Ví dụ về rủi ro trong ngân hàng

Mục lục bài viết

  • 1. Cơ sở pháp lý
  • 2. Rủi ro tác nghiệp là gì?
  • 3. Biểu hiện của rủi ro tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại
  • 4. Quản lý rủi ro tác nghiệp đối với các ngân hàng thương mại
  • 5. Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại

Thưa luật sư, hiện nay tôi có tìm hiểu về rủi ro trong hoạt đông ngân hàng. Tôi có bắt gặp thuật ngữ "rủi ro tác nghiệp". Mong luật sư giải thích giúp tôi về khái niệm rủi ro tác nghiệp và quy định pháp luật về quản lý rủi ro tác nghiệp trong hoạt động của ngân hàng thương mại ạ. Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Cảm ơn luật sư rất nhiều! [Mai Phương - Hoàn Kiếm - HN]

Chào bạn, nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

- Thông tư số 13/2018/TT-NHNN

2. Rủi ro tác nghiệp là gì?

Rủi ro tác nghiệp tồn tại trong hầu hết các bộ phận của ngân hàng có thực hiện nghiệp vụ giao dịch kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động chấp nhận rủi ro.

Theo Hiệp ước vốn Basel II: “Rủi ro tác nghiệp là nguy cơ xảy ra tổn thất trực tiếp hay gián tiếp do các quy trình, con người và hệ thống nội bộ không đạt yêu cầu hoặc thất bại hay do các sự kiện bên ngoài. RRTN bao gồm cả rủi ro pháp lý nhưng loại trừ rủi ro chiến lược và rủi ro uy tín”.

3. Biểu hiện của rủi ro tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

Rủi ro tác nghiệp là rủi ro phát sinh do yếu tố con người, chẳng hạn như gian lận của nhân viên ngân hàng, lỗi cẩu thả, sự yếu kém trong hệ thống công nghệ thông tin do lỗi hệ thống hoặc mất điện, sự thiếu chặt chẽ trong quy trình nghiệp vụ hoặc các lý do khác dẫn đến sai sót ở một ngân hàng mà không thể phân loại vào các rủi ro khác. Rủi ro tác nghiệp có thể dẫn đến những hậu quả đối với các hoạt động nghiệp vụ, cụ thể:

- Đối với hoạt động marketing và bán hàng: Rủi ro tác nghiệp có thể khiến ngân hàng rơi vào tình trạng, khi cung cấp các sản phẩm mới do không áp dụng đúng các thủ tục phê duyệt sản phẩm mới.

- Đối với hoạt động thanh toán: Hậu quả mà ngân hàng phải gánh chịu có thể là không thanh toán được theo yêu cầu của khách hàng hoặc thanh toán nhầm đối tượng thụ hưởng.

- Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin: Hậu quả mà ngân hàng phải gánh chịu có thể là tình trạng mất kiểm soát hệ thống hoặc hệ thống cơ sở dữ liệu ngừng hoạt động.

- Đối với hoạt động tài chính: Hậu quả của rủi ro tác nghiệp có thể là việc định giá tài sản sai, các báo cáo lãi lỗ không hoàn chỉnh, các khoản mục kế toán không được đối chiếu.

- Đối với hoạt động quản lý nhân sự: Hậu quả của rủi ro tác nghiệp có thể là hành vi vi phạm pháp luật trong vấn đề kết thúc hợp đồng lao động…

- Đối với uy tín của ngân hàng: Đối xử với khách hàng không tốt dẫn tới mất khách hàng hoặc khách hàng nhận thức không tốt về ngân hàng, từ đó dẫn đến hậu quả làm mất vốn hoặc làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.

4. Quản lý rủi ro tác nghiệp đối với các ngân hàng thương mại

Quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động rủi ro của ngân hàng thương mại là sự tác động của định hướng, có mục đích, có kế hoạch của NHNN đối với các rủi ro của ngân hàng nhằm kiểm soát và kịp thời đưa ra chính sách can thiệp để có thể giúp các chi nhánh ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn trong kinh doanh.

Quản lý của ngân hàng nhà nước đối với hoạt động rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại bao gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống các chính sách, phương pháp quản lý của ngân hàng thương mại đối với rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại.

Đầu năm 2018, ngân hàng nhà nước có Văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH ngày 23/2/2018 [sau khi xảy ra vụ việc mất tiền gửi hàng trăm triệu đồng của khách hàng tại một ngân hàng thương mại cổ phần], trong đó đưa ra 7 yêu cầu đề nghị các ngân hàng thực hiện để đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, tập trung vào các nhóm giải pháp về công nghệ, quy định/quy trình, cơ cấu tổ chức, công tác cán bộ, truyền thông/thông tin tới khách hàng, tương tác với Ngân hàng nhà nước và các cơ quan chức năng khi phát sinh vụ việc sai phạm.

Tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/05/2018 về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải nhận diện, đo lường, theo dõi và kiểm soát đầy đủ rủi ro hoạt động [bao gồm rủi ro gian lận] trong tất cả các sản phẩm, hoạt động kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống quản lý.

Như vậy, việc xây dựng chính sách, phương pháp quản lý thông qua các công cụ như luật, chế tài, định chế… đã làm cho công tác quản lý rủi ro tác nghiệp của Ngân hàng nhà nước với các ngân hàng thương mại trở nên khoa học chặt chẽ hơn, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ các tác động và biểu hiện của các loại RRTN.

Thứ hai, tổ chức thực hiện quản lý của Ngân hàng nhà nước đối vớirủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại.

Về xác định rủi ro tác nghiệp: Có thể sắp xếp các dấu hiệu của rủi ro theo các nhóm sau: Nhóm các dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ với ngân hàng; Nhóm các dấu hiệu liên quan đến phương pháp quản lý của khách hàng; Nhóm các dấu hiệu liên quan tới các ưu tiên trong kinh doanh; Nhóm các dấu hiệu thuộc vấn đề kỹ thuật thương mại.

Về đo lường rủi ro tác nghiệp: Đo lườnrủi ro tác nghiệp là việc xác định mức độ rủi ro của các loại rủi ro tác nghiệp. Rủi ro tác nghiệp là loại rủi ro rất khó nhận biết, dẫn tới việc đo lường cũng rất khó khăn. Có 2 phương pháp đo lường thường được sử dụng là phương pháp định tính và phương pháp định lượng.

Về đánh giá rủi ro tác nghiệp: Thực hiện đánh giá rủi ro tác nghiệp qua việc tính toán quy mô, tần suất, cơ cấu các loại rủi ro tác nghiệp sau khi được cán bộ ngân hàng phân loại. Mục đích của đánh giá rủi ro tác nghiệp là giúp cho bộ máy quản lý rủi ro nắm được tình trạng rủi ro tác nghiệp của ngân hàng theo thời gian.

Về quản lý rủi ro tác nghiệp: Trên cơ sở kết quả của quá trình nhận diện và đo lường rủi ro, Ngân hàng thương mại cần tiến hành các biện pháp quản lý với cách thức hiệu quả. Trước hết, ngân hàng cần phải làm là xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc quản trị rủi ro tác nghiệp. Đặc biệt, các nhân viên ngân hàng là những người cần hiểu rõ về loại rủi ro này, sự thiếu trách nhiệm của họ sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.

Thứ ba, giám sát, thanh tra và kiểm tra, kiểm soát rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại và xử lý vi phạm đối với rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại.

Về giám sát rủi ro tác nghiệp: Ban điều hành quản lý rủi ro tác nghiệp phải đảm bảo các thông tin quản lý rủi ro sẽ được thể hiện bằng hệ thống các báo cáo, được lập bởi những người có trách nhiệm gửi tới một cách kịp thời. Nội dung báo cáo gồm các thông tin sau: Rủi ro tác nghiệp nghiêm trọng gặp phải; những sự cố và hậu quả rủi ro cùng với những dự tính để khắc phục; sự hiệu quả của những hành động được đề ra; các chi tiết của kế hoạch hình thành chuẩn bị để ghi nhận bất kỳ rủi ro nào khi phát sinh.

Về thanh tra rủi ro tác nghiệp: Thanh tra rủi ro tác nghiệp là hoạt động kiểm tra, xem xét, đánh giá, xử lý của Ngân hàng nhà nước với các rủi ro tác nghiệp ở các ngân hàng thương mại nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chính sách chế độ của Nhà nước và các quy định của ngân hàng.

Về kiểm tra rủi ro tác nghiệp: Để nâng cao sự phối hợp giữa việc thực hiện những mục tiêu của ngân hàng và việc kiểm tra mức độ rủi ro tác nghiệp, ngân hàng cần phải xây dựng một hội đồng kiểm tra và quy chế về chính sách kiểm tra rủi ro. Việc thực hiện giám sát các chương trình kiểm tra rủi ro tác nghiệp để nâng cao tính hiệu quả của các chương trình kiểm tra rủi ro tác nghiệp đòi hỏi việc xây dựng những tiêu chuẩn đối với các chương trình này, trong đó bao gồm việc lựa chọn và phân tích thông tin.

Về kiểm soát rủi ro tác nghiệp: Mục tiêu của kiểm soát rủi ro tác nghiệp là nhằm cải tiến khả năng phát hiện sớm các rủi ro chưa được phát hiện, chưa được kiểm soát hoặc đang bị coi nhẹ; Đánh giá tốt hơn khả năng chấp nhận rủi ro đã được phát hiện; Xây dựng các biện pháp kiểm soát thay thế có hiệu quả hơn đối với các rủi ro không thể chấp nhận; Triển khai sớm hơn và tốt hơn các hành động nhằm giảm nhẹ rủi ro và các biện pháp để tránh tổn thất.

Về xử lý vi phạm đối với RRTN của các NHTM: Vai trò của công tác giám sát hệ thống NHTM là rất quan trọng. Thực hiện giám sát thường xuyên sẽ giúp NHNN sớm phát hiện được trường hợp các NHTM đang có nguy cơ xảy ra rủi ro thanh khoản. Từ đó, NHNN có thể áp dụng các chế tài chấn chỉnh ngay từ thời điểm phát sinh để tránh những rủi ro chung cho hệ thống.

Thứ tư, công cụ quản lý của Ngân hàng nhà nước đối với rủi ro tác nghiệp của ngân hàng thương mại.

Về cơ chế, chính sách: Ngân hàng nhà nước quản lý hoạt động rủi ro tác nghiệp dựa vào các văn bản, luật được Nhà nước, Quốc hội ban hành; các ngân hàng nhà nước cấp tỉnh áp dụng văn bản, thông tư… để quản lý hoạt động giao dịch của các ngân hàng thương mại trên địa bàn quản lý

Về phương tiện và nguồn thông tin thực hiện quản lý: Sử dụng các phương tiện hệ thống thông tin trong phòng ngừa rủi ro của ngân hàng thương mại. Các nguồn thông tin đa dạng: Khách hàng, bạn hàng, đối thủ cạnh tranh, tổ chức tư vấn hoặc tổ chức cung cấp thông tin chuyên nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan quản lý nhà nước các cấp...

Về cơ chế kiểm soát: Các ngân hàng thương mại trên địa bàn cấp tỉnh sẽ thực hiện cơ chế kiểm soát rủi ro tác nghiệp của ngân hàng thương mại dựa trên thực hiện kiểm soát thông qua thanh tra giám sát ngân hàng thương mại và bộ phận quản lý rủi ro tại các ngân hàng thương mại. Phương thức kiểm soát được thực hiện chủ yếu qua hệ thống các văn bản, các báo cáo giám sát từ xa của cơ quan thanh tra ngân hàng nhà nước.

5. Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại

Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại, các giải pháp được đề xuất thực hiện gồm:

Thứ nhất, ngân hàng nhà nước chỉ đạo, theo dõi, giám sát các ngân hàng thương mại đảm bảo thực hiện thành công các nguyên tắc vàng về quản lý rủi ro tác nghiệp như Ủy ban Basel đã đưa ra.

Thứ hai, xây dựng các nội dung nguyên tắc về quản lý rủi ro tác nghiệp trong toàn hệ thống ngân hàng, lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để thiết lập các chốt kiểm soát về rủi ro tác nghiệp. Tất cả các nhân viên trong ngân hàng cần được đào tạo để hiểu biết và tham gia tự xác định rủi ro tác nghiệp – xác định nguyên nhân, đánh giá các rủi ro hiện có trong tất cả sản phẩm, hoạt động của ngân hàng.

Thứ ba, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu đo lường rủi ro, định lượng hóa rủi ro tác nghiệp. Kết hợp các chỉ tiêu định tính [tự đánh giá, kiểm tra] và các chỉ tiêu định lượng và tính toán khả năng xảy ra rủi ro.

Thứ tư, xây dựng ngân hàng dữ liệu về rủi ro tác nghiệp và sử dụng công nghệ hiện đại trong phân tích, xử lý rủi ro tác nghiệp. Các ngân hàng thương mại cần xây dựng các quy trình hướng dẫn để thu thập thêm các thông tin tổn thất.

Thứ năm, hạn chế tối đa nguyên nhân gây ra rủi ro tác nghiệp từ các yếu tố bên trong ngân hàng thương mại như con người, quy trình, hệ thống. Các chính sách quản lý nhân lực cần hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đạo đức nghề nghiệp tốt; các quy trình nghiệp vụ cũng cần được rà soát, hoàn thiện thường xuyên.

Thứ sáu, hạn chế tối đa các yếu tố tác động đến rủi ro tác nghiệp từ bên ngoài, xây dựng các phương án, đưa ra tình huống để sẵn sàng đối phó cũng như khắc phục kịp thời hậu quả do các lỗi truyền thông, thiên tai, hoả hoạn gây ra rủi ro tác nghiệp.

Giải pháp cơ bản cho việc đưa ra quyết định lựa chọn thay thế là: công nhận rủi ro hiện hữu, chuyển đổi rủi ro cho bên thứ ba [ví dụ thông qua bảo hiểm]; tránh rủi ro bằng cách ngừng các hoạt động kinh doanh; giảm thiểu rủi ro tác nghiệp bằng đo lường các rủi ro khác.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về nội dung "rủi ro tác nghiệp trong hoạt động ngân hàng thương mại".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật Minh Khuê [Sưu tầm và biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề