Hình tượng nhân vật là gì

Vai trò của văn học - nghệ thuật (VH-NT) đã được Đảng ta xác định rất rõ: “VH-NT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người” (Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới”).

Thế nên, nhân vật trong VH-NT càng đóng vai trò quan trọng, là “xương sống” để VH-NT phát huy những tác dụng hết sức cần thiết đó.

Tạo “xương sống” cho VH-NT

“Xương sống” ấy chính là dòng chủ lưu về tư tưởng, là hình tượng nhân vật trong các tác phẩm VH-NT nói chung, đặc biệt là mảng văn học. Nhìn lại lịch sử của VH-NT Việt Nam một cách toàn cảnh, dễ thấy ở từng giai đoạn, thời kỳ đều có những dòng chủ lưu về tư tưởng, những hình tượng nhân vật làm nên “xương sống” cho VH-NT, giúp VH-NT định hình rõ vai trò của mình trong đời sống đương đại.

Thời kỳ giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, VH-NT xứng tầm trở thành “một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” như lời của Bác! Hình tượng anh hùng luôn là nhân vật trung tâm của VH-NT giai đoạn này, có thể điển hình là tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Tô Hoài, Nguyên Ngọc... Rồi sau nữa, làm sáng lên diện mạo VH-NT đương đại là những nhân vật đã trở thành bất hủ như: Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong truyện ký “Sống như anh” của Trần Đình Vân; Lữ trong tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; chị Sứ trong tiểu thuyết “Hòn đất” của Anh Đức; rồi những hình tượng nhân vật không tên vẫn tạo nên hồn cốt cho VH-NT như hình tượng bộ đội và thanh niên xung phong trong thơ Phạm Tiến Duật, Tố Hữu, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh...

Chỉ điểm một “lát cắt” trong lịch sử VH-NT để thấy, ở mỗi thời kỳ, từng tuyến nhân vật trung tâm của VH-NT đều được định hình. Đó là tấm gương phản chiếu rõ nét cuộc sống, những hy sinh, cống hiến cho Đảng, cho đời của từng thế hệ con người Việt Nam. VH-NT cần “cận cảnh” vào những hình tượng ấy mới chính là góp phần lan tỏa cái chân - thiện - mỹ cho cuộc đời.

Hình tượng nhân vật là gì

Ngoài những vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng, văn học - nghệ thuật còn rất cần những vở diễn với những nhân vật mang vẻ đẹp mới của cuộc sống hiện đại hôm nay. Trong ảnh: Vở cải lương “Cánh chim trắng trong đêm” do Nhà hát Cao Văn Lầu dàn dựng, biểu diễn. Ảnh: C.T

Lan tỏa những hình tượng đẹp

Trong hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VH-NT trong tình hình mới” do Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức vào tháng 8 vừa qua, vấn đề định hình nhân vật trung tâm, tìm “vai” cho VH-NT đương đại cũng được các đại biểu đề cập.

Tham luận nội dung “Từ nhân vật trung tâm trong văn học hiện nay đến vấn đề trung tâm của VH-NT Việt Nam trong thời kỳ mới”, Thiếu tướng - tiến sĩ - nhà văn Nguyễn Hồng Thái (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân, Ủy viên Hội đồng lý luận, phê bình VH-NT Trung ương) nêu chính kiến: “Giai đoạn từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, nhân vật trung tâm trong các sáng tác văn học thời kỳ này chia nhiều nhóm nhỏ, không có nhóm nào nổi trội thành một dòng chính. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các hình tượng nhân vật tích cực, nhân vật có vẻ đẹp lý tưởng theo quan niệm truyền thống dường như vắng bóng hoặc thiếu “xương cốt”, nên sức hấp dẫn, cuốn hút bị mai một hoặc biến mất. Đây là đặc điểm đáng chú ý, trong khi hiện thực cuộc sống xuất hiện nhiều con người mới, những mẫu người có vẻ đẹp mới đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước”.

VH-NT Bạc Liêu từng có hình tượng người mẹ, người liệt nữ anh hùng trong “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn, hay hình tượng nhân sĩ trí thức Việt Nam - Cao Triều Phát trong vở cải lương “Mặt trời đỏ”, những người chiến sĩ cách mạng “vào hang cọp” trước thời khắc giành chính quyền không nổ súng của quân và dân Bạc Liêu năm 1975 trong vở “Trước bình minh” (đây là những vở được Nhà hát Cao Văn Lầu dàn dựng và biểu diễn phục vụ các dịp lễ lớn), hay sự kiện Nọc Nạng, Ninh Thạnh Lợi từng được phim ảnh tái hiện và hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng được vẽ, khắc họa, ghi nhận qua các loại hình mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh...

Tuy nhiên, như nhận định chung về VH-NT trên cả nước của nhà văn Nguyễn Hồng Thái, tuyến nhân vật tạo nên “xương sống” vẫn còn thiếu vắng trên văn đàn nói chung. Trong khi, những con người có vẻ đẹp mới, có đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới trên quê hương Bạc Liêu không hiếm! Đó là những tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - những tuyến nhân vật trung tâm này xứng đáng được VH-NT lan tỏa sâu rộng hơn nữa bằng bút pháp văn chương, nhạc, họa... để tiếp tục cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua xây đời tươi đẹp như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bạc Liêu có hẳn Kế hoạch 43 của Tỉnh ủy về tổ chức tuyên dương tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã triển khai hơn 5 năm qua với hàng ngàn tấm gương tiêu biểu. Khai thác tuyên truyền tốt tuyến nhân vật này, rồi còn nữa là những nhân tố mới trong xây dựng nông thôn mới, những con người làm giàu chân chính trên đồng ruộng, vuông tôm của mình, tấm gương chăm lo cho người nghèo bằng cái tâm..., lúc ấy VH-NT mới tiếp tục dòng mạch chính là lan tỏa chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, phản ánh chân thật cuộc sống lao động, sáng tạo của Nhân dân. Cần lắm việc đi tìm nhân vật cho VH-NT ở tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc...