Bài tập về a an the đơn giản năm 2024

Nếu bạn vẫn đang phân vân về cách sử dụng các từ “a, an, the” trong Tiếng Anh hay còn chưa phân biệt được các mạo từ này thì bài viết này chính là dành cho bạn. Trong bài này, IZONE sẽ chia sẻ với các bạn cách phân biệt các mạo từ trong tiếng Anh cùng với các bài tập kèm đáp án chi tiết.

I. Mạo từ là gì? – Giới thiệu chung về mạo từ trong tiếng Anh

Xét câu tiếng Việt sau:

Ai đã đỗ xe trước nhà mình?

Khi dịch sang tiếng Anh, nhiều bạn có thể dịch từng từ một:

Who parked car in front of our house?

Câu này đầy đủ tất cả các thành phần như ở câu tiếng Việt. Nhưng nếu để đúng chuẩn tiếng Anh thì câu dịch này vẫn đang thiếu một thành phần. Câu đúng sẽ cần thêm một từ:

Who parked the car in front of our house?

Từ “the” này không xuất hiện trong câu tiếng Việt, vậy tại sao trong tiếng Anh lại cần đến?

Trong tiếng Anh, có một tính chất đặc biệt luôn được chú trọng khi nhắc đến một sự vật hoặc người, đó là sự xác định: cả người nói và người nghe/người đọc có cùng biết cụ thể người/vật đang nói đến là người/vật nào không?

Ví dụ: Bạn A quay sang bạn B: đưa tớ quyển sách gì đó để đọc giết thời gian nào ⇒ cả A và B đều chưa biết quyển sách gì đó ở đây tên gì, cụ thể là quyển nào.

B mượn A 1 quyển sách mà mãi không trả. Một hôm A gặp B và nói: Thế bao giờ cậu mới định trả sách tớ đây? ⇒ Cả A và B đều biết sách ở đây là cái gì, đó chính là quyển sách B đã mượn A mà chưa trả.

⇒ Vậy là sự xác định hay không xác định của người/vật phụ thuộc khá lớn vào bối cảnh câu truyện, chúng ta cần tự suy luận để xem người/vật trong câu là xác định hay không.

Để thể hiện sự xác định/không xác định đó, trước mỗi danh từ người ta sẽ thêm 1 loại , có tên là Mạo từ – loại từ dùng để chỉ sự xác định hoặc không xác định của người/vật đang được nói đến.

Như vậy, mạo từ trong tiếng Anh (article) là một loại từ đứng trước danh từ để biểu thị danh từ đó là đối tượng xác định hay không xác định.

Bài tập về a an the đơn giản năm 2024

Trong tiếng Việt, chúng ta không có quy định trong ngữ pháp về tính chất được xác định hay chưa của một người / vật trong cuộc nói chuyện, mà tính chất đó được ta ngầm hiểu (như ở ví dụ phía trên, người nghe tự hiểu “sách” là cuốn sách nào). Vì vậy, tiếng Việt cũng không có những từ tương đương với mạo từ “a/an/the” trong tiếng Anh. Chính vì vậy, việc lưu ý có sử dụng và sử dụng chính xác mạo từ trong tiếng Anh là một khó khăn nhiều học sinh gặp phải.

II. Các loại mạo từ trong tiếng Anh

Như đã nói ở phần 1, mạo từ được dùng để chỉ sự xác định của 1 người hoặc vật nào đó. Vì vậy, mạo từ có hai loại là:

Bài tập về a an the đơn giản năm 2024

Mạo từ bất định (Indefinite article)

Mạo từ bất định (Indefinite article) còn được gọi là mạo từ không xác định là từ đứng trước những danh từ không xác định.

Các mạo từ bất định: a và an

Mạo từ xác định (Definite article)

Mạo từ xác định (Definite article): là từ đứng trước các danh từ xác định.

Hiểu đơn giản hơn thì các danh từ đó đã được nhắc đến trong câu hoặc nhắc đến trong ngữ cảnh giao tiếp.

Mạo từ xác định được sử dụng khi tất cả mọi người tham gia trong cuộc hội thoại đều hiểu rõ đối tượng đang được nhắc đến là ai/cái gì.

Mạo từ xác định: The

Hãy cùng IZONE tìm hiểu về những cách sử dụng mạo từ sau đây nhé!

III. Các trường hợp dùng mạo từ “the”

Như phần I đã đề cập, chúng ta dùng “the” để chỉ sự xác định (người nói và người nghe đều biết cụ thể mình đang nói đến người/vật gì).

Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào đó, rất nhiều bạn học sinh sẽ khá bối rối trong việc nhận biết: cụ thể thế nào được tính là “xác định”. Sự “xác định” này do ai đánh giá và cảm nhận: người nói ra câu tiếng Anh đó, người nghe câu nói đó, hay “người ngoài” – là chúng ta – những người nhìn vào các câu ví dụ tiếng Anh và cố gắng phân tích chúng?

Câu trả lời ở đây: người nói ra câu tiếng Anh là “chủ nhân” của toàn bộ câu nói, những suy nghĩ cảm nhận của họ sẽ quyết định họ nói như thế nào. Như ở đây, khi dùng “the” thì ý của người nói là: này bạn, tôi chuẩn bị nói ra một người/vật nhé. Tôi thì biết cụ thể đó là người/vật nào rồi, tôi cũng MONG ĐỢI và TIN TƯỞNG là bạn cũng sẽ biết cụ thể như tôi.

Điều gì đã khiến người nói (chính là chúng ta khi nói/viết tiếng Anh) cảm thấy TIN TƯỞNG như vậy? Về cơ bản thì sẽ luôn có một thông tin nào đó giúp người nghe hiểu rõ thêm về người/vật được nói đến. Hôm nay IZONE sẽ cụ thể hóa các thông tin đó để chúng ta có thể sử dụng mạo từ trong tiếng Anh một cách thành thục và chính xác hơn nhé.

1. Thông tin giúp xác định nằm ngay trong câu đang nói

– Trường hợp 1: Dựa vào thông tin ở sau danh từ

Xét ví dụ: Giả sử có cậu bé đòi bố mẹ mua cho ô tô, trường hợp này cậu bé có thể nói:

a, I want a car! (Con muốn 1 cái ô tô!)

hoặc

b, I want the car at the showroom yesterday. (Con muốn cái ô tô ở cửa hàng mình đến hôm qua.)

  • Ở ví dụ a), như đã nói ở phần II, cậu bé trong trường hợp này chưa xác định được mình thích chiếc ô tô nào, chỉ cần là ô tô nói chung là được.

\=> nên chúng ta dùng mạo từ “a” cho danh từ “car”.

  • Sang ví dụ b), phần thông tin thêm at the showroom yesterday (ở sau danh từ car) đã đủ giúp cho người nghe xác định được chiếc ô tô mà cậu bé muốn là chiếc ô tô ở cửa hàng hôm qua. Đây chính là điều giúp người nói “tự tin” là người nghe cũng sẽ biết cụ thể câu nói đang bàn về cái ô tô nào.

\=> người nói sẽ chọn dùng mạo từ “the” cho danh từ “car”.

Xét thêm 1 ví dụ:

The people I met there were very friendly. (những người tôi gặp ở đó rất thân thiện.)

Tương tự, ở ví dụ này, phần thông tin thêm I met there phía sau danh từ chung chung “people” (những người) đã giúp người nghe xác định được những người ở đây cụ thể là những người người nói gặp ở đó. => cảm nhận thấy điều này, người nói sẽ tự tin chọn dùng mạo từ “the”.

– Trường hợp 2: Dựa vào thông tin đứng trước danh từ

Một trong những dạng thông tin đặc trưng giúp xác định cụ thể người / vật là thứ tự / xếp hạng của chúng như “First” (thứ nhất), second (thứ hai), “only” (duy nhất), most (so sánh nhất),…

Xét ví dụ:

Ví dụ 1:

We will leave on the first day of next month. (Chúng tôi sẽ rời khỏi đây vào ngày đầu tiên tháng sau).

Ở ví dụ này, số thứ tự “first” đã giúp người nghe xác định “day” – ngày ở đây cụ thể là ngày nào (là ngày đầu tiên của tháng sau). Nên trường hợp này ta dùng “the”.

Một ví dụ tương tự: This is the third time you lie to me! (Đây là lần thứ 3 anh nói dối em!)

Ví dụ 2:

He is the tallest person in my class. (Cậu ấy là người cao nhất lớp tôi).

Đặc điểm “cao nhất” này là một điều rất đặc trưng: khi đứng giữa các bạn cùng lớp, cậu này vượt lên hẳn nhờ chiều cao của mình => rất dễ nhận diện. Nói chung, các phần so sánh nhất (cao nhất, nhanh nhất, giỏi nhất…) sẽ giúp người nghe xác định người/vật trong câu. => người nói thấy có so sánh nhất là yên tâm dùng “The”.

2. Thông tin giúp xác định nằm ở một câu khác (thường là câu trước câu đang nói)

Khác với mục 1, thông tin giúp chúng ta xác định sự vật không nằm trực tiếp ngay trong câu đang nói, mà nằm ở câu đã nhắc đến trước đó.

Xét ví dụ:

A: I’m afraid I can’t come. I met a girl at work and we’re gonna have a date tonight. (Chắc mình không đến được đâu. Mình gặp 1 em ở chỗ làm và tối nay bọn mình sẽ đi chơi).

B: You can’t miss this party! Take the girl along with you and she will have so much fun! (Đừng có bỏ lỡ buổi party này! Đưa em đó đi party cùng và em ấy sẽ rất vui vẻ thôi.)

Lần đầu khi A nói đến cô gái, do người nghe (B) chưa biết cô gái đó là ai, nhưng ở câu sau khi B nói đến cô đó thì do cả A và B đều biết mình đang nói đến cô gái ở câu trước của A (cô gái A sẽ đưa đi chơi) nên B dùng the girl (đã xác định).

3. Thông tin giúp xác định nằm ở bối cảnh câu chuyện

Ở 2 mục 1&2, thông tin giúp chúng ta biết liệu sự vật, sự việc trong câu đã xác định hay chưa nằm ở trong câu nói, nhưng nó cũng có thể không nằm ở câu nói mà ở bối cảnh câu chuyện.

Xét ví dụ: Giả sử bối cảnh ở đây là trong gia đình có một chiếc ô tô, người con muốn mượn xe từ bố để đi chơi, người con sẽ nói:

Dad, can I borrow the car? (Bố cho con mượn chiếc xe nhé?)

Trong ví dụ này, cả bố (người nghe) và con (người nói) đều xác định được chiếc xe ở đây là xe nào: xe nhà mình, không phải xe của ai khác. Biết được điều đó nên người con đã dùng “the” cho danh từ “car”.

Xét ví dụ khác: Giả sử bối cảnh ở đây là bạn đang ngồi xem TV với bạn của mình. Điều khiển TV đang ở phía bạn của bạn, khi muốn mượn chiếc điều khiển ấy bạn sẽ nói:

Could you give me the remote (đưa cho tớ cái điều khiển TV.)

Trong ví dụ này, cả bạn của bạn (người nghe) và bạn (người nói) đều xác định được điều khiển ở đây là điều khiển nào: điều khiển của cái TV đang xem, không phải TV nào khác, và cái điều khiển đang nằm ở ngay gần bạn của bạn. Vậy nên trường hợp này, bạn sẽ dùng “the” cho danh từ “remote”.

4. Thông tin giúp xác định nằm ngay trong ý nghĩa của danh từ

Nếu trong ba cách xác định trên, những danh từ đều mang tính khá chung chung và phải dựa vào câu hay bối cảnh để xét xem nó đã “xác định” với cả người nói và người nghe chưa, thì ở mục cuối này, Izone muốn giới thiệu đến các bạn một số trường hợp mà chỉ cần nhìn vào danh từ ta đã biết chắc chắn là nó “xác định” và người nói sẽ dùng “the”.

– Trường hợp 1: Danh từ là vật thể hoặc địa điểm đặc biệt, duy nhất.

Xét ví dụ: The Earth goes around the Sun. (Trái Đất xoay xung quanh Mặt Trời.)

Danh từ “Earth” (Trái Đất) và “Sun” (Mặt Trời) ở đây đều là những vật thể duy nhất, nên chắc chắn nó đã xác định. Vậy ta phải dùng “the” trước những danh từ này.

hay

The Eiffel Tower is located in Paris.

Ai cũng biết “Eiffel Tower” (tháp Eiffel) là một địa điểm đặc biệt, duy nhất, nên trường hợp này danh từ cũng đã xác định. Chắc chắn ta sẽ dùng “the” trước những danh từ này.

Tương tự, ta có:

When you are in Egypt, you must visit the Nile! It is spectacular. (Khi đến Ai Cập, bạn phải đến thăm sông Nile đấy! Nó rất hùng vĩ!)

Lưu ý:

Một số bạn sẽ nghĩ: ở nhà tôi cũng có 1 mô hình trái đất, tôi cũng gọi nó là Earth. Công viên cạnh nhà tôi có cái mô hình tháp Eiffel, nó cũng có tên là Eiffel Tower. Con sông trong công viên đó cũng là sông Nile. Thế thì mấy cái ở trên đâu phải là thứ duy nhất?

Lý do ở đây là khi nói The Earth, The Eiffel Tower, the Nile, người nói có ý: này bạn, tôi chuẩn bị nói ra một cái tên, và tôi MONG ĐỢI là bạn đừng coi cái tên này là một cái tên tầm thường, mà là một cái tên ĐẶC BIỆT, ĐẶC TRƯNG. Eiffel Tower thì nhiều nơi có, nhưng cái Eiffel Tower đặc biệt nhất, với hình ảnh đặc trưng mà được bắt chước rất nhiều kia thì trên đời chỉ có 1 thôi – đó là cái tháp nằm ở Paris. Đó cũng chính là cái duy nhất được tôi gọi là the Eiffel Tower.

Đây cũng là lý do mà mạo từ the thường hay được dùng với tên người nổi tiếng. Ví dụ trong một cuộc nói chuyện giữa 2 fan của nhóm nhạc BlackPink:

A: Can you believe it? I just met Lisa!

B: Did you just say Lisa? Do you mean the Lisa, the one in BlackPink?

Thái độ của B khi nói the Lisa: đừng coi đây chỉ là 1 cái tên bình thường, mà là 1 cái tên cực kỳ đặc biệt, nói cái tên này ra là cả bạn và tôi đều biết đây là ai đó.

– Trường hợp 2: Danh từ là thứ mà nói ra ai cũng biết là cái gì

Xét ví dụ:

The government should do more to protect the environment. (Chính Phủ nên hành động nhiều hơn để bảo vệ môi trường.)

Người nói tin rằng khi nói đến “chính phủ” thì người nghe sẽ tự hiểu đó là chính phủ Việt Nam (chính phủ của đất nước 2 người đang sống) => người nói tự tin dùng “the”: tôi tin là bạn biết tôi đang nói đến chính phủ nào rồi mà.

Hay the environment trong câu trên cũng có lời giải thích tương tự: người nói tin là người nghe sẽ biết “môi trường” ở đây là môi trường sống xung quanh 2 người bọn họ => dùng the.

– Trường hợp 3: Danh từ chỉ một nhóm người đặc trưng trong xã hội

Thường nhóm người ngày sẽ có được nhận dạng qua một đặc điểm, tính chất riêng, và đặc điểm tính chất này sẽ là thông tin xác định họ

Xét ví dụ:

This is a favorite resort for the rich.

Có thể thấy the + adj = danh từ số nhiều. (ở đây the rich = rich people) → Ví dụ: Khi nói đến “the rich” thì trong đầu chúng ta sẽ có một hình ảnh đặc trưng về những người giàu: nhà to, xe xịn, ăn uống sang chảnh…, và vì đặc trưng đến vậy nên người nói tin là người nghe sẽ biết ngay nhóm “người giàu” là nhóm người như thế nào.

\=>> Vậy trường hợp này người nói sẽ dùng mạo từ “the”.

III. Các trường hợp dùng a/an

Mạo từ không xác định A và An cùng mang nghĩa “một” và thường được đặt trước (cụm) danh từ số ít, không xác định.

*** Lúc nào dùng A và lúc nào dùng An

  • Dùng A khi từ đằng sau phát âm mở đầu bằng phụ âm (a dog, a boy,…).
  • Dùng An khi từ đằng sau phát âm mở đầu bằng nguyên âm (an apple, an elephant, …).

Chú ý: thay vì nhìn cách viết của từ thì cần tra từ điển và nhìn vào phiên âm, xem trong phiên âm thì từ đó mở đầu bằng âm nào.

Ví dụ: hour /ˈaʊər/ mở đầu bằng chữ “h” là phụ âm nhưng phát âm lại mở đầu bằng nguyên âm /aʊ/ nên cần dùng an ở trước: an hour.

Bài tập về a an the đơn giản năm 2024

Các trường hợp danh từ dùng các mạo từ a/an:

1. Khi nhắc đến danh từ đó lần đầu tiên trong ngữ cảnh

Xét ví dụ: Giả sử A và B đang nói về buổi party tối nay. A nói với B:

A: I’m afraid I can’t come. I met a girl at work and we’re gonna have a date tonight. (Chắc mình không đến được đâu. Mình gặp 1 em ở chỗ làm và tối nay bọn mình sẽ đi chơi).

B: You can’t miss this party! Take the girl along with you and she will have so much fun!

Trong ví dụ này, trái với “the girl” đã xác định như phần II ta đã phân tích, ở câu trên là lần đầu A nói đến cô gái với B, do người nghe (B) chưa xác định được cô đó là ai nên A đã dùng a girl (với ý: tôi biết là bạn chưa xác định được cô gái này là ai đâu).

2. Khi bản thân người nói cũng chưa xác định rõ, hoặc thấy không cần đề cập cụ thể danh từ là ai/cái gì

Xét ví dụ:

We need a new CEO. The current one is doing a terrible job. (Chúng ta cần một giám đốc điều hành mới. Ông hiện tại làm ăn chán quá.)

Trong ví dụ này, người nói dùng “a” trước cụm danh từ “new car” bởi: đến người nói ở đây cũng chưa biết CEO mới là ai => chắc chắn người nghe cũng không thể biết. Mà với người nói thì chưa cần biết cụ thể là ai, chỉ cần khác ông CEO hiện tại là được.

3. Khi miêu tả nghề nghiệp – tính chất

Xét ví dụ:

He’s a doctor. (anh ấy là một bác sĩ.)

Trong ví dụ này, người nói đang muốn miêu tả nghề nghiệp của chủ ngữ “he” là bác sĩ. Lý do ta dùng “a” ở đây là do anh ấy chỉ là một trong số hàng triệu bác sĩ ngoài kia có chung đặc điểm (áo blouse, đeo ống nghe,…). Việc xác định anh ấy trong nhóm người đông đảo như vậy cũng giống như tìm một hạt cát trong sa mạc => vậy bác sĩ (doctor) ở đây cũng chưa xác định, ta dùng “a”.

Xét ví dụ khác:

He is a nice guy. (Anh ấy là một người tử tế.)

Trong ví dụ này, người nói đang muốn miêu tả tính chất của chủ ngữ “he” là một người tử tế. Lý do ta dùng “a” ở đây là do anh ấy chỉ là một trong số rất nhiều người tử tế ngoài kia => vậy người tử tế (nice guy) ở đây cũng chưa xác định, ta dùng “a”.

IV. Các trường hợp không cần mạo từ

1. Khi đề cập về sự việc chung chung

Ngược lại với sự xác định nhiều ở “the” hay ít ở “a/an” => Khi đề cập đến sự việc chung chung ta không bàn đến sự xác định nữa, nên ở đây chúng ta không cần dùng mạo từ.

Xét ví dụ:

Jobs are essential if you want to make money. (công việc là điều tất yếu phải có nếu bạn muốn có tiền.)

Ở đây, người nói KHÔNG muốn chỉ đích danh một công việc cụ thể nào mà chỉ muốn đề cập chung chung là “ các công việc”.

I don’t like eating grapes. (Tôi không thích ăn nho.)

Ở đây, người nói KHÔNG muốn chỉ đích danh một loại nho cụ thể nào mà chỉ muốn đề cập là nho nói chung.

\=> Vậy trong các trường hợp khi ta không muốn bàn đến tính xác định, chỉ muốn đề cập sự vật, sự việc chung chung thì sẽ không cần đến sự có mặt của mạo từ.

2. Khi đề cập tới tên riêng

Xét ví dụ:

She works for Google. (Cô ấy làm việc cho Google.)

hay

I live in Hanoi. (Tôi sống ở Hà Nội.)

Google hay Hanoi đều là những tên riêng của công ty/ thành phố, nên chúng ta không cần sử dụng mạo từ a/an/the.

Tương tự, ta có thể áp dụng với tên riêng của: tỉnh, bang, quốc gia, châu lục, núi, hồ, đường,…

Chú ý: Các bạn hãy phân biệt trường hợp này với trường hợp dùng mạo từ “the” nhé.

Cùng là tên riêng nhưng nếu đã dùng “the” thì tên riêng ở đây không phải là một cái tên riêng bình thường nữa, mà còn mang tính chất rất đặc trưng, đặc biệt, mang tính biểu tượng.

Xét thêm một ví dụ:

I am Linh (tôi tên là Linh)

Có thể thấy, Linh ở đây cũng là tên riêng, nhưng nó chỉ là một tên riêng bình thường (trong hàng nghìn người tên Linh khác), chứ không phải như “Lisa” ở ví dụ trên: là một nhân vật rất biểu tượng, nổi tiếng.