
  • Giai đoạn II. Trong giai đoạn này, ung thư nằm ở hai vùng hạch bạch huyết hoặc đã xâm lấn một cơ quan và các hạch bạch huyết lân cận. Nhưng ung thư vẫn nằm trong giới hạn ở một phần của cơ thể, phần trên hoặc dưới cơ hoành.
  • Giai đoạn III. Khi ung thư di căn đến các hạch bạch huyết ở trên và dưới cơ hoành, nó được coi là giai đoạn III. Tế bào ung thư cũng có thể được tìm thấy trong lách.
  • Giai đoạn IV. Đây là giai đoạn tiến triển mạnh nhất của bệnh. Tế bào ung thư nằm tại nhiều cơ quan và mô trong cơ thể và gây ảnh hưởng đến chúng. Chẳng hạn như gan, phổi hoặc xương.

Ngoài ra, bác sĩ sử dụng chữ A và B để cho biết liệu bạn có đang gặp phải triệu chứng của bệnh hay không.

  • A nghĩa là bạn không có triệu chứng do bệnh.
  • B nghĩa là bạn có thể có triệu chứng của bệnh. Chẳng hạn như sốt kéo dài, sụt cân có ý nghĩa hoặc đổ mồ hôi đêm.

Có rất nhiều dạng u lympho không Hodgkin, bao gồm những dạng hiếm gặp. Chẩn đoán và phân giai đoạn chính xác là chìa khóa để xây dựng kế hoạch điều trị.

7. Điều trị bệnh u lympho không Hodgkin như thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng quát và ý kiến của bạn.

Điều trị không phải lúc nào cũng cần thiết

Nếu bệnh có vẻ tiến triển chậm thì việc theo dõi cũng là một lựa chọn được xem xét. Các u lympho không gây ra triệu chứng có thể không cần điều trị trong nhiều năm.

Trì hoãn điều trị không có nghĩa là bạn sẽ tự khỏi bệnh. Bác sĩ có thể sẽ lên lịch khám định kỳ vài tháng một lần để theo dõi bệnh tình trạng của bạn. Ngoài ra, điều này giúp họ đảm bảo rằng bệnh của bạn không tiến triển.

Điều trị u lympho gây ra các triệu chứng

Nếu bệnh tiến triển nhanh hoặc gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị. Những lựa chọn điều trị bao gồm:

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng thuốc – uống hoặc tiêm – để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể dùng một mình hoặc kết hợp với các loại khác. Trong một số trường hợp, chúng còn được sử dụng kèm với một phương pháp điều trị khác.

Hóa trị là một trong các phương pháp điều trị u lympho không Hodgkin

Tác dụng phụ của phương pháp này phụ thuộc vào loại thuốc bạn dùng. Những tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và rụng tóc. Những biến chứng lâu dài có thể xảy ra khi bạn thực hiện hóa trị. Chẳng hạn như tổn thương tim, phổi, các vấn đề về khả năng sinh sản và các bệnh ung thư khác [bệnh bạch cầu cấp].

Xạ trị

Xạ trị là sử dụng một chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và tia proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ nằm trên một chiếc bàn và một thiết bị phát xạ sẽ hướng chính xác tia xạ vào một vị trí trên cơ thể. Xạ trị có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác.

Bức xạ sẽ nhắm vào các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng và vùng lân cận mà bệnh có thể xâm lấn. Thời gian điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Một kế hoạch điều trị thường yêu cầu bạn đến bệnh viện 5 ngày một tuần và kéo dài vài tuần. Mỗi đợt xạ trị như vậy thường có thể kéo dài 30 phút.

Xạ trị có thể gây đỏ da và rụng lông, tóc tại vị trí chiếu xạ. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi áp dụng biện pháp này. Những rủi ro khác có thể kể đến như bệnh tim, đột quỵ, có vấn đề về tuyến giáp, khả năng sinh sản và các bệnh ung thư khác [ung thư vú hoặc ung thư phổi].

Ghép tủy

Ghép tủy còn được gọi là ghép tế bào gốc. Phương pháp này sử dụng thuốc hóa trị liều cao và xạ trị để ức chế tủy của bạn. Sau đó, tế bào gốc khỏe mạnh từ cơ thể của bạn hoặc của người hiến sẽ được truyền vào máu của bạn. Chúng sẽ đi đến xương và tạo lập lại tủy xương của bạn.

Những người được áp dụng phương pháp ghép tủy có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Các liệu pháp điều trị bằng thuốc khác

Thuốc điều trị sinh học có thể giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh ung thư.

Thuốc miễn dịch phóng xạ được tạo ra từ các kháng thể đơn dòng mang theo đồng vị phóng xạ. Điều này cho phép kháng thể bám vào tế bào ung thư và truyền bức xạ trực tiếp đến chúng.

Qua bài viết trên, mong gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích về u lympho không Hodgkin. Hãy thăm khám sớm ngay khi có những triệu chứng bất thường để kịp thời điều trị. Điều đó sẽ cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bạn.

Chủ Đề