Hướng dẫn các cách tiêm chó đạt hiệu quả cao

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong cả nước đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Ở tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Quảng Xương nói riêng, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như: huyện ta có tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, mật độ chăn nuôi cao, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; các hoạt động buôn bán giết mổ tăng mạnh khó kiểm soát triệt để; các mần bệnh nguy hiểm tồn tại trong môi trường nhiều, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập gây bệnh đặc biệt là các dịch bệnh Dịch Cúm gia cầm, bệnh Viêm da nổi cục trâu bò, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh LMLM,…, xâm nhập lây lan, bùng phát là rất cao. Vì vậy, công tác tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm là hết sức cần thiết. Để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Quảng Xương hướng dẫn một số nội dung tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023 trên địa bàn huyện như sau:

.jpg)

Cố định Trâu bò trước khi tiêm phòng tại Quảng Long

Về đối tượng tiêm phòng: Vắc xin chỉ được tiêm phòng cho gia súc, gia cầm khoẻ mạnh. Tuỳ vào vùng và áp lực dịch bệnh có thể điều chỉnh tiêm phòng đối với gia súc non. Đàn lợn tiêm vắc xin Dịch tả lợn, vắc xin Tụ dấu cho tất cả các loại lợn từ 35 ngày tuổi trở lên; Đối với lợn chửa từ 70 ngày tuổi trở lên. Đàn trâu, bò, dê tiêm vắc xin LMLM, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục cho Trâu, bò từ 6 tháng tuổi trở lên. Đàn chó tiêm bắt buộc vắc xin dại Rabisin cho chó từ 3 tháng tuổi trở lên. Gia cầm tiêm vắc xin Cúm gia cầm từ 14 ngày tuổi trở lên.

.jpg)

Tiêm phòng trâu bò tại xã Quảng Long

Bảo quản vắc xin: theo điều kiện bảo quản của từng loại vắc xin được ghi trên nhãn vắc xin (thông thường vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC tránh ánh sáng, để vắc xin ở ngăn mát của tủ lạnh; không được để vắc xin ở nhiệt độ phòng, không được để vắc xin ở ngăn đông lạnh). Vắc xin khi vận chuyển phải được đựng trong dụng cụ chuyên dụng như: hộp xốp, phích đá, có đá lạnh, tránh va đập mạnh.

Yêu cầu kỹ thuật tiêm phòng vắc xin: Đối với vắc xin nhược độc đông khô (Vắc xin nhược độc dịch tả lợn, vắc xin Newcatsle, vắc xin lasota…). Khi sử dụng phải pha bằng nước sinh lý kèm theo vắc xin của nhà sản xuất; vắc xin pha xong nên dùng ngay và dùng hết trong khoảng thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất; sau khi pha luôn để vắc xin trong hộp xốp hoặc phích lạnh có đá bảo quản, tránh ánh nắng; Đối với vắc xin vô hoạt, vắc xin vi khuẩn nhược độc dạng lỏng (Đóng dấu, Tụ huyết trùng, vắc xin dại vô hoạt, LMLM…) khi dùng phải lắc kỹ. Nếu tiêm trong ngày không hết phải hủy bỏ. Liều lượng và đường đưa vắc xin vào cơ thể động vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin, từng loại động vật và từng lứa tuổi. Có thể tiêm nhiều loại vắc xin cho động vật cùng một lúc, mỗi loại vắc xin phải tiêm ở các vị trí xa nhau và dùng riêng mỗi loại vắc xin một loại bơm tiêm và kim tiêm khác nhau. Chỉ tiêm vắc xin cho động vật hoàn toàn khỏe mạnh trong diện tiêm và không ở trong tình trạng stress. Theo dõi tình trạng của con vật sau khi tiêm vắc xin ít nhất là 1-2h. Gia súc phải được khống chế an toàn, gia cầm phải được bắt giữ cẩn thận để tiêm phòng đảm bảo an toàn cho người tiêm. Tại mỗi điểm tiêm phòng ở cơ sở phải đảm bảo đủ bơm tiêm, mỗi bơm tiêm cho một loại vắc xin và có bơm dự phòng. Phải chuẩn bị có đủ số lượng bơm tiêm, kim tiêm, chủng loại kim phù hợp với đường đưa vắc xin cho từng loại vắc xin và từng loại vật nuôi khi tiêm phòng. Sử dụng panh có mấu, kẹp 2 lá, lọ đựng kim tiêm vô trùng và một lọ đựng kim tiêm đã sử dụng; một kim vô trùng chỉ sử dụng một lần, sau đó phải vô trùng lại; bơm và kim được vô trùng bằng cách luộc sôi bằng nước sạch 15-30 phút vớt ra để nguội, khô mới sử dụng (không sử dụng cồn để vô trùng kim tiêm).Tiêm bắp thịt đối với trâu bò, lợn tiêm vào vùng bắp thịt cổ hoặc mông; gà vịt tiêm vào bắp thịt lườn; Tiêm dưới da, trâu bò tiêm vùng da cổ, lợn tiêm vùng da sau gốc tai hoặc mặt trong đùi; gà vịt tiêm vùng da cổ hoặc trong cánh.

.jpg)

Tiêm phòng cho đàn gia cầm

Quản lý sau tiêm phòng: Sau khi tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi chủ hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, cụ thể: Đối với tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mỗi giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin Dại chỉ có giá trị cho một vật nuôi được tiêm phòng trong thời gian quy định; Đối với tiêm phòng vắc xin cho lợn, trâu, bò …mỗi giấy chứng nhận tiêm phòng có giá trị cho một hoặc đàn vật nuôi được tiêm phòng trong thời gian quy định; Đối với tiêm phòng vắc xin cho gia cầm mỗi giấy chứng nhận tiêm phòng chỉ có giá trị cho số lượng từng loại gia cầm đã ghi rõ trong giấy trong thời gian quy định. Người thực hiện tiêm phòng có trách nhiệm ghi rõ, đầy đủ các nội dung theo mẫu in sẵn trên giấy chứng nhận tiêm phòng và ký tên, sau đó cấp cho chủ vật nuôi giữ. Khi giấy chứng nhận tiêm phòng này hết thời gian quy định, nếu vật nuôi vẫn được nuôi tiếp thì chủ vật nuôi báo với cơ quan thú y tiêm phòng lại và được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng mới.