Dđăng ký thành viên bci asia mất bao nhiêu tiền năm 2024

Chiều 24-5, tại Trường đại học Y Dược Hải Phòng, thừa ủy quyền của Bộ Y tế và Viện Hàn lâm Y khoa quốc gia Pháp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình trao kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế Việt Nam cho giáo sư Jean Luc - Carre, Trưởng ban hợp tác quốc tế của Trường đại học Y Brest (Pháp) và bác sĩ Remi Catabelle, Trường đại học Y Bres; tặng hoa chúc mừng nhà giáo nhân dân, GS-TS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Hải Phòng được Viện Hàn lâm Y khoa quốc gia Pháp công nhận chức danh Viện sĩ Viện Hàn lâm Y khoa quốc gia Pháp.

Show

Giáo sư Jean Luc - Carre và bác sĩ Remi Catabelle, Trường đại học Y Brest đã có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sinh viên, thực tập, giao lưu văn hóa… giữa Trường đại học Y Brest và Trường ĐH Y dược Hải Phòng nói riêng và trong lĩnh vực y tế của 2 thành phố, 2 nước nói chung. Các chương trình hợp tác đã và đang được thực hiện hiệu quả, góp phần vào sự thành công trong lĩnh vực phát triển chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình đánh giá cao và ghi nhận sự hợp tác trong công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu giữa Trường đại học Y Brest và Trường đại học Y Dược Hải Phòng trong nhiều năm qua. Đồng chí mong thời gian tới, Trường đại học Y Brest, các trung tâm y tế Pháp và Trường đại học Y Dược Hải Phòng tiếp tục có sự hợp tác gắn bó sâu sắc, nhất là về lĩnh vực y học của thành phố và đất nước. (An ninh Hải Phòng 25/05/2016, Báo Hải Phòng 25/05/2016)

AN NINH - PHÁP LUẬT

2. Làm giả giấy tờ đất để vay tiền

Cần tiền lo cho con gái đi lao động ở nước ngoài nên ngày 6-9-2015, Nguyễn Văn Nam, sinh 1971, ở tổ 12, Hòa Nghĩa, Dương Kinh, vay ông Vũ Văn Sim, ở tổ dân phố Trung Đức, Hợp Đức, Đồ Sơn, 200 triệu đồng. Do là chỗ quen biết nên giữa Nam và ông Sim không viết giấy tờ vay mượn tiền và không thế chấp tài sản. Đến đầu tháng 10-2015, Nam ngỏ ý muốn vay tiếp 100 triệu đồng, nhưng lần này ông Sim yêu cầu phải có tài sản thế chấp.

Để vay được tiền, Nam đã nhờ một thanh niên (không rõ lai lịch) làm nghề ép plastic dạo đi qua nhà làm giả giấy tờ nhà, nhưng người này không làm được và giới thiệu Nam đến cửa hàng photocopy Thành Lân, ở số 247 Lạch Tray, phường Đằng Giang, Ngô Quyền, do Lê Văn Lân, sinh 1979, ở xóm Trung, Đằng Giang, Ngô Quyền làm chủ.

Nam liền đến nhờ Lân làm giả 1 GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của UBND quận Dương Kinh cấp cho người sử dụng là Nguyễn Văn Nam, sinh 1971 và vợ là Cao Thị Hiên, sinh 1971, ở tổ dân phố Tân Lập, phường Tân Thành, Dương Kinh, tại thửa đất số 34, tờ bản đồ số 5, thuộc tổ dân phố 12, phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh, diện tích 207m2 với tiền công làm giả là 500.000 đồng. Lân đồng ý.

Nam đưa cho Lân 1 GCNQSDĐ thật mang tên Nguyễn Văn Nam, Cao Thị Hiên, do UBND quận Dương Kinh cấp cho vợ chồng anh ta với diện tích là 90m2, tại thửa đất số 34, tờ bản đồ số 5, thuộc tổ 12, phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh, để Lân làm mẫu. Có “nguyên liệu”, Lân dùng máy tính, máy scan để làm GCNQSDĐ giả, sau đó đưa cho Nam.

Có được giấy tờ giả, Nam mang GCNQSDĐ đưa cho ông Sim và vay thêm 100 triệu đồng. Ông Sim yêu cầu Nam viết giấy vay tiền vào ngày 6-9-2015 (là ngày đầu tiên Nam vay ông Sim) với số tiền 300 triệu đồng, lãi suất 0,2%/tháng. Sau khi trả lãi cho ông Sim được 3 tháng thì Nam không có khả năng trả tiếp. Thấy Nam vay tiền mập mờ nên ông Sim đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra GCNQSDĐ của Nam mới biết đó là giấy tờ giả. Ông Sim đã làm đơn tố cáo hành vi của Nam đến cơ quan công an.

Phòng Kỹ thuật hình sự CATP kết luận: GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản khác liền với đất số BN862329 là giả, làm bằng phương pháp in phun màu. Ngày 29-12-2015, Nguyễn Văn Nam đến CAQ Dương Kinh đầu thú về hành vi phạm tội trên. Đến ngày 30-12-2015, Lê Văn Lân bị bắt theo lệnh bắt khẩn cấp của CAQ Dương Kinh. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Nam và Lê Văn Lân đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Mới đây, TAND quận Dương Kinh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo Nam và Lân về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan” theo khoản 1 điều 267 BLHS. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nam 12 tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Lân 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội danh trên. Đối với ông Vũ Văn Sim, cho Nguyễn Văn Nam vay 300 triệu đồng với mức lãi suất 0,2%/tháng không vượt quá 10 lần mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm cho vay nên đây là quan hệ vay mượn dân sự, cơ quan điều tra không xử lý. (An ninh Hải Phòng 25/05/2016)

3. Bắt giữ 800 gam ma túy giấu trong thú nhựa

Một vụ vận chuyển 800gam ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam vừa bị lực lượng Biên phòng-Hải quan phát hiện bắt giữ trên địa bàn TP. Móng Cái, Quảng Ninh.

Hồi 15 giờ 50 phút ngày 22-5, tại khu vực mốc biên giới 1368(3)-100 mét (thuộc khu 3, phường KaLong, TP. Móng Cái), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) bắt quả tang 1 đối tượng là Nguyễn Thị Ba, sinh năm 1952; thường trú tại Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng; chỗ ở hiện nay tại Giang Bình, Đông Hưng, Trung Quốc (là người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc) có hành vi vượt biên trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam từ bờ sông biên giới vào nội địa.

Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện trên tay Nguyễn Thị Ba có cầm 1 con thú bằng nhựa màu xám, vàng bên trong có 1 túi nilonchứa các hạt tinh thể màu trắng (nghi là ma túy) có tổng trọng lượng khoảng 800 gam.

Đầu tranh ban đầu, đối tượng Nguyễn Thị Ba khai nhận, 800gam các hạt tinh thể là ma túy được vận chuyển cho thuê cho 1 đối tượng tên A Sáng từ Trung Quốc về Việt Nam và giao hàng tại khu vực đèn xanh, đèn đỏ tại Chợ 3, thuộc phường Trần Phú, TP. Móng Cái để nhận tiền công là 1.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,5 triệu đồng).

Toàn bộ hồ sơ vụ việc, đối tượng cùng tang vật được bàn giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định. (Báo Hải quan 25/05/2016)

4. Ngăn chặn triệt để "cờ bạc vỉa hè"

Dưới những tán cây dọc hai bên vỉa hè đường Lê Hồng Phong (đoạn từ ngã tư Lê Hồng Phong- Ngô Gia Tự đến gần cảng hàng không Cát Bi) nhiều tốp người tụ tập "giải khuây" bằng những bộ bài, bàn cờ và cả những bộ chén bát xóc đĩa.

Đánh bạc giải khuây

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là một trong những điểm nút giao thông quan trọng của thành phố. Hằng ngày, có hàng nghìn lượt khách tới Hải Phòng qua các chuyến bay nội địa. Với lượng khách lớn, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trở thành điểm tập trung số lượng lớn xe taxi phục vụ chuyên chở khách.

Tuy nhiên, do khoảng thời gian chờ giữa các chuyến bay tương đối dài, nhiều lái xe taxi thường xuyên tụ tập đánh bạc. Thời gian nghỉ trưa tới khoảng 16 giờ chính là giờ cao điểm đánh bạc của cánh lái xe. Phổ biến nhất là xóc đĩa vì từ dụng cụ đến luật chơi đều đơn giản, nhiều người chơi cùng lúc. Điều này phù hợp với cánh tài xế taxi vì họ có thể bị tổng đài điều động đi bất cứ lúc nào.

Khi mới bắt đầu, sới bạc khá yên ắng nhưng chỉ lát sau, sự nhốn nháo bắt đầu xuất hiện khi có người thắng đậm, kẻ thua đau. Những vẻ mặt thất vọng hiện lên, đi kèm với đó là những tiếng văng tục, chửi thề. Bên cạnh những tài xế taxi, còn lượng không nhỏ những người đạp xe đạp tranh thủ nghỉ chân đánh bài. Nhưng nhóm này thường đánh phỏm thay vì xóc đĩa. Mặc dù đang tập trung sát phạt nhau nhưng chỉ thoáng thấy có người đi xe máy chầm chậm nhìn vào, lập tức nhóm này giãn dần khỏi những quân vị đỏ đen.

“Điếc không sợ súng”

Nhận thấy tình trạng các đối tượng tụ tập đánh bạc gây mất an ninh trật tự, cuối tháng 3 vừa qua, Đội 9 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an thành phố lập các mũi trinh sát, bất ngờ bắt giữ nhóm đối tượng đang đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa, thu giữ tang vật gồm 1 bộ bát đĩa nhựa, 4 quân vị cùng số tiền hơn 40 triệu đồng. Tất cả đều làm nghề lái xe taxi, đỗ chờ khách ở Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận: thành thông lệ, cứ khoảng 15 giờ hằng ngày, đối tượng Đỗ Văn Quý, sinh năm 1983, ở số 14 phố Lam Sơn, phường Lam Sơn (quận Lê Chân) đứng ra cầm cái để cả nhóm cùng chơi xóc đĩa. Để bảo đảm an toàn, các đối tượng thống nhất mỗi người bỏ ra 50 nghìn đồng thuê Bùi Đức Hậu, sinh năm 1982, ở tổ dân phố Đồng Lập, phường Đồng Hòa (quận Kiến An) cũng là lái xe taxi, làm nhiệm vụ cảnh giới. Bất kỳ động tĩnh nghi ngờ nào sẽ được thông báo để ổ nhóm cờ bạc nhanh chóng giải tán.

Theo Trưởng Phòng PC45 Lê Hồng Thắng, mặc dù lúc đầu hoạt động manh mún, không có tổ chức, nhưng càng ngày nhóm đối tượng trên càng bộc lộ tính chuyên nghiệp, có sự phân công người cầm cái và cảnh giới đề phòng lực lượng chức năng. Hành vi tổ chức đánh bạc thường xuyên trên vỉa hè làm gia tăng nguy cơ gây mất an ninh trật tự,cũng như ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Phòng PC45 ra quyết định tạm giam 8 đối tượng tổ chức, tham gia đánh bạc để tiếp tục điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, thực tế sau khi nhóm đối tượng này bị bắt, tình trạng tụ tập đánh bạc tại khu vực này không giảm. Buổi chiều hằng ngày, nhiều tốp lái taxi tụ tập sát phạt nhau. Để giải quyết tận gốc tình trạng này, bên cạnh những cuộc đột kích bất ngờ của lực lượng Phòng PC45, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền và công an địa phương trong việc tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn thường xuyên, bởi sự xuất hiện của lực lượng chức năng là biện pháp hữu ích để ngăn chặn tình trạng tụ tập đánh bạc. Ngoài ra, theo Trưởng Phòng PC45 Lê Hồng Thắng, các đối tượng đánh bạc hầu hết là lái xe taxi, do đó các hãng xe cũng cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về hành vi phạm pháp này, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Việc này vừa giúp ổn định an ninh trật tự vừa tránh hiện tượng người lao động làm mất hình ảnh của chính các hãng xe. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

5. Hải Phòng: Bàng hoàng phát hiện một thi thể phụ nữ tại nhà riêng

Sáng 23/5, Công an quận Lê Chân (Công an TP Hải Phòng) xác nhận, trên địa bàn vừa phát hiện một phụ nữ tử vong tại nhà riêng. Nạn nhân được xác định là chị Phan Thị H. (44 tuổi, trú tại ngõ 173, Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng).

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 21h ngày 22/5, một người quen đến nhà tìm gặp chị H. thì phát hiện chị bị tử vong tại phòng khách, trong tình trạng lõa thể. Thời điểm đó, trong nhà chỉ có một mình chị H.

Nhận tin báo, cơ quan chức năng đã đến hiện trường để làm rõ theo quy định. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết.

Thông tin ban đầu, việc khám nghiệm cho thấy trên cơ thể nạn nhân không có thương tích và không có dấu hiệu tác động ngoại lực.

Một cán bộ điều tra Công an quận Lê Chân cho biết, nạn nhân bị ung thư giai đoạn cuối nên có thể nguyên nhân tử vong là do bệnh lý.

Được biết, trước khi xảy ra sự việc, chị H. sống trong ngồi nhà cùng với người con trai 17 tuổi.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ. (Pháp luật Plus 25/05/2016)

GIAO THÔNG

6. Hải Phòng: Xe đạp điện va chạm với xe chở rác, một phụ nữ tử vong

Vào hồi 8h sáng nay (24/5) tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Tp Hải Phòng đã xảy ra va chạm giữa xe chở rác BKS: 16M – 9387 với một xe đạp điện.

Cú va chạm đã khiến người phụ nữ điểu khiển xe đạp điện bị cuốn vào gầm và bị bánh xe chở rác cán chết tại chỗ.

Theo ghi nhận, khu vực xảy ra vụ tai nạn nằm tại ngã ba phố Đông Trà, đoạn giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh

Nhận tin báo lực lượng CSGT và Công an quận Lê Chân có mặt tại hiện trường, điều tiết giao thông đồng thời tiến hành các bước điều tra về việc

Được biết, chiếc xe chở rác trên của một đơn vị xử lý rác có địa chỉ tại quận Kiến An, đang trên đường từ bãi rác Đình Vũ. (Báo điện tử Tầm nhìn 25/05/2016; Báo Giao thông 25/05/2016)

7. Thông xe qua cầu Rào ngày 31-5-2016

Theo Ban quản lý dự án khu vực các công trình giao thông vận tải, gói thầu CW 4A thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng sẽ hoàn thành hạng mục hầm chui cầu Rào trong tháng 5-2016. Như vậy, ngày 31-5-2016, các phương tiện sẽ lưu thông bình thường trở lại qua cầu Rào đi quận Dương Kinh, Đồ Sơn và ngược lại.

Hiện, hầm chui cầu Rào đổ xong nắp hầm, đơn vị thi công đang thực hiện rút cọc cừ để đổ lớp BA xuống cạnh khe rãnh đoạn cắt cầu Rào với hầm chui. Các nhà thầu huy động 3-4 máy xúc, máy ủi, lu…tổ chức lu lèn, bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật, chuẩn bị cho ngày thông cầu. Tại phần cầu của cầu Rào, công nhân Công ty CP Đường bộ Hải Phòng tập trung sửa chữa lan can, đặt lại khe co giãn, trang trí lại cầu Rào. Với việc thông cầu Rào vào ngày 31-5- tới, hạng mục này vượt 45 ngày so với yêu cầu đề ra. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

8. Vụ bê tông hầm chui cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cậy được bằng tay: "Không có việc "rút ruột" công trình"

Đó là khẳng định của ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ngày 24-5.

- PV: Kết quả kiểm định về khiếm khuyết hầm chui dân sinh (trên địa bàn thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội được người dân phản ánh có thể dùng tay cậy bê tông) có đảm bảo tính khách quan và chính xác, thưa ông?

- Ông Vũ Hữu Thành: Chiều 20-5, đơn vị tư vấn kiểm định là Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng đã kiểm tra cường độ bê tông cống chui bằng phương án siêu âm kết hợp súng bật nẩy. Kết quả kiểm định tại 21 vị trí thì phát hiện có 2 vị trí không đạt yêu cầu về cường độ thiết kế (>25Mpa), cụ thể 2 điểm này chỉ đạt 20 và 23 Mpa.

Đơn vị kiểm định này là đơn vị độc lập, không thuộc Vidifi cũng không thuộc nhà thầu thi công và đang làm việc cho Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để kiểm định một số hạng mục thuộc dự án này. Ban đầu, nhìn nhận về mặt hiện tượng, các chuyên gia và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng đã kết luận là do bê tông bị mất nước trong quá trình co ngót.

- Tức là do sơ suất, không phải do chất lượng thi công hay vật liệu?

- Chúng tôi đã kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hồ sơ quản lý chất lượng trong quá trình thi công khi có nghi ngờ bê tông kém chất lượng. Nhưng kết quả rà soát cho thấy, tất cả các mẫu bê tông trong quá trình thi công đều đạt yêu cầu. Do vậy, có thể khẳng định, ở đây không có vấn đề về chất lượng bê tông hay “rút ruột” xi măng, hay trộn cẩu thả hoặc dùng đá chất lượng kém. Vị trí bị khiếm khuyết cũng không ảnh hưởng tới kết cấu công trình, đây chỉ là lớp bê tông bảo vệ.

- Dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có bao nhiêu hầm chui dân sinh, các hầm khác có hiện tượng này không? Liệu có phải Vidifi chỉ quan tâm đến bề mặt cao tốc, còn một số hạng mục phụ như hầm chui dân sinh thì xem nhẹ?

- Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng số 111 hầm chui dân sinh, trung bình mỗi hầm chui có giá trị đầu tư 3,5 tỷ đồng. Số tiền đầu tư rất lớn và trong mỗi hạng mục đầu tư, Vidifi đều cẩn trọng, quan tâm rất kỹ. Chúng tôi đầu tư tuyến đường này và sẽ vận hành, quản lý 30 năm chứ không phải đầu tư xây dựng xong thì bàn giao cho đơn vị khác. Do đó, nếu chất lượng kém, dân cư xung quanh không hài lòng thì trong quá trình chúng tôi quản lý, vận hành phải chịu áp lực lớn.

Do đó, từng hạng mục dù nhỏ đều được quan tâm chứ không phải chủ đầu tư chỉ quan tâm đến làm mặt đường thật đẹp, còn các hạng mục phụ trợ nhỏ khác thì xem nhẹ. Tới nay, qua kiểm tra, các hầm chui khác chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Một số hầm chui phía đầu Hải Phòng đã đưa vào khai thác 1 năm nay và chất lượng vẫn đảm bảo.

- Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đạt lượng khai thác như thế nào? Vidifi có chính sách gì để thu hút dòng phương tiện trên QL5, đặc biệt là xe khách và xe container?

- Hiện tại, lưu lượng phương tiện trên cao tốc từ 1-1-2016 đến nay đạt trung bình hơn 16.000 lượt xe/ngày, trong đó lưu lượng xe có thu phí đạt khoảng 15.000 lượt, doanh thu đạt trung bình 1,9 tỷ đồng/ngày. Tổng lượng xe đã phục vụ từ đầu năm tới nay đạt 2,3 triệu lượt xe, tổng doanh thu 270 tỷ đồng.

Để thu hút xe khách và container đi vào cao tốc, giảm tải cho QL5, từ 1-4-2016, Vidifi đã giảm 35% mức phí cho đối với xe container loại 5. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai hệ thống thu phí trả trước. Lái xe hoặc doanh nghiệp sẽ mở tài khoản, xe đi qua sẽ chỉ việc quẹt thẻ, hệ thống sẽ tự động trừ tiền. Cuối tháng, chúng tôi sẽ gửi bản cước phí này đến khách hàng. (Báo An ninh thủ đô 25/05/2016)

9. Hầm chui trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Bê tông bở hơn vôi!

Có vốn đầu tư trên 45.000 tỉ đồng, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xem là hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, người dân đã phát hiện bê tông tại hầm chui dân sinh của tuyến cao tốc này tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) chỉ dùng tay cũng có thể cậy được đá dăm.

Có vấn đề về chất lượng?

Hầm chui dân sinh tại thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) được thiết kế rộng 6,5m, cao 3,2m, dài 35m, đổ bằng bê tông toàn bộ. Đây là một hạng mục thuộc gói thầu EX-1B, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do TCty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư.Theo phản ánh của một số người dân thôn Xuân Thụy, thì vào khoảng giữa tháng 4.2016, một chiếc xe tải đi ẩu đã va vào cửa hầm, khiến một mảng bê tông bị vỡ bung ra. Mảnh vỡ toàn đá răm không có sự gắn kết của cát và xi măng, một số người tò mò đã dùng tay cậy thì đá răm trên bức tường bê tông rơi lả tả xuống đất.

Người dân đề nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra, làm rõ chất lượng cống và xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua đây.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Bộ GTVT Trần Xuân Sanh, qua phản ánh của người dân về chất lượng thi công hầm chui dân sinh tại Km4+900 trên địa phận xã Kiêu Kỵ, thuộc Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cục đã cùng chủ đầu tư là Vidifi đi kiểm tra hiện trạng và có thể khẳng định, phản ánh của người dân là có cơ sở.

Theo đó, Cty CP đầu tư xây lắp dầu khí IMICO trực tiếp thi công đổ bê tông, được hoàn thành vào tháng 3.2015; tư vấn thiết kế là TCty thiết kế GTVT; tư vấn giám sát là Liên danh Meinhardt International và Tư vấn xây dựng Nhật Việt.

Đại diện Vidifi cho biết, bê tông dùng đổ hầm chui do Cty TNHH MTV bê tông TRANSMECO cung cấp, được trộn từ nhà máy chở đến và đã được kiểm tra chất lượng từng xe trước khi đổ nên đảm bảo chất lượng. Trước khi đưa vào khai thác, hầm chui được kiểm định, nghiệm thu chặt chẽ.

Tổng Giám đốc Vidifi Nguyễn Văn Tỉnh cũng cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và báo chí, đơn vị sẽ thuê tư vấn độc lập kiểm định, xác định mức độ và phương án khắc phục. Đơn vị nào sai ở đâu, sẽ phải chịu trách nhiệm, vì công trình đến 31.12.2018 mới mới hết thời hạn bảo hành. Do vậy nếu lỗi do nhà thầu thì phải chịu toàn bộ chi phí khắc phục.

Nhà thầu phải chịu mọi chi phí

Sau khi kiểm tra hiện trường, QLXD&CLCTGT đã có báo cáo gửi Bộ GTVT nêu rõ hiện tượng bê tông bị bong tróc (bên phải tuyến) với kích thước khoảng 20x50x5cm như người dân phản ánh là có cơ sở.

Nguyên nhân sơ bộ ban đầu có thể đánh giá là khi đổ bê tông ván khuôn không tốt làm mất nước, công tác đầm bê tông trong quá trình thi công tại góc ván khuôn chưa tốt.

Do vậy, Cục QLXD&CLCTGT kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu Vidifi khẩn trương lựa chọn một đơn vị tư vấn kiểm định có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác kiểm định độc lập, đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục chất lượng bê tông tại hầm giao thông dân sinh km4+900 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Ngày 21.5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) chỉ đạo Vidifi lựa chọn một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập có đủ năng lực và kinh nghiệm để tiến hành kiểm định chất lượng thi công tại hầm chui này.

Xác định nguyên nhân xảy ra hiện tượng bong tróc bê tông và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác. Vidifi chỉ đạo nhà thầu khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại về chất lượng tại hầm giao thông dân sinh nêu trên, xong trước ngày 30.5.2016. Toàn bộ kinh phí sửa chữa, khắc phục do nhà thầu chi trả. (Báo Lao động Thủ đô 25/05/2016)

GIÁO DUC - ĐÀO TẠO

10. Phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, các sĩ tử lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Thời điểm này, Sở GD-ĐT đã hoàn tất công tác tập huấn tổ chức thi cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; tổng hợp hồ sơ đăng ký dự thi của các thí sinh… Cụm thi Hải Phòng do Trường ĐH Hàng hải chủ trì cũng lên phương án chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực… để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Kỳ 1: Tập trung ôn tập

Theo tổng hợp của Sở GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, toàn thành phố có 18.896 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số này có 6.057 thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ 32%); số thí sinh chỉ đăng ký thi để tuyển sinh đại học, cao đẳng là 1.136 (chiếm tỷ lệ 6%); còn lại là các thí sinh đăng ký thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Trong số 8 môn thi được các thí sinh đăng ký, ngoài Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc thì Lịch sử vẫn là môn ít thí sinh đăng ký nhất (1.154 thí sinh); Địa lý là môn được thí sinh đăng ký nhiều nhất (10.062 thí sinh).

Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, sau khi tổng hợp hồ sơ đăng ký dự thi và phân loại thí sinh theo các môn thi đăng ký, trong các ngày từ 16 đến 19-5, Sở GD-ĐT đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 để các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên chủ động lên phương án ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng tổ chức tập huấn về công tác coi thi, chấm thi, phần mềm quản lý thi… cho các cán bộ coi thi, bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai theo chỉ đạo về đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT. Sở GD-ĐT cũng chú trọng đẩy mạnh công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh; cung cấp thông tin đầy đủ về thi và tuyển sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi, tuyển sinh bảo đảm đúng quy chế.

Tại các trường THPT, công tác ôn tập 8 môn thi cho học sinh lớp 12 đã được tiến hành từ nhiều tháng trước, song song với việc hoàn thành chương trình chính khóa lớp 12. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT An Dương, nhà trường có 444 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó 34 em chỉ thi để xét tốt nghiệp. Để việc ôn tập được hiệu quả, nhà trường đã chia thời gian ôn thi làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 18-4 đến 14-5 là vừa ôn thi, vừa hoàn thành chương trình chính khóa.

Từ ngày 15-5 đến 25-6, trường phân loại học sinh theo môn thi, chia lớp để thuận tiện cho việc ôn tập. Với những môn thi có đông học sinh đăng ký như môn Vật lý (239 em) thì việc tổ chức ghép lớp, ôn thi không có gì khó khăn nhưng với môn Lịch sử, cả trường có 8 học sinh đăng ký, nhà trường vẫn phải bố trí thầy cô, chuẩn bị đề cương ôn tập bảo đảm đúng với chương trình đề ra. Cũng theo thầy Thanh: “Bên cạnh việc ôn tập theo chương trình trên lớp, học sinh cũng cần phải phát huy tính chủ động, tự học vì sau khi kết thúc thời gian học chính khóa ở trường, các em còn 1 tháng ôn tập trước khi thi”.

Cũng với cách chia thời gian ôn tập như Trường THPT An Dương, Trường THPT Kiến An đã chủ động lên kế hoạch ôn thi cho học sinh lớp 12 từ nhiều tháng trước. Theo ông Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường, trước khi học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trường đã tổ chức các buổi tư vấn cho học sinh và phụ huynh, phân tích về cách tổ chức thi, năng lực của học sinh để đăng ký môn thi phù hợp. Giáo viên chủ nhiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, tư vấn cho học sinh lựa chọn khối thi theo đúng sở trường của từng em để có kết quả cao nhất.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của trường đã tham gia xây dựng đề cương ôn tập 8 môn thi, sau đó gửi lên Sở GD-ĐT để thẩm định và triển khai trong toàn trường. Ngay cả môn Lịch sử có ít học sinh đăng ký thi nhất (14 em), giáo viên cũng xây dựng đề cương chi tiết và hoàn chỉnh. Chính vì vậy, tất cả các giáo viên tham gia ôn tập và học sinh của trường đều hoàn toàn chủ động với chương trình ôn thi.

Theo cấu trúc đề thi được Bộ GD-ĐT công bố và hướng dẫn ôn tập của Sở GD-ĐT, đề thi năm nay về cơ bản giống năm 2015 theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT lớp 12, tăng cường các câu hỏi mở gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, theo đánh giá của các thầy cô giáo tham gia ôn tập thi cho học sinh lớp 12, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là đã có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. (An ninh Hải Phòng 25/05/2016)

11. Hải Phòng: Trả giấy báo dự thi cho thí sinh trước ngày 15/6

Còn hơn 1 tháng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra. Thời điểm này, Sở GD&ĐT đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, thành công.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hải Phòng, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có 18.896 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 12.519 thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng; 6056 thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT.

Ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng -cho biết: Hiện nay Sở đã và đang chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn ổn định tâm lý cho học sinh đồng thời hướng dẫn học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi. Hiện các trường đã bàn giao hồ sơ cho Sở và Sở đã bàn giao hồ sơ cho cụm thi.

Theo kế hoạch trước ngày 10/6, các cụm thi phải hoàn thành việc xếp phòng thi; trước ngày 15/6 sẽ trả giấy báo dự thi cho thí sinh.

Đến trước ngày 20/7 phải hoàn thành công tác chấm thi. Việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ hoàn thành trước ngày 25/7; sau đó tiến hành in và trả giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 30/7.

Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, phương án bố trí nơi ăn, nghỉ, đưa, đón và quản lý học sinh trước, trong và sau thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Đồng thời, nắm bắt đầy đủ thông tin học sinh dự thi (nơi nghỉ, điện thoại liên hệ) để có sự phối hợp tốt với phụ huynh trong việc bố trí ăn, nghỉ, đôn đốc nhắc nhở học sinh dự thi.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan như: Điện lực, công an, y tế ...nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và thành công (Báo Giáo dục & Thời đại 25/05/2016, Việt Báo.vn 25/05/2016)

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

12. Cơ cấu trà lúa, giống lúa chuyển dịch tích cực, hiệu quả

Sáng 24-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ xuân, triển khai kế hoạch vụ mùa; đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi.

Vụ xuân năm 2016, diện tích trồng cây rau màu đạt 7.722ha, bằng 98,38% kế hoạch; diện tích gieo cấy lúa xuân 35.723ha, đạt 97,87% kế hoạch, giảm 983ha so với vụ xuân năm 2015. Trong đó, huyện Kiến Thụy giảm lớn nhất 294ha, huyện Vĩnh Bảo giảm ít nhất 66,7ha. Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố triển khai hỗ trợ giống lúa mới, giống tiến bộ gieo cấy được 4.122ha lúa; trình diễn 12 mô hình giống lúa mới tương ứng 820ha làm mô hình điểm để các địa phương nhân rộng ra ngoài sản xuất. Tình hình sâu bệnh hại cây trồng, lúa diễn biến phức tạp do trong tháng 3, đầu tháng 4 có số giờ nắng ít, lúa sinh trưởng phát triển chậm. Tổng diện tích lúa nhiễm các loại sâu bệnh hại là gần 47ha, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các địa phương chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh đạt hiệu quả.

Vụ mùa năm 2016, toàn thành phố có kế hoạch triển khai gieo cấy38.850 ha, phấn đấu năng suất 57,25 tạ/ha, sản lượng 222.407 tấn. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

13. Năng suất lúa vụ Xuân 2016 ước đạt 69,5 tạ/ha

Sáng 24-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ xuân, triển khai kế hoạch vụ mùa; đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi.

Vụ xuân năm 2016, diện tích trồng cây rau màu đạt 7.722ha, bằng 98,38% kế hoạch; diện tích gieo cấy lúa xuân 35.723ha, đạt 97,87% kế hoạch, giảm 983ha so với vụ xuân năm 2015. Cơ cấu trà lúa, giống lúa chuyển dịch tích cực khi diện tích trà xuân muộn tăng 0,4%, lúa chất lượng cao tăng 0,42%. Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố triển khai hỗ trợ giống lúa mới, giống tiến bộ gieo cấy được 4.122ha lúa; trình diễn 12 mô hình giống lúa mới tương ứng 820ha làm mô hình điểm để các địa phương nhân rộng ra ngoài sản xuất. Lúa xuân gieo cấy trong khung lịch thời vụ, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Đến ngày 22-5 có 32.150ha lúa trỗ, bằng 90% diện tích gieo cấy; dự kiến tập trung thu hoạch từ 15-6 đến 30-6; năng suất ước hoàn thành kế hoạch 69,5 tạ/ha. Các địa phương chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh, đạt hiệu quả tốt.

Vụ mùa năm 2016, toàn thành phố có kế hoạch triển khai gieo cấy38.850 ha, phấn đấu năng suất 57,25 tạ/ha, sản lượng 222.407 tấn. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

KINH TẾ

14.Đầu tư tiền tỷ, một chủ đầm nguy cơ trắng tay

Mong muốn phát triển kinh tế gia đình, nhà ông Trần Ngọc Mạnh (SN 1969, trú tại 273 Bùi Thị Nhiên, phường Đông Hải, Hải Phòng) đã dồn tất cả tiền trong nhà, vay ngân hàng để đầu tư hàng tỉ đồng vào việc tôn tạo, đào đầm nuôi thủy hải sản. Nhưng gia đình ông lại “trắng tay”khi địa phương thu hồi đất phục vụ cho dự án.

Đầu tư tiền tỉ vào khu đầm

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo GĐ&XH, ông Trần Ngọc Mạnh, trú tại 273 Bùi Thị Nhiên, phường Đông Hải, Hải Phòng cho biết, từ năm 2010 UBND TP Hải Phòng có giao cho UBND quận Hải An, sau đó quận này lại giao cho UBND phường Đông Hải 1 quản lý một số diện tích tại bãi bồi đảo Vũ Yên. UBND phường Đông Hải 1 đã cho người dân thuê bãi bồi, sình lầy để cải tạo nuôi trồng thủy sản.

Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, ông Mạnh đã mang hết tiền tích lũy trong nhà cùng với vốn vay ngân hàng được trên 3 tỉ đồng để thuê lại khu đất rộng trên 76.000m2 bãi bồi đảo Vũ Yên. Ông Mạnh đã bỏ ra tiền tỉ để thuê máy móc đào các ao đầm, xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản và các vật nuôi kinh tế khác. Ngoài 76.000m2 thuê lại của ông Phạm Văn An (tổ dân phố Phú Xá 1, phường Đông Hải 1, quận Hải An), gia đình ông Trần Ngọc Mạnh còn khai phá, tôn tạo mở rộng diện tích khu đầm lên tới 92.274,2m2.

Khi mà thủy sản và các vật nuôi ở trang trại chưa cho thu hoạch thì ông Mạnh biết khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đảo Vũ Yên theo quy hoạch chung khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tại phường Đông Hải 1, quận Hải An. Điều khiến gia đình ông Trần Ngọc Mạnh bức xúc là khi thu hồi đất, địa phương không bồi thường hay hỗ trợ một đồng nào.

Có mặt tại khu đầm nuôi trông thủy sản của ông Trần Ngọc Mạnh, phóng viên ghi nhận người nông dân này dựng một căn nhà tạm để trông coi. Các chuồng nuôi bò, dê, lợn cùng với 3 ao nuôi thủy sản được đầu tư bài bản. Chỉ tay vào khối tài sản mà gia đình đã đầu tư tiền tỉ gây dựng, ông Mạnh chua chát nói: “Nếu họ thu hồi, không bồi thường, hỗ trợ, hàng tỉ đồng vay ngân hàng đầu tư vào đây tôi làm sao trả được? Dưới các đầm này tôi nuôi tôm, cua, cá vược vẫn chưa đến ngày thu hoạch”.

Không được hỗ trợ, còn bị phạt

Để tìm hiểu rõ vấn đề, phóng viên Báo GĐ&XH đã liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1, Chủ tịch UBND quận Hải An nhưng các lãnh đạo này đều cáo bận.

Điều tra của phóng viên cho thấy, khu đầm mà ông Trần Ngọc Mạnh bỏ tiền tỉ đầu tư, trước đó được UBND phường Đông Hải 1 giao cho ông Phạm Văn An (tổ dân phố Phú Xá 1, phường Đông Hải 1, quận Hải An). Theo đó, ngày 30/10/2013 ông Phạm Văn An ký hợp đồng giao khoán sản phẩm đầm nuôi trồng thủy sản nước lợ, tài sản do UBND phường quản lý đối với ông Phạm Văn An để trông coi, nuôi trồng thủy sản. Bên thuê phải nộp ngân sách phường là 5 triệu đồng/năm. Diện tích thuê là 76.936,8m2.

Ông An sau đó không có nhu cầu sử dụng phần đất ao đầm này đã cho ông Trần Ngọc Mạnh thuê lại.

Ngày 13/5/2015 UBND quận Hải An có quyết định số 841/QĐ-UBND thu hồi diện tích 92.274,2m2 của ông An, thực tế khu đất trên do ông Mạnh đầu tư, quản lý. Lý do thu hồi đất theo quyết định này là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu vực đảo Vũ Yên theo quy hoạch chung khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Tại quyết định thu hồi này không đề cập đến quyền lợi, đền bù, hỗ trợ cho ông Mạnh.

Không những vậy, ngày 25/11/2015, UBND quận Hải An, TP Hải Phòng còn có quyết định số 2549/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Mạnh vì hành vi chiếm đất, mức phạt là 2 triệu đồng, buộc ông Mạnh trả lại diện tích 92.274,2m2 đất đang nuôi trồng thủy sản.

Không biết rồi đây gia đình ông Mạnh sẽ sống ra sao? (H.Châu - Q.Tuấn - Báo Gia đình & Xã hội 25/05/2016)

15. Nhờ "chiến lược" sản xuất đúng, thu trăm triệu mỗi năm

Chỉ với 4 sào làm trang trại, gia đình anh Phạm Năng Hiển ở thôn Trúc Bạch (xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ “chiến lược” sản xuất đúng đắn.

Trên nuôi ba ba…

Anh Hiển có 1.000m2 ao thả ba ba, một góc ao quây lưới để nuôi vịt trời và một số loài chim nước. Một góc khác, phía trên mặt ao, anh làm chuồng nuôi gà sao và chim trĩ để tiết kiệm diện tích. Ao thả kín bèo tây vì “ba ba ưa nước nông, ao nhà tôi duy trì mực nước từ 0,8 - 1m nên cần có lớp bèo tây giúp ba ba mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hơn nữa bèo góp phần làm sạch nước ao khi chuồng nuôi phía trên thải xuống”, anh Hiển giải thích.

Mỗi năm trang trại xuất 200 - 300kg ba ba thương phẩm, 3.000 con giống. Hiện anh Hiển duy trì đàn bố mẹ hàng trăm con với tỷ lệ đực/cái là 1:3. Ba ba cái 2 năm tuổi bắt đầu đẻ, mỗi năm được 30 trứng. Chúng chỉ đẻ 2 lần vào mùa nóng, từ tháng 4 đến tháng 6.

Anh Hiển cho biết: “Ba ba đẻ trứng ban đêm, đến chiều hôm sau thì tôi bới ra lấy trứng. Phải chú ý tư thế quả trứng nằm như thế nào thì khi đặt vào máy ấp phải đúng như thế mới được. Ví dụ lúc thu trứng thấy mặt trên quả trứng có chấm trắng thì khi đặt vào khay ấp cũng phải xoay sao cho chấm trắng lên phía trên. Trứng ấp 60 - 70 ngày thì nở. Mỗi con ba ba giống tôi bán 15 - 20 nghìn đồng”.

Lứa cuối trong năm, ba ba đẻ vào tháng 6 thì trang trại không cho ấp vì theo anh Hiển, “trứng ấp từ tháng 6 đến tháng 8 nở, khi đó bắt đầu có gió heo may, mà ba ba gặp heo may sẽ ăn ít đi. Con mới nở còn non nớt, ăn ít, lại gặp lạnh nữa sẽ yếu dần rồi chết”. Anh luôn tư vấn người mua ba ba giống không nên bắt đầu thả nuôi vào mùa thu.

Ba ba thịt nuôi 2 năm được 1kg là có thể bán được, nhưng trại anh Hiển nuôi 3 năm, khi ba ba đạt 1,3 - 1,5kg/con mới bán vì từ mức trọng lượng đó, ba ba có giá cao hơn hẳn.

Chuyện ăn uống, ba ba cũng dễ tính. Cơm, cám ngô/thóc, ốc bươu vàng, cá vụn, bèo tây, rau xanh... chúng ăn cả. “Chúng lên ăn như đàn vịt, cứ 1 tạ ba ba ăn khoảng 3kg cá hoặc ốc một bữa. Một ngày cho chúng ăn 1 bữa hoặc vài ngày 1 bữa cũng được. Nếu nuôi cá thì lúc nào cũng nơm nớp lo cá bệnh, còn ba ba quanh năm không bệnh tật gì. Chỉ có điều, trong khi ba ba nuôi ở miền Nam ăn quanh năm, lớn nhanh thì ba ba ở miền Bắc không ăn trong suốt mùa đông lạnh, dài 3 tháng, thậm chí 4 tháng. Trong thời gian ấy, chúng ngừng lớn”, anh Hiển nói.

…Dưới nuôi gia cầm, thủy cầm đặc sản

Theo ông chủ trang trại này, vì nuôi ba ba rất nhàn rỗi và lâu được thu hoạch (3 năm) nên phải kết hợp nuôi nhiều loại con khác để tận dụng thời gian. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Hiển nuôi chim trĩ, vịt trời, gà sao vì thời gian nuôi những giống này ngắn, chỉ 3 - 4 tháng/lứa.

Với máy ấp trứng tự chế, trang trại cũng tự sản xuất giống các loại vật nuôi này, vừa duy trì đàn, vừa bán con giống. Ban đầu, anh Hiển đầu tư 10 triệu đồng mua 100 con chim trĩ, sau vài năm, anh đã có 2.000 con. Nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất chuồng, giá 500 nghìn đồng/cặp trống mái (khoảng 2,6kg/2 con).

Đàn vịt trời của trang trại có khoảng 300 con. Anh bán cho các nhà hàng 150 nghìn đồng/con. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt trời, anh cho biết, khi vịt còn nhỏ, phải ngăn riêng mỗi ô 50 con để tránh trường hợp khi trời lạnh, vịt dồn thành đống thì những con trong cùng sẽ bị chết ngạt. Cứ 3 tháng trở đi thì cắt cánh để vịt khỏi bay, đồng thời cũng giúp khách hàng không phải lo giữ vịt.

Ngoài ra, trang trại còn nuôi đàn gà sao 200 con, cứ 4 tháng lại xuất bán một lứa. Hiện anh Hiển bán 500 nghìn đồng/cặp (khoảng 1,6kg/con).

Cả chim trĩ, gà sao, vịt trời đều ăn cám ngô trộn bèo tây, rau xanh, trong đó rau, bèo có thể chiếm 50 - 60% khẩu phần để giảm chi phí. Vịt trời thì không cần chuồng trại cẩn thận, vịt dính mưa cũng không sao, còn chim trĩ và gà sao cần quây nhốt kín để chúng không bay mất.

Trang trại còn đang nuôi thử nghiệm một số loài chim nước khác và ngỗng trời. Nếu kết quả tốt, sẽ mở rộng quy mô nuôi. Chủ trang trại chia sẻ kinh nghiệm: “Khi nuôi những loài đặc sản với quy mô hộ gia đình, số lượng đàn tương đối nhỏ thì điều quan trọng nhất là phải có liên kết trong sản xuất để có đủ số lượng cung cấp đều đặn cho khách hàng lớn như những nhà hàng, siêu thị… Tôi thường kết hợp với 3 - 4 hộ nữa cùng nuôi những giống này, nếu nhà này hết hàng thì những nhà kia sẽ cung cấp”.

Cũng theo anh Hiển, hướng chăn nuôi này cần nhiều vốn do giá con giống cao nhưng so với nuôi những giống thông thường thì lợi nhuận gấp nhiều lần. (Danviet.vn 25/05/2016)

16. Mong muốn Tập đoàn LG Innotek sớm đầu tư vào Hải Phòng

Chiều 24- 5, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn LG Innotek ( Hàn Quốc). Cùng dự có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo BQL Khu Kinh tế; các ngành liên quan; lãnh đạo Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc…

Ông Kim Jenong Dae, Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách tài chính cho biết, LG Innotek sản xuất màn hình LCD từ năm 2000; năm 2005 bắt đầu sản xuất camera điện thoại và hiện là nhà sản xuất số 1 thế giới về mặt hàng này, cung cấp camera cho điện thoại thông minh của các hãng Apple, LG và nhiều hãng điện thoại khác. Năm 2015, doanh thu mặt hàng này của tập đoàn trên toàn cầu đạt 3 tỷ USD. Ngoài ra, LG Innotek còn sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao sử dụng trên xe hơi… Tập đoàn hiện có 5 nhà máy sản xuất và 9 pháp nhân phân phối, bán hàng trên toàn cầu, mức tăng trưởng hằng năm đạt 20%. LG Innotek đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam và Hải Phòng là địa phương tập đoàn mong muốn được đặt nhà máy. Ông Kim Jenong Dae bày tỏ một số băn khoăn về việc cung cấp nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là việc cung cấp điện ổn định, an toàn và mong muốn lãnh đạo thành phố quan tâm, hỗ trợ…

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành bày tỏ quan điểm ủng hộ và mong muốn LG Innotek sớm đầu tư vào Hải Phòng. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, Hải Phòng đang hội đủ các điều kiện về nhân lực lao động, cơ sở hạ tầng, giao thông... đáp ứng được yêu cầu của LG Innotek.

Hải Phòng có nhiều chính sách ưu đãi áp dụng cho Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và quan trọng hơn là quyết tâm cao của cả bộ máy nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho nhà đầu tư. Đồng chí đề nghị LG Innotek sớm quyết định và đầu tư xây dựng nhà máy tại Hải Phòng ngay trong tháng 6.

Ông Kim Jenong Dae trân trọng cảm ơn thiện chí của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và cho biết, sẽ sớm báo cáo HĐQT để đưa ra quyết định sớm nhất, đáp ứng sự kỳ vọng của cả hai bên. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

17. Tập đoàn BRG lọt top 10 chủ đầu tư hàng đầu tại BCI Asia Awards năm 2016

Ngày 20/5 tại TP HCM, Tập đoàn BRG đã được vinh danh Top 10 công ty chủ đầu tư hàng đầu năm 2016 trong lễ trao giải BCI Asia Awards năm 2016 với Dự án Khách sạn 5 sao, Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp tại địa chỉ 14 Trần Quang Khải, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Dự án được thực hiện trên tổng diện tích đất hơn 8.300m2 gồm 2 khối nhà là Khách sạn 5 sao mang thương hiệu Hilton Hải Phòng Hotel & Residences và Trung tâm Thương mại, Căn hộ cao cấp với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách tân cổ điển toát lên sự sang trọng đặc trưng của thương hiệu Hilton.

Trải qua hơn 20 năm phát triển, cho đến nay Tập đoàn BRG đã và đang có những bước phát triển vững chắc, trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu, với các chuẩn mực của quốc gia và khu vực, cung cấp các dịch vụ chất lượng hoàn hảo trong nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, sân gôn, thương mại, bán lẻ, dịch vụ, sản xuất và xây dựng. Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn BRG đã và đang triển khai các dự án tại các thành phố lớn và các khu vực kinh doanh trọng điểm theo bốn hạng mục bao gồm các tòa nhà thương mại BRG Commercial, các tòa nhà căn hộ chung cư BRG Homes, các tòa nhà biệt thự cho thuê cao cấp BRG Suites và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng BRG Hospitality. Mỗi sản phẩm mang thương hiệu BRG đều được xây dựng trên những tiêu chí cao về phong cách thiết kế cũng như chất lượng và thể hiện sự khác biệt bởi những sáng tạo nhằm mang đến giá trị thực tiễn cho người sử dụng.

Bên cạnh dự án được lựa chọn trao giải năm nay là Dự án Khách sạn 5 sao, Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp với tên gọi Hilton Hải Phòng Hotel & Residences, Tập đoàn BRG hiện đang đưa ra thị trường các sản phẩm trải rộng ở nhiều phân khúc khác nhau như dự án AquaSpring tại 282 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân (Hà Nội), dự án chung cư cao cấp Oriental Westlake tại 174 Lạc Long Quân, Tây Hồ (Hà Nội) và dự án biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng, hiện đại mang tên BRG Coastal City tại Đồ Sơn (Hải Phòng).

Giải thưởng Top 10 công ty chủ đầu tư hàng đầu năm 2016 là sự ghi nhận quý báu cho những nỗ lực không ngừng của Tập đoàn BRG trên con đường phấn đấu là một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam và trong khu vực. Đây cũng là niềm vui cũng như niềm tự hào của toàn bộ cán bộ công nhân viên tập đoàn cho những cam kết đóng góp hết mình vào sự phát triển chung cả nước.

BCI Asia Awards được đánh giá là giải thưởng có uy tín của ngành xây dựng và bất động sản trong khu vực, đồng thời là một diễn đàn giao lưu trong nước và quốc tế giữa các công ty kiến trúc, chủ đầu tư, nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ ưu tú. Giải thưởng BCI Asia Awards được tổ chức thường niên tại bảy nước khu vực châu Á, bao gồm Hongkong, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thailand và Việt Nam. Các giải thưởng BCI Asia nhằm mục đích khuyến khích sự sáng tạo của ngành kiến trúc có trách nhiệm với xã hội. (Báo Xây dựng 25/05/2016, Báo Hà Nội mới 25/05/2016)

18. Buồn vui kinh tế vỉa hè

Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới, những khoảng vỉa hè bé nhỏ vốn gánh vác chức năng công ích lại là nơi cưu mang cuộc sống của của bao gia đình như ở nước ta. Và cũng không biết tự bao giờ, trăm ngàn vạn kế mưu sinh nơi hè đường đã tạo lập hẳn thành một “ngành kinh tế” của xã hội…

Kỳ 1. Nơi người nghèo dung thân

Chưa thể thống kê chi tiết những nghề dành cho người nghèo ở vỉa hè Hải Phòng, có thể là hàng trăm, hàng ngàn nhưng phân nhóm lại chủ yếu là hai dạng hình: kinh doanh và dịch vụ, mà điển hình nhất là bán nước, quà sáng, giải khát, rau quả, hàng rong, hoặc có khi chiếm cả đoạn hè dài như chợ đồ cũ ở các phường Quang Trung, Phạm Hồng Thái, Dư Hàng; rồi xe ôm, cắt tóc, trông xe, dán đề can, sửa xe đạp, đánh giầy… Phải thừa nhận, ngoài sự kiết kiệm về thời gian và giá cả, khách hàng của dịch vụ vỉa hè có cái thú riêng là hưởng thụ không khí thoáng đạt dân dã, nghe được nhiều chuyện trên trời dưới đất. Đôi khi những điều lượm lặt được ở đây chính là một kho kiến thức đồ sộ, giúp cho người ta vỡ vạc được nhiều điều.

Trong số đa dạng các loại nghề ấy, nghề dễ kiếm tiền nhất ở vỉa hè có lẽ là bán nước chè, không cần sắm nhiều dụng cụ, chỉ một đôi tích ủ nóng, mấy chiếc ghế nhựa bệt, vài bao thuốc lá… kiếm chỗ gần hàng ăn hoặc công sở là mãn nguyện.

Chị H. bán nươc ở Bến xe Cầu Rào nhẩm tính, sơ sơ mỗi ngày bán 100 chén trà được 200 nghìn đồng, trừ đi hết 50 nghìn đồng (hai lạng trà rẻ tiền), thuốc lá bán lẻ ngày chạy ngày ế, bình quân cũng được bảy tám chục ngàn. Chị H. bảo thời gian đầu mới bán, thấy mấy “ông” khách bốc vác vào ngồi nói chuyện băm bổ mà vừa rót nước vừa run cầm cập, mấy năm nay quen rồi, chị không còn ý định tìm nghề khác.

Các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lạch Tray… có vài đoạn tường bao, mỗi nơi cũng tới hơn chục chiếc gương của thợ cắt tóc dựa dẫm, mà hình như anh chàng nào hành nghề “cầm đầu thiên hạ” mồm cũng dẻo như kẹo, biết làm cho khách hàng thư giãn. Cắt tóc vỉa hè có một điêu không kém quan trọng là giá mềm và nếu quen thợ thì có khi còn đẹp hơn cả những cửa tiệm sang trọng.

Anh Trung, một thợ cắt tóc ở đường Lạch Tray cho biết, khách hàng ở đây chủ yếu là sinh viên, bình quân 25 nghìn đồng/đầu, mỗi ngày “cắt” được 10 cái đầu, nhưng vào dịp gần tết có hôm kiếm được hàng triệu đồng. Nhưng cũng với công suất “cắt” đầu “cỏ” thế này, nếu tính giá trên khu vực đô thị trung tâm, thu nhập phải lên gấp rưỡi. Dù là nghề dễ học, vôn ít, nhưng nếu không có vỉa hè mà phải thuê cửa hiệu, mua sắm dụng cụ sang trọng, người lao động nghèo khó có khả năng tồn tại.

Còn ở đường Tô Hiệu, mỗi buổi tối vợ chồng anh Tiến lại đổ giầy dép giá rẻ ra mấy tấm vải mưa trải trên vỉa hè, mượn ánh sáng đèn đường để ngồi “câu” khách vãng lai. Bán được đôi giầy giả da TQ lãi khoảng 10 nghìn đồng, chịu khó mời chào cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng/tối. Anh Tiến tâm sự, nhà ở Dương Kinh, có vài sào ruộng đã chuyển cho doanh nghiệp hết, đứng tuổi nên không công ty nào nhận vào làm công nhân nữa nên hai vợ chồng nghĩ ra kế này, nhưng chỉ dám bán buổi tối.

Thế vẫn còn may, chứ việc chọn nghề không hợp thị trường có khi lại khiến người ta thêm cùng quẫn, như một người thợ tên là Long là một ví dụ. Từ ngày bỏ nghề bơm vá xe đạp chuyển sang nghề mới là sửa mũ bảo hiểm, nhưng vì giá mũ bảo hiểm quá rẻ mà chẳng mấy khi bị hỏng nên người đến sưa mũ cũng chỉ là thay khoá, rút quai, thi thoảng mấy “ông nghiện” đem mũ cắt trộm được đến tân trang. Mỗi ngày ông Long chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng và chưa tìm được chỗ ngồi kiếm cho đủ cơm ăn.

Từ khu vực Trường chính trị Tô Hiệu kéo dài đến cổng Trường đại học hàng hải chỉ có vài chục mét, thế mà vào ban ngày đã có hơn ba chục người hành nghề xe ôm, 7 thợ đánh chìa khoá, 8 hàng bán “xổ số”, 5 hàng nước… Vào buổi chiều muộn đến đêm, khu vực này “đổi ngôi” cho hàng chục quán từ bia hơi, lẩu, nướng đến nước sinh tố, và cũng cỡ chục “sạp” quần áo, chăn gối, giầy dép…

Nhưng không phải lúc nào người ta cũng kiếm ra tiền, có những anh “tài ôm” cả ngày ngồi ngáp cũng không được “cuốc” nào. Hàng ăn uống cũng vậy, trông nhiều vào sự đỏng đảnh của thời tiết, có hôm hàng bún lại sang ăn đỡ cho hàng xôi, hàng xôi giải quyết khâu ế cho hàng bánh cuôn… nhiều khi “lá lành đùm lá rách”, nghĩ mà tội. Một thợ khoá đã ngoài 60 tuổi có biệt danh là Dũng “lùn” than thở: “Ngày càng nhiều người ra vỉa hè, nghề ngỗng người có người không, nhiễu loạn hết cả, tôi vừa chạy xe ôm vừa đánh khóa mà không đủ ăn”.

Khổ nỗi dân nghèo buôn bán dịch vụ vỉa hè không có xác nhận sở hữu quyền sử dụng, ngồi đấy mà nơm nớp lo nay mai bị đuổi. Họ làm ăn thiếu ổn định, ngày nắng ngày mưa, đa số là không còn biết dựa vào nguồn sống nào. Khi được hỏi “Nếu không có vỉa hè thì chị sẽ làm gì?”, một chị bán vé số trên đường Điện Biên Phủ dấm dẳn trả lời: “Trời sinh voi trời sinh cỏ, không có lại xoay sang nghề khác lo gì…”. Tinh thần “cái khó ló cái khôn” là như vậy, người lao động bần cùng bao giờ cũng tràn đầy nghị lực. (An ninh Hải Phòng 25/05/2016)

19. Tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp: Giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), bảo đảm để DN được đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ trong môi trường an toàn, thuận tiện với sự trân trọng của các cơ quan chính quyền là thông điệp lãnh đạo thành phố Hải Phòng chuyển tới cộng đồng DN trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sự tháo gỡ tích cực, hiệu quả hơn. Đây là nội dung trao đổi của Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Hải Phòng Phí Văn Dực với phóng viên Báo Hải Phòng.

- Là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, VCCI Hải Phòng nhận thấy những vấn đề khó khăn DN đang gặp phải là gì, thưa ông?

- Khảo sát PCI của VCCI hai năm gần đây cho thấy thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà vẫn là khó khăn lớn mà hiện nay nhiều DN phải đối mặt. Những lĩnh vực mà DN đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính bao gồm: thủ tục về đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng…

- Ông có thể nêu cụ thể một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp?

- Nhiều DN đang gặp khó về thuê đất để mở rộng mặt bằng SXKD. Việc thực hiện thủ tục về đất đai còn tương đối khó khăn, thậm chí nhiều DN còn lo ngại về sự nhũng nhiễu của cán bộ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vấn đề tiếp cận vốn vay, một số DN cũng cho biết, dù có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, các khoản vay thương mại lãi suất thấp hoặc các khoản vay trung và dài hạn. Thủ tục hành chính phiền hà cũng gây nhiều khó khăn cho DN. Nhiều DN vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức ở mức cao, thậm chí có DN phải chi trả chi phí không chính thức hơn 10% doanh thu hằng năm.

Cùng với đó, thủ tục hành chính thuế cũng còn rườm rà, gây khó khăn cho DN, đặc biệt là hoàn thuế. Một số DN thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị làm rõ hơn phạm vi công việc, trách nhiệm và thẩm quyền của Cục Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan ở cấp cơ sở, vì đôi khi có nhiều bộ phận của hải quan cùng làm việc tại một công ty về một nội dung. DN cũng phàn nàn về việc có quá nhiều đoàn tới thanh tra, kiểm tra nhưng chủ yếu đưa ra cơ chế xử phạt nhằm bắt lỗi DN chứ ít khi để hướng dẫn DN. Một số DN Nhật Bản cho rằng những thông tin liên quan tới công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) chủ yếu hướng dẫn để mua và lắp đặt các thiết bị PCCC mới, mà chưa chú trọng nghiên cứu và cùng nhau thảo luận để đưa ra phương án PCCC tốt nhất đối với các DN trong từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, từ ngày 1- 1- 2016, việc mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 12,4% đang là gánh nặng lớn cho DN, đặc biệt là DN sử dụng nhiều lao động. Do đó, các DN khó có thể duy trì hoạt động SXKD, khó bảo đảm cân đối thu chi tài chính của DN.

Về việc tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của DN, năm 2014 - 2015, VCCI Hải Phòng phối hợp Văn phòng UBND thành phố tổ chức thành công một số cuộc tọa đàm gặp gỡ trực tiếp Hiệp hội doanh nghiệp và DN. Đồng thời, tổ chức các chương trình Cà phê doanh nhân hằng tuần… để tiếp nhận kiến nghị của DN, kết nối DN với lãnh đạo thành phố, cùng chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nhân. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp rõ ràng giữa các sở, ban, ngành nên những hoạt động này chưa được thường xuyên và đạt hiệu quả như kỳ vọng…

- Theo ông, đối với các vướng mắc cụ thể về đất đai nên có những giải pháp gì tháo gỡ cho DN?

- Ngoài việc tiếp cận về đất đai, giá thuê đất hiện nay là vấn đề nhiều DN quan tâm bởi theo họ, tốc độ gia tăng giá thuê đất hằng năm quá cao, lợi nhuận thu được không đủ để trả. Vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước kiểm soát hoặc điều chỉnh giá thuê đất; giảm tiền thuê đất đối với một số DN đủ điều kiện; việc nợ đọng tiền thuê đất từ năm 2012- 2015 nên thu đủ số phải nộp, không tính lãi để giảm bớt khó khăn cho DN. Hiện nay, tại một số nơi, tiền đầu tư vào GPMB, tạo quỹ đất sạch, hạ tầng cơ sở, điện, nước, giao thông… do DN làm nhưng Nhà nước lại thu tiền thuê đất hằng năm là chưa thật sự phù hợp, cần được xem xét lại.

- Ông có những đề xuất như thế nào để giải quyết tốt hơn những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần đưa chỉ số PCI của thành phố vào tốp 10?

- Trước hết, chúng tôi kiến nghị thành phố nên có chính sách để phát triển các DN trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và chuyển giao công nghệ, coi đầu tư cho KHCN là đầu tư để phát triển bền vững. Cải cách thủ tục hành chính vẫn là giải pháp hữu hiệu, có ý nghĩa quan trọng đến việc nâng cao chỉ số PCI. Lãnh đạo thành phố có quyết tâm cao và có giải pháp cụ thể quyết liệt, nhưng việc vận hành ở cấp sở, ngành chưa tốt, phối hợp chưa đồng bộ, các cấp chính quyền cơ sở chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo. Trong thực tế vẫn có khoảng cách nhất định giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp với DN trong tiếp cận và cập nhật thông tin thường xuyên. Vì vậy, phải tăng cường gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với DN, chia thành từng nhóm ngành, lĩnh vực, vấn đề cụ thể, đi khảo sát thực tế, thực hiện một cửa liên thông, tránh rườm rà vòng vo, giảm hội họp chung chung là những biện pháp cần thiết và hiệu quả.

Chúng tôi mong muốn thành phố giao VCCI Hải Phòng phối hợp Văn phòng UBND thành phố, giám đốc các sở, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện trong việc giải quyết những đề xuất, kiến nghị của DN, hằng tháng báo cáo Chủ tịch UBND thành phố để có thêm thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời, hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả.

Theo đề xuất của DN, cũng là mong muốn của VCCI Hải Phòng được là đầu mối trong tập hợp các điển hình tiên tiến thuộc cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân Hải Phòng để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Nhà nước và DN của VCCI.

Với kinh nghiệm hiện có, với đội ngũ cán bộ có năng lực, với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI Hải Phòng mong muốn được tham mưu với lãnh đạo thành phố các giải pháp thực tế để cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố trong thời gian tới. Cụ thể là giúp thành phố xây dựng bộ chỉ số chung cho thành phố, các quận, huyện và sở, ngành liên quan để đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền các cấp và bộ máy sở, ngành, qua đó trở thành động lực để các đơn vị chức năng đổi mới, năng động, sáng tạo hơn trong công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông! (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

20.Hệ sinh thái rạn san hô ven biển Cát Bà suy thoái

Khu rạn san hô quần đảo Cát Bà được cảnh báo là 1 trong 4 khu vực (Cô Tô, Lý Sơn, Cát Bà, Nam Yết) có sự suy thoái nghiêm trọng, trong tổng số 19 khu rạn san hô ven biển Việt Nam.

Khu vực Cát Bà có 81 loài san hô cứng thuộc 31 giống. Hiện, các rạn san hô đang bị suy giảm nhanh chóng. Theo kết quả điều tra hiện trạng rạn san hô và nguồn lợi động vật đáy thân mềm quý hiếm quần đảo Cát Bà do Viện Nghiên cứu hải sản cho thấy, hiện có 61/132 loài san hô, thuộc 26 giống, 11 họ san hô cứng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Thành phần loài san hô cứng suy giảm khoảng 46% so với kết quả khảo sát năm 1993; một số giống, loài san hô có thể biến mất hoặc trở nên khan hiếm. Trước năm 1998, khu vực Cát Bà còn một số rạn thuộc loại tốt và rất tốt, như Ba Trái Đào, Cộc Chèo và Cống Híp. Nhưng đến nay, độ phủ rạn san hô bị suy giảm nhanh; tỷ lệ san hô chết khá cao, đặc biệt rạn Áng Thảm, tỷ lệ san hộ chết lên tới 74,3%, san hộ sống có 7,4% diện tích mặt đáy của khu vực này. Tương tự, khu vực Cống Híp tỷ lệ san hô chết chiếm 40%, san hô sống chỉ có 5%; khu vực ba Trái Đào tỷ lệ san hô chết chiếm 41,9%. Nguyên do khu vực này gần kề với nguồn phát tán ô nhiễm như khu nuôi cá lồng bè, khu dân cư và luồng tàu du lịch. Đáng chú ý, trên mỗi khối san hô chết ở khu vực này đều có phủ bùn, các khối san hô chết bị vùi lấp rất nhanh, nhất là vùng chân rạn. Khu Áng Thảm, 18,3% số diện tích san hô bị phủ bùn. Đây là sự bất lợi cho sự tự phục hồi của rạn san hô, do các ấu trùng san hô khó tìm được giá thể tích hợp để bám và phát triển.

Một trong những nguyên nhân tác động đến rạn san hô tại khu vực quần đảo Cát Bà là việc khai thác hải sản bừa bãi, quá mức như: lưới rê, dùng thuốc độc..., làm cạn kiệt nguồn lợi động vật đáy thân mềm. Bên cạnh đó, việc khai thác trái phép san hô để làm cảnh cũng làm suy giảm các loài san hô trong khu vực. Thêm vào đó, mật độ các bè nuôi hải sản cao, rác thải sinh hoạt hằng ngày từ nuôi trồng thủy sản làm ô nhiễm nguồn nước. Sự dư thừa các chất dinh dưỡng trong nước biển gây ra những đợt ô nhiễm lớn, tạo ra các đợt bệnh dịch thủy sản tràn lan, các đợt thủy triều đỏ.

Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu hải sản đề xuất giải pháp: bên cạnh việc thiết lập khu bảo tồn biển, tuyên truyền của người dân nâng cao nhận thức địa phương, cần chú trọng tái tạo nguồn lợi ven biển, thiết lập các chương trình thả rạn san hô nhân tạo, trồng phục hồi san hô cứng tại các vùng suy thoái nghiêm trọng. Đồng thời, định hướng kế hoạch sinh sản nhân tạo, thả giống nuôi phục hồi và phát triển nguồn lợi trong tự nhiên; trước hết, bảo tồn khôi phục 2 loài động vật thân mềm có giá trị kinh tế cao, quý hiếm trong tự nhiên như bào ngư chín lỗ, ốc đụn cái tại Cát Bà. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

21. Đưa chất lượng ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể

Nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tốt việc tổ chức bữa ăn ca, ăn trưa cho người lao động, tạo sự đồng thuận từ phía công nhân lao động.

Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Khoảng gần 5 giờ chiều tại bếp ăn Công ty TNHH Lihitt Lab Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng), không khí nấu nướng chuẩn bị cho bữa ăn ca chiều nhộn nhịp. Chị Hoàng Thị Nhàn, công nhân chuyền D-gata Công ty TNHH Lihitt Lab cho biết: “Gần 5 năm làm việc tại công ty, tôi rất yên tâm về chất lượng bữa ăn ca cho công nhân. Một phần là do bữa ăn ca sạch sẽ, đầy đủ dinh dưỡng từ rau, thịt, cá, trứng…cho đến hoa quả tráng miệng, phần nữa là vì đến giờ nghỉ cả ban giám đốc và phụ trách các chuyền đều ăn cơm cùng công nhân, vừa tạo không khí gần gũi, thân mật, vừa giúp công nhân yên tâm hơn về chất lượng và vệ sinh bữa ăn”. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lihitt Lab Nguyễn Thị Nghĩa, không chỉ chú trọng dinh dưỡng từng khẩu phần ăn, Công ty TNHH Lihitt Lab quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc kiểm soát đầu vào của nguyên liệu đến việc giữ gìn vệ sinh bếp nấu. Cửa nhà ăn niêm yết thực đơn hằng tuần để người lao động tiện theo dõi chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Hiện tại, công ty áp dụng suất ăn 22 nghìn đồng/người vào các ngày từ thứ 2-thứ 6 và 25 nghìn đồng/người/suất vào thứ 7 hằng tuần.

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty TNHH Việt Trường (đặt tại phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn) hiện tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Nhằm nâng cao sức khỏe, đời sống người lao động, chăm lo bữa ăn ca cho người lao động, thời gian quan, công ty xây dựng bếp ăn và nhà ăn, đầu tư thiết bị nhà bếp hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ. Theo chị Nguyễn Thị Đua, công nhân xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu Công ty TNHH Việt Trường, sau những giờ làm việc mệt mỏi, các chị mong chờ nhất là bữa ăn trưa tại công ty để bổ sung năng lượng cho ca làm việc buổi chiều. Mỗi suất ăn 20 nghìn đồng với đầy đủ dinh dưỡng, nhà ăn rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ giúp người lao động vơi bớt mệt mỏi, bảo đảm năng suất lao động. Ngoài suất ăn trưa, mỗi khi công việc nhiều, công nhân làm thêm giờ, công ty đều tổ chức bữa ăn phụ với sữa và bánh, chè…cho công nhân.

Công ty TNHH Lihitt Lab Việt Nam, Công ty TNHH Việt Trường là hai trong số nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn ca cho người lao động. Trong đó phải kể đến Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng với bữa ăn ca 25 nghìn đồng/người/suất, Công ty Xi măng Hải Phòng, Công ty TNHH Công nghiệp giày Aurora Việt Nam,…. Chính sự quan tâm, chăm lo ấy góp phần gắn kết mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tích cực, giúp người lao động yên tâm sản xuất, đưa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thêm ổn định, phát triển

Đưa bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể

Bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn ca cho người lao động bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca, để xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm đáng tiếc. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hải Phòng) Nguyễn Văn Toản, trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn doanh nghiệp cho người lao động. Gần đây nhất phải kể đến vụ ngộ độc thực phẩm ngày 28-12-2015 tại Công ty TNHH Regina Miracle International (Khu công nghiệp VSIP) của 532 người lao động. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chưa kiểm soát chất lượng nguyên liệu thực phẩm, cách sơ chế chế biến, bảo quản thực phẩm sai khoa học, lựa chọn nơi cung cấp bữa ăn ca không có chứng nhận an toàn vệ sinh lao động…

Ngoài vấn đề an toàn vệ sinh lao động, một số doanh nghiệp tuy tổ chức ăn trưa, ăn ca cho người lao động những mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho người lao động trong mỗi bữa ăn như Nhà máy xử lý rác thải Tràng Cát thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (hỗ trợ 7 nghìn đồng/suất ăn), Công ty TNHH Toyoda Gosei (hỗ trợ 8 nghìn đồng/suất ăn), Công ty TNHH Hào Quang – huyện An Lão (hỗ trợ 7,5 nghìn đồng/suất ăn)…

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Phạm Hữu Thư, thời gian qua các cấp công đoàn thành phố tăng cường tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp để thương lượng, đề xuất, khuyến khích nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, đưa chất lượng bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương thượng thỏa ước lao động tập thể. Song, đến nay, số lượng doanh nghiệp làm tốt bữa ăn ca cho người lao động chưa đáng kể. Nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động theo nội dung Nghị quyết 7c của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người lao động và người sử dụng lao động về dinh dưỡng bữa ăn ca với sức khỏe người lao động. Cụ thể trong Tháng công nhân 2016, các cấp công đoàn tổ chức nhiều chương trình truyền thông về “Dinh dưỡng với sức khỏe người lao động” tại các doanh nghiệp đông lao động; biểu dương doanh nghiệp làm tốt thực hiện chế độ chính sách với người lao động cũng như triển khai bữa ăn ca cho người lao động… Bên cạnh đó, đẩy mạnh đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể về an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; phối hợp cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả giám sát, kiểm tra bảo đảm chất lượng bữa ăn ca. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

22. Nhà ở xã hội "ngóng" chính sách mới

Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội (NOXH) ngừng cho vay, các doanh nghiệp (DN) và người thu nhập thấp đang trông chờ Nhà nước mau chóng có chính sách mới để chính sách nhà ở nhân văn này không bị “đứt đoạn”, giúp các dự án NOXH tiếp tục được triển khai, còn người nghèo tiếp tục được mua nhà.

Chờ động thái mới

Theo số liệu mới nhất về gói 30.000 tỷ đồng, số tiền cam kết cho vay lên đến 34.000 tỷ đồng (trong đó 70% là người dân vay và 30% là DN vay), tiến độ giải ngân được khoảng 75%. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc các ngân hàng dừng triển khai cho vay mới là điều dễ hiểu để có thể giải ngân hết số tiền đã cam kết cho vay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank ban hành các điều kiện, cách thức cho vay ưu đãi đối với NOXH sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía các ngân hàng thương mại này. “Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ còn phải giải ngân nốt gói 30.000 tỷ đồng” , ông Nam nhận xét.

Trong khi chờ đợi gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân hết, một số dự án NOXH sắp triển khai hoặc triển khai dở, chưa kịp vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng đang bị “mắc cạn”. Dự án The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) với quy mô 1.900 căn hộ là một trong những dự án NOXH rơi vào cảnh này. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Hải Phát - chủ đầu tư dự án, cho biết, đúng vào thời điểm dự án này được xác nhận đủ điều kiện vay ưu đãi thì gói 30.000 tỷ đồng khép lại. Ông Tuấn cho biết, nếu bây giờ DN vay thương mại thì giá nhà sẽ tăng cao, người thu nhập thấp sẽ không mua được. Theo quy định, chủ đầu tư được trích 20% quỹ NOXH để kinh doanh thương mại. “Đối với phần nhà này, DN có thể xây dựng giải pháp tín dụng riêng cho khách hàng. Nhưng đối với phần nhà thu nhập thấp thì DN vẫn phải chờ đợi chính sách mới của ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Mặt khác, khi gói 30.000 tỷ đồng khép lại, khả năng mua nhà của người thu nhập thấp sẽ giảm. Anh N.V.Hải (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi hụt hẫng khi gói vay ưu đãi này dừng triển khai. Anh Hải cho biết, cả hai vợ chồng anh đi làm được mấy năm, tích lũy không được bao nhiêu. Mới có được một số tiền nhỏ, vợ chồng anh định vay thêm tiền người nhà và vay từ gói 30.000 tỷ đồng để mua NOXH thì gói vay ưu đãi lại kết thúc. Bởi vậy nên vợ chồng anh chỉ còn biết tiếp tục chờ đợi chính sách khác của Nhà nước để có thể vay tiền mua nhà giá rẻ.

Đang hoàn thiện gói vay mới

Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý NOXH của Chính phủ quy định hai nguồn vốn để phát triển NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán NOXH với các điều kiện ưu đãi. “3% này tương đương 300.000 - 400.000 tỷ đồng là con số tương đối lớn”, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá.

Nguồn vay thứ 2 được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Theo đó, ngân hàng này sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua NOXH với lãi suất tối đa 5%. “Như vậy, thay cho gói 30.000 tỷ đồng, sẽ có 2 gói vay không giới hạn quy mô, thời gian vay với lãi suất thấp dành cho người mua NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ. Người có nhu cầu mua NOXH có thể yên tâm”, ông Nam khẳng định.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thời gian. Mặc dù cơ chế, chính sách đã có, nhưng để được đưa vào thực tế thì cần một “độ trễ” nhất định. Ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ. Hiệp hội BĐS sẽ thúc đẩy Bộ Xây dựng và NHNN nhanh chóng triển khai các chính sách này.

Về phía NHNN, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng các quy trình, quy chế; đồng thời đề nghị Chính phủ về nguồn lực tài chính và lãi suất. Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến trình lên Chính phủ mức lãi suất cho vay thấp hơn 5%/năm. Chính sách xây dựng NOXH là chính sách lâu dài, đã được pháp luật quy định. Sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, việc cho vay sẽ chuyển sang các văn bản hướng dẫn tiếp theo. NHNN đang hướng dẫn cụ thể các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội cách thức triển khai. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

23. Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường Chủ động phòng ngừa, kiểm soát môi trường

Sở Tài nguyên-Môi trường đang triển khai xây dựng đề án “Quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc môi trường (QTMT) đến năm 2025”. Với việc tăng cao cả về quy mô, số lượng điểm quan trắc, đề án góp phần chủ động phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát môi trường.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Hải Phòng Trần Minh Tuấn, trên địa bàn thành phố hiện có 8 điểm quan trắc không khí, 16 điểm quan trắc nước mặt, chưa có điểm quan trắc nước ngầm, nước biển ven bờ và đất. Với mạng lưới trạm quan trắc mỏng như vậy, tần suất và mức độ QTMT trên địa bàn thành phố thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường. Đối với môi trường không khí, bình quân mỗi năm toàn thành phố có 2 đợt quan trắc vào tháng 2 và tháng 8 tại 5 điểm gồm: khu vực Trường đại học Hàng hải, Trường THCS Quán Toan (Hồng Bàng); thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên) và khu dân cư Thắng Lợi (Thủy Nguyên), thôn Mức xã Phục Lễ (Thủy Nguyên). Các thông số quan trắc chủ yếu gồm bụi lơ lửng, khí CO, SO2, NO2 và tiếng ồn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thành phố tiến hành quan trắc nguồn nước 3 sông Rế, Giá và Đa Độ, với tần suất quan trắc 3 đợt/năm, chủ yếu quan tâm tới thông số độ đục, coliform, COD, DO, chất rắn lơ lửng.... Việc quan trắc môi trường nước biển ven bờ phải đến năm 2014 mới được thực hiện. Tuy nhiên, tần suất quan trắc không khí, nước sông, tiếng ồn đến nước ven biển đều ít, nên việc đánh giá môi trường chưa được đánh giá, cập nhật thường xuyên.

Thực tế trên địa bàn Hải Phòng những năm gần đây xảy ra không ít vụ ngộ độc khí thải gây nguy hại sức khỏe người dân, do các cơ sở sản xuất công nghiệp ít được quan trắc môi trường, chỉ đến khi xuất hiện mối nguy hại của khí thải, cơ quan chức năng mới “vào cuộc”. Năm 2012, một số học sinh Trường THCS Quán Toan (quận Hồng Bàng) bị ngất do hít không khí có nồng độ chất độc hại cao như SO2, CO, N. Nguyên nhân được xác định do cơ sở sản xuất thép trên địa bàn chưa tuân thủ quy định về xử lý khí thải. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không thể “chỉ mặt, vạch tên” thủ phạm. Bởi trong khu vực có tới 7 doanh nghiệp sản xuất thép đóng trên địa bàn. Thiếu hệ thống quan trắc nguồn xả nên không đủ căn cứ xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Không những thế, hoạt động QTMT tại Hải Phòng thường bị động, chỉ được thực hiện khi xảy ra sự cố.

Từ cuối năm 2011 đến 2012, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện nhiều lần ở quần đảo Cát Bà, gây thiệt hại lớn cho người nuôi thủy sản với hàng nghìn tấn ngao, cá lồng bè bị chết, tổn thất hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, sự việc xảy ra đột ngột, khiến cơ quan chức năng và người dân không kịp trở tay. Quả vậy, những bất cập trong hoạt động QTMT do đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế, trong khi việc QTMT nhằm cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường, phục vụ yêu cầu tức thời của các cấp quản lý về bảo vệ môi trường; đồng thời, cảnh báo kịp thời diễn biến bất thường hay nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường. Song, thời gian qua, hoạt động QTMT trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được những mục tiêu, yêu cầu nêu trên.

Quan trắc môi trường đi trước một bước

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để hạn chế tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, cần khẩn trương lập hệ thống quan trắc nguồnxả thảitại hầu hết các khu vực có nguy cơô nhiễm. Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hải Phòng Trần Minh Tuấn cho biết: Để thực hiện QTMT chính xác, cần đầu tư nhiều hơn cả quy mô và số lượng điểm QTMT bảo đảm về không gian (khoảng cách lấy mẫu) và thời gian (số lần đo đạc hoặc lấy mẫu để xét nghiệm); nếu tần suất thấp, các nhà khoa học rất khó xác định, đánh giá xu thế biến động của môi trường, khiến kết quả không cao. Nhận thức tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của hệ thống QTMT, Sở Tài nguyên-Môi trường đang khẩn trương xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc.

Tăng điểm quan trắc là nội dung nổi bật trong quy hoạch quan trắc lần này. Theo quy hoạch, mạng lưới các điểm quan trắc nước mặt, không khí trên địa bàn Hải Phòng tăng thêm. Từ năm 2015 đến năm 2025, số điểm quan trắc không khí tại Hải Phòng tăng từ 9 điểm lên 32 điểm; số điểm quan trắc môi trường nước mặt tăng từ 22 lên 37 điểm. Mạng lưới quan trắc nước biển ven bờ tăng từ 4 lên 14 điểm, đặc biệt, đề án bổ sung thêm nhiều điểm quan trắc môi trường đất, môi trường nước ngầm. Theo đó, đến năm 2025, toàn thành phố có 22 điểm QTMT đất, 26 điểm QTMT nước ngầm. Trong giai đoạn 2015-2025, thành phố bổ sung thêm điểm QTMT không khí tại các Khu công nghiệp Đồ Sơn, Đình Vũ, Nam Tràng Cát, các làng nghề và khu vực bãi rác và tại các nút giao thông có lưu lượng phương tiện giao thông lớn như ngã tư Lạch Tray-Nguyễn Văn Linh, ngã tư Lê Duẩn-Trần Nhân Tông-Kiến An, đảo Cát Bà, các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy. Phấn đấu thực hiện quan trắc tăng lên 3 đợt/năm với 2 lần/ngày. Ngoài ra, thành phố đầu tư xây dựng 3 điểm QTMT không khí tự động đặt tại trung tâm thành phố và các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như huyện Thuỷ Nguyên, đường bao Nguyễn Văn Linh; các trạm này có các bảng điện tử thể hiện số liệu quan trắc, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý môi trường.Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện quy hoạch QTMT là hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn tài trợ của nước ngoài.

Hy vọng rằng với sự bổ sung mạng lưới QTMT sẽ góp phần thu thập, cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ công tác bảo vệ môi trường tốt hơn và phát triển kinh tế-xã hội thành phố. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

24. Hội Phụ nữ Ban Chỉ huy quân sự quận Ngô Quyền: Xứng danh "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

Những năm qua, Hội phụ nữ Ban Chỉ huy quân sự quận Ngô Quyền luôn là một trong những điểm sáng trong hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ của lực lượng vũ trang thành phố và Hội Phụ nữ quận Ngô Quyền.

Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội cho biết, hội có 5 hội viên, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng quân số đơn vị nhưng các cán bộ, hội viên luôn khẳng định vai trò của mình trong mọi hoạt động của đơn vị. Nhiệm kỳ qua, Hội tập trung quán triệt và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bằng nhiều nội dung, hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực; phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và tâm tư nguyện vọng của hội viên. Các phong trào của Hội luôn gắn với phong trào thi đua Quyết thắng của LLVT quận, được tổ chức thực hiện chặt chẽ, có nền nếp, hiệu quả.

Tuy mỗi cán bộ, hội viên đảm nhiệm nhiệm vụ, chức trách khác nhau, song dù ở cương vị công tác nào chị em cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Hội Phụ nữ cấp trên phát động, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chị em làm công tác văn thư bảo mật, thường xuyên nêu cao ý thức trách nhiệm, bảo đảm tính khoa học, đúng nguyên tắc, đặc biệt có sự sáng tạo trong áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, lưu trữ công văn tài liệu, soạn thảo các văn kiện tác chiến, làm sơ đồ, biển bảng chính quy, soạn thảo giáo án điện tử phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị tại đơn vị…, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Chị em làm công tác Tài chính, quản lý luôn thực hiện đúng chế độ, nguyên tắc quản lý, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, chi tiêu đúng mục đích, không để xảy ra thâm hụt, mất mát, lãng phí.Chị em làm công tác Quân y luôn tận tình, chu đáo, quan tâm chăm sóc sức khỏe bộ đội, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra vệ sinh đơn vị; khám, phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh thông thường ngay tại đơn vị, kết hợp với nuôi quân bảo đảm tốt quy trình vệ sinh, an toàn thực phẩm trong khâu ăn uống, quân số khỏe luôn đạt 99,6% trở lên.

Để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, để các chị em yên tâm, tập trung công tác, Hội thành lập quỹ hỗ trợ về vốn quay vòng (10 triệu đồng), vận động hội viên tham gia ủng hộ “Ngày tiết kiệm phụ nữ” với tổng số tiền là 1 triệu 200 nghìn đồng. Hội xem đó là chương trình đòn bẩy thiết thực đẩy mạnh phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, dù hoàn cảnh kinh tế chưa thực sự khá giả và số lượng hội viên không đông; tuy nhiên, để bảo đảm cho Hội có nguồn kinh phí hoạt động, ngoài sự quan tâm của Đảng ủy, chỉ huy đơn vị, các hội viên của Hội vẫn thống nhất tiết kiệm mỗi tháng một số tiền nhỏ để xây dựng quỹ. Số tiền quỹ tuy không lớn nhưng rất ý nghĩa khi được dùng vào việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình cán bộ, hội viên và quân nhân trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết, thân nhân ốm đau và tham gia ủng hộ các phong trào như “Xóa nghèo cho hội viên Cựu chiến binh”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng tại huyện Kiến Thụy... góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chính sách xã hội, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.

Hằng năm, Hội còn chủ động tham mưu với Đảng ủy, Chỉ huy phối hợp có hiệu quả với Hội phụ nữ quận và phường Lê Lợi (đơn vị kết nghĩa) trong thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Thông qua các hoạt động phối hợp, giao lưu, Hội tham gia thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình chính sách, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hội tham gia làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, thăm hỏi động viên, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên lên đường nhập ngũ, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hàng năm của Quận với chất lượng tốt.

Thượng tá Vũ Khắc Viễn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận cho biết: Trong những năm qua, Hội phụ nữ Ban CHQS quận luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được Bộ CHQS thành phố và Hội liên hiệp phụ nữ quận ghi nhận, đánh giá cao, được cấp trên công nhận đạt tiêu chuẩn “vững mạnh xuất sắc”, có trên 80% cán bộ, hội viên được các cấp khen thưởng, tiêu biểu như Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thùy Hương, nhân viên văn thư bảo mật 5 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở. Những kết quả thành tích đạt được của Hội đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của LLVT quận. (Năm 2013, LLVT quận được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2014, 2015 được Bộ Tư lệnh Quân khu 3; UBND thành phố Hải Phòng tặng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” và nhiều phần thưởng cao quý khác). (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

25. Cặp sách nâng cánh ước mơ

Trong chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng Tháng Công nhân 2016, vừa qua, LĐLĐ thành phố phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam tổ chức trao ba lô tặng con công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) thành phố vượt khó học giỏi trong năm học 2015-2016, giúp các em có thêm động lực vươn lên trong năm học mới.

Năm học 2015-2016 vừa khép lại trong tiếng ve kêu râm ran, những chùm phượng nở đỏ rực góc sân trường. Đây là năm thứ tư em Phạm Quang Huy, học sinh lớp 4A4 Trường tiểu học Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên) đạt danh hiệu học sinh giỏi. Niềm vui này không chỉ của riêng Huy mà còn là niềm tự hào của thầy cô, cha mẹ, người thân của em. Là một trong 50 học sinh nhà trường nhận ba lô từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam, gương mặt Huy không giấu được niềm vui rạng rỡ, phấn khởi hồn nhiên. “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ lâu cháu không được mua cặp sách mới. Hôm nay nhận được phần quà là chiếc ba lô mới, cháu hứa sẽ nỗ lực phấn đấu hơn trong học tập, để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, giúp bố mẹ cháu vơi bớt khó khăn, vất vả” – Huy cho biết.

Buổi tổng kết năm học của Trường tiểu học Kỳ Sơn (huyện Thủy Nguyên) năm nay đặc biệt hơn, bởi nhà trường đón nhận món quà ý nghĩa từ LĐLĐ thành phố và Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam. 50 chiếc ba-lô học sinh được lãnh đạo LĐLĐ thành phố trao tận tay con CNVCLĐ hoàn cành khó khăn vượt khó học giỏi của nhà trường như góp thêm niềm vui sự thành công của năm học 2015-2016 và động lực để thầy trò nhà trường phấn đấu trong năm học sắp tới. Ở hàng ghế đầu, em Đỗ Thị Yến Nhi, học sinh lớp 1E1 ngồi ngay ngắn, chăm chú hướng lên sân khấu. Chiếc cặp sách em ôm trong lòng ố màu, nhiều chỗ rách hỏng. Hơn ai hết, Nhi mơ ước có chiếc cặp mới để tự tin bước vào năm học 2016-2017. Nhưng Nhi lại không muốn mẹ thêm vất vả, lo toan vì cuộc sống gia đình em khó khăn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhận chiếc ba-lô mới trên tay, Nhi tươi tắn nụ cười khi ước mơ của em thành hiện thực. Nhi hứa, năm học tới sẽ cố gắng hơn, đạt kết quả tốt để bố mẹ yên tâm công tác.

Trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2016 và chương trình “Cùng em đến trường” của Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ thành phố tiếp nhận và tổ chức trao 500 ba lô học sinh tặng con CNVCLĐ thành phố hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi. Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Nông Kim Nguyệt cho biết: “Những phần quà tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến con em CNVCLĐ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của các cấp công đoàn thành phố. Chúng tôi mong muốn đây không chỉ là phần thưởng cho sự nỗ lực của các em suốt năm học vừa qua mà còn là nguồn động lực giúp các em học sinh phát huy kết quả đạt được, phấn đấu hơn nữa trong học tập, nhân lên niềm vui trong năm học mới. Đồng thời, khích lệ tinh thần CNVCLĐ nghèo vượt lên hoàn cảnh, yên tâm lao động sản xuất”. (Báo Hải Phòng 25/05/2016)

THỂ THAO

26. Hải Phòng cần 21 điểm nữa để vô địch

Đội bóng vô địch V-League với số điểm cao nhất là B.Bình Dương, 55 điểm mùa giải 2007. Nhưng Hải Phòng không cần đạt đến con số ấy, thống kê cho thấy đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng chỉ cần 49 điểm vẫn có thể vô địch V-League.

Tính 5 mùa giải gần nhất V-League có đủ 14 đội tham dự, SHB Đà Nẵng vô địch năm 2009 với 50 điểm. Tiếp theo, Hà Nội T&T vô địch với 46 điểm năm 2010, SLNA vô địch năm 2011 với 49 điểm, SHB Đà Nẵng vô địch năm 2012 với 48 điểm và B.Bình Dương với 52 điểm vô địch năm 2015. Tính trung bình, một đội bóng muốn vô địch V-League cần ít nhất 49 điểm.

Điều này còn phụ thuộc bởi số điểm của những đội xếp thứ 2. Cùng với những năm trên, số điểm của các đội xếp thứ 2 lần lượt là 43, 45, 46, 47 và 46 điểm. Chính vì vậy, số điểm 49 là ngưỡng an toàn dành cho một đội bóng muốn chinh phục giải đấu số 1 Việt Nam.

Hải Phòng hiện tại đang có 28 điểm và nếu đúng như dự đoán trên, đội bóng đất Cảng cần thêm 21 điểm, tương đương 7 trận thắng để lần đầu tiên lên ngôi.

Không những vậy, có nhiều thống kê đang đứng về phía Hải Phòng. Trong 5 mùa giải gần nhất thì có 3 mùa đội vô địch lượt đi sẽ vô địch cả giải. Còn xét rộng ra 15 mùa giải kể từ khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp, đội bóng nào vô địch lượt đi với số điểm lớn hơn hoặc bằng 28 sẽ gần như chắc chắn vô địch cả mùa.

Thế nhưng, Hải Phòng cũng cần nhớ lại bài học năm 2008 của chính mình. Dưới sự dẫn dắt của HLV Vương Tiến Dũng cùng sự tỏa sáng của ngôi sao Leandro, Hải Phòng vô địch lượt đi với 31 điểm. Vậy nhưng, kết thúc mùa giải họ chỉ xếp thứ 3 với 44 điểm và để B.Bình Dương vượt mặt giành chức vô địch với chỉ nhiều hơn 3 điểm.

Thậm chí còn nhiều tấm gương để Hải Phòng soi vào như Thanh Hóa năm 2014 hay SHB Đà Nẵng năm 2010. Những đội bóng này đều thi đấu rất tốt ở lượt đi nhưng khi sang giai đoạn lượt về, những dấu hiệu sa sút bắt đầu xuất hiện khiến họ hụt hơi trong chặng đua đến ngôi vô địch.

Nhiều yếu tố thuận lợi đang đứng về phía Hải Phòng, từ lịch sử, nhân sự, đến phong độ. Nhưng cũng chính từ đây họ cần giữ đôi chân trên mặt đất để tránh đi vào chính vết xe đổ của mình và nhiều tấm gương trước đây.

Quan trọng hơn, những đối thủ tiềm tàng như Hà Nội T&T, B.Bình Dương rất giỏi trong các cuộc lội ngược dòng. 4 cuộc lật đổ gần nhất đều gọi tên đội bóng đất Thủ (2008, 2014) và đội bóng Thủ đô (2010, 2013). (Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam 25/05/2016)

27. Lạ lùng ông Chủ tịch CLB Hải Phòng

Trong khi Hải Phòng đang ém quân tại Thanh Hóa và thi đấu trận chung kết lượt đi thì ông Chủ tịch CLB Trần Mạnh Hùng lại rong ruổi hết xuống Long An lại sang Bình Dương. Có thông tin nói ông tránh mặt vì những tin đồn cho rằng bản thân ông cũng bị “xin xỏ”. Lại cũng có tin rằng chủ nhà thắng thì bỏ túi 1,3 tỉ đồng trong khi lính ông mà thắng thì cũng chỉ là những con số khiêm tốn, nên hay nhất là tránh mặt.

Một ngày trước trận FLC Thanh Hóa - Hải Phòng, ông Hùng xuống Long An xem đội bóng của “bầu” Nhiệm bị “làm gỏi”. Một ngày sau, cùng thời gian đội nhà đang đá ở Thanh Hóa, thì ông ngồi trên sân Bình Dương xem B.Bình Dương đá Sài Gòn. Lạ ở chỗ ông không ở Thanh Hóa nhưng chuyện gì cũng biết tất tần tật. Ông yên tâm khi nghe báo cáo không cầu thủ nào về khách sạn ngủ sau 22h và cũng không cầu thủ nào “bắn tẻ” đi cà phê sau giờ tập và sau bữa ăn.

Nhiều người nói không có ông, cầu thủ cảm thấy bớt căng thẳng và dễ đá. Cũng có người cho rằng đó là đòn tâm lý để cầu thủ có suy nghĩ trận đấu này cũng thường thôi, bởi chính ông Chủ tịch CLB còn không thèm xem.

Một thành viên của đội chia sẻ, sau chiến thắng ngoạn mục trước FLC Thanh Hóa, không thấy ông điện thoại về hoan hỉ với chiến thắng mà chỉ nghe ông dặn dò: “Dặn trung vệ Vũ Ngọc Thịnh mai lên tập trung đội tuyển phải dẫn Đặng Văn Lâm đi theo, vì Lâm là Việt kiều, nói tiếng Việt còn chưa rành và còn lạ nước lạ cái trong lần đầu lên tập trung đội tuyển!”.

Lại nói về trung vệ Vũ Ngọc Thịnh được gọi lên đội tuyển, nhiều người còn thắc mắc “cậu này là ai?” thì chính trong đội bật mí: “Thằng Thịnh hồi đá An Giang bị xù tiền lương và đang chấn thương nặng thì chính sếp Hùng không quen không biết, thấy hoàn cảnh đáng thương nên cho 5 triệu đi từ An Giang về Nghệ An do vô tình gặp. Cũng chính sếp Hùng bảo lãnh cho Thịnh chữa chấn thương và sau đó cầu thủ này sống chết với màu áo Hải Phòng rồi lên tuyển”.

(Báo Lao động 25/05/2016)

28. Hải Phòng không nhiều tiền vẫn hướng đến vô địch V.League

Sau khi "vô địch" lượt đi V.League 2016, HLV Trương Việt Hoàng chia sẻ đội bóng đất cảng sẽ giữ nguyên lực lượng hiện tại để hướng đến vị trí số 1 khi mùa giải kết thúc.

CLB Hải Phòng vừa đánh bại đối thủ đầy tham vọng Thanh Hóa tại vòng 11 V.League 2016 chiều 22/5. Với thành tích này, đội bóng đất cảng giữ chắc ngôi đầu bảng với 28 điểm sau 11 vòng, hơn đội xếp sau Bình Dương 9 điểm. Khoảng cách điểm kể trên giúp Hải Phòng vô địch lượt đi V.League 2016 trước 2 vòng đấu.

Trong ngày Hải Phòng giành chiến thắng thứ 9 ở mùa giải 2016, huấn luyện viên Trương Việt Hoàng khẳng định đội bóng đất cảng không có nguồn tài chính dồi dào và cũng sẽ không bổ sung cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa sắp tới.

"Chúng tôi chắc chắn muốn chớp lấy cơ hội nếu có thể giành chức vô địch V.League. Tuy nhiên, Hải Phòng sẽ không bổ sung nhân sự. Ban huấn luyện chỉ tìm cách khắc phục các điểm yếu ở hàng phòng ngự, cải thiện khả năng bọc lót, hỗ trợ lẫn nhau ở cả 3 tuyến để hướng tới danh hiệu cao nhất cuối mùa giải", HLV Trương Việt Hoàng chia sẻ.

Sau vòng 11, V.League sẽ tạm nghỉ để "nhả" cầu thủ lên tập trung tuyển Việt Nam và U19 Việt Nam. Ở lần hội quân này, HLV Hữu Thắng triệu tập 3 cầu thủ của Hải Phòng gồm trung vệ Ngọc Thịnh, tiền đạo Lê Văn Thắng và thủ môn Đặng Văn Lâm - người lần đầu được lên tuyển.

HLV Trương Việt Hoàng dành sự khích lệ cho Văn Lâm - cầu thủ Việt kiều duy nhất trên tuyển Việt Nam.

"Đặng Văn Lâm đã chứng minh được khả năng chuyên môn nơi khung thành CLB Hải Phòng ở 3 vòng đấu gần đây. Với nỗ lực tập luyện và tài năng bẩm sinh, cậu ấy xứng đáng với thành quả được triệu tập lên tuyển Việt Nam".

"CLB Hải Phòng sẽ tập trung trở lại vào 27/5. Sau đó, toàn đội đi tập huấn khoảng 1 tuần trước khi trở về chuẩn bị cho Cúp Quốc gia và giai đoạn 2 V.League 2016", HLV Trương Việt Hoàng chia sẻ. Ngoài 3 cầu thủ kể trên được lên tuyển hội quân hôm nay (23/5), HLV Trương Việt Hoàng sẽ cho toàn đội nghỉ xả hơi 4 ngày.

(Zing.vn 25/05/2016)

29. Ông bầu Hùng “bói cá”: “Dị nhân” bóng đá Hải Phòng

Nói đến hiện tượng Hải Phòng, người ta chỉ nhắc HLV Trương Việt Hoàng, đến 2 tiền đạo ngoại và cầu thủ, nhưng kiến trúc sư trưởng và chìa khóa của thành công thì phải là Chủ tịch CLB Trần Mạnh Hùng, người được biết đến với biệt danh Hùng “bói cá”.

“Đen, đỏ chơi được tất”

Có lẽ ngoài vụ lên tận Hà Nội, vào tận trụ sở VPF, VFF lùng sục những người có trách nhiệm để đòi công bằng sau án kỷ luật với Văn Nam (vì đánh nhau với Hoàng Vũ Samson trong trận Hải Phòng – HN T&T mùa 2014), cũng như những phát biểu vỗ mặt, bắt lỗi trực tiếp khiến lãnh đạo VPF bẽ mặt và im lặng ở hội nghị tổng kết mùa giải 2015, gần như chẳng bao giờ thấy Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng xuất hiện, hay “bước ra ánh sáng” trên sân.

Thậm chí, nhiều sự kiện và nhiều trận đấu Hải Phòng thắng rồi, nhưng thấy báo chí là người đứng đầu đội bóng đất Cảng “mắt trước, mắt sau” trốn luôn.

Không giống các vị Chủ tịch CLB khác, ra sân hay trước đám đông luôn “đóng hộp” chỉnh tề, cố gắng nghiêm phong đạo mạo đúng chất lãnh đạo, Chủ tịch Trần Mạnh Hùng mặc đồ rất… bộ đội.

Trong khi ”sếp” ở đội khác luôn đi đầu, vào trận là ngồi ghế đầu trong khu kỹ thuật thì ở Hải Phòng, nhiều trận đội đá nhưng ông Chủ tịch lại lang thang sân khác xem. Thậm chí vào sân, ông còn ngồi ở một góc cao trên khán đài, như một khán giả bình thường.

Phong cách ăn nói, giao tiếp của ông cũng thế, mộc đến huỵch toẹt. Thậm chí, kiểu ăn nói và sắc mặt, cách hành xử còn bị xem là có phần “chợ”.

Có thể, xuất thân từ một cộng sự (làm lái xe) cho lãnh đạo và nghề xây dựng khiến người đứng đầu đội bóng đất Cảng khác những người làm bóng đá ở Việt Nam. Nó cũng giống như cái nickname mà ở sân Lạch Tray từ cầu thủ lẫn CĐV vẫn gọi Chủ tịch đội bóng: ông Hùng “bói cá”.

Ông Hùng “chợ”, nhưng cái chất ấy lại hợp với bóng đá Hải Phòng giai đoạn không mấy bình yên và không có nhiều tiền như thời hoàng kim. Ông điều trị được đội bóng, đưa tất cả vào khuôn khổ.

Mấy năm nay, kể từ khi được giao nhiệm vụ, sau khi Xi măng Hải Phòng trả bóng đá về cho thành phố, và bóng đá như là gánh nặng trách nhiệm, Hải Phòng của bầu Hùng “bói cá” lại đá tốt, giữ được sự ổn định và thành tích cùng quá nhiều bất ngờ ở mùa giải 2015. Mới nhất, sự thăng hoa trong mùa giải này của họ là minh chứng.

4 năm làm bóng đá, ông Hùng đã làm được nhiều, rất nhiều cho bóng đá Hải Phòng, dù không được ghi nhận.

Là dân kinh doanh, có quan hệ rộng trong xã hội và “đen, đỏ chơi được tất”, ông Hùng rắn mặt. Mới vào làm bóng đá, ông nắm bắt rất nhanh nhất là mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Bầu Hùng đọc vị và điều trị được tất, kể cả “ca khó”, thế nên ngay từ trong lòng đội bóng dù lúc khó khăn, lắm vấn đề nhất luôn giữ được trật tự. CLB Hải Phòng không có tiền, âm ỉ bất mãn lẫn bức xúc nhưng chưa bao giờ “loạn”, đó là cái hay và thành công của một người lãnh đạo đội bóng như ông Hùng.

Ông bầu cắm sổ đỏ ứng tiền cho đội bóng

Có rất nhiều chuyện độc và lạ về ông Chủ tịch Hải Phòng. Ví dụ như việc lấy và phát huy được “lão tướng” Văn Nhiên – cầu thủ đã 34 tuổi, nhưng chơi rất hay khi về Hải Phòng.

Nhiên bị dính chấn thương nặng, lớn tuổi nên khi chia tay HA.GL định giải nghệ luôn. Biết tin, ông Hùng chạy xe về nhà cầu thủ này, hỏi thăm vợ con gia đình, rồi tặng chút quà cáp. Chẳng đề cập gì đến chuyện nhờ vả đá tiếp, ông chỉ đến chơi và về. Thế nhưng cuối cùng, Văn Nhiên tự nguyện về Hải Phòng.

Anh Hùng bị Đình Đồng đạp gãy chân, An Giang xuống hạng và không có tương lai. Đi miền Tây, ông Hùng tìm gặp, cho tiền và động viên cố gắng. Khỏi chấn thương, Hùng xin ra Hải Phòng và hậu vệ biên này trở lại rất ấn tượng.

Cầu thủ nào thất nghiệp, có thể ký hợp đồng mà không mất tiền, nếu HLV thấy OK là ông Hùng nhận về hết. Từ Xuân Hùng, Việt Phong, đến thủ môn mới lên tập trung ĐTQG là Văn Lâm, không có đội muốn về Lạch Tray là được nhận.

Tiền vệ Quốc Trung lên tuyển, được nhiều CLB săn đón và Than Quảng Ninh “trải thảm đỏ”, đã ra Cẩm Phả rồi, nhưng chỉ cần ông Hùng chạy vào Nghệ An tỷ tê với gia đình thì hôm sau cầu thủ này tự động xin về Lạch Tray.