Bài soạn ôn tập văn biểu cảm lớp 7 năm 2024

Để Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc không hề đơn giản, cần phải lựa chọn các ý và lập dàn ý rõ ràng. Dạng văn này khác với các dạng văn khác là cần có yếu tố biểu cảm, vì vậy cần lưu ý tìm những từ ngữ biểu cảm cho hợp lý. Cùng tham khảo bài soạn dưới đây để nắm được cách trình bày bài văn biểu cảm về con người, sự việc.

1. Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc: Phân tích kiểu văn bản

1.1 Câu 1 trang 91 SGK Văn 7/1 Chân trời sáng tạo

Trong bài viết phía trên, người viết đã bộc lộ cảm xúc về điều gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại toàn bộ văn bản

Lời giải chi tiết:

Bài viết phía trên được viết nhằm bộc lộ cảm xúc về lễ đón giao thừa tại quê nhà của người viết.

1.2 Câu 2 trang 92 SGK Văn 7/1 Chân trời sáng tạo

Tìm ở đoạn mở bài câu giới thiệu về sự việc, câu văn thể hiện được cảm xúc của người viết đối với sự việc

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại phần mở bài của văn bản

Lời giải chi tiết:

Câu giới thiệu về sự việc đó là: “Thời gian làm nhòa nhiều thứ, nhưng không sao xóa đi mảnh kí ức đặc biệt trong tôi, về một lần cách đây nhiều năm trước, tôi đã đón cái Tết ở Cần Thơ - mảnh đất cha tôi sinh ra, cũng nơi gieo cho tôi bao nhớ thương”

Câu văn thể hiện được cảm xúc của người viết đối với sự việc đó là: “Thành phố phồn hoa biết mấy, thế mà tôi lại nặng tình tha thiết với quê hương”

1.3 Câu 3 trang 92 SGK Văn 7/1 Chân trời sáng tạo

Trong phần thân bài, người viết đã biểu lộ cảm xúc về sự việc như thế nào? Để làm rõ những cảm xúc đó, người viết đã sử dụng đến những yếu tố hỗ trợ nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại phần thân bài

Lời giải chi tiết:

- Ở phần thân bài, người viết đã biểu lộ ra cảm xúc bồi hồi và xúc động về sự việc:

+ Đó là một thứ cảm xúc vô cùng bồi hồi, xúc động và xao xuyến.

+ Cảm xúc nhẹ nhõm, yên bình và tận hưởng mùa xuân đến

- Để làm rõ được những cảm xúc ấy, người viết đã sử dụng đến những yếu tố: tự sự kết hợp với miêu tả để lý giải cho cảm xúc, làm cho bài viết thêm phần giàu hình ảnh, cảm xúc và có sức hấp dẫn hơn.

1.4 Câu 4 trang 92 SGK Văn 7/1 Chân trời sáng tạo

Em có nhận xét như thế nào về cách viết đoạn kết của bài văn?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại phần kết bài

Lời giải chi tiết:

Ở đoạn kết bài, người viết đã trình bày cảm xúc thương nhớ của bản thân về kỉ niệm đón giao thừa tại Cần Thơ quê hương.

1.5 Câu 5 trang 92 SGK Văn 7/1 Chân trời sáng tạo

Từ bài viết phía trên, em rút ra được những lưu ý như thế nào về cách viết bài văn biểu cảm về sự việc?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại bài viết để rút ra kết luận

Lời giải chi tiết:

Từ bài viết phía trên, em rút ra được những lưu ý về cách viết bài văn biểu cảm về sự việc đó là:

- Tình cảm trong bài văn cần phải chân thực và trong sáng

- Sử dụng ngôi thứ nhất nhằm chia sẻ cảm xúc

- Kết hợp giữa miêu tả với tự sự để hỗ trợ cho việc biểu lộ cảm xúc

- Bố cục bài viết bao gồm ba phần cụ thể: mở bài, thân bài và kết bài

\>> Xem thêm: Soạn văn 7 Chân trời sáng tạo

2. Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc: Thực hành viết

2.1 Lập dàn ý: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc

  1. Mở bài

Giới thiệu về sự việc mà em đang muốn bày tỏ tình cảm và suy nghĩ.

Bày tỏ tình cảm cùng với ấn tượng ban đầu của em về sự việc ấy.

  1. Thân bài

- Giới thiệu chung:

Sự việc ấy là gì?

Xảy ra ở nơi nào?

Xảy ra lúc nào?

- Kể lại diễn biến của sự việc theo một trình tự nhất định.

- Điều gì khiến cho em cảm thấy ấn tượng nhất?

- Trình bày cảm xúc và suy nghĩ về sự việc đó: hạnh phúc, vui vẻ hay bất ngờ…

- Lí giải vì sao em lại có cảm xúc và suy nghĩ đó?

  1. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm và suy nghĩ của em đối với sự việc đã được kể.

2.2 Bài viết tham khảo

Bài viết tham khảo 1:

Ngày đầu tiên khai trường, đó chính là cái ngày mà chắc hẳn không ai trong số chúng ta có thể quên được. Cái ngày đó đã đánh dấu sự kiện mỗi chúng ta bước chân vào con đường học tập. Năm nay tôi đã lên lớp 7, đã quá quen thuộc với không khí học đường, nhưng nhìn lại chiếc cặp mà chú tôi mới tặng tuần trước làm tôi thêm bồi hồi, xao xuyến và ngay lập tức nhớ lại những kỉ niệm ngây thơ, bé bỏng của một cậu bé mới chập chững bước vào cổng trường trong đôi bàn tay gầy guộc nhưng chất chứa đầy tình thương của bà tôi.

Đó là cái ngày mà tôi sẽ không thể nào quên được. Hôm ấy, trời mùa thu se se lạnh, mây bồng bềnh trôi, đó cũng chính là biểu hiện của một ngày khai trường đang dần đến, một năm học mới sắp bắt đầu. Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng vô cùng ngây thơ với tâm trạng của một đứa trẻ sắp phải đối diện với một sự kiện quan trọng. Thực ra lúc ấy còn quá bé, chưa cảm nhận được gì mấy về ngày khai trường và cũng chẳng biết đấy là ngày gì, nhưng nhận thấy được sự quan tâm, bận rộn của người lớn phần nào tôi cũng đã nhận ra được có cái gì đó vô cùng quan trọng đang diễn ra. Hôm nay bà sẽ là người đưa tôi tới trường, bố mẹ tôi đi công tác xa nên không thể nào đưa tôi đi được, nhưng nghe bà tôi nói rằng bố mẹ tôi cũng háo hức đến cái ngày này lắm. Vùng quê tôi không phải ở thành thị, cũng không phải một nơi nào đó giàu có, mà là một vùng sông nước mang đầy những nét thôn quê và sự dân dã. Trên con đường đi học, bà cháu tôi phải vượt qua một con sông. Bác lái đò đã chờ sẵn chúng tôi tại đấy. Tôi thấy nét mặt của bác tươi vui hơn mọi ngày, phải chăng đó cũng là vì cái ngày hôm nay, cái ngày mà mọi người gọi nó là “ngày tựu trường” – trong đầu tôi nghĩ thế. Trên đò có rất nhiều những bạn học sinh cùng với các bậc phụ huynh. Tôi để ý thấy từng nét mặt vô cùng lo lắng hiện lên trên mặt bọn trẻ, trong đó có cả mấy đứa thường xuyên đi thả diều với tôi, cùng với sự chu đáo của người lớn giống như bà tôi vậy. Điều ấy càng làm cho tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của ngày hôm đó, nhưng cũng chính vì thế mà khiến tôi càng thêm phần bận tâm. Tâm hồn tôi bấy giờ nặng trĩu nhưng rồi cũng lại nhẹ nhàng như những cánh hoa tươi nở rực rỡ trong nắng mai cùng với những giọt sương sớm bởi vì bà tôi đang ngồi bên cạnh cùng những dập dềnh của sóng nước. Đang mải mê suy nghĩ thì chợt tiếng bác lái đò gọi rất to làm tôi giật mình: “Các cháu xuống nào, chúc các cháu vui vẻ nhé” Câu nói đó thật quen thuộc bởi mỗi khi tôi đi đò của bác thì đều được nghe nhưng hôm nay sao câu nói đó lại in sâu vào tâm trí của tôi như vậy. Nó như động lực giúp cho tôi mạnh mẽ thêm với tâm trạng như hiện giờ. Tôi mạnh dạn chủ động nắm lấy tay bà rồi bước xuống đò. Làn gió nhè nhẹ thổi qua, xoa đi cái tiết trời nóng nực khi ngồi đò và cái bồi hồi trong tâm trạng.

Trước mặt tôi là một cái cổng trường vô cùng to lớn. Xung quanh đó là hàng trăm những bạn học sinh khác cùng với biết bao nhiêu tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu lấy chân mẹ, người thì mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa lên sau lưng tôi, tôi liền chạy tới úp mặt vào bà và cũng nghẹn ngào khó tả. Nước mắt tôi đã dưng dưng tới tận cổ họng. Nhưng nhớ đến những lời mà bố mẹ tôi vẫn hay nũng nịu cùng với sự quan tâm, dỗ dành của bà. Tôi lại can đảm để lau nhẹ nước mắt và mồ hôi, đứng thẳng người. Cùng lúc ấy, có một cô giáo đi về phía tôi. Tôi ngơ ngác nhìn thì cô giáo nhẹ nhàng cất tiếng nói lên: “Bà cho cháu vào lớp đi. Đó là lớp của cháu” Giọng nói ấm ấm và thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến cho tôi nhớ đến mẹ. Tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Cô nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi dắt vào lớp, tôi đi theo sau cô và cảm nhận được mùi thơm từ tà áo dài của cô.

Với tôi, nếu không có ngày khai trường đầu tiên khi đi học chữ – phút đầu tiên được nói “thưa cô giáo”, lần đầu tiên được nghe tiếng trống trường và đứng dưới lá cờ tổ quốc mà hát quốc ca ấy… tôi sẽ có gì sâu sắc với mái trường và tuổi thơ ấy nhỉ? Những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ trong ngày khai trường đầu tiên ấy đã góp phần bồi đắp nên được tâm hồn thơ của tôi đấy thơ ơi!

Bài viết tham khảo 2:

Đất nước Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Những dịp lễ Tết cổ truyền cùng với nét phong tục độc đáo. Hằng năm, tôi đều háo hức chờ đợi tới dịp Tết Nguyên Đán.

Mùa xuân về, tiết trời cũng trở nên ấm áp hơn. Quê hương như được khoác lên mình một tấm áo mới. Những con đường sạch sẽ và tấp nập những phương tiện giao thông đi lại. Làng xóm được trang trí rực rỡ với những lá cờ đỏ sao vàng. Còn khu chợ thì đông vui và nhộn nhịp người mua kẻ bán. Rất nhiều những mặt hàng Tết được bày bán bao gồm thịt cá, rau củ, mứt tết, bánh kẹo,... Tiếng trò chuyện thật rộn ràng và vui tươi. Khuôn mặt của mọi người đều vô cùng háo hức, đón chờ một năm mới sắp đến.

Đẹp nhất phải kể tới những khu chợ hoa. Rất nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc thắm để chào đón một mùa xuân đang về như là lan, cúc, thược dược… Và không thể thiếu được vào dịp Tết không thể không nhắc đến hoa đào, hoa mai và cây quất. Ai cũng mong muốn lựa chọn được một cây thật đẹp để về chơi Tết. Khi ngắm nhìn trăm loài hoa khoe sắc rực rỡ, tôi cảm thấy thực sự rộn ràng, xao xuyến.

Những ngày giáp Tết, mọi người ở trong gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Mỗi người một việc, tuy có chút mệt mỏi nhưng lại rất vui vẻ. Khi người lớn bận rộn để chuẩn bị mua sắm thì trẻ em lại vô cùng háo hức vì sẽ được mua quần áo và giày dép mới. Tôi thích nhất là được ngồi xem và phụ ông bà, bố mẹ gói bánh chưng. Chiều ba mươi Tết, mọi người đều quây quần bên mâm cơm Tất niên ấm cúng. Cả gia đình vừa ăn uống lại vừa trò chuyện với nhau về những điều từng xảy ra trong một năm vừa qua. Không khí ấy thật ấm áp và thân tình biết bao!

Đến đêm giao thừa, mọi người cùng quây quần bên một chiếc vô tuyến nhỏ để xem chương trình Táo Quân. Tôi thích nhất là được thức tới mười hai giờ đêm để đón chờ khoảnh khắc giao thừa và xem bắn pháo hoa. Sau đó, tôi còn đi chúc Tết ông bà, bố mẹ và được nhận được nhiều phong bao lì xì đỏ thắm. Sáng mùng một Tết, tôi cùng với bố mẹ đi chúc Tết họ hàng. Đường phố hôm nay vắng vẻ hơn, thỉnh thoảng mới có một số người đi qua lại. Ai cũng đều mặc những bộ quần áo mới, đẹp nhất, rực rỡ nhất cho ngày đầu tiên của năm mới. Những lời chúc tốt đẹp, mang tới niềm vui hân hoan cho mỗi người.

Không khí của dịp Tết thật sự ấm cúng. Nhờ có Tết mà những giá trị văn hóa truyền thống cũng sẽ được gìn giữ. Chúng ta cần biết trân trọng những dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Bài viết tham khảo 3:

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta hẳn đều đã từng mắc phải những sai lầm. Tôi cũng vậy, nhưng nhờ có lỗi lầm ấy, tôi đã nhận ra được một bài học vô cùng quý giá.

Sự việc ấy đã xảy ra vào tiết sinh hoạt cuối tuần trước. Hôm đó, cô giáo bận việc cho nên đã yêu cầu cả lớp tự quản với nhau. Vốn ham chơi, tôi đã rủ Cường cùng tôi trốn tiết đi chơi điện tử. Chúng tôi trèo tường để ra ngoài, rồi vào quán điện tử ở gần cổng trưởng chơi. Tôi chọn một chỗ khuất ở trong cùng. Cả hai đang ngồi chơi rất say sưa với nhau thì bỗng nghe thấy một giọng nói vô cùng quen thuộc:

- Quốc và Cường, sao các em lại ở đây giờ này?

Tôi quay lại thì phát hiện ra người đó chính là cô Thúy - cô giáo chủ nhiệm của lớp tôi. Tôi cảm thấy rất lo lắng, gọi Cường ngồi bên cạnh đứng lên:

- Thưa cô, chúng em…

Cả hai đều ngập ngừng không biết nói gì. Tôi lén đưa mắt nhìn cô Thúy. Khuôn mặt của cô toát lên sự sự thất vọng. Cô nói:

- Thôi, các em mau quay trở lại lớp cho cô. Ngày mai đến trường, cô sẽ nói chuyện này với các em sau.

Cả hai cùng nhanh chóng quay lại lớp học. Hôm sau tới lớp, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Sau giờ học, cô đã gọi hai chúng tôi ra để nói chuyện riêng. Cô còn nói sẽ gọi điện để trao đổi chuyện này với phụ huynh vào buổi tối.

Suốt buổi học hôm ấy, tôi cảm thấy thấp thỏm không yên. Buổi tối, khi cả nhà còn đang ngồi xem vô tuyến thì thấy có tiếng chuông điện thoại. Tôi ngồi ở trên phòng hồi hộp và chờ đợi. Mẹ tôi là người nghe máy. Nghe tiếng của mẹ thì đúng là cô Thuý đã gọi đến thật. Nghe cuộc điện thoại xong, mẹ đã nói chuyện với bố nhưng rồi tôi không nghe rõ được lời nói của mẹ. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Mẹ gọi tôi xuống dưới nhà.

Mẹ nhẹ nhàng nói:

- Vừa nãy, cô giáo có gọi điện tới để trao đổi về tình hình học tập của con.

Tôi không dám nói gì mà chỉ đứng im chờ đợi những lời trách mắng. Nhưng không, tôi chỉ nghe thấy tiếng bố nhẹ nhàng nhắc nhở:

- Cô giáo đã nói về việc con trốn tiết để đi chơi game. Việc này khiến cho bố mẹ cảm thấy rất thất vọng.

Sau đó, bố đã kể cho tôi nghe về việc lúc bố còn nhỏ cũng đã từng rất ham chơi rồi trốn học. Nhưng ông bà nội đã khuyên bảo để giúp cho bố nhận ra sai lầm. Cả việc cuộc sống ngày xưa nhiều vất vả ra sao, nhưng ông bà vẫn luôn cố gắng làm lụng để nuôi bố ăn học đầy đủ. Tôi lắng nghe những câu chuyện của bố mà cũng cảm thấy vô cùng ân hận về việc làm của mình. Tôi nghẹn ngào nói với bố mẹ một lời xin lỗi, cũng như lời hứa sẽ học hành thật chăm chỉ. Bố mẹ mỉm cười nhìn tôi sau đó động viên tôi.

Sau sự việc xảy ra khiến cho tôi nhận ra bản thân cần phải thay đổi. Tôi trở nên trưởng thành hơn nhiều: chăm chỉ học tập và biết giúp đỡ bố mẹ… Đây đúng là một bài học rất đáng nhớ đối với tôi.

Lộ trình khóa học DUO dành riêng cho cấp THCS sẽ được thiết kế riêng cho từng em học sinh, phù hợp với khả năng của các em cũng như giúp các em từng bước tăng 3 - 6 điểm trong bài thi của mình.

Bài viết tham khảo 4:

“Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô. Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn. Để rồi mai chia xa lòng chợt dâng niềm thiết tha. Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…”. Những câu hát ở trong bài “Mong ước kỷ niệm xưa” đã gợi nhắc cho tôi nhớ đến ngày khai trường dưới mái trường Trung học cơ sở.

Sự việc đã xảy ra vào một buổi sáng mùa thu thật đẹp. Thời tiết mát mẻ và dễ chịu vô cùng. Tôi thức dậy thật sớm, chuẩn bị sách vở đầy đủ để đi học và mặc bộ đồng phục mới tinh. Đúng bảy giờ, tôi đạp xe tới trường. Trên đường đi, tôi cảm thấy rất háo hức và cũng đầy lo âu. Ngày hôm nay, tôi đã chính thức được trở thành một học sinh Trung học cơ sở. Thật đáng tự hào làm sao!

Con đường tới trường vốn đã quen thuộc. Trường Tiểu học của tôi cũng ở gần đây. Trước đây, tôi thường được mẹ mình đèo đi học trên con đường này. Nhưng hôm nay, tôi đã lớn hơn và có thể tự mình đạp xe tới trường. Chỉ khoảng mười lăm phút, tôi đã tới trường. Trước cổng trường thật sự đông đúc người, đó là những học sinh và cả phụ huynh đưa con tới trường. Khuôn mặt ai cũng thật rạng rỡ, hân hoan. Hôm nay, ngôi trường ấy thật đẹp. Sân trường đã được quét dọn thật sạch sẽ. Những hàng ghế được xếp theo hàng ngay ngắn. Trên sân khấu được treo một tấm băng rôn màu xanh nước biển. Ở đó có gắn dòng chữ màu trắng: “LỄ KHAI GIẢNG” ở phần chính giữa. Phía bên dưới là tên của trường “THCS….”. Hai bên sân khấu cũng được gắn những lá cờ đỏ thắm. Chiếc trống nằm im ở một góc. Ngay cả nó cũng đã được trang trí bởi một chiếc nơ màu đỏ rất đẹp.

Buổi lễ khai giảng được bắt đầu vào đúng bảy giờ ba mươi phút. Một hồi trống giòn giã đã vang lên yêu cầu học sinh ổn định chỗ ngồi. Những tiết mục văn nghệ do các anh chị học sinh lớp trên trình bày đã mở đầu cho buổi lễ khai giảng. Tiếp đến là phần tổng kết năm học cũ, cũng như mục tiêu của một năm học mới của cô Linh - tổng phụ trách. Sau phần phát biểu của cô, tôi đã vinh dự được đại diện cho học sinh khối lớp sáu phát biểu cảm nghĩ. Tôi cảm thấy vô cùng hồi hộp vì đây là lần đầu tiên tôi được đứng phát biểu trước đông người đến vậy. Nhưng nhờ có sự động viên của cô giáo tổng phụ trách, tôi đã có được sự tự tin. Phần trình bày của tôi đã diễn ra trôi chảy, còn nhận được rất nhiều tràng pháo tay của mọi người nữa. Lần đầu tiên, tôi có cơ hội được đứng trước toàn trường, thay mặt cho các bạn học sinh khối sáu, trình bày về cảm nhận của mình. Đây chính là một niềm vinh dự trong cuộc đời tôi.

Nhưng ngày hôm đó, tôi cảm thấy ấn tượng nhất là lời phát biểu của thầy giáo hiệu trưởng. Những lời nói sâu sắc mà quý báu đã giúp cho mỗi học sinh nhận thức được rõ về trách nhiệm của mình. Buổi lễ khai giảng kết thúc bằng tiếng trống trường giòn giã do chính tay thầy hiệu trưởng đánh. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ âm thanh của tiếng trống trường lúc đó.

Buổi lễ khai giảng là một kí ức vô cùng đẹp đẽ trong quãng đời học sinh của tôi. Nó sẽ trở thành hành trang quý báu để tôi có thể vững bước trong chặng đường tương lai phía trước.

Bài viết tham khảo 5:

Trong cuộc đời của mỗi người, chắc hẳn ai cũng đều có những ấn tượng đặc biệt về một sự kiện nào đó đã xảy ra trong cuộc sống. Những sự kiện đó không chỉ để lại những kỉ niệm khó quên mà nó còn có sự liên kết với những cảm xúc và tâm trạng. Bởi vậy mà mỗi khi chúng ta nhớ về những sự việc đã xảy ra đó thì cũng là một lần chúng ta được sống lại trong những kí ức xưa.

Đối với em, những kỉ niệm đáng nhớ không có điểm gì to lớn mà đó chỉ là những câu chuyện mà em cảm thấy thú vị đã xảy ra ở trong cuộc sống của mình. Sự việc đã xảy ra khiến cho em thấy nhớ mãi, đó chính là lần đầu tiên mà em có ý thức học bài thực sự, cảm hứng đó đến vô cùng tự nhiên, và nó cũng mang đến cho em kết quả tốt khiến em nhớ mãi mà không thể quên.

Em còn nhớ như in, đó là vào năm em học cấp hai, mặc dù ghét học môn ngữ văn nhưng trên đường đi học, nhìn ngắm cảnh đất trời lúc sau cơn mưa thì bỗng dưng em lại nhớ đến những hình ảnh thấp thoáng đâu đó ở trong bài thơ mình đã từng học, những từ ngữ nảy ra trong đầu em lúc đó đã kết hợp lại với nhau rất nhanh và chính xác tới mức em cũng không thể nào ngờ được.

Em rất thích học môn toán và những môn khoa học tự nhiên, nhưng em lại rất kém môn ngữ văn bởi vì em không tìm được niềm đam mê trong môn học này. Môn ngữ văn trong ấn tượng của em thời bấy giờ là một môn học nhiều lí thuyết, thiếu tính ứng dụng cũng như không thể thực tế với đời sống giống như môn học tự nhiên.

Do đó em không hề thích học ngữ văn, những tiết học bài trên lớp em có cảm giác như thời gian kéo dài ra gấp nhiều lần, cô giáo dù giảng vô cùng nhiệt tình, hăng say nhưng em vẫn không thể nào cảm nhận được cái hay của bài.

Việc học tập môn ngữ văn của em ở trên lớp chỉ mang hình thức đối phó, miễn sao qua được môn. Nhưng cho đến một ngày, mọi ấn tượng về môn học này của em đều thay đổi, đó đều là do sự tác động do khung cảnh mà em bắt gặp lúc đến trường.

Đó là vào một buổi chiều ngày thứ sáu, sở dĩ em nhớ ra ngày đó bởi hôm ấy có hai tiết văn do chính cô giáo chủ nhiệm giảng dạy. Em vốn không thích học môn văn nên buổi hôm nào có tiết văn cũng đều làm cho em cảm thấy chán nản, áp lực. Hơn nữa, buổi trưa hôm đó trời mưa như trút nước, mây đen giăng bao phủ cả bầu trời, những cơn gió rít lên từng hồi khiến cho những hàng cây nghiêng ngả.

Em đang thầm vui mừng vì nếu như mưa to như vậy thì buổi chiều em sẽ có lí do để nghỉ học, và điều quan trọng nhất đó là em sẽ không phải học hai tiết văn. Tuy nhiên, chỉ tầm một tiếng sau thì cơn mưa cũng tạnh hẳn, bầu trời trong xanh trở lại, em nén nỗi thất vọng vào trong một tiếng thở dài đầy chán nản.

Trên đường đi học, em cảm thấy vô cùng lo lắng bởi hôm nay em chưa học bài về nhà, nếu như bị cô giáo kiểm tra thì chắc chắn em sẽ bị phê bình. Nhưng quang cảnh sau mưa thực sự rất đẹp, trời quang gió hiu hiu thổi, mặt đường có nước mưa rội qua trơn bóng lấp lánh ở dưới ánh sáng của bầu trời, dòng nước ở trên những con rạch thì lặng lẽ chảy, khung cảnh lúc ấy yên bình khiến cho em quên đi mọi nỗi lo bài cũ.

Trong đầu em lúc đó chợt hiện ra những câu thơ rời rạc, đất trời và núi rừng, sau đó em tự nhiên có thể tự đọc thuộc được một đoạn thơ mà em chưa bao giờ nghĩ là mình có khả năng nhớ được:

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Thật sự là việc này rất ngẫu nhiên và tình cờ, trước khung cảnh tươi đẹp của vạn vật ở sau mưa đã khiến cho em nhớ lại và đọc thuộc được những câu thơ mà em từng thấy rằng chúng rất hóc búa.

Và kết quả là buổi kiểm tra hôm đó em có thể đọc trọn vẹn được khổ thơ này, cô giáo đã tuyên dương em trước cả lớp và cho em điểm chín khiến em vô cùng vui mừng. Em chợt nhận ra môn văn cũng thật thú vị, không hề nhàm chán như những gì em từng nghĩ.

Bài viết tham khảo 6:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Có lẽ kỉ niệm khó quên nhất ở trong cuộc đời em chính là lỗi lầm mà em đã mắc phải vào năm lớp 4. Thời gian đã trôi qua và làm xóa nhòa nhiều thứ, nhưng ký ức về ngày hôm ấy vẫn luôn in sâu vào trong tâm trí em. Đó chính là sự việc em mà đã trốn mẹ đi chơi cùng những đứa bạn hàng xóm vào một buổi trưa nắng vô cùng chói chang. Lỗi lầm ấy đã cho em biết rằng tình mẹ vẫn luôn là một thứ tình cảm bao la và thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Chạy theo dòng ký ức về với buổi trưa nắng hè hôm ấy, đấy là vào một buổi trưa hè tháng 6. Tia nắng chói chang đã chiếu xuống những ngõ phố và con đường từ lúc sớm tinh mơ. Thức dậy vào một buổi sớm hôm đấy với tiếng nói thật dịu dàng của mẹ “Con dậy ăn sáng xong ở nhà trông nhà để mẹ đi chợ một chút nhé. Nay mẹ làm món thịt con thích đó”. Tiếng mẹ xa dần thì tôi cũng liền nhanh chóng dậy ăn sáng. Uầy, quả thật món ăn sáng nay quá ngon, đúng món bánh mì trứng ốp mà tôi thích. Quả thật, tôi rất thích cảm giác hè về, vừa được nghỉ ngơi ở nhà, lại vừa được chơi những trò mình thích. Đang nằm dài ở trên chiếc ghế xem phim hoạt hình thì tôi bỗng nghe tiếng bọn thằng Nam gọi vào: “Minh ơi, tí nữa đi chơi không? Minh ơi”. Tôi vội vàng chạy ra cổng thì đúng là đám bạn ở xóm mà tôi hay chơi, chúng nó rủ trưa nay đi ra bờ sông ở cuối làng bơi. Tôi do dự nhớ tới lời mẹ dặn không được đi ra những chỗ sông nước sâu vì rất dễ gặp nguy hiểm. Nhưng lời mời gọi cũng quá hấp dẫn, tôi liền đồng ý ngay. Và rồi mấy đứa chúng tôi hẹn nhau ăn cơm trưa xong thì tụ tập ở nhà Nam sau đó xuất phát. Và rồi tôi giục bọn nó đi về vì mẹ tôi cũng sắp đi chợ về, nếu biết được thì mẹ tôi chắc chắn không cho tôi đi.

Một lúc sau mẹ tôi cũng về thật, mẹ nấu cơm trưa cho cả nhà ăn, cơm trưa nay có toàn món hấp dẫn. Đối với tôi đồ ăn mẹ nấu vẫn luôn là đỉnh nhất. Ăn xong mẹ dặn dò tôi ngồi nghỉ một lát rồi phải vào giường để đi ngủ trưa. Đợi khi mẹ ngủ say, tôi mới lẻn trốn ra khỏi nhà tới chỗ bọn thằng Nam. Bọn nó mới càu nhàu “Sao mày ra muộn quá vậy. Đi nhanh lên thôi”. Tôi vội nói sang chuyện khác rồi cũng giục bọn nó đi nhanh kẻo muộn. Dự tính của tôi sẽ về trước khi mẹ tôi ngủ dậy để mẹ không biết được chuyện này.

Thế rồi chúng tôi cùng kéo nhau ra đến bờ sông cuối làng, dòng nước ở đây thực sự hấp dẫn với mấy đứa tôi. Giữa trưa hè thế này mà được ngâm mình dưới dòng nước thì còn gì tuyệt vời hơn. Nói rồi mấy đứa bắt đầu cởi áo rồi nhảy tõm xuống đó để bơi. Cả lũ chúng tôi chơi đùa ở dưới nước sau đó lại kéo nhau đi hái trộm xoài, ăn rất là ngon. Vì quá vui mà tôi quên mất việc mình phải về nhà. Lúc nhớ ra thì trời cũng đã xẩm tối rồi. Mấy đứa vội vã ba chân bốn cẳng chạy nhanh về nhà.

Về tới nhà tôi đã thấy mẹ cùng với mấy cô bác hàng xóm đang xôn xao để đi tìm mấy đứa chúng tôi. Đứa nào cũng lấm lét vì sợ phải ăn roi. Rồi mọi người cũng thở phào vì thấy chúng tôi về. Đứa nào về nhà đứa đó, mẹ không trách mắng tôi mà chỉ nói tôi vào tắm rửa rồi ra ăn cơm. Mẹ còn bảo sẽ nói chuyện với tôi sau. Lúc đó tôi đã vô cùng sợ và hối hận “Lẽ ra mình phải về sớm hơn”.

Tối đó tôi đang ngồi học bài, bỗng dưng tôi thấy đầu mình choáng váng rồi tôi thiếp đi lúc nào mà không hay. Khi tôi tỉnh dậy thì màn đêm vẫn đang bao phủ nhưng tôi thì đã nằm trên giường và mẹ đang ở bên để lấy khăn đắp lên trán cho tôi. Mẹ cứ đi lại, khuôn mặt thể hiện đầy sự lo lắng. Khi thấy tôi tỉnh dậy, mẹ vội vã hỏi “Con có làm sao không? Có thấy mệt quá không?”. Bỗng dưng lúc ấy tôi òa khóc, tôi xin lỗi mẹ rối rít, vì đã không nghe lời mẹ nên giờ mới bị như thế này. Mẹ đã ôm tôi vào lòng rồi an ủi, mẹ không trách mắng tôi lấy nửa lời mà nói cho tôi hiểu tác hại cùng với sự nguy hiểm về những hành động mà tôi đã làm. Tôi thấy thực sự hối hận. Tôi hứa với mẹ rằng sẽ không bao giờ trốn mẹ đi chơi như thế nữa...

Đó chính là kỉ niệm mà tôi có thể nhớ mãi đến tận bây giờ. Tôi nhớ từng cử chỉ lo lắng và chăm sóc cho tôi vô cùng chan chứa tình yêu thương của mẹ. Có lẽ dù có đi đâu, dù khôn lớn đến bao nhiêu thì mẹ vẫn mãi là người chiếm trọn trái tim của tôi.

Bài viết tham khảo 7:

Tôi vốn là con nhà khá giả, được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ lại học giỏi nên có khá đông bạn bè. Sự nổi trội của tôi đã khiến cho các bạn khác khâm phục. Có lẽ vì thế, đôi lúc tôi kiêu ngạo về bản thân mình, thấy ai không hợp sẽ không thèm chơi, nhất là với các bạn học chưa giỏi hay ăn mặc “quê mùa”.

Hồi đó cô giáo chủ nhiệm đã phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ những bạn học lực yếu. Thật không may là tôi phải kèm một cô bạn mà từ xưa tôi đã chẳng bao giờ nói chuyện. Hằng là một người ít nói, điểm số thì lẹt đẹt, thỉnh thoảng lại nghỉ học mà không rõ lí do. Tóm lại chẳng có điểm gì nổi bật. Cô giáo xếp chúng tôi ngồi cạnh nhau và sau đó yêu cầu tôi phải kèm cặp bạn ấy học. Trong khi tôi không giấu nổi sự thất vọng thì Hằng lại tỏ ra rất vui mừng. Bạn ấy cười với tôi rồi nói nhỏ: “Đằng ấy giúp tớ với nhé!”. Tôi đành phải cười gượng đáp gọn lỏn một từ “ừ”. Trong lòng tôi lúc ấy cảm thấy hơi bực vì từ bây giờ sẽ không còn được tự do về thời gian nữa, bị ám thế này thì làm sao mà sống nổi.

Tuy nhiên, tôi cũng không dám làm trái lời cô. Tôi phải kèm cặp Hằng học để bạn ấy tiến bộ hơn, đó cũng là cách để tôi chứng minh khả năng của mình với cả lớp. Đôi bạn cùng tiến nào có kết quả học tập cao nhất sẽ được thưởng mà. Chiều nào cũng thế, tôi bắt Hằng phải qua nhà tôi để học. Lúc đầu, Hằng có vẻ ngại nhưng sau thấy vẻ cương quyết của tôi, Hằng cũng nhận lời. Thực ra, khi kèm Hằng, tôi nhận thấy rằng bạn ấy học không tới nỗi nào, nhưng hình như trước đó bạn ấy không có thói quen ôn bài và làm bài thì phải. Vở bài tập cũng chẳng có, thẩn nào chẳng bị điểm kém.

Hằng rất phục tôi, tôi nói gì thì bạn ấy cũng nghe, cứ như tôi là một cô giáo vậy. Thỉnh thoảng, khi được tôi khen, bạn ấy cười với vẻ rất sung sướng, tôi thấy Hằng không quá xấu xí như tôi đã từng nghĩ. Bạn ấy đen nhưng lại có duyên ra phết. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thái độ như bình thường, không nghĩ rằng mình sẽ coi Hằng là một người bạn thân. Cho đến một lần…

Hôm đó, tôi đạp xe đi chơi ở loanh quanh. Mải nhìn ngắm và nghĩ linh tinh nên tôi đi lạc vào một khu phố rất vắng người. Trưa nắng mà tôi không biết được lối về, cứ đạp xe loanh quanh mãi. Chợt có một đám con trai choai choai trông rất ra vẻ hầm hố đi xe máy qua. Chúng trêu ghẹo tôi, sờ cả vào má của tôi khiến cho tôi loạng choạng tay lái rồi tôi bị ngã xuống đường. Thấy vậy, chúng nó cười hô hố sau đó bỏ chạy. Vừa đau, vừa tức, tôi khóc đã nức nở. Cho đến khi có một bóng người đến gần kêu lên:

- Ôi! Hải Hà! Sao cậu lại ở đây?

Tôi ngẩng mặt lên thì thấy Hằng. Bạn ấy mặc đồ ở nhà, tay thì cầm mớ rau nhìn tôi với vẻ lo lắng. Tôi kể sơ qua về tình hình và cố gắng ngồi dậy. Nhưng hình như chân tôi đã bị chảy máu, lại bị bong gân hay sao mà không thể nào đứng nổi, rất đau. Hằng vội vàng dựng xe lên để dìu tôi vào gác-ba-ga rồi đèo tôi về nhà của bạn ấy. Bạn ấy bảo nhà bạn ở gần đây, bạn ấy vừa mua rau về nhà để nấu cơm thì nhìn thấy tôi. Vào tới nhà Hằng, dù đang đau nhưng tôi vẫn nhận ra được đó là một ngôi nhà cấp bốn bé tí tẹo, đồ đạc thì tuềnh toàng. Sau đó, tôi được biết được nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ Hằng đi làm công ty vệ sinh môi trường vô cùng vất vả, Hằng thường đi làm cùng với mẹ do mẹ bị bệnh, người không được khỏe. Vậy mà tôi chẳng biết gì về hoàn cảnh của bạn ấy, tôi thật vô tâm. Cả lớp tôi cũng vậy, chỉ biết chê trách người khác mà chẳng chịu tìm hiểu về họ. Hằng làm sao làm bài tập khi mà bạn phải làm các công việc gia đình, cơm nước, giặt giũ và lại còn giúp mẹ đi quét rác nữa…

Đưa tôi về nhà, Hằng mới mời tôi uống nước, lấy cồn để rửa vết thương cho tôi cẩn thận rồi mới băng vào. Nhìn Hằng làm rất thành thạo, tôi thấy phục bạn ấy quá. Tôi mà nhìn thấy máu là chỉ biết kêu thôi chứ không biết xử lí như thế nào. Còn Hằng, bạn ấy biết cách rửa sạch vết thương rồi băng lại gọn gàng. Xong xuôi, bạn ấy đưa tôi trở về nhà. Từ nhà Hằng sang nhà tôi cũng khá xa, vậy mà hôm nào Hằng cũng phải đi bộ qua nhà của tôi để học bài. Tôi thực sự cảm thấy rất ân hận và thương bạn ấy quá.

Mấy hôm sau, vì quá đau chân, tôi đã nghỉ học. Ngày nào, Hằng cũng đến thăm tôi, cùng tôi học bài. Bạn ấy còn giúp chép bài cho tôi nữa. Thành ra bây giờ, người được kèm cặp chính là tôi chứ không phải là Hằng.

Lúc tôi khỏi chân cũng là lúc mà chúng tôi trở thành đôi bạn thân thiết. Ngày ngày, tôi qua nhà đón Hằng đi học rồi hai đứa thay nhau đèo, vừa đi và vừa ôn bài, trò chuyện rôm rả. Tôi kể hoàn cảnh của Hằng cho bố mẹ tôi nghe. Bố tôi đã xin cho mẹ Hằng đi bán hàng tại một cửa hàng gạo, đỡ vất vả mà thu nhập cũng có phần khá hơn.

Hai mẹ con Hằng cảm thấy vui lắm, cứ cảm ơn gia đình tôi mãi. Còn tôi, tôi cũng rất vui vì tìm được một người bạn giàu nghị lực, ít nói nhưng lại sâu sắc, tốt bụng.

Từ đó đến nay, tôi và Hằng luôn là một đôi bạn thân thiết. Sức học của Hằng cũng khá lên rất nhiều, bạn ấy đã đạt được danh hiệu “Học sinh tiên tiến”. Có chuyện gì vui buồn, tôi và Hằng đều sẵn sàng tâm sự với nhau và giúp đỡ nhau. Có một người bạn như Hằng, tôi thấy mình như được trưởng thành hơn.

Duy nhất khóa học DUO tại VUIHOC dành riêng cho cấp THCS, các em sẽ được học tập cùng các thầy cô đến từ top 5 trường chuyên toàn quốc. Nhanh tay đăng ký thôi !!!

Bài viết tham khảo 8:

Trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều khó tránh khỏi một lần mắc phải lỗi lầm. Điều quan trọng chính là chúng ta phải biết sửa chữa nó và làm thật nhiều việc tốt đẹp để bù đắp cho phần lỗi lầm ấy của mình. Gần đây, tôi đã gặp phải một chuyện rất đáng nhớ và có lẽ mãi sau này cũng sẽ khó có thể quên được. Nó đã khiến cho bản thân tôi nhận ra được một bài học sâu sắc.

Vào cuối buổi học, cô giáo đã phát phiếu thu tiền học phí tới tất cả học sinh trong lớp tôi. Khi về nhà, tôi lập tức đưa tờ phiếu cho mẹ. Đọc xong thì mẹ cẩn thận chuẩn bị tiền cho tôi để mang đi nộp. Sáng hôm sau, tôi để số tiền ấy trong cặp sách, rồi mang tới lớp. Lúc tổ trưởng bắt đầu truy bài, tôi mới lấy sách vở ở trong cặp ra thì phát hiện rằng mình đã để quên cuốn bài tập Toán. “Rõ ràng hôm qua mình đã bỏ nó vào trong cặp rồi cơ mà”- tôi thầm nghĩ và lục tung tất cả đống sách vở lên. Lúc đó, tôi thực sự rất rối mà không biết rằng: mình đã sơ ý làm rơi mất phong bì đóng học phí xuống dưới gầm bàn. Cô bắt đầu đi thu tiền học, tôi thì cuống cuồng lên và tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy nó đâu. Cuối cùng, cô cho phép tôi được đóng tiền học vào ngày mai. Vậy là nỗi lo lắng bây giờ đổ dồn vào việc biết nói thế nào với mẹ mình đây, khéo mẹ sẽ đánh tôi một trận đòn nhừ tử mất thôi.

Trên đường về, tôi vô cùng hồi hộp, sợ hãi và tìm cách để nói lại với mẹ. Đang đi thì bất chợt tôi thấy một chiếc ví rơi ra từ túi của một anh sinh viên. Tên anh thì tôi không biết, nhưng mặt của anh thì tôi nhớ rất rõ. Anh ấy là sinh viên học trường Đại học sư phạm Hà Nội. Hầu như ngày nào anh ấy cũng đi cùng tôi trên chuyến xe buýt trở về nhà. Mọi sự quan tâm và chú ý của tôi dồn vào chiếc ví vừa bị rơi ra. Tôi hí hửng và mừng thầm trong bụng rồi tự nhủ: “thế là mình có khả năng lo được vụ học phí này rồi”. Tôi nhanh tay nhặt chiếc ví lên, rồi nhẹ nhàng cho chiếc ví vào túi quần.

Tối đến, lúc tôi đi ngủ, thì cái “hí hửng” khi mới nhặt được tiền ấy đã không còn. Tôi bắt đầu suy nghĩ về cảm xúc của anh sinh viên hồi chiều. Có lẽ, nó cũng giống y hệt cảm xúc của tôi khi đánh rơi mất học phí. Mặc dù cố lờ ý nghĩ ấy đi, nhưng nó cứ không ngừng lảng vảng và ám ảnh trong đầu tôi. May là cuối cùng thì chiếc chăn ấm đã làm tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, khi tới lớp, tôi nộp số tiền đã nhặt được cho cô. Nhìn mặt tôi và cô hỏi “Em có chuyện gì không?”. Cuối buổi học, tôi đã kể cho cô nghe toàn bộ câu chuyện xảy ra. Cô khuyên tôi nên nói thật chuyện này với mẹ và tìm cách trả lại số tiền ấy. Tôi nhớ như in lời cô đã dạy: “Giấu diếm sai lầm của mình, lấy đồ của người khác là việc làm không trung thực đâu con ạ. Con cần phải mạnh dạn, dũng cảm đối diện và sửa chữa những sai lầm của bản thân. Cô tin mọi người có thể tha thứ cho con khi con biết nhận ra những lỗi lầm của mình”. Và quả thật, khi tôi đem sự việc ấy kể cho mẹ, mẹ không hề mắng tôi. Mẹ chỉ khuyên nhủ tôi và cho tôi lại số tiền ấy để trả cho anh sinh viên đó.

Hôm sau, tôi đi lên xe buýt về nhà. Như thường lệ, anh ấy cũng đi cùng với chuyến xe. tôi rụt rè đến gần anh và ngập ngừng giải thích với anh về chuyện đã xảy ra, rồi đưa tiền trả lại cho anh. Anh sinh viên đã thực sự mừng rỡ. Anh không trách phạt gì tôi cả mà chỉ đưa ra cho tôi một vài lời khuyên bảo bổ ích. Lòng tôi bỗng thanh thản và nhẹ nhõm hơn khi nãy rất nhiều.

Lại một ngày mới tới trường. Bỗng nhiên, Thùy Dương - người bạn ngồi gần bàn của tôi chạy lại và hỏi: “Có phải hôm trước cậu đã đánh rơi một chiếc phong bì có màu xanh không? Tớ nhặt được một chiếc phong bì đề tên cậu. Hôm qua tớ nghỉ học nên không thể mang đến cho cậu được”. Ôi, đúng là thật may mắn. Tôi nhảy cẫng lên sau đó cảm ơn bạn. Cuối cùng thì tôi đã trả được của rơi cho người đánh mất và cũng tìm lại được đồ mà mình bị mất.

Các bạn thấy đấy, nếu như chúng ta làm việc tốt thì những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. Mong là thông qua câu chuyện này, mỗi bạn học sinh chúng ta đều sẽ trung thực, dám nhìn nhận những khuyết điểm và sửa chữa được sai lầm mà mình mắc phải.

Bài viết tham khảo 9:

Ngày đầu tiên đi học

Mẹ dắt tay đến trường

Em vừa đi vừa khóc

Mẹ dỗ dành bên em

Ngày đầu tiên đi học

Em mắt ướt nhạt nhoà

Cô vỗ về an ủi

Chao ôi! Sao thiết tha

Khi đọc lại những câu phía trên mỗi chúng ta đều nhớ, hàng năm cứ tới độ thu sang đầu tháng 9, lá ngoài đường đã rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, ngoài vườn thì hương thơm ngát, ong bướm bay lượn rộn ràng, lòng em lại nao nức về những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường, lại xôn xao một cách khó tả. Nhưng có lẽ ngày khai giảng đáng nhớ nhất của em chính là ngày mà em bước vào lớp 1. Tạm biệt những ngày tháng rong chơi tuổi thơ, chúng ta đã bắt đầu bước vào một hành trình mới mẻ trong cuộc đời của mình. Đến trường để học về những nét chữ và phép toán đầu tiên.

Em vẫn nhớ ngày hôm ấy – một buổi sớm mai có những tia nắng lấp ló bên ô cửa sổ. Em phải cùng mẹ tới trường để tham dự lễ khai giảng của năm học mới. Hôm đó em dậy rất sớm. Có lẽ vì em thấy rằng mình đã khôn lớn và một lý do quan trọng hơn nữa chính là ngày khai trường đầu tiên ở trong cuộc đời của mình. Em mặc bộ đồng phục mới mà mẹ đã là cho em và tự tay chuẩn bị sách vở vào cặp sách. Mẹ đeo cặp cho em, và hai mẹ con dắt tay nhau bước đi trên con phố nhỏ vào buổi sáng mùa thu dịu mát. Đi trên con đường thân thuộc hàng ngày, mà trong lòng em lại không khỏi lo lắng, háo hức và nôn nao chờ đợi. Chờ đợi những điều mà em sắp sửa trải qua: đó chính là ngày đầu tiên dự buổi khai trường để bước vào năm học mới.

Khi tới cổng trường, em cảm thấy hết sức ngạc nhiên vì khác xa với ngôi trường mẫu giáo mình đã từng học, trường tiểu học cũng có rất đông bạn nhỏ được bố mẹ đưa tới trường. Những chị học sinh khối 4 và 5 duyên dáng với những chiếc váy đồng phục, các anh chị khăn quàng đỏ thắm trên vai, em đặc biệt chú ý đến những bạn cùng lứa tuổi với em, áo quần tinh tươm rụt rè nắm lấy đôi bàn tay mẹ đến trường. Mẹ khẽ lay tay em và nói rằng: “Đến trường rồi kìa con!”. Trường to lớn và đồ sộ hơn rất nhiều so với trường mẫu giáo. Trước cổng trường có một tấm bảng ghi chữ màu xanh nước biển rất to: “Trường tiểu học Quang Trung”.

Bước vào cổng trường, có khoảng sân rộng rồi đến trước cửa lớp. Em vẫn nhớ rất rõ là mình vào học lớp 1A do chính cô Phương làm chủ nhiệm lớp. Cô đã dìu tay em vào lớp và xếp chỗ ngồi cho em. Em bịn rịn buông đôi tay mẹ và bỗng chợt cảm giác hụt hẫng chiếm lấy trong lòng lúc bấy giờ. Nhìn các bạn xung quanh mình trông ai cũng thật lạ lẫm.

Cô giáo yêu cầu phụ huynh đi ra về để cả lớp bắt đầu giờ học. Em chào mẹ thông qua ô cửa sổ. Có vài người bạn khóc to lên gọi tên bố, gọi tên mẹ khi thấy bố mẹ đi về khiến cho em cũng cảm thấy mắt mình nhòe ướt. Nắng ấm áp xuyên qua từng kẽ lá. Buổi lễ khai giảng cuối cùng cũng bắt đầu.

Cô giáo dẫn chúng em xếp thành hàng theo từng tốp. Lễ khai giảng cũng được bắt đầu trong không khí hết sức trang trọng của nghi thức chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới được kéo lên với bài hát Quốc ca trầm hùng. Cô hiệu trưởng trang trọng đọc báo cáo cùng với mục tiêu cho năm học mới. Cả trường vang vội tiếng vỗ tay. Đám học trò lớp 1 cũng bắt chước theo anh chị vỗ tay. Sự rụt rè đã dần tan biến. Giờ phút thiêng liêng cuối cùng đã đến. Cô hiệu trưởng đánh ba hồi trống khai giảng cho năm học mới. Chính tiếng trống đó đã khởi đầu tương lai cho chúng em bằng con đường học vấn và đánh dấu một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời mình.

Giờ đây, dù đã trải qua đến tám mùa khai giảng nhưng những kỉ niệm ấy vẫn mãi đọng lại ở trong kí ức tuổi thơ của em về ngày đi học đầu tiên. Những khoảnh khắc đẹp ấy về mái trường, thầy cô và những người bạn đầu tiên thời học sinh đã giúp cho em có thêm nhiều động lực để cố gắng học tập và ngày càng tiến bộ hơn nữa.

HỌC ONLINE CÙNG GIÁO VIÊN TOP 5 TRƯỜNG ĐIỂM QUỐC GIA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:

⭐ Xây dựng lộ trình học cá nhân hóa, giúp con tăng 3 - 6 điểm chỉ sau 1 khóa học

⭐ Học chắc - ôn kỹ, tăng khả năng đỗ vào các trường chuyên cấp 2, cấp 3

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo mong muốn và thời gian biểu cá nhân

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô, hỗ trợ con 24/7

⭐ Học lý thuyết đi đôi với thực hành, kết hợp chơi và học giúp con học hiệu quả

⭐ Công nghệ AI cảnh báo học tập tân tiến, giúp con tập trung học tập

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập được biên soạn bởi các thầy cô TOP 5 trường điểm quốc gia

Trải nghiệm khóa học DUO hoàn toàn miễn phí ngay!!

Thông qua phần phân tích bài học và những phần Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc tham khảo, hy vọng các em có thể nắm chắc được cách viết bài và có thể tự mình viết được một ài văn cụ thể. Ngoài bài soạn ở trên, khi muốn tham khảo các bài soạn văn khác nói riêng hoặc những bài soạn của các môn học khác nói chung, các em hãy nhanh chóng truy cập vào website chính thức của VUIHOC là vuihoc.vn để tự đăng ký khoá học cho mình nhanh chóng nhất để được nghe các thầy cô giáo VUIHOC giải đáp các thắc mắc gặp phải.

Chủ Đề