Hoàng đế đệ nhất của đế chế pháp là ai

Song, ở một khía cạnh nào đó, Austerlitz – với tất cả những dáng vẻ hoàn hảo của mình – dường như cũng chính là một cột mốc mà sau đó, Đế chế Pháp của “Hoàng đế” bắt đầu trượt xuống phía bên kia sườn dốc.

Kiệt tác

Trước Austerlitz, có lẽ lịch sử quân sự phương Tây chưa từng chứng kiến một trận dụ địch trận địa chiến phức tạp nhưng chính xác đến hoàn hảo như vậy. Đến mức độ, Nga hoàng Alexander I phải thốt lên cay đắng nhưng tâm phục, sau chiến bại: “Chúng ta chỉ là những em bé trong bàn tay của một tên khổng lồ”.

Trên bề mặt, diễn biến và kết quả của trận đánh có thể tóm tắt tương đối ngắn gọn: Sau đại thắng chiến dịch Ulm [16-19/10-1805], Đại quân [La Grand Armee] của Đệ nhất Đế chế Pháp tiến vào Vienne. Tuy nhiên, Napoleon Bonaparte thấy quân Áo và quân Nga địch thủ hợp binh ở phía Bắc đế quốc Áo – Hung. Ông, không thể lựa chọn khác, sẵn sàng cho một chiến thắng kiểu “đánh rắn dập đầu”, hoặc nói cách khác là “được ăn cả, ngã về không”.

Bởi vậy, ở Austerlitz [khai chiến ngày 2/12/1805], việc đầu tiên mà Napoleon thực hiện là cố ý bộc lộ sơ hở. Ông chủ tâm dàn trải mỏng lực lượng cánh phải của Đại quân, thậm chí còn ra lệnh rút quân khỏi Pratzen – một cao điểm có vị trí chiến lược. Chính bởi vậy, sáng 2/12/1805, liên quân Nga – Áo từ đó dồn lực đánh vào làng Telnitz và làng Sokolnitz, ở cánh phải quân Pháp.

Napoleon trên chiến trường Austerlitz.

Tại đó, những toán quân Pháp cảm tử đã tử thủ oanh liệt, đủ để khiến liên quân Áo – Nga phải điều bớt quân từ vị trí Pratzen tiếp sức. Và chính khi ấy, quân tiếp viện Pháp do Thống chế Davout chỉ huy đi gấp từ Vienne đến kịp trận địa, tiếp tục kìm hãm và phân tán lực lượng liên quân. Để rồi, nhân cơ hội đó, Thống chế Soult xua quân tràn lên Pratzen, chiếm lại cao điểm – một ngón đòn “phản khách vi chủ” độc địa.

Song, lần này, theo bước quân Pháp còn cả những họng pháo do ngựa kéo. Từ cao điểm, pháo binh Pháp nã không thương tiếc vào các hàng ngũ quân địch – vốn đang bị chia cắt bởi những mũi hợp vây sung sức. Thất bại của liên quân Nga – Áo là không thể tránh khỏi. Họ đã rơi vào một cái bẫy quá hiểm hóc, đúng như cách Napoleon động viên binh sĩ Pháp: "Xem chúng tiến công kìa! Một khi chúng tự coi mình là những kẻ tiến công, chúng sẽ phải ngước lên mà thấy chúng đã phần nào bại trận!", và “Hỡi ba quân! Kẻ thù không cẩn trọng đã tạo cho các ngươi giáng những đòn quyết định! Một đòn chí mạng, và trận chiến chấm dứt!”.

Nói, thì đơn giản biết mấy. Song, để cánh quân của Davout có mặt tại chiến trường đúng vào lúc thế trận của liên quân Nga – Áo đã rục rịch biến chuyển [sau khi đã liên tục hành quân 110 km trong 48 giờ], hay để đoàn kỵ binh của Thống chế Soult giữ được bí mật đến tận cùng [nhờ một làn sương mù dày đặc bao phủ trận địa] nhằm tung ra một đòn phản kích tất sát, làm thay đổi toàn bộ cục diện trận đánh, đó là điều gần như không ai hình dung nổi vào thời điểm đó.

Thiên tài quân sự của Napoleon chắc chắn không phải là một hư danh. Chưa bàn đến chuyện ứng biến trên trận tiền, hay chưa đề cập đến vấn đề “căn bản binh gia” là hậu cần, chỉ riêng cách ông tổ chức “Đại quân” của mình đã đủ khiến mọi đối thủ tại cựu lục địa choáng ngợp. Nó gợi nhớ lại vó ngựa trường chinh của những đoàn quân Mông Cổ tỏa đi mọi hướng thời Thành Cát Tư Hãn.

Dưới trướng Napoleon, La Grand Armee là cả hàng chục vạn quân. Đại quân được cấu thành từ nhiều quân đoàn riêng biệt, mỗi quân đoàn do một Thống chế Đế chế chỉ huy. Những quân đoàn ấy di chuyển tương đối tự do, ngay trên đất địch, song vẫn luôn giữ được liên lạc chặt chẽ cần thiết, khi không mấy khi di chuyển cách xa nhau quá một hai ngày đường.

Và, một cách ngắn gọn, việc quân Pháp lật ngược thế cờ được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tập trung lực lượng. Nhưng bên cạnh đó, cánh viện binh sinh lực của Davout còn là đỉnh cao của khả năng định liệu và nắm bắt thời cơ.

Và suy vong

Nhưng, từ ánh mặt trời Austerlitz đến hoàng hôn Waterloo, cũng vẫn con người ấy, cũng vẫn thiên tài quân sự ấy, cũng vẫn cách bài binh bố trận ấy, kết cục dành cho Napoleon Bonaparte lại hoàn toàn trái ngược.

Trong hàng chồng giấy mực đã bị tiêu tốn để phân tích thất bại của Napoleon ở Waterloo, có một điểm luôn được đặt lên hàng đầu: Quân Anh đã khôi phục được hoàn toàn tinh thần chiến đấu, khi viện binh của Thống chế Phổ - Blucher – đến được chiến trường trước, trong khi viện binh Pháp do Grouchy dẫn đầu đã bỏ lỡ cơ hội tái hiện kỳ tích của Davout ở Austerlitz. Và như thế, có nghĩa là sau 10 năm, Đại quân cũng như chính Hoàng đế Đệ nhất Đế chế Pháp đã không còn duy trì được sự sắc sảo cũng như tính chính xác đến từng giờ từng phút, như dưới ánh mặt trời Austerlitz nữa.

Thậm chí, trong 10 năm đó, những diễn tiến sau chiến thắng đỉnh cao còn mỗi lúc một tệ hơn. Napoleon xem thường năng lực chiến đấu của quân đội Nga hoàng [và có lẽ không chỉ quân Nga], nên đương nhiên các thuộc tướng của ông cũng vậy. Song, có lẽ ông không đánh giá được năng lực của một vị tướng huyền thoại bên kia chiến tuyến: Nguyên soái M.I.Kutuzov.

Ở Austerlitz, chính Kutuzov trấn giữ Pratzen, và theo nhiều tài liệu, ông hiểu rõ tầm quan trọng của cao điểm ấy. Nếu không bị áp lực dội xuống từ chính Sa hoàng Alexander I, Kutuzov sẽ không điều quân đánh Telnitz, để buông lỏng Pratzen. Nói cách khác, Kutuzov đã phải nhận một thất bại mà nếu được giao đại quyền, ông có thể tránh được.

Song, ngày ấy cũng đến. Sau trận Borodino đẫm máu mà Napoleon bị Quận công Wellington của Anh quốc chê là chỉ biết hô quân xung phong, đến chiến dịch Moskva, nơi Kutuzov biến mỗi bước tiến của quân viễn chinh Pháp thành một chặng đường gần hơn đến thảm bại. Ông xác định, một cách nhất quán về mặt chiến lược: Cần phải kéo giãn khoảng cách giữa Đại quân của Napoleon với hậu cần và quân dự bị Pháp càng xa càng tốt. Cuối cùng, Kutuzov đã đúng.

Hơn thế, hơn tất cả mọi khía cạnh quân sự thuần túy, chiến thắng Austerlitz và niềm vinh quang của nó cũng như sự kiêu hãnh lấp lánh tỏa ra từ nó, lại khiến Hoàng đế Đệ nhất Đế chế Pháp càng lúc càng trở nên kiêu ngạo hơn, hãnh tiến hơn, thiếu sáng suốt hơn về mặt chính trị - ngoại giao.

Sau Austerlitz, nước Pháp thành lập Liên bang sông Rhine gồm các thuộc quốc chư hầu, và xem như thống trị châu Âu suốt bảy năm liền. Napoleon đưa một người anh của mình vào cuộc tranh chấp ngai vàng Tây Ban Nha, và đưa em rể - Thống chế Murat – lên ngôi vua Naples. Tất nhiên, ông còn tuyên chiến với nước Phổ đang trỗi dậy, và đưa Đại quân đến tận kinh thành Moskva của nước Nga. Tất cả những điều đó khiến Napoleon bị bao vây bởi kẻ thù ở tất cả các mặt. Ông không có đồng minh đúng nghĩa, và cũng xem như đã tự chặt đứt mọi đường lui dành cho chính mình.

Bách Nhật [thời kỳ 100 ngày Napoleon nỗ lực giành lại quyền lực, cho đến trận Waterloo] là một minh chứng cho sự “cô đơn” ấy, sự cô đơn mà chính hào quang Austerlitz đã tạo nên. Napoleon, cũng như toàn Đại quân, tin rằng sức mạnh quân sự của họ đủ để áp chế mọi sự kháng cự. Song, chính trị và địa chính trị không bao giờ đơn giản như thế. Nếu đơn độc giao chiến, có lẽ cả quân Anh của Wellington, quân Phổ của Blucher hay quân Nga của Kutuzov không thể là đối thủ của quân Pháp. Vấn đề là, họ sát cánh với nhau.

Sự rạn nứt trong quan hệ giữa Napoleon với Charles Maurice de Talleyrand-Périgord – trọng thần thời kỳ đầu, Quốc vụ khanh [Bộ trưởng Ngoại giao] Pháp quốc là một điều rất đáng chú ý, trong quãng thời gian 10 năm đó. Talleyrand thấy từ rất sớm, rằng Napoleon đã tạo nên quá nhiều kẻ thù, và rằng có nhiều công cụ ngoại giao để dàn xếp xung đột, thay vì cách duy nhất là gây chiến. Song, sau Austerlitz, Napoleon không còn muốn nghe những lời khuyên can của Talleyrand nữa.

Và đến bây giờ, trong thế giới hiện đại, vinh quang chiến trận lại càng không phải lời giải cần thiết, cho bất cứ siêu cường nào.

* Một đoạn trong tuyên cáo của Napoleon sau chiến thắng Austerlitz: “Hỡi binh sĩ! Trẫm hài lòng với các ngươi. Trong trận Austerlitz, các ngươi đã hoàn thành mọi thứ đúng như tiên liệu của Trẫm về lòng dũng cảm của các ngươi; các ngươi đã trang hoàng những huy hiệu của các ngươi bằng tiếng thơm bất hủ. Bốn mươi hiệu kỳ, biểu ngữ của quân Nga, 120 khẩu thần công, 20 đại tướng cùng hơn ba vạn tù binh là kết quả của ngày quang vinh này. Một đội quân gồm 10 vạn tên lính, do các Hoàng đế nước Áo và Nga chỉ huy, đã bị đại bại hoặc là tan rã…”.

* Cánh quân của Davout, đến được Telnitz, đã phải hứng chịu những đợt tấn công suốt 6 tiếng đồng hồ liên tục, bởi quân Nga - Áo đông hơn gấp ba lần. Nếu mất Telnitz, quân Pháp sẽ bị cắt đứt đường rút lui, và chính điểm này khiến liên quân Nga – Áo mắc bẫy. Để rồi, sau khi Thống chế Soult xua quân chiếm được Pratzen ở trung tâm trận địa, từ đó quay lại đánh tỏa xuống các vị trí giao tranh, chính quân Nga – Áo lại bị vu hồi, bọc hậu, bị bao vây, chia cắt và trở nên hỗn loạn.

Thiên Thư [Theo Công An Nhân Dân]

Năm 2021 là “Năm Napoleon”. Hoàng đế Pháp Napoléon đệ nhất [1769–1821] khuất núi vậy là 200 năm rồi. Để kỷ niệm sự kiện này, ở Cộng hòa Pháp, không ít quốc gia của Lục địa già, và nhiều nơi trên hành tinh, đã diễn ra nhiều hoạt động, như mít tinh, hội thảo, trao đổi, triển lãm, tham quan bảo tàng, ca nhạc, chiếu phim, xuất bản sách hoặc đặc san, bán đấu giá các kỷ vật có liên quan đến Napoleon… suốt năm qua. Các hoạt động ấy tất nhiên có chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên đã không được như dự kiến ban đầu…

Là nhân vật độc đáo bậc nhất trong Lịch sử nhân loại, Napoléon Bonaparte trước hết là một thiên tài quân sự thuộc nhóm đỉnh. Song ít người biết được rằng trước khi trở thành một nhà quân sự lỗi lạc, Napoleon còn là nhà văn đáng nể. Thậm chỉ, “nhà văn lớn nhất đương thời” [Theo nhà phê bình Pháp Sainte – Beuve gạo cội thời ấy]. Lớn chủ yếu bởi văn nói, súc tích, sáng tỏ, chuẩn mực, bộc lộ tối đa ý chí hết mình cho công việc, sâu xa là ý chí sống hữu ích nhất cho đời. Napoleon từng muốn phụng sự đảo Corse quê hương, với tư cách một nhà văn chuyên về lịch sử. Mộng không thành, ông dự tích hiến mình cho Viện hàn lâm Lyon, như một nhà nghiên cứu kiêm sáng tác văn học. Chuyện này cũng không đi đến đâu… Cậu bé Napoleon theo dõi sát sao tình hình Cách Mạng Pháp dạo đó. Cậu thất vọng ghê gớm khi thấy lý tưởng của nó chưa được chấp nhận hoàn toàn. Ban lãnh đạo cách mạng chia rẽ ngày càng sâu sắc. Thậm chí lật đổ và trừ khử nhau, như một ổ trộm cướp mạt hạng. Sau hai lần toan tự tử vì mộng vàng tan vỡ quá phũ phàng, cậu quyết không để lý tưởng Cách Mạng “Tự do, bình đẳng, bác ái” bị phản bội. Thế là, năm 1796, ở tuổi 27, Napoleon từ bỏ [Không tự giác] con đường văn chương, chuyển hẳn sang quân sự và chính trị…

*

Sinh ra và lớn lên ở đảo Corse, Napoléon Bonaparte được đào tạo bài bản, kết hợp với tự học chủ động và tường tận. Nhiệt huyết và bản lĩnh quân sự của ông giúp ông thăng tiến nhanh kỷ lục. Dẹp loạn trong nước thành công, ông gây ấn tượng choáng ngợp trong cuộc chinh phạt Italia với sự thần tốc chưa tùng thấy. Dù vẫn phải sử dụng biệt tài quân sự của Napoleon, ban chấp chính [lãnh đạo nước Pháp ở thời điểm ấy sau cách mạng Pháp 1789 lừng lẫy] bắt đầu e ngại viên tướng thấp nhỏ mà siêu phàm. Ấy là bởi chế độ mới của họ chưa thể ổn định, uy tín chưa vững vàng như mong muốn. Việc gì phải đến đã đến: năm 1799, Napoleon làm cuộc đảo chính, lật đổ chính phủ Pháp, làm tổng tài thứ nhất [thực tế là nguyên thủ], đến năm 1804, được Thượng viện tôn xưng là hoàng đế. Vị hoàng đế này mau chóng xây dựng được một quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới thời bấy giờ… Hoạt động quân sự của ông đa phần là xâm lược. Ông đã tuyên truyền cho các nước bị ông tấn công rằng cuộc chiến do ông gây ra là chính nghĩa, loại bỏ vĩnh viễn chế độ phong kiến còn lại ở những nước đó. Vì vậy, quân đội của ông là bè bạn chứ không phải kẻ thù của họ… Cả đời mình, Napoleon đánh 86 trận, thắng 77 trận. Dưới thời ông cầm quyền, lãnh thổ Pháp mở rộng gấp ba lần.

Napoleon là một nhà cải cách toàn diện và gần như hoàn hảo. Nắm chính quyền trong tay từ cuối 1799, trên tư cách tổng tài thứ nhất, ông tái cấu trúc [tức đặt nền móng khoa học thiết thực cho tới hôm nay] các ngành hành chính, tài chính, pháp lý, lập  hội đồng nhà nước, chức tỉnh tưởng, ngân hàng, tòa án thu chi ngân sách, mở nhiều trường đại học, nhất là hệ thống trường phổ thông trung học trong cả nước, đặt ra huân chương Bắc đẩu bội tinh, trước hết tặng những người lính dũng cảm, xây dựng nhiều công trình văn hóa ấn tượng còn mãi, ví như Khải hoàn môn, Cột đồng quảng trường Vendome, Nhà thờ Madeleine, Cầu đá Bordeaux… Ông ban hành Thoả ước 1801, nhằm hòa giải các cộng đồng Thiên chúa giáo. Năm 1804, ông ban bố Luật dân sự, về sau vẫn gọi là Bộ luật dân sự Napoléon, điều chỉnh sâu sắc các thiết chế pháp luật, hài hòa nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân, tăng cường quyền con người, đặc biệt là tự do cá nhân,… Bộ luật ấy hiện vẫn được áp dụng. Nhiều quốc gia đã và đang vận dụng nó một cách sáng tạo cho mình. Napoléon rất tự hào về công trình đó của ông: “Vinh quang thật sự của tôi không phải là những chiến thắng lẫy lừng. Những chiến thắng ấy bị chiến bại Waterloo xóa sạch. Điều không gì xóa được, điều còn lại mãi với thời gian, đó là bộ luật dân sự”. Thành tựu ấy khởi nguồn từ nhìn nhận về cơ bản là chính xác của ông đối với thế giới và xã hội loài người. Một ví dụ: “Cõi dương gian chỉ có hai sức mạnh: thanh kiếm và trí tuệ; ngẫm cho cùng, thanh kiếm luôn luôn bị trí tuệ khuất phục”. Câu nói nổi tiếng này của ông đem soi vào sự nghiệp của ông, thì sẽ thấy rõ: Ông đã “biết người biết ta”, biết khá sâu nhưng chưa triệt để. Sự “chưa triệt để” đó là nguyên nhân của chung cuộc cay đắng của đế chế Napoléon. Xao lãng thời tiết Nga, ông mới mở chiến dịch xâm chiếm nước này vào nửa sau năm 1812. Sáu thất bại đẫm máu ở Borodino, quân Nga không nghênh chiến nữa, Napoléon vẫn “không tỉnh ngộ”, mà thẳng tiến vào Moscow “vườn không nhà trống”, lửa cháy tơi bời… Tiếp tế gian nạn, nên buộc phải rút lui, đạo quân 600.000 người của hoàng đế tưởng vô địch bấy giờ đã chết đói chết rét gần hết, vì mùa đông kinh hoàng của nước Nga, vì mưu lược vị tướng Nga Koutouzov mà có lẽ ông coi nhẹ. Chỉ vì cái lợi trước mắt tiềm ẩn trong việc khai thác bang Louisana của Pháp ở Mỹ, Napoléon muốn tận dụng một thuộc địa của Pháp gần đó. Năm 1802, ông cho tái lập chế độ nô lệ [bị Pháp bãi bỏ từ 1794] ở thuộc địa này. Dân sở tại chống lại. Đã thế, dịch sốt da vàng đốn ngã hầu toàn bộ quân viễn chinh Pháp. Thuộc địa Saint-Domingue ấy tuyên bố độc lập. Ấy là Haiti bây giờ. Mất thuộc địa, Napoléon còn phải bán Louisana cho Mỹ.   

Sau khi chiếm được hầu hết châu Âu, Napoléon đưa toàn anh em người nhà lên ngôi vua ở các nước ấy. Chuyện này khiến uy danh của ông thêm sụt giảm. Chưa hết, một số tướng tá gần gũi nhất của ông bắt đầu dao động. Năm 1813, Napoleon tiến đánh nước Phổ. Dù thắng vài trận, Napoléon vẫn không ngăn được liên minh Anh, Áo, Phổ, Nga…, trừ Thụy Điển, tiến chiếm Paris. Thượng viện Pháp yêu cầu hoàng đế thoái vị, ngày 6/4/1814. Napoléon được giữ tước hiệu “hoàng đế”, nhưng chỉ trị vì một đảo nhỏ nơi xa, đảo Elbe. Ngày 26/2/1815, ông bí mật rời đảo Elbe, về Paris, lấy lại ngôi hoàng đế. Ông phái sứ gỉả tới các nước thuộc “Liên minh [các dân tộc]”, khẳng định muốn chung sống hòa bình với họ. Liên minh, [bốn lần bị Napoléon đánh bại, lần thứ năm chiến thắng], liền tái hợp lực lượng, chống lại Napoléon. Cuộc đụng độ diễn ra ngày 18/6/1815, ở Waterloo, nước Bỉ. Hai chỉ huy cao nhất của Napoléon không thống nhất được với nhau, gây nhiều nhầm lẫn. Quân Pháp đại bại. Ngày 22/6/1815, Napoléon buộc phải thoái vị lần thứ hai. Ông tìm đường chạy trốn sang Hoa Kỳ bằng đường biển. Nhưng không thành. Quân Anh bắt được ông, ngày 7/8/1815, đưa ông đi đày ở đảo Sainte-Héleine ở giữa Đại Tây Dương. Hoàng đế trẻ bậc nhất [lên ngôi lúc 35 tuổi] để lại nhiều tổn thương mất mát cho Pháp và châu Âu [gần 2 triệu người Pháp, gần 3 triệu dân các nước thiệt mạng, kinh tế Pháp suy sụp, bồi thường chiến tranh khổng lồ…]. Năm 1821, ông chết ở nơi lưu đày, không người thân bên cạnh, quá xa Tổ quốc, thọ 52 tuổi. Cái chết và cuộc đời của ông vẫn gây tranh cãi.

Đúng là Napoleon muốn bảo vệ và phát huy những giá trị mà Cách mạng tư sản Pháp 1789 mang lại. Song có lẽ không tự biết và chế ngự được những tham vọng ngông cuồng của một thiên tài quân sự và chính trị, ông dấn thân vào giấc mộng bá chủ thế giới. Đây đích thực là tội lớn nhất của ông. Vì vậy, năm nay, khi chính phủ Pháp rục rịch kỷ niệm 200 năm ông qua đời, không ít nhà chính trị và học giả công khai tỏ rõ không tán thành. Một số khác chấp nhận kỷ niệm, nhưng không ca ngợi vị hoàng đế có lẽ mãi mãi gây bức xúc về chuyện “ngàn năm công tội”. Chính phủ Pháp nghe theo ý này. Trong diễn văn ở lễ kỷ niệm tổ chức tối giản do Covid-19 tại Viện Pháp ở Paris, tổng thống Pháp đương nhiêm Emmanuel Macron trước hết giải thích vì sao người Pháp cần tưởng nhớ vị hoàng đế vẫn gây tranh cãi suốt từ khi vị ấy qua đời trơ trọi ở nơi bị lưu đày: 1. Phải nhìn thẳng vào sự thật và cảm nhận lịch sử trong tổng thể của nó; 2. Không nên nhìn quá khứ từ cảm nhận của mình về hiện tại, không nên phủ định quá khứ; 3. Đế chế I và Napoleon đã và mãi là một bộ phận quan trọng của Lịch sử Pháp; 4. “Của đế chế, chúng ta đã từ bỏ điều tồi tệ nhất. Của Hoàng đế, chúng ta đã tôn vinh điều tốt đẹp nhất”; 5. Nhìn nhận di sản của đế chế I và Napoleon, trong tâm thế không thần thánh hóa, không phủ định, cũng không ăn hận; 6. Cảm nhận lịch sử là hoạt động văn hóa cốt tử. Nó phải được giải thoát khỏi “văn hóa đóng dấu”. Tiếp theo, Macron phê phán Napoleon ở những điểm không đúng như đã nêu [Gây chiến tranh xâm lược, phục hồi chế độ nô lệ…], đồng thời ghi nhận những cống hiên to lớn của hoàng đế cho Đất nước, như một nhà xây dựng kỳ tài, một nhà lập pháp siêu đẳng, hoặc nhà bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia kiên định. Sau cùng, Macron tuyên bố: “Ông là một phần của chúng ta…”. Tuyên bố ấy sau đó được đồng thuận cao, một cách hoan hỉ, cả trong lẫn ngoài Tổ quốc của Napoleon và Macron! Suy cho cùng, cổ kim đông tây, nhân vật chính trị lỗi lạc nào cũng là kết tụ của tiến trình lịch sử của một cộng đồng. Đa phần kết tụ những thói tật đau đớn. Hiếm hoi, như Napoleon, kết tụ cả hay lẫn dở.

Như vậy, trường hợp 200 năm mất của Napoleon vô tình cho thấy vai trò tiền đề của văn hóa trong định giá lịch cử nói chung và các nhân vật lớn của lịch sử nói riêng. Thực tế, từ đầu năm 2021, mọi hoạt động văn hóa được “huy động” tích cực cho Kỷ niệm 200 năm sinh Napoleon, hoàng đế Pháp kết hợp trong mình hai huyền thoại trái ngược, huyền thoại tăm tối và huyền thoại chói ngời. Hầu hết các địa phương liên quan tới cuộc đời của ông đều lên kế hoạch kỷ niệm sự kiện đó một cách thật ý nghĩa. Bất chấp đại dịch Covid-19, các hoạt động ấy dù bị hoãn một thời gian ngắn hoặc thu nhỏ ít nhiều, vẫn đem đến cho công chúng nhiều niềm vui náo nức…

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022

Video liên quan

Chủ Đề