Vì sao dạy học lấy trẻ làm trung tâm

Dạy học được định nghĩa là quá trình tương tác qua lại giữa giáo viên và học sinh, khi đó học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy có thể tìm ra, khám phá ra những tri thức mới mà bản thân chưa biết, hình thành những thói quen tư duy độc lập, sáng tạo; đồng thời phát triển toàn diện các kĩ năng sống và những phẩm chất đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội...Giảng dạy lấy người học làm trung tâm” có nghĩa là trong quá trình dạy học, người học giữ vị trí then chốt, quyết định chất lượng giáo dục.

1.Thế nào là dạy học “lấy học sinh làm trung tâm”

Về tên gọi, “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm” được các nhà nghiên cứu, các nhà PPGD gọi bằng nhiều tên khác nhau. Một số người cho rằng đó là một đường hướng, một số khác cho rằng đó là một tư tưởng, một quan điểm giáo dục, một số khác nữa cho rằng nó là một phương pháp.

Thực chất của quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, đó là hệ phương pháp dạy - học tích cực lấy người học làm trung tâm còn gọi là hệ PP dạy - tự học, được xem như là một hệ thống PPDH có thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của mục tiêu giáo dục trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Dạy học lấy học sinh làm trung tâm là đặt người học vào vị trí trung tâm của hoạt động dạy - học, xem cá nhân người học - với những phẩm chất và năng lực riêng của mỗi người - vừa là chủ thể vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương tiện thiết bị hiện đại, để cho tiềm năng của mỗi HS được phát triển tối ưu, góp phần có hiệu quả vào việc xây dựng cuộc sống có chất lượng cho cá nhân, gia đình và xã hội.

So sánh với phương pháp dạy học “lấy người dạy làm trung tâm”

Dạy học lấy người dạy làm trung tâmlà hình thức dạy học phổ biến trong nền giáo dục thời phong kiến ở nhiều nơi, trong đó có nước ta. Hoạt động dạy học này gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh thầy đồ ngồi trên sạp gỗ hoặc cầm roi bước tới bước lui, còn học trò thì ngồi im trên những manh chiếu trải trước sân hoặc trong căn phòng vách lá, lắng tai nghe và đọc theo những điều thầy dạy, đôi khi cần phải chuyển thân lắc đầu theo nhịp điệu âm thanh gắn với từng bài học.

Phương pháp này được sử dụng phổ biến ở thời kì chưa hình thành tổ chức nhà trường, một giáo viên thường dạy cho một nhóm nhỏ học sinh, có thể chênh lệch nhau khá nhiều về lứa tuổi và trình độ. Chẳng hạn thày đồ Nho ở nước ta thời kì phong kiến dạy trong cùng một lớp từ đứa trẻ mới bắt đầu học Tam tự kinh đến môn sinh đi thi tú tài cử nhân, trong kiểu dạy học này, ông thày bắt buộc phải coi trọng trình độ, năng lực, tính cách của mỗi học trò và cũng có điều kiện để thực hiện cách dạy thích hợp với mỗi HS, vai trò chủ động tích cực của người học được đề cao, tuy nhiên năng suất dạy học quá thấp.

Trong hoạt động dạy học này, chương trình học tập được thiết kế chủ yếu theo logic nội dung khoa học của các môn học, chú trọng trước hết đến hệ thống kiến thức lí thuyết, sự phát triển tuần tự của các khái niệm, định luật, học thuyết khoa học. Người thầy chủ yếu diễn giảng những điều có sẵn trong sách vở cho học trò nghe. Người thầy nói những điều mình đã học đã biết và học trò chỉ việc nghe, ghi chép lại và học thuộc lòng. Việc trao đổi qua lại giữa thầy trò hầu như không tồn tại, học trò chỉ hỏi thêm những điều chưa hiểu ngoài giờ lên lớp và nhiều khi, những trường hợp phát biểu trái ý kiến thầy của học trò bị xem là vô phép, thiếu lễ độ.

Gần đây, nhu cầu đẩy mạnh phát triển giáo dục theo hướng hiện đại, đẩy lùi hình thức dạy học cũ làm thui chột khả năng tư duy của con người đã thúc đẩy sự ra đời của hình thức dạy học lấy người học làm trung tâm. Đây là hình thức dạy học được áp dụng từ lâu ở nhiều nước tiên tiến có nền giáo dục hiện đại, phái triển. Trong đó chủ yếu hướng vào việc chuẩn bị cho học sinh sớm thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và phát triển cộng đồng, tôn trọng nhu cầu,lợi ích, tiềm năng người học. Về nội dung: người ta cho rằng hệ thống kiến thức lí thuyết chưa đủ để đáp ứng mục tiêu chuẩn bị cho cuộc sống. Cần chú trọng các kĩ năng thực hành vận dụng các kiến thức lí thuyết, năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn. Dạy học không chỉ đơn giản là cung cấp tri thức mà còn phải hướng dẫn hành động. Khả năng hành động là một yêu cầu được đặt ra không phải đối từng cá nhân mà cả ở cấp độ cộng đồng địa phương và toàn xã hội. Chương trình giảng dạy phải giúp cho từng các nhân người học biết hành động và tích cực tham gia vào các chương trình hành động của cộng đồng ;“từ học làm đến biết làm, muốn làm và cuối cùng muốn tồn tại phát triển như nhân cách một con người lao động tự chủ, năng động và sáng tạo”.

Trong phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, người ta coi trọng việc tổ chức cho học sinh hoạt động độc lập hoặc theo nhóm [thảo luận, làm thí nghiệm, quan sát vật mẫu, phân tích bảng số liệu…] thông qua đó HS vừa tự lực nắm các tri thức, kĩ năng mới, đồng thời được rèn luyện vè phương pháp tự học, được tập dượt phương pháp nghiên cứu. GV quan tâm vận dụng vốn hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân và của tập thể HS để xây dựng bài học. Giáo án được thiết kế theo kiểu phân nhánh. Những dự kiến của GV phải được tập trung chủ yếu vào các hoạt động của HS và cách tổ chức các hoạt động đó, cùng với khả năng diễn biến các hoạt động của HS để khi lên lớp có thể linh hoạt điều chỉnh theo diễn tiến của tiết học, thực hiện giờ học phân hóa theo trình độ và năng lực của HS, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bộc lộ và phát triển tiềm năng của mỗi em.

Học sinh tự giác chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình, được tham gia tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau về mức độ đạt các mục tiêu của từng phần trong chương trình học tập, chú trọng bổ khuyết những mặt chưa đạt được so với mục tiêu trước khi bước vào một phần mới của chương trình. GV phải hướng dẫn cho HS phát triển kĩ năng tự đánh giá, không thể chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện kiến thức, lặp lại kĩ năng đã học mà phải khuyến khích óc sáng tạo, phát hiện sự chuyển biến thái độ và xu hướng hành vi của HS trước những vấn đề của đời sống gia đình và cộng đồng, rèn luyện khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong tình huống thực tế. Việc sử dụng các phương tiện kĩ thuật sẽ tạo điều kiện tăng nhịp độ kiểm tra, giúp HS có thể thường xuyên tự kiểm tra, làm giảm nhẹ lao động chấm bài của GV.

Hình thức dạy học này chỉ thật sự phát huy tác dụng trong những điều kiện giáo dục nhất định như: ý thức tự giác học tập của học sinh cao, cơ sở vật chất phục vụ dạy học đầy đủ và phù hợp, giáo viên có năng lực khơi gợi tạo tình huống, môi trường giáo dục xã hội thuận lợi, nguồn tài liệu tham khảo hay sách giáo khoa phong phú, số lượng học sinh trong một lớp phải vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít...

Hình thức dạy học này cần thiết phải kéo theo một loạt các hoạt động giáo dục khác tương ứng: kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng như nội dung và cách thức thi.

Trong quá trình phát triển, kiểu dạy học lấy học sinh làm trung tâm ngày càng được chú ý so với kiểu dạy học lấy giáo viên làm trung tâm.

2.Cơ sở của vấn đề:

Trong lí luận dạy học có những quan niệm khác nhau về vai trò của GV và vai trò của HS nhưng tựu chung lại có hai hướng: hoặc tập trung vào vai trò hoạt động của GV [lấy GV làm trung tâm] hoặc tập trung vào vai trò hoạt động của HS [lấy HS làm trung tâm].

Xu hướng chung của đổi mới phương pháp dạy học đại học là đổi mới theo quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm. Quan điểm này có cơ sở lý luận từ việc nhận thức quá trình dạy học [QTDH] luôn luôn vận động và phát triển không ngừng chịu sự chi phối của nhiều quy luật, trong đó quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học, giữa thầy và trò trong QTDH là quy luật cơ bản. Thầy và trò - Cả hai chủ thể này đều chủ động, tích cực bằng hoạt động của mình hướng tới tri thức. Thầy giữ vai trò chủ đạo, tổ chức điều khiển hoạt động nhận thức của trò. Trò thì hoạt động tích cực chiếm lĩnh tri thức và biến nó thành vốn hiểu biết của mình để tiếp tục hoạt động nhận thức và hành động thực tiễn. Bàn về phương pháp dạy học [PPDH] chúng ta phải bàn đến PP dạy của thầy và PP học của trò. Sự phù hợp của PPDH sẽ cho ta hiệu quả thực sự của việc dạy học. Hệ thống các PPDH tích cực lấy người học làm trung tâm là kết quả của sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, thực nghiệm ở nhà trường Việt Nam từ nhiều năm. Đó là sự tổng hợp, tích hợp nhiều PP gần gũi nhau như : PP tích cực, PP hợp tác, PP học bắng hành động, PP tình huống, PP nêu và giải quyết vấn đề..., và một phần nào đó có sự kết hợp với các PPDH truyền thống được cải tiến, vận dụng theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học

3.Vai trò của người thầy giáo trong lối dạy học “lấy học sinh làm trung tâm”

Vai trò người thầy trong quá trình dạy học theo quan điểm lấy người học là trung tâm không thể bị mờ nhạt mà trái lại còn rõ nét hơn, người thầy vẫn là “linh hồn” của giờ học sinh động và sáng tạo. Giáo vien phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm lành nghề, có đầu óc sáng tạo và nhạy cảm cái mới có thể đóng vai trò là người gợi mở, xúc tác, trợ giúp, hướng dẫn, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động độc lập của HS, đánh thức năng lực tiềm năng trong mỗi em, chuẩn bị tốt cho các em tham gia phát triển cộng đồng. Định hướng cách dạy học như trên không mâu thuẫn với quan niệm truyền thống về vị trí chủ đạo, vai trò quyết định của GV đối với chất lượng, hiệu quả dạy học. Bởi vì, để có thể làm người hướng dẫn, cung cấp thông tin, trọng tài, cố vấn… người thầy phải hiểu biết sâu sắc những kiến thức cơ bản của môn học mình đảm nhiệm, đồng thời phải tự bổ sung vốn kiến thức của mình thường xuyên và có định hướng rõ ràng qua tài liệu, sách báo… Người thầy phải nắm vững bản chất và các quy luật của quá trình dạy học để có thể tìm ra hoặc ứng dụng những phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng của mình nhất.

Thực hiện chương trình dạy học theo quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm thì hoạt động của thầy và trò tương ứng như sau:

-Người học khai phá tri thức, tự nghiên cứu - Thầy chỉ hướng dẫn và cung cấp thông tin.

-Người học tự trả lời các thắc mắc do chính mình đặt ra, tự kiểm tra mình - Thầy là trọng tài.

-Người học tự hành động, tự kiểm tra, tự điều chỉnh - Thầy làm cố vấn.

          Hiện nay, trong ngành giáo dục nước ta vấn đề phát huy tích cực chủ động sáng tạo của người học được mọi người nhất trí nhưng vấn đề HSTT chưa phải là đã được mọi người chấp nhận và được quan niệm một cách thống nhất. Có người phản đối vì cho rằng cách dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt không thành công, có thể gây ra sự hiểu lầm. Có người không chấp nhận vị trí trung tâm của người học trong hoạt động dạy học vì e rằng sẽ hạ thấp vai trò của giáo viên, tạo ra sự “đổi ngôi” trong nhà trường. Cũng có người cho rằng lấy hcoj sinh làm trung tâm là một
lí thuyết giáo dục đã lỗi thời, thậm chí đã bị bác bỏ tại chính nơi sản sinh ra nó…

          Trên thực tế, trong giai đoạn phát triển ban đầu, tư tưởng HSTT cũng đã từng có những lệch lạc bị phê phán như quá đề cao hứng thú cá nhân HS, coi đó là động lực quan trọng nhất của quá trình học tập, hoặc quan niệm quá khích rằng nhà trường phải dạy những gì HS cần chứ không phải dạy những gì nhà trường có.

          Phương pháp dạy - học lấy trẻ em làm trung tâm là phươngpháp học tập tích cực, khác với phương pháp dạy học truyền thống trước đây là giáo viên giảng giải, học sinh lắng nghe và ghi nhớ thụ động. Giáo viên được tập huấn cách thiết kế và giảng dạy theo phương pháp dạy - học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, áp dụng các kỹ năng tổ chức làm việc nhóm, kỹ năng đặt câu hỏi, phương pháp đóng vai, tự làm đồ dùng dạy học bằng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, sử dụng trò
chơi trong học tập, tối ưu hóa không gian lớp học.

          Quan điểm dạy học “lấy học sinh làm trung tâm” là một xu hướng tất yếu có lí do lịch sử. Đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình dạy học, xem cá nhân người học – với những phẩm chất và năng lực riêng của mỗi người – vừa là chủ thể, vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương tiện, thiết bị hiện đại để cho tiềm năng của mỗihọc sinh được phát triển tối ưu, góp phần có hiệu quả vào xây dựng cuộc sống có chất lượng cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đó chính là cốt lõi tinh thần nhân văn trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Đây là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự hoạt động mạnh mẽ, có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ban, ngành và đội ngũ giáo viên. Giải quyết tốt vấn đề dạy học lấy học sinh làm trung tâm sẽ nâng cao được chất lượng và hiệu quả giáo dục, thúc đẩy quá trình học

tập của học sinh dẫn tới giải quyết tốt vấn đề đầu ra, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của xã hội./.

Video liên quan

Chủ Đề