Bài tham luận về xây dựng To chức Hội phụ nữ vững mạnh

Công tác thu hội phí, xây dựng quỹ hội cũng được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo. 100% Ban Chấp hành Hội LHPN cơ sở và các chi hội đều có quỹ với tổng số tiền là 7 tỷ 972 triệu đồng, tăng 2 tỷ 756 triệu đồng so với năm 2016, bình quân 160.000đ/hội viên, tỷ lệ hội viên đóng hội phí đạt 100%. Công tác quản lý, thu chi quỹ hội theo đúng hướng dẫn và được công khai trước Ban Chấp hành, hội viên.

Công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết, chấp hành Điều lệ Hội được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Hằng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện kiểm tra toàn diện phong trào; kiểm tra chuyên đề ở 100% số cơ sở Hội. 100% các chi hội được Ban Thường vụ Hội LHPN xã, thị trấn kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch. Qua chấm điểm thi đua hàng năm đã có 90% - 95% cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% cơ sở Hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có cơ sở không hoàn thành nhiệm vụ.

Song song với việc thu hút hội viên vào tổ chức hội, thì nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội từ huyện tới cơ sở cũng được Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đặc biệt quan tâm. Xác định cán bộ nào phong trào ấy, cán bộ phải có thực tiễn, có trình độ, có kỹ năng trong công tác vận động quần chúng, hàng năm, căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp hội, Ban thường vụ Hội LHPN huyện tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hội để giúp các chị có thêm kỹ năng, nghiệp vụ trong lãnh đạo và tổ chức các hoạt động hội, phối hợp tổ chức và mời giảng viên của TW, của tỉnh về giảng nhiều lớp chuyên đề, giao lưu, tìm hiểu về luật pháp, chính sách, văn hóa, tôn giáoNgoài ra, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện còn chủ động và tích cực trong công tác tham mưu với Thường trực Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy để chọn cử cán bộ hội đi học các lớp đào tạo về chuyên môn, chính trị. 5 năm qua, đã có 208 chị được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị. Đến nay, 100% cán bộ chuyên trách từ huyện đến cơ sở đều đạt chuẩn và trên chuẩn chức danh theo quy định.

Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động Hội, tham mưu xây dựng hệ thống mạng văn phòng liên thông giữa Hội LHPN huyện và cơ sở để truyền tải các văn bản chỉ đạo. Thành lập trang Zalo, Fanpage của Hội nhằm giúp các cấp Hội phụ nữ trong huyện cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Hội cấp trên tới cơ sở và báo cáo, phản ánh của cơ sở với Hội phụ nữ huyện.

Thực hiện Nghị quyết 892/NQ-UBTVQH ngày 11/02/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019- 2020 và Nghị quyết số 20/2020-NQ-HĐND ngày 11/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Thái Thụy có 21 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 9 đơn vị hành chính xã, thị trấn, 15 người hoạt động bán chuyên trách giảm xuống còn 8 người. Là huyện có số xã, thị trấn trong diện sáp nhập đông nhất tỉnh, Nghị quyết phải được thực hiện ngay, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ. Nhưng nhờ làm tốt công tác tham mưu, công tác rà soát, chọn lựa, nắm bắt tâm tư và giải quyết kịp thời các chính sách cán bộ nên Hội LHPN các xã, thị trấn đã đi vào hoạt động ổn định, nề nếp ngay sau sáp nhập và thực hiện Nghị quyết 20. Đến nay, Hội LHPN huyện có 36 cơ sở Hội (giảm 12 cơ sở Hội). Đội ngũ cán bộ hội yên tâm công tác, việc bố trí cán bộ có sự thống nhất cao giữa Hội LHPN huyện và Ban Thường vụ Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn. Đặc biệt sau Đại hội Đảng bộ, Đại hội phụ nữ và cuộc bầu cử HĐND nhiệm kỳ mới, đội ngũ cán bộ hội đã khẳng định được vai trò, uy tín của cá nhân và tổ chức hội bằng tỷ lệ tín nhiệm của Đảng viên, hội viên và nhân dân. Kết quả, 100% cán bộ Hội được giới thiệu đều trúng cử với tỷ lệ nữ cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020- 2025 đạt 15,54% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 04 đồng chí nữ trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Tỷ lệ nữ cấp ủy huyện khóa XVI đạt 15,38% (tăng 1,43% so với nhiệm kỳ trước), trong đó có 01 đồng chí được bầu vào ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Nhiệm kỳ 2021-2026 có 01 đồng chí là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN huyện là đại biểu HĐND tỉnh, tỷ lệ nữ HĐND huyện đạt 20% (tăng so với nhiệm kỳ trước là 2,3%); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021- 2026 đạt 26,5% (tăng so với nhiệm kỳ trước là 3,2%).

Một trong những nội dung được Hội LHPN huyện quan tâm là đổi mới phương thức hoạt động Hội trong công tác thi đua khen thưởng. Hàng năm Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể và hướng dẫn các xã, thị trấn phát động phong trào thi đua một cách có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ và công tác Hội đặc biệt quan tâm đến chi hội, hội viên phụ nữ.

Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN huyện vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, UBND huyện tặng Bằng khen, Giấy khen; 65 lượt xã và 60 cá nhân được TW Hội, UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen; 45 lượt xã và 74 cá nhân được UBND huyện, Hội LHPN huyện tặng Giấy khen. Tổ chức Hội đã góp phần vào xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.

Với những kết quả đã đạt được chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh như sau:

Một là:Bám sát sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hội cấp trên và cấp ủy chính quyền địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động công tác Hội. Tranh thủ mọi nguồn lực giúp tổ chức Hội hoạt động phong phú và đa dạng các hình thức tập hợp và thu hút hội viên.

Hai là: Phải có sự đoàn kết, thống nhất cao của tập thể Ban Chấp hành và sự nỗ lực, cố gắng của từng đồng chí cán bộ Hội; biết nắm bắt tâm tư của chị em phụ nữ để triển khai nhiệm vụ đúng lúc, đúng thời điểm sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, trong chỉ đạo thực hiện phải có xác định ưu tiên nội dung trọng tâm, thời điểm thực hiện; chỉ đạo quyết liệt; động viên, khen thưởng kịp thời.

Ba là: Xác định hội viên là trung tâm trong chỉ đạo, thực hiện các hoạt động hội, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những khó khăn của phụ nữ và tìm các giải pháp tháo gỡ, đồng thời đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tập trung chỉ đạo, ưu tiên cho những xã yếu để nâng sự đồng đều trong toàn huyện.

Cuối cùng, trước khi ngừng lời tôi xin kính chúc đoàn chủ tịch Đại hội, các quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể chị em mạnh khoẻ, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

Vinh dự cho tôi hôm nay được về dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026; được đoàn chủ tịch Đại hội cho phép phát biểu tham luận. Lời đầu tiên, thay mặt cho gần 40 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Hưng Hà xin trân trọng gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội, các vị đại biểu khách quý cùng các đại biểu về dự Đại hội lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với các báo cáo do Đoàn chủ tịch Đại hội vừa trình bày. Để bổ sung và làm rõ hơn cho bản báo cáo tôi xin tham luận với nội dung: Hội LHPN huyện Hưng Hà thực hiện hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường.

Nhận thức được phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bởi chị em là người sử dụng trực tiếp, giải quyết công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, chăm sóc gia đình; là người bảo vệ môi trường, là tuyên truyền viên và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền vận động tại cộng đồng. Phụ nữ là người hưởng lợi và quản lý các vấn đề môi trường cơ bản nhưng cũng là người gánh chịu trước tiên những hậu quả của thiên tai, biên đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, trong những năm qua Hội LHPN huyện Hưng Hà bám sát sự chỉ đạo của Hội phụ nữ cấp trên, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, đã xác định rõ trách nhiệm của Hội trong công tác bảo vệ môi trường và đã tham gia với vai trò chủ đạocủa Hội để góp phần bảo vệ môi trường và tham gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hội LHPN huyện đã tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường bằng việc gắn hoạt động này với các phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm công tác của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cụ thể:

Thứ nhất: Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên tuyền, giáo dục để trang bị các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp; lồng ghép nội dung giáo dục về môi trường với nội dung giáo dục về giới, sức khỏe, giảm nghèo và các nội dung công tác của Hội nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về môi trường. Các hoạt động của các cấp Hội phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện truyền thông cuả Hội như: Website Hội LHPN huyện, đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện, Báo Thái Bìnhvào các các dịp hưởng ứng tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn

Thứ hai: Hội đã chủ động xây dựng được đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ Hội phụ nữ và các ngành liên quan có đủ kiến thức và kỹ năng vận động, huy động phụ nữ và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường triển khai công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Các tuyên truyền viên của Hội đã tổ chức hàng trăm cuộc họp nhóm, thôn để tuyên truyền, vận động; sinh hoạt Câu lạc bộ phụ nữ thực hiện vệ sinh môi trường, các nhóm phụ nữ tiết kiệm hỗ trợ, giúp nhau xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh; đã thành lập 305 tổ tiết kiệm tự nguyện với 14.381 hội viên phụ nữ tham gia, số dư tiết kiệm là trên 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp 337 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế, xây dựng các công trình nước sạch hợp vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống cho nhân dân và cán bộ, hội viên phụ nữ. Cùng với đó, Hội đã tuyên truyền, vận động hộ gia đình đấu nối và sử dụng nước sạch. Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức 105 lớp truyền thông kiến thức về nước sạch và vệ sinh môi trường, đồng thời hỗ trợ 64 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đấu nối nước sạch với tổng số kinh phí 43.500.000 đồng..

Thứ ba: Sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Trước thực tế rác thải là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng, chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và sản phẩm nông nghiệp của nông dân trong huyện, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã xây dựng mô hình điểm về Cánh đồng sạch. Từ mô hình điểm, các hoạt động thu gom rác đã làm sạch cánh đồng, góp phần bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Hưng Hà đã chỉ đạo ra diện rộng toàn huyện. Kết quả đã có 35/35 Hội LHPN xã, thị trấn thành lập và duy trì 35 mô hình Cánh đồng sạch với 1.091 thành viên tham gia, đã tổ chức thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi đợt phun phòng trừ sâu bệnh (bình quân từ 2-3 lần/năm) đã góp phần giữ gìn cánh đồng sạch, đẹp. Cùng với đó, Hội phụ nữ cơ sở đã duy trì 248 tổ thu gom rác thải khu dân cư do phụ nữ đảm nhận, 266 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 25 Hội LHPN xã, thị trấn xây dựng được 66 tuyến đường hoa nông thôn mới với chiều dài 55km, 32 xã trồng hoa tại trụ sở UBND xã, thị trấn tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Hằng năm, các cấp Hội tổ chức đăng ký với cấp ủy, chính quyền 01 phần việc/công trình thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Kết quả 35/35 xã, thị trấn đăng ký thực hiện 68 công trình, có 80% hộ gia đình hội viên đạt tiêu chí 5 không, 3 sạch góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong những năm qua. Thực hiện tiêu chí Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ gắn với tiêu chí số 17 (Môi trường) trong xây dựng nông thôn mới, đây là tiêu chí góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn rõ nét và nâng cao ý thức của người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng trong bảo vệ môi trường, trong những năm qua Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở thành lập 15 mô hình Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, ra mắt mô hình Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, Hạn chế sử dụng túi nilon thay bằng sử dụng làn nhựa đi chợ; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, duy trì Ngày Chủ nhật xanh, ngày 24 hàng thángVào dịp tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn Đảng, của Đất nước, của Hội, Hội LHPN huyện phối hợp với ngành, đoàn thể huyện tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường xử lý thu gom các bãi rác tự phát, khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy nơi công cộng, khu dân cư. Kết quả, đã tổ chức được 1.665 cuộc, có 98 nghìn lượt người tham gia, tổ chức 2.675 buổi ra quân vệ sinh môi trường có 200.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia...

Thứ tư: Phối hợp tập huấn Luật Bảo vệ môi trường và công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp cho 320 cán bộ hội cơ sở; Hội LHPN huyện đã ký kết chương trình phối hợp liên ngành với Trung tâm Y tế huyện tổ chức Lễ phát động hưởng ứng chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sốt xuất huyết đến 35 xã, thị trấnl; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về nước sạch - VSMT cho 920 lượt cán bộ Hội cơ sở. 35xã, thị trấn tham mưu với UBND chỉ đạo kẻ vẽ 246 khẩu hiệu về hưởng ứng "Tuần lễ Quốc gia nước sạch - VSMT" và "Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh". Bên cạnh đó, Hội LHPN tham gia góp ý các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường; thường xuyên hướng dẫn hội viên và phụ nữ thực hiện ngày một hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách, trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường để có những kiến nghị với nhà nước bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, pháp luật, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường cho phù hợp. Thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, năm 2019 Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát công tác vệ sinh môi trường tại UBND 6 xã, thị trấn: Minh Khai, Thị trấn Hưng Hà, Thị trấn Hưng Nhân, Liên Hiệp, Phúc Khánh, Thái Phương đồng thời chỉ đạo Hội Phụ nữ 35 xã, thị trấn tổ chức giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ ăn bán trú cho các cháu nhà trẻ, mẫu giáo ở các bếp ăn trường mầm non trong huyện.

Có thể nói rằng, trong những năm qua với sự năng động, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện của các cấp hội LHPN huyện Hưng Hà đã đạt được những kết quả phấn khởi, nhiều hoạt động đã có sức lan tỏa, tạo nên nếp sống văn hóa của con người Hưng hà. Chính các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của Hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo huyện Hưng Hà sáng, đẹp hơn.

Trong thời gian tới công tác môi trường vẫn tiếp tục là vấn đề các cấp hội huyện Hưng Hà quan tâm và tổ chức thực hiện, cụ thể với các giải pháp chủ yếu sau:

Tiếp tục cung cấp những kiến thức cơ bản vệ môi trường cho hội viên, phụ nữ trong toàn huyện để từ đó xây dựng ý thức, dân dần thay đổi nếp sống có lợi cho bản thân, cho cộng đồng, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, hội viên phụ nữ; bám sát các tiêu chí cuộc vận động ây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ phụ nữ ở cơ sở để làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động phụ nữ và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của tổ chức Hội, nâng cao năng lực cán bộ Hội trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; vận động phụ nữ tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở.

Duy trì hoạt động có hiệu quả của các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường đã có. Mỗi cơ sở Hội xây dựng, ra mắt mới 01 mô hình thiết thực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm, giảm rác thải ra môi trường. Khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến của phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên đây là ý kiến tham luận tại Đại hội của Hội LHPN huyện Hưng Hà, trước khi ngừng lời cho phép tôi xin gửi tới Đoàn chủ tịch Đại hội, các quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đại biểu dự Đại hội lời kính chúc mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

Tôi rất vinh dự được về dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026; tôi trân trọng gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội, các vị đại biểu khách quý cùng các đại biểu về dự Đại hội lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với các báo cáo do Đoàn chủ tịch Đại hội vừa trình bày. Để bổ sung và làm rõ hơn cho bản báo cáo tôi xin tham luận với nội dung:Hiệu quả từ các mô hình tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhân đạo từ thiện của các cấp Hội phụ nữ huyện Kiến Xương.

Nhiệm kỳ qua, cán bộ, hội viên phụ nữ Kiến Xương luôn đoàn kết, sáng tạo, thực hiệnhiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các nhiệm vụ công tác Hộitrong đó có nhiều hoạt động, mô hình để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đặc biệt là các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tương thân tương ái đã được các cấp Hội phụ nữ trong huyện triển khai với nhiều kết quả rõ nét góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn, khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức hội.

Xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương, 5 năm qua nhiều hoạt động nhân ái nghĩa tình đã được Hội LHPN huyện triển khai sâu rộng tới các cơ sở Hội và lan tỏa tới các tầng lớp phụ nữ, không những nhận được sự ủng hộ của hội viên, phụ nữ mà còn nhận được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.Cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhiều gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực ổn định cuộc sống, vượt khó vươn lên.Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN huyện đã triển khai tới 100% cơ sở Hội, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các nội dung của phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các mô hình, phần việc cụ thể. Một trong các mục tiêu hoạt độnglà hướng đến mang lại lợi ích và giúp chị em phụ nữ nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, gia đình chính sách vơi bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Trước hết là hiệu quả của mô hình Cặp lá yêu thương mà Hội LHPN huyện đã triển khai từ năm 2017. Mô hình được Hội LHPN các xã, thị trấn thực hiện xuyên suốt nhiệm kỳ 2016-2021, được sự đồng thuận cao của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong toàn huyện, đã được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, có ý nghĩa nhân văn và có sức lan toả lớn trong cộng đồng. Hội LHPN huyện vận động mỗi cán bộ chuyên trách cấp huyện ủng hộ ít nhất 10.000 đồng/người/tháng; Chủ tịch Hội LHPN xã, thị trấn ủng hộ ít nhất 2.000 đồng/người/tháng. Cán bộ, hội viên, phụ nữ thôn, khu phố; các tập thể, cá nhân tùy thuộc tấm lònghảo tâm của mỗi người. Mức hỗ trợ ít nhất 200.000đ/tháng/cháu, thời gian hỗ trợ mỗi cháu theo quý, năm, hoặc cả giai đoạn 2016-2021. Để mô hình thật sự có ý nghĩa, Hội LHPN huyện ưu tiên hỗ trợ các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha hoặc mẹ nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, trẻ em sẽ được nhận tiền hàng tháng, như vậy đảm bảo được các em có sự hỗ trợ cho cuộc sống đều đặn, ổn định, bền vững. Hiện nay, 100% cơ sở Hội đã triển khai, thực hiện hiệu quả mô hình. Ngoài giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, Hội LHPN các xã cùng tham gia ủng hộ giúp đỡ trẻ em trong cụm, xã. Cán bộ Hội cơ sở thường xuyên theo dõi phản ánh các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ 328 lượt cháu với tổng số tiền 437,3 triệu đồng. Nhiều cơ sở hội đã thực hiện rất hiệu quả như Hội LHPN xã Bình Định đã phát động đến toàn bộ hội viên tham giaít nhất 5.000 đồng/hội viên/năm, hỗ trợ 40 cháu với tổng số tiền đã tặng là 9 triệu đồng. Hội LHPN xã Quang Hưng vận động con em xa quê và cán bộ hội đỡ đầu 9 cháu, mỗi cháu 3,6 triệu đồng/năm v.vVới tình cảm và số tiền được giúp đỡ đã phần nào giúp các gia đình vơi bớt khó khăn, hỗ trợ các em yên tâm đến trường. Mô hình "Cặp lá yêu thương" được triển khai sâu rộng và có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ, tổng kết công tác Hội vả phong trào phụ nữ hàng năm và đã được nhân rộng ra nhiều địa phương ngoài huyện.

Theo đó là hiệu quả từ mô hình Mái ấm tình thương. Nhằm làm vơi đi những khó khăn, vất vả, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc, mang lại mái ấm cho những chị em có hoàn cảnh bất hạnh; với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhiệm kỳ qua các cấp Hội trong huyện đã kêu gọi cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong toàn huyện, các nhà hảo tâm, huy động mọinguồn lực ủng hộ hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội LHPN huyện phát động mỗi cán bộ, hội viên ủng hộ 2.000 đồng trở lên và hỗ trợ ngày công, giúp đỡ xây dựng Mái ấm tình thương. Không chỉ huy động từ sự ủng hộ của hội viên, phụ nữ, nhiều cơ sở Hội có cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực xây dựng mái ấm tình thương, như: Hội LHPN xã Vũ Công kết nối với Hội LHPN phường Phương Mai Hà Nội, cùng với sự ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ đã xây dựng được 3 mái ấm tình thương trị giá 90 triệu đồng. Các chị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã Quang Lịch đã đi cấy khoán và nhận phơi và thu mặt ghế cho doanh nghiệp trong xã được 8,8 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, các doanh nghiệp đã xây dựng được 2 mái ấm tình thương trị giá 60 triệu đồng v.v...Kết quả, trong nhiệm kỳ, với sự ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ, các doanh nghiệp và nhiều tấm lòng thiện nguyện, Hội LHPN huyện và cơ sở đã xây dựng 26 Mái ấm tình thương với số tiền 780 triệu đồng, chính những mái ấm này đã làm ấm tình người, đã giúp phụ nữ khó khăn về nhà cửa ổn định cuộc sống.

Song song với thực hiện mô hìnhMái ấm tình thương và Cặp lá yêu thương, nhiệm kỳ qua, Hội LHPN huyện, cơ sở cùng với các tổ chức đoàn thể, các ngành, nhân dân thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn. Các cấp Hội đã quyên góp, trích quỹ trên 2 tỷ đồng để giúp đỡ hàng trăm gia đình phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều phần quà ý nghĩa đã được trao tận tay phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, động viên những hoàn cảnh bất hạnh. Nhân dịp đầu năm mới, Hội LHPN cơ sở tặng gần một nghìn khăn ấm cho phụ nữ cao tuổi tạo không khí ấm áp nghĩa tình.

Các cấp Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự đảm bảo chỉ tiêu giao quân hàng năm. Hội đã trích quỹ gần 100 triệu đồng tặng quà cho con em lên đường nhập ngũ.Các cấp Hội đã thăm, tặng quà gia đình chính sách với số quà trị giá 145 triệu đồng. Năm 2018, Hội LHPN huyện tổ chức gặp mặt nữ thanh niên xung phong toàn huyện.

Đặc biệt, năm 2020, Hội LHPN các xã, thị trấn vận động cán bộ, hội viên quyên góp ủng hộ nhân dân các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số tiền là 513,266 triệu đồng; 24,6 tấn gạo cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, cùng với việc tham gia tuyên truyền phòng chống dịch, cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đã tặng quà, tiền mặt trị giá 200 triệu đồng, 73.000 khẩu trang, 2.578 bánh xà phòng và 354 chai sát khuẩn và nhiều nhu yếu phẩm khác cho nhân dân khu cách ly, hỗ trợ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kính thưa Đại hội!

Trong nhiệm kỳ, các cấp hội phụ nữ Kiến Xương thực hiện các chủ đề hành động hàng năm nên các hoạt động hướng đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em được quan tâm. Các cấp hội đã chủ động nắm bắt tình hình hội viên, dư luận xã hội, kịp thời phát hiện những trường hợp trẻ em, phụ nữ vị bạo hành, Hội LHPN huyện và cơ sở còn kịp thời động viên, thăm hỏi các nạn nhân; lên tiếng kịp thời và giúp đỡ về tinh thần, vật chất, tư vấn về kiến thức pháp luật cho phụ nữ bị bạo lực gia đình, có ý kiến với các ngành chức năng giải quyết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, năm 2020, phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ toàn huyện ủng hộ, giúp đỡ chị Nguyễn Thị Hương (xã Bình Nguyên) là nạn nhân bạo lực gia đình với số tiền 102,95 triệu đồng, giúp gia đình vượt qua khó khăn.

Kính thưa Đại hội!

Từ việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt công tác nhân đạo từ thiện, sự đoàn kết gắn bó, chia sẻ giữa tổ chức Hội với hội viên, phụ nữ, giữa hội viên với hội viên ngày càng thắm thiết. Hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động Hội góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Để có được phong trào sâu rộng và huy động được nhiều nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện như hiện nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị v.vBên cạnh đó, là đội ngũ cán bộHội trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo và tinh thần đoàn kết, tấm lòng trung hậu, nghĩa tình của các tầng lớp phụ nữ. Các hoạt động được sự đồng lòng của cán bộ, hội viên, được thực hiện công khai, minh bạch; hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội; tăng cường phối hợp với các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị nhằm tạo thêm nhiều nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện;tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nhằm chăm lo tốt đời sống hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn.

Trong niềm vui phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công của Đại hội một lần nữa thay mặt cán bộ hội viên huyện Kiến Xương xin kính chúc các quý vị đại biểu khách quý mạnh khỏe gia đình hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn.

HỘI LHPN XÃ ĐÔNG ĐỘNG TÍCH CỰC

TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI VỮNG MẠNH

Đồng chí Phạm Thị Hồng

Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Động, huyện Đông Hưng

Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội!

Kính thưa Đại hội!

Rất vinh dự cho tôi hôm nay được về dự Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, lời đầu tiên tôi xin kính chúc các vị đại biểu khách quý và toàn thể đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Được sự cho phép của Đoàn chủ tịch đại hội, sau đây tôi xin phát biểu ý kiến tham luận với nội dung Hội LHPN xã Đông Động tích cực trong công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Kính thưa Đại hội!

Đông Động là xã nội đồng, với dân số trên 6.000 người; kinh tế của xã có bước phát triển khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; hệ thống chính trị vững mạnh; xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016; xã có 1.340 hội viên phụ nữ sinh hoạt ở 9 chi hội.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, trong nhiệm kỳ, hội LHPN xã Đông Động động viên, khích lệ cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần sáng tạo, hăng hái thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ công tác Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hội cấp trên và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ xã; Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã tập trung các giải pháp xây dựng tổ chức hội vững mạnh:

Một là, Ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN xã đã bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, nhiệm vụ chính trị của địa phương, tình hình thực tế và nhu cầu, nguyện vọng của hội viên để xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhiệm vụ công tác hội tới các chi hội, giao chỉ tiêu công tác năm cho từng chi hội. Xác định những công việc của địa phương phù hợp với năng lực của hội để đăng ký và vận động hội viên, phụ nữ thực hiện.

Hai là, Bằng nhiều phương thức, Hội tuyên truyền các nội dung, ý nghĩa, mục đích của các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ của hội đến hội viên, phụ nữ để chị em nâng cao được trình độ, nắm chắc được các nhiệm vụ của hội, thấy được quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, từ đó mới ý thức tham gia, như: qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp chuyên đề, các hoạt động sự kiện như mít tinh, giao lưu, qua các hoạt động của Hội, trên hệ thống truyền thanh địa phương, đồng thời thông qua vai trò của hội viên nòng cốt.

Ba là, Xây dựng các mô hình, các hoạt động cụ thể vừa thực hiện nhiệm vụ của Hội, đem lại lợi ích cho hội viên, phụ nữ, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mô hình phải sát với tình hình thực tế, nó chính là bằng chứng sống cho hoạt động hội. Qua mô hình, hội viên, phụ nữ tận mắt chứng kiến, nếu mô hình đem lại quyền lợi cho hội viên và có sức hấp dẫn thì sẽ tự khắc sẽ thu hút được hội viên phụ nữ vào tham gia.

Bốn là, Đa dạng các hình thức tập hợp thu hút hội viên, xác định: ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động hội. Hội phụ nữ xã chúng tôi quan tâm đến những đơn vị còn khó khăn để nâng độ đồng đều trong toàn xã.. Ngoài những hình thức tập hợp như: Nâng cao kiến thức cho hội viên, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế..., trong nhiệm kỳ Hội đã có thêm hoạt động thu hút hội viên mới như: thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, mô hình an toàn cho phụ nữ, trẻ em, vừa rèn luyện được sức khỏe một cách toàn diện, vừa tạo không khí sôi động cộng đồng, đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; tạo được màu sắc riêng, thương hiệu riêng của Hội, có sức quảng bá, lan tỏa trong cộng đồng. Tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Tổng vệ sinh môi trường, xóa bãi rác tự phát trên địa bàn xã, trồng và chăm sóc đường hoa nông thôn mới; cấy, gặt giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cấy ruộng nhân dân bỏ hoang để gây quỹ hội, hay hoạt động hỗ trợ phụ nữ yếu thế....

Năm là, Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức hội, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội có phẩm chất, nhiệt tình, trách nhiệm; đoàn kết; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm; luôn gương mẫu, đi đầu và làm trước trong các hoạt động. Động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ công tác Hội, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Với các giải pháp trên, Hội phụ nữ xã chúng tôi đã chủ động và phối hợp cùng với các cấp, các ngành, trong 5 năm qua, đã tổ chức 102 lớp chuyên đề tuyên truyền về cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trách nhiệm của Hội và vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới thu hút trên 850 lượt hội viên phụ nữ. Vận động chị em thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp công lao động làm đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn; xây dựng công trình văn hóa...Hội đã đăng ký thực hiện 05 công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới trong thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. Hội đã trồng hoa tại khuôn viên UBND xã và 3,7km đường hoa; ra mắt 8 mô hình Vệ sinh đồng ruộng; đã tổ chức được 45 đợt ra quân vệ sinh môi trường. Hội LHPN xã tiên phong chủ động vận động trên 220 lượt chị em phụ nữ tham gia giải tỏa bãi rác tự phát, đến nay trên địa bàn không còn bãi rác tự phát, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp... tham mưu UBND xã tặng quần áo bảo hộ và dụng cụ lao động trị cho các chị em làm công tác vệ sinh môi trường.

Kính thưa Đại hội!

Trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chị em đã tích cực thực hiện phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; mạnh dạn tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện tích tụ 47 mẫu ruộng. Hội quản lý tốt nguồn vốn vay hơn 6,2 tỷ đồng từ nguồn vốn các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình để đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng công trình vệ sinh. Tiếp tục duy trì mô hình Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Trao tặng 420 con giống cho 40 hộ gia đình phụ nữ nghèo trị giá 10,2 triệu đồng; duy trì 9 tổ tiết kiệm ở 5 chi hội với 264 hội viên tham gia tiết kiệm với số dư tiết kiệm là 840 triệu đồng cho 75 phụ nữ vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình. Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình "Nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực" với 25 thành viên giúp chị em được giao lưu, chia sẻ bày tỏ tâm tư nguyện vọng; cung cấp thông tin kiến thức về quyền của người khuyết tật được tư vấn dạy nghề giới thiệu việc làm, từng bước giúp chị em xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên khẳng định mình.

Hội LHPN xã đã tặng 140 con lợn nhựa cho hội viên phụ nữ. Chỉ đạo các chi hội tổ chức nuôi lợn tiết kiệm để mua bảo hiểm y tế và giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn; đã tiết kiệm 481,8 triệu đồng mua 165 thẻ bảo hiểm thân thể và Bảo hiểm y tế trao tặng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Duy trì tốt mô hình Hũ gạo tình thương tặng phụ nữ nghèo 10kg gạo/tháng, tổng số gạo đã tặng phụ nữ nghèo là 1.765kg. Ngoài ra, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã tặng quà, tiền, gạo, quần áo, thẻ bảo hiểm thân thể, y tế đồ dùng học tập, ngày công lao động...cho 230 cho phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật với số tiền trị giá 80,6 triệu đồng; quyên góp ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương, ủng hộ phụ nữ biên cương với số tiền trên 21,5 triệu đồng.

Hội LHPN xã đã ra mắt 9 Câu lạc bộ "Dân vũ và Khiêu vũ thể thao thu hút 350 thành viên tham gia; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động giao lưu câu lạc bộ phụ nữ. Tham mưu với UBND xã thành lập 9 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; chỉ đạo chi hội thôn Phú Điền làm điểm mô hình An toàn cho phụ nữ và trẻ em thu hút được 35 thành viên tham gia.

Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN xã đã biểu dương, tuyên truyền nhân rộng 45 điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, kịp thời động viên khích lệ chị em hăng hái tham gia tổ chức hội; toàn đã kết nạp mới 63 hội viên, tỷ lệ thu hút 90% phụ nữ trong diện thu hút vào tổ chức hội (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên đạt 82,45%; xây dựng được đội ngũ hội viên nòng cốt nhiệt tình, trách nhiệm, đi đầu trong các phong trào thi đua với tổng số 301 chị = 22,5% tổng số hội viên (tăng 2,5% so với đầu nhiệm kỳ). Phong trào và công tác Hội phụ nữ xã nhiều năm liền được Hội LHPN huyện và Đảng ủy xã đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Hội LHPN tỉnh và TW Hội LHPN tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2020, Hội LHPN xã Đông Động vinh dự được tham dự tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII (2020-2025) và được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Kính thưa Đại hội!

Từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua yêu nước và công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Ban Chấp hành hội LHPN xã Đông Động rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội cấp trên và cấp ủy đảng; phối hợp chặt chẽ với ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các nhiệm vụ của Hội. Đội ngũ cán bộ Hội phải nhiệt tình, trách nhiệm, sáng tạo, chủ động; phải đoàn kết sát cánh cùng nhau, không ngại khó, không ngại khổ, cùng nhau xác định rõ vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở để từ đó có ý thức quyết tâm chính trị cao, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đặc biệt là người đứng đầu giữ 1 vai trò quan trọng, làm sao người đứng đầu phải gương mẫu, biết quy tụ chị em; luôn phải là người sáng tạo, là sự khởi nguồn các hoạt động, biết khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ một cách kịp thời.

Thứ hai: Phải làm tốt công tác tuyên truyền để cho hội viên hiểu được mục đích, ý nghĩa của các phong trào thi đua, các cuộc vận động; đồng thời khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam để phát động, động viên chị em tích cực hưởng ứng.

Thứ ba: Lựa chọn, đăng ký thực hiện các mô hình, công trình, phần việc phù hợp, thiết thực với hội viên, phụ nữ và với năng lực của Hội. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt để động viên, khuyến khích hội viên, phụ nữ làm theo.

Kính thưa Đại hội!

Phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, những kinh nghiệm đã có, trong nhiệm kỳ tới, cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Đông Động sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho phụ nữ; đặc biệt là tích cực truyền thông, quảng bá phong trào phụ nữ, tổ chức hội và hình ảnh cán bộ hội và những người hội viên, phụ nữ điển hình tiêu biểu, có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa trong cộng đồng, tiếp tục tổ chức đã dạng các hoạt động tạo sự hấp dẫn đối với hội viên, phụ nữ quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ công tác hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng xã Đông Động ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngừng lời xin kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

PHỤ NỮ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH THÁI BÌNHNĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO, HOÀN THÀNH XUẤT NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔNXÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Đồng chí Nguyễn Thị Nhường

Chủ tịch Hội Phụ nữ - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình

Kính thưa Đoàn chủ tịch đại hội

Kính thưa đại hội!

Trong những năm qua, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh luôn được Đảng ủy Thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan chức năng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện mọi mặt cho tổ chức Hội phụ nữ hoạt động, đo đó, trong nhiệm kỳ qua, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ, đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội phụ nữ cơ quan Bộ chỉ huy quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra; có nhiều điểm nhấn, nét mới, thực sự tiêu biểu. góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng bộ quân sự tỉnh trong sạch vững mạnh, LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.

Trong những năm qua, công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợiđể chị em học tập, công tác và phát huy tối đa năng lực, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, đồng thời xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc qua đó đã góp phần tạo động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Để công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục có bước phát triển vững chắc, góp phần phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, cùng với cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm, lãnh đạo chặt chẽ trong công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Hoạt động phong trào phụ nữ đá gắn với nhiệm vụ chính trị và các cuộc vận động trong LLVT tỉnh như: Triển khai thực hiện các phong trào thi đua Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang với các hình thức phù hợp, sáng tạo. Trong từng thời điểm, Hội đã cụ thể hóa từng nội dung, chỉ tiêu thi đua với nhiều biện pháp, mô hình cách làm sáng tạo, hiệu quả như mô hình Ca trực kiểu mẫu, kíp trực an toàn, Bữa cơm phụ nữ tự quản, Buồng bệnh kiểu mẫu,... của cán bộ, hội viên chi hội phụ nữ.

Trong công tác phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đóng quân, Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã tham gia khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người neo đơn; phối hợp với tổ chức đoàn chăm sóc và phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; tu sửa nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, thường xuyên thăm hỏi động viên các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần tương thân, tương ái cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh nói chung và cán bộ hội viên phội phụ nữ nói riêng đã giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần cho nhiều chị em; sự chia sẻ đó đã tiếp thêm động lực để chị em tiếp tục phấn đấu, học tập, công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại đây, Hội đã quyên góp kinh phí, tham gia ủng hộ xây 04 nhà mái ấm tình thương, trị giá hơn 100 triệu đồng; nhận đỡ đầu 11 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/cháu/ tháng; quyên góp đồ dùng, sách vở học tập, giúp đỡ nhân dân Miền Trung vượt qua khó khăn lúc thiên tai bão lụt. Gần đây nhất, là hỗ trợ nhân dân trên địa bàn đóng quân tiêu thụ nông sản với số tiền hơn 20 triệu đồng.

Hội thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội trên địa huyện Tiền Hải, thăm hỏi, tặng quà và giao lưu văn hóa văn nghệ với chị em Đại đội 4 dân quân gái anh hùng. Vào mỗi dịp lễ tết hay vào đầu mỗi mùa huấn luyện, các hội viên hội phụ nữ LLVT tỉnh đã xuống từng ụ pháo, động viên từng chị em chăm chỉ luyện rèn, cố gắng vươn lên trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng LLVT nhân dân 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ. Với tinh thần trách nhiệm tập luyện cao, chị em Đại đội 4 dân quân gái tập trung huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình luôn dành thứ hạng cao khi tham gia hội thi hội thao nào do cấp quân khu hay cấp toàn quân tổ chức.

Cùng với đó, Hội đã phối hợp với Hội phụ nữ Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh; Hội phụ nữ các đơn vị, địa phương, tổ chức bồi dưỡng, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình; và các nội dung công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; chung tay bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng, bằng những việc làm thiết thực như: tiết kiệm điện nước sinh hoạt, nói không với rác thải nhựa, trồng và chăm sóc vườn hoa cây cảnh vệ sinh môi trường trong cơ quan, đơn vị, tạo cảnh quan môi trường chính quy - xanh sạch đẹp. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát, ngoài việc tặng vật phẩm khẩu trang y tế, nước sát khuẩn với số tiền hơn 30 triệu đồng, cán bộ, hội viên phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã cùng với cán, bác sĩ bộ ngành Y tế trực tiếp thăm khám, đón tiếp 18 đợt với 2.998 công dân Việt Nam trở về tư các quốc gia có dịch về cách ly tại Trung đoàn 568.

Kính thưa đại hội

Quê hương Thái Bình nơi tình yêu với những làn điệu chèo đã ngấm vào máu thịt của mỗi người dân quê lúa; chính vì vậy mà sau khi ra mắt câu lạc bộ Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca thì phong trào văn hóa văn nghệ, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh ngày được nâng cao. Thông qua câu lạc bộ Hát ru và hát dân ca các làn điệu chèo truyền thống của quê hương đã được bảo tồn, giữ gìn, phát huy và đã có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ qua, Câu lạc bộ đã tổ chức trên 35 lượt biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ của Đảng, đất nước, Quân đội và của địa phương. Được sự quan tâm của thủ trưởng các cấp và sự phối hợp có hiệu quả của đoàn thanh niên đơn vị cũng như các tổ chức Hội trên địa bàn, câu lạc bộ Hát ru và hát dân ca được diễn ra nề nếp. Chị em trong câu lạc bộ luôn biết sắp xếp thời gian, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, công việc gia đình, vừa tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và đầy tâm huyết với câu lạc bộ; thường xuyên tổ chức các buổi dạy hát, giao lưu với các chiến sỹ trẻ. Đặc biệt năm 2017, 2019, Câu lạc bộ Hát ru và hát dân ca của Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Thái Bình vinh dự đại diện cho phụ nữ Quân đội tham dự Liên hoan hát ru và hát dân ca toàn quốc đạt giải Nhất toàn đoàn. Năm 2019 đại diện cho phụ nữ Quân khu tham gia thi cán bộ phụ nữ giỏi cấp toàn quân đạt giải xuất sắc.

Các hoạt động giao lưu văn hóa, đã góp phần tăng cường đoàn kết quân dân giữa phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh và Hội viên hội phụ nữ địa phương, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Với những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Hội phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh 5 năm liên tục đạt tiêu chuẩn vững mạnh xuất sắc; năm 2020 được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng cờ Tập thể điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ quân đội giai đoạn 2015 2020, liên tục nhiều năm liền được Quân khu; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình bằng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Trong năm năm qua, đã có 115 lượt cán bộ, hội viên được cấp trên khen thưởng, 15 lượt đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Trong nhiệm kỳ tới, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tỉnh sẽ phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong tham mưu đề xuất với cấp ủy, chỉ huy để tổ chức tốt các hoạt động, các phong trào của hội, tăng cường đoàn kết, gắn bó, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội cụ Hồ và phẩm chất Tự tin Tự trọng Trung hậu Đảm đang của phụ nữ Quân đội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026.

Xin kính chúc các vị đại biểu cùng toàn thể đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn đại hội !

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH THU HÚT PHỤ NỮ CÔNG GIÁO

VÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN ĐẠO TỪ THIỆN

Đồng chí Bùi Thị Hiền

Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải

Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa Đại hội!

Nam Thanh là xã nằm ở trung tâm cụm khu nam của huyện Tiền Hải, cách Thị Trấn huyện 8 km, có địa dư hành chính rộng, là một trong những xã có tỷ lệ đồng bào theo đạo công giáo chiếm trên 73%, xã có 5 thôn. Trong xã có 4 nhà xứ , 4 Ban trùm, Hội đồng mục vụ và các đoàn hội như hội kèn đồng nam, hội kèn đồng nữ, hội con Đức mẹ, hội dòng Đa Minh, hội ca đoàn, hội giới trẻ. Nhìn chung các đoàn, hội hoạt động nề nếp theo tín ngưỡng riêng của công giáo và đúng pháp luật. Phụ nữ theo đạo công giáo cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất và có đức tin tôn giáo cao, chịu sự chi phối, ràng buộc của giáo lý. Tuy nhiên, phần lớn chị em thường lập gia đình sớm và sinh nhiều con; đi làm ăn xa, số còn lại ở địa phương lại thường e ngại tham gia hoạt động các tổ chức xã hội, vì vậy việc tìm hiểu về các chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước và thu hút chị em vào các hoạt động của hội gặp nhiều khó khăn. Trong xã thường có một bộ phận những phần tử còn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, gây chia rẽ bè phái làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước không đến được với đông đảo chị em như việc thực hiện chính sách dân số Kế hoạch hoá gia đình, việc cho trẻ em đi tiêm chủng đủ mũi, cho trẻ đến trường đúng độ tuổi. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Trước tình hình đó, đội ngũ cán bộ hội chúng tôi rất trăn trở, việc tìm giải pháp để tuyên truyền các chủ trương của Đảng pháp luật nhà nước và tập hợp thu hút hội viên, nhất là hội viên công giáo tham gia vào tổ chức hội được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cùng các chi hội bàn bạc, tìm ra nguyên nhân và đi đến thống nhất trước hết là phải đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, đi sâu nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của chị em, hiểu được hoàn cảnh gia đình của từng hội viên để có biện pháp tuyên truyền phù hợp, cách thức tuyên truyền cũng cụ thể hơn, có những lúc phải gặp gỡ tuyên truyền đến từng hội viên. Trước tiên là giúp chị em có kiến thức về phát luật, các kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, kiến thức nuôi dạy con, qua các câu lạc bộ phụ nữ khỏe đẹp, mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, rồi sân khấu hoá việc tuyên truyền bằng các tiểu phẩm để chị em dễ hiểu, dễ nhớ và thích tham gia các hoạt động do hội tổ chức. Cùng với đó, chúng tôi đã chủ động gặp gỡ các chức sắc, các ban trùm, các bà quản, để cùng tác động, tạo sự ủng hộ từ phía các chức sắc giúp tuyên truyền trong các dịp sinh hoạt lễ nghi tôn giáo hàng ngày, tác động đến tư tưởng, nhận thức của chị em, từ đó các chị hiểu sâu về các chính sách pháp luật, dần thu hút phụ nữ giáo dân vào tham gia sinh hoạt hội. Ngoài ra, còn phối hợp với Mặt trận tổ quốc, đặc biệt cùng các ban công tác mặt trận, ban lãnh đạo thôn viết bài phát thanh tuyên truyền các hoạt động tiêu biểu của hội trên hệ thống loa truyền thanh, đưa tin nêu gương điển hình phụ nữ, chú trọng các gương là người có đạo trong phát triển kinh tế, trong xây dựng gia đình hạnh phúc, từ đó khuyến khích động viên chị em công giáo tham gia tổ chức hội.

Kính thưa Đại hội!

Trong 5 năm, Hội phụ nữ phối hợp với các ngành, đoàn thể trong xã, tổ chức 12 lớp tuyên truyền cho 1.526 lượt hội viên về Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, các lớp tuyên truyền kiến thức pháp luật về đất đai, bình đẳng giới, kết hợp mở các lớp chuyển giao KHKT, các buổi nói chuyện chuyên đề về 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, các lớp truyền thông về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trong các kỳ sinh hoạt hội viên, tổ chức cho chị em đi khám sức khoẻ, vận động chị em thực hiện kế hoạch hoá gia đình, các chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch... giúp chị em có kiến thức tổ chức cuộc sống, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, Hội luôn quan tâm, tạo điều kiện để hội viên vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nông thôn Việt Nam với tổng số tiền là 12 tỷ 800 triệu đồng cho 750 chị em vay. Hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nhiều chị em đã vươn lên làm giầu. Điển hình như chị Lê Thị Thoa, chị Trần Thị Tuyết, chị Nguyễn Thị Thủy vay vốn cùng với vốn gia đình tự huy động đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất rau màu các loại cho thu nhập mỗi năm từ 40- 50 triệu đồng. Chị Trần Thị Thêu, chị Trương Thị Ngọc đã đầu tư phát triển nghề mộc, trang trí nội thất, chị Đặng Thị Việt, chị Trần Thị Hà mở cửa hàng kinh doanh sắt thép các loại, cho thu nhập mỗi năm từ 300- 500 triệu đồng.

Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho chị em được chi hội quan tâm, chú trọng như vận động chị em tham gia mua bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, thường xuyên khám sức khoẻ, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ dịch bệnh phối hợp với cán bộ dân số - y tế thôn vận động hội viên thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con theo khoa học

Chính những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên phụ nữ đã thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia tổ chức hội. Nhiệm kỳ 2016- 2021 đã kết nạp được 156 chị vào tổ chức hội, đưa tổng số hội viên của xã lên 1.081 chị, đạt tỷ lệ 83%, tăng 35,8% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 652 hội viên công giáo. 100% phụ nữ có thai, có con trong độ tuổi được tiêm phòng đủ mũi, 80% chị em tham gia mua BHYT, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 16,3% xuống còn 10,1%, trong những năm qua Hội LHPN xã luôn được cấp ủy chính quyền địa phương và Hội LHPN huyện Tiền Hải đánh giá cao và tặng giấy khen. Đặc biệt trong phong trào đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao, hội viên phụ nữ công giáo trong xã đã tích cực cùng gia đình đóng góp 583 triệu đồng, đã hiến và tháo dỡ nhiều công trình của gia đình có giá trị để làm đường giao thông nông thôn, góp phần cùng với địa phương thay đổi diện mạo quê hương ngày thêm đổi mới.

Kính thưa Đại hội!

Để thu hút phụ nữ trong đó phụ nữ tôn giáo vào tổ chức Hội, cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, các mô hình, hoạt động cụ thể, Hội đã quan tâm, thực hiện công tác nhân đạo từ thiện, giúp đỡ phụ nử, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tham gia các hoạt động an sinh xã hội của địa phương, thông qua đó tạo niềm tin, gắn bó giữa hội viên và tổ chức Hội, thu hút phụ nữ vào tổ chức Hội. Hội đã chia sẻ bằng việc xã hội hóa, quyên góp của hội viên, phụ nữ, các nhà hảo tâm ủng hộ, thăm hỏi động viên các chị em vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm của hội với tổng số tiền trị giá là trên 45 triệu đồng, giúp các chị vượt qua khó khăn. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid - 19 diễn ra phức tạp ảnh hưởng tới đời sống của người dân nói chung và hội viên nói riêng, Hội đã vận động và xã hội hóa được 100 suất quà trị giá 20 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã, hội phát động may khẩu trang từ các chị hội viên làm cơ sở may tại xã và phát được tổng 950 chiếc khẩu trang vải cho hội viên phụ nữ, tặng 85 chai nước sát khuẩn, khẩu trang cho 3 trường học, thăm tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại xã với tổng số tiền 8,5 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2018, 2019, 2021, bản thân tôi là Chủ tịch Hội LHPN xã đã đứng tên kêu gọi sự ủng hộ hỗ trợ của các nhà hảo tâm, người con xa quê và trực tiếp đi thăm tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai với 472 suất quà trị giá 79 triệu đồng, ngoài ra còn tặng gạo, quần áo mới, sách vở, mũ, ủng và nhiều nhu yếu phẩm khác. Năm 2020, trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, tôi đã vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình 160 suất quà trị giá 24 triệu đồng.

Có được những kết quả trên, Hội LHPN xã luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Hội phụ nữ cấp trên, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các đoàn thể, các giáo xứ và sự ủng hộ của hội viên, phụ nữ trong xã.

Kính thưa Đại hội!.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục đổi mới, nội dung phương thức hoạt động, phấn đấu thu hút 100% phụ nữ công giáo vào sinh hoạt hội, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống.

Tại Đại hội hôm nay, tôi xin có một số kiến nghị như sau:

- Hội phụ nữ các cấp cần quan tâm, có chính sách đặc biệt, tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở hội có đông đồng bào công giáo, đặc biệt là các chính sách ưu tiên hỗ trợ như: tăng cường các nguồn vốn vay, tập huấn chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khoẻ, kiến thức nuôi dạy con theo khoa học

- Đề nghị hội phụ nữ các cấp tăng cường các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ công giáo để chị em yên tâm sinh sống và làm việc trên quê hương của mình.

- Thường xuyên quan tâm mở nhiều lớp chuyển giao KHKT cho h

THAM LUẬN

Về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, đoàn kết phát triển kinh tế, xã hội

Đồng chí Lê Thị Thanh Hương

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban tuyên giáo huyện ủy,

Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Tiền Hải

Kính thưa các vị đại biểu khách quý.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch. Thưa đại hội!

Tôi rất vinh dự được về dựĐại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình, nhiệm kỳ 2021-2026, được Đoàn chủ tịchĐại hội cho phép tham luận, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo tổng kết công tác Hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026 trình trước Đại hội. Tôi xin phát biểu tham luận với nội dung Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, đoàn kết phát triển kinh tế xã hội ở huyện Tiền Hải.

Kính thưa đại hội!

Tuyên truyền, giáo dục là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, những năm qua, Ban Tuyên giáo huyện ủy Tiền Hải đã thực hiện hiệu quả công tác định hướng thông tin, tuyên truyền, trong đó có định hướng thông tin,tuyên truyền cho phụ nữ, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng hành động, bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong huyện.

Công tác định hướng thông tin, tuyên truyền tập trung vào: Tuyên truyền, quán triệt, vận động hội viên, phụ nữ hiểu và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo nội dung chuyên đề từng năm trong tổ chức Hội. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữnhư Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình

Công tác giáo dục truyềnthống,khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dụcphẩm chất đạo đức, xây dựng người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được các cấp Hội coi trọng, gắn kếtvào nội dungcác cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã kịp thời định hướng để các cấp Hội vận động, hướng dẫn tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiệnlàm theo Bácvới những hoạt động cụ thể nhưxây dựngquỹ tình thương, mái ấm tình thương; mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, mô hình phụ nữ bảo vệ môi trườngTuyên truyền để khích lệ các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong tổ chức Hội như phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc;phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong trào Phụ nữ Tiền Hải chung sức xây dựng nông thôn mới; phong trào "Phụ nữ Tiền Hải làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững; phong trào thi đua Hai giỏicuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch cuộc vận động Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ: Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đangTuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ban Tuyên giáo huyện ủy, Đài truyền thanh huyện và cơ sở,chú trọng tuyên truyền, phản ánh kịp thời những thông tin, kết quả hoạt động của tổ chức Hội, các mô hình hay, những cá nhân, tập thể điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử và Bản tin Nội bộ của huyện.Đồng thời, chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; phê phán những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến công tác Hội.

Để làm tốt công tác định hướng tư tưởng, Ban Tuyên giáo huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ thường xuyênsâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ,chủ động phản ánh với cấp ủy, chính quyền những vấn đề bức xúcvànguyện vọng của phụ nữ, của nhân dân; tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh; tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân

Trong những năm tới, công tác tuyên truyền trong các cấp Hội LHPN vừa có thuận lợi cơ bản, vừa phải đương đầu với những khó khăn, thử thách do tác động phức tạp, nhiều chiều của tình hình thế giới, trong nước cũng như tình hình dịch bệnh. Do vậy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiếp tục làm tốt công tác định hướng tư tưởng, thông tin tuyên truyền, giúp chocác cấp Hội LHPN huyện Tiền Hải thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là,Chủ động và kịp thời nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, tâm trạng xã hội từ cơ sở; tham mưu, đề xuất cho cấp ủy biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia giải quyết những yêu cầu chính đáng, những vấn đề bức xúc của hội viên, phụ nữ ngay từ cơ sở.

Hai là,tham mưu triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội; tăng cường việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội kịp thời.

Ba là,tập trung tổ chức tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh và huyện nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp phụ nữ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tuyên truyền, quán triệt, vận động hội viên, phụ nữ hiểu đầy đủ và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp.

Bốn là,tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm là,phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng kịp thời các điển hình phụ nữ, mô hình hoạt động tiêu biểu trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Cuộc vận độngXây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch.Mở rộng các loại hình tuyên truyền: qua các trang thông tin điện tử, các báo, đài, các tạp chí, tập san, bản tin nội bộsử dụng có hiệu quả các loại tài liệu tuyên truyền.

Sáu là,công tác tuyên truyền, giáo dục phải thực sự hướng về cơ sở, tăng cường phối hợp với các cơ quan làm công tác tư tưởng, thông tin hai chiều từ trên xuống dưới và ngược lại để nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng mới nảy sinh.

Bảy là,tiếp tục xây dựng, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên của Hội ở cấp cơ sở.

Kính thưa các vị đại biểu!

Trên đây là tham luận về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, đoàn kết phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới của huyện Tiền hải. Một lần nữa xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khoẻ; chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA ĐOÀN THANH NIÊN

VÀ HỘI LHPN HUYỆN THÁI THỤY

Đồng chí Phan Thị Thủy

Bí thư Đoàn Thanh niên CSHCM huyện Thái Thụy

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa Đại hội!

Qua nghiên cứu báo cáo chính trị của Đại hội, tôi nhất trí cao với các kết quả mà các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm thực hiện và đóng góp trong nhiệm kỳ qua, cũng như các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong nhiệm kỳ 2021 2026. Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công tác Hội trong nhiệm kỳ mới, tôi xin tham luận trước Đại hội nội dung: "Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp hoạt động giữa Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ huyện", sau đây rất mong Đại hội cùng tôi phân tích và đưa ra các giải pháp cụ thể.

Trước hết, để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp, cần khách quan, thẳng thắn đánh giá những ưu điểm, hạn chế của chương trình phối hợp trong nhiệm kỳ qua, như sau:

Về ưu điểm: Bám sát vào các chương trình hoạt động liên ngành giữa 2 cơ quan cũng như chương trình phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội của huyện, có thể khẳng định, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên huyện Thái Thụy trong 5 năm qua đã cơ bản làm tốt vai trò, chức năng của từng thành viên trong các chương trình phối hợp đề ra, đó là: Chương trình phối hợp hoạt động trong công tác vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ Tổ quốcđược ban hành năm 2017; Chương trình phối hợp về triển khai thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được ban hành năm 2018; Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụHuyện ủy về trồng hoa, cây cảnh thay thế cỏ dạiban hành năm 2019trong đó đã ra quân trồng 151 bồn hoa tại Trung tâm hội nghị huyện và tuyến đường 3/2. Về công tác giám sát,3 năm liên tục 2 đơn vị tổ chức thành công việc phối hợp thực hiện chương trình giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về 2 nội dung: giám sát việc thực hiện công tác môi trường và vệ sinh nuôi ăn bán trú cho khối Tiểu học, khối mầm non trên địa bàn huyện; giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ Đoàn, cán bộ nữ. Cao điểm, năm 2018, Đoàn Thanh niên Hội LHPN huyện đã cùng với các đoàn thể chính trị xã hội, các ngành tuyên truyền vận động 100% hộ gia đình lắp và sử dụng nước sạch trên địa bàn nông thôn. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp có hiệu quả công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên bàn giao diện tích đất bị thu hồi, chấp thuận chủ trương đền bù của tỉnh để góp phần sớm hoàn bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư tại khu công nghiệp Liên - Hà - Thái, là khu công nghiệp đầu tiên được triển khai trong Khu kinh tế Thái Bình.

Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp thường xuyên được 2 cơ quan đơn vị chú trọng thực hiện hằng năm, như: thăm hỏi, tặng quà tân binh và tri ân các gia đình chính sách,chương trình chăm lo Tết cho người nghèo, xây dựng mái ấm tình thương, hỗ trợ đột xuất cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm lo cho đoàn viên, hội viên nghèo lúc tai nạn, rủi ro, chương trình hiến máu tình nguyện, ra quân vệ sinh môi trường biển và thu gom rác thải,

Kính thưa Đại hội!

Thông qua đánh giá hiệu quả sau phối hợp, chúng tôi vui mừng nhận thấy công tác phối hợp của Đoàn Thanh niên và Hội LHPN huyện dần đi vào nề nếp, có tiếng nói chung và nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ sở Đoàn Hội. Song, sau 5 năm phối hợp, chúng tôi bắt đầu nhìn nhận thấy những vấn đề khó khăn và hạn chế, đó là:

- Một số nhiệm vụ khi phối hợp thực hiện chỉ mang tính chất ngắn hạn, thiếu chiều sâu. Công tác phối hợp chưa đem lại thành quả lớn, sự phối hợp còn thiếu đồng đều giữa các tổ chức, chưa có hình thức động viên khen thưởng kịp thời.

- Khó khăn trong phối hợp khi liên quan đến nguồn lực của các tổ chức là khác nhau.Một số hoạt động phối hợp cần có sự tháo gỡ thêm của các ngành thuộc lĩnh vực UBND huyện.

- Không phải nhiệm vụ nào đều có thể dễ dàng phối hợp, tương trợ được cho nhau do có sự khác biệt nhau về loại hình phong trào, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.

Kính thưa Đại hội!

Nhằm đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ nhiệm kỳ 2021- 2026 có nhiều kết quả nổi bật và đóng góp tính cực hơn nữa cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện cũng như của tỉnh; tôi chorằng việc tăng cường và nâng cao chất lượng chương trình phối hợp hoạt động giữa các tổ chức chính trị xã hội trong đó có Đoàn Thanh niên Hội LHPN là một vấn đề quan trọng cần quan tâm thực hiện gắn với đổi mới, rút kinh nghiệm từ các chương trình phối hợp đã và đàng triển khai. Từ đó, tôi xin đề xuất 03 giải pháp cơ bản sau:

Một là: Tiếp tục lấy Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện là trung tâm của các chương trình phối hợp hoạt động theo chu kỳ 5 năm; rà soát lại các chương trình phối hợp đã ký kết, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phối hợp hoạt động sao cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị hiện nay và đáp ứng được nhu cầu, khả năng của mỗi tổ chức, mời thêm các tổ chức, các ngành có liên quan tham gia vào chương trình phối hợp. Đưa công tác động viên, khen thưởng vào sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình phối hợp.

Hai là: Mỗi tổ chức chính trị xã hội cần đề cao vai trò trách nhiệm của tổ chức mình trong chương trình phối hợp trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Khi phối hợp cần kêu gọi được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của nhân dân để chương trình phối hợp được lan tỏa mạnh mẽ. Đồng thời có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về mục đích, kết quả của chương trình phối hợp là gì để loại bỏ những hoạt động phối hợp không thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Bám sát vào sự chỉ đạo của Đoàn Hội cấp trên và sự chỉ đạo của cấp ủy huyện về các nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng nội dung chương trình hoạt động cho phù hợp.

Hơn nữa cần mở rộng hoạt động phối hợp giữa Hội LHPN với Đoàn Thanh niên sang các tổ chức đoàn thể chính trị khác, như: Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh để làm phú hơn các nội dung phối hợp cũng nhưnâng cao hiệu quả chất lượng chương trình phối hợp, tăng cường nguồn lực chung cho hoạt động phối hợp. Khai thác tối đa vai trò, vị thế của phụ nữ trong các tổ chức thành viên, bởi phụ nữ là đối tượng đều hiện diện và đóng vai trò quan trọng ở tất cả các tổ chức chính trị xã hội. Với những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ hiện nay như: Thương chồng, yêu con, chăm chỉ làm lụng, giỏi việc xã hội, đảm việc gia đình, luôn sẵn sàng hy sinhThì đó là những điều kiện hết sức thuận lợi khi đặt phụ nữ ở vị trí quan trọng trong các lực lượng phối hợp của các tổ chức để làm công tác tuyên truyền, vận động. Tôi thiết nghĩ, khi chúng ta nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của phụ nữ trong mỗi tổ chức chính trị thì chắc chắn chương trình phối hợp sẽ có đông đảo lực lượng tham gia hơn điều đó có nghĩa là hiệu quả của chương trình phối hợp được nâng lên.

Ba là: Với Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ thì cần đi sâu vào tổ chức các hoạt động phối hợp hợp trong việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là những trường hợp yếu thế trong xã hội, như: mồ côi cha mẹ, bị khuyết tật.Phối hợp quản lý giáo dục thế hệ trẻ từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Tăng cường phối hợp truyên truyền trong phụ nữ và thanh niên về văn hóa trong hôn nhân gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn, giảm tỷ lệ trẻ mắc vào các tệ nạn xã hội. Phối hợp tổ chức các chương trình nhằm giúp phụ nữ, trẻ em lên tiếng về các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường lạnh mạnh để thúc đẩy tình yêu thương trong gia đình giữa bố mẹ và con cái trong điều kiện xã hội số đang ngày càng làm gia tăng khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó, liên ngành Đoàn Thanh niên Hội phụ nữ cần tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa các mô hình sản xuất, làm kinh tế giỏi cho thanh niên và phụ nữ, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, duy trì và hình thành mới các đường hoa, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng xanh sạch đẹp. Lựa chọn các tiêu chí phù hợp trong 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao để thực hiện phối hợp như: Tiêu chí tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tiêu chí về phân loại rác tại gia đình, tiêu chính về xây dựng thôn, làng văn hóa; xây dựng các sản phẩm OCOP; xây dựng các nhà văn hóa thôn kiểu mẫu

Kính thưa Đại hội!

Những giải pháp căn bản trên đây được nêu ra trước Đại hội đều xuất phát từ những bài học thực tiễn và nhu cầu khách quan; chúng tôi mong muốn sau Đại hội Hội LHPN tỉnh, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ kết nối để các tổ chức chính trị xã hội, các ngành có liên quan tổ chức được các buổi hội thảo, tọa đàm cùng bàn sâu vào các nhóm giải pháp cụ thể hơn trong chương trình phối hợp thời gian tới. Nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện nhất quán sự chỉ đạo của Đảng mà trực tiếp là cấp ủy đảng cùng cấp, tăng cường mối đoàn kết thống nhất trong các đoàn thể chính trị xã hội và mở rộng sự phối hợp sang các Sở, phòng, ban, ngành để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao hơn.

Tôi xin trân trọng cảm ơn đại hội đã chú ý lắng nghe phần tham luận của tôi. Một lần nữa kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội sức khỏe, hạnh phúc.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn!

HIỆU QUẢ TỪ HOẠT ĐỘNG CÁC CÂU LẠC BỘ PHỤ NỮ

CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ XÃ ĐÔNG LA

Đồng chí Bùi Thị Mỹ Lộc

Chủ tịch Hội LHPN xã Đông La, huyện Đông Hưng

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Kính thưa Đại hội!

Rất vinh dự cho tôi được về dự Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2021-2026, được Đoàn chủ tịch cho phép phát biểu ý kiến tại đại hội, lời đầu tiên tôi xin kính chúc các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đại biểu Đại hội mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, chúc Đại hội thành công rực rỡ.

Kính thưa Đại hội!

Hội LHPN xã Đông La có 1.813 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội với 409 hội viên nòng cốt. Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện, đặc biệt chú trọng việc xây dựng các câu lạc bộ nhằm tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động, tạo động lực thúc đẩy phong trào và hoạt động hội. Nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã đã xây dựng và duy trì 4 loại hình câu lạc bộ với tổng số 18 câu lạc bộ theo các chuyên đề từ xã đến chi hội, hoạt động thực sự hiệu quả.

Thứ nhất, câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe cho phụ nữ. Thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành chúng tôi xác định: Ngoài việc tổ chức các buổi học tập nội dung chuyên đề về Bác, không gì thiết thực hơn là việc xây dựng được các mô hình làm theo tấm gương của Bác. Trước tiên, Hội LHPN xã lựa chọn việc xây dựng các câu lạc bộ Dân vũ thể thao để thu hút hội viên, phụ nữ tham gia, đồng thời cũng là để giúp chị em lựa chọn một hình thức rèn luyện sức khỏe cho bản thân, tạo sự tự tin vào bản thân trong các hoạt động xã hội. Hội LHPN xã đã lựa chọn, xây dựng 01 Câu lạc bộ điểm của xã với 72 thành viên tham gia với nòng cốt là các chị cán bộ hội và các hội viên trẻ, tích cực. Câu lạc bộ điểm xây dựng thành công đã dần thu hút được sự quan tâm và tham gia hưởng ứng của các chị em trong toàn xã. Sau một thời gian ngắn, 7/7 chi hội đã thành lập câu lạc bộ "Dân vũ thể thao" với trên 600 thành viên tham gia luyện tập. Nhân dịp các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc và kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thanh lập Hội 20/10, Hội LHPN xã đã phối hợp tổ chức 9 buổi giao lưu dân vũ thể thao giữa các chi hội trong xã và giao lưu với các xã trong huyện thu hút hàng nghìn lượt cán bộ hội viên và nhân dân tham gia. Các mô hình dân vũ được thanh lập là sân chơi mới, bổ ích giúp cho phụ nữ rèn luyện sức khỏe, chị em tham gia câu lạc bộ còn được trang bị các kiến thức bổ ích về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của thuốc lá... do các tuyên truyền viên của Trung tâm y tế huyện truyền đạt trước mỗi buổi tập.

Thứ hai, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ: Song song với thành lập mới các câu lạc bộ dân vũ, Hội LHPN xã còn duy trì tốt hoạt động của 7 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tại 7 thôn với 83 thành viên là những người yêu văn hóa văn nghệ, thường xuyên tập luyện những bài hát, điệu múa góp phần giữ gìn phát triển bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp. Các Câu lạc bộ văn nghệ thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các chi hội vào các dịp lễ tết, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của hội và các sự kiện chính trị văn hóa xã hội của địa phương. Đặc biệt ngày 18/4/2021 Hội LHPN xã Đông La đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề Tình thắm duyên quê với sự tham gia của các Câu lạc bộ văn nghệ đến từ 7 chi hội phụ nữ trong toàn xã nhân dịp Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Kỷ niệm 131 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và chào mừng thành công Đại hội đại biểu Hội LHPN xã Đông La nhiệm kỳ 2021- 2026 với 14 tiết mục tham gia giao lưu đã tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu qủa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Điều đáng phấn khởi là các thành viên tham gia các câu lạc bộ đều tích cực tham gia các mô hình tiết kiệm theo tấm gương của Bác như: 08 mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm của Ban chấp hành Hội LHPN xã và 7/7 chi hội với 272 chị tham gia tiết kiệm được số tiền 132.750.000đ cho 5 chị vay không lấy lãi để sản xuất phát triển kinh tế gia đình; 03 mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua BHYT với 51 thành viên tham gia, đã giúp cho 27 chị em được mua BHYT khám chữa bệnh.

Thứ ba, các câu lạc bộ về giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ. Là xã có trục đường Quốc lộ 10 chạy qua, trong những năm qua, Hội LHPN xã đã xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATGT đường bộ tới hội viên, phụ nữ là việc làm cần được quan tâm của tổ chức hội. Được thành lập từ năm 2007, Câu lạc bộ Phụ nữ với An toàn giao thông của Hội LHPN xã với 150 thành viên tham gia thường xuyên duy trì sinh định kỳ mỗi năm 2 lần với các nội dung tuyên truyền phong phú về Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, các thành viên trong câu lạc bộ tích cực tham gia công tác tự quản về ATGT và vệ sinh môi trường đoạn đường Quốc lộ 10 cũng như các tuyến đường trục xã bằng việc thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể xuống đường nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, thu dỡ biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè, nhắc nhở người dân không phơi thóc lúa, rơm rạ trên trục đường giao thông, tổ chức trồng trên 2.000 m đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Năm 2018, được sự quan tâm của hội cấp trên, Hội LHPN xã tiếp tục xây dựng câu lạc bộ "Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông thu hút 100 thành viên tham gia, sinh hoạt định kỳ 6 tháng/lần. Đây là diễn đàn để các thành viên được tiếp thu kiến thức về an toàn giao thông, là nơi trao gửi thông điệp trong việc vận động chồng, con và người thân trong gia đình Uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông góp phần hạn chế và đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn. Tháng 4/2018, các thành viên nòng cốt của mô hình đã tham gia giao lưu tại xã Thanh Tân huyện Kiến Xương và giao lưu các mô hình, CLB do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Có thể nói, Câu lạc bộ Phụ nữ với ATGT và mô hình "Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông của Hội LHPN xã Đông La đã góp thêm tiếng nói mạnh mẽ của tổ chức hội trong việc giữ gìn trật tự ATGT, 5 năm liền trên địa bàn không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với nguyên nhân từ việc không chấp hành các quy định và ATGT của người dân trong xã.

Thứ tư, Câu lạc bộ Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ. Thực hiện khâu đột phá Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra, Ban chấp hành Hội LHPN xã lựa chọn xây dựng mô hình Câu lạc bộ Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ gồm 70 thành viên là cán bộ hội, cán bộ nữ, hội viên, phụ nữ tích cực trong công tác nhân đạo, từ thiện với các việc làm cụ thể như: Tổ chức quyên góp được số tiền 54.600.000đ tặng quà cho 157 lượt gia đình có Hội viên phụ nữ nghèo làm chủ mỗi xuất quà trị giá từ 300.000đ đến 400.000đ; vận động trao tặng 84 Thẻ bảo hiểm thân thể cho 84 phụ nữ nghèo trị giá 8000.000đ; vận động quyên góp được trên 60 triệu đồng và 710 kg gạo hỗ trợ các gia đình hội viên có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, ốm đau có hoàn cảnh khó khăn; Tặng 15 chăn ấm cho 15 gia đình hội viên, thuộc hộ nghèo làm chủ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 9.000.000đ; vận động xã hội hóa được 6.000.0000đ để thực hiện 6 cặp lá yêu thương cho học sinh nghèo... Đặc biệt, các thành viên thuộc Chi hội thôn Anh Dũng xây dựng và duy trì 12 hũ gạo trao cho 12 hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; chị Phạm Thị Thơi thành viên thôn Anh Dũng đã trao tặng 2 con bò sinh sản cho 2 gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn trị giá 54.000.000đ. Có 2 thành viên mô hình là nữ chủ doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Đông La đã ủng hộ 175 triệu đồng xây dựng 2 mái ấm tình thương cho 2 hội viên phụ nữ thuộc gia đình hộ nghèo... Các hoạt động trên của mô hình đã giúp đỡ cho 100% gia đình phụ nữ nghèo trong xã và giúp cho 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa Đại hội!

Hiệu quả từ các mô hình câu lạc bộ do Hội thành lập và duy trì trong nhiệm kỳ 2016-2021 là rất đáng phấn khởi. Thông qua hoạt động của mô hình, các thành viên được nâng cao nhận thức về mọi mặt; được học tập, trao đổi kinh nghiệm và được hỗ trợ trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, ngày càng gắn kết chặt chẽ với tổ chức hội. Chính từ hoạt động này đã tạo được sức lan tỏa, tạo được điểm nhấn cho hoạt động hội, có sức hấp dẫn thu hút phụ nữ vào tổ chức hội. Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN xã đã kết nạp mới được 75 hội viên, đạt tỷ lệ thu hút 84,7% phụ nữ trong diện thu hút. Thông qua các mô hình câu lạc bộ đã góp phần giúp tổ chức Hội thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, cuộc vận động, các nhiệm vụ công tác trọng tâm và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phong trào phụ nữ và công tác Hội của xã nhà 5 năm liên tục được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Thái Bình tặng Bằng khen..

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa Đại hội!

Phát huy thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN xã Đông La sẽ tích cực đổi mới hoạt động truyền thông thông qua việc xây dựng các mô hình hiệu quả, trọng tâm là đa dạng hóa các loại hình và phương thức truyền thông theo nhóm đối tượng; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông để duy trì, nhân rộng các mô hình sẵn có, chủ động xây dựng mới các mô hình gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ mới trong nhiệm kỳ, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của hội cấp trên, của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, sự đồng thuận của cán bộ, hội viên, phụ nữ quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Hội LHPN các cấp đã đề ra, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh và xây dựng xã Đông La ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngừng lời cho phép tôi xin được gửi tới các vị đại biểu khách quý, các vị đại biểu về dự Đại hội lời kính chúc sức khoẻ, thành đạt, gia đình hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./.

HỘI LHPN XÃ QUỲNH HỘI VỚI PHONG TRÀO THI ĐUA,

CÁC CUỘC VẬN ĐỘNGVÀ CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC HỘI

Đồng chí Nguyễn Thị Đoan

Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa Đại hội!

Được Đoàn chủ tịch Đại hội cho phép phát biểu tham luận,thay mặt cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Quỳnh Hội xin kính chúc các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Kính thưa Đại hội!

Tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo mà Đoàn chủ tịch trình bày trước Đại hội. Để làm rõ hơn, sau đây tôi xin tham luận: Hội LHPN Quỳnh Hội với phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.

Hội LHPN xã Quỳnh Hội chúng tôi có 1.647 hội viên tham gia sinh hoạt ở 5 chi hội. Nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội LHPN xã bám sát Nghị quyết của các cấpủy, sự chỉ đạocủa Hội cấp trên vàtình hình thực tế của địa phương để xây dựng chương trình hoạt động Hộiphù hợp, tập trung chỉ đạo các chi hội tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hộiđạt được kết quả rõ nét:

* Về phong trào thi đua và các cuộc vận động: Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Hội LHPN xã đã xây dựngvà triển khai kế hoạch thực hiện phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc; cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch và Rèn luyện phẩm chất đạo đức:Tự tin - Tự trọng -Trung hậu - Đảm đanggắn với thực hiệnChỉ thị 05 của Bộ chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong tràoDân vận khéovà đợt thi đua đặc biệt,các phong trào thi đua của địa phương tới cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hằng năm, đã lựa chọn nội dung, tiêu chí, hành động của phong trào và cuộc vận động để triển khai thực hiện. Hội đã viết 20 tin bài tuyên truyền nội dung phong trào và 2 cuộc vận động trên hệ thống truyền thanh; mở 30 lớp chuyên đề thu hút 4.500 lượt chị về học. Các chi hội chủ động rà soát và đăng ký và tổ chức các hoạt động giúp đỡ 100 gia đình đạt gia đình 5 không, 3 sạch; xây dựng và duy trì mô hình về 4 phẩm chất đạo đức "Tự tin- tự trọng - trung hậu - đảm đang", mô hình Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường; mô hình Dân vận khéo...; đăng ký, gắn biển, đảm nhiệm tự quản 11 tuyến đường về VSMT và ATGT; trồng được 3,5km đường hoa. Phát hiện, tuyên truyền, biểu dương 60 cá nhân điển hình tiêu biểu. Tập thể Hội LHPN xã và 02 cá nhân được Đảng ủy và Huyện ủy Quỳnh Phụ khen thưởng có thành tích xuất sắc 05 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN xã đã chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc: đã mở được 54 lớp có 5.967 lượt hội viên học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, luật pháp của nhà nước, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, tập huấn KHKT, kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi con khỏe - dạy con ngoan, phòng chống tệ nạn xã hội, ATGT, VSMT, vệ sinh an toàn thực phẩm....Duy trì 02 Câu lạc bộ phụ nữ xã về phòng chống ma túy, HIV/AIDS; ATGT và VSMT. Phối hợp với đài truyền thanh, Ban văn hóa viết 10 bài, 12 tin tuyên truyền ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, các hoạt động Hội...Phối hợp với Trạm y tế, Dân số tổ chức 10 buổi tư vấn, 10 lớp truyền thông về dinh dưỡng, DS/KHHGĐ cho 2.750 bà mẹ có con nhỏ và phụ nữ trong thời kỳ mang thai về kiến thức KHHGĐ và dinh dưỡng.

Thực hiện đợt thi đua đặc biệt, các chủ đề năm do Trung ương Hội phát động, Hội đã phát động, tổ chức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện; nhân rộng 5 mô hình Tiếp bước cho em đến trường;5 mô hình Hũ gạo tiết kiệm vì phụ nữ nghèo có địa chỉ đãgiúp đỡ 30phụ nữ, học sinh nghèo có địa chỉ với số tiền 36 triệu đồng và 1,8 tấn gạo. Giúp 6 hội viên bệnh hiểm nghèo mỗi quý 500.000 đồng để có tiền mua thuốc chữa bệnh.

Vận động quyên góp ủng hộ trường mầm non, lũ lụt Miềm trung, phòng chống dịch Covid-19, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: xây 2 nhà tình thương cho hộ nghèo, tặng bảo hiểm thân thể cho 50 hội viên nghèo...tổng số tiền 281 triệu đồng; vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia Bảo Việt, BHYT, BHXHTN đã có trên 90 % hộ dân tham gia. Duy trì tham gia 6 địa chỉ tin cậy Phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Hằng năm có 95% gia đình đạt gia đình văn hóa.

Kính thưa Đại hội!

Trong nhiệm kỳ, Hội LHPN xã Quỳnh Hội đã phối hợp mở 50 lớp chuyển giao KHKT có 5.750 chị em tham gia;vận động phụ nữ tích cực tham gia trồng 300 ha cây màu góp phần đưa sản xuất cây màu trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Trong đó Hội đã xây dựng và duy trì 2 mô hình: chuyển đổi trồng cây ớt tại chi hội thôn Phụng Công với diện tích 47 ha của 326 hội viên cho thu nhập bình quân 15-25 triệu đồng/sào; mô hình Rau an toànvới 7,5ha tại chi hội thôn Lương Mỹ có 203 hội viên tham gia....Hội nhận ủy thác 11,1 tỷ đồng cho 254 hộ vay. Vận động 212 hộ vay vốn gửi tiết kiệm qua tổ được 205 triệu đồng, gửi tiết kiệm khu dân cư được 420 triệu đồng, duy trì 33 nhóm phụ nữ tiết kiệm có 1.647 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia với số tiền là 370 triệu đồng cho 126 lượt chị vay để phát triển sản xuất. Phối hợp tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 398 con em và hội viên phụ nữ có việc làm ổn định tại các công ty, cơ sơ sản xuất trên địa bàn xã, huyện,

Tuyên truyền, vận động hội viên trồng được 11.520 cây xanh các loại, tham gia tổng VSMT toàn xã vào ngày 24 hàng tháng, thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại gia đình, duy trì 6 tổ thu gom rác với 17 người tham gia, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch của xã đạt 100%.

Công tác xây dựng tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Hội LHPN xã Quỳnh Hội quan tâm và chú trọng thực hiện. Duy trì hoạt động của BCH và các chi hội theo đúng quy chế, chương trình hoạt động toàn khóa, quy định của Điều lệ Hội. Chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội. Ra mắt 5 mô hình thu hút phụ nữ cao tuổi vào sinh hoạt hội. Kết nạp 750 hội viên tham gia sinh hoạt Hội, đưa tổng số hội viên của toàn xã lên 1.647 đạt tỷ lệ thu hút 87%; 100% hội viên tham gia xây dựng quỹ hộisố tiền 370 triệu đồng bình quân 224.000đ/ hội viên. Tham mưu với cấp ủy bồi dưỡng kết nạp Đảng 9 chị, cử5 cán bộ nữ đi học chuyên môn, đại học.

Trong nhiệm kỳ, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện quyền công dân, nêu cao ý thức tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kết quả có 100%cán bộ, hội viên, phụ nữ đi bỏ phiếu bầu cử trưởng thôn, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tích cực tham mưu, đề xuất, giám sát việc giải quyết các chế độ chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em;chủ động đóng góp ý kiến trong các kỳ tiếp xúc cử tri, các kỳ họp, các kỳ đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Chủ trì 02 cuộc giám sát chuyên đề về Vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi ăn bán trú và công tác vệ sinh môi trường tại trường Mầm non. Vận động 250 chị gia viết bài thi xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Tổ chức 6 hội nghị tại xã và 5 chi hội có 756 hội viên tham gia đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng, văn kiện Đại hội phụ nữ các cấp...

Với những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ qua Hội LHPN xã Quỳnh Hội đượcxếp loại đơn vị vững mạnh xuất, được UBND huyện, UBND tỉnh, TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, huyện khen thưởng.

Kính thưa Đại hội!

Nhiệm kỳ 2021-2026, với những dự báo thuận lợi, khó khăn như trong báo cáo Đại hội đã thông qua, Hội LHPN xã Quỳnh Hội sẽ bám sát vào sự chỉ đạo của hội phụ nữ cấp trên, sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy địa phương, trước hết là bám sát các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, nhóm giải pháp mà báo cáo đã chỉ rõ, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được,chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng, Chính quyền và Hội cấp trên, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tiếp tục coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, các quy định của địa phương; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ hội viên; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát huy giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh;hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm giảm nghèo bền vững, hỗ trợ để chị em phấn đấu trở thành người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Hội LHPN xã Quỳnh Hội chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức hoạt động như tổ chức sinh hoạt hội viên, các câu lạc bộ, các lớp chuyên đề, hội thi; xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động Hội, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế và mô hình bảo vệ môi trường là 2 loại mô hình chúng tôi sẽ chọn làm mũi nhọn trong hoạt động hội. Đồng thời chúng tôi sẽ quan tâm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ từ xã đến chi hội, nhất là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hội viên và trong công tác tuyên truyền. Vận động hội viên sử dụng các trang Facebook, Fanpage, tạo các nhóm Zalo để tuyên truyền và chia sẻ thông tin. Kịp thời phát hiện và nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay.

Kính thưa Đại hội!

Với cách làm trên đây cùng với lòng nhiệt tình trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, chắc chắn Hội LHPN xã Quỳnh Hội chúng tôi sẽ đóng góp quan trọng cùng các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Một lần nữa cho phép tôi xin kính chúccác vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Đại hội thành công rực rỡ.

Xin chân thành cảm ơn !

TÍCH CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP VỚI CÁC CẤP HỘI

PHỤ NỮ TRONG TỈNH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ

SẢN XUẤT THỰC PHẨM AN TOÀN GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Đồng chí Nguyễn Thị Nga

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính th­ưa Đại hội !

Rất vinh dự cho tôi hôm nay được dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI,nhiệm kỳ 2021-2026, được Đoàn chủ tịch cho phép phát biểu tham luận, lời đầu tiên tôi gửi tới các vị đại biểu khách quý và toàn thể đại hội lời kính chúc sức khoẻ và lời chào trân trọng, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo mà Đoàn chủ tịch đã trình tại Đại hội. Để minh họa làm rõ thêm cho báo cáo, tôi xin tham luận với nội dungvề các hoạt động phối hợp của ngành nông nghiệp với các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sản xuất thực phẩm an toàn gắn vớibảo vệ môi trường và và xây dựng nông thôn mới.

Kính thưa Đại hội!

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp thuộc đồng bằng Sông Hồng, có diện tích đất tự nhiên trên 1.500 km2, có bờ biển dài 54 km, hệ thống sông có tổng chiều dài 90 km và 5 cửa sông lớn đổ trực tiếp ra biển nên có tiềm năng lớn về diện tích đất, mặt nước thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi.Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đã tập trung chỉ đạo, đầu tư và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm gắn với phát triển nền nông nghiệp sạch,bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với việc bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực, đã xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và sản xuất thực phẩm an toàn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được bảo vệ môi trường, sản xuất thực phẩm an toàn chính là bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã chú trọng công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn, theo chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc xã hội hóa, huy động, khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường và sản xuất đảm bảo thực phẩm an toàn. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp và các cấp hội phụ nữ trong tỉnh.

Trong 5 năm qua, Ngành nông nghiệp tỉnh được đại diện tham gia ban chấp hành Hội LHPN tỉnh, với trách nhiệm được phân công, ngành đã chủ động và tích cực phối hợp với các cấp Hội LHPN trong tỉnh tập trung một số nội dung, cụ thể:

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành đã luôn phối hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến với người dân để người dân biết và thụ hưởng. Trong nhiệm kỳ qua đã tập trung phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả thể hiện rõ nhất đó là thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp trên quy mô toàn tỉnh và hiện nay tiếp tục thực hiện với chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, hữu cơ và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết về phát triển chăn nuôi, trồng trọt; đã ký kết chương trình phối hợp với Hội LHPN tỉnh về việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020. Hàng năm, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí hoạt động khuyến nông cho Hội LHPN tỉnh; trực tiếp cử các đồng chí chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng các lớp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuyên truyền Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo, Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030; tập huấn các Đề án sản xuất của UBND tỉnh, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu cho đội ngũ cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở và hàng trăm lớp cho hội viên, phụ nữ tại cơ sở. Trong tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, ngành khuyến cáo các giống cây, con có giá trị kinh tế cao; vận động phụ nữ sản xuất thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, tuân thủ tuyệt đối khoa học kỹ thuật, theo hướng sản xuất hữu cơ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia trồng cây vụ Đông, bởi vụ Đông ở Thái Bình cũng được xác định là vụ sản xuất chính. Đặc biệt ngành cũng đã phối hợp với Hội trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sản xuất các sản phẩm (OCOP). Đối với sản xuất nông nghiệp thì điều quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến năng xuất đó là giống, thời vụ và KHKT. Cán bộ của ngành luôn tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát đồng ruộng, đồng hành cùng cấp hội, hội viên, phụ nữ sản xuất đảm bảo đúng kỹ thuật, năng suất, hiệu quả. Các mô hình sản xuất của ngành đều có hội viên, phụ nữ tham gia, các hội nghị đầu bờ ngành đều mời các cấp Hội về chứng kiến để tham gia chỉ đạo, tuyên truyền, nhân rộng. Ngành rất cảm động trước những hoạt động của hội phụ nữ cơ sở khi thấy diện tích ruộng bị nông dân bỏ hoang, đã mượn lại người dân và cấy để gây quỹ Hội. Hay trước các hoạt động Hội đứng lên vận động chị em cấy giúp và gặt giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi gặp bão lũ hay gia đình có người bị cách ly y tế trong đại dịch Covid-19... để đảm bảo sản xuất an toàn và đúng thời vụ. Trước những chủ trương của Đảng, Nhà nước, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, đã có nhiều phụ nữ mạnh dạn đứng lên tích tụ hàng chục ha ruộng để canh tác, đưa giống lúa có chất lượng gạo ngon vào thâm canh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: Đầu tư máy cày, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâuđã cho giá trị sản xuất tăng cao.

Ngành phối hợp với các cấp hội xây dựng các mô hình sản xuất như xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn, cánh đồng 4 vụ đã giúp cho người nông dân tăng được giá trị/đơn vị diện tích canh tác. Trong nhiệm kỳ, Hội đã tích cực đóng góp cùng ngành nông nghiệp trong phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh, sản xuất rau sử dụng phân bón hữu cơ. Các mô hình của Hội đều được ngành nông nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Hội phụ nữ các cấp để tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo 4 đúng, vừa đảm bảo phòng trừ sâu bệnh hiệu quả vừa đảm bảo bảo vệ môi trường. Ngành cũng đánh giá rất cao Hội phụ nữ trong việc chỉ đạo xây dựng các mô hình cánh đồng sạch, hội viên, phụ nữ đã làm tốt công tác thu gom rác thải trên cánh đồng, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng hàng ngàn bể đựng rác tại cánh đồng, giữ cho đồng ruộng sạch và đảm bảo môi trường.

Tất cả các hoạt động của ngành Nông nghiệp và của các cấp Hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sản xuất thực phẩm an toàn trong phát triển nông nghiệpgắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng để sản xuất nông nghiệp Thái Bình trong những năm vừa qua đạt mức tăng trưởng khá; giá trị bình quân 5 năm (2016-2020) tăng 2,5%/năm, giữ vững năng xuất lúa trên 132 tạ/ha/năm, tăng 1,6 tạ/ha. Toàn tỉnh chuyển đổi được 3.526 ha đất cấy lúa kém hiệu quả (tăng 2.620 ha so với năm 2015) sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; diện tích đất được tích tụ đạt 7.883,6 ha (tăng 10,7 lần so với đầu nhiệm kỳ); diện tích cây vụ đông hàng năm đạt 36.000 ha, giá trị sản xuất đạt 25% tổng giá trị trồng trọt. Năm 2019, Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Kính thưa Đại hội!

Hoạt động phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình trong nhiệm kỳ qua đạt được kết quả như trên, ngành nông nghiệp chúng tôi rút ra kinh nghiệm đó là:

Một là, Cán bộ ngành nông nghiệp và hội phụ nữ các cấp phải nắm bắt và quán triệt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến với nông dân. Phối hợp chặt chẽ trong việc tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động nông dân áp dụng để đảm bảo sản xuất hiệu quả, an toàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, sản xuất sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường.

Hai là, Cán bộ ngành nông nghiệp phải tâm huyết, sâu sát đồng ruộng, làm tốt công tác dự báo thiên tai, sâu, bệnh trong sản xuất để người dân biết phòng tránh. Thực hiện tốt trách nhiệm trong chức năng quản lý nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho nông dân trong việc sử dụng giống cũng như vật tư nông nghiệp đảm bảo đúng nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Ba là, Tổ chức Hội và ngành nông nghiệp là cầu nối giúp hội viên, phụ nữ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên kết trong sản xuất.

Cuối cùng, xin kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể Đại hội sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG

NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC HỘI PHỤ NỮ

Đồng chí Đặng Thị Thu

Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương

Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội

Kính thưa các vị đại biểu về dự đại hội!

Lời đầu tiên cho phép tôi xin được thay mặt cán bộ hội, phụ nữ xã Thanh Tân trân trọng gửi tới các vị đại biểu khách quý, các vị đại biểu về dự đại hội lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc, chúc Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI thành công tốt đẹp.

Được sự nhất trí của Đoàn chủ tịch Đại hội, tôi xin tham luận với nội dung Hội LHPN xã Thanh Tân tích cực thực hiện có hiệu quả các mô hình hoạt động nâng cao vai trò của tổ chức Hội.

Kính thưa Đại hội !

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và sự chỉ đạo của hội cấp trên, Hội LHPN xã Thanh Tân đã làm tốt công tác, tuyên truyền vận động hội viên, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy chế của địa phương và điều lệ hội. Cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Để các hoạt động của Hội đến được với đông đảo hội viên và được hội viên, đón nhận, 5 năm qua Hội LHPN xã đã thành lập được nhiều mô hình, nhiều CLB hoạt động có hiệu quả, sát đúng thực tế phù hợp với tình hình phát triển của địa phương được Đảng bộ và nhân dân đánh giá cao.

Kính thưa Đại hội !

Trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, với mong muốn chị em Ly nông nhưng không ly hương, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc tích tụ ruộng đất, cùng với các đoàn thể, Hội LHPN xã đã vận động hội viên phụ nữ tham gia mô hình tích tụ ruộng đất. Để có được mô hình này, trước hết, Hội cần tìm được những hội viên, phụ nữ năng động, sáng tạo, mạnh dạn, dám đầu tư phát triển sản xuất thì Hội động viên chị em đứng ra làm mô hình. Khi có được những hội viên, phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng tích tụ ruộng đất thì Hội sẽ đồng hành cùng các chị em đó. Hội tập trung tuyên truyền vận động các gia đình nông dân về ý nghĩa của việc tích tụ ruộng đất, phân tích lợi ích đối với việc dồn, đổi ruộng để bà con nông dân hiểu và ủng hộ. Hiện nay trên đại bàn xã đã có 2 doanh nghiệp và 3 hộ gia đình tham gia tích tụ ruộng đất có 39,79 ha được tích tụ của hơn 300 hộ gia đình để cấy lúa giống chất lượng cao. Khi tích tụ ruộng đất, các mô hình đã áp dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy cày lật đất, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu bệnh, tất cả các công đoạn đó đã làm giảm giá thành đầu vào, giúp cho giá trị sản xuất tăng cao. Đồng thời, Hội đã phối hợp tổ chức được 2 lớp dạy nghề cho hội viên thuộc các hộ gia đình có ruộng đã được tích tụ, giúp chị em có việc làm, tăng thu nhập, gắn bó với quê hương.

Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 246 hộ vay, với tổng số tiền là 6 tỷ đồng, phối hợp với hội LHPN tỉnh thực hiện tốt Quỹ hỗ trợ phụ nữ cho 140 gia đình hội viên vay với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng để các hộ gia đình phát triển kinh tế góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, mô hình Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế đã thu hút được 520 chị em tham gia. Đến nay, tại các chi hội đã thành lập được 9 tổ, mỗi tháng tiết kiệm bình quân 200.000đ/hội viên, đến nay số tiền tiết kiệm gần 4 tỷ đồng đã giúp các thành viên có điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Năm 2019, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ cấp trên, và chính quyền địa phương, Hội LHPN xã thành lập HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre đan gồm 60 thành viên. Sau khi HTX được thành lập, Hội LHPN xã tổ chức 3 lớp dậy nghề cho hội viên của 4 chi hội thu hút được gần 220 chị em ở các độ tuổi khác nhau tham gia và các cháu học sinh về nghỉ hè tại địa phương. Hiện nay, lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trong địa bàn xã mà còn mở rộng sang các xã: Bình Nguyên, Quốc Tuấn, An Bình, Đình Phùng và bắt đầu mở rộng sang huyện khác như huyện Tiền Hải. Mức thu nhập của thành viên từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng Tiếp tục phát huy vài trò cảu phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, năm 2020, Hội LHPN xã thành lập Tổ hợp tác Trống hội gồm 12 thành viên. Các chị em đã tham gia biểu diễn, phục vụ tại nhiều sự kiện trong và ngoài xã, các ngày kỷ niệm của Hội tạo ấn tượng về hình ảnh phụ nữ Thanh Tân thanh lịch mà mạnh mẽ, năng động.

Ngoài ra, Hội còn kịp thời động viên, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm qua, Hội đã vận động những tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm tặng 292 suất quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng khăn ấm và quà cho phụ nữ cao tuổi nhân dịp các cụ được mừng thọ, trao tặng 87 Cặp lá yêu thương cho các cháu học sinh nhân dịp Tết nguyên đán và những ngày lễ lớn của hội với số tiền gần 100 triệu đồng. Những hoạt động của Hội đã góp phần lan tỏa tình yêu thương tới cộng đồng, giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Kính thưa Đại hội !

Trong công tác vệ sinh môi trường, Hội đã thành lập mô hình Thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; Đường hoa nông thôn, mô hình Chi hội 5 không 3 sạch gắn với làng 3 sạch kiểu mẫu, tổ chức được các hội nghị tuyên truyền về kiến thức bảo vệ môi trường, cấp phát được hơn 600 chiếc xô nhựa để giúp gia đình hội viên thu gom phân loại, xử lý rác ngay tại hộ gia đình. Tổ chức trồng, chăm sóc được gần 10km đường hoa, phát động hàng trăm buổi vệ sinh môi trường làm cỏ, nhân rộng tuyến đường hoa thu hút hàng nghìn ngày công lao động, đã góp phần xây dựng những con đường quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp từ đó góp phần thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch của hội và mô hình Đường đẹp ngõ đẹp, gia đình ăn ở vệ sinh ngăn nắp do địa phương phát động.

Kính thưa Đại hội !

Nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã đã tham gia thực hiện góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thông qua một số mô hình như: mô hình Gia đình hội viên không có người nghiện ma túy, CLB Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm, CLB Mẹ và con gái... Hội LHPN xã đã phối hợp với Ban Dân số, Công an xã, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền kiến thức về phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm, an toàn giao thông; hỗ trợ cung cấp các Hòm thư tố giác tội phạm lắp đặt tại Nhà văn hóa các thôn. Phối hợp với Ban Dân số xã, Trạm Y tế tổ chức truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống xâm hại trẻ em v.v...Ngoài ra, cán bộ Hội còn tham gia các tổ hòa giải, tổ tự quản ANTT góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Để khuyến khích các chị em tập luyện tập thể dục với phương châm Khỏe để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và xây dựng quê hương, Hội đã tổ chức thành lập các CLB Thể dục vì sức khỏe của phụ nữ tại các chi hội đã thu hút được đông đảo chị em tham gia. Phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội LHPN cụm xã Bình Nguyên tổ chức các chương trình giao lưu Thể dục vì sức khỏe của cộng đồng để các CLB giao lưu học hỏi, nâng cao chất lượng hoạt động của CLB. Ngoài ra các chi hội còn làm tốt phong trào văn hóa văn nghệ, đến nay 6/6 thôn đã có các CLB văn nghệ 100 % các CLB đã có trang phục biểu diễn riêng, nhiều chi hội đã vận động mua được từ 3 8 loại hình trang phục với số tiền hàng chục triệu đồng để biểu diễn phục vụ trong các ngày lễ lớn của hội cũng như của địa phương.

Kính thưa Đại hội !

Để các mô hình có tính hiệu quả, bền vững, Hội đã xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động của mô hình, lựa chọn ban chủ nhiệm mô hình gồm những cá nhân tiêu biểu, nhiệt tình, trách nhiệm. Chủ động làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc trong quá tình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để có giải pháp khắc phục. Khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời những chi hội, cá nhân tiên tiến trong công tác Hội và thực hiện các mô hình. Từ việc xây dựng các mô hình, đã góp phần tập hợp thu hút hội viên, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiều mô hình đã lan toả và mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Thông qua hoạt động của mô hình, các thành viên được nâng cao nhận thức về mọi mặt; được học tập, trao đổi kinh nghiệm và được hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng gia đình hạnh phúc....; xây dựng, duy trì tinh thần đoàn kết và sự tích cực, trách nhiệm tham gia các hoạt động Hội và hoạt động cộng đồng. Đến nay, tổng số hội viên toàn xã là 1.387, đạt tỷ lệ thu hút là 96%; tỷ lệ hội viên sinh hoạt thường xuyên là 89%.

Với những thành tích đã đạt được trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, trong nhiệm kỳ qua Hội LHPN xã Thanh Tân liên tục được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen, ngoài ra còn có 5 cá nhân và 2 chi hội được Hội Phụ nữ cấp trên khen thưởng. Những kết quả đó, đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đã đề ra.

Để giữ vững và phát huy được những thành tích cao quý đó đòi hỏi Hội LHPN xã Thanh Tân cần phải tiếp tục nỗ lực tìm ra các giải pháp, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của để cùng Đảng bộ và nhân dân phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng xã Thanh Tân trở thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hội sẽ chủ động sáng tạo tìm ra những mô hình mới, việc làm mới, thiết thực với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và quyền lợi của hội viên. Xây dựng quy chế và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ hội. Chủ động phối hợp với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, ban lãnh đạo các thôn, ban giám hiệu các nhà trường, các đơn vị để cùng hoàn thành các nhiệm vụ. Cùng với đó, Hội cần đổi mới phương pháp tập hợp hội viên, xây dựng và phát huy hội viên nòng cốt trên cơ sở phát huy lòng nhiệt tình vai trò gương mẫu của cán bộ hội từ xã đến thôn. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình trong nhiệm kỳ, đồng thời sẽ nghiên cứu thực hiện các mô hình hoạt động Hội phù hợp với tình hình địa phương và nhu cầu phụ nữ. Đoàn kết thống nhất trong cán bộ hội, đoàn kết trên cơ sở lợi ích chung của hội, nâng cao chất lượng đời sống của hội viên phụ nữ, giúp nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh sẽ có những đóng góp tích cực hoàn thành thắng lợi vào mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương.

Trên đây là ý kiến phát biểu của Hội LHPN xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương về thực hiện có hiệu quả các mô hình hoạt động nâng cao vai trò của tổ chức Hội để minh họa thêm cho bản báo cáo, ngừng lời xin được kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc. Xin trân trọng cảm ơn.

HỘI LHPN XÃ DƯƠNG PHÚC

ĐA DẠNG CÁC MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG HỘI

Đồng chí Vũ Thị Liễu

Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Kính thưa Đại hội!

Được Đoàn Chủ tịch cho phép phát biểu tham luận, trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với Báo cáo chính trị mà Đoàn Chủ tịch vừa trình tại Đại hội, sau đây tôi xin tham luận nội dung Hội LHPN xã Dương Phúc với việc đa dạng các mô hình hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc.

Kính thưa Đại hội!

Dương Phúc là một xã nộiđồng nằm phía Bắc huyện Thái Thụyđược sáp nhập bởi 2 xã Thụy Phúc và Thụy Dương với tổng diện tích là 7,34 km2. Xã có 09 thôn gồm 2.904 hộ với 9.397 nhân khẩu. Số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 3.025, trong đó số hội viên là 1.657 chị sinh hoạt tại 09 chi hội. Với đặc thù là xã sáp nhập, địa bàn rộng, số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đông, nên việc thu hút hội viên tham gia vào tổ chức hội là một bài toán khó. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Dương Phúc đã họp bàn và thống nhất xây dựng các mô hình hoạt động đa dạng, phong phú nhằm tập hợp, thu hút hội viên tham gia vào tổ chức Hội.

Để xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội LHPN xã Dương Phúc đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện tới các chi hội, các tổ phụ nữ. Các mô hình được thành lập dựa trên nhu cầu của hội viên phụ nữ, năng lực của Hội và tình hình địa phương.Nhiệm kỳ qua, đã có 9 CLB được thành lập góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, các nhiệm vụ công tác Hội, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của phụ nữ để chị em chủ động tham gia vào tổ chức Hội.

Trước hết là mô hình vềcâu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cụ thể là dân vũ....Đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả bởi thành viên tham gia chính là các chị em hội viên phụ nữ nhiệt tình, hăng hái, có tính cộng đồng cao, có cùng sở thích, nhu cầu, dễ chia sẻ với nhau. Khi tham gia câu lạc bộ, chị em được rèn luyện sức khỏe, chia sẻ thông tin, cung cấp kiến thức về DS-KHHGĐ, hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khỏe. Nhân các dịp lễ lớn của địa phương như: Giỗ tổ, rước thánh, ngày hội đại đoàn kết dân tộc, lễ công bố Quyết định chuẩn quốc gia Nông thôn mới của xã, các CLB của phụ nữ đều phối hợp tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ tại các chi hội, tại xã.

Theo đó là Mô hình tuyên truyền, vận động hội viên ý thức, tạo thói quen tiết kiệm. Các chi hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên vay vốn tiết kiệm. Ngoài số tiền tiết kiệm theo quy định của ngân hàng, các tổ vay vốn còn vận động chị em trong nhóm tiết kiệm tự nguyện số tiền trên 200 triệu đồng cho chị em khó khăn vay.Đặc biệt, học tập theo Bác, Hội đã thành lập5 mô hình Phụ nữ tiết kiệm theo tấm gương của Bác. Kết quả, đã có 852 chị tham gia tiết kiệm với tổng số tiền 434.520.000đồng giúp đỡ 51 phụ nữ khó khăn tại các chi hội vay với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Số tiền tiết kiệm đã cho các chị em có điều kiện sản xuất, đồng thời thể hiện sự đồng lòng của các thành viên mô hình với tinh thần tiết kiệm cao nhất. Ngoài ra, chị em trong các tổ, nhóm tiết kiệm còn chia sẻ cách thức sản xuất, kinh doanh để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Để phát huy vai trò của các nữ chủ doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, Hội LHPN xã đã kết nối 8 chị là nữ chủ doanh nghiệp may mặc trên địa bàn thành câu lạc bộ Nữ chủ doanh nghiệp. Hội LHPN xã thường xuyên động viên các chị tự tin sản xuất, kinh doanh.Các chị chủ động tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tạo việc làm cho lao động địa phương và tham gia công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Hội đã phối hợp với các thành viên để dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ ở địa phương.

Kính thưa Đại hội!

Một trong trong các mô hình có hoạt động nổi bật và có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, đó là mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia công tác nhân đạo từ thiện, giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.Trước những trường hợp phụ nữ khó khăn tại địa phương, với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với họ, đồng thời phát huy tấm lòng nghĩa tình, tinh thần tương thân tương ái, Hội đã thành lập 9 mô hình Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ. Căn cứ điều kiện thực tế từng thời kỳ, các chi hội đã vận động hội viên phụ nữ ủng hộ ít nhất từ 1.000đồng đến nay là 8.000đồng cho mô hình. Mô hình huy động được sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ. Số tiền ủng hộ cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, đến nay Hội đã vận động được 361,3 triệu đồng,đã giúp đỡ được 5 phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa và hội viên có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Đồng thời Hội đã kêu gọi con em xa quê với lòng hảo tâm hỗ trợ xây dựng được 04 Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo đơn thân.

Năm 2020, sau khi sáp nhập xã, lại là năm chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nhiều hội viên, phụ nữ khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng với sự đoàn kết và nỗ lực của BCH Hội LHPN xã, nchúng tôi đã tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, Hội thiện nguyện chung tay giúp đỡ và có các hình thức hỗ trợ khác. Kết quả, đã hỗ trợ định kỳ cho 7 phụ nữ già cả cô đơn mỗi tháng 500 nghìn đồng, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho 6 người là phụ nữ già cả cô đơn mắc bệnh hiểm nghèo, hội viên và con hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị tai nạn giao thông; đóng viện phí cho sản phụ sinh con khó khăn với tổng số tiền là 143,9 triệu đồng.Hỗ trợ định kỳ cho 2 cháu 500 nghìn đồng/tháng,tặng3 cháu vượt khó học giỏi; hỗ trợ 8 suất học phí cả năm cho các cháu trường mầm non; tặng 7 BHYT;70 suất quà nhân dịp khai trường và Tết trung thu, trị giá 45,1 triệu đồng.

Cuối năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội LHPN các cấp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Ban Chấp hành Hội LHPN xã Dương Phúc viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã và tuyên truyền vận động chị em trong các chi hội. Chỉ sau 02 ngày phát động, Hội LHPN xã đã kêu gọi được 1,8 tấn gạo và 27,2 triệu đồng nộp về Ban Thường vụ Hội LHPN huyện.Tất cả số tiền Hội LHPN xã Dương Phúc kêu gọi được đều công khai, minh bạch và thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đã tạo được niềm tin đối với các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm để họ yên tâm gửi gắm tình cảm của mình đến với những phụ nữ, trẻ em nghèo, những người không may gặp phải những khó khăn, bất hạnh.

Tất cả số tiền Hội LHPN xã Dương Phúc kêu gọi được đều công khai, minh bạch và thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đã tạo được niềm tin đối với các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm để họ yên tâm gửi gắm tình cảm của mình đến với những phụ nữ, trẻ em nghèo, những người không may gặp phải những khó khăn, bất hạnh.

Kính thưa Đại hội!

Cùng với các mô hình về văn hóa văn nghệ, nhân đạo từ thiện, tiết kiệm theo gương Bác, nhiệm kỳ qua, các chi hội của xã Dương Phúc còn thực hiện tốt hoạt động vệ sinh môi trường góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào chung của toàn huyện, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã thành lập mô hình Đường hoa phụ nữ. Các chị em cùng tham gia cải tạo đất, trồng, chăm sóc hoa. Với chiều dài gần 3.000m đường hoa luôn sạch đẹp đã làm đẹp thêm cảnh quan quê hương. Chị em cũng thường xuyên thực hiện 3 sạch, là lực lượng nòng cốt tham gia các đợt chiến dịch vệ sinh môi trường tại địa phương.

Trong công tác vận động, tập hợp phụ nữ, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình Tổ phụ nữ cao tuổi. Với nội dung sinh hoạt phù hợp chủ yếu về chăm sóc sức khỏe và tham gia tập thể dục, tổ chức thăm hỏi động viên nhau lúc khó khăn vui buồn, đến nay mô hình đã thu hút 185 phụ nữ cao tuổi tham gia sinh hoạt.

Kính thưa Đại hội!

Với sự đoàn kết, nỗ lực, không ngại khó khăn, vất vả tập thể Hội phụ nữ xã đã năng động, sáng tạo thực hiện tốt công tác Hội thông qua các mô hình hoạt động đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Các mô hình hoạt động đòi hỏi phải có sự vận dụng sáng tạo khéo léo trong cách tuyên truyền vận động của cán bộ hội, ngoài kinh nghiệm trong công tác hội còn phải trang bị các kỹ năng giao tiếp, ứng xử mềm dẻo linh hoạt và sáng tạo của đội ngũ cán bộ hội, nội dung sinh hoạt phong phú phù hợp với từng độ tuổi của chị em. Hội đã đa dạng các mô hình tập hợp thu hút hội viên tại các chi, tổ hội phụ nữ; chú trọng chất lượng sinh hoạt hội, phát huy vai trò hội viên nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời nắm bắt và phản hồi tình hình đời sống, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, nhất là những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Từ việc tổ chức các hoạt động Hội và xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp với hội viên, nhiệm kỳ qua Hội LHPN xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy đã phát triển được 263 hội viên nâng tổng số hội viên lên 1.657 hội viên. Chị em luôn có tinh thần cầu thị, phấn đấu vươn lên để khẳng định mình trong gia đình và xã hội, là cơ sở để Hội phụ nữ xã Dương Phúc khẳng định được vị thế trong hệ thống chính trị ở địa phương, tạo được niềm tin của hội viên phụ nữ vào tổ chức Hội và tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Trong nhiệm kỳ tới, trước những yêu cầu của công tác phụ nữ trong tình hình mới, Hội LHPN xã Dương Phúc sẽ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của Hội cấp trên để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, nghiên cứu duy trì, nhân rộng và thành lập mới các mô hình hoạt động phù hợp đáp ứng nhu cầu của phụ nữ góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dwngjj quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh.

Kính thưa Đại hội

Trên đây là một số ý kiến phát biểu tham luận của của Hội LHPN xã Dương Phúc cũng là minh chứng thêm cho báo cáo chính trị của Đại hội, một lần nữa xin kính chúc các vị khách quý cùng toàn thể đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn !

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CHI HỘI PHỤ NỮ

TRONG HỖ TRỢ HỘI VIÊN PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN KINH TẾ,

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Đồng chí Đỗ Thị Hợp

Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thônĐại Đồng, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ

Kính thưa Đoàn chủ tịch

Kính thưa Đại hội!

Về dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, thay mặt cho cán bộ, hội viên chi hội phụ nữ thôn Đại Đồng - xã An Khê, xin trân trọng gửi tới các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công rực rỡ!

Được Đoàn Chủ tịch cho phép phát biểu tham luận, trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với các báo cáo mà Đoàn chủ tịch vừa trình bày. Để làm rõ thêm cho bản báo cáo, sau đây tôi xin tham luận về Phát huy vai trò của chi hội phụ nữ trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Kính thưa Đại hội!

Thôn Đại Đồng có vị trí địa lý đặc biệt: Nằm hoàn toàn bên kia sông Luộc, liền kề với các xã thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; xa trung tâm xã, đi lại khó khăn. Chi hội có 165 hội viên trong đó hội viên cao tuổi là 40 chị, chiếm 24,2% hội viên. Trong nhiệm kỳ, chi hội phụ nữ thôn Đại Đồng chúng tôi đã xác định làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên và gia đình hội viên. Vì thế cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn phụ nữ xây dựng, tổ chức cuộc sống gia đình và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Hội, chi hội chúng tôi đã chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Là một chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tôi nhận thấy trên lợi thế của đất bãi sông phù sa màu mỡ, có nguồn nước tưới tự nhiên sạch và dồi dào.... rất phù hợp với canh tác cây rau màu. Chính vì vậy chi hội đã tập trung hướng dẫn phụ nữ trong sản xuất cây rau màu. Hàng năm, chi hội đã chủ động phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, tuyên truyền kiến thức về trồng, chăm sóc các loại rau màu.

Kính thưa Đại hội!

Tôi nhận thấy, để được thị trường chấp nhận thì người trồng rau phải đảm bảo sản phẩm an toàn và sản phẩm phải được tiêu thụ ổn định. Từ đó tôi đã có ý tưởng thành lập một mô hình liên kết trong sản xuất. Tôi đã tuyên truyền, vận động 10 chị em dồn đổi cho nhau để tập trung sản xuất cùng một giống. Năm 2018, ý tưởng thành lập Tổ hợp tác của tôi được Hội LHPN cấp trên quan tâm để thành hiện thực. Tổ hợp tác Rau an toàn của chi hội phụ nữ thôn Đại Đồng chính thức được thành lập. Tôi vinh dự được tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ hợp tác.

Từ khi thành lập Tổ hợp tác, việc sản xuất rau có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn. Tôi đã phối hợp với HTX hướng dẫn chị em trồng các loại rau bắp cải, mồng tơi và ớt để cung cấp cho các nhà hàng khu vực hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng dẫn các hộ hạn chế sử dụng phân bón hóa học mà chủ động sử dụng thuốc BVTV sinh học, áp dụng nghiêm nguyên tắc 4 đúng trong trồng trọt để tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để giảm chi phí sản xuất, sức lao động của các gia đình và đảm bảo chất lượng của cây tròng, tôi đã vận động thành viên Tổ hợp tác lắp đặt hệ thống dàn tưới tự đông. Chị em ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã tiết kiệm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm; hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tiếp cận thị trường, trao đổi, chia sẻ lợi ích trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập gia đình. Hiện nay, diện tích trồng rau của 20 thành viên Tổ hợp tác là 8ha. Nhiều điển hình phát triển kinh tế của chi hội đã xuất hiện với thu nhập cao, đạt 50 triệu đồng/năm. Chị em chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Tổ hợp tác Rau an toàn của chi hội đã được TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, huyện thăm quan đánh giá cao và được chia sẻ tới nhiều địa phương khác.

Kính thưa Đại hội!

Cùng việc thành lập Tổ hợp tác, hằng năm, ngay từ đầu năm chi hội khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ, từ đó căn cứ chỉ tiêu Ban Thường vụ Hội LHPN xã giao và thực tế ở chi hội, chi hội đã đăng ký số lượng hộ chi hội có thể giúp thoát nghèo, sau đó lên kế hoạch, giải pháp giúp đỡ. Chi hội đã tín chấp tín chấp mua 30 tấn phân bón trả chậm; vận động hội viên tiết kiệm cho vay không lấy lãi, giới thiệu việc làm cho chị em. Đến nay, chi hội đã có 10 tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm với tổng số 145 thành viên, hàng tháng tiết kiệm từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/hội viên, trong năm cho 120 chị em vay xoay vòng, số tiền gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra thì chi hội chúng tôi còn hỗ trợ con giống, cây giống cho các hộ khó khăn để phát triển kinh tế tăng thu nhập.

Từ các hoạt động thiết thực trên, trong nhiệm kỳ chúng tôi đã giúp được 03 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo trong thôn từ 4,83% đầu nhiệm kỳ xuống còn 2,33% vào cuối nhiệm kỳ, thấp so với bình quân chung của xã, nhiều chị em phụ nữ trong chi hội chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt.

Có kinh tế phát triển chị em phấn khởi, tích cực tham gia vào các phong trào và hoạt động của Hội đặc biệt tham gia tổ tự quản vệ và an toàn giao thông trên trục đường dài 2,5 km; trồng hoa 2 bên đường và duy trì dọn vệ sinh môi trường vào chủ nhật tuần thứ 3 hàng tháng, tạo cảnh quan môi trường thôn xóm xanh - sạch - đẹp. Chi hội đã xây dựng quỹ được 45 triệu đồng, phong trào văn hóa văn nghệ phát triển, phong trào tương trợ giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn được duy trì. Trong nhiệm kỳ, chi hội đã quyên góp được 35.250.000 đồng ủng hộ giúp đỡ được 6 hội viên không may gặp khó khăn, tặng 01 xe đạp cho con hội viên nghèo có xe đến trường.

Kính thưa Đại hội!

Cùng với việc hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, trong nhiệm kỳ, chi hội đã phối hợp tổ chức được 06 lớp chuyên đề về thức tổ chức cuộc sống, kỹ năng nuôi dạy trẻ khoa học, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tuyên truyền pháp luật - trợ giúp pháp lý, hướng dẫn các văn bản luật liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái. Chi hội phát huy vai trò của hội viên nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ, đặc biệt là tư vấn, tuyên truyền về gia đình... Từ những kiến thức học được chị em sẽ nâng cao được vị thế, vai trò của mình trở thành người vợ, người mẹ mẫu mực. Đây là nền tảng của hạnh phúc gia đình góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Bên cạnh đó chi hội duy trì và thành lập mới 05 mô hình, CLB: Dân vũ thể thao, CLB gia đình hạnh phúc, CLB 4 phẩm chất, CLB văn hoá văn nghệthu hút 269 lượt hội viên tham gia. Qua sinh hoạt các CLB chị em có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc và gắn bó hơn với tổ chức Hội phụ nữ.

Kính thưa Đại hội!

Từ những những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, chi hội phụ nữ đã rút ra bài học kinh nghiệm đó là:

Thứ nhất: Chi hội làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, của Hội phụ nữ cấp trên, chủ động và thực hiện tốt các hoạt động kết nối, huy động mọi nguồn lực, phát huy nội lực của hội viên phụ nữ trong các hoạt động phong trào.

Thứ hai: Cán bộ chi hội phải sâu sát hội viên, kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để đề ra những mô hình, hoạt động phù hợp, thiết thực hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết phụ nữ trong phát triển kinh tế, các phong trào của hội.

Thứ ba: Cán bộ chi hội phải nhiệt tình, trách nhiệm, mạnh dạn, phải là tấm gương để chị em học tập. Trong tổ chức thực hiện phải chủ động, năng động, sáng tạo, có kỹ năng vận động quần chúng. Biết động viên, khích lệ tinh thần, biểu dương kịp thời các gương người tốt, việc tốt ở địa phương.

Kính thưa Đại hội!

Trên đây là ý kiến phát biểu của chi hội thôn Đại Đồng xã An Khê huyệ Quỳnh Phụ cũng là để làm rõ hơn cho bản báo cáo. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của các cấp Hội sẽ giúp các chi Hội chúng tôi sẽ ngày càng thu hút đông đảo chị em phụ nữ vào sinh hoạt đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Xin được kính chúc các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội mạnh khỏe hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO,

MẠNH DẠN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH DOANH

Chị Trần Thị Hương

Hội viên phụ nữ xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Kính thưa Đại hội!

Rất vinh dự, tự hào đối với bản thân tôi, được về dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026, được đoàn Chủ tịch cho phép phát biểu tham luận tại Đại hội, lời đầu tiên cho tôi gửi tới Đoàn Chủ tịch, các vị đại biểu khách quý và toàn thể đại biểu đại hội lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo chính trị mà Đoàn chủ tịch vừa trình bày tại Đại hội, để minh họa làm rõ thêm cho báo cáo, tôi xin tham luận với nội dung Năng động, sáng tạo, mạnh dạn phát triển kinh doanh.

Kính thưa Đại hội!

Nguyên Xá đã từ lâu nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Tuy nhiên để nghề mộc truyền thống có thể sống khoẻ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay, bản thân gia đình tôi cũng như người dân làng nghề luôn phải nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, chuyển đổi theo cách thức sản xuất mới. Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất những mặt hàng gia dụng với những mẫu mã đơn giản để phục vụ các khách hàng trong xã và các xã lân cận, khi kinh tế thị trường mở ra, các sản phẩm hiện đại như đồ nhựa, đồ inox tràn ngập các cửa hàng với các mẫu mã đa dạng thì nghề mộc của gia đình tưởng chừng sẽ thất truyền. Thế nhưng cái khó, ló cái khôn. Vợ chồng tôi đã bàn bạc đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất, giảm sức lao động thủ công. Trước mắt, chúng tôi xác định các sản phẩm truyền thống vẫn có thể bán nhưng ở số lượng nhỏ, còn chuyển sang sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ sẽ đáp ứng với nhu cầu của thị trường và đã được đông đảo khách hàng tin tưởng lựa chọn. Cũng chính từ những sản phẩm mới này đã giúp cho nghề mộc của gia đình tôi không những sống được mà còn sống khoẻ hơn. Chúng tôi thiết nghĩ, để nghề mộc sống được trong nhịp sống hiện đại, người sản xuất phải biết kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Yếu tố truyền thống là hồn cốt tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh với các sản phẩm khác; còn yếu tố hiện đại như áp dụng máy móc khoa học kỹ thuật giúp cho công việc được nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đặc biệt gia đình tôi luôn tìm hiểu nhu cầu của thị trường để làm ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đẹp về mẫu mã, đa dạng về chủng loại để phục vụ cho nhiều sự lựa chọn của khách hàng.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác giúp cho đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình tôi được phát triển đến nay, là do có sự chủ động tìm kiếm thị trường. Tôi đã tích cực quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau như các trang mạng xã hội, các hội chợ trong nước...Nhờ vậy sản phẩm của gia đình tôi làm ra đã có mặt ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Kính thưa Đại hội!

Trên con đường đi đến thành công như ngày hôm nay, gia đình tôi cũng trải qua rất nhiều gian nan, thất bại trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Song bằng nghị lực của bản thân cùng với sự động viên giúp đỡ người thân trong gia đình và đặc biệt của tổ chức hội phụ nữ, không chỉ giúp tôi về tinh thần mà còn tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay tạo việc làm. Năm 2013, tôi được chi hội phụ nữ bình xét cho vay với số vốn là 20 triệu đồng, trong lúc kinh tế của gia đình rất cạn kiệt, với nguồn vốn này đã giúp cho gia đình tôi tiếp tục duy trì vào công việc sản xuất. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ một cơ sở sản xuất truyền thống nhỏ lẻ với nguồn vốn vài chục triệu đồng, đến nay gia đình tôi đã phát triển trở thành doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, mang thương hiệu Khởi Tiếp đã có uy tín trên thị trường. Với tổng số vốn lên đến 45 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm việc cho 30 nhân công lao động trên địa bàn xã và các xã lân cận có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Những kết quả bước đầu của gia đình tôi chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.

Kính thưa Đại hội!

Vợ chồng tôi có 2 con, các cháu đều chăm ngoan, khỏe mạnh. Vợ chồng luôn lắng nghe, chia sẻ nhau trong công việc và cuộc sống. Được sự động viên của chồng, trong những năm qua, tôi luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương và tổ chức hội phát động như Phong trào thiđua phụ nữ tích cực học tập, lao đông sáng tạo, xây dựng gia đìnhhạnh phúc và cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang được tiếp cận các nội dung phong trào thi đua, các cuộc vận động của Hội và cùng với thực tế cuộc sống, bản thân tôi luôn xác định trước tiên phải nhận thức được đúng, đầy đủ nội dung phong trào thi đua, từ đó xây dựng cho mình những mục tiêu, giải pháp thực hiện mà ưu tiên hàng đầu là phải nâng cao trình độ nhận thức. Xác định được điều đó, bản thân tôi luôn sắp xếp thời gian để tham gia các tập huấn do các cấp hội tổ chức.Từ những kiến thức tiếp thu được tôi đã áp dụng trong lao động, sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc.

Bản thân tôi và gia đình luôn tích cực tham gia các chương trình nhân đạo từ thiện như: Hưởng ứng xây dựng mô hình Hũ gạo tình thương do Hội LHPN xã phát động, bản thân tôi đã dành tặng 500 kg gạo tặng cho các chị phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ quỹ vì người nghèo với số tiền là 3 triệu, ủng hộ giúp đỡ trẻ em khuyết tật là 10 triệu đồng. Đặc biệt năm 2020, cùng chung tay ủng hộ đồng bào miền trung bị bão lụt gia đình tôi đã trao đến tận tay bà con miền Trung số tiền 10 triệu đồng. Bằng mọi sự cố gắng của bản thân và mỗi thành viên trong gia đình, năm 2020, tôi đã được chi hội phụ nữ thôn Thái và Hội phụ nữ xã bình xét là hội viên phụ tiêu biểu. Gia đình đạt Gia đình văn hóa.

Kính thưa Đại hội!

Qua thực tiễn bản thân tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm sau:

Một là: Để duy trì và phát triển nghề truyền thống thì mỗi người dân làm nghề phải tìm cho mình một hướng đi đúng. Người làm nghề phải có tâm, có tầm, năng động trong tư duy, mới có thể đứng vững trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Hai là: Trong sản xuất phải có sự sáng tạo, kết hợp hài hoà giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường, để đưa ra những sản phẩm đẹp, chất lượng đáp, ứng với khách hàng.

Ba là: Thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức trong xản xuất, kinh doanh. Làm tốt việc tiếp thị, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời luôn quan tâm và có các chế độ chính sách, ưu đãi người lao động, trọng dụng người tài để họ gắn bó với công việc. Có như vậy nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ của người dân Nguyên Xá mới duy trì và phát triển bền vững.

Cuối cùng trước khi ngừng lời, một lần nữa xin kính chúc các vị đại biểu khách quý mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, chúc đại hội thành công tốt đẹp./.

Xin trân trọng cảm ơn!

PHỤ NỮ CÔNG AN THÁI BÌNH ĐẨY MẠNH HỌC TẬP

VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH;

NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO, KỶ CƯƠNG, TRÁCH NHIỆM, HIỆU QUẢ

Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh

Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh

Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa Đại hội!

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo đoàn chủ tịch vừa trình bày trước đại hội, sau đây tôi xin phép được phát biểu tham luận với nội dung: Phụ nữ công an tỉnh với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; năng động, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả.

5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, của Hội phụ nữ cấp trên; Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, hiệu quả thiết thực; qua đó nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị, tinh thần năng động, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, hội viên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác chuyên môn và xây dựng tổ chức cơ sở hội trong sạch, vững mạnh.

Bám sát chủ đề: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân"; đặc biệt là phương châm: "5 thi đua rèn luyện, nâng cao"; Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tích cực đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện, với phương châm hướng về cơ sở và "học đi đôi với làm theo". Nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành đa dạng, thống nhất về định hướng; sáng tạo trong tổ chức thực hiện được thể hiện nhất quán trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm. Công tác giáo dục, tuyên truyền, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác dạy có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc thù công việc của từng lực lượng; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế, nhất là trong nghiên cứu, phát triển và vận dụng những nhận thức mới vào thực tiễn công tác, chiến đấu như: Liên hệ kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; ghi danh "Sổ vàng làm theo Sáu điều Bác dạy"; báo công dâng Bác; tọa đàm về "Văn hóa giao tiếp ứng xử theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân"; thi sân khấu hóa tìm hiểu về "Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân"; sinh hoạt chính trị với chủ đề: "Nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Công an nhân dân"v.v.

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng, bồi dưỡng điển hình tiên tiến, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã mở rộng các hình thức hội thảo, tọa đàm, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Phát động thi đua học tập điển hình tiên tiến; kết hợp bồi dưỡng điển hình tiên tiến toàn diện với điển hình tiên tiến từng mặt. Do vậy, đã xuất hiện nhiều mô hình, phần việc sáng tạo, đạt hiệu quả thiết thực như: "Nồi cháo nghĩa tình"; "Bảo trợ trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn"; "Phụ nữ nghiên cứu khoa học"; "Bàn tiếp dân thanh lịch"; "Khai thác nhanh, đề xuất xử lý tin chính xác, kịp thời"; "Làm sạch tàng thư, khai thác tàng thư căn cước công dân"; "Phòng tiếp dân thanh lịch"; "Nhà giam nữ an toàn"; "Giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng"; "Buồng bệnh Đặng Thuỳ Trâm"; "Tủ sách pháp luật", "Vườn hoa phụ nữ", "Cặp lá yêu thương"; "Điểm phát cháo từ thiện".v.v. Các mô hình, phần việc trên đều được chuẩn bị công phu, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ và đặc thù công việc của các lực lượng an ninh, cảnh sát, tham mưu, xây dựng lực lượng, hậu cần và các cấp Công an; phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Quá trình thực hiện rất nghiêm túc đã thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên. Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại các mô hình, phần việc gắn với bình xét thi đua bảo đảm công bằng, dân chủ trên cơ sở tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể và chất lượng, hiệu quả công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo đã khơi dậy tính chủ động, tích cực, tinh thần năng động, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, tạo sức lan tỏa và nêu gương thiết thực.

Với khẩu hiệu hành động "Thi đua làm nhiều việc tốt vì nhân dân"; Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các hoạt động hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước, nhớ nguồn", nhân đạo, từ thiện. Thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; giúp đỡ phụ nữ Công an bị bệnh hiểm nghèo, gia đình phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt với số tiền trên 3 tỉ đồng.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh về tăng cường cán bộ cho cơ sở làm căn cước công dân gắn chíp điện tử; làm sạch cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm an ninh trật tự tại các chốt phong tỏa, cách ly phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều cán bộ, hội viên đã đăng ký tình nguyện đi cơ sở; khắc phục khó khăn, gác lại công việc gia đình, tăng cường làm thêm ngày, thêm giờ với tinh thần "vì nhân dân phục vụ", "đâu cần Công an có, đâu khó có Công an". Trong thực hiện chủ trương của Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, nhiều cán bộ nữ đã xung phong, tình nguyện làm đơn xin về cơ sở để cống hiến, góp phần giữ bình yên cuộc sống ngay tại địa bàn cơ sở, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương yêu mến, tin tưởng, đánh giá cao. Tổng kết phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" hàng năm: 100% hội viên hoàn thành nhiệm vụ, 78% đạt danh hiệu "Chiến sĩ tiên tiến"; trong đó 11% đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở", 02 cá nhân đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân"; 291 cá nhân được tặng Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, có 318 lượt hội viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ cán bộ nữ có trình độ đại học trở lên đạt 79,4%; 62,3% có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị (trên tổng số cán bộ nữ), vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đề ra. Hiện nay tỷ lệ đảng viên nữ chiếm 85% tổng số cán bộ nữ, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đề ra. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 chiếm 11,1% trong tổng số cấp ủy các cấp. Tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo chỉ huy đạt 15% trong tổng số cán bộ nữ.

Kính thưa Đại hội!

Thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy, quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, chủ động ứng phó kịp thời diễn biến của tình hình để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: "Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân đặt ra cho các cấp hội trong Công an tỉnh phải tích cực nghiên cứu, quán triệt, vận dụng những định hướng lớn của Đảng, của Bộ Công an, của Công an tỉnh và của Hội cấp trên để xác định mục tiêu, chủ trương, phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ; hướng tới mục tiêu: Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng; có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.

Để khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ hội viên, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân; Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Công an tỉnh xác định: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm:

Trước hết, tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; kiên định bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công. Đây chính là phẩm chất hàng đầu của người cán bộ, chiến sỹ Công an làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là nền tảng sức mạnh bảo đảm cho cán bộ nữ Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hai là, giáo dục cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ, tâm huyết với công việc như lời Bác dạy: "Đối với công việc, phải tận tuỵ". Mỗi cán bộ, hội viên phải tự giác rèn luyện tư thế, lễ tiết, tác phong; có văn hóa ứng xử, khiêm tốn, lịch sự, hòa nhã; có lương tâm nghề nghiệp trong sáng; sống giản dị, lành mạnh. Có tinh thần đoàn kết, thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong chiến đấu, công tác và cuộc sống đời thường. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ra sức học tập, đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, cải tiến, đổi mới phương thức, lề lối làm việc; mạnh dạn tham mưu, đề xuất những biện pháp hay, cách làm mới để đạt hiệu suất, chất lượng công tác cao nhất. Đồng thời luôn sâu sát cơ sở, gần gũi, cảm thông, chia sẻ với những vui, buồn, khó khăn của nhân dân; triệt để tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật. Phát huy truyền thống cách mạng, quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân thông qua các mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ để xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở; góp phần cùng với các lực lượng Công an trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện theo hướng cụ thể, thiết thực, bám sát thực tiễn và cơ sở; coi trọng khâu đột phá, chất lượng và hiệu quả thực tế. Thực hiện tốt phương châm nêu gương: "Trên trước, dưới sau, "trong trước, ngoài sau", học tập đi đôi với làm theo. Chủ động rà soát, bổ sung tiêu chí phù hợp, bảo đảm tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn, có sức lan tỏa và thuyết phục cao. Yêu cầu đặt ra là: Tập trung cao, nỗ lực lớn, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn và xây dựng tổ chức cơ sở hội trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.

Bốn là, thực hiện tốt khẩu hiệu hành động "Thi đua làm nhiều việc tốt, vì nhân dân phục vụ"đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn". Tổ chức tốt các hoạt động tình nghĩa, xã hội, từ thiện, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách, có công với nước, góp phần xây dựng hình đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân.

Năm là, thường xuyên mở các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức hội thi, tọa đàm, biểu dương gương người tốt việc tốt, nhất là tôn vinh những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Kịp thời động viên khen thưởng những nhân tố tiêu biểu, các điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi thường xuyên, liên tục để mỗi tập thể, cá nhân phấn đấu vươn lên trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân./.

NỮ CNVC&LĐ THÁI BÌNH TÍCH CỰC

THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ GẮN VỚI PHONG TRÀO PHỤ NỮ TÍCH CỰC HỌC TẬP, LAO ĐỘNG SÁNG TẠO, XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Đồng chí Phạm Thị Tuyết Dinh

Ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa Đại hội!

Phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Đây là phong trào thi đua xuyên suốt quá trình hoạt động nữ công từ năm 1989 đến nay, phong trào đã thực sự trở thành động lực quan trọng để nữ CNVCLĐ phấn đấu, trưởng thành và phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 122.781 nữ CNVCLĐ (chiếm 72,2% tổng số CNVCLĐ), chị em là lực lượng quan trọng và nòng cốt trong phong trào CNVCLĐ và phong trào phụ nữ tỉnh nhà. Phát huy bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ nữ CNVCLĐ Thái Bình hôm nay đã và đang không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt; trên mọi lĩnh vực công tác chị em luôn năng động, sáng tạohoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu hết mình vì sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ. Những thành tích và đóng góp của chị em đã góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:

Trong lĩnh vực quản lý: Đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo luôn phát huy được khả năng trong điều hành công việc, tự tin trước tập thể, đồng nghiệp, khẳng định được vai trò trên cương vị công tác được phân công. Đội ngũ nữ công chức, viên chức tích cực tham mưu trong công tác cải cách hành chính, đề xuất nhiều chính sách đúng đắn kịp thời phục vụ cho sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể. Với phong trào Ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả chị em sắp xếp thời gian làm việc khoa học, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt nhất, nhanh nhất.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh: Đa số nữ công nhân lao động luôn tuân thủ nguyên tắc kỷ luật lao động, thực hiện tốt tác phong công nghiệp; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. 5 năm qua đã có hàng trăm nữ CNLĐ được các cấp công đoàn trong tỉnh tôn vinh danh hiệu CNLĐ tiêu biểu xuất sắc, hàng ngàn lượt chị đạt danh hiệu thợ giỏi, trong đó có nhiều chị đạt danh hiệu đôi bàn tay vàng.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ: Chị em đã nỗ lực phấn đấu vươn lên đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 5 năm qua đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm do nữ CNVCLĐ và tập thể nữ làm chủ được nghiệm thu, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, công tác đạt kết quả tốt, làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Với lực lượng nữ đông đảo, đội ngũ nữ nhà giáo luôn khắc phục mọi khó khăn, không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo, yêu nghề, tâm huyết, miệt mài và cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người. Không chỉ phấn đấu giỏi chuyên môn mà các chị còn tận tuỵ giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh cá biệt để các em hoà nhập với cộng đồng. Phong trào Giỏi việc trường, đảm việc nhà của nữ cán bộ giáo viên đã góp phần rất lớn nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

Trong lĩnh vực y tế: Là một ngành có tỷ lệ nữ tương đối cao, với đặc thù thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh nhưng đội ngũ nữ y bác sỹ, điều dưỡng viên đã không ngại khó khăn, luôn nêu cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt 12 điều quy định về y đức của ngành Y tế, thường xuyên tìm tòi nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, luôn là những chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu chống các loại dịch bệnh, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Trong lĩnh vực văn hoá thể thao và du lịch: Chị em luôn tìm tòi, sáng tạo để có nhiều sáng tác hay, nhiều tác phẩm có giá trị; nhiều vai diễn, vở diễn được khán giả yêu thích, có tác dụng cổ vũ quần chúng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các nữ vận động viên đã mang về nhiều vinh quang, tự hào cho tỉnh.

Phong trào hai giỏi phát triển mạnh mẽ một phần phụ thuộc vào đội ngũ những người làm công tác nữ công. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 Ban nữ công ngành, huyện, thành phố và 1.057 ban nữ công công đoàn cơ sở với 3.388 ủy viên ban nữ công quần chúng - đây thực sự là đội ngũ cán bộ nòng cốt tích cực tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn trong việc chỉ đạo phong trào nữ CNVCLĐ và tổ chức các hoạt động nữ công. Mặc dù 100% cán bộ nữ công kiêm nhiệm, song hầu hết chị em đều nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, có uy tín với tập thể, luôn bám sát cơ sở, có kỹ năng thuyết phục quần chúng, kỹ năng thương thuyết với người sử dụng lao động, đủ bản lĩnh để đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; có nhiều tham mưu trúng và đúng cho Ban Chấp hành công đoàn trong công tác vận động nữ CNVCLĐ và triển khai, thực hiện phong trào hai giỏi ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Phụ nữ vừa Giỏi việc nước lại vừa Đảm việc nhà - Đó không chỉ là một danh hiệu mà còn là một tiêu chuẩn rất cao đòi hỏi chị em phải nỗ lực phấn đấu mới đạt được. Với nhận thức "Đảm việc nhà" là cơ sở, là tiền đề, là động lực để phụ nữ phấn đấu "Giỏi việc nước", chị emluôn hoàn thành tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình; các chị vừa là người vợ hiền, người mẹ mẫu mực, đảm đang, người con hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc chồng con; vừa là trung tâm quytụ mọi thành viên cùng góp sức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Rất nhiều gia đình nữ CNVCLĐ có con chăm ngoan học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Hàng năm toàn tỉnh có gần 40 nghìn con CNVCLĐ là học sinh giỏi và vượt khó học giỏi được cơ quan, đơn vị biểu dương khen thưởng. Đặc biệt hơn cả là những gia đình nữ CNVCLĐ có con bị nhiễm chất độc da cam, bị tàn tật không có khả năng tự phục vụ bản thân, mắc bệnh hiểm nghèo hay thiếu vắng người chồng, người cha; một số chị sức khoẻ yếu, bệnh tật nhưng các chị vẫn vượt lên mọi khó khăn tham gia lao động sản xuất, công tác tốt và chăm lo nuôi dạy các con giỏi giang, thành đạt. Cùng với việc chăm lo xây dựng tổ ấm của mình, nhiều nữ CNVCLĐ còn giỏi làm kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động khác góp phần xây dựng tổ ấm của bạn bè, đồng nghiệp.

Nhìn lại những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp Công đoàn và sự phối hợp chặt chẽ với Hội phụ nữ đồng cấp, nữ CNVCLĐ Thái Bình đã thực hiện phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" ngày càng chất lượng, hiệu quả. Năm 2020 các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện phong trào thi đua hai giỏi giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh có 86 nữ CNVCLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo; hàng trăm lượt nữ cán bộ đạt danh hiệu bác sỹ, y tá giỏi, 19 chị được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú; có hàng ngàn lượt chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, 39 chị được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; 8 chị được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, 28 chị được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, gần 600 lượt nữ vận động viên giành được huy chương quốc gia, quốc tế trong các lĩnh vực thể thao...Bình xét danh hiệu thi đua 10 năm có 105.859 nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu phụ nữ Hai giỏi (86,3%) và 1.387 đơn vị đông nữ được công nhận là đơn vị có phong trào Hai giỏi (85,7%), trong đó hàng trăm tập thể và cá nhân được suy tôn là danh hiệu phụ nữ hai giỏi tiêu biểu xuất sắc. Có 16 tập thể và cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ và bằng khen; 33 tập thể và cá nhân được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng cờ và bằng khen; hàng nghìn cá nhân được các cấp công đoàn biểu dương khen thưởng. Như vậy nữ CNVCLĐ Thái Bình có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được trong những năm qua, điều này đã khẳng định sự đóng góp to lớn của họ trong phong trào CNVCLĐ và phong trào phụ nữ tỉnh nhà.

Bài học kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc":

1. Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn với chính quyền, chuyên môn, Hội LHPN đồng cấp và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác tuyên truyền vận động nữ CNVCLĐ và chỉ đạo các phong trào thi đua tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào phát triển cả chiều sâu và bề rộng.

2. Việc triển khai thực hiện phong trào hai giỏi phải do Ban chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn các cấp lãnh đạo, chỉ đạo; bên cạnh đó phải thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban nữ công quần chúng làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nữ CNVCLĐ và tham mưu tổ chức các phong trào thi đua; các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

3. Các phong trào thi đua phải có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời nhằm cổ vũ, động viên phong trào và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Có thể khẳng định: Với những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà gắn với phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc đã đánh dấu sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của đội ngũ nữ CNVCLĐThái Bình 5 năm qua. Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống của nữ CNVCLĐ, giúp cho chị em phát triển toàn diện và hoàn thiện hơn. Tác động lớn nhất của phong trào hai giỏi là nâng cao nhận thức, khơi dậy nội lực, tính tự giác và trách nhiệm của nữ CNVCLĐ đối với sự tiến bộ, phát triển của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thông qua phong trào chị em đã vươn lên tự khẳng định mình và cũng thông qua việc chỉ đạo phong trào hai giỏi Công đoàn các cấp đã thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ được tốt hơn. Phong trào Hai giỏi trong nữ CNVCLĐ đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng gia đình nữ CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốt tế đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức đối với tổ chức công đoàn nói chung và phong trào nữ CNVCLĐ nói riêng, đòi hỏi nữ CNVCLĐ phải không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và tạo sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh của mỗi gia đình./.

HỘI LHPN XÃ VŨ LẠC ĐA DẠNG CÁC HOẠT ĐỘNG

THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Đồng chí Phạm Thị Thủy

Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa Đại hội!

Vũ Lạc là một xã thuần nông, ngoại thành thành phố Thái Bình, tổng số hội viên phụ nữ là 1.445 đạt tỷ lệ 85,2% sinh hoạt tại 7 chi hội. Tình hình chính trị trong xã ổn định; công tác an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố vững chắc, đội ngũ cán bộ đoàn kết, thống nhất. Xã Vũ Lạc được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014. Đảng bộ và nhân dân đang tập trung quyết liệt hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.

5 năm qua dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN thành phố, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Hội LHPN xã Vũ Lạc đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào của Hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để thu hút đông đảo phụ nữ tham gia các hoạt động của Hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Hội LHPN đã tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động của Hội và khẳng định vai trò của phụ nữ xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực hiện phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 cuộc vận động Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang và Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Kính thưa Đại hội!

Để tham gia xây dựng nông thôn mới, trước hết Hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện dồn điền đổi thửa; hiến hàng nghìn mét đất thổ và hàng trăm nghìn mét đất vườn, đất ruộng để mở rộng đường làng ngõ xóm, đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công để cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Cùng với công tác tuyên truyền, Hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Một trong các các hoạt động cụ thể mà Hội LHPN xã tham gia xây dựng nông thôn mới là tham gia thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã, BCH Hội LHPN xã Vũ Lạc đã đăng ký với cấp ủy nhận trồng hoa ở trụ sở UBND xã, trên các tuyến đường xã, thôn. 7/7 chi hội đã đăng ký, mỗi chi hội trồng ít nhất 1-2 tuyến đường hoa và cây xanh. Kết quả đến nay trong toàn xã đã trồng được hơn 9 km đường hoa, hơn 1 vạn cây xanh trên các tuyến đường trục thôn, trục xã tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nhằm tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, Hội đã triển khai các mô hình phân loại xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình bằng chế phẩm EM đã được hội viên phụ nữ tích cực tham gia, từ đó lấy nguồn phân hữu cơ đã xử lý để bón cho cây rau, cây hoa, tạo ra được nguồn rau sạch đảm bảo an toàn cho gia đình. Hiện nay Hội đang triển khai phối kết hợp với HTX môi trường thu mua các loại chất thải nhựa, ni lông của cán bộ hội viên, các cháu học sinh và nhân dân để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, từ đó tạo vốn quỹ để tham hỏi tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, Hội đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt các tiêu chí về công tác giáo dục, văn hóa, hệ thống chính trị tiếp cận pháp luật, an ninh quốc phòng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thông qua thực hiện các tiêu chí: không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bất bình đẳng giới; không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học của cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Phối hợp với các ngành tổ chức 8 hội nghị trợ giúp pháp lý cho hơn 1.000 hội viên tham gia. Tổ chức tư vấn, giải đáp những ý kiến liên quan đến hôn nhân, gia đình, chính sách liên quan đến phụ nữ; tham mưu xây dựng và duy trì 35 địa chỉ tin cậy tại 7 chi hội thôn; duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ, cha mẹ trong chăm sóc giáo dục trẻ em, quyền và sức khỏe sinh sản; Hội LHPN xã phối hợp tổ chức 18 lớp tuyên truyền về luật, tìm hiểu kiến thức an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, thu hút trên 3.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Ra mắt và duy trì hoạt động thường xuyên sinh hoạt câu lạc bộ Cha mẹ chăm sóc phát triển trẻ em, Vì sự phát triển của phụ nữ giúp chị em trao đổi kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ con. Thành lập và duy trì 8 CLB dân vũ với 950 thành viên góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần của chị em.

Kính thưa Đại hội!

Trong phát triển kinh tế, Hội đã thường xuyên phối hợp với Hợp tác xã SXKD và dịch vụ nông nghiệp tổ chức mở lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên, phụ nữ kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tín chấp, hướng dẫn cho hội viên cách sử dụng vốn, chăn nuôi có hiệu quả, đến nay Hội quản lý hơn 5 tỷ đồng cho 188 hộ vay. Hiện nay có nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư vốn vào chuyển đổi mô hình như: Mô hình trồng nấm, mộc nhĩ của gia đình chị Phạm Thị Phượng, gia đình chị Đoàn Thị Yến mở Công ty may thu hút hàng trăm lao động cho thu nhập 5-7 triệu đồng/công nhân/tháng v.v... Ngoài ra, tại các chi hội đã phát động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức hỗ trợ kỹ thuật, con giống, cho nhau vay không lấy lãi;... góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Phát huy lợi thế trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, Hội Phụ nữ xã đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức dạy, đào tạo nghề và tạo việc làm cho hơn 300 lao động nữ trong xã làm tại các Công ty may DearSung, Công ty giầy da Thành Phát với thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng.

Học tập và làm theo Bác gắn với phong trào thi đua Dân vận khéo, các mô hình nhân đạo từ thiện, chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau được Hội phụ nữ quan tâm. Trong những năm qua, Hội phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ xây dựng 05 mô hình tổ nhóm tiết kiệm theo tấm gương của Bác tại 7 thôn đã có 1.210/1.445 hội viên tham gia tiết kiệm được 668 triệu đồng cho 179 lượt hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi và vay với lãi suất thấp để giúp chị em có vốn đầu tư cải tạo chuồng trại, mua giống cây con phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài ra, hàng năm Hội còn tổ chức thăm hỏi, động viên cho phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 10 đến 20 triệu đồng trích từ nuôi lợn nhựa, hòm tiết kiệm. Hội đã vận động xã hội hóa quyên góp ủng hộ của cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cá nhân có lòng hảo tâm làm từ thiện trao tặng 156 suất quà với trị giá gần 50 triệu đồng. Năm 2019, Hội phụ nữ phát động cán bộ hội viên phụ nữ trong toàn xã xây dựng quỹ ủng hộ phụ nữ trẻ em nghèo, phụ nữ vùng cao tỉnh Lào Cai với số tiền hơn 10 triệu đồng, trao tặng 01 góc học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Kìm trị giá 1,2 triệu đồng; 01 chiếc xe đạp cho cháu Lê Trí Huy thôn Vân Động trị giá 1, 5 triệu đồng, phối hợp với Hội LHPN thành phố tặng 02 xe lăn cho người khuyết tật; duy trì quỹ học bổng Cặp lá yêu thương cho cháu Phạm Văn Tiến thôn Tam Lạc 2 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mồ côi cả cha lẫn mẹ mỗi tháng từ 500.000đ đến 1.500.000đ; xây 01 nhà "Mái ấm tình thương cho gia đình chị Lại Thị Lựu thôn Kìm trị giá trên 50 triệu đồng. Phối hợp với Bệnh viện Mắt Thái Bình tổ chức khám, thay thủy tinh thể miễn phí cho 13 hội viên phụ nữ nghèo trị giá 72,8 triệu đồng. Đặc biệt đầu năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đến một số gia đình hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, Hội chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, doanh nghiệp may khẩu trang phát miễn phí gần 4.000 khẩu trang, hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch, bệnh cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong xã.

Trong các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, TNXH, Hội đã phối hợp với Công an xã tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề về phòng chống mại dâm, ma túy và an toàn giao thông tới hội viên, phụ nữ và các thành viên trong CLB. Xây dựng các mô hình Gia đình hội viên, phụ nữ không có ma túy; Phụ nữ với ATGT và thành lập tổ tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông, có 8 hòm thư tố giác tội phạm tại 7 thôn và Trường THCS. Phối hợp cảm hoá, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật. Hội trực tiếp theo dõi và phối hợp với gia đình giáo dục 05 đối tượng án treo tại địa phương.

Kính thưa Đại hội!

Từ việc thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước đã tạo ra không khí thi đua của hội viên trong toàn xã, chị em hăng hái tham gia các phong trào góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội cũng như thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, tỷ lệ thu hút hội viên ngày càng cao; trong 5 năm qua toàn xã đã có 123 hộ thoát nghèo, trong đó có 15 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1,67%; hàng năm có 1.405 gia đình văn hoá. 5 năm qua, Hội LHPN xã Vũ Lạc đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình, Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen và Hội LHPN thành phố, Đảng ủy tặng Giấy khen. Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, Hội LHPN xã Vũ Lạc vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Kính thưa Đại hội!

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban Chấp hành Hội LHPN xã Vũ Lạc tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau để góp phần sớm đưa xã Vũ Lạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao:

Một là: Chủ động, sáng tạo hơn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện cuộc vận động để ngày càng đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức sinh hoạt hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hội viên, phụ nữ.

Hai là: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. Lựa chọn các hoạt động trọng tâm ưu tiên phù hợp để tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ba là: Vận động, khuyến khích và hỗ trợ hội viên, phụ nữ nỗ lực học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng năng xuất lao động, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Kêu gọi chị em sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các ngành dạy nghề về nông nghiệp, nông thôn, khuyến nông cho phụ nữ; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dạy nghề, kết hợp với các chương trình để giải quyết việc làm cho phụ nữ.

Bốn là: Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng, đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động, nhiệm vụ công tác Hội và tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Một lần nữa xin kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc đại hội thành công rực rỡ. Xin trân trọng cảm ơn!

NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG KINH DOANH;

TÍCH CỰC THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Chị Tạ Thi Thanh Vân - Tổng Giám đốc

Công ty Cổ phần Thương mại và Tổng hợp Toan Vân

Kính thưa Đại hội !

Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân hoạt động trong lĩnh vực cung ứng phân bón, vật tư phục vụ cho nông nghiệp, kinh doanh vận tải hàng hóa, cho thuê kho bãi hàng hóa. Hiện nay, công ty có gần 100 cán bộ, công nhân viên, hoạt động ở 3 cơ sở tại thành phố Thái Bình và thành phố Nam Định. Đội ngũ quản lý điều hành giàu kinh nghiệm, nhân viên đa số là trẻ nên rất nhiệt tình và năng động. Với truyền thống 20 năm phát triển và trưởng thành, Công ty không ngừng nỗ lực tìm kiếm, chọn lọc các sản phẩm phân bón, nông nghiệp có chất lượng cao, của các tập đoàn. Tổng công ty uy tín trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực hiện theo đề án và chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp, hưởng ứng sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại NPK hàm lượng dinh dưỡng cao thế hệ mới, tăng gia sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Đặc biệt để giải quyết vấn đề thiếu vốn cho người nông dân nói chung và hội viên hội phụ nữ nói riêng trong sản xuất nông nghiệp, Công ty đã hỗ trợ cung ứng đầu tư bán hàng chậm trả 6 tháng cho cá nhân, tập thể với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp trong toàn tỉnh với doanh thu hàng năm 160 tỷ đồng tương đương 20 nghìn tấn phân bón các loại, hỗ trợ chị em bớt đi gánh nặng về tài chính tăng nguồn thu cho chị em phụ nữ trong tỉnh. Ngoài ra, công ty hỗ trợ gần 1.000 hộ dân chưa có thu nhập, tự chủ kinh doanh phân bón phát triển kinh tế tại địa phương, có thu nhập ổn định.

Kính thưa Đại hội !

Nhận thức được tầm ảnh hưởng và nguy hiểm về vấn nạn an toàn thưc phẩm đó, Công ty đã mạnh dạn mở rộng đầu tư thêm lính vực sản xuất nông sản sạch, rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình ứng dụng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Như hệ thống nhà kính hiện đại, hệ thống tươi nhỏ rọt của Israel.. cải tiến kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Cụ thể, ngày 8/4/2017, Công ty được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi tại xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình có sự chứng kiến của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự. Hiện tại, dự án đang đươc triển khai, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Công ty đã thực hiện thành công dự án Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây cà chua ghép trên thân cây cà tím, ớt cay theo chuối giá trị liên kết do Bộ Khoa học Công nghệ đặt hàng. Là mô hình nông nghiêp công nghệ cao tiêu biểu của tỉnh, nhiều lần được lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, nhiều tỉnh và nhiều đoàn công tác của sở nông nghiệp tới thăm quan. Từ năm 2018, Công ty đã hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật mới cho bà con nông dân tại các xã như An Cầu, Quỳnh Phụ với tổng quy mô 16 ha ớt, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình với quy mô 2 ha cà chua. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND thành phố, các cấp ngành, các đoàn thế chính trị, cùng với sự năng động, dám nghĩ dám làm của ban giám đốc Công ty, đến nay dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty bước đầu đã có hiệu quả. Các sản phẩm nông sản của công ty mang thương hiệu VitaDinla đạt tiêu chuẩn VietGap, truy xuất nguồn ngốc của Công ty Toan Vân đã có mặt tại các siêu thị lớn trên thành phố Hà Nội: Như siêu thị Copmart, Chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, chuỗi nhà hàng thực phẩm sạch Biomart tại thành phố Thái Nguyên, siêu thị Monkey Fruit tại Thành phố Thái Bình. Đã góp phần giúp cho người tiêu dùng Thái Bình và một số tỉnh lân cận thêm nhiều lựa chọn các thực phẩm sạch, an toàn.

Kính thưa Đại hội !

Tôi luôn tâm niệm rằng phát triển kinh doanh phải đi đôi với thúc đẩy an sinh xã hội cho cộng đồng vì vậy ngoài việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước, các chính sách phúc lợi cho người lao động trong công ty, trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, Công ty luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo của tỉnh dưới sự phát động của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thành phố, như: Hàng năm nhân dịp tết đến xuân về, công ty trao 500 suất quà tết cho các hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi tặng quà cho các gia đình thương bình liệt sỹ nhân ngày 27/7 trị giá 300 triệu đồng, trích 100 triệu đồng ủng hộ cho đồng bào bị lũ lụt miền Trung, tài trợ nhiều chuyến xe cho Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thành phố vận chuyển quà, hàng hóa đồ dùng thiết yếu, mì tôm, nước uống ....cho bà con đồng bào bị lũ lụt tại miền Trung, ủng hộ xây dựng nghĩa trang liệt sỹ, nhà tình nghĩa cho hộ gia đình nghèo. Ủng hộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh 50 triệu đồng cho bà con vùng bị lũ. Trong đại dịch Covid -19, Công ty đã ủng hộ 50 triệu đồng cho ngành Y tế mua sinh phẩm, văcxin phòng chống đại dịch. Tôi đã chỉ đạo Công ty xây dựng cơ chế, triển khai hỗ trợ tặng phân bón hữu cơ cho bà con nông dân thông qua chương trình Sản xuất bền vững, đẩy lùi dịch bệnh vào tháng 5/2021.

Kính thưa Đại hội !

Với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty, là người trực tiếp điều hành, triển khai mọi hoạt động kinh doanh của công ty, tôi luôn đề xuất những chiến lược kinh doanh, phương pháp quản trị doanh nghiệp, xây dựng hệ thống bán hàng của công ty ngày một chuyên nghiệp, hiệu quả. Nhận thấy nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản nhất, quyết đinh sự thành công của công ty. Là một lãnh đạo nữ, tôi luôn quan tâm xây dưng mọi chế độ đãi ngộ, lương, thưởng hợp lý đối với các cán bộ nhân viên là người lao động, đóng góp đầy đủ bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên trong công ty, đặc biệt quan tâm đến cán bộ công nhân viên là nữ; tổ chức tặng quà, thăm hỏi động viên kịp thời các dip lễ tết, ma chay hiếu hỷ, thai sản, ngày sinh nhật của từng nhân viên, ngày 8/3, ngày 20/10 v.v...nhằm khích lệ tinh thần hăng say làm việc của người lao động. Đảm bảo mức lương ổn định bình quân từ 7-8 triệu đồng/1 người. Hàng năm Công ty trích 100-200 triệu đồng để tổ chức các lớp đào tạo mghiệp vụ nâng cao kiến thức về lính vực phân bón, nghiệp vụ chuyên môn: Kế toán, quản lý cho các phòng ban trong công ty. Tổ chức các chương trình đi thăm quan du lịch sinh hoạt cộng đồng trong và ngoài nước. Từ đó công ty đã tạo được không khí làm việc hăng say, đoàn kết, gắn bó của người lao động, đưa công ty ngày càng phát triển lớn mạnh doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Trên cương vị là người đứng đầu công ty, bản thân tôi luôn xác định, gương mẫu về mọi mặt sẵn sàng chia sẻ các kinh nhiệm, kĩ năng chuyên môn cho cán bộ nhân viên, luôn không ngừng học hỏi, cặp nhật những kiến thức, công nghệ mới trong thời đại 4.0 để quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, linh hoạt hiệu quả trong điều hành hoạt động kinh doanh. Là phụ nữ, ngoài việc kinh doanh tôi luôn giành thời gian chăm sóc, xây dựng gia đình hạnh phúc các con tôi đều chăm ngoan học giỏi và trưởng thành. Ba con tôi đều là học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình, đều đạt giải quốc gia và được tuyển thẳng vào các trường đại học. Cháu Mai Trung Hiếu đạt giải nhất quốc gia môn tiếng anh lớp 12 và được tuyển thẳng vào trường Đại học kinh tế quốc dân, cháu Mai Thị Thanh Hương vừa tốt nghiệp đại học bằng xuất sắc đã được Công ty Kiểm Toán Yoai nhận vào làm việc, là một trong những sinh viên tiêu biểu được kết nạp Đảng khi mới học đại học năm thứ 3. Con gái lớn của tôi là cháu Mai Thị Tươi hiện đang là Phó Tổng Giám đốc công ty Quản lý mảng kinh doanh. Bản thân và gia đình tôi luôn chấp hành gương mẫu mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại nơi cư trú, của phường, thành phố, của tỉnh. Tôi luôn phát huy, giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, đây là động lực và là mục tiêu thúc đẩy tôi phấn đấu trong công việc và cuộc sống. Là ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Phó Ban từ thiện, xúc tiến đầu tư của hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, tôi luôn gương mẫu đi đầu, tham gia tích cực và vận động các doanh nghiệp trong hiệp hội cùng nhau tham gia công tác an sinh xã hội, hưởng ứng các hoạt động, phong trào từ thiện nhân đạo mỗi dịp tết đến xuân về của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Là Chủ nhiệm CLB nữ chủ doanh nghiệp thành phố, ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN thành phố, tôi luôn vận động chị em trong câu lạc bộ cùng nhau đoàn kết xây dựng câu lạc bộ phát triển ngày càng mạnh mẽ, phát triển kinh tế gia đình bền vững xứng đáng Phụ nữ trung hậu đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Với quyết tâm cao và ý trí vươn lên khởi nghiệp thành công , bản thân , tôi đã cung ban lãnh đạo Công ty CPTMTH Toan Vân nhiều năm đươc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương, các cấp các nghành tặng nhiều bằng khen của trung ương, các bộ ngành, UBND tỉnh, UBND thành phố tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.

Trên đây là bài phát biểu tham luận tại Đại hội. Xin kính chúc các vị đại biểu cùng toàn thể Đại hội, lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!

HIỆU QUẢ TỪ VIỆC TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT VÀ MẠNH DẠN ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT, ĐƯA CƠ GIỚI HÓA VÀO SẢN XUẤT

Chị Trần Thị Lanh

Hội viên phụ nữ thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh,huyện Kiến Xương

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Kính thưa Đại hội!

Tôi rất vinh dự là một hội viên phụ nữ tiêu biểu được của huyện Kiến Xương được về dự và phát biểu tham luận tại Đại hội. Lời đầu tiên tôi xin trân trọng gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội, các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể đại biểu về dự Đại hội lời kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội công tốt đẹp.

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo Đoàn Chủ tịch đã trình bày trước Đại hội. Để làm rõ thêm, tôi xin tham luận một số kinh nghiệm trong tích tụ ruộng đất, ứng dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuấtphát triển kinh tế gia đình nhằm minh họa thêm cho bản báo cáo.

Kính thưa Đại hội!

Trong những năm qua, với nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước, của Hội phụ nữ các cấp, các tầng lớp phụ nữ có nhiều cơ hội và điều kiện tham gia các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để tự khẳng định mình, góp phần vào việc xây dựng quê hương giàu đẹp. Tôi cho rằng, bản thân người phụ nữ phải cố gắng phấn đấu, chủ động, tích cực học tập để nâng cao kiến thức về mọi mặt, mạnh dạn tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuấtnâng cao thu nhập, có như thế mình mới khẳng định được mình trong gia đình và xã hội. Bản thân là một hội viên nòng cốt tiêu biểu trong chi hội, có lập trường, tư tưởng vững vàng luôn luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định, quy chế, nội quy của địa phương. Tôi luôn tích cực tham gia sinh hoạt hội và các phong trào của địa phương, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày, có ý thức xây dựng tinh thần đoàn kết ở địa phương nơi cư trú, cùng mọi người tham gia tốt các phong trào mà các tổ chức Hội cũng như địa phương nơi cư trú phát động.

Gia đình tôi có 4 khẩu, 2 vợ chồng và 2 con. Những năm trước, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào cấy 4 sào ruộng và dịch vụ máy làm đất, gặt lúa thuê cho bà con nông dân trong và ngoài xã. Trước cảnh bờ xôi, ruộng mật bỏ hoang bị bà con nông dân trong xã bỏ ruộng nhiều vì thiếu nhân lực, lợi nhuận thấp và sâu bệnh, chuột phá hoại. Tôi đã làm công tác tư tưởng và vận động chồng thuê, mượn ruộng của bà con để cấy lúa. Tôi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của chồng, con và bắt tay vào tích tụ ruộng đất. Năm 2015, tôi mượn được gần 8ha ở các thôn Giáo Nghĩa, Việt Hùng, Đông Thành và Hương Ngải. Sau một năm thâm canh hai vụ lúa cho thu nhập cao, được sự đồng ý của chính quyền, tôi tiếp tục vận động các hộ gia đình bỏ ruộng để vận động mượn hoặc thuê lại.Đến nay diện tích đất sản xuất lúa bỏ hoang đã được gia đình tôi tích tụ cấy là 40 ha.

Tôi xác định khi đã mượn lại, thuê lại đất của bà con thì mình phải cố gắng rất nhiều để sử dụng đất hiệu quả. Với diện tích này, tôi trồng lúa. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng chất đất để cấy các giống lúa khác nhau. Tôi và gia đình cũng phải bàn bạc thống nhất phương án sản xuất phù hợp và không thể canh tác thủ công mà phải áp dụng cơ giới hóa. Để thuận lợi cho cơ giới hóa, tôi tích cực cùng trưởng thôn của các thôn và chính quyền xã tuyên truyền, vận động các hộ dân dồn đổi ruộng, quy hoạch thành một vùng giúp thuận lợi trong việc đưa máy móc vào canh tác.Nhằm khắc phục tình trạng sâu bệnh hại và chuột cắn phá lúa, tôi liên tục kiểm tra đồng ruộng, khi HTX và ngành chuyên môn khuyến cáo phòng, trừ sâu bệnh. Đồng thời để giảm sức lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, gia đình tôi tập trung đầu tư mua các loại máy sản xuất nông nghiệp với 3 máy làm đất, 3 máy gặt đập liên hoàn, 3 máy cấy, 2 máy sấy thóc, 2 máy gieo hạt, 1 máy bón phân, 01 máy phun thuốc trừ sâu không người lái đảm bảo tiết kiệm chi phí.Tổng giá trị tài sản 5 tỷ đồng.

Máy móc hiện đại, giống lúa phù hợp với vùng đất như Thiên ưu, BC và ST 25, áp dụng đúng quy trình canh tác nên cho năng suất cao và chất lượng gạo ngon. Với sản lượng lúa thu hoạch được tôi luôn có sẵn doanh nghiệp thu mua nên gia đình tôi yên tâm sản xuất.Để phải khai thác hết công suất của máy mới có thể mang lại lợi nhuận, ngoài diện tích ruộng của gia đình, gia đình tôi còn làm thêm dịch vụ gieo cấy cho nhân dân trong xã cũng như ngoài xã đến nay tổng 100ha. Khi công việc bận mải nhất là vào mùa vụ, tôi thuê khoảng 25 nhân công với và trả công 4,5-5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trừ chi phí của gia đình tôi khoảng 400 triệu đến 500 triệu đồng.

Kính thưa Đại hội!

Ngoài tích tụ ruộng để cấy lúa, gia đình tôi đã mở cơ sở sản xuất gạch bê tông. Thời gian đầu, do chưa có mặt bằng để sản xuất, tôi thuê mượn diện tích đất trống của những người xung quanh và đầu tư một máy ép gạch thủ công loại nhỏ để sản xuất. Thời gian đầu khi bước vào sản xuất tôi gặp không ít khó khăn, nhưng tự nhủ phải cố gắng vượt qua. Công việc thuận lợi, tôi mua thêm 2 máy ép gạch sản xuất theo dây chuyền tự động và bán tự động. Thời gian này cơ sở sản xuất gạch bê tông của gia đình tôi đã tạo công ăn việc làm cho 7-8 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 1,8 - 2,5 triệu/tháng. Nhận thấy mặt bằng sản xuất quá chật hẹp, tôi đã làm đơn và đã được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho chuyển đổi mảnh đất với tổng diện tích 1.288m2 tại thôn Giáo Nghĩa để mở rộng cơ sở sản xuất gạch mang tên Quang Lanh chuyên sản xuất gạch không nung và làm dịch vụ nông nghiệp. Cơ sở của tôi đã tạo công ăn việc làm cho 15 20 công nhân mức thu nhập bình quân 3,5 4,5 triệu đồng/người /tháng. Tuy nhiên, hiện nay, gia đình tôi chuyên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên diện tích 40ha ruộng đã tích tụ.

Kính thưa Đại hội!

Thôn Giáo Nghĩa là thôn Công giáo toàn tòng của xã Bình Minh, gồm 500 gia đình, gần 2.000 nhân khẩu.Là người năng động nhiệt tình trong mọi phong trào của địa phương tôi đã được cán bộ và nhân dân thôn Giáo Nghĩa tín nhiệm bầu tôi là đại biểu hội đồng nhân dân xã và giữ chức trưởng thôn. Đảm nhiệm công việc trưởng thôn từ năm 2013 đến nay, tôi đã thể hiện được nhiệt huyết và trách nhiệm trong công việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của địa phương.Tôi luôn gần gũi, gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân để nắm bắt tư tưởng, cuộc sống, tình hình sản xuất của bà con.Tôi lên kế hoạch cụ thể, sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo mọi công việc của gia đình cũng như của thônmà không ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh. Chính vì thế nhân dân yêu quý và ủng hộ, đó chính là động lực giúp tôi luôn cố gắng và nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, để động viên bà con, tôi cùng các cán bộ trong thôn phải nhạy bén, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, khôn khéo vận động, bản thân nêu gương làm trước, ngoài nghĩa vụ đóng góp, gia đình tôi đi đầu ủng hộ kinh phí làm đường hàng chục triệu đồng. Cùng với đó, tôi tranh thủ các chức sắc tôn giáo có uy tín để phối hợp vận động, tuyên truyền cách thức triển khai làm đường sao cho hợp với khả năng đóng góp của từng hộ dân.Nhiều công trình nông thôn mới được xây dựng từ sự đồng thuận cao của nhân dân đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê Giáo Nghĩa.

Cùng với công việc sản xuất kinh doanh, công việc của Trưởng thôn, tôi còn thường xuyên phối hợp với chi hội phụ nữ để tổ chức các hoạt động của Hội, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức về pháp luật, bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ của Hội LHPN xã tổ chức từ đó có nhiều kiến thức để tuyên truyền cho chồng, con, người thân cùng thực hiện. Tôi cũng là thành viên tích cực của các câu lạc bộ Dân vũ của thôn, vận động và cùng chị em hăng hay luyện tập, giao lưu để nâng cao sức khỏe, tăng thêm sự tự tin, gắn bó với tổ chức Hội. Hàng tháng vào ngày 24, khi chi hội phụ nữ thôn tổ chức làm vệ sinh đường làng ngõ xóm tôi tích cực tham gia vận động thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường thôn làng. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ tới các hộ gia đình trong thôn để cùng phát triển kinh tế.

Tuy công việc bận mải, song tôi sắp xếp thời gian hợp ly, quan tâm đến việc giáo dục con cái, chăm lo cuộc sống gia đình, hiếu thảo với cha mẹ đôi bên. Hiện nay 2 con tôi đã trưởng thành, cháu lớn đã có việc làm ổn định, cháu thứ hai đang học đại học. Gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Năm 2020, tôi vinh dự được về dự Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 do Hội LHPN tỉnh Thái Bình tổ chức và được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen.

Kính thưa Đại hội !

Để có được những thành quả trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự đồng lòng, chung sức của các thành viên trong gia đình, tôi còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, của Hội phụ nữ. Tôi cũng mong muốn trong thời gian tới, để phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, tôi đề nghị Hội LHPN cấp trên quan tâm hơn nữa, các cấp các ngành có liên quan hỗ trợ vốn, con giống, chuyển giao KHKT để chị em có điều kiện phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình giảm nghèo bền vững.

Trước khi ngừng lời tôi xin kính chúc toàn thể Đại hội lời kính chúc sức khỏe gia đình hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./.