Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua là gì năm 2024

Tiêu đề lấy từ bài hát suốt ngày phát trên xe của bố, nếu ai yêu thích dòng nhạc “các cụ” (giống mình) thì có thể nghe ở đây :))

Ý tưởng của bài này là tuần trước, mình đi Lễ ra mắt chương trình Phụ nữ là doanh nhân của Facebook tại thị trường Việt Nam (tên tiếng Anh là

Shemeansbusiness). Một ai đó đã phát biểu rằng chúng ta cần bỏ tư tưởng kỳ thị phụ nữ như kiểu “Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, và thế là eureka, mình nghĩ ra rằng nên thử tìm hiểu ca dao, tục ngữ đã hình thành nên những tư tưởng gì về giới.

( Ngoài lề: Sau một hồi các bài phát biểu của các bên đặc trưng điển hình của một sự kiện mang tính hội nhóm cơ quan ban ngành Việt Nam thì chuyển sang phần thảo luận (panel discussion). Diễn giả gồm 5 người phụ nữ: 1 đại diện Facebook, 2 đại diện từ các bộ, 1 trong lĩnh vực NGO và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của nữ doanh nhân, và 1 là nữ doanh nhân. Một đại diện nữ của một bộ phát biểu rằng, ở cơ quan của chị, giữa hai ứng viên tương đương nhau về năng lực và mọi thứ, ứng viên nữ sẽ được ưu tiên hơn) *icon mặt dở khóc dở cười sẽ được chèn vào đây*


Tại sao lại là tục ngữ? Wikipedia định nghĩa tục ngữ như sau:

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền. Tục ngữ được hình thành từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân trực tiếp sáng tác; được tách ra từ tác phẩm văn học dân gian hoặc ngược lại; được rút ra tác phẩm văn học bằng con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp hoặc từ sự vay mượn nước ngoài

Tục ngữ có tính khái quát: do tác giả dân gian sáng tác – được chấp nhận bởi số đông, do đó, tục ngữ có thể hiểu là tiêu chuẩn của xã hội, cộng đồng, thậm chí lại có thể lưu truyền thành “lời ăn tiếng nói hàng ngày”.


Mình đã tập hợp tất cả những câu tục ngữ trên trang Kho tàng ca dao với các nhóm chủ đề chính: (1) Hôn nhân – vợ chồng (92 câu tục ngữ) ; (2) Đàn ông, đàn bà (8 câu tục ngữ); (3) Cha mẹ, con cái (66 câu tục ngữ); (4) Con trai, con gái (33 câu tục ngữ); (5) Dòng dõi, nòi giống (59 câu tục ngữ); (6) Dâu rể (23 câu tục ngữ); (7) Tục ngữ con người (44 câu tục ngữ); (8) Ăn mặc – Y phục (16 câu tục ngữ); (10) Con người – Đời sống (41 câu tục ngữ). Tổng cộng: 382 câu tục ngữ (đến lúc ngồi tính thế này mới thấy mình rảnh quá hiu hiu).

Lý do lựa chọn các nhóm này là vì tính dĩ nhiên từ trong tên nhóm, hoặc có một số câu mình biết thuộc nhóm này (VD: Lấy chồng xem tông).

Trong nhóm này, có một số tục ngữ mang tính trung lập hoặc mơ hồ, không rõ nội dung nên mình đã bỏ (VD: Trai Hàng Đường, gái Trường Thi có vẻ nêu lên đặc trưng giống như Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương (?!). Nhân tiện, mình là gái Trường Thi đây haha (Trường Thi Thanh Hóa :p).


Mình có xây dựng một bảng excel để phân loại những câu tục ngữ lấy từ các nhóm bên trên (ai quan tâm có thể comment để mình gửi file). Mình dự định sẽ phân tích theo 2 hướng: phân nhóm các vấn đề mà những câu tục ngữ này hướng tới và đánh giá mức độ, thái độ của những câu tục ngữ này.

Với cách tiếp cận phân nhóm, mình đã chia ra làm 6 nhóm:

  • Body-shaming (hoặc quá coi trọng ngoại hình)
  • Phân công lao động và vai trò của hai giới
  • Tục ngữ về ‘gái ế’, phụ nữ góa chồng và mẹ đơn thân
  • Tiêu chuẩn đối với người phụ nữ
  • Tiêu chuẩn hôn nhân
  • Khác (vì hổng biết phân vào đâu)
  • Body shaming

Nhóm này hầu như tập trung ở chùm Hôn nhân, vợ chồng (5 câu) và Tục ngữ con người (10 câu). Thái độ chính trong nhóm này hầu hết là mỉa mai, chế giễu. Có một số câu mang tính trung lập và đúc kết, một số câu lại tung hô quá mức (so sánh ngoại hình với tiền bạc).

Cụ thể như sau:

Mỉa mai, chế giễu:

Đàn ông không râu bất nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con

hay

Dữ như tê giác, ác như đàn bà một mắt

hoặc

Cua thâm càng, nàng thâm môi

kinh khủng hơn (cái này áp dụng ở thời hiện đại thì mình chết chắc :p):

Cả vú to hông, cho không chẳng màng

Tính đúc kết (nhưng vẫn mang định kiến):

Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài Xấu mặt dễ sai, lành trai khó kiếm

Tung hô:

Khô chân gân mặt, đắt tiền cũng mua Xấu mặt hơn béo bụng

thực ra câu “Xấu mặt hơn béo bụng” vừa có ý body-shaming, vừa có ý đánh giá xấu mặt cao hơn béo bụng. Còn câu “khô chân gân mặt, đắt tiền cũng mua” mình hơi thắc mắc có phải sử dụng lối nói mỉa mai không, vì bình thường mình thường thấy người ta chửi là khô chân gân mặt mà thôi 😥

Trong nhóm Body-shaming này, thái độ phần lớn là mỉa mai, thi thoảng có một số câu khá cực đoan trong đánh giá ngoại hình. Thực ra những câu trong nhóm này đều nhằm mục đích đúc kết cách nhìn người (hoặc thuật xem nhân tướng). Tuy nhiên, những câu này đều đánh giá con người dựa vào ngoại hình và mang tính sát thương rất cao. (Bản thân mình bị ám ảnh bởi câu “mặt gân chân khô” vì từng nghe những người xung quanh dùng trong lúc mâu thuẫn. Có thể ai đó cho rằng việc dùng những câu này là việc bình thường (“bao năm nay ông bà ta vẫn dùng rồi”) nhưng với mình câu này chỉ toàn gợi lên những chuyện buồn. Và tất nhiên, chẳng đúng gì cả).


Rất xin lỗi nếu ai đó dạo này ghé thăm trang blog hẻo lánh của mình và không thấy bài mới. Lý do thì ngoài việc lười (như mọi khi) ra, cuối tuần rồi mình phải chạy deadline nộp báo cáo thực tập và mấy ngày nay mình đang bị ốm 😥 Cập nhật một chút thì tuần trước nữa mình có đi nghe nhạc ở Tranquil (phù, cuối cùng cũng quay lại sau 2 năm). Đêm nhạc Trần Lê Quỳnh và Việt Anh có đệm đàn piano. Đây cũng là 2 nhạc sĩ mà mình nghe nhiều nhất hiện tại vì phong cách nhạc rất giống nhau, ca từ đẹp, nhiều chiêm nghiệm. Tuy nhiên nhạc này chắc phù hợp với những ai gần 30 (hoặc tâm hồn già nua nhạt nhẽo như mình). Đêm nhạc ấy, mình và bạn đi cùng, chắc là 2 đứa trẻ nhất quán :p

Và vèo một phát mình đã sắp tròn 21 tuổi 😀 Năm nay tuy không đặt nhiều mục tiêu, cuối cùng những dự định từ các năm trước dồn lại lại được thực hiện trong năm nay cả :p Tuy vẫn cả đống thất bại, nhưng điều mình yêu thương và trân trọng nhất của tuổi 20, là được gặp và làm việc cùng những người đam mê; được quen những người tử tế; và hiểu như thế nào là học một cách thực sự.