Tại sao công nhân nên tham gia công đoàn

Người đăng: Quản trị viên Ngày đăng: 9:39 | 20/11 Lượt xem: 3846

Muốn cách mạng thắng lợi cần phải đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp nhân dân tạo thành lực lượng dân tộc hùng hậu, trong đó giai cấp công nhân là lực lượng hàng đầu, là gốc cách mạng. Công đoàn là tổ chức trực tiếp vận động công nhân hăng hái tham gia cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn muốn mạnh cần có cán bộ công đoàn tốt. Đó là những quan điểm cơ bản trong tư duy Hồ Chí Minh về CĐ

1. Công đoàn là tổ chức tập hợp, đoàn kết, giáo dục đông đảo công nhân

Từ  khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sống cuộc đời người thợ: đốt lò, phụ  bếp, cào tuyết, làm gốm, tráng  phim… đồng thời Người đã tham gia hoạt động trong phong trào công nhân, công  đoàn Anh, Pháp.  Năm 1914,  Hồ Chí Minh là thành viên của tổ chức “Lao động hải ngoại”, một tổ chức của những người thợ thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia nghiệp đoàn kim khí Quận 17, Pari (Pháp). ở đây, Hồ Chí Minh đã chú ý đến việc tập hợp thợ thuyền người Việt sống và làm việc tại Pháp. Nhờ có sự giúp đỡ của Công hội thống nhất C.G.T.U, năm 1923, những cơ sở Công hội đỏ Việt Nam đã ra đời ngay trên đất Pháp dưới những tên gọi như: Hội ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương, Hội tương tế Đông Dương. Trong bức thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (tháng 7/1923) Hồ Chí Minh đã yêu cầu “Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự ở các thuộc địa’’1. Để xúc tiến việc thành lập tổ chức công đoàn ở nước ta, trên báo Thanh niên cơ quan ngôn luận của Việt Nam cách mạng thanh niên, Hồ Chí Minh đã nêu cách thức tổ chức và hình thức hoạt động của công đoàn. Người viết: “Nước ta bị Pháp đè nén, nó cấm  không  cho  tổ chức hội hè, cho nên muốn tổ chức hội gì cũng phải dùng cách bí mật mới được, công nhân nước ta có ba thứ: một là thủ công, hai là công xưởng, ba là bán công, mỗi thứ công nhân một khác nên tổ chức theo chức nghiệp và sản nghiệp. Chức nghiệp tổ chức là: nghề nghiệp nào tổ chức theo theo nghề nghiệp ấy... sản nghiệp tổ chức là không theo nghề nghiệp mà theo những người làm ở chỗ nào thì tổ chức chỗ ấy” 2. Công đoàn tổ chức, tập hợp công nhân theo ngành, nghề và theo địa phương.

Trong cuốn ‘’Đường cách mệnh’’, Hồ Chí Minh đã nêu nhiều vấn đề có tính lí luận về công đoàn. Trước hết, Người nêu mục đích tổ chức công hội: “một là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới’’3. Hồ Chí Minh còn nêu rõ, mỗi công nhân chỉ được vào một hội hoặc là sản nghiệp hoặc hội nghề nghiệp “đoàn thể thì có phép vào nhiều Tổng công hội mà từng người thì chỉ được vào một công hội mà thôi. Nếu giới hạn này không nghiêm thì sau hay bối rối’’4. Về mối quan hệ giữa tổ chức Công hội và tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: tuy đều là tổ chức của giai cấp công nhân, tập hợp tổ chức công nhân tranh đấu nhưng Công hội chú trọng mặt kinh tế hơn. Đảng chú trọng mặt chính trị hơn”5 “Ai vào cả Đảng và Hội chính trị thì theo Đảng chỉ huy, mà kinh tế thì theo Công hội chỉ huy. Đảng viên ai cũng phải vào Công hội để mà tuyên truyền chủ nghĩa của Đảng, nhưng không phải hội viên nào cũng vào được Đảng’’6.

Về điều kiện xây dựng hội vững bền, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng:’’ chớ phân biệt người này là Nam kì, người kia là Trung kì, người nọ là Bắc kì...đã một nghề, một hội là anh em cả, phải xem nhau như người một nhà’’7. 

Trên cơ sở lí luận về Công đoàn do Hồ Chí Minh đề ra, ở Việt Nam từ năm 1926 đã xuất hiện hội tương tế. Những năm 1928-1929 dưới tác động của phong trào “vô sản hoá’’ do Việt nam cách mạng thanh niên tổ chức, hàng loạt “Công hội đỏ’’ đã ra đời ở khắp Bắc, Trung, Nam nhằm tập hợp đoàn kết công nhân đấu tranh.

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò, nhiệm vụ của Công đoàn và cán bộ công đoàn

Trong nhiều bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh, đặc biệt là những bài nói chuyện của Người ở Trường cán bộ Công đoàn (năm 1957), huấn thị của Người tại Hội nghị cán bộ Công đoàn (năm 1959) và bài nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng công đoàn Việt Nam (tháng 7/1969) đã thể hiện rất rõ những quan điểm của Người về tổ chức Công đoàn và cán bộ Công đoàn trong công cuộc xây dựng đất nước. Đó là:

- Công đoàn phải tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và giáo dục cho công nhân về đạo đức vô  sản, đạo đức cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta là của giai cấp công nhân Việt nam. Không có Đảng lãnh đạo thì giai cấp không làm cách mạng được, “Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì”. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu và tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân thái độ của người làm chủ nước nhà, làm cho công nhân phải hiểu được rằng “tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền’’8. Công nhân phải bảo vệ chế độ của ta, phải hiểu lao động là vẻ vang, phải tự nguyện, tự giác giữ kỉ luật lao động, giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên  cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Công tác giáo dục phải gắn với nhiệm vụ cụ thể, tránh chung chung chính trị suông.

- Công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia xây dựng nền kinh tế quốc dân.

Hồ Chí Minh khẳng định rằng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp, từ sản xuất nhỏ, từ hai bàn tay trắng đi lên nên khó khăn còn rất nhiều và lâu dài, cho nên Công đoàn cần thấy hết tình hình khách quan đó mà ra sức vận động công nhân, lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, vượt mọi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá cuả giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung.

- Muốn cho phong trào Công đoàn mạnh cần có cán bộ công đoàn tốt.

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lí kinh tế khoa học kĩ thuật. Cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế”9 thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hoá, kĩ thuật. “Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động gần gũi công nhân, viên chức’’10phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh ngiệm của quần chúng...thì mới làm tròn được nhiệm vụ của mình.

- Cán bộ công đoàn phải là trung tâm của đoàn kết, phải có trách nhiệm cao, vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng. “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí’’11 phải là nòng cốt của khối đoàn kết trong hệ thống Công đoàn, phải làm gương cho công nhân noi theo.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về Công đoàn và cán bộ công đoàn đến nay vẫn là định hướng quý báu cho sự phát triển tổ chức Công đoàn và cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nước ta.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: http://congdoanquangnam.org.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

  • Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" ( Ngày đăng: 10:02 | 27/08 )
  • Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ( Ngày đăng: 9:52 | 27/08 )
  • Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ( Ngày đăng: 9:51 | 27/08 )
  • Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ( Ngày đăng: 9:50 | 27/08 )
  • Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới ( Ngày đăng: 8:36 | 24/08 )
  • Đảng ủy LĐLĐ và BHXH tỉnh: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề ( Ngày đăng: 9:55 | 13/05 )
  • Nhận diện bất liêm để "xây" đức liêm ( Ngày đăng: 14:11 | 15/02 )
  • BÁC HỒ VỚI CÔNG ĐOÀN ( Ngày đăng: 9:40 | 20/11 )

Các tin cũ hơn:

  • THEO CON ĐƯỜNG CỦA BÁC ĐÃ CHỌN ( Ngày đăng: 9:37 | 20/11 )