Danh sách các giáo xứ giáo phận thanh hóa năm 2024

Đại Chủng Viện Phaolô Lê Bảo Tịnh Thanh Hoá

Địa chỉ: 50 Nguyễn Trường Tộ, P. Trường Thi, TP. Thanh Hoá

Điện thoại: 02373 758 030

Copyright @ 2021 Chủng viện Thanh Hoá

All Right Reserved

Developer by Joseph Trần

Giáo Phận Thanh Hóa tuy mới thành lập (7-5-1932), so với một số giáo phận trong giáo tỉnh Hà Nội, nhưng đã đóng góp những sự kiện quan trọng vào trang sử đầu của Giáo Hội Việt Nam và đây cũng là những nét chính yếu hình thành nên giáo phận Thanh Hóa.

Theo quyển "Ðỗ tộc gia phả" tìm thấy ở họ Bồng Trung, xứ Kẻ Bền: ông Ðỗ Hưng Viễn, người con thứ hai của cụ Ðỗ Biểu, một vị quan lớn của triều đình thời Lê Anh Tông (1556-1573), đã tiếp xúc với tàu buôn, người Hoa Lang, và theo đạo Hoa Lang. Cũng theo quyển gia phả này, ông Ðỗ Viên Mãn (là con trưởng của cụ Ðỗ Cảnh) đã theo đạo Hoa Lang khi có dịp tiếp xúc với người ngoại quốc cập bến Cửa Bạng (Ba Làng). Như vậy, có thể nói hai ông Ðỗ Hưng Viễn và Ðỗ Viên Mãn là những tín hữu đầu tiên theo đạo Công giáo không chỉ ở Thanh Hóa mà còn trong cả nước Việt Nam.

Khoảng năm 1590, giáo sĩ Pedro Ordonez de Cevallos (Tây Ban Nha) trên đường sang Nhật, tàu gặp bão, dạt vào cửa Lạch Trường (Thanh Hóa), ông đến An Trường, kinh đô của nhà Lê và đã rửa tội cho chị của vua Lê Thế Tông và khoảng 100 người khác.

Ngày 19-3-1627, giáo sĩ P. Marques và Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) đặt chân đến Cửa Bạng (xã Hải Thanh, Thanh Hóa) vào ngày lễ kính Thánh Giuse, đã chính thức mở đầu cho cuộc truyền bá Tin Mừng ở Việt Nam.

Tháng 4-1627, tại Thanh Hóa đã có hai nhà thờ An Vực và Vân No. Ðây là những ngôi nhà thờ đầu tiên tại giáo đoàn miền Bắc.

Từ năm 1659, thành lập giáo phận Ðàng Ngoài, đến giáo phận Tây Ðàng Ngoài (1679), giáo phận Tây (1846), giáo phận Ðoài (1895), giáo phận Thanh (1901), sau là giáo phận Phát Diệm (1924), vùng đất Thanh Hóa đã có nhiều cơ sở và giáo xứ đông người do các cha dòng Tên và Hội Thừa Sai Paris phục vụ.

Suốt thời kỳ hình thành và phát triển giáo phận Ðàng Ngoài, và đặc biệt tại Thanh Hóa, các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân sống trên mảnh đất này đã dùng chính sự sống cùng xương máu để làm chứng cho Tin Mừng Ðức Kitô, nổi bật như Thánh nữ Anê Lê Thị Thành, cha Thánh Giacôbê Ðỗ Mai Năm (1781-1838), cha Thánh Phaolô Nguyễn Ngân (1790-1840), cha Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857), cha Thánh Gioan Ðạt (1765-1798).

Ngày 7-5-1932, Tòa Thánh ký sắc thành lập giáo phận Thanh Hóa và cử Ðức cha Louis de Cooman Hành, giám mục phó Phát Diệm, làm giám mục tiên khởi giáo phận mới. Ngày 12-9-1932, Ðức cha đến nhận giáo phận. Năm 1932, giáo phận Thanh Hóa có 26 linh mục thừa sai, 48 linh mục Việt Nam, 82 thầy giảng, 18 giáo xứ với chừng 45,000 giáo dân người Việt và 5,000 người dân tộc, trên tổng số dân khoảng 1,500,000 người. Giáo phận đã có nhà thờ chính tòa, nhà chung (tòa giám mục), một trường tiểu chủng viện xây năm 1918, tại Hữu Lễ, đào tạo linh mục cho Châu Lào; một trường tập ở Ba Làng để trở thành tiểu chủng viện và 4 dòng tu: dòng Kín, dòng Mến Thánh Giá, dòng Ðức Bà Truyền Giáo và dòng Phanxicô. Ngoài ra, giáo phận mới cũng đã có một trại phong, một nhà thương và một nhà dục anh. Sau này có thêm trường trung học Nhà Chung trước khi có cơ sở mới lấy tên Trương Vĩnh Ký.

Ngày 17-3-1959, cha Tổng quản Phêrô Phạm Tần nhận sắc phong giám mục, hiệu tòa Giustiniapoli, giám quản tông tòa Thanh Hóa. Ngày 24-11-1960, ngài nhận được sắc phong chính tòa Thanh Hóa, nhưng mãi đến ngày 26-6-1975 mới được tấn phong giám mục. Ngài qua đời ngày 1-2-1990. Ðức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn được Tòa Thánh chỉ định làm giám quản tông tòa cho đến khi ngài qua đời ngày 18-5-1990. Từ năm 1990-1994, giáo phận trống tòa cho đến khi Ðức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm được thuyên chuyển từ Ðà Lạt về Thanh Hóa và nhận giáo phận ngày 24-6-1994 cho đến 9-6-2003 ngài từ trần. Ðức ông G.B. Lưu Văn Khuất được cử làm giám quản tông tòa giáo phận. Ngày 27-10-2003, Ðức ông G.B. Khuất qua đời.

Ngày 12-6-2004, Ðức ThánhCha Gioan Phaolô II bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Chí Linh làm giám mục giáo phận Thanh Hóa.

  1. Ðịa Lý và Dân Số

Ranh giới: Giáo phận Thanh Hóa nằm gọn trong tỉnh Thanh Hóa. Ðông Bắc giáp Ninh Bình (Gp. Phát Diệm). Tây Bắc giáp Sơn La và Hòa Bình (GP. Hà Nội). Phía Tây giáp Lào. Phía Nam giáp Nghệ An (GP. Vinh). Ðông giáp Biển Ðông.

Tỉnh lỵ hiện nay là thành phố Thanh Hóa, nằm nghiêng về phía Ðông, cách Biển Ðông khoảng 20km, và trên quốc lộ 1A, có xe lửa thông qua. Tòa giám mục và Nhà thờ Chính tòa tọa lạc ngay trong thành phố, sát quốc lộ và xa cách các giáo xứ về hướng Bắc, Tây, Nam gần bằng nhau, trên dưới 50km. Còn về phía Ðông giáp biển khoảng 30km. Như vậy, đi theo quốc lộ 1A, Tòa giám mục Thanh Hóa cách Tòa giám mục Hà Nội khoảng 150km và các Tòa giám mục Vinh khoảng 130km, còn đến Tòa giám mục Phát Diệm chỉ có 50km. Ngoài một thành phố, tỉnh Thanh Hóa còn có hai thị xã Bỉm Sơn và Sầm Sơn, với 24 huyện.

Dân số (tính đến ngày 31-12-2002): Dân số chung 3,467,609 người; nam: 1,694,498 người; nữ: 1,773,111 người; sống ở thành thị: 318,380 người; sống ở nông thôn: 3,149,229 người. Dân số Công giáo: 125,697 người.

Hầu hết dân chúng sống bằng nghề nông, còn những dân ven biển sống bằng nghề đánh cá và làm nước mắm.

Sông núi: Thanh Hóa có hai con sông lớn: Sông Mã dài 512km, bắt nguồn từ Lai Châu chảy qua tỉnh Thanh Hóa đổ ra cửa Lạch Sung, Lạch Trường và cửa Hới. Sông Chu dài 300km, chảy từ Lào vào tỉnh. Ngoài ra còn có khoảng 20 sông rạch lớn.

Sắc tộc: Ngoài người Kinh, có trên 20 sắc dân, đông nhất là người Dao, Tày, Thái và Mường. Dân tộc Mường ở khắp vùng thượng du. Dân tộc Thái và Tày Trắng ở bờ sông mã, dân tộc Dao ở núi cao.

  1. Một số đặc sắc của Giáo Phận

- Di tích lịch sử:

Cửa Bạng: nơi cha Marques và Ðắc Lộ đặt chân lần đầu tiên vào ngày 19-3-1627, mở đầu công cuộc truyền giáo ở Ðàng Ngoài. Nay là giáo xứ Ba Làng, thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, cách thị xã Thanh Hóa 45km về phía Nam.

- Nhân vật lịch sử:

Công Chúa Mai Hoa (Maira Flora) được giáo sĩ Pedro Ordonez de Cevallos, người Tây Ban Nha, rửa tội vào năm 1590. Cô là chị của vua Lê Thế Tông, đã giữ vai trò nhiếp chính khi vua lên ngôi lúc 7 tuổi. Cô tên thật là Chiêm, rất đức độ và có lòng bác ái. Cha Ordonez đặt tên thánh cho công chúa là Maria Flora. Cô đã thiết lập tại Vạn Lai Sách (nay là xã Phúc Lập, bên bờ sông Chu) một nữ tu viện Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mà công chúa làm bề trên cho đến chết. Nhờ ảnh hưởng tốt lành của cô, khoảng 100 người trong hoàng tộc và phi tần cung nữ đã theo đạo. Ở khu đất cố đô An Trường này vẫn còn có Giếng Gia Tô, Xóm Gia Tô và một chỗ gọi là Nền Thờ, có lẽ để nhớ ơn công chúa (x. Lịch sử và du hành thế giới, 1628, của cha Ordonez de Cevallos; Lê Triều Thượng cổ truyền giáo, tr. 11; và Lịch sử Ðạo Thiên Chúa ở Việt Nam, tr. 113-115. Ðại Việt Thiện Bản).