Tại sao gọi là bí tích khai tâm

19072

#‎GNsP Như chúng ta đã biết: Từ thế kỷ XIII Giáo Hội Chúa Kitô xác định có bảy bí tích, trong đó có ba bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể là các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo. [TĐCG tr. 27]. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về ba bí tích này.

1. BÍ TÍCH THÁNH TẨY [Rửa Tội] Bí Tích này tiếng Hoa gọi là Thánh Tẩy Thánh Sự. Tiếng Latinh là Sacramentum Baptismi. Tiếng Anh là Sacrament of Baptism. Tiếng Pháp là Sacrement du Baptême Nhưng Thánh Tẩy là gì? Thánh là thuộc về Thần linh; tẩy là rửa. Thánh Tẩy là bí tích làm cho người lãnh nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, được tác sinh làm con Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Kitô, thành viên của Hội Thánh nhờ nước và Thánh Thần. [x.GLHTCG 1213].

Bí Tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa dẫn vào đời sống trong Chúa Thánh Thần, và để lãnh nhận các bí tích khác [x.GLHTCG 1213]. Bí Tích Thánh Tẩy ghi ấn tín vĩnh viễn, không thể bôi xóa trong tâm hồn thụ nhân.

Nghi thức Thánh Tẩy đòi hỏi phải có nước và lời đọc. Thụ nhân được dìm xuống nước [hoặc đổ nước] cùng với lời đọc của thừa tác viên: T[tên thánh của thụ nhân], cha rửa con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. x.GLHTCG 1240] Nghi thức này diễn tả thụ nhân được dìm vào sự sống của Chúa Ba Ngôi; việc dìm xuống nói lên sự tham dự vào sự chết của Đức Kitô, và việc bước ra khỏi nước, nói lên việc được sống lại với Người, trở thành thụ tạo mới [x. Rm 6,3-11; GLHTCG 1214]. Ngoài ra, còn có các nghi thức xức dầu thánh, trao áo trắng và nến sáng.

Thừa tác viên của Bí Tích này thông thường là Giám mục, Linh mục và Phó tế. Nhưng trong trường hợp nguy tử thì bất cứ ai [kể cả những người chưa được Rửa tội] cũng có thể cử hành. Miễn là làm theo ý hướng và cách thức của Hội Thánh [x.GL 861]

Chỉ những người chưa được thánh tẩy mới được lãnh nhận bí tích này và nếu có thể, phải có người đỡ đầu [x.GL 864, 872; TĐCG tr. 309-310]. Trên đây chúng ta đã nói : Bí tích Thánh Tẩy ghi ấn tín vĩnh viễn, không thể bôi xóa trong tâm hồn thụ nhân. Vậy ấn tín là gì? Ấn là dấu hiệu in dính vào vật khác; tín là tin. Ấn tín là dấu hiệu để làm tin.

Ngoài nghĩa thông thường là dấu để làm tin, hay biểu tượng của quyền bính, ấn tín còn được dùng trong một số trường hợp khác. Trong nghi thức Thêm Sức, Vị Giám mục dùng ngón tay chấm dầu thánh, ghi hình thánh giá trên trán người nhận bí tích và đọc câu: T[tên thánh người nhận] hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Trong trường hợp này, ấn tín ám chỉ ấn tích của Bí Tích Thêm Sức, không thể xóa nhòa

Ấn tín đôi khi được dùng trong cụm từ ấn tín bí tích để chỉ ấn tích không thể xóa được của ba Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh [x.GLHTCG 698; TĐCG tr. 13]. Chúng ta vừa giải thích từ ấn tín, ngay trên đây ta lại có một từ mới là ấn tích. Vậy ấn tích là gì? Ấn tích theo nghĩa Công giáo là từ ghép của ấn tín và bí tích.
Ấn tích là dấu ấn của bí tích; dấu ấn không thể tẩy xóa được của Thần Khí, in vào linh hồn người lãnh nhận các Bí Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Do vậy, mỗi người chỉ được nhận ba bí tích đó một lần trong đời mà thôi. [x.GLHTCG 689 1121].

Sách Khải Huyền nói về sự đóng ấn trên trán những kẻ được chọn [x.Kh 7,3; 9,4]. Thánh Phaolô cũng nói về ấn tín, dấu ấn hoặc đóng ấn của Thần Khí. [x.2Cr 1,21-22; Ep 1,13; 4,30].
Bản chất của ấn tích là làm cho người lãnh nhận nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô. Như trên chúng ta đã nói: người được thánh tẩy [rửa tội] được dìm xuống nướcNghi thức này diễn tả người nhận được dìm vào sự sống của Chúa Ba Ngôi; việc dìm xuống cũng nói lên sự tham dự vào sự chết của Đức Kitô. Vì thế, có Linh mục đề nghị gọi tên bí tích này, thay vì là Phép Rửa Tội hay gọi tắt là Phép Rửa, thì gọi tên mới là Phép Dìm. Nhưng cho đến nay [2016] Giáo Hội vẫn dùng tên cũ không đổi.

Có Linh mục cho rằng có lẽ dìm cả người xuống nước như vậy có ấn tượng hơn. Nhưng trong trường hợp người trưởng thành dìm cả người xuống nước ướt hết và khi ra khỏi nước, trở nên thụ tạo mới phải thay y phục, mới tiếp tục nghi thức được, chắc có điều bất tiện, bất ổn chăng? Rồi còn vấn đề thời tiết nữa. Ở các nước hàn đới, nhiệt độ dưới -O độ C làm sao cử hành mà không gây hậu quả về sức khỏe? Còn trẻ em nữa, mới một, hai tháng tuổi làm sao dìm bé vào trong nước cách dễ dàng và an toàn được? Không rõ vì lý do gì mà từ lâu và hiện nay thường thì Giáo Hội làm nghi thức Rửa tội bằng cách đổ nước trên đầu người nhận, mà không dìm họ vào trong nước.

Chắc có người thắc mắc: sao không để trẻ lớn lên rồi hãy rửa tội, để các em tự chọn tôn giáo mà mình theo cả đời? Từ rất xa xưa, Hội Thánh đã thực hành việc rửa tội trẻ em vì một lý do là: trước khi ta quyết định theo Chúa, thì Chúa đã quyết định chọn ta rồi. Hội Thánh muốn chứng tỏ Bí Tích Rửa Tội là một ơn phúc, là món quà Chúa đón nhận ta không điều kiện. Cha mẹ có đức tin là những người muốn điều tốt nhất cho con mình. Họ cũng muốn chúng được rửa tội để chúng được thoát khỏi ảnh hưởng tội Tổ Tông và quyền lực sự chết [1250-1282; Youcat VN tr.166].

Xin nói ít dòng về tội Tổ Tông hay Nguyên Tội là tội đầu tiên của con người do hai ông ba Nguyên Tổ Adam và Eva đã phạm. Truyền thống Kitô giáo dạy rằng: Khi nghe theo Tên Cám Dỗ, ông Adam và bà Eva đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến bản tính nhân loại, một bản tính mà họ sẽ lưu truyền trong tình trạng đã sa ngã [GLHTCG 404], nên mọi người, ngoại trừ Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria, đều bị truyền lại tội ấy. Đó là một thứ tội con người bị nhiễm chứ không phải đã phạm, một tình trạng chứ không phải hành vi [TĐCG tr. 352]. Chúng ta đều biết: năm 1858, ĐGH. Piô IX [1846-1878] đã tuyên tín: Đức Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Và Bí Tích Rửa Tội rất quan trọng cho phần rỗi của con người đến nỗi, dù không phải là Kittô hữu cũng có thể làm, miễn là cố ý làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội [Youcat VN tr. 167].

Có người nêu thắc mắc: Bí Tích Rửa Tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không? Những ai đã đón nhận Tin Mừng và đã biết lời Chúa Giêsu dạy: Thày là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống [Ga 14,6], bí tích rửa tội là con đường duy nhất cho họ đến cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Nhưng vì Chúa Giêsu đã chết cho mọi người và mọi người đều được mời gọi để được cứu độ, nên dù mọi người không có cơ hội học biết về Chúa Kitô và đức tin, mà họ tìm Chúa cách chân thành và sống theo lương tâm mình, họ cũng gặp ơn cứu độ. Họ được rửa tội bằng lòng muốn. [1257-1261, 1281,1283; Youcat VN tr. 167].

Tại sao Kitô hữu chọn tên thánh khi rửa tội? Vì không có mẫu gương nào và không có sự giúp đỡ nào tốt hơn là của các thánh. Nếu ta có vị thánh làm bổn mạng, đó là ta có một người bạn bên Chúa [2156-2159, 2165; Youcat VN tr 169]

Chúng ta đã tìm hiểu xong về Bí Tích Khai Tâm thứ nhất tức Bí Tích Thánh Tẩy hay còn gọi là Phép Rửa Tội hay Phép Rửa.

2. Bây giờ xin sang Bí Tích Khai Tâm thứ hai. Đó là BÍ TÍCH THÊM SỨC. [còn gọi là Phép Xức Trán] .Bí Tích Thêm Sức là bí tích qua đó Chúa Thánh Thấn ban cho người nhận ơn sức mạnh, để họ có thể công khai tuyên xưng đức tin một cách kiên định và làm chứng cho Đức Kitô. Đồng thời liên kết họ cách mật thiết với Hội Thánh.
Thêm Sức là một trong ba Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo gồm: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể, tạo thành tổng thể thống nhất. Được gọi là Thêm Sức vì bí tích này kiện toàn và củng cố ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy.

Bí Tích này còn được gọi là Bí Tích Xức Dầu Chrisma [Chrismation là việc xức dầu thánh], như Giáo Hội Đông Phương vẫn gọi, vì nghi thức chính yếu của bí tích này là việc xức dầu thánh hiến [SC] trên trán thụ nhân, kèm theo việc đặt tay, cùng với lời đọc: [Ttên thánh người nhận bí tích], hãy nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Bí Tích Thêm Sức ghi ấn tín vĩnh viễn, không thể bôi xóa trong tâm hồn người nhận.

Thừa tác viên thông thường của bí tích này là Giám mục, nhưng có thể ủy quyền cho các Linh mục. Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Rôma ban bí tích này cho người đến tuổi biết phán đoán, được chuẩn bị xứng đáng và cần có người đỡ đầu [TĐCG tr.326-327]. Trường hợp nguy tử, bất cứ Linh mục nào cũng được ban Bí Tích Thêm Sức [1312-1314; Youcat VN tr 172].

3. BÍ TÍCH THÁNH THỂ. Thánh là thuộc về Thần linh; thể là thân. Thánh Thể là thân thể của Thần linh. Bí Tích Thánh Thể là Bí tích Chúa Giêsu đã lập trong Bữa Tiệc ly. Dấu chỉ bên ngoài của bí tích này là Bánh, Rượu, việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần và lời Truyền Phép. [x.GLHTCG 1412]. Chính Chúa Giêsu [với trọn mình, máu, linh hồn và thần tính của Người] hiện diện một cách huyền nhiệm, đích thực, thật sự và theo bản thể trong hình Bánh Rượu, để ở với nhân loại và làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu [x.GLHTCG 1413].

Bí Tích Thánh Thể là hiến lễ tạ ơn và lời chúc tụng Hội Thánh dâng lên Chúa Cha, đồng thời cũng hiện tại hóa Hy Tế Thập Giá và sự sống lại của Chúa Giêsu [x. GLHTCGL 1407, 1409].
Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu. Các bí tích khác và mọi hoạt động của Hội Thánh đều gắn liền với và quy hướng về Bí Tích Thánh Thể. [x.GH 11, GLHTCG 1324].

Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hợp nhất, là mối dây bác ái, là Bữa Tiệc Vượt Qua, nơi các tín hữu lãnh nhận Chúa Giêsu, để linh hồn được tràn đầy ân sủng và nhận được bảo đảm cho vinh quang tương lai. [x. PV 47; GLHTCG 1323]

Chúa Giêsu truyền cho Giáo Hội mọi thời phải cử hành Bí Tích Thánh Thể để tưởng nhớ đến Người [x.Lc 22,19]. Nhưng chỉ có những vị có chức thánh mới có quyền cử hành Bí Tích này thành sự [x.GLHTCG 1414; GL 9OO].

Khi Truyền Phép, thừa tác viên lập lại cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu. Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Đây là Chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội.[Lc 22,19-20].

Bí Tích Thánh Thể là bí tích thứ ba giúp KHAI TÂM vào Kitô giáo, Bí Tích Thánh Thể là trung tâm mầu nhiệm của toàn bộ các bí tích.
Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, trước ngày Người chịu chết vào buổi tối, trước khi Người bị trao nộp [1 Cr11.23]. Người tập họp các Tông đồ ở Nhà Tiệc Ly và Người cùng với họ cử hành Bữa Tiệc Ly [1323, 1337-1340].

Bí Tích Thánh Thể rất quan trọng đối với Hội Thánh. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là tâm điểm của sự hiệp thông của Kitô giáo. Nhờ Bí Tích Thánh Thể, Hội Thánh mới trở thành đích thực là Hội Thánh [1325].

Trong Bí Tích Thánh Thể ta tiếp nhận Mình Chúa Kitô, và mỗi lần rước Chúa, ta dần dần trở nên Thân Thể Chúa Kitô.

Bữa Tiệc của Chúa Giêsu được gọi bằng nhiều tên khác nhau giúp ta hiểu về mầu nhiệm phong phú của hiến tế thánh này. Chúng ta gọi là Thánh Lễ, Hy Lễ, Bữa Tiệc của Chúa, Lễ Bẻ Bánh, cuộc Tập Họp Tạ Ơn, Cuộc tưởng nhớ cuộc Khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa, Phụng vụ Thần Thánh, Mầu nhiệm thánh, Hiệp Lễ thánh .[1328-1332].

Sau đây chúng ta tìm hiểu về từ Bẻ Bánh. Bẻ Bánh là nghi lễ cổ xưa trong bữa ăn của người Do Thái, mà Chúa Giêsu dùng trong Bữa Tiệc Ly để bày tỏ Người tự nộp mình vì chúng ta.

Bẻ Bánh là cách nói của các Kitô hữu tiên khởi để chỉ việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. [x. Cv . 2,42]. Bẻ Bánh là hành động cốt yếu của việc cử hành Phụng vụ Thánh Thể. Chủ tế thực hiện việc Bẻ Bánh theo cách thức Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly. [x.1Cr 11,24].

Trong nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị Chủ tọa Bẻ Bánh chia cho mọi người. Chúa Giêsu cũng làm như vậy trong hai lần làm cho bánh hóa nhiều [x.Mt 14.19; 15.36], và lúc lập Bí Tích Thánh Thể [x.Lc 22,19]. Vì vậy, Bí Tích Thánh Thế và Thánh Lễ, còn được gọi là Lễ Bẻ Bánh.

Thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu họp nhau cử hành Lễ Bẻ Bánh vào ngày thứ nhất trong tuần [x.Cv 2,42; 20,7]. Đây là hình thức ban đầu của Thánh Lễ ngày nay, Một tấm bánh Thánh Thể duy nhất được bẻ ra và phân phát cho mọi người. Điều đó mang một ý nghĩa sâu sắc của tình hiệp thông trong Hội Thánh. Nhờ Thân Thể Chúa Kitô, các tín hữu được nên một với Chúa và với nhau. [x,1Cr 10,16-17; TĐCG tr.22; Youcat VN tr.174-175]

Tóm lại, qua mấy trang viết ngắn ngủi, đơn sơ, đôi chỗ cón lủng củng, lập đi lập lại, chưa được hoàn chỉnh như lòng mong ước, về các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo, người viết cũng được khai tâm, bổ sung kiến thức, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết thêm về ý nghĩa cao sâu của các Bí Tích trong Giáo Hội, và cảm nhận cách sâu sắc về tình thương hải hà của Chúa Giêsu đã thiết lập các Bí Tích để cứu chúng ta, qua Giáo Hội đưa chúng ta vào đại dương Thương xót của Người.

Thạch Vinh

22/08/2020
TRÁI TIM CHÚA GIÊSU ƯỚC AO CHO NHÂN LOẠI TÔN SÙNG TRÁI TIM MẸ
CÙNG NHAU SỐNG ĐẠO

Video liên quan

Chủ Đề