Chuyển thể tác phẩm văn học thiếu nhi thành kịch năm 2024

Vừa qua, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh đã công diễn vở nhạc kịch "Dế Mèn phiêu lưu ký", thu hút sự quan tâm của khán giả. Bên cạnh đó, vở "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Sân khấu Hồng Hạc ra mắt hồi cuối tháng 5/2023 cũng được tái diễn và tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của khán giả.

Hai vở diễn này sở dĩ được chú ý là bởi vì được chuyển thể từ 2 tác phẩm văn học rất nổi tiếng, quen thuộc với thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Nhật Ánh. Điều này cho thấy, các tác phẩm nghệ thuật có thể ban đầu là viết cho thiếu nhi, nhưng nó có sức hấp dẫn đối với cả người lớn, kể cả khi nó được chuyển thể sang một ngôn ngữ nghệ thuật mới là kịch hay nhạc kịch.

Những suất diễn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Sân khấu Hồng Hạc vẫn đông chật khán giả ngay cả khi đã qua dịp 1/6 và chưa tới Trung thu cho thấy, quyết định đầu tư vào sân khấu thiếu nhi đã đem đến một "làn gió mới" cho Sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh. Trước đó, sân khấu này có vở diễn "Làm bạn với bầu trời" - cũng là một vở kịch chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng được các em thiếu nhi yêu thích.

Chuyển thể tác phẩm văn học thiếu nhi thành kịch năm 2024
Cảnh trong vở nhạc kịch thiếu nhi “Đứa con của yêu tinh” - vở diễn hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc).

Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát dành cho khán giả ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng nên hàng năm nhà hát luôn xây dựng kế hoạch dàn dựng, biểu diễn những vở diễn, những chương trình ca múa nhạc dành cho các em từ khá sớm. Đầu tháng 8 vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi mang tên "Đứa con của yêu tinh" - vở diễn hợp tác với Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc). Vở diễn này đã và sẽ biểu diễn nhiều suất trong tháng 8-9 để phục vụ khán giả nhỏ tuổi cùng với các chương trình chào đón Trung thu khác của Nhà hát.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, trong khuôn khổ chương trình "Mùa hè yêu thương", Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã cho ra mắt vở diễn "Giấc mơ của Bờm" và "Chú mèo dạy hải âu bay". Hai vở diễn mới này được biểu diễn xen kẽ với các vở diễn đã có của nhà hát như "Bầy chim thiên nga", "Con chim xanh" tạo nên một "thực đơn" khá phong phú, hấp dẫn đối với thiếu nhi cũng như dễ dàng cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn chủ đề, sở thích phù hợp với con mình.

Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết (Nhà hát Tuổi trẻ) - người đã tạo được dấu ấn với khán giả thiếu nhi với các vở nhạc kịch tiêu biểu như "Trại hoa vàng", "Bầy chim thiên nga", "Rồi ta sẽ lớn", "Giấc mơ của Bờm" chia sẻ: "Làm nghệ thuật dành cho thiếu nhi tưởng dễ nhưng không hề đơn giản. Trước khi bắt tay tìm đề tài, kịch bản, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là phân tích tâm lý của từng độ tuổi. Với độ tuổi mầm non, tiểu học, dậy thì, mỗi lứa tuổi đều có sở thích, suy nghĩ, mơ ước, cảm xúc riêng. Đối với tôi, mỗi tác phẩm dù diễn cho lứa tuổi nào cũng phải chạm được vào cảm xúc của khán giả và đây cũng là công đoạn khó khăn nhất.

Những nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi được đánh giá là nghệ sĩ có tuổi nghề dài nhất và cứ lên sân khấu là trẻ thơ. Chúng tôi thường hóa thân vào những nhân vật trong truyện cổ tích, những bạn thú rừng đáng yêu, hay chú Cuội, chị Hằng… là những nhân vật thân thuộc của tuổi thơ. Và để "trẻ thơ" trên sân khấu và chạm được vào cảm xúc của khán giả nhí, chúng tôi phải nghiên cứu từng hành động, lời nói, cách thoại, cách diễn, âm nhạc, nhảy múa sao cho phù hợp, gần gũi với khán giả của mình. Chúng tôi đã dày công luyện tập với mong muốn mang lại niềm vui và những bài học giá trị cho các em. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng làm chương trình cho thiếu nhi thì không cần phải đầu tư nhiều, dẫn đến những khó khăn cho các nghệ sĩ...".

Ở Hà Nội, ngoài Nhà hát Tuổi trẻ luôn có những chương trình, kịch mục dành cho thiếu nhi, còn có các chương trình của Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát múa rối Việt Nam, Sân khấu Lệ Ngọc... Trong đó, các chương trình của Liên đoàn xiếc Việt Nam đặc biệt "đắt khách" vào các dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Trung thu. Tuy nhiên, điều hạn chế là các chương trình, tiết mục biểu diễn dành cho thiếu nhi của đơn vị này không được đổi mới thường xuyên qua các năm, dẫn đến nhiều tiết mục quá quen thuộc, nhàm chán và ít có lựa chọn.

Trong bối cảnh đó, những nỗ lực phục vụ khán giả thiếu nhi của sân khấu tư nhân Lệ Ngọc cũng rất đáng được ghi nhận. Sau 7 năm hoạt động, đến nay Sân khấu Lệ Ngọc đã xây dựng được khá nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi bên cạnh những tác phẩm dành cho người lớn như: "Tấm Cám", "Cây tre trăm đốt", "Dế Mèn", "Đám cưới con gái chuột". Vở "Đám cưới con gái chuột" từng là vở diễn được TS. Chua Soo Pong (Singapore) biên kịch và dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam cách đây gần chục năm, lần này lại tái ngộ khán giả nhí Thủ đô bởi Sân khấu Lệ Ngọc và vẫn do TS. Chua Soo Pong làm đạo diễn.

"Đào tạo" khán giả như thế nào?

Đằng sau những vở diễn dành cho thiếu nhi vẫn xuất hiện đều đặn trên Sân khấu Lệ Ngọc chính là tâm huyết, sự yêu nghề, yêu trẻ của NSND Lệ Ngọc đối với mảng đề tài xưa nay vẫn bị xem nhẹ, nhưng để làm được lại là việc không hề dễ dàng. NSND Lệ Ngọc cho rằng: "Việc dàn dựng các tác phẩm dành cho thiếu nhi và tìm nhiều cách để "lôi kéo thiếu nhi" đến với nhà hát chính là cách Lệ Ngọc "đào tạo" ra một thế hệ khán giả trưởng thành, trung thành với sân khấu trong tương lai!".

Chuyển thể tác phẩm văn học thiếu nhi thành kịch năm 2024
Cảnh trong vở “Đám cưới con gái chuột” của Sân khấu Lệ Ngọc.

Đồng quan điểm này, đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) nhấn mạnh: "Muốn kéo được khán giả tương lai đến rạp thì phải tạo được sự yêu thích sân khấu cho khán giả từ khi còn bé. Tạo một thói quen, một tư duy thẩm mỹ về nghệ thuật cho các em cũng chính là đang âm thầm tạo ra một thế hệ khán giả yêu sân khấu trong tương lai...". Tác giả kịch bản "Giấc mơ của Bờm" cũng chia sẻ thêm: "Điều khó khăn nhất khi viết kịch bản dành cho thiếu nhi là phải đặt mình vào vị trí của các cháu, sống cuộc sống của các cháu và vô tư trong sáng cùng/ đúng lứa tuổi của các cháu!".

Trả lời câu hỏi, làm sao để sân khấu dành cho thiếu nhi không phải là cách làm có "tính chất mùa vụ", đạo diễn nhiều trăn trở với đề tài thiếu nhi - NSƯT Lê Ánh Tuyết khẳng định: "Trước đây, mọi người thường nghĩ các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi chỉ biểu diễn vào các dịp Tết Thiếu nhi, rằm Trung thu, nhưng hiện nay đã có nhiều thay đổi. Ví dụ như tại Nhà hát Tuổi Trẻ, chúng tôi thường xuyên tổ chức diễn các vở dành cho thiếu nhi vào các ngày cuối tuần, sắp tới chúng tôi cũng lên kế hoạch diễn vào khung giờ chiều ngày thứ 7 và Chủ nhật để có sự lựa chọn cho các gia đình.

Tôi nghĩ rằng, mỗi tác phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi không đơn thuần chỉ là sự giải trí, mà thông qua nghệ thuật để nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng những bài học có giá trị về đạo đức, lối sống lành mạnh, tư duy mạch lạc… Bởi vậy trong các vở diễn, chương trình, tôi luôn quan tâm các giá trị mang lại cho khán giả của mình.

Ví dụ: vở diễn "Trại hoa vàng" dành cho các bạn trẻ lứa tuổi cấp 3, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với những hoang mang, phải lựa chọn cho mình một ngành học (vở diễn nằm trong dự án "Hướng nghiệp - Chọn nghề trong muôn nghề" của Thành đoàn Hà Nội), hay vở nhạc kịch "Rồi tôi sẽ lớn" nói về vấn đề khủng hoảng tâm lý của tuổi dậy thì, Musical show "Giấc mơ của Bờm" khơi gợi nét văn hóa dân gian, trò chơi và những câu hò vè trong dân gian...".

Hiện nay, NSƯT Lê Ánh Tuyết và các cộng sự của mình cũng đang nỗ lực xây dựng các vở diễn ngắn được chuyển thể từ sách giáo khoa văn học, lịch sử với mong muốn song hành giữa nghệ thuật với giáo dục. Có thể thấy, mong muốn sân khấu ngày càng gần hơn với học đường, trở thành món ăn tinh thần thường xuyên với lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng là mong muốn hết sức chính đáng của những người yêu và quan tâm đến tương lai của bộ môn nghệ thuật này.