Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng

​Sự hào hứng trong lớp học của trợ giảng Trí Nhân

- Xin chào các bạn, tôi rất vui khi có mặt tại lớp học này để cùng nói chuyện với các bạn về trí tuệ nhân tạo. Các bạn có thể gọi tôi là Trí Nhân!

Trong một lớp học về robot và trí tuệ nhân tạo, chuyên gia Phạm Thành Nam bước vào cùng với Trí Nhân và để chú robot bắt đầu câu chuyện. Sau màn chào hỏi đó, Trí Nhân được giới thiệu như người trợ giảng của anh và bắt đầu bài thuyết trình dài 10 phút.

“Tất cả học viên trong lớp đều rất hào hứng,” anh Phạm Thành Nam nhớ lại cảm xúc của của những học viên có mặt trong lớp. “Trí Nhân là hiện thân của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà chúng ta vẫn nghe nói hằng ngày với những công nghệ tiêu biểu nhất như AI, dữ liệu lớn, IoT, công nghệ siêu máy tính, điện toán đám mây,…”

Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng

Chuyên gia Phạm Thành Nam bên robot Trí Nhân. Ảnh: Ngọc Vũ

Thực tế, để Trí Nhân có thể đảm nhận vai trò của một trợ giảng, trình bày bài thuyết trình và trả lời câu hỏi của học viên, chuyên gia Phạm Thành Nam đã phải có một buổi làm việc trước đó: soạn nội dung Trí Nhân sẽ trình bày và câu trả lời cho những câu hỏi mà học viên có thể đưa ra rồi cài đặt sẵn.

Công nghệ tổng hợp tiếng nói giúp Trí Nhân tự động nói theo nội dung đã được soạn mà không cần thu âm trước. Tốc độ giọng nói, khoảng cách giữa các câu, các đoạn đều có thể được cài đặt. Khi giảng viên chỉnh sửa nội dung, Trí Nhân sẽ tự động thay đổi nội dung trình bày hoặc hỏi đáp theo các cập nhật đó.

“Với tư cách là trợ giảng, Trí Nhân có thể thay giáo viên làm những công việc lặp đi lặp lại. Hãy thử tưởng tượng mỗi ngày giảng viên phải dạy 3 lớp và phải trả lời hàng chục câu hỏi giống nhau. Giờ đây, việc của họ sẽ đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần viết ra những gì cần nói trước lớp, tương tác thêm với học sinh để khơi gợi cảm hứng, tạo ra sự kết nối hoặc trả lời bổ sung những phần Trí Nhân chưa biết. Nói chính xác thì Trí Nhân là diễn viên và người giảng viên là đạo diễn” – anh Phạm Thành Nam nói về vai trò của chú robot được quan tâm trên mạng xã hội những ngày qua.

Bên cạnh những dữ liệu chuyên biệt đầu vào do giảng viên cung cấp, robot Trí Nhân cũng được cha đẻ Phạm Thành Nam trang bị cho rất nhiều kiến thức được cập nhật từ công cụ tìm kiếm Google để có thể trở thành nhân vật “biết tuốt”, trả lời được cả những vấn đề đòi hỏi kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức đời sống, giải các bài toán phức tạp hay đáp lại những câu hỏi xã giao thường ngày như “Bạn thấy tôi có xinh không?”.

Với phương châm ‘đứng trên vai người khổng lồ’, cộng với những kinh nghiệm có được trong 15 năm hoạt động ở lĩnh vực mã nguồn mở, Phạm Thành Nam tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên mã nguồn mở cũng như hạ tầng nền tảng của Google kết hợp thêm những công nghệ siêu máy tính do anh phát triển. Trong đó, công nghệ nhận dạng và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống Auto Machine Learning, Big Data… giúp Trí Nhân hiểu được những câu hỏi từ người đối diện, tự động thu thập dữ liệu từ Google và đưa ra câu trả lời.

Theo anh Nam, các thông tin đến với Trí Nhân được chia làm 2 nhóm: dữ liệu kiến thức và dữ liệu tương tác. Trong đó, nhóm dữ liệu kiến thức được anh chuẩn hóa nguồn đầu vào khi hệ thống thực hiện lệnh tìm kiếm nhóm thông tin ưu tiên từ sách giáo khoa, wikipedia, các trang web của chính phủ, bộ, ngành... Nếu thông tin lấy từ báo chí, các trang web chưa đủ độ tin cậy, trong mỗi câu trả lời, Trí Nhân sẽ đưa kèm theo nguồn để đảm bảo sự khách quan. Với nhóm dữ liệu tương tác, thông tin đầu vào được soạn sẵn để Trí Nhân luôn linh hoạt thay đổi câu trả lời theo từng tình huống cụ thể, không gây ra sự nhàm chán khi trả lời.

“Hai nhóm kiến thức Trí Nhân giỏi nhất là Toán, tiếng Anh” chuyên gia Phạm Thành Nam bật mí. “Lý do là bởi, Trí Nhân có nền tảng siêu máy tính hỗ trợ để thực hiện giải các phương trình, tích phân phức tạp chỉ trong vài giây, đây là điều Google không làm được. Trong khi đó, Google có nguồn dữ liệu tiếng Anh giao tiếp chuẩn nên Trí Nhân hoàn toàn có thể giao tiếp trong trường hợp người hỏi phát âm chuẩn. “Quan trọng hơn, cơ chế AutoML giúp Trí Nhân có thể có các tùy chỉnh riêng cho từng môn học, hiểu giọng nói đặc thù của từng địa phương, thậm chí ở mức cá nhân với độ chính xác hơn 99% khi Trí Nhân hoạt động ở chế độ bạn thân, cho dù tiếng Việt của người nói không chuẩn,” anh Nam kể về đứa con tinh thần với giọng tự hào.

Hỗ trợ để thầy cô tự do sáng tạo

Khi nào Trí Nhân có thể thực sự làm trợ giảng? Khi nhận được câu hỏi này, cha đẻ của Trí Nhân thừa nhận rằng, ở thời điểm hiện tại, chú robot vẫn mang ý nghĩa trình diễn nhiều hơn việc có thể đảm nhận vai trò trợ giảng được đặt ra. Để thực sự có thể đứng trước học sinh, Trí Nhân cần phải trải qua 2 lần cải tiến liên quan đến ngoại hình, đơn cử như có thể chớp mắt thay vì nhìn trừng trừng và cử động được tay chân để tạo thiện cảm.

Tuy nhiên, thứ quan trọng nhất mà anh Phạm Thành Nam cho rằng Trí Nhân cần hoàn thiện để thực sự đảm nhận được vai trò của trợ giảng là kỹ năng tương tác xã hội.

“Vì sao tôi lại phải tạo ra một robot chứ không phải phần mềm, vì để làm trợ giảng thì cần một thứ giống như con người chứ không đơn thuần âm thanh phát ra từ loa hay điện thoại. Bởi vậy, khi đứng trên bục giảng, để thu hút học sinh, Trí Nhân cần gây được hứng thú,” anh Nam lý giải và chia sẻ về kỳ vọng của mình đối với Trí Nhân. “Điều này phải đến từ cả hai phía, sự sáng tạo của giảng viên trong dữ liệu bài giảng nguồn đưa vào và khả năng học máy của Trí Nhân. Tôi muốn Trí Nhân trở thành chú robot vừa hài hước, tếu táo lại vừa có thể truyền đạt kiến thức cho học sinh.”

Để làm được điều này, anh Nam cho rằng cần đưa Trí Nhân tham gia vào những thử nghiệm xã hội, tương tác nhiều để quan sát và đánh giá, điều chỉnh.

“Có thể cần tới vài chục hoặc vài trăm cuộc tiếp xúc như vậy,” anh Nam nói. Nhưng dù thông minh và biết tuốt tới đâu thì anh Nam cho rằng, Trí Nhân cũng không thể thay thế con người mà chỉ góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi số nhanh hơn và kích thích sự sáng tạo của giáo viên cho những bài giảng lặp đi lặp lại.

Anh tin, khi đã trở thành phiên bản hoàn hảo, mỗi robot như Trí Nhân sẽ trở thành trợ lý phát ngôn độc đáo của người thầy từ những dữ liệu bài giảng họ đưa vào. Nội dung bài giảng càng thú vị và được đầu tư, Trí Nhân càng trở nên hấp dẫn khi đứng trước học sinh với những cách giảng độc đáo, liên kết các nội dung liên quan trên môi trường internet tự động, không bị vấp hay quên. Thời gian Trí Nhân thay mình thuyết trình, giảng viên có thể dành để quan sát phản ứng của học sinh trước mỗi kiến thức được đưa ra hay tương tác theo một cách khác nhằm khơi gợi hứng thú.

Được xây dựng trên nền tảng mở, chú robot này cho phép kết nối với những sản phẩm trong hệ thống bài giảng trực tuyến của Open Classroom mà anh Phạm Thành Nam và các cộng sự của mình phát triển trước đó cũng như các bài giảng của đơn vị khác để thầy cô tự do sáng tạo. Đơn cử như với môn Hóa, nếu giảng về các phản ứng hóa học, Trí Nhân có thể kết nối với hệ thống phòng thí nghiệm ảo của Open Classroom và mô phỏng các phản ứng trực quan giúp học sinh hiểu bài trong vài phút.

Bởi vậy, với anh Nam, vượt ra khỏi ý nghĩa trình diễn các khả năng có được, Trí Nhân hơn hết trở thành biểu tượng tinh thần đánh dấu cho sự bắt đầu chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam.

“Dự án lớn không phải là dự án triệu đô mà là dự án có thể ảnh hưởng tới triệu người", anh Phạm Thành Nam chia sẻ suy nghĩ. “Trí Nhân sẽ truyền cảm hứng tới mỗi người về cách chúng ta cần làm để thích ứng với thay đổi của thế giới. Ví như nghề giáo, nếu thầy cô chỉ tới và giảng lại bài của năm trước thì rõ ràng, vai trò của họ không khác Trí Nhân là mấy. Điều đó khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn về sự sáng tạo và vận dụng những công nghệ đang thịnh hành đưa vào lớp học, tạo ra những thay đổi tích cực cho học sinh,” anh Nam nói và bày tỏ niềm tin rằng Trí Nhân sau này sẽ có thêm nhiều “anh, chị em khác” cùng mang lại những thay đổi như thế trong cộng đồng.

Anh Phạm Thành Nam tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội vào năm 2007; sau đó, tốt nghiệp thạc sĩ chương trình liên kết giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với ĐH La Rochelle, Pháp, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, vào năm 2010. Ngoài ra, anh có chứng chỉ về khoa học máy tính cho chuyên gia doanh nghiệp của ĐH Harvard, Mỹ, theo chương trình đào tạo trực tuyến vào mùa hè năm 2018.

Từ năm 2014-2018, anh làm việc tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chuyên về Tính toán hiệu năng cao, tạo ra siêu máy tính để các nhà khoa học tiến hành các thử nghiệm mô phỏng. Từ năm 2019 đến hết năm 2020, anh làm việc tại Ban Công nghệ FPT (FPT.AI), chuyên về công nghệ AI giao tiếp bằng giọng nói. Anh cho biết, thời gian tới chuyên tâm hoàn thiện robot Trí Nhân và phát triển thêm các robot khác, trong đó có robot Hồng Tâm dành cho y tế.

Theo Báo Khoa Học & Phát Triển

LTS: Nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến chủ đề về thời đại công nghệ 4.0.

Nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu giáo viên có được thay thế bởi robot hay không? Bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi đó với quan điểm riêng của tác giả Lan Hương.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ thông minh và robot đang là một lực lượng lao động thay thế con người ở hầu hết các lĩnh vực có thể tự động hóa. 

Ở Việt Nam, những thông tin như Công ty gốm sứ Minh Long I đã giảm được 95% lao động (từ 400 công nhân xuống còn 20) và thay thế bằng tự động hóa, hay nhà máy sữa Vinamilk Bình Dương đã được tự động hoàn toàn, và gần đây là thông tin robot mổ khớp gối ở bệnh viện Bạch Mai, thì câu hỏi liệu khi nào robot có thể được dùng để thay thế giáo viên có lẽ không có gì quá xa lạ.  

Chúng ta cần quen dần với các lực đẩy từ công nghệ, từ thị trường công nghệ thế giới vào Việt Nam, bất chấp việc chúng ta có thích hay không hay chúng ta đã sẵn sàng hay chưa.

Câu chuyện “thầy giáo và robot” hay “robot và thầy giáo” là một đề tài rất thú vị, không chỉ ở Việt Nam.

Ngay ở Mỹ, nơi mà tự động hóa đang chiếm phần lớn các ngành như ô tô, lắp ráp, điện-điện tử, y học, việc sử dụng robot trong giáo dục đã được thí điểm rất nhiều cấp độ.  

Điển hình là NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ) thiết kế hẳn một chương trình đào tạo robot dành cho các lớp học từ mầm non đến lớp 12 với các chương trình và hướng dẫn đào tạo rất chi tiết [1].

Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng
Ảnh chụp từ website NASA.

Theo chương trình được viết bởi NASA, họ mong muốn trẻ em từ mầm non đã làm quen và thân thiết với các chương trình robot, dù chỉ là để dành cho trẻ nhỏ từ mầm non đến lớp 5 chơi hay bắt đầu đi vào tìm hiểu chương trình, thiết kế và sáng tạo robot ở các cấp học cao hơn.

Ngoài chương trình và các trường đại học kết hợp với NASA cung cấp nội dung học, thầy dạy chương trình học, hàng năm NASA cũng tổ chức các hoạt động thi lấy giải, chấm cho từng cấp học và trên toàn liên bang.  

Đây là một ví dụ nhỏ về việc đưa các hoạt động nghiên cứu khoa học (rất đắt tiền và có vẻ hướng đến tương lai xa) đi vào lớp học, đi vào cuộc sống, để các học sinh hoàn toàn được cập nhật thông tin về khoa học vũ trụ và hình thành kỹ năng nghiên cứu từ rất sớm.

Việc thiết kế và phát triển nhanh chóng các chương trình học MOOCs (khóa học mở online dành cho số đông) trên toàn cầu do edX và Coursera cung cấp hoàn toàn miễn phí và được giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu có lẽ là bước đầu tiên để giáo dục Mỹ đang đi vào thời đại của robot giảng dạy, nếu đấy là định hướng của thị trường MOOCs (tôi không rõ). 

Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng
Ảnh chụp từ edX, các chương trình dành cho giáo dục và đào tạo.

Việc phát triển các khóa học MOOCs, sử dụng các thiết bị công nghệ ảo trong lớp học ảo, bạn học ảo (virtual), đã và đang là vấn đề tranh cãi ở Mỹ.  

Có quá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, bao gồm cả việc có nên phát triển các lớp học online có tính tiền hay không, vì hiện nay các khóa học MOOCs và online đã đi khá xa so với mục tiêu và sứ mệnh ban đầu đặt ra: đó là nâng cao năng lực và cơ hội học tập của tất cả mọi người, miễn phí hoàn toàn.   

Công việc của giáo viên, từ lớp học truyền thống (trong lớp học, gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, giữa con người với con người) đang dần được chuyển sang lớp học online và ảo (có thể học ở bất kỳ đâu hoặc trong lớp học ảo, thông qua các phương tiện công nghệ giáo dục, cũng là gặp trực tiếp vì có nhìn thấy nhau, nhưng qua màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh), nhưng bản chất của giảng dạy đã rất khác xưa.  

Với nhiều giáo sư dạy các khóa của edX hay Coursera, họ nói chưa bao giờ họ hình dung họ có thể dạy các khóa học với hàng chục nghìn người tham gia và đến từ mọi ngóc ngách của thế giới.  

Và cũng như một hệ quả, tỷ lệ người học và theo hết được khóa học, có tham gia đánh giá chỉ luôn là con số rất nhỏ so với con số đăng ký tham gia ban đầu (dưới 5 hoặc 7%) [2].

Vậy, trong bối cảnh như trên đây, việc chuyển đổi từ một thầy giáo của Harvard hay Stanford sang một robot (thầy giáo), trông giống vậy, cũng tham gia dạy từ xa theo những khóa học, với nội dung được thiết kế sẵn, thì không có khó khăn nhiều.

Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng

Thầy cô có bị mất việc khi robot đang dần làm mọi thứ thay con người?

Nhưng câu chuyện đến giờ này lại khác hoặc bắt đầu khác. Vì người học đã ý thức được việc họ học điều gì khi bỏ thời gian học MOOCs.  

Nó giúp ích được gì cho người học hay chỉ là một cách bổ sung kiến thức cho những người đã có bằng cấp và hiện giờ muốn học nâng cao, và miễn phí (theo nghiên cứu của MIT và Harvard năm 2012-2013, hầu hết người học MOOCs đều đã có 1 bằng đại học và chỉ có ¼ số người tham gia học có nghĩ đến việc lấy chứng chỉ) [2]

Với nghiên cứu của Market Watch, hầu hết người học online (để tiết kiệm thời gian và công sức), đều có được kết quả “ngớ ngẩn” [2] vì hầu như bằng cấp học online đã không giúp gì nhiều cho tìm kiếm công việc hoặc thu nhập nhằm thu hồi lại khoản tiền cho khóa học mà người học đã trả.

(Đây là nghiên cứu từ một chuyên gia kinh tế của đại học Stanford, Bà Caroline Hoxby, và được thông báo bởi National Bureau of Economic Research (Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế) vào tháng 2/2017).

Khi tôi làm một tra cứu nhỏ trên New York Times, với từ khóa “MOOCs”, tôi vô cùng ngạc nhiên khi tìm và đọc được những thông tin, những nhận thức và các kết quả về nghiên cứu “không khả quan”, cả về góc độ kinh tế cũng như chất lượng dạy và học của những chương trình này trong năm 2014-2015 [3].

Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng
Thầy giáo robot dạy tiếng anh cho học sinh. (Ảnh đăng trên Vietnamnet.vn)

Chỉ mới gần đây thôi, một quan chức cao cấp của Texas A&M System (hệ thống đại học công lớn thứ 2 của Texas) đã tuyên bố “A lot of people invested a lot of money only to find out it does not work that's well" - ( Mr. James Hallmark - Vice Chancellor A&M University System) [tạm dịch, “Rất nhiều người đã đầu tư rất nhiều tiền chỉ để nhận ra là nó chả có hữu ích gì”]. 

Để nói thêm về tính “ít hữu ích của các khóa học online”, dù ở cấp độ phổ thông, NEPC (National Education Policy Center – Trung Tâm Chính Sách Giáo dục Quốc Gia – Trường Đại học Colorado Bouler) đã nghiên cứu trên diện rộng ở Mỹ và đưa ra khuyến cáo, yêu cầu chính phủ Mỹ ngừng cấp giấy phép cho các chương trình online từ K-12 bởi chất lượng giáo dục cho các học sinh qua chương trình này thấp hơn hẳn so với chương trình truyền thống [4].  

Theo đó, dự kiến trên 4 triệu học sinh Mỹ đang theo học chương trình online (hay còn gọi virtual school) sẽ phải cần học bổ sung và điều chuyển sang chương trình khác, cho đến khi nào có những nghiên cứu đảm bảo chất lượng dạy và học online cho phổ thông được chứng minh. 

Điểm khác biệt giữa người giáo viên và robot trợ giảng

Ông chủ Google từng không tin có trí tuệ nhân tạo, nhưng...

Vậy, bản chất công nghệ giáo dục mà robot là một hình ảnh đại diện sẽ đóng vai trò như thế nào trong tương lai của giáo dục?

Liệu công nghệ giáo dục như robot có thay thế vai trò của thầy giáo hay không?

Xin thưa, câu trả lời phụ thuộc vào đạo đức và tầm nhìn của người lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục, phụ thuộc vào nhận thức về việc người thầy sẽ làm được gì và công nghệ sẽ làm được gì, cho đối tượng học sinh là con người “thật”, không hề ảo.

Với nước Mỹ, theo nghiên cứu độc lập từ các trường đại học có uy tín như Colorado và Stanford, họ đánh giá và đề xuất việc ngừng các chương trình online mà không đảm bảo được chất lượng (ví dụ trong chương trình phổ thông), cho dù đó là chương trình đã được đầu tư rất nhiều công sức của Quỹ Bill & Melinda.  

Tuy nhiên, cũng ở nước Mỹ, như nhiều người chúng ta cũng biết, nếu muốn có bằng tiến sỹ mà không cần phải học, cũng sẽ có trường “bán”, mà một số cán bộ ở Việt Nam đã mua và chúng ta cùng được biết khi thông tin được phát giác trên báo chí. 

Cá nhân tôi tin rằng công nghệ giáo dục, robot sẽ là một phần không tách rời của giáo dục trong tương lai.  

Công nghệ trí tuệ thông minh sẽ giúp cho giáo viên và giáo dục hiện đại dễ dàng tìm kiếm cách “dạy và học được cá thể hóa” cho phù hợp với năng lực của từng học sinh.  

Tôi cũng tin chắc một điều là sẽ không có cách gì công nghệ và robot có thể thay thế được toàn bộ giáo viên, (nhưng một số phần thì có lẽ sẽ là sự thật trong tương lai gần), bởi vì một lý do rất đơn giản, là chỉ có con người mới có thể dạy bảo con người trở thành MỘT CON NGƯỜI đúng nghĩa . 

Hỡi các giáo viên Việt Nam, chúng ta hãy nỗ lực dạy và học thật tốt. Tôi mong các bạn hãy dành thời gian để tự học, tự trau dồi thêm tiếng Anh, thêm kỹ năng dạy sáng tạo, thêm thông tin về kỹ năng mềm, hãy học tất cả những gì các bạn có thể học được.  

Điều này sẽ giúp chúng ta đối mặt với thực tế tốt hơn, khi một ngày nào đó, có ai được điều chuyển, có ai được cho nghỉ việc hay có ai cần phải chuyển việc sang làm một nghề hoàn toàn mới.  

Việc chúng ta để cuộc đời chúng ta dựa vào tầm nhìn và đạo đức của lãnh đạo sẽ là một rủi ro rất lớn, mà tôi mong các bạn hãy ý thức rõ từ bây giờ. 

Chúng ta phải sống và phải thành công, dù là với robot nào đi chăng nữa. Hãy thành công!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://robotics.nasa.gov/edu/matrix.php

[2] http://www.marketwatch.com/story/why-an-online-degree-may-not-be-a-good-investment-2017-02-27?utm_content=buffer33513&utm_medium=social&utm_source=twitter.com&utm_campaign=buffer; http://www.nber.org/papers/w23193

[3] https://www.nytimes.com/2015/03/08/upshot/true-reform-in-higher-education-when-online-degrees-are-seen-as-official.html

https://www.nytimes.com/2014/10/17/us/universities-rethinking-their-use-of-massive-online-courses.html

https://www.nytimes.com/2014/11/02/education/edlife/demystifying-the-mooc.html

[4] http://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2016

Nguyễn Thị Lan Hương