Văn học là tấm gương phản ánh thời đại

Thời nào văn ấy

Đinh Quang Tốn

08:35 18/01/2018

Văn chương là tấm gương phản chiếu thời đại nên thời nào văn ấy. Lịch sử văn chương nước nhà đã minh chứng điều này rất rõ. Thời đại Lý - Trần - Lê với những chiến thắng hào hùng chống xâm lược Tống - Nguyên - Minh đã ra đời những thiên cổ hùng văn mà tiêu biểu là Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, và Bình Ngô đại cáo.

1. Trước đây khi nói về văn chương mọi người thường nói: Văn chương là tấm gương phản chiếu thời đại? Từ khi Đổi mới, không thấy mấy người nói như thế nữa. Hình như người ta sợ nói như thế là cũ, là thuộc phái bảo thủ, không đổi mới. Thực ra thì câu ấy đúng đấy chứ! Đã đúng thì không thể là cũ. Câu nói trên khác với câu Văn chương phản ánh hiện thực. Phản chiếu thời đại khác với phản ánh hiện thực. Phản ánh hiện thực là vật chất hóa, còn phản chiếu thời đại là hồn, là tinh thần. Đánh giá về đại văn hào L.Tônxtôi, V.I. Lênin gọi tác phẩm của ông là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga. Dù Lênin đã mất rồi và Liên bang Xô viết không còn thì lời nhận định ấy vẫn đúng. Đúng bởi tất cả tác phẩm của L.Tônxtôi là phản chiếu thời đại của ông, nước Nga cuối thế kỷ XIX, một nước Nga đang chuyển động, đêm trước cuộc cách mạng tháng Mười. Lịch sử đã diễn ra rồi, không ai có thể phủ nhận.

Văn chương là tấm gương phản chiếu thời đại nên thời nào văn ấy. Lịch sử văn chương nước nhà đã minh chứng điều này rất rõ. Thời đại Lý - Trần - Lê với những chiến thắng hào hùng chống xâm lược Tống - Nguyên - Minh đã ra đời những thiên cổ hùng văn mà tiêu biểu là Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, và Bình Ngô đại cáo. Từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, đất nước bi thương bởi chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, chế độ xã hội thối nát, đời sống nhân dân cực khổ đã sản sinh ra những tiếng kêu đứt ruột: Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Vũ Trung tùy bút...

Thế kỷ XX, văn chương nước nhà bắt đầu nhịp bước cùng thế giới, chứ không phải bây giờ chúng ta mới mở cửa giao lưu đâu. Tất nhiên bây giờ chúng ta mở rộng hơn và thúc đẩy giao lưu mạnh hơn. Nền văn chương nước nhà đầu thế kỷ XX đã nói về cái tôi cá thể rồi. Thì Thơ Mới và văn của Tự lực văn đoàn đấy thôi, đâu phải đến bây giờ người viết thế hệ 7X, 8X, 9X mới đi tìm! Có điều, thế kỷ XX lịch sử dân tộc tập trung vào hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ, nên văn chương mang âm hưởng anh hùng ca, mà tôi dám khẳng định là âm hưởng ấy còn vang vọng đến mai sau, dù bây giờ có một số người không muốn nói thế. Còn bây giờ đổi mới rồi, thời đại bây giờ là thời đại Đổi mới thì văn chương cũng đang đổi mới. Nhưng để có được những tác phẩm lớn thời đổi mới thì hãy viết nên những tấm gương phản chiếu thời đại thời cơ chế thị trường, chứ chỉ những thứ vụn vặt của góc khuất tâm hồn, hay những trò chơi phô diễn chữ thì e rằng nó thực sự là một trò chơi vô tăm tích.

Nhìn ra thế giới, văn chương của các dân tộc, cũng thời nào văn ấy cả. Nhà thơ trữ tình, mặt trời thi ca nước Nga thế kỷ XIX A. Puskin cũng từng viết trong bài “Nhà tiên tri”: Hãy bay đi khắp thế gian/ Mà đem lời nói đốt tim muôn người, dẫu ông chỉ cổ vũ cho những nhà cách mạng dân túy. Ô.Banzắc của Pháp [1799 - 1850] với nhiều tác phẩm đâu chỉ là người thư ký trung thành của thời đại, mà những tác phẩm ấy đều là tấm gương phản chiếu, là hồn của thời đại ấy, thời tích lũy tư bản chủ nghĩa bẩn thỉu. Nhìn sang nền văn chương đổi mới của đất nước Trung Hoa mà nhiều tác phẩm đã được dịch vào nước ta thì thấy sự chao động cũng ghê gớm. Tuy nhiên, đọc lên thì thấy có tiếng gầm gào, có tiếng la hét, có tiếng rên rỉ... nhưng nó cũng có tầm vóc âm hưởng thời đại của thị trường một đất nước đất rộng người đông.

Tôi có cảm tưởng một số cây bút trẻ những năm gần đây thường làm ít nói nhiều. Theo tôi những người viết văn nên phát biểu bằng tác phẩm của mình là chính. Ngoài ra thì có thể phát ngôn, nhưng phải có tác phẩm đảm bảo. Mà phát ngôn không nên cao hơn tác phẩm. Thời nào văn ấy rồi! Nhưng cũng còn người nào văn ấy nữa.

2. Là người làm thơ viết văn ai cũng muốn những gì mình viết ra có giá trị vĩnh cửu. Nhưng điều ấy khó vô cùng. Đối với những nhà thơ nhà văn đích thực, mong ước ấy có khi cũng không đạt được một phần trăm. Còn văn chương trong cơ chế thị trường này, phấn đấu để một phần nghìn số tác phẩm xuất bản còn lại với thời gian e rằng cũng rất khó. Thì cứ thử tính, mỗi năm nước ta có một nghìn tác phẩm gọi là văn chương được in ấn, sao còn lại được một tác phẩm sống mãi với thời gian đã quý lắm rồi. Nếu mỗi năm có một tác phẩm bất tử thì sau hơn ba chục năm đổi mới, nền văn chương nước nhà phải có được hơn ba mươi tác phẩm đặc sắc. Các nhà văn và những người yêu văn chương thử đếm xem có được không?

Nhưng làm thế nào để có được những tác phẩm hay, tác phẩm sống mãi với thời gian thì không ai có thể trả lời quả quyết được. Chúng ta có thể biết những yếu tố chung nhất, đường hướng, phương pháp để tác phẩm hay có thể ra đời. Nhưng cuộc sống luôn luôn có những yếu tố bất ngờ. Có khi có đầy đủ các yếu tố để người tài, tác phẩm hay xuất hiện, nhưng thực tế thì nó vẫn không xuất hiện. Mà nó lại xuất hiện một cách bất ngờ ở những nơi còn thiếu những yếu tố thuận lợi đó. Thì đấy bao nhiêu nhà thơ ở thành phố đầy tri thức, đầy không khí văn chương nhưng đã không đẻ ra thần đồng thơ ca. Trần Đăng Khoa thì lại ra đời ở một vùng quê không có gì đặc sắc, mà bố mẹ thần đồng hoàn toàn là nông dân thuần túy.

Còn có nhiều người viết văn làm thơ đã khôn ngoan chỉ sáng tác về những chủ đề bất tử như tình yêu, thân phận con người. Tưởng rằng có thể bám vào đề tài, chủ đề muôn thuở để sống với muôn đời. Nhưng nếu để bất tử mà dễ thế thì rồi để đâu cho hết tên tuổi và tác phẩm mà các thế hệ sau phải mang vác? Thực tế, những người cố tình lựa chọn đề tài sáng tác thì tác phẩm của họ may ra cũng chỉ được nhắc đến trong văn học sử khi nhắc đến đề tài đó mà thôi. Mà người đẹp thật sự thì không thể là của riêng làng nào, ngõ phố nào cả!

Lại nhiều người sợ viết về những đề tài thời sự. Làm như thể viết theo yêu cầu của cuộc sống thì tác phẩm chỉ có giá trị nhất thời. Thật là một sự nhầm lẫn to lớn. Tất cả những tác phẩm bất tử đều là những tác phẩm ra đời theo yêu cầu của cuộc sống. Cuộc sống cần có tác phẩm ấy thì tác phẩm ấy ra đời. Lựa chọn thế nào được! Chính cuộc sống đẻ ra những tài năng và tác phẩm danh tiếng. Mà những tác phẩm kết tinh giá trị văn chương của một thời thì sẽ có giá trị mãi mãi. Này nhé tác phẩm Chinh phụ ngâm là tiếng nói oán thán chiến tranh phi nghĩa của thế kỷ XVII – XVIII, mà thế kỷ XX với hai cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Pháp và chống Mỹ, sao tác phẩm này vẫn được đề cao? Tôi không đồng tình với Trần Đăng Khoa khi anh viết trong tác phẩm Chân dung và đối thoại rằng: Còn không ít những cuốn sách khác được gọi là tiểu thuyết chỉ là sản phẩm của một thời, thậm chí hạn hẹp hơn là sản phẩm của một cơ chế.

Khi hợp tác xã nông nghiệp chia ruộng đất cho từng gia đình, làm ăn cơ bản như thời chưa có hợp tác xã, những cuốn sách viết về nó còn có ma lực cho các thế hệ sau nữa không? Và như thế toàn bộ sự nghiệp của ông Đào Vũ, ông Chu Văn và bà Nguyễn Thị Ngọc Tú sẽ được đưa lên cái cân bé tý đầy sóng gió này. Thực ra, cân một tác phẩm văn chương là cân ở tài năng chứ không phải ở đề tài. Thì bây giờ các chiến sĩ cộng sản có còn ai bị tù đày đâu, chẳng nhẽ vì thế mà giá trị của tác phẩm Nhật ký trong tù lại giảm đi?

Chủ đề: Thời nào văn ấy

1. Văn chương bao giờ cũng phải bắt nguồn từ cuộc sống. Grandi từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương. Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và hút mật ngọt từ nguồn sống dồi dào đó. Ai đó đã từng ví văn học và cuộc sống như thần Ăng Tê và Đất Mẹ. Thần trở nên vô địch khi đặt hai chân lên Đất Mẹ cũng như văn học chỉ cường tráng và dũng mãnh khi gắn liền với hiện thực đời sống. Đầu tiên và trên hết, văn chương đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật chất hiện thực. Hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là chất mật làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học. Một tác phẩm có giá trị hiện thực baọ giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống. Những tác phẩm kinh điển bao giờ chở đi được những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống. Cánh diều văn học dù bay cao bay xa đến đâu vẫn gắn với mảnh đất cuộc sống bằng sợi dây hiện thực mỏng manh mà vô cùng bền chắc. Lê Quý Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được” chính là khẳng định vai trò của hiện thực cuộc sống đối với thơ nói riêng vả văn học nói chung. Nếu văn chương tách rời khỏi dòng chảy cuộc đời sẽ không thể vươn tới giá trị đích thực của nó, không còn là nghệ thuật vị nhân sinh được nữa. Chế Lan Viên đã từng thấm thía vấn đề này: “Tôi đóng cửa phòng văn hì hục viết Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày” Văn chương của người nghệ sĩ sẽ có gì nếu nó không mang dáng dấp cuộc đời? Có chăng chỉ là những dòng chữ rời rạc bị bẻ vụn mà thôi. Song có phải người nghệ sĩ phản ánh toàn bộ những biến đổi, những sự việc của nhân tình thế thái vào tác phẩm thì tác phẩm sẽ trở thành kiệt tác? Thành tác phẩm chân chính giữa cuộc đời? Không phải như vậy. 2. Văn chương cần phải có sự sáng tạo. Bởi sáng tạo là quy luật đặc thù của văn học, là điều kiện tiên quyết của văn học. Theo Tề Bạch Thạch: “Nghệ thuật vừa giống vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời”. Nghệ thuật thường vừa hư vừa thực, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường. Mỗi tác phẩm văn học, mỗi nhân vật, mỗi câu chữ trong tác phẩm phải tạo được sự bất ngờ, lý thú đối với người đọc. Cùng viết về con người những năm 1930 – 1945, người đọc bắt gặp bao dáng cấy, dáng cày nhọc nhằn vất vả. Nhưng đọc “Chí Phèo” của Nam Cao, người đọc bao đời vẫn dâng lên cảm xúc đau đớn, xót xa trước sự quằn quại, quẫy đạp của con người trước Cách mạng tháng Tám khi họ buộc phải lựa chọn giữa hai con đường: sống thì phải làm quỷ, không muốn làm quỷ thì phải chết. Chí Phèo đã chết giữa ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện để giữ lấy nhân cách cho bản thân. Đọc “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, người đọc lại cảm thương trước cuộc sống mỏi mòn, leo lét của hai đứa trẻ. Chúng đang âm thầm tiến đến cái “chết” ngay khi còn sống. Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, độc giả chợt nhận ra “cái đẹp cứu vãn thế giới”, cái đẹp về nhân cách và tài năng của Huấn Cao đã “cảm được tấm lòng trong thiên hạ” của Quản Ngục. Rõ ràng, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Tuân,... bằng tài năng của mình đã tạo nên những khám phá riêng đầy giá trị trên nền hiện thực xã hội. Các nhà văn ấy đã chứng minh cho quy luật: Nghệ thuật không chấp nhận sự lặp lại của người khác cũng như lặp lại chính bản thân mình, không chấp nhận sự sao chép đời sống bởi “chân lý nghệ thuật chỉ thống nhất chứ không đồng nhất với chân lý đời sống”. Tác phẩm văn học là tấm gương soi chiếu hiện thực cuộc sống nhưng phải qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Chính vì vậy, hiện thực trong tác phẩm còn thực hơn hiện thực ngoài đời sống vì nó đã được nhào nặn qua bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ hơi thở của thời đại mà cả sức sống tư tưởng và tâm hồn người viết. Hiện thực đời sống không phải chỉ là những hiện tượng, những sự kiện nằm thẳng đơ trên trang giấy mà phải hòa tan vào trong câu chữ, trở thành máu thịt của tác phẩm. Chất hiện thực làm nên sức sống cho tác phẩm và chính tài năng người nghệ sĩ đã bất tử hóa sức sống ấy. Ví dụ: Cùng viết về số phận, cảnh người nông dân trước cách mạng tháng Tám nhưng Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân, Nam Cao,.. đều có những cách nhìn, cách khám phá khác nhau. - Ngô Tất Tố đi sâu vào phản ánh nỗi thống khổ của những người nông dân nghèo trước nạn sưu thuế. - Nguyễn Công Hoan khai thác nạn cướp ruộng đất. - Vũ Trọng Phụng nhìn thấy nỗi khổ của người dân bởi nạn vỡ đê. - Kim Lân đau đớn trước thảm cảnh nạn đói 1945 - hậu quả của chế độ thực dân phát xít. - Nam Cao - sâu sắc và lạnh lùng khi khám phá ra con đường tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân. Tác phẩm của Nam Cao là tiếng chuông: hãy cứu lấy con người. Nam Cao là nhà văn có cái nhìn sắc bén về hiện thực xã hội. *Chú ý: Trong sáng tạo văn học, nhà văn luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi văn học không chỉ phản ánh đời sống mà còn biểu hiện thế giới quan của nhà văn: “Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Tất cả những gì hiện diện trong sáng tác của nhà văn dường như đều được lọc qua lăng kính chủ quan của họ.

Video liên quan

Chủ Đề