Ví dụ về chức năng giao tiếp của ngôn ngữ

Hai chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ là: chức năng làm công cụ giao tiếp và chức năng làm công cụ tư duy.

1. Chức năng công cụ giao tiếp

1.1 Giao tiếp là gì?


Giao tiếp là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa các thành viên trong xã hội để trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm và để bày tỏ thái độ của bản thân với thế giới xung quanh. Giao tiếp là nhu cầu có tính bản năng của sinh vật bậc cao và là nhu cầu đặc biệt thiết yếu với con người. Hoạt động giao tiếp có ngay từ khi có con người và xã hội loài người, và ngày càng phong phú, đa dạng cùng với sự phát triển của con người và xã hội. Con người và xã hội không thể thiếu hoạt động giao tiếp. Nhờ có hoạt động giao tiếp, con người mới dần trưởng thành để có được những đặc trưng xã hội và xã hội loài người mới dần hình thành và phát triển. Ðặc điểm của hoạt động giao tiếp là bao giờ cũng xảy ra trong một hoàn cảnh nhất định, với những phương tiện nhất định và nhắm một mục tiêu nhất định.


1.2 Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất

a. Về các công cụ giao tiếp xã hội không phải là ngôn ngữ: Loài người đã tiến hành giao tiếp bằng nhiều loại công cụ. Nhưng những công cụ này dù có những ưu điểm mà ngôn ngữ không có nhưng lại có nhiều hạn chế và không thể quan trọng bằng ngôn ngữ. Cử chỉ, nét mặt, dáng điệu là những phương tiện giao tiếp quan trọng. Nhưng so với ngôn ngữ, chúng thật nghèo nàn và hạn chế. Không một cử chỉ nét mặt nào có thể diễn đạt một nội dung chẳng hạn Thế nào là giao tiếp bằng ngôn ngữ? Hơn nữa nhiều cử chỉ có ý nghĩa không rõ ràng, chính xác. Người tạo cử chỉ nghĩ một đằng, người tiếp thu nó hiểu một cách khác. Các ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, khiêu vũ... đều là những công cụ giao tiếp rất quan trọng của con người. Chúng có những khả năng to lớn và kì diệu nhưng vẫn bị hạn chế nhiều mặt so với ngôn ngữ. Chúng không thể truyền đạt khái niệm và tư tưởng mà chỉ khơi gợi chúng trên cơ sở những hình ảnh thính giác hay thị giác gây ra được ở người xem. Những tư tưởng, tình cảm này thường thiếu tính chính xác, rõ ràng. Ngay cả ở những hội nghị về âm nhạc, hội họa, điêu khắc... người ta cũng không thể nào chỉ giao tiếp nhờ các tác phẩm âm nhạc, hội họa hay điêu khắc mà không cần dùng đến ngôn ngữ. Những hệ thống kí hiệu được dùng trong giao thông, toán học, tin học, hàng hải, quân sự... cũng tương tự. Chúng chỉ được dùng trong những phạm vi hạn chế nên chỉ có thể là phương tiện giao tiếp bổ sung quan trọng bên cạnh phương tiện ngôn ngữ là cái được dùng chung trong phạm vi toàn xã hội.

b. Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người: Ta đã biết, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu đặc biệt, có khả năng biểu hiện đến độ vạn năng và vô hạn; tuy phức tạp nhưng đối với người bản ngữ, để nói được, lại tự nhiên, giản đơn lạ kì nếu họ sống bình thường trong xã hội. Chính vì vậy, ngôn ngữ là phương tiện được dùng phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc trong sinh hoạt xã hội. Tất cả các ngành hoạt động ngoài hệ thống kí hiệu dùng riêng cho mình vẫn phải dùng ngôn ngữ làm công cụ chung, chủ yếu để giao tiếp. Không dùng ngôn ngữ, lập tức hoạt động giao tiếp sẽ bị kém hiệu quả hoặc ngưng trệ. Cũng vì vậy, hầu hết kho tàng trí tuệ, tư tưởng, tình cảm đồ sộ của loài người đã được ngôn ngữ lưu trữ, truyền đi và phát huy tác dụng to lớn của nó. Trong lao động, ngôn ngữ là công cụ đấu tranh sản xuất. Nó không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng giúp con người giành được tri thức trong sản xuất, giúp con người hợp tác tốt với nhau để làm cho sức sản xuất ngày càng phát triển to lớn. Trong xã hội, ngôn ngữ là công cụ đấu tranh giai cấp. Ngôn ngữ không có tính giai cấp nhưng các giai cấp lại dùng nó như một vũ khí đấu tranh sắc bén. Nếu không có ngôn ngữ, chỉ có các công cụ giao tiếp khác thì chắc chắn xã hội không thể đạt tới trình độ phát triển như hiện nay được. Nhận rõ chức năng công cụ giao tiếp quan trọng của ngôn ngữ, Ðảng và Chính phủ ta, trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, đã luôn coi trọng việc xây dựng tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam để chúng không ngừng phát triển và phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

1.3 Vai trò của các yếu tố ngôn ngữ khi thực hiện chức năng giao tiếp: Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp giữa người với người. Ðiều đó không có nghĩa là các yếu tố các đơn vị ngôn ngữ tham gia như nhau vào quá trình giao tiếp. Trong thực tế, các yếu tố, các đơn vị ngôn ngữ thực hiện chức năng giao tiếp xã hội một cách khác nhau. Từ, cụm từ có chức năng định danh, gọi tên sự vật, được dùng để tạo câu, tạo đơn vị có chức năng thông báo. Câu, văn bản làm được chức năng thông báo, tham gia trực tiếp vào việc giao tiếp. Còn âm vị, hình vị chỉ gián tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp. Chúng chỉ là chất liệu để tạo nên các đơn vị kể trên.

Tóm lại, chức năng quan trọng nhất của ngôn ngữ là làm công cụ chủ yếu cho hoạt động giao tiếp xã hội. Tất cả các phương tiện giao tiếp khác dù có những ưu điểm nhất định chỉ là các phương tiện giao tiếp bổ sung quan trọng mà thôi.

2. Chức năng công cụ tư duy

2.1 Khái niệm tư duy


Trong quá trình tác động vào thế giới xung quanh, con người đồng thời nhận thức các mặt khác nhau của nó. Việc này diễn ra dưới dạng những cảm giác, tri giác, biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy lí. Những cảm giác, tri giác, biểu tượng cho phép ta nhận thức được một cách cảm tính các thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Ở giai đoạn nhận thức này, con người không nhận biết được mối liên hệ có tính quy luật, tất yếu giữa các thuộc tính của một sự vật, hiện tượng và giữa các sự vật, hiện tượng với nhau. Ðó là giai đoạn nhận thức cảm tính mà cả loài người và loài vật đều có tuy không giống nhau về mức độ. Trên cơ sở nhận thức cảm tính, loài người còn nhận thức thế giới thông qua tư duy. Ðây là giai đoạn nhận thức thế giới khách quan một cách gián tiếp, khái quát, là giai đoạn nhận thức lí tính. Ở giai đoạn này của quá trình nhận thức, trí tuệ con người hình thành các khái niệm, các phán đoán về sự vật, hiện tượng, và tiến hành các suy luận về chúng. Như vậy, quá trình nhận thức có hai giai đoạn: giai đoạn nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lí tính. Tư duy là giai đoạn nhận thức lí tính, nhận thức gián tiếp, khái quát. Hình thức của tư duy là khái niệm, phán đoán, suy lí; chúng liên hệ mật thiết với ngôn ngữ.


2.2 Ngôn ngữ là công cụ của tư duy

a. Tư duy định hình nhờ ngôn ngữ, ngôn ngữ là phương tiện vật chất của tư duy

Các khái niệm, phán đoán, suy lí, các tư tưởng của chúng ta bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở ngôn ngữ. Các nhận thức cảm tính có thể tồn tại dưới dạng các cảm giác, tri giác, biểu tượng, còn các tư tưởng về các thuộc tính, các mối quan hệ của sự vật, hiện tượng mà ta tri giác được bao giờ cũng tồn tại trong các từ ngữ tương ứng. Mọi khái niệm đều tồn tại dưới dạng từ ngữ. Mọi phán đoán đều xuất hiện dưới dạng các câu ngữ pháp. Theo Saussure, ngôn ngữ và tư duy xuất hiện cùng một lúc và là một thể thống nhất, [...] nếu trừu tượng hóa sự thể hiện ra bằng từ ngữ, tư duy của chúng ta chỉ là một khối vô hình thù và không tách bạch... Xét bản thân nó, tư duy cũng tựa hồ như một đám tinh vân, trong đó không có gì được phân giới một cách tất nhiên. Không làm gì có những ý niệm được xác lập từ trước... trước khi ngôn ngữ xuất hiện. [1] Trong đời thường, khi chúng ta không suy nghĩ hoặc có một hành động nhanh như một phản xạ thì ngôn ngữ không hoạt động. Nhưng chỉ cần suy nghĩ [tư duy] một chút về bất cứ cái gì là lập tức phải dùng đến ngôn ngữ. Ðây không phải là tư tưởng được vật chất hóa, cũng không phải là âm thanh được tinh thần hóa; đây là một sự kiện có phần huyền bí [1], trong đó cái tạm gọi là tư duy cũng như âm thanh chỉ là một thể liên tục không hình thù, còn ngôn ngữ xuất hiện giữa hai khối không hình thù này và chia cắt cả hai thành những đơn vị tách biệt như ta cắt hai mặt của một tờ giấy. Khi âm thanh không xuất hiện, nghĩa là chỉ nghĩ mà không nói ra lời, thì mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy vẫn khăng khít với nhau. Hệ cơ của bộ máy phát âm vẫn truyền lên vỏ não những xung động như lúc người ta nói ra lời.

Các nhà khoa học cũng suy nghĩ bằng cái gọi là ngôn ngữ bên trong gồm các từ các câu. Einstein đã từng nói Không có nhà bác học nào chỉ suy nghĩ bằng công thức. [Theo Ðái Xuân Ninh]

Ðuyrinh cho rằng ý thức đã tồn tại từ lâu trước khi có ngôn ngữ và Kẻ nào mà chỉ dùng ngôn ngữ mới suy nghĩ được thì kẻ ấy chưa bao giờ cảm thấy được thế nào là tư duy trừu tượng, tư duy thật sự. Ăng ghen đã bác bỏ luận điểm này một cách châm biếm: Như vậy thì động vật đều là những nhà tư tưởng trừu tượng nhất vì tư duy của chúng chẳng bao giờ bị rối lộn lên vì sự can thiệp sỗ sàng của ngôn ngữ. [1] Lại có ý kiến cho rằng tư duy logic của con người hiện nay đã đạt đến độ diệu kì, có thể dự đoán cả tương lai. Nhưng cái tương lai ấy nếu chưa được định hình nhờ ngôn ngữ thì không ai biết nó là cái gì, ra sao?

Tóm lại, ngôn ngữ là công cụ để tư duy, là công cụ để diễn đạt các kết quả tư duy. Ngôn ngữ và tư duy là hai mặt của một chính thể gắn bó khăng khít với nhau. Ngôn ngữ phát triển thì tư duy cũng phát triển và tư duy càng phát triển thì ngôn ngữ cũng càng phát triển. Không thể có ý tưởng tồn tại ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. [...] Ngôn ngữ không có tư tưởng thì không thể tồn tại, còn tư tưởng thì phải thể hiện trong cái chất tự nhiên của ngôn ngữ. [Mác, Hệ tư tưởng Ðức] [2]



b. Tư duy không phải là ngôn ngữ

Ta đã thấy mặt thống nhất giữa ngôn ngữ và tư duy. Nhưng tư duy và ngôn ngữ không phải là một. Chúng khác nhau về nhiều mặt. - Về bản chất, tư duy là hoạt động của hệ thần kinh cao cấp; ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu và quy tắc ngữ pháp được trừu tượng hóa từ lời nói của một cộng đồng. - Về chức năng, chức năng của tư duy là nhận thức thế giới, xã hội, con người; chức năng của ngôn ngữ là làm công cụ giao tiếp, công cụ tư duy. Là công cụ giao tiếp, ngôn ngữ có những từ không biểu thị khái niệm [đại từ, phụ từ, kết từ, trợ từ ...], có những câu không biểu thị phán đoán [câu hỏi, câu hô gọi...]. - Về hệ thống sản phẩm, sản phẩm của tư duy là khái niệm, phán đoán, suy lí. Sản phẩm của ngôn ngữ là từ, ngữ , câu, đoạn văn, văn bản. Các khái niệm được thể hiện ra trong từ, ngữ, các phán đoán được thể hiện ra trong các câu, các suy lí được thể hiện ra trong các đoạn văn, các tư tưởng được diễn đạt trong văn bản. Các khái niệm về sản phẩm của hai hệ thống ấy là khác nhau. Một từ có thể biểu thị nhiều khái niệm khác nhau [hiện tượng nhiều nghĩa, hiện tượng đồng âm], một khái niệm có thể được thể hiện bằng nhiều từ ngữ khác nhau [hiện tượng đồng nghĩa] và một ý tưởng có thể được biểu thị trong một hoặc nhiều câu. - Về quy luật hoạt động, tư duy chỉ chấp nhận sự hợp lí, logic; ngôn ngữ nhiều khi hoạt động theo quy luật của thói quen. Các hiện tượng bất quy tắc trong các ngôn ngữ chính là biểu hiện cụ thể của thói quen ngôn ngữ mà bằng tư duy logic không thể nào lí giải được. Không hiểu rõ điều này, nhiều người học ngoại ngữ đã áp dụng những suy lí logic để tạo ra những câu nói "đúng ngữ pháp" nhưng lại rất xa lạ với thói quen nói năng của người dân sử dụng ngôn ngữ ấy.

Trên đây chỉ là vài nét sơ giản về hai chức năng giao tiếp và tư duy của ngôn ngữ, về mối quan hệ giữa hai chức năng này và về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, một vấn đề lớn và phức tạp, đã được nhiều ngành khoa học quan tâm lí giải từ rất sớm và còn đang được nghiên cứu tiếp tục.

Video liên quan

Chủ Đề