Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam

(Tổ Quốc) - Chưa bao giờ ẩm thực đường phố Việt Nam lại nhận được sự chú ý nhiều như thời điểm hiện tại.  Các món ăn đường phố bình dân chiếm một phần rất quan trọng trong nền ẩm thực Việt Nam. Từ phở, bún, bánh mỳ cho đến cà phê trứng…, ẩm thực đường phố Việt Nam đang ngày càng trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.

Những món ăn Việt Nam quen thuộc với tín đồ ẩm thực toàn cầu

Mới đây trên Stuff.co.nz – một trong những trang tin tức có lượng người xem nhiều nhất của New Zealand, một cộng tác viên đã viết về những trải nghiệm của cô trong chuyến đi tới Việt Nam, đồng thời gọi Việt Nam là một điểm đến hàng đầu của năm 2018, đặc biệt là cho những tín đồ ẩm thực.

Quả thật, dải đất hình chữ S đang trở nên ngày một nổi tiếng, không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên quyến rũ, những nét văn hóa hấp dẫn vv, mà còn nhờ nền ẩm thực đường phố cực kỳ đa dạng và… ngon miệng.

Trong những năm gần đây, những món ăn bình dân Việt Nam – vốn không hề xa lạ trên những con phố từ Bắc vào Nam – ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các nhà hàng và trở thành một xu thế ẩm thực mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi Chả cá Lã Vọng từng có tên trong cuốn sách “1000 điểm phải đến trước khi bạn qua đời” (1000 Places to See before You Die) của Patricia Schultz, thì các món ăn đường phố quen thuộc khác của Việt Nam cũng không hề kém cạnh.

Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
 Phở là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Cà phê trứng Việt Nam, một trong 17 loại cà phê nhất định phải thử trên thế giới.

Phở từng được CNN xếp vào danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới và là món ăn khiến người thưởng thức dễ phải lòng. Cuốn từ điển tiếng Anh Oxford thậm chí còn dành riêng hẳn phần định nghĩa cho từ “phở”, thay vì dùng từ “noodle” để chỉ chung các món ăn có sợi.  Năm 2012, bún riêu của Việt Nam đã lọt top những món ăn đường phố hấp dẫn nhất của châu Á, trong khi năm 2014, một bình chọn của National Geographic đã tôn vinh bún chả Hà Nội là một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Một đại diện của ẩm thực miền Trung, bún bò Huế cũng đã khiến đầu bếp nổi tiếng thế giới người Mỹ Anthony Bourdain phải thốt lên: “Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới”.

Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Đầu bếp Anthony Bourdain là một fan của ẩm thực đường phố Việt.
Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả, uống bia Hà Nội.

Trong số các loại bánh đường phố Việt Nam, bánh mỳ chính là ngôi sao sáng nhất ở thời điểm hiện tại . Nó không chỉ có tên trong 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới do Hufington Post bình chọn, mà còn lọt top 10 món sandwich (bánh kẹp) ngon nhất thế giới của trang traveller.com.au. Các quán bánh mỳ do cả người Việt lẫn người nước ngoài làm chủ, mọc lên “như nấm” tại khắp các ngõ ngách thế giới. Không phải tự nhiên mà tờ South China Morning Post còn lập hẳn một “bản đồ” các quán bánh mỳ Việt Nam ngon nhất tại Hong Kong.

Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Ngôi sao võ thuật Hong Kong Châu Tử Đan và vợ tại hàng bánh mỳ Phượng nổi tiếng ở Hội An.

Không chỉ đồ ăn, thức uống Việt Nam cũng được “vang danh” trên bản đồ ẩm thực thế giới với món đồ đặc trưng của Hà Nội – cà phê trứng. “Cà phê trứng thực sự là một khám phá mới trong hành trình của tôi đến Việt Nam. Tôi đã từng uống cà phê ở nhiều nơi, nhưng cà phê ở Hà Nội là ấn tượng hơn cả, đặc biệt là cà phê trứng”, blogger nổi tiếng Jodi Ettenberg chia sẻ trên trang du lịch AFAR. Cà phê trứng cũng được trang tin tức hàng đầu Buzzfeed xếp hạng đầu tiên trong danh sách 17 loại cà phê bạn nên uống thử khi du lịch thế giới.

Được lựa chọn bởi những người nổi tiếng

Năm 2017, người yêu ẩm thực Việt Nam hẳn khó có thể quên được hình ảnh các nguyên thủ thế giới “hòa mình” thưởng thức sự đa dạng khó cưỡng của văn hóa ẩm thực đường phố Việt. Thủ tướng Canada Justin Trudeau dừng chân tại một quán cà phê vỉa hè tại quận 1 Sài Gòn để uống một cốc cà phê 30.000 đồng; trong khi giữa lịch trình bộn bề của APEC 2017, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull đã không tiếc thời gian chờ đợi ổ bánh mỳ 10.000 đồng tại một tủ bánh mỳ bình dân  ở Đà Nẵng.

Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại một quán cà phê vỉa hè Sài Gòn.
Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
 Thủ tướng Australia Malcom Turnbull ăn bánh mỳ cùng đầu bếp người Australia gốc Việt Luke Nguyễn. 

Ngược lại một năm trước đó, trong chuyến thăm tới Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama  cũng “gây sốt” khi bất ngờ ghé thăm một quán bún chả trong phố cổ Hà Nội. Đây không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên bị chinh phục bởi ẩm thực Việt Nam. Người ta kể rằng, năm 2000, cựu Tổng thống Bill Clinton đã để chuyên cơ và dàn vệ sĩ đứng chờ cả tiếng đồng hồ để ông thưởng thức bằng hết… hai bát phở “chuẩn vị” tại Việt Nam.

Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại một quán phở năm 2000.
Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Sunny, một thành viên ban nhạc SNSD đăng ảnh bún chả Việt Nam trên Instagram.

Ẩm thực đường phố cũng là một trong những điểm hấp dẫn nhất mà các ngôi sao thế giới không thể bỏ qua khi đặt chân tới Việt Nam. Một vài năm gần đây chứng kiến làn sóng các chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc và các sao Hàn “đua nhau” thưởng thức đồ ăn bình dân Việt Nam. Trong khi đó, nhiều sao Âu – Mỹ khác cũng đã không giấu được lời khen ngợi cho những phở, bánh mỳ, bún chả… của Việt Nam.

Sẽ có quán ăn bình dân Việt đạt sao Michelin?

Hệ thống đánh giá sao Michelin vẫn được coi là một trong những thước đo chuẩn mực cho chất lượng các nhà hàng, cũng như sự phát triển nền ẩm thực của một quốc gia. Tuy nhiên, để có được sao Michelin, các nhà hàng không chỉ sở hữu đồ ăn ngon mà còn phải đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn khắt khe về không gian nhà hàng, phong cách phục vụ, vệ sinh… Chính vì vậy, thông thường sao Michelin chỉ được trao cho các nhà hàng cao cấp của các đầu bếp hàng đầu thế giới.

Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam
Đầu bếp nổi tiếng người Anh Gordan Ramsay từng đến Việt Nam và đưa món ăn Việt Nam vào chương trình Master Chef của mình.

Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, phạm vi đánh giá của Michelin đã được mở rộng hơn đến cả ẩm thực đường phố. Bằng chứng là sao Michelin đã được trao cho một nhà hàng dim-sum bình dân tại Hong Kong vào năm 2010, một gian hàng cơm -  mỳ xì dầu tại Singapore vào năm 2016, và mới đây nhất, chỉ hai tháng trước, là cửa hàng chuyên các món đường phố đã 70 năm tuổi tại Bangkok.  

Điều này khiến các tín đồ ẩm thực Việt không giấu nổi hy vọng rằng, một ngày nào đó trong tương lai rất gần, sẽ có một nhà hàng bình dân Việt Nam nhận sao Michelin. Tại sao lại không thể, khi ẩm thực đường phố Việt Nam, bên cạnh thực lực sẵn có, lại đang sở hữu đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa?