Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

UBND QUẬN HOÀN KIẾM

TRƯỜNG MẦM NON HOA SEN

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

Tên sáng kiến:

"Một số kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức hoạt động kết nối cho trẻ mầm non”

Lĩnh vực: Quản lý giáo dục mầm non

         Họ và tên tác giả: Nguyễn Thu Hiền

         Chức vụ: Hiệu trưởng-  Bí thư chi bộ

         ĐT liên hệ: 0912348589

         Email:

   Đơn vị công tác: Trường Mầm non Hoa Sen, Hoàn Kiếm

Hoàn Kiếm, tháng 4/2022

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

     Năm học 2021- 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trẻ mầm non đã phải dừng tới trường, đó là một thiệt thòi rất lớn đối với các con. Trẻ không được tới trường, đồng nghĩa với việc tạm thời không được các cô chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp tại trường mầm non.

    Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với GDMN, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với giáo dục mầm non. Theo Bộ trưởng, trong năm học này cần phấn đấu đạt được ba chữ “yên”, đó là: học sinh yên vui, giáo viên yên tâm, cha mẹ học sinh yên lòng.

      Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021- 2022 đối với giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu của chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đảm bảo phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch; định hướng việc chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1; phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà.

     Năm học này, giáo dục mầm non tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì không được đến trường, không học trực tuyến nên trẻ mầm non rất cần cảm giác ấm áp bên bạn bè, cô giáo và được giao lưu qua các hoạt động kết nối khoa học, bài bản phù hợp với lứa tuổi.

     Ở lứa tuổi có thể gọi là “Ăn chưa no, lo chưa tới”, trẻ luôn được bao bọc trong vòng tay của gia đình, đôi khi một số bé còn được nuông chiều thái quá nên giờ giấc, thói quen sinh hoạt khi ở nhà thiếu điều độ. Việc đem đến cho các con những trải nghiệm thú vị và tiếp thu kiến thức, kỹ năng phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi là điều không hề đơn giản. Trong bối cảnh đặc biệt đó, vai trò của Ban giám hiệu nhà trường rất quan trọng để giữ kết nối với các con, vừa giúp trẻ được giao lưu cùng cô giáo và các bạn vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

    Để có thể giúp các con không bị nhàm chán khi phải ở nhà trong suốt khoảng thời gian dài gián đoạn tới trường, là một hiệu trưởng trường mầm non, tôi đã trăn trở suy nghĩ rất nhiều.

     Một trong những hoạt động giúp các con “Tạm dừng đến trường, nhưng không ngừng học” mà tôi đã nghiên cứu, thử nghiệm và đạt kết quả tốt chình là hoạt động kết nối. Thông qua quá trình chỉ đạo thực hiện, nhận ra tính ưu việt và hiệu quả của hoạt động này, tôi đã lựa chọn để viết sáng kiến kinh nghiệm với đề tài "Một số kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức hoạt động kết nối cho trẻ mầm non”

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

    Trong thời gian trẻ em chưa đến trường, chúng tôi nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà; hình thành các nhóm qua zalo, youtube... giữa giáo viên và các phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà; phân công giáo viên phụ trách nhóm, lớp nắm bắt cụ thể về tình hình sức khỏe của trẻ em trong thời gian trẻ em chuẩn bị tới trường, lớp.

     Hoạt động kết nối với gia đình các bé, dưới hình thức mỗi bậc cha mẹ là một cô giáo ở nhà, đồng hành với cô trong việc chuẩn bị đầy đủ hành trang, kiến thức, kỹ năng cho con. Thêm nữa là tuyên truyền để cùng nhà trường và cô giáo có một kế hoạch tương tác chứ không gây áp lực. Điều này là rất cần thiết và mang rất nhiều lợi ích cho trẻ.

    Nếu biết linh hoạt lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp, biết kết nối tốt giữa cô giáo và cha mẹ thì chắc chắn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và con vẫn có những năng lực giá trị 

     Chương trình giao lưu cuối tuần theo chủ đề ngày hội, ngày lễ là một trong những hoạt động giúp các bạn nhỏ rèn luyện và phát triển nhận thức, trí thông minh thông qua các bài tập phát triển tư duy toàn diện: tư duy về ngôn ngữ, khám phá, âm nhạc…

2. Các giải pháp, biện pháp mới đã tiến hành

2.1: Biện pháp 1: Lập kế hoạch, xây dựng nội dung chương trình kết nối

Tuy không tổ chức dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non nhưng cần duy trì hoạt động kết nối với gia đình, trẻ em bằng kênh liên lạc phù hợp; tổ chức phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà; hình thành các nhóm qua mạng giữa giáo viên và các phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em. Yêu cầu giáo viên lựa chọn và hướng dẫn phụ huynh tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà để hướng tới đạt được mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo Chương trình GDMN; các nội dung, hình thức hoạt động cho trẻ em cần đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu về giáo dục.

      Bạn nhỏ nào cũng hân hoan chờ đón ngày được giao lưu cùng cô giáo và các bạn, được tham gia các hoạt động tương tác, được chơi các trò chơi cùng với cô giáo và các bạn. Để giúp các bé phấn khởi, hào hứng tham gia, làm cho khoảng cách của cô giáo và các bé được gần nhau hơn cần phải lập kế hoạch chi tiết, xây dựng nội dung phù hợp.

    Đối với trẻ mầm non, các con lớn lên và thay đổi theo từng ngày. Bởi vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì các con vẫn cần nội dung tương tác phù hợp để phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Chính vì vậy, việc lập kế hoạch là rất quan trọng.

     Chúng tôi đã xây dựng các hoạt động kết nối dựa theo nội dung của chương trình giáo dục mầm non. Đó chủ yếu là phát triển các kỹ năng mềm, các kiến thức xã hội, phát triển nhận thức thông qua  đọc thơ, kể chuyện, hát, tạo hình như: làm đèn lồng trung thu…Đặc biệt các cô còn lồng ghép hướng dẫn các con cách phòng dịch Covid -19 như 6 bước rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách…

    Với mong muốn các con được chuẩn bị và thích nghi với môi trường, hoàn cảnh để không ngừng phát triển, để vươn lên, tôi đã nghiên cứu triển khai tổ chức chương trình dành cho học sinh toàn trường vào những tháng đầu năm học 2021- 2022 cụ thể như sau:

  •  “Ngày hội đến trường của bé”:

Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9/2021, ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, học sinh Thủ đô với lễ khai giảng đặc biệt được truyền hình trực tuyến. Cũng như các trường học trên toàn Thành phố Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2021-2022 của trường Mầm non Hoa Sen chỉ diễn ra qua sóng truyền hình, trên màn hình máy tính, điện thoại ... Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo chúng tôi  đã xây dựng kế hoạch, chương trình khai giảng, phân công các tổ bộ phận thực hiện nghiêm túc công việc được giao. bao gồm các hoạt động:

+ Lễ khai giảng năm học mới – Truyền hình trực tiếp Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội

+ Lời chào mừng năm học mới của Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Sen.

+ Giới thiệu chung về nhà trường.

+ Giới thiệu hoạt động của lớp.

+ Chào hỏi, trò chuyện giữa cô và trò.

(Ảnh 1, 2, 3, 4)

  Năm nay các con đón Tết Trung thu trong điều kiện thật đặc biệt: không được đi chơi phố, tham gia rước đèn, múa sư tử và phá cỗ như mọi năm, nhưng các con vẫn được gia đình cùng toàn xã hội quan tâm. Các con vẫn có những đồ chơi do mình tự làm tuy đơn giản nhưng đẹp, được nhận quà Tết Trung thu, được giao lưu, hát múa với cô giáo và các bạn thông qua các hoạt động do trường Mầm non Hoa Sen tổ chức. Tôi đã lên kế hoạch chi tiết như sau:

  • Đó là chùm hoạt động “Bé vui Tết trung thu” diễn ra bằng các hình thức và khung giờ cụ thể:
  • 1/ Ngày 13/9/2021-17/9/2021: Cô giáo hướng dẫn trẻ làm đèn lồng, bánh trung thu, các bài múa hát mừng trung thu...
  • 2/ Ngày 18/9/2021 – 19/9/2021: Tặng quà cho 100 % các bé của trường năm học 2021-2022 
  • Với các bé có hoàn cảnh đặc biệt, Ban giám hiệu và Ban ĐDCMHS sẽ tặng quà cho các con vào 11h thứ Bảy (ngày 18/9/2021).
  • 3/ Ngày 19/9/2021: Hoạt động giao lưu kết nối trực tuyến qua phòng zoom của các lớp 

+ Trải nghiệm: hát, múa, làm đèn lồng

+ Tặng quà cho các bé toàn trường

+ Giao lưu, kết nối qua zoom

  •  “Chung tay đánh bay Covid” Ngày 3/10/2021
  • Để giúp các con hiểu lý do vì sao bé chưa được đến trường, phải nghỉ học ở nhà và các biện pháp phòng tránh, tôi đã lập kế hoạch cho trẻ hoạt động với nôi dung kết nối như sau:

+ Sự nguy hiểm của dịch Covid- 19

+ Bé với cách phòng tránh dịch

+ Thực hành: đeo khẩu trang, rửa tay

2.2: Biện pháp 2: Chỉ đạo giáo viên làm tốt công tác chuẩn bị

    Sau khi thống nhất tất cả kế hoạch hoạt động trong toàn trường, tôi đã chỉ đạo tổ chuyên môn, các giáo viên triển khai công tác chuẩn bị cho buổi kết nối. Tôi đã tham dự các cuộc họp tổ giáo viên, sinh hoạt tổ chuyên môn để cùng xây dựng nội dung cụ thể đối với từng độ tuổi, từng lớp về chương trình mỗi buổi giao lưu.

Ví dụ: Với lứa tuổi mầm non, lễ khai giảng phải thật sinh động mới thu hút các con ngồi trước màn hình, theo dõi từ đầu đến cuối.

Chúng tôi mong muốn lễ khai giảng tạo thích thú cho các con, phù hợp tâm lý độ tuổi, do đó, clip xây dựng sẽ xen kẽ bài hát thiếu nhi, tranh ảnh, video mà các con yêu thích. 

     “Ngày hội đến trường của bé” là ngày vui đặc biệt của cô và trò. Để làm một clip giới thiệu về trường một cách ngắn gọn, súc tích, có độ dài vừa phải, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc, lựa chọn những hình ảnh trọng tâm nhất.. Nhằm mang đến cho các con một ngày hội thật ý nghĩa với nhiều kỷ niệm đáng yêu, các cô đã ghi lại những hình ảnh của năm học trước để các bé được làm quen với trường, lớp .

    Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm giọng thuyết minh sao cho truyền cảm, hấp dẫn cả phụ huynh và các bé để lồng tiếng, hy vọng mang đến cho các con không khí tươi vui, phấn khởi và nhiều năng lượng tích cực.

    Những video hoạt động của từng lớp, phần giới thiệu của các bé cũng được các cô giáo sáng tạo theo phong cách riêng, đảm bảo đầy đủ nội dung, hình thức đẹp, bắt mắt cùng âm thanh vui tươi …để trình chiếu trên màn hình.

    Tôi yêu cầu các cô luôn xác định, mỗi video phải đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và tính giáo dục cao, giúp trẻ rèn luyện được khả năng phát triển nhận thức, thẩm mỹ, nhất là hướng vào giáo dục kỹ năng cho trẻ... Vì vậy, để hoàn thành được một video chỉ từ 3 đến 5 phút cũng mất khá nhiều thời gian, từ việc lên ý tưởng, đến khâu cắt ghép để hoàn thiện một video hoàn chỉnh. Đồng thời, để quay một hoạt động cần sự phối hợp của giáo viên, cán bộ quản lý. Mỗi tổ, khối lớp sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, soạn giáo án, bài giảng và giáo viên trong tổ cùng góp ý hình thành một hoạt động kết nối. Quá trình thực hiện giúp giáo viên tích cực hơn trong nghiên cứu, sử dụng các phần mềm cắt ghép video như Canva hay phần mềm Capcut, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tập luyện trước, để khi tổ chức kết nối đạt hiệu quả cao hơn.

    Ngoài việc tự quay clip, tổ chuyên môn cũng khai thác các video kỹ năng, các câu chuyện trên internet. Sau mỗi video, clip đó, giáo viên đều có phần giải thích, hướng dẫn lại nhằm tạo sự gần gũi và truyền đạt thông điệp để trẻ hiểu được nội dung sâu sắc của các câu chuyện, video đã xem.

    Sau khi giáo viên đã hoàn tất video, tôi chỉ đạo triển khai cho các cô giáo “diễn tập” trước khi tổ chức kết nối chính thức. Vì là hoạt động mới, nên khó thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ, các cô giáo phụ trách lớp được phân công đã đóng vai trò là người chủ trì buổi kết nối, còn toàn bộ các cô khác đóng vai các bé của lớp. Cứ như vậy, sau mỗi buổi tập luyện, chúng tôi tiến hành rút kinh nghiệm, góp ý, chỉnh sửa ngay, để người thực hành sau càng hoàn thiện hơn người trước.

    “Học thày, không tày học bạn”, song song với việc tự bồi dưỡng, tôi đã động viên các cô giáo tham dự các buổi dạy kỹ năng sống của Trung tâm Novastars. Qua các buổi tham gia qua zoom cùng các bé của lớp, các cô giáo đã tham khảo được cách thức thu hút trẻ, cách giao tiếp, tổ chức các trò chơi tương tác của giáo viên trung tâm, từ đó vận dụng linh hoạt vào thực tế của mình.

(Ảnh 19)

2.3: Biện pháp 3: Lựa chọn thời gian tổ chức phù hợp, đạt hiệu quả nhất:

     Trong thời gian học sinh các cấp của Hà Nội tạm dừng đến trường, tất cả mọi hoạt động đều thông qua hình thức trực tuyến. Các gia đình không chỉ có con ở lứa tuổi mầm non mà các bé còn có anh, chị đang học ở các lớp cao hơn, vậy nên việc sử dụng các phương tiện công nghệ kết nối có thể bị trùng lặp, gặp khó khăn. Dân cư, phụ huynh trường tôi đa số là người lao động tự do, không phải nhà nào cũng có máy vi tính; cũng không phải cha mẹ nào cũng luôn luôn hỗ trợ được con bất cứ thời điểm nào trong ngày, vì họ còn phải đi làm, công tác...

     Từ thực tế cho thấy, có những hoạt động diễn ra cùng lúc như các trường đều tổ chức kết nối ngay sau khai giảng chung toàn thành phố. Tôi đã băn khoăn, đắn đo: nếu trường mình cũng tổ chức vào giờ đó thì số lượng trẻ và phụ huynh tham gia sẽ không cao, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của buổi kết nối. Sau khi cân nhắc, tôi đã quyết định chọn khung giờ mà tất cả các trường đã hoàn tất khai giảng để tổ chức kết nối cho các con: từ 9h30- 10h. Không khí khai giảng càng trở nên vui vẻ, sôi động hơn khi các bé được tham dự giao lưu đầu năm học cùng cô giáo và các bạn qua màn hình trực tuyến .Các bé tỏ rõ sự mừng vui, vô cùng phấn khởi, lễ phép chào, làm quen với cô giáo và vui vẻ trò chuyện với các  bạn cùng lớp.

     Với các hoạt động kết nối khác sau khai giảng, tôi cũng chọn vào Chủ nhật, ngày mà anh chị của các bé được nghỉ học trực tuyến. cha mẹ được nghỉ làm, ở nhà; khi đó bố mẹ và bé được sử dụng máy tính thoải mái, dễ dàng hơn. Tôi đã nghiên cứu, thử nghiệm và phân bổ phù hợp với thời gian biểu sinh hoạt cho tửng lứa tuổi, cụ thể như sau:

+ 9h30 -10h00: Khối nhà trẻ

+ 10h00- 10h45: Khối mẫu giáo bé

+ 15h00-16h00: Khối mẫu giáo lớn

+ 16h00-17h00: Khối mẫu giáo nhỡ

     Khoảng thời gian của mỗi buổi kết nối dành cho từng lứa tuổi như trên đã cho thấy sự phù hợp với tâm, sinh lý, khả năng tập trung chú ý của trẻ. Thực tế thời gian diễn ra nội dung chính tương đương với một tiết học, còn lại là dành cho bé làm quen với cô giáo và các bạn lúc đầu giờ và nhận xét, dặn dò các bé lúc cuối buổi..

    Những hoạt động bổ ích qua phần mềm zoom đã đặc biệt thu hút sự chú ý của các bé, thời lượng giới hạn của  buổi giao lưu dường như là chưa đủ với sự hào hứng của trẻ. 

(Ảnh 8, 9, 10, 11, 12, 13)

2.4: Biện pháp 4: Tuyên truyền, phối hợp với các bậc cha mẹ học sinh

    Năm học “đặc biệt” với những thử thách nhưng các cô giáo luôn là những chiến binh dũng cảm vượt mọi khó khăn để các con “Ngừng đến trường, nhưng không ngừng học tập”. Cán bộ, giáo viên của trường đã thiết kế video giới thiệu chung về trường, lớp, các thầy cô giáo, các hình ảnh “Ngày hội đến trường của bé” năm học mới, gửi tới các bậc cha mẹ qua các kênh thông tin facebook, viber, trang web để các con thấy được không khí rộn ràng của ngày hội “Toàn dân đưa trẻ tới trường” năm học 2021-2022.

   Sau mỗi buổi tổ chức kết nối, nhà trường đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của cha mẹ học sinh và đa phần đều bày tỏ sự đồng tình, đồng thuận cao với cách thức triển khai các hoạt động đã thực hiện từ đầu năm học đến nay.

     Trong thời gian tạm dừng đến trường, không được gặp gỡ trực tiếp với cô, với bạn nhưng các con vẫn vui vẻ, được tiếp thu nhiều kiến thức và kỹ năng mới thông qua cầu nối là bố mẹ trẻ. Các con được tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích cùng cô và các bạn. Lớp có một nhóm Viber chung., cô giáo nhắn các nội dung, hướng dẫn thực hành vào đó để phụ huynh nắm được. Chúng tôi khuyến khích cha mẹ hướng dẫn con; sau đó quay clip hoặc chụp ảnh gửi cô để cô tổng hợp làm thành video chung, sử dụng như một tài liệu cho hoạt động tiếp theo nên cả bố mẹ và các con đều rất hứng thú.

    Ngoài ra, giáo viên các lớp còn quay các video các hoạt động khám phá với thời lượng 3 đến 5 phút, nội dung ngắn ngọn để đăng tải trên trang Website của nhà trường, facebook cá nhân … gửi thông báo cho phụ huynh, để cha mẹ trẻ có thể dễ dàng phối hợp với nhà trường cho trẻ tham gia, đạt hiệu quả tốt nhất.

      Các hoạt động của giáo viên trường tôi đã và đang nhận được sự tán thành của rất nhiều phụ huynh, vừa giúp trẻ đỡ nhớ cô, nhớ lớp vừa mang đến những kiến thức, bài học vui cho trẻ trong mùa dịch bệnh.

      Bố mẹ các bé đã rất nhiệt tình tham gia hoạt động kết nối cùng con và kịp thời hỗ trợ con khi cần thiết. Sự hưởng ứng tích cực của các bậc cha mẹ đã góp phần không nhỏ trong sự thành công của hoạt động kết nối.

(Ảnh 7, 8, 9)

2.5: Biện pháp 5: Duy trì kết nối bằng nhiều hình thức:

  Cấp mầm non lại là một cấp học đặc biệt vì các con không học trực tuyến như các anh chị. Hiện nay, tính đến 6/4/2022, khối  mầm non là cấp học duy nhất vẫn đang tiếp tục nghỉ học, chưa được trực tiếp đến trường nhằm đảm bảo an toàn và phòng tránh lây nhiễm

    Trong những buổi gặp gỡ, kết nối thời gian qua, các bạn nhỏ đã được thực hiện rất nhiều bài tập thú vị với các hình ảnh trực quan dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Như vậy, dù chưa thể đến trường học nhưng các bé vẫn có thể rèn luyện trí tuệ và đón nhận những kiến thức mới vừa được tương tác với các cô giáo và bạn bè để duy trì thói quen học tập khi tham gia những buổi kết nối trực tuyến đầy ý nghĩa này

      Những điểm cầu tại ngôi nhà thân yêu của các bé học sinh và cô giáo đã trở nên gần gũi và thân thiện như không có khoảng cách khi các bé được cùng nhau tham gia giao lưu vui vẻ vào ngày cuối tuần. Tiếng cười, tiếng nói vui vẻ hồn nhiên của các bé ngay từ đầu giờ đã làm cho không khí ở các lớp trở nên ấm cúng và thân thiện hơn.

     Để giúp trẻ có được những ngày nghỉ ở nhà không bị nhàm chán, trẻ được tìm hiểu kiến thức, kỹ năng học tập dưới hình thức vừa học vừa chơi, các cô giáo trường Mầm non Hoa Sen không chỉ tổ chức kết nối cuối tuần mà còn bằng nhiều hình thức khác.

      Trong những ngày qua, các cô giáo của trường Mầm non Hoa Sen vẫn tiếp tục duy trì quay lại các video theo các nội dung phù hợp rồi đăng tải lên trang website, fanpage, facebook của nhà trường.

​      Hàng tháng, hàng tuần, chúng tôi vẫn  xây dựng kế hoạch hoạt động kết nối với gia đình trẻ để hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và tổ chức các hoạt động vui chơi tại nhà với mục đích giúp trẻ có các hoạt động bổ ích, thú vị khi ở nhà trong thời gian tạm dừng đến trường. Đây chính là một cách thức tạo sự gắn kết giữa giáo viên với trẻ và các bậc cha mẹ. Cũng có thể coi những hoạt động này  như là giải pháp hợp lý, an toàn cho trẻ trong thời điểm hiện nay.

     Thông qua những video, clip, các cô muốn chia sẻ, đồng hành cùng với phụ huynh học sinh trong thời gian trẻ chưa thể đến trường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng, tổ chức vui chơi cho trẻ trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid -19.

      Các video được xây dựng nhằm mục đích kết nối, hỗ trợ cha mẹ trẻ trong việc chăm sóc và giáo dục con tại nhà thông qua việc kết nối giữa nhà trường, gia đình, viáo viên và trẻ bằng hình thức giao tiếp, trò chuyện, học tập cùng con, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách thức chơi cùng con trong thời kỳ ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19.

     Tổ chuyên môn thống nhất nội dung các video, phân công giáo viên tuỳ thuộc vào trình độ chuyên môn, kỹ năng quay dựng. Những video sau khi hoàn thành được sử dụng chung cho các lớp, đảm bảo sự thống nhất, nhất quán trong toàn trường. Phụ huynh có thể nhắn tin trên Viber hoặc trao đổi riêng với giáo viên chủ nhiệm để cùng tháo gỡ khó khăn.

     Chúng tôi đã linh hoạt kế hoạch, nội dung và xây dựng video hướng dẫn nhằm trang bị đầy đủ kỹ năng cho trẻ. Đây chính là các vấn đề chính mà các cô luôn mong muốn làm sao để những video do mình làm ra có thể thu hút, hấp dẫn và trẻ có thể tự thực hiện hoặc cùng bố mẹ, anh chị hướng dẫn trong những ngày nghỉ dịch. Do đó giáo viên thường mày mò, tìm kiếm và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu từ thiên nhiên có sẵn tại nhà. Với những thao tác đơn giản, dễ làm, cùng với sự hướng dẫn của các bậc phụ huynh, trẻ có thể dễ dàng tiếp thu và tạo ra sản phẩm.  

(Ảnh 14, 15, 16, 17, 18)

3. Địa chỉ áp dụng sáng kiến: Trường Mầm non Hoa Sen, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

4. Thời gian bắt đầu áp dụng sáng kiến:  Từ tháng 9/2021 đến nay 

5. Hiệu quả của sáng kiến: 

 Tuy vẫn có ý kiến trái chiều về hình thức kết nối online, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà những hình thức này mang lại. Đặc biệt, khi áp dụng trong thời điểm nghỉ dịch kéo dài thì hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm này là rất lớn. Đó là 5 lợi ích chính sau đây:

  • Trẻ vẫn duy trì kết nối với bạn bè, thầy cô
  • Trẻ dễ dàng bắt kịp nhịp học khi quay trở lại học tại trường
  • Trẻ vẫn tiếp tục được tiếp thu kiến thức mới
  • Mang đến sự tiện lợi cho giáo viên, phụ huynh và học sinh
  • Tạo cơ hội cho cha mẹ trẻ hỗ trợ con hoạt động

III. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ:

- Ý nghĩa của SKKN đối với công việc giảng dạy, giáo dục, quản lí.

Độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi là “giai đoạn vàng” cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, nên nhà trường và gia đình không thể bỏ bẵng các con. Trong bối cảnh trẻ mầm non ở thành phố Hà Nội chưa được tới trường do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc duy trì giáo dục trẻ ở nhà là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động kết nối là hoạt động còn tương đối mới với các bậc phụ huynh.. Để giúp con duy trì kết nối với cô giáo và các bạn, các bậc phụ huynh cần lưu ý gì? Làm thế nào để việc “ở nhà cùng con” diễn ra thật vui vẻ, nhẹ nhàng mà vẫn đạt hiệu quả giáo dục? Tất cả những câu hỏi trên đây đều đã được giải đáp qua sáng kiến kinh nghiệm của tôi.

      - Những nhận định chung của tôi về việc áp dụng và khả năng phát triển SKKN: Tôi nhận thấy hoạt động kết nối đã:

  • + Cung cấp các hoạt động thú vị, mới lạ, khơi gợi hứng thú học tập, vui chơi trí tuệ và lành mạnh ở trẻ
  • + Tạo thử thách mỗi ngày, để khi có thời gian trẻ sẽ cố gắng hoàn thành.
  • +  Hỗ trợ các con ôn tập kiến thức đã học, chuẩn bị hành trang và tâm lí sẵn sàng trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát.

- Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình áp dụng SKKN của bản thân.

+ Thông qua hoạt động kết nối để tập trung đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Phối hợp với gia đình xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ; đa dạng các hình thức tuyên truyền đến các bậc cha mẹ trẻ về chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và phòng chống dịch bệnh.

+ Với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1.

+ Chỉ đạo giáo viên phải lưu ý từng nội dung, nhắn cho nhóm phụ huynh, để tạo hứng thú cho con và mọi thứ đúng cách thì rất cần sự quan tâm từ hai phía. Đó là sự nhiệt tình, tận tụy của cô giáo và đặt sự hỗ trợ hoạt động của con lên hàng đầu của cha mẹ trẻ

PHỤ LỤC 

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Ảnh 1, 2, 3, 4: Hoạt động kết nối Lễ khai giảng năm học 2021- 2022

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Ảnh 5, 6, 7: Các lớp hào hứng với hoạt động kết nối cuối tuần

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Ảnh 8, 9, 10 11. 12, 13: Các thông báo tổ chức kết nối được đăng trên website của trường

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em
Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Ảnh 14, 15, 16, 17, 18: Một số video các cô giáo gửi đến các bậc cha mẹ cho con tham gia hoạt động

Sáng kiến kinh nghiệm về công tác trẻ em

Ảnh 19: Giáo viên dự hoạt động kết nối do Trung tâm kỹ năng sống Novastars tổ chức

Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác.

                                                Hoàn Kiếm, ngày    6    tháng  4  năm  2022

                                              Người viết

Nguyễn Thu Hiền