Vai trò của sinh viên trong xây dựng chủ nghĩa xã hội

NÂNG CAO GIÁO DỤC Ý THỨC CHÍNH TRỊ CHO SINH VIÊN

TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Ở BẬC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HIỆN NAY

Tóm tắt

Giáo dục ý thức chính trị nói chung và giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên nói riêng có một vai trò quan trọng, góp phần trang bị cho sinh viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học, xây dựng nên nhân sinh quan, lý tưởng cách mạng và củng cố niềm tin của sinh viên đối với sự lãnh đạo của Đảng vào công cuộc đổi mới đất nước. Bài viết này bàn về vai trò của công tác giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa:Ý thức chính trị; Giáo dục ý thức chính trị; Sinh viên; Chủ nghĩa Mác Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Giáo dục ý thức chính trị (YTCT) là một bộ phận quan trọng của giáo dục và đào tạo ở bậc đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), là yêu cầu khách quan nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên (SV). Giáo dục YTCT có tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức và khả năng thực hành công việc của mỗi SV trong thực tiễn cuộc sống. Điều đó lại càng quan trọng hơn khi tình hình trong nước và quốc tế trong thời gian gần đây đang có những diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), về xác định con đường đi lên CNXH ở nước ta cần được làm sáng tỏ thêm về mặt lý luận. Vì vậy, việc giáo dục YTCT, lý luận cách mạng cho SV để đáp ứng thực được với tiễn cách mạng nước ta hiện nay là một yêu cầu hết sức cấp thiết. Về thực chất, giáo dục YTCT cho SV trong các trường ĐH, CĐ hiện nay là cung cấp những tri thức khoa học, tư tưởng trong lĩnh vực chính trị để góp phần chủ yếu vào việc hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho SV, hướng đến xây dựng những thế hệ SV có nhân cách trong sáng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Nó cùng với các khoa học khác và các hoạt động chính trị - xã hội góp phần bồi dưỡng nhân sinh quan cộng sản, lý tưởng cách mạng và niềm tin vào các giá trị của CNXH để SV có những hành động chính trị - xã hội tích cực mang tính nhân văn và tiến bộ.

2. Nội dung nghiên cứu

Giáo dục YTCT là một hoạt động nâng cao giác ngộ lý luận cộng sản, củng cố niềm tin vào tiền đồ cách mạng bằng các cơ sở khoa học, xác lập các công cụ nhận thức, nhằm giải quyết các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Theo Lênin, giáo dục YTCT là nhằm làm cho quần chúng nhân dân lao động hiểu biết về quy luật phát triển của xã hội, về thế giới quan khoa học, về đường lối, chính sách của đảng cách mạng, biến nó thành niềm tin, lý tưởng, những nguyên tắc đạo đức, giúp gạt bỏ những tàn dư của tư tưởng cũ, tiếp thu những tư tưởng mới tiến bộ, khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục và học tập YTCT là một cách tốt nhất để hạn chế và khắc phục những sai lầm trong chỉ đạo thực tiễn, nhất là bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Người chỉ rõ nguyên nhân của căn bệnh chủ quan là kém lý luận, coi khinh lý luận, hoặc lý luận suông. Theo Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác Lênin làhọc tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta[1].

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, ngày càng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và thế giới. Với vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tầng lớp tri thức, đặc biệt là SV là chủ nhân tương lai của đất nước, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của đất nước ta hiện nay. Để hoàn thành được sứ mệnh to lớn này, đòi hỏi SV phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và có lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với đường lối lãnh đạo của Đảng, kiên định với con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn, có niềm tin thắng lợi vào công cuộc đổi mới mà Đảng và nhân dân ta đang thực hiện. Vì vậy, việc giáo dục YTCT cho SV trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm hướng tới việc xây dựng con người trong thời kỳ cách mạng mới với những phẩm chất cách mạng và lý tưởng cao đẹp. Vai trò to lớn đó được thể hiện trên những phương diện sau đây:

3. Giáo dục YTCT cho SV nhằm trang bị cho SV thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác Lênin

Giáo dục YTCT trước hết là giáo dục lý luận Mác Lênin, trang bị tri thức về những nguyên lý, những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác, xây dựng lập trường thế giới quan cho SV. Đó chính là cái gốc để SV nhận thức và tiếp thu những nội dung tri thức khác.

Từ điển triết học đã định nghĩa về thế giới quan là«toàn bộ những nguyên tắc, quan điểm, niềm tin quy định hướng hành động và quan hệ của từng người, của một tập đoàn xã hội, của một giai cấp hay một xã hội nói chung đối với thực tại[2]. Trên góc độ khác, có thể hiểu thế giới quan là toàn bộ hệ thống tri thức, những quan niệm của con người về thế giới và vị trí, vai trò của chính con người trong thế giới đó. Như vậy, thế giới quan là yếu tố quy định nhận thức và mọi hành động thực tiễn của con người.

Về mặt cấu trúc, thế giới quan được tạo nên bởi các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, đó là tri thức, niềm tin và lý tưởng sống. Tri thức là kết quả nhận thức hiện thực dựa trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người, là yếu tố cơ bản, cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan. Song, tri thức chỉ trở thành thế giới quan khi trở thành niềm tin trong mỗi con người. Niềm tin là cái chi phối tình cảm, ý chí, hành động của con người. Nhờ có niềm tin, tri thức mới trở thành cơ sở cho hành động của mỗi người. Khi đã trở thành niềm tin, tri thức biến thành động cơ, động lực tinh thần cho hoạt động của con người, giúp con người xác định lý tưởng sống, và khi đó thế giới quan sẽ trở thành nhân tố định hướng quan trọng cho mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn.

Thực tế lịch sử cho thấy, con người cho dù là ý thức được hoặc không ý thức được thì bao giờ cũng được dẫn dắt, chi phối bởi một thế giới quan nào đó. Cơ sở để hình thành và phát triển thế giới quan là những nhận thức về tự nhiên và xã hội, là kết quả của quá trình giáo dục và những kinh nghiệm được tích lũy trong thực tiễn của con người. Đó chính là quá trình hình thành và phát triển các quan điểm, quan niệm, niềm tin về vai trò và khả năng của con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới.

Thế giới quan của mỗi người, đặc biệt là thế giới quan khoa học chỉ có thể là kết quả của một quá trình giáo dục tự giác. Việc giáo dục lý luận Mác Lênin cho SV trong các trường ĐH, CĐ có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thế giới quan khoa học thế giới quan duy vật biện chứng. Thế giới quan duy vật biện chứng được C.Mác, Ăngghen và Lênin xây dựng và phát triển. Khác với các loại hình thế giới quan trước đó, thế giới quan duy vật biện chứng là thế giới quan khoa học và cách mạng, là kết quả của sự phát triển lý luận và khoa học đương thời, là sự tổng kết các sự kiện lịch sử, đặc biệt là cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. Thế giới quan duy vật biện chứng là hệ thống tri thức khoa học, cùng những định hướng giá trị có tác dụng thúc đẩy con người hoạt động, cải tạo hiện thực. Thế giới quan duy vật biện chứng được cung cấp cho SV thông qua các môn khoa học Mác Lênin, các môn học này, đặc biệt là triết học Mác Lênin nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, cung cấp cho SV một cách nhìn khoa học đối với hiện thực khách quan và khẳng định vai trò, vị trí của con người trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Từ đó giúp họ có thái độ đúng đắn, khoa học đối với hiện thực khách quan, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng nhận biết, phân tích các vấn đề mới nảy sinh trên cơ sở tinh thần của thế giới quan Mác Lênin.

Thế giới quan Mác Lênin, thế giới quan duy vật biện chứng là thế giới quan duy vật triệt để, lập trường duy vật được thể hiện không chỉ trong giải thích các hiện tượng tự nhiên mà cả trong giải thích các vấn đề xã hội, lịch sử, tinh thầnthế giới quan duy vật biện chứng giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản của triết học trên cơ sở thực tiễn, nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa điều kiện vật chất với sự phát triển của tư duy, ý thức, đồng thời đây cũng là thế giới quan có sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính thực tiễn sâu sắc. Thế giới quan của chủ nghĩa Mác Lênin, mà linh hồn của nó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là hệ thống lý luận khoa học và cách mạng nhất, là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Thế giới quan này, đã và sẽ là một công cụ tư duy quan trọng nhất trong việc định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta nói chung và SV nói riêng trong hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn.

Giáo dục lý luận Mác Lênin không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức lý luận góp phần hình thành thế giới quan khoa học mà còn trang bị phương pháp luận duy vật biện chứng cho các thế hệ SV Việt Nam.

Sinh thời, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác Lênin đặc biệt coi trọng vai trò của phương pháp, nhất là phương pháp cách mạng. Theo C.Mác thì vấn đề không phải chỉ là chân lý mà con đường đi đến chân lý cũng đóng vai trò rất quan trọng, con đường đó (tức là phương pháp) cũng phải có tính chân lý. Việc quan tâm đến quá trình hình thành, vị trí, vai trò của phương pháp đã làm cho phương pháp trở thành đối tượng nghiên cứu của lý luận đặc biệt, được gọi là phương pháp luận. «Phương pháp luận là hệ thống những quan điểm, những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo của chủ thể hoạt động trong việc xác định phương pháp cũng như xác định phạm vi, khả năng áp dụng chúng một cách hợp lý và có hiệu quả»[3].

Giáo dục lý luận Mác Lênin trang bị cho SV phương pháp luận biện chứng, giúp SV có được công cụ nhận thức sắc bén để định hướng và hành động trong thực tiễn. Giá trị định hướng là một trong những biểu hiện cụ thể của phương pháp luận. Phương pháp luận Mác Lênin trong mọi trường hợp đều giúp cho chủ thể hoạt động thực tiễn bao giờ cũng có một lập trường xuất phát nhất định, giúp thấy được phương hướng vận động chung của đối tượng, từ đó giúp xác định về con đường, phương hướng cần thực hiện, tránh được những sai lầm, mò mẫm về đường lối.

4. Giáo dụcYTCTcho SV nhằm xây dựng nhân sinh quan cách mạng

Bên cạnh việc trang bị những tri thức đúng đắn để hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lý luận Mác Lênin còn góp phần xây dựng nhân sinh quan cách mạng cho SV. Sở dĩ như vậy vì chính thế giới quan khoa học, đúng đắn lại trở thành tiền đề để xác lập nhân sinh quan tích cực cho con người, xây dựng trong họ những quan niệm thích cực về cuộc đời, về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, nó giúp SV hiểu được mục đích cao nhất của con người là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó mỗi người có một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Một xã hội mà «sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người»[4].

Các môn khoa học Mác Lênin từng bước xây dựng và bồi dưỡng nhân sinh quan cách mạng cho SV bằng việc trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, về lý luận cách mạng XHCN và về kinh tế chính trị học mác xít. Từ đó giúp SV có thái độ đúng đắn, khoa học đối với hiện thực, có khả năng nhận biết, phân tích các vấn đề mới nảy sinh trên tinh thần thế giới quan Mác Lênin. Điều này tạo cho mỗi SV niềm lạc quan cách mạng, lòng tin vững chắc vào thắng lợi của CNXH, xây dựng trong bản thân mỗi SV thái độ lạc quan để vượt qua thử thách trên con đường làm chủ nhân tương lai của đất nước.

Xuất phát từ thế giới quan duy vật, từ việc xác định rõ vị trí và vai trò của con người trong thé giới, lý luận Mác Lênin đã chỉ ra mục đích cao cả của cuộc sống con người là vì sự nghiệp giải phóng con người. Mỗi con người chỉ đạt được lợi ích nhu cầu cá nhân cao nhất khi nhận thức đúng đắn, tự nguyện, tự giác thực hiện lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc mình.

Giáo dục YTCT không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức lý luận góp phần hình thành thế giới quan khoa học, mà còn phải bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ SV. Lý tưởng cách mạng giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách SV bởi vì nó là mục đích cao nhất, tốt nhất tạo ra nghị lực phi thường giúp con người vượt qua mọi thách thức để đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu cao nhất của lý tưởng cách mạng hiện nay là xây dựng thành công xã hội XHCN trên đất nước ta và sau này tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Một chế độ xã hội không còn áp bức bóc lột, con người được sống trong tự do, bình đẳng và hạnh phúc. SV khi tiếp nhận những tri thức khoa học của chủ nghĩa Mác Lênin sẽ tìm kiếm được sức mạnh từ chính bản thân tri thức ấy để vươn lên, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, tin tưởng vào sự tất thắng của CNXH. Có niềm tin, có hoài bão, SV sẽ có ý chí thực hiện lý tưởng. Việc thực hiện lý tưởng cách mạng không phải là cái gì trừu tượng, xa vời mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân mỗi SV cần xác lập ý chí học tập để sau này góp phần xây dựng tổ quốc. Đồng thời, mỗi SV cần có tin thần đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận SV khác sống thiếu trách nhiệm, mất phương hướng, lòng tin, lý tưởng, sa vào cuộc sống hưởng thụ, thực dụng, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, vô cảm với lợi ích đồng loại, lợi ích dân tộc.

Sự hình thành và phát triển nhân cách của SV dưới tác động của giáo dục YTCT cũng chính là quá trình hình thành trong mỗi SV những phẩm chất cần thiết, sự trưởng thành đến độ nhất định về mặt xã hội, giúp SV nâng cao nhận thức lý luận, nâng cao YTCT, làm cho bản thân mỗi SV nhạy bén với thực tiễn, xử lý tốt các tình huống nảy sinh trong thực tiễn, sống có lý tưởng, có ước mơ để học tập, phấn đấu và cống hiến.

5. Giáo dụcYTCTnhằm làm cho SV thấm nhuần và thực hiện đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Giáo dục YTCT cho SV phải làm cho SV thấm nhuần đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hăng hái thu đua học tập, lao động, xung kích đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là kết quả vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp học viên hiểu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức đầy đủ hơn quy luật khách quan của sự phát triển đất nước cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sẽ rất sai lầm khi chúng ta chỉ chú ý giáo dục cho SV những kiến thức văn hóa đơn thuần, mà không coi trọng đến việc giáo dục cho SV thấy rõ được những thành công, hạn chế và những khó khăn thử thách trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, và trách nhiệm của mỗi SV trong việc thực hiện nghĩa vụ học tập và xây dựng đất nước.

Củng cố niềm tin vào Đảng, vào công cuộc đổi mới còn đồng nghĩa với việc SV tự nguyện gắn bó mình với cộng đồng, với xã hội, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ«hiểu chủ nghĩa Mác Lênin là phải sống có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác Lênin được»[5]. Đối với mỗi SV, bên cạnh trình độ chuyên môn tốt để thích ứng với sự phát triển của thời đại còn cần phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, có nhân cách cao đẹp, phải vừahồngvừachuyên, vừa có đức vừa có tài. Có như vậy SV mới trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chế độ xã hội mới chế độ xã hội XHCN ở nước ta.

6. Giáo dụcYTCTgóp phần định hướng đúng đắn cho SV về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đồng thời góp phần hình thành nâng cao và hoàn thiện nhân cách cho SV

Giáo dục YTCT cần phải làm cho SV có nhận thức đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, hiểu được đây là con đường phát triển tất yếu của dân tộc. Mục tiêu này đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định ngay từ khi Đảng ra đời, nó vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người, vừa đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước bước vào quá trình hội nhập, cách mạng nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội lớn, nhưng cũng có nhiều những thách thức và nguy cơ, thì vấn đề độc lập dân tộc và CNXH phải được xem như mục tiêu song hành. Liên quan đến công tác giáo dục YTCT cho SV, có thể kể đến bốn nguy cơ chính đó là: chệch hướng XHCN; diễn biến hòa bình; đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và nạn tham nhũng. Chỉ có kiên với định hướng CNXH, chúng ta mới có thể tránh được các nguy cơ trên và mới có độc lập dân tộc thực sự.

Giáo dục YTCT cho SV nhằm hình thành cho SV niềm tin tưởng ở tương lai đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. SV cần phải có niềm tin thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước. Khi có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng sẽ có tác động tích cực tới nhận thức và thái độ SV. Có niềm tin cách mạng SV sẽ có định hướng, có ý thức phấn đấu tốt, hành động mạnh mẽ, kiên quyết, tự giác, không thụ động. Ngược lại, nếu SV không có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà mình đang tham gia thì sẽ nảy sinh thái độ thụ động, thờ ơ, dễ đánh mất lý tưởng. Do đó, thái độ tích cực đối với sự nghiệp cách mạng như một yêu cầu không thể thiếu trong ý thức chính trị của SV nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Giáo dục truyền thống dân tộc cho SV là nội dung quan trọng trong giáo dục YTCT. Truyền thống dân tộc Việt Nam được hình thành trong điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử, làm nên những bản sắc riêng cho dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam được gìn giữ, vun đắp và ngày càng phát triển phong phú. Giáo dục truyền thống dân tộc cho SV là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, góp phần nâng cao YTCT, nâng cao trách nhiệm của SV trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc lên một tầm cao mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại..

Kết luận

Giáo dục YTCT là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng nói chung và công tác giáo dục đào tạo ở các trường ĐH, CĐ ở nước ta nói riêng. Vấn đề cốt yếu nhất trong giáo dục YTCT cho SV nước ta hiện nay là giáo dục lý tưởng XHCN, xây dựng con người Việt Nam mới có nhân cách sống cao đẹp, sống nhân văn, nhân ái, có ý thức xây dựng và bảo vệ giai cấp công nhân, nhân dân lao động, bảo vệ những thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương giành được.

SV là những thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng, là tầng lớp tri thức chủ yếu trong công cuộc xây dựng CNXH ở đất nước ta hiện nay. Việc giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện YTCT cho SV có liên quan đến xu thế phát triển trong tương lai của dân tộc, đến sự thành bại của cách mạng, đến định hướng XHCNDo đó, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc giáo dục những kiến thức chuyên môn để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, gắn với nền kinh tế tri thức. Sự nghiệp xây dựng đất nước ta đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết là phải tăng cường giáo dục về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là vấn đề giáo dục YTCT cho SV để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.497.

2.Từ điển triết học, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.108.

3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam,Từ điển bách khoa Việt Nam,tập 3, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2003, tr.521.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen,Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.

5 Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.554.

- Vũ Thị Yến - Trường Đại học Điện lực-