Tại sao cầu chịu được nặng của xe

Khẩn trương giám định để nâng tải trọng cầu

Tại sao cầu chịu được nặng của xe
Phóng to
* Ảnh lớn: biển báo mới tại cầu Xã Vạt trên quốc lộ 80 (Đồng Tháp) * Ảnh nhỏ: biển báo cũ đã được tháo bỏ - Ảnh: Thanh Tú

Sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh về việc quốc lộ 80 có nhiều cầu tải trọng thấp, đến nay năm cây cầu trên quốc lộ này được đặt biển báo nâng tải trọng lên gấp đôi so với trước. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải mừng như “trúng độc đắc”.

Quốc lộ 80 là con đường huyết mạch nối quốc lộ 1 với các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh của Cần Thơ. Trong thời gian gần đây, khi Bộ GTVT siết chặt việc kiểm tra tải trọng thì rất nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào cảnh khốn cùng bởi một số cây cầu trên quốc lộ 80 được gắn biển báo chỉ cho phép xe tải 20 tấn qua cầu.

Tại sao cầu chịu được nặng của xe
Phóng to
Biển báo tải trọng mới được gắn tại cầu Tân Xuân trên quốc lộ 80 - Ảnh: Thanh Tú

Thay đổi sau kiểm định

Ông Nguyễn Thuận Phương, cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT), cho biết sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với các doanh nghiệp vận tải diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp ngày 4-6, các ngành chức năng giao cho Viện Khoa học - công nghệ GTVT kiểm định lại tải trọng của các cây cầu Tân Xuân, Bà Vạch, Xã Vạt, Dương Hòa, Hòa Long trên quốc lộ 80.

Cụ thể, kết quả kiểm định cầu Tân Xuân (xây dựng năm 1977, dài 31,7m), Viện Khoa học - công nghệ GTVT cho rằng cầu có vết nứt nhỏ ở đầu dầm cầu nên cần được sửa chữa và đưa ra ý kiến: điều chỉnh biển tải trọng hiện hành từ 20 lên 23 tấn. Đối với cầu Bà Vạch (xây dựng năm 1985, dài 50,75m) thì cần giữ nguyên biển báo tải trọng là 20 tấn. Cầu Hòa Long (xây năm 1972, dài 50,65m) cần điều chỉnh biển tải trọng từ 20 lên 21 tấn. Riêng cầu Xã Vạt (xây năm 1972, dài 68,95m), việc kiểm định đã được Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam thực hiện vào tháng 12-2013 nên không cần kiểm định lại, kết quả kiểm định đơn vị này cũng khuyến cáo để nguyên biển tải trọng khai thác là 20 tấn. Cuối cùng là cầu Dương Hòa (xây dựng năm 1987, dài 37,65m) sẽ được tổ chức thi công thay thế dầm chủ dài 12,5m vào cuối tháng 6-2014, do đó cần giữ nguyên biển tải trọng là 20 tấn. Tuy nhiên, Viện Khoa học - công nghệ GTVT cũng giải thích khá dài dòng và cho rằng theo quy định hiện hành thì có loại xe trọng tải lên đến 40 tấn vẫn có thể an toàn khi qua các cầu này.

Dựa trên kết quả kiểm nghiệm, Cục Quản lý đường bộ IV cho cắm lại biển thông báo tải trọng mới, cho phép xe dưới 40 tấn qua các cây cầu trên. Cụ thể xe thân liền là 24 tấn, tổ hợp xe đầu kéo với rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc 34 tấn, xe thân liền kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc 40 tấn đều được phép lưu thông qua cầu. Biển báo mới còn quy định xe qua cầu từng chiếc, khoảng cách tối thiểu là 20m.

Có an toàn không?

Trả lời cho việc tải trọng các cây cầu được nâng lên gần như gấp đôi so với trước, ông Vũ Xuân Hòa - giảng viên khoa kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết tùy thuộc vào cấu hình của từng loại xe mà có căn cứ để quy định tải trọng được phép qua cầu. Ví dụ như cầu Tân Xuân chỉ dài 13,7m, nhịp cầu ngắn, khi xe thân liền kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc (40 tấn) qua cầu thì đầu xe lên giữa cầu nhưng trục bánh sau vẫn nằm ở mố cầu bên này. Từ đó, trọng tải của toàn bộ chiếc xe được phân ra chứ không nằm trọn trên điểm yếu của cầu nên vẫn đảm bảo an toàn. Còn khi đầu xe qua tới mố cầu bên kia thì đuôi xe mới nằm vào khoảng giữa cầu nên cũng không gây nguy hiểm cho cầu.

Như vậy xe có tải trọng lớn vẫn có thể qua năm cầu nêu trên một cách an toàn, nhưng tại sao trước đây vẫn cắm biển cho phép xe có tải trọng dưới 20 tấn mới được phép qua cầu? Giải thích vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV nói đơn vị chỉ mới được bàn giao và đưa vào khai thác quốc lộ 80 từ đầu năm 2014, còn việc cắm biển báo tải trọng tại các cây cầu được thực hiện trước đó rất lâu. Ông Nguyễn Văn Thành, cục phó Cục Quản lý đường bộ IV, còn cho biết thêm các cây trên đều được kiểm định chất lượng từ rất lâu: cầu Tân Xuân được xây dựng năm 1977 và từ ngày hoàn thành đến nay chưa kiểm định thử tải, cầu này được lắp biển báo tải trọng 20 tấn từ ngày hoàn thành đến nay; bốn cây cầu còn lại gồm Bà Vạch, Xã Vạt, Dương Hòa, Hòa Long lần thử tải gần nhất là năm 1998, chỉ cho phép khai thác tải trọng từ 17-20 tấn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết việc nâng tải trọng cho xe đi qua ở các cầu trên quốc lộ 80 là thực hiện chủ trương kiểm tra, đánh giá lại các cầu yếu, xác định chính xác tải trọng của cầu. Theo ông Thể, biển báo tải trọng cho các cầu trên quốc lộ 80 trước đây là có hiệu lực cho đoàn xe, tức là tránh tình trạng nhiều xe cùng lên cầu một lúc gây ra tải trọng rất lớn. Ông Thể còn nói qua kiểm định lại các cầu, xác định xe hai trục hoặc ba trục tải trọng 30 tấn có thể qua cầu, xe 40 tấn qua cầu là áp dụng cho xe bốn trục. “Treo biển như thế cho lái xe biết tải trọng cụ thể nhằm qua cầu thuận lợi theo hướng dẫn, thay vì xin phép như trước đây” - ông Thể nói.

Trả lời câu hỏi trước đây các đơn vị quản lý cầu đánh giá sai tải trọng hay vì sợ trách nhiệm nên cắm biển tải trọng thấp, ông Thể chỉ nói khi xe nặng hơn tải trọng cầu muốn đi qua cầu phải xin phép và có phương án vận chuyển, một số doanh nghiệp không hiểu quy định nên không xin phép vẫn đi qua và bị xử phạt. Theo ông Thể, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát toàn bộ cầu ở các quốc lộ để cắm biển tải trọng phù hợp với từng loại xe, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Mừng như trúng số độc đắc

Ông Nguyễn Thành Dũng, chủ doanh nghiệp tư nhân vận tải Hiệp Phát Lợi tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp), nói: “Từ ngày cắm biển báo tải trọng mới, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh lân cận như cất được gánh nặng”. Theo ông Dũng, hiện nay trên các tuyến quốc lộ khác vẫn còn nhiều cây cầu có tải trọng từ 20-22 tấn. Những cây cầu này giống như chiếc “bẫy” giăng ngay trên đường và việc cánh tài xế có bị xử phạt hay không là “hên xui”. Ông Dũng mong muốn các cơ quan chức năng cũng cần sớm đánh giá, kiểm định để có thể thay đổi biển báo tải trọng những cây cầu trên các tuyến quốc lộ sao cho đúng với thực tế.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, chủ doanh nghiệp vận tải Hồng Hạnh, TP Sa Đéc, cho biết có năm chiếc xe tải chở hàng. Từ ngày tỉnh Đồng Tháp cho đặt trạm cân trên quốc lộ 80, năm chiếc xe của bà Hạnh không thể chở hàng xa được do xe quá tải so với tải trọng của cầu. “Trung bình một tháng tui thiệt hại ít nhất khoảng 100 triệu đồng. Từ ngày có biển báo tải trọng mới cho các cây cầu, nói thiệt, tui mừng như trúng độc đắc” - bà Hạnh nói.

Về mặt chính quyền, ông Nguyễn Văn Dương - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - bày tỏ thông cảm với các doanh nghiệp về những bất hợp lý hiện nay của các cây cầu yếu trên các tuyến quốc lộ của tỉnh. Việc Bộ GTVT lắng nghe ý kiến phản ảnh của doanh nghiệp và nhanh chóng kiểm định, thay mới biển báo tải trọng đáp ứng nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp là việc làm rất đáng trân trọng. Ông Dương cũng nói việc thay mới biển báo năm cây cầu nói trên chỉ là bước đầu giải quyết khó khăn cục bộ trên tuyến quốc lộ 80. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều tuyến quốc lộ khác còn quá nhiều cầu tải trọng chỉ 20-25 tấn. Những cây cầu này đang bao vây hệ thống cảng ở Sa Đéc và Cao Lãnh, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.