Con người phát triển công nghiệp hóa như thế nào năm 2024

Công nghiệp hóa ở các nước khác nhau trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, có sự khác nhau về các quan niệm, mô hình, bước đi và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc nhận thức đúng phạm trù công nghiệp hóa trong một giai đoạn phát triển cụ thể của đất nước là rất cần thiết. Nó không chỉ có ý nghĩa về lý luận mà còn có tính thiết thực trong hoạch định và thực thi chính sách phát triển.

Ở Việt Nam, trong những năm 1960, công nghiệp hóa được coi là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Đảng ta đã xác định thực chất của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là: “Quá trình thực hiện cách mạng kỹ thuật, thực hiện sự phân công mới về lao động xã hội và là quá trình tích luỹ xã hội chủ nghĩa để không ngừng thực hiện tái sản xuất mở rộng”.

Quan niệm của Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã thể hiện nội dung toàn diện, mục tiêu và tính lịch sử của quá trình công nghiệp hóa ở nước ta, còn bản chất của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thì được đem độc lập nó với bản chất của quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa.

Hiện nay, quan niệm công nghiệp hóa truyền thống trước đây đã không còn thích hợp. Hoàn cảnh phát triển thế giới đã thay đổi đến mức sự phát triển hiện đại chỉ có thể diễn ra trên cơ sở nhận thức và tư duy mới về phát triển. Điều này càng đúng đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, một tiến trình phải giải quyết đồng thời 3 nhiệm vụ:

Một là, phải vượt qua nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, xây dựng nền kinh tế công nghiệp hiện đại và từng bước tiếp cận nền kinh tế tri thức.

Hai là, phải chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

Ba là, trên cơ sở thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ trên, phải tạo lập được những điều kiện vật chất cần thiết cho sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta.

Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa VII đã đưa ra khái niệm: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”. Quan niệm trên đây về công nghiệp hóa, hiện đại hóa được thể hiện và quán triệt đầy đủ trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX.

Nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển. Thế kỷ 21 được dự báo là thế kỷ của nền kinh tế tri thức với sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ. Ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ này, sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, sự bùng nổ về thông tin và truyền thông đang tạo ra những biến đổi to lớn về nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường với quy mô và mức độ ảnh hưởng ngày càng sâu rộng. Nếu trước đây, sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc chủ yếu nhờ vào tài nguyên thiên nhiên, nguồn tư bản, thị trường… thì trong giai đoạn hiện nay, tri thức, khoa học và công nghệ lại trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp có thể tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia dân tộc. Phát triển nền kinh tế tri thức sẽ tiếp tục là ưu tiên trong chính sách phát triển của nhiều nước, nhất là tại các nước công nghiệp phát triển. Kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại sẽ được đẩy mạnh; đầu tư, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn ngày càng mở rộng… Thời đại kinh tế tri thức toàn cầu hóa có thể mang lại cơ hội cho những nước đi sau rút ngắn khoảng cách phát triển bằng cách tiếp thu công nghệ mới để hiện đại hóa nền kinh tế. Khi đã tham gia vào mạng lưới toàn cầu hóa, các nước đang phát triển, về nguyên tắc có thể tìm kiếm các nguồn lực cho sự phát triển của mình không chỉ từ những thứ mà các quốc gia này đang có, mà còn từ những cái đang hiện hữu trong toàn bộ nền kinh tế thế giới.

2. Yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với việc phát triển nguồn nhân lực

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ và kinh tế tri thức cùng với đòi hỏi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực.

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Nhiều ngành nghề mới được mở ra. Điều này đòi hỏi nguồn lao động cũng phải có sự dịch chuyển tương ứng. sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế hiện đại; cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. cơ cấu lao động được xem xét trên nhiều phương diện: trong bản thân của nguồn nhân lực (cơ cấu trình độ - kỹ thuật, độ tuổi, giới,…), theo các ngành kinh tế, thành phần kinh tế, vùng kinh tế và trình độ công nghệ trong điều kiện đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Các ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thường đòi hỏi lao động phải có chuyên môn, kỹ thuật, phải được đào tạo. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu về chất lượng nguồn lao động ngày càng cao, đặc biệt là khi Việt Nam lựa chọn mô hình công nghiệp hóa rút ngắn, đi tắt đón đầu vào những ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn. Với trình độ phát triển thấp của nước ta, người lao động còn bị ảnh hưởng nhiều của tâm lý tiểu nông, thói quen lao động tự do của khu vực nông nghiệp, thì yêu cầu hết sức quan trọng là tính kỷ luật kỷ cương của lao động công nghiệp.

- Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thường đi kèm với việc chuyển đổi đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng kinh tế xã hội. Một lượng lớn lao động nông thôn nhất là lao động không có tay nghề và lớn tuổi đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm; tạo sức ép rất lớn về giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Chính vì vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, nhằm tạo nguồn cung lao động có chất lượng cho các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển và giải quyết tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện những ngành nghề mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kèm theo đó là sự phát triển của các đô thị cũng tác động làm gia tăng nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của người lao động cả về số lượng và chất lượng.

- Sự phát triển nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng cần đáp ứng yêu cầu phát triển cân bằng hơn giữa các vùng miền, xuất phát từ yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng để phát triển đất nước. Do trình độ phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và các địa phương không giống nhau và con người luôn tìm kiếm nơi thuận lợi để sinh sống, nên những địa phương có điều kiện thuận lợi hơn sẽ thu hút nguồn lao động tới lập nghiệp. quá trình dịch chuyển lao động (di cư lao động) là tất yếu khách quan. Quá trình này sẽ dẫn tới hậu quả là ở những vùng có kinh tế phát triển thường có ưu thế về nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, trong khi các vùng kém phát triển hơn thì nguồn lao động kém hơn (cả về số lượng và chất lượng). Điều này sẽ dẫn tới sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa các vùng. Do vậy, cần có sự đầu tư thích đáng cho những vùng kém phát triển, đặc biệt là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực giảm dần sự cách biệt về trình độ phát triển giữa các vùng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ và năng lực phát triển kinh tế vùng, tiến đến xác lập một cơ cấu kinh tế hiện đại. Đây là lực lượng có đủ năng lực và tâm huyết trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năng lực cạnh tranh toàn cầu phải được hun đúc, phải định vị những giá trị cho họ, do đó phải tìm cách vừa tôn vinh họ, vừa giúp họ xây dựng được những tiêu chí, chuẩn mực. Muốn thế, phải xây dựng một đội ngũ doanh nhân có văn hóa. Doanh nhân có văn hoá phải có triết lý làm giàu, có lý tưởng cao rộng trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở lợi nhuận mà còn gắn kết với vinh quang dòng họ, với quê hương, gắn kết với lợi ích của dân tộc.

Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường mà nòng cốt của nó chính là các doanh nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là vai trò của doanh nhân được đề cao trong xã hội; sứ mệnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội một phần không nhỏ được đặt lên vai cộng đồng các doanh nhân. Để hoàn thành, khẳng định được vai trò của mình, doanh nhân cần đạt được những tiêu chuẩn nhất định mà xã hội yêu cầu, trước tiên là phải có được văn hoá kinh doanh. Bởi văn hoá kinh doanh được đánh giá là nền tảng tinh thần, là linh hồn cho hoạt động kinh doanh của một xã hội, một quốc gia. Văn hoá kinh doanh của mỗi dân tộc được hình thành ngay từ khi xuất hiện hoạt động kinh doanh trong đời sống xã hội của dân tộc đó. Vì vậy, tự nó là một nhu cầu của văn minh thị trường và là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển.

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình phân công lao động toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực đang đứng trước những yêu cầu:

Thứ nhất, phải có đủ nhân lực để có khả năng tham gia vào quá trình vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu trong xu thế các tập đoàn xuyên quốc gia có ảnh hưởng ngày càng lớn.

Thứ hai, nguồn nhân lực phải có năng lực thích ứng với tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm và sự sụt giảm các nguồn đầu tư tài chính (do tác động và hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới); có khả năng đề ra các giải pháp gia tăng cơ hội phát triển trong điều kiện thay đổi nhanh chóng của các thế hệ công nghệ, tương quan sức mạnh kinh tế giữa các khu vực.

Thứ ba, nguồn nhân lực phải được đào tạo để có khả năng tham gia lao động ở nước ngoài do tình trạng thiếu lao động ở nhiều quốc gia phát triển để phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng; đồng thời có đủ năng lực để tham gia với cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực.


Đảng Lao động Việt Nam: Văn kiện Đại hội III, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.182.

Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 65.