File lac và wav file nào chuẩn âm thanh hơn năm 2024

Là một người thích nghe nhạc hoặc đang làm trong ngành âm thanh, chắc hẳn bạn đã từng gặp qua rất nhiều định dạng tệp âm thanh như MP3, AAC, WAV, FLAC, M4A,… Vậy sự khác biệt giữa nhạc mp3 và WAV hay các dạng tệp khác là gì? Chúng nghe có khác nhau hay không? Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Định dạng âm thanh lossless, lossless compress và lossy compress

Lossless

Lossless (còn được gọi là uncompress) có nghĩa là không bị nén hoặc không sứt mẻ gì so với bản gốc. Khi bạn thu âm trong studio chuyên nghiệp thì tín hiệu sóng analog thu vào sẽ được máy tính mã hoá ở định dạng lossless có đuôi là WAV (phổ biến hơn) hoặc AIFF (định dạng lossless của máy Mac).

Trong các tệp âm thanh lossless thì cũng sẽ có loại tệp chất lượng cao hơn, có loại chất lượng thấp hơn dựa vào thông số bitrate (đơn vị kbps) – là lượng thông tin được chứa trong một giây tính theo độ dài tệp. Điều này khá giống với độ phân giải trong video, trên mức phân giải HD (720p) còn có các mức phân giải cao hơn nữa như Full HD 1080p, Ultra HD 4k,… Chất lượng thấp nhất cho một tệp âm thanh lossless stereo là 1411 kbps (44,1kHz sample rate và 16 bit depth), đồng nghĩa với một tệp âm thanh lossless có dung lượng tối thiểu khoảng 10,6 MB trên 1 phút độ dài. Một bài hát thông thường sẽ dài khoảng 3 phút do đó để lưu trữ một album 10 bài với chất lượng lossless ta sẽ mất ngót nghét 318 MB, đây là một dung lượng không nhỏ.

File lac và wav file nào chuẩn âm thanh hơn năm 2024

Tệp âm thanh lossless được dùng phổ biến trong giới thu âm, sản xuất âm nhạc. Nếu bạn cần gửi file vocal thô cho một bên khác mix master thì bạn nên gửi tệp lossless để đảm bảo chất lượng âm thanh không bị thất thoát. Nếu bạn muốn phát hành album qua đĩa CD hoặc USB thì chuẩn file ít nhất cũng nên là tệp lossless 1411 kbps. Các bên phát hành nhạc trực tuyến như Spotify, Soundcloud tuy không hỗ trợ phát nhạc lossless nhưng vẫn khuyến cáo nghệ sĩ upload file với chất lượng uncompress để việc chuyển đổi sang các định dạng lossy được tối ưu.

Do nhu cầu lưu trữ và phát nhạc trực tuyến nên các thuật toán giúp nén dung lượng tệp âm thanh ra đời, từ đó ta có các định dạng lossless compress và lossy compress.

Lossless compress

là định dạng âm thanh được nén lại từ một tệp lossless nhằm làm giảm dung lượng file nhưng vẫn giữ được 100% chất lượng âm thanh gốc. Các đuôi tệp lossless compress phổ biến là FLAC (phổ biến hơn), ALAC (được phát triển bởi Apple). Một tệp lossless có bitrate là 1411 kbps sẽ nén ra được một tệp FLAC có bitrate khoảng 852 kbps, chỉ bằng 60% dung lượng so với tệp gốc. Các định dạng lossless compress rất phù hợp cho những người thích sưu tầm nhạc chất lượng cao và muốn lưu trữ số lượng lớn.

Lossy compress

Những năm đầu thế kỷ 21 khi mà mạng internet vẫn còn khá chậm và thiết bị nghe nhạc chỉ hỗ trợ lưu trữ vài trăm MB thì các định dạng lossless và lossless compress không đáp ứng được nhu cầu của số đông người nghe nhạc. Do đó các file lossy compress rất được ưa chuộng trong thời kỳ này. Lossy compress là những dạng file được nén từ tệp lossless gốc, đánh đổi một phần chất lượng của âm thanh để đạt được độ nén file rất lớn, có thể lên tới 22 lần. Vì mất đi một phần chất lượng nên một tệp lossy nghe sẽ không chi tiết, sống động như bản gốc. Ta cũng không thể ‘hô biến’ tệp lossy trở về chất lượng âm thanh losslesss được. Đuôi tệp lossy thường thấy là MP3 (phổ biến nhất), M4A (hay AAC – phát triển bởi Apple, cho độ nén tương đương mp3 nhưng chất âm được bảo toàn tốt hơn).

MP3 là loại tệp lossy compress được sử dụng phổ biến nhất bởi nó ra đời sớm hơn và hầu hết các thiết bị nghe nhìn đều hỗ trợ. Một tệp MP3 chất lượng 128 kbps (chỉ bằng 1/10 so với tệp lossless 1411 kbps) đã có thể làm hài lòng người nghe nhạc phổ thông. Giới DJ vẫn ưa thích dùng các file nhạc MP3 320 kbps (chất lượng cao nhất của MP3) để lưu trữ trong USB phục vụ cho trình diễn. Các nền tảng phát nhạc trực tuyến như Spotify và Soundcloud sẽ nén file nhạc lossless của bạn thành MP3 để lưu trữ và phát hành.

File lac và wav file nào chuẩn âm thanh hơn năm 2024

M4A (hay AAC) là loại tệp lossy compress được đánh giá cao hơn MP3 về chất lượng âm thanh và cả độ nén. Nhiều diễn đàn nghe nhạc đã đưa ra các bài test về chất lượng giữa một tệp AAC 256kbps và một tệp MP3 320kbps. Phần thắng hoàn toàn nghiêng về AAC khi vừa nhẹ hơn lại vừa nghe hay hơn MP3. Các nền tảng streaming như Youtube, Apple Music cũng chọn AAC là định dạng phát audio mặc định. Ngày nay càng có nhiều thiết bị nghe nhìn hỗ trợ phát định dạng này.

Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn đọc cùng nghe qua 2 tệp âm thanh mình chuẩn bị ở link bên dưới

Tệp A vs Tệp B

Trong 2 tệp này có 1 tệp là lossless 1411kbps (bản gốc), một tệp đã bị chuyển đổi sang định dạng MP3 128kbps. Hãy thử dùng tai nghe hoặc một chiếc loa tốt để lắng nghe và comment bên dưới đoán thử xem đâu là tệp âm thanh lossless, đâu là tệp lossy nhé!

Nếu bạn nghe kỹ sẽ thấy tệp âm thanh gốc rất trong, các nhạc cụ có dynamic đẹp và tổng thể bài hát tươi, sáng. Tệp âm thanh lossy chất lượng cũng không khác quá nhiều, tuy nhiên có một vài điểm có thể nghe ra là:

  • Tổng thể chất âm không sáng bằng bản lossless do file âm thanh bị mất đi khoảng từ 16 kHz trở lên. Đây là đặc điểm dễ nhận ra nhất của một tệp âm thanh lossy. Khoảng tần số này tuy không quá quan trọng nhưng khi mất đi sẽ làm tệp âm thanh lossy thiếu đi sự sống động, giọng hát và các nhạc cụ không có cảm giác hiển hiện rõ trước mặt như so với tệp gốc. Với những chất lượng tệp cao hơn như MP3 320kbps thì khoảng tần số này vẫn được bảo toàn.
  • Các đỉnh âm lượng của bài như tiếng trống, vocal chính bị mất đi độ dynamic. Đây là tác dụng phụ do việc cắt giảm bớt bit depth của tệp âm thanh. Bit depth càng thấp thì âm lượng của bài càng không có đủ khoảng trống để dao động, do đó các đỉnh cao nhất sẽ có cảm giác như bị compress một ít so với bản gốc. Nhiều lúc có thể nghe thấy distortion nhẹ ở các đỉnh này.
  • Chất âm của bài không còn trong mà có cảm giác như bị nhiễu (phase), có thể nghe rõ nhất ở vocal và tiếng guitar acoustic. Đây là lỗi răng cưa (aliasing error) khi file không có đủ sample rate để thể hiện tốt các tần số cao.

Có một điều mình phải nói thêm đó là các khuyết điểm kể trên rất khó nghe ra ở một tệp lossy MP3 320kbps hay một tệp AAC 256kbps, do đó mình phải nén ở chất lượng 128kbps để bạn đọc dễ nghe sự khác biệt hơn. Tuy nhiên nếu bạn không nghe được và không hiểu những đặc điểm mình vừa nêu trên thì cũng không sao vì mình thấy chúng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm nghe nhạc của một khán giả thông thường. Do đó câu hỏi đặt ra là loại tệp âm thanh nào phù hợp với bạn?

Tôi nên dùng loại tệp nào để nghe nhạc?

Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi này dựa trên mục đích của việc nghe nhạc

Nếu bạn nghe nhạc như một khán giả thông thường thì một tệp âm thanh AAC 256 kbps đã quá đủ cho nhu cầu. Bạn có thể nghe nhạc với chất lượng này ở các nền tảng như Youtube (miễn phí) hay Spotify (59 ngàn/tháng).

Nếu bạn thích nghe và sưu tầm nhạc chất lượng cao thì có thể tìm mua CD của các nghệ sĩ mình yêu thích, sau đó burn ra một bản FLAC để lưu trữ trong máy. Nền tảng Apple Music từ phiên bản IOS 14.5 và MacOS 11.4 cũng đã hỗ trợ nghe nhạc chất lượng lossless compress ALAC. Đây là một tin vui đối với những audiophile tại Việt Nam vì trước đây các nền tảng hỗ trợ stream nhạc lossless khác như Tidal lại chưa có mặt trên thị trường nước ta. Tuy nhiên người dùng Airpod lại không sử dụng được dịch vụ này vì Apple vẫn chưa hỗ trợ phát nhạc lossless qua Bluetooth.

File lac và wav file nào chuẩn âm thanh hơn năm 2024

Nếu bạn là một người làm trong ngành sản xuất âm nhạc thì lại càng nên đầu tư nghe nhạc chất lượng cao. Độ sống động, trong trẻo của nhạc lossless có thể giúp bạn học được rất nhiều cái hay từ bản mix của các audio engineer hàng đầu thế giới. Bản chất công việc của audio engineer là làm việc với âm thanh chất lượng cao nên việc nghe nhạc lossless còn giúp chúng ta định hình được thế nào là sound hay, sound sạch, từ đó có thể thu âm, thiết kế âm thanh, mix master tốt hơn.

Kết

Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ ngày nay thì những file nhạc MP3 chất lượng 128kbps dần dần chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Bản thân mình thấy dù bạn là một khán giả thông thường hay một chuyên gia về audio, khi đã yêu thích âm nhạc thì ta nên đầu tư nhiều hơn cho chất lượng nhạc mình nghe. Với gói family 90k/tháng cho 4 user trên Apple Music, tức là mỗi tháng bạn chỉ tốn chưa tới 23k, thì còn ngần ngại gì mà chưa bắt đầu trải nghiệm thế giới âm nhạc diệu kỳ đang chờ đón?