Đọc sách Khi Đồng minh tháo chạy

Tiếp tục nội dung trên, GS-TS Nguyễn Tiến Hưng viết Khi đồng minh tháo chạy [KĐMTC] bằng tiếng Việt, vừa in tại Hoa Kỳ bởi cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh [San Jose, CA. 2005] dựa theo một số tài liệu mới và nghiên cứu bổ sung của tác giả trong hơn 10 năm qua, lúc ông đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF] và Ngân hàng Thế giới [WB] về nhiều dự án chuyển đổi kinh tế và cứu đói giảm nghèo vào thập niên 1990. Theo ông:

Sau Hiệp định Paris 1973, Sài Gòn phải tiếp tục tự xoay xở nguồn viện trợ mới [ngoài Mỹ] và nhận được đề nghị giúp đỡ từ Quốc vương Shah nước Iran với khoản vay 100 triệu đô la để nhập cảng hàng hóa và "nếu Việt Nam Cộng hòa không có khả năng hoàn trả bằng tiền bạc thì có thể trả bằng sản phẩm, thí dụ như rau cỏ, hoa quả Đà Lạt. Phía Việt Nam cứ đi thu mua, rửa sạch, đóng vào giỏ tre, giỏ mây, sẽ có máy bay vận tải bay thẳng từ Tehran, Iran sang Đà Lạt hằâng tuần để chở về. Sân bay Liên Khương ở Đà Lạt sẽ được sửa chữa lại. Kế toán sổ sách theo giá quốc tế, không có vấn đề gì. Đây là một sáng kiến rất tốt, nhưng nó đòi thời gian để tổ chức, phát triển sản xuất, thu mua, nới rộng sân bay, không thể thi hành ngày một ngày hai được" [tr.185].

Thế là đi vay từ Pháp, sang Nhật, đến Iran, kể cả nguồn "viện trợ song phương" nhỏ giọt của một số nước khác rót vào [khoảng dăm ba triệu đô la], thì xem ra tất cả vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lâu dài. Nên trước mắt, Sài Gòn đành quay lại trông chờ ở... Mỹ. Nhưng bấy giờ, quân Mỹ rút, chi tiêu đô la cũng rút theo, vì trong những năm chiến tranh "ngoài số tiền viện trợ, lại còn có nguồn thu đô la quan trọng thứ hai, đó là đô la thu được do nhu cầu đổi sang tiền đồng Việt Nam của nguồn ngoại tệ Mỹ vào gồm quân đội, tòa đại sứ, các công ty xây cất, dịch vụ Mỹ. Bây giờ thì quân đội Mỹ về hết rồi, các cơ quan hành chính Mỹ thu nhỏ lại, và các hãng ngoại quốc cũng ra đi. Số đô la mua được từ nguồn này đã giảm từ mức 300 - 400 triệu một năm xuống còn 96 triệu [1973] và 97 triệu [1974]” [tr.177]

Thêm vào đó: "Trong thời chiến, sự có mặt của đồng minh giữ mức thất nghiệp ở thành thị tương đối thấp. Một cách gián tiếp, chi tiêu của họ sinh ra công ăn việc làm, đặc biệt trong lãnh vực dịch vụ. Một cách trực tiếp, các căn cứ quân đội, cơ quan và hãng Mỹ cũng đã tuyển dụng một số nhân công không phải nhỏ. Riêng số người làm việc cho các cơ quan và hãng Mỹ là 160.000 năm 1969. Số này chỉ còn vỏn vẹn trên 17.000 vào cuối năm 1973" [tr.180]. Đến 1974, về ngân sách viện trợ nhập cảng CIP cho miền Nam tài khóa 1975 - 1976 được Mỹ "duyệt" thấp xuống, chỉ còn 145 triệu đô la. Ngay số tiền này, theo tác giả, cũng chỉ là mệnh giá trên danh nghĩa [nominal], chứ mãi lực thật của nó giảm 50% do lạm phát, vật giá leo thang, chỉ còn 70 triệu]. Và do hậu quả lệ thuộc nên "giá cả Mỹ leo thang, giá cả ở miền Nam cũng leo theo luôn. Trước hết là gạo. Với cùng một số tiền viện trợ thực phẩm [trước kia], số gạo Tổng cục Thực phẩm mua được [sau này] từ Louisiana bị giảm cùng mức". Sau gạo, là xăng dầu. Lúc bấy giờ giá dầu xăng đã tăng 47% [vào 11.1973], lại tăng lên 140% [đầu 1974] làm "giá xăng [ở miền Nam] cao vào hàng nhất thế giới hồi đó". Mặc dù chính quyền Sài Gòn vận động dân chúng thực hiện mục tiêu giảm 25% mức tiêu thụ xăng nhớt để dồn cho những nhu cầu thiết yếu như hoạt động nông nghiệp hoặc ngư nghiệp, nhưng do "giá dầu cặn diesel tăng từ 95 đồng lên 125 đồng, cao hơn tất cả các nước láng giềng" nên đã ảnh hưởng nặng nề đến những chiếc tàu đánh bắt tôm vừa tân trang, khiến tất cả phải ngưng hoạt động và "ngư dân với những thuyền mắc máy đuôi tôm lượn trên sông rạch nay đã thưa thớt. Khi giá các loại dầu xăng tăng, thì trực tiếp hay gián tiếp, phí tổn phải tăng, nâng giá hàng hóa cao hơn nữa. Bị ảnh hưởng nặng nhất là những người có đồng lương cố định" như quân nhân, công chức, giáo viên. Họ phải đem đồng lương mất giá đi mua hàng hóa tăng giá. Giá hàng tăng còn do ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn viện trợ thực phẩm bị cắt giảm 3/4 [so với tài khóa 1971 - 1972], nghĩa là từ 165 triệu xuống 46 triệu. Một nền kinh tế quen sống bằng tiền tỉ ngoại viện, nay "đến mức này thì coi như cạn kiệt. Bầu không khí mỗi khi họp hành để bàn định về kinh tế sao nó u buồn thế". [tr.186]

Chợt lóe lên tia sáng vào cuối năm 1974 khi Vua Saud al  Faisal của xứ dầu lửa Ả Rập Saudi bằng lòng cho vay vài trăm triệu đô la, lãi suất nhẹ, dài hạn: "Khi nào miền Nam đào lên được dầu lửa thì mới phải trả. Điều kiện viện trợ nhẹ nhàng, thủ tục thi hành đơn giản. Ký xong là có tiền ngay [hay cho vay bằng dầu lửa cũng được]. Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Họp lên họp xuống, nhất thiết là phải thực hiện ngay kế hoạch này để tới 1975/76 còn giữ được một phần lượng nhập cảng những hàng thiết yếu. Đặc biệt là dầu, xăng, thực phẩm, thuốc men, và phân bón. Nếu quá thiếu những sản phẩm này thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng lớn" [tr.187]. Chỉ riêng về xăng dầu, miền Nam phải nhập một lượng với số tiền 82 triệu đô la vào 1973, thì cùng một lượng đó phải chi 200 triệu đô la vào 1974. Lấy đâu ra? Sài Gòn trông cậy vào số tiền mà Vua Saud al Faisal hứa cho vay để đắp đổi tức thời vào các nguồn chi "cốt tử" trên. Nhưng "đúng là họa vô đơn chí. Những cái rủi ro nó bay theo nhau mà đến. Đang lúc sửa soạn đàm phán chi tiết với Chính phủ Saudi để sớm có giải ngân thì đùng một cái, Vua Faisal bị chính cháu mình sát hại. Chính phủ miền Nam chưng hửng". Ông vua tốt bụng này nằm xuống ngày 25.3.1975 vào đúng ngày quân đội Sài Gòn rút chạy hoàn toàn khỏi cố đô Huế. Quân giải phóng tràn qua đèo Hải Vân, vào Đà Nẵng, vũ bão chiếm Sa Huỳnh, rồi Nha Trang, uy hiếp phòng tuyến Phan Rang, tiến về Sài Gòn.

Lúc bấy giờ, tại Washington, Bộ Quốc phòng Mỹ lẳng lặng thảo kế hoạch có mật hiệu Talon vise nhằm đưa 6.000 người Mỹ [cùng một số rất ít người Việt Nam làm việc với họ] di tản khỏi Sài Gòn "bằng những máy bay lớn từ phi trường Tân Sơn Nhất" với số quân yểm trợ dự trù khoảng từ 3 - 6 sư đoàn thủy quân lục chiến [TQLC], mỗi sư đoàn 18.000 người sẽ được bất thần tung vào Việt Nam. Đã có lệnh tập họp 4 hàng không mẫu hạm: Hancock, Coral Sea, Midway và Enterprise áp sát vùng biển Nam Việt Nam kèm theo nhiều tàu hộ tống khác để khi cần sẽ "yểm trợ hỏa lực từ  ngoài khơi". Trên không hàng trăm trực thăng cùng máy bay phản lực khống chế bầu trời khi kế hoạch Talon vise triển khai. Biết tin, Đại sứ Martin nói với Hưng: "Đó là những kế hoạch điên rồ [crazy plans] có thể gây ra thảm họa lớn". Vì nếu Mỹ chỉ di tản người Mỹ và bà con của họ thì “liệu các đơn vị quân đội, cảnh sát, nghĩa quân, địa phương quân, dân chúng VNCH có để yên hay không?” [tr.372]. Đêm 17.4, sau nhiều tin tình báo bất lợi, Martin đánh mật điện rất dài gửi Kissinger nhấn mạnh: “Người Việt Nam sẽ cho rằng Hoa Kỳ mang TQLC vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây" [tr.377] và những ngày sau đó Martin đã đưa "một số khá nhiều phi công VNCH và gia đình được ưu tiên ra đi. Tất cả khoảng 2.000 người di tản trước hết là tới phi cảng Utapao ở Thái Lan. Mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ. Trình bày cho Quốc hội về việc này, ông Martin cho rằng nếu cảm thấy bị bỏ rơi quá tàn nhẫn, phía Việt Nam sẽ trút sự giận dữ trên đầu những người Mỹ còn lại [...]. Nếu phi công VNCH bắn rơi ba bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ, chắc chắn là sẽ có nhiều trong số 6.000 người Mỹ phải chết. Thêm vào đấy là số thương vong không thể lường của quân đội hai bên. Dĩ nhiên là không lực từ Đệ thất hạm đội sẽ vào uy hiếp dẹp mọi cuộc tấn công. Nhưng Sài Gòn sẽ đổ nát như Baghdad và bao nhiêu người dân sẽ là nạn nhân ?" [tr.381].  Sau cùng Tổng thống Ford đã được thuyết phục, bãi bỏ Talon vise, không đưa TQLC Mỹ vào Sài Gòn nữa. Đến 4 giờ 58 phút ngày 30.4, Martin "bơ phờ ôm lá cờ Mỹ bước lên chiếc Lady Ace 09". Mật hiệu "Tiger, Tiger, Tiger" được phát từ máy bay, cho biết Martin sắp rời bờ biển Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, trưa 30.4 [nhằm 1.5 giờ Sài Gòn], Hãng thông tấn Associated Press phát thông cáo: "Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và cựu phụ tá đặc biệt của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, sẽ tổ chức một buổi họp báo lúc 4 giờ chiều hôm nay tại khách sạn May Flower, phòng Pan American, để nói về bản chất những thỏa thuận bí mật giữa cựu Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu. Sẽ tiết lộ hai lá thư của ông Nixon gửi ông Thiệu" [tr.421]. Đúng giờ, ký giả báo chí và truyền hình kéo đến chật phòng họp. Ông Hưng nói với họ đại ý là, củ cà rốt tức viện trợ mà Hoa Kỳ cam kết rất rõ ràng qua các lá thư Nixon gửi dinh Độc Lập là sẽ tiếp tục đầy đủ để vực dậy hoạt động kinh tế của chính quyền Sài Gòn rốt cuộc chỉ là bánh vẽ to tướng và kêu gọi Hoa Kỳ đón nhận, giúp đỡ người Việt Nam di tản. Một nhà báo Mỹ hỏi lý do gì nước Mỹ phải giúp đỡ như thế. Hưng đáp chính tượng Nữ thần Tự do nhắc nhở điều đó. Nghe thế, anh chàng nhà báo kia vội xen vào một câu xỏ xiên: “Tôi xin nhắc nhở cho ông là Nữ thần Tự do quay mặt về phía Đại Tây Dương”. Hưng viết: "Ý nói là bà [nữ thần] quay lưng về phía Thái Bình Dương, phía Việt Nam chúng ta! Vô cùng đau đớn, tôi đã không cầm được nước mắt". 

Mai Nguyễn

Khi đồng minh tháo chạy là cuốn sách xuất bản năm 2005 của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Howard.

Khi đồng minh tháo chạyThông tin sáchTác giảQuốc giaNgôn ngữNhà xuất bảnNgày phát hànhSố trangISBNCuốn sauISBN
Nguyễn Tiến Hưng
Hoa Kỳ
Tiếng Việt
Hứa Chấn Minh
2005
705
978-1-62988-059-4
Khi đồng minh nhảy vào
978-1-62988-059-4

Tác giả Nguyễn Tiến Hưng nguyên là cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; ông đã làm việc tại Dinh Độc Lập, sát kề tổng thống Thiệu và Đại sứ Graham Martin. Một tháng trước khi Sài Gòn sụp đổ, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa đã trao cho ông toàn bộ hồ sơ mật về bang giao Việt-Mỹ trong thời gian từ cuối 1971 tới lúc cuối cùng vào mùa Xuân 1975.

Năm 1986, ông viết cuốn Palace File [Harper & Row Publishers xuất bản], sau đó được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Hồ sơ mật Dinh Độc Lập [HSMDDL]. Cuốn này hướng trọng tâm vào việc trình bày mối bang giao Việt-Mỹ trong những năm cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, nhất là những biến cố xoay quanh hoà đàm và Hiệp định Paris về chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt đưa ra những mật thư giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tổng thống Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford, từ 1971 đến 1975, xác nhận Mỹ cam kết yểm trợ mạnh mẽ cho Việt Nam Cộng hoà nhưng rốt cuộc lại bỏ rơi.

Năm 2005, ông cho phát hành tiếp cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy [KDMTC] của ông [gồm 700 trang] căn cứ một phần vào các dữ kiện của Hồ sơ mật Dinh Độc Lập nhưng đầy đủ và chi tiết hơn, đào sâu hơn các bằng chứng hay dữ kiện cụ thể về những năm suy sụp kinh tế, quân sự và chính trị của Việt Nam Cộng hoà [giai đoạn 1973-75] khi đồng minh lớn nhất, Mỹ, đã "tháo chạy" [từ mà ông dùng] khỏi Việt Nam[cần dẫn nguồn].

Mục lục

  • 1 Phát biểu của tác giả
  • 2 Giới thiệu khái quát tác phẩm
  • 3 Các ý kiến nhận xét về tác phẩm
  • 4 Chú thích
  • 5 Liên kết ngoài

Phát biểu của tác giảSửa đổi

Nhân dịp phát hành sách, đài VOA có phỏng vấn và ghi lại phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng như sau:

"Tôi có 4 động cơ chính khi viết sách này:

  • Thứ nhất, tôi muốn đặt lại vai trò và trách nhiệm của Hoa Kỳ. Do cơ duyên lịch sử run rủi, tôi đã được chứng kiến những gì đã xảy ra đằng sau hậu trường bang giao Việt-Mỹ vào những ngày tháng cuối cùng; và nghĩ là đã đến lúc viết ra một cách trung thực những gì mình đã chứng kiến để soi sáng cho lịch sử.
  • Thứ hai: tôi muốn nói lên tiếng nói về phía Việt Nam. Rất nhiều sách đã được viết về thời gian kết thúc cuộc chiến, phần nhiều rất là thiên lệch, nhất là sách của các tác giả người Mỹ, họ viết theo quan điểm của họ.
  • Thứ ba: tôi nghĩ đặc biệt đến giới trẻ Việt Nam, họ rất hoang mang, không hiểu rõ lịch sử, không đủ tài liệu để đọc. Nhiều em học sinh và sinh viên viết những bài essay về Việt Nam dựa trên tài liệu của thư viện hoặc Internet, tôi thấy có nhiều bài rất ngây ngô, thiên lệch. Tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục để các em viết như thế này thì lịch sử sẽ không được trung thực. Vì thế tôi đã cố gắng ghi lại các tài liệu bằng tiếng Anh và để trong phần phụ lục cho các em tham khảo. Ví dụ như câu của Tiến sĩ Henry Kissinger: "biết ơn không phải là đặc tính của người Việt Nam", nếu chúng ta để các em trích câu đó vào các bài của mình thì làm sao đúng được.
  • Lý do sau cùng: tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm với chính cá nhân tôi sau khi có cơ hội được gần Tổng thống Thiệu và Đại sứ Martin trong những ngày tháng cuối cùng, và sau năm 1975, đã được tiếp xúc rất nhiều với hai nhân vật này, đã được nghe và ghi lại nhiều điều tâm huyết".

Theo đài VOA: "Tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Ước mong của ông khi viết tập sách này là để trả lại lịch sử những sự thật của lịch sử. Ông không chạy tội, không bênh ai, không lên án ai, mà chỉ ghi lại những gì mà ông đã có cơ duyên chứng kiến" và "Tác giả cũng ước mong rằng giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối công việc mà ông đang làm để trả lại sự thật cho lịch sử, và theo lời ông, để 'trả lại cho Caesar những gì thuộc về Cesar'"[1].

Cũng theo ông:

Cuốn sách này không đề cập tới toàn bộ những lý do đã dẫn tới sự sụp đổ của VNCH... Đây chỉ là một cố gắng thuật lại cho trung thực những gì mình đã mắt thấy tai nghe, và những gì đã tìm hiểu được để chia sẻ với đồng hương về một chương lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời đúc kết lại những bài học cho các thế hệ mai sau..." [2]

Giới thiệu khái quát tác phẩmSửa đổi

Khi đồng minh tháo chạy gồm có năm phần, chia ra làm hai mươi chương, mỗi chương đều được tác giả đặt cho một tiêu đề giải thích ý chính của chương đó. Tác phẩm gồm 705 trang, trong đó có hơn 170 trang phụ lục [từ trang 497 tới trang 701], gồm bản sao của những tài liệu mật trao đổi giữa ba tổng thống Richard Nixon, Gerald Ford và Nguyễn Văn Thiệu. Một số thư từ, tài liệu trong phụ lục đã được tác giả dịch đưa vào trong sách để làm sáng tỏ thêm chủ đề của tác giả. Ngoài ra là Ghi Chú, Sách Tham khảo, và Danh Mục để người đọc tham khảo đánh giá sự trung thực của những điều tác giả trích dẫn hay viện dẫn.

Lời nói đầu: Sao lẹ thế

Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Quân đội Bắc Việt đánh chiếm Ban Mê Thuột. Đến ngày 30 tháng 4 đã tiến vào Sài gòn. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày? Không lẽ một cuộc chiến kéo dài tới hai mươi năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy?

Phần 1: Làm sao thoát khỏi vũng lầy

  • Chương 1: Việt Nam bầu Nixon
  • Chương 2: Kissinger, ông là ai?
  • Chương 3: Củ cà rốt và cái gậy
  • Chương 4: Lui vào bóng tối

Phần 2: Thân phận tiểu quốc

  • Chương 5: Tự túc tự cường
  • Chương 6: Cú sốc mùa Thu
  • Chương 7: Làm thế nào để bớt lệ thuộc?

Phần 3: Khi đồng minh tháo chạy

  • Chương 8: Năm của định mệnh
  • Chương 9: Nhát gươm đao phủ
  • Chương 10: Lúc tuyệt vọng
  • Chương 11: Che giấu Quốc hội, nhân dân Hoa kỳ "Sau bao nhiêu thủ đoạn của Kissinger, vào lúc sắp hạ màn, lại thêm một chuyện khó hiểu: nhân dân Hoa Kỳ không được nghe những lời cầu cứu của nhân dân Miền Nam, vì đã không có dấu vết gì là hai lá thư của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa cầu cứu Quốc hội Hoa Kỳ đã tới nơi"!
  • Chương 12: Hãy giúp chúng tôi / Một ân huệ cuối cùng
  • Chương 13: "Sao chúng không chết phứt cho rồi!"

Phần 4: Rước của nợ hay được của có?

  • Chương 14: Ai không muốn di tản người Việt?
  • Chương 15: Vào để giúp… Ra lại bắn nhau? "Các em nữ sinh Việt Nam mặc đồng phục màu trắng, đứng dàn chào trên bãi biển, chờ đón để cài hoa lan lên áo người chiến sĩ đồng minh. Hôm đó là ngày 8 tháng 3 năm 1965. Hai sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Họ là nhóm đầu tiên mở đường cho một đoàn quân trên nửa triệu vào tham chiến tại Việt Nam, họ đến để giúp nhân dân Miền Nam chiến đấu với quân đội Cộng sản Bắc Việt".
  • Chương 16: Vĩnh biệt ông Đại sứ
  • Chương 17: Một cố gắng cuối cùng

Phần 5: Nhìn lại lịch sử

  • Chương 18: Bao nhiêu trắc trở lúc ban đầu
  • Chương 19: Tại sao sụp đổ "Năm 1954, khi Điện Biên Phủ lâm nguy, ngày 25 tháng 3, Chính phủ Pháp cử Tổng tham mưu Quân đội, tướng Paul Ely đi Washington, D.C. cầu cứu Hoa Kỳ can thiệp và gấp rút tiếp viện cho đoàn Quân viễn chinh Pháp, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã từ chối. Điện Biên Phủ thất thủ, dẫn tới sự chia đôi đất nước Việt Nam".
  • Chương 20: Những bài học từ cuộc chiến Việt Nam

Thay lời cuối: Thiện tâm của nhân dân Hoa kỳ

Tất cả có chín cơ quan thiện nguyện tham gia định cư người Việt. Những tổ chức này đã cố gắng hoạt động và phải chi tiêu trung bình là từ 2.500 tới 3.000 đô la để định cư mỗi gia đình.

Các ý kiến nhận xét về tác phẩmSửa đổi

  • Trên trang web của đài BBC đăng nhận xét của Nguyễn Kỳ Phong về tác phẩm như sau[3]: "Ý nghĩ đầu tiên sau khi đọc KĐMTC là những ai đã đọc HSMDĐL rồi, thì sẽ thấy thất vọng sau khi đọc KĐMTC." "Buông quyển KĐMTC xuống, người điểm sách có cảm tưởng mình vừa đọc lại bản dịch Việt ngữ của The Palace File-chỉ khác là bản dịch này kém hơn bản dịch HSMDĐL của Cung [Thúc] Tiến trước đây. Trong căn bản, KĐMTC không có gì mới so với HSMDĐL. "Nếu có khác thì khác ở chỗ KĐMTC không được soạn thảo cẩn thận như HSMDĐL." ... "...mặc dù có nhiều đoạn được dịch thẳng từ HSMDĐL, có nhiều sai lầm và lệch lạc do sự cẩu thả của người đánh máy hay sự bất cẩn của tác giả. "Trong khi trong HSMDĐL có những chi tiết có thể gây ra tranh luận, nhưng những chi tiết đó được trình bày với dẫn chứng và bằng sử liệu. "Nhưng trong KĐMTC, nhiều chi tiết đã làm độc giả gãi đầu vì tác giả không cung cấp một tài liệu nào để chứng minh cho những nhận định đưa ra". ... "Trong KĐMTC tác giả dựa khá nhiều vào những cuộc phỏng vấn để ghi lại những chi tiết cho tác phẩm. Chuyện đó hoàn toàn chấp nhận trên phương diện phương pháp sử. Tuy nhiên, nếu có những cuộc đối thoại nào mà chi tiết đi ngược lại nội dung của những gì đã được xuất bản, được nói đến rồi, với vai trò một người viết sử, tác giả phải có trách nhiệm trình bày luôn để độc giả thấy được hai mặt trái phải của một sự kiện". Và: "Sử kể truyện cho người đọc nhiều hứng thú và lôi cuốn người đọc, nhưng rất khó viết. Người viết loại sách này cần có một văn phong lưu loát, trí nhớ chính xác, và một sự phong phú về sử liệu. The Palace File có được vài yếu tố này; nhưng KĐMTC thì hoàn toàn không. Hai tác phẩm gần như là một về phương diện sử liệu, nhưng KĐMTC không có văn phong lưu loát như The Palace File".
  • Trong khi đó trên BBC cũng đăng ý kiến của Nguyễn Tường Tâm[4]: "Với 495 trang nội dung [cuốn sách dày 705 trang] đầy ắp những dữ kiện trong đó rất nhiều dữ kiện chưa từng được công bố liên quan tới bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cho tới ngày tàn cuộc, cuốn Khi đồng minh tháo chạy xứng đáng là cuốn hay nhất trong các cuốn sách cùng loại. Cuốn sách không cần phải đọc lần lượt từ đầu tới cuối mà có thể chọn bất cứ chương nào mình thích để đọc trước, điều đó giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái... Ngoài thể bút ký, cuốn "KĐMTC" lại thực sự là "một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị"...".

Chú thíchSửa đổi

  1. ^ Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng và "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" trên đài VOA, 2005
  2. ^ Khi đồng minh tháo chạy, trang 26-27.
  3. ^ Nhận xét của Nguyễn Kỳ Phong, BBC Tháng 8 2005
  4. ^ Nhận xét của Nguyễn Tường Tâm trên đài BBC, 2005

Liên kết ngoàiSửa đổi

  • Những câu hỏi đáp với Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng trên mạng với độc giả báo Người Việt, 2005
  • Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng và "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", trên đài VOA, 2005
  • Khi Đồng Minh Tháo Chạy có thực sự mới? và những bài liên hệ trên đài BBC, 2005
  • Tú Gàn, Làm sáng tỏ thêm lịch sử Lưu trữ 2008-03-16 tại Wayback Machine và bài Nguyễn Tiến Hưng trả lời Nguyễn Kỳ Phong Lưu trữ 2008-03-16 tại Wayback Machine trên Đàn Chim Việt, 2005
  • Tạ Văn Tài, Giới thiệu sách Khi đồng minh tháo chạy của GS Nguyễn Tiến Hưng và bàn thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam trên talawas, 2005
  • Phan Nhật Nam, Đồng minh "không" tháo chạy Lưu trữ 2008-03-16 tại Wayback Machine, 2005.

Video liên quan

Chủ Đề