Tại sao tư duy tăng trưởng lại quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo

Những người có tư duy tăng trưởng luôn chào đón mọi thử thách, bởi vì họ biết chỉ có thử thách mới giúp họ trở nên mạnh hơn, cũng như việc tập luyện cơ bắp, sau mỗi lần tập, cơ sẽ phát triển mạnh hơn để thích nghi. Tư duy đó luôn là điều mà các startup muốn xây dựng và phát triển.

Tư duy tăng trưởng

Theo Carol Dweck, tác giả của cuốn Mindset: “Tại sao lại lãng phí thời gian để chứng minh rằng bạn đã giỏi như thế nào, khi bạn có thể trở nên tốt hơn? Tại sao phải che giấu những thiếu sót thay vì khắc phục chúng? Tại sao chỉ tìm kiếm bạn bè hoặc đối tác, những người sẽ không làm mất lòng bạn, thay vì tìm những người sẽ thách thức bạn phát triển? Và tại sao lại chỉ tìm những việc bạn luôn làm tốt, thay vì những kinh nghiệm sẽ thử thách bạn? Niềm đam mê thách thức bản thân và gắn bó với nó, ngay cả khi mọi việc diễn ra không tốt, là dấu hiệu của tư duy tăng trưởng. Tư duy này cho phép con người phát triển trong những thời điểm thử thách nhất cuộc đời họ”.

Có rất nhiều biến số chưa biết mà bạn phải xử lý khi làm việc cho một startup. Điều gì xảy ra nếu nhà đầu tư của bạn rút lại tiền sau một thỏa thuận miệng? Hoặc khi báo chí viết một tin xấu về công ty của bạn? Bạn phản ứng thế nào khi bạn hết tiền theo nghĩa đen và công ty chỉ còn có thể tồn tại?

Một khi toàn bộ đội ngũ thấm nhuần tư duy tăng trưởng, họ có thể làm việc tốt nhất

với sự khiêm tốn và đạt được những mục tiêu lớn nhất của công ty

Thật không dễ xoay chuyển tình thế khi bạn là một doanh nhân khởi nghiệp, và thậm chí còn khó khăn hơn khi có một nhóm nhân viên trông chờ bạn làm điều đúng đắn. Bạn biết rằng mình có thể vượt qua hành trình khó khăn mà mình đã bắt đầu, luôn sử dụng các kỹ năng và tài năng của mình để vượt qua rào cản, nhưng làm thế nào bạn có thể khiến nhân viên của mình có cùng tư duy đó?

Đây là lý do mà các startup nhỏ và các công ty lớn đều dạy cho nhân viên của họ sự khác biệt giữa tư duy tăng trưởngtư duy cố định.

Carol Dweck, tác giả cuốn Mindset, phân biệt hai tư duy:

Một người có tư duy cố định tin rằng những phẩm chất cơ bản của họ, như trí thông minh hoặc tài năng, chỉ đơn giản là những đặc điểm cố định. Họ dành thời gian lưu giữ lại trí thông minh hoặc tài năng của mình thay vì phát triển chúng. Họ cũng tin rằng tài năng tạo ra thành công, không cần đến nỗ lực.

Người có tư duy tăng trưởng tin rằng những khả năng cơ bản nhất của mình có thể phát triển nhờ sự cống hiến và làm việc chăm chỉ, bộ não và tài năng chỉ là điểm khởi đầu. Quan điểm này tạo ra sự yêu thích học tập và sự kiên cường, những yếu tố rất cần thiết để tạo nên những thành tựu lớn.

Tư duy tăng trưởng áp dụng trong việc Giải quyết vấn đề

Tư duy này rất quan trọng đối với tất cả nhân viên bởi vì khi có sự cố xảy ra, nhóm của bạn sẽ được chuẩn bị sẵn tinh thần. Tư duy này biến bất kỳ trở ngại nào thành cơ hội, dù trí thông minh hay tài năng của họ có như thế nào.

Bạn cần tạo ra một môi trường mà nhân viên của mình không bị cuốn vào những trách nhiệm hoặc giới hạn cụ thể để họ có thể tự giải quyết các vấn đề phức tạp, dù bản mô tả công việc của họ được viết ra sao.

Tư duy tăng trưởng trong Tuyển dụng

Giả sử bạn vừa thuê một tổng biên tập có kinh nghiệm và đã từng có những thành tựu lớn cho công ty truyền thông của mình. Họ đã nhận được hàng triệu lượt xem trên các bài báo của mình. Người này có hàng ngàn người theo dõi trên mạng xã hội và được xem như một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Nhưng bởi vì đã thành công, họ có thể rơi vào một tư duy cố định rằng họ giỏi một cách tự nhiên. Vì vậy, họ có thể sợ phạm sai lầm hoặc sợ bị mất hình ảnh. Điều này làm giảm những rủi ro sáng tạo mà lẽ ra có thể mang lại giá trị tích cực cho công ty của bạn. Là một doanh nhân, bạn muốn khuyến khích sự đổi mới sáng tạo. Nhưng nếu nhân viên của bạn không muốn thách thức vùng an toàn của mình, việc tuyển nhân viên này sẽ trở thành một vấn đề.

Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì thuê một “cựu chiến binh” giàu kinh nghiệm, bạn thuê một nhà văn trẻ đang nhanh chóng vươn lên trong lĩnh vực của họ? Nhà văn này không có hình ảnh để giữ gìn hoặc bất kỳ kỳ vọng xã hội nào. Điều này khiến họ không sợ mạo hiểm, thất bại và bị bẽ mặt với hy vọng được học hỏi và phát triển. Nhà văn trẻ ngây thơ này cho công ty đôi mắt mới để thử những điều chưa từng được thực hiện trước đây.

Nếu bạn là CEO, bạn sẽ thuê ai?

Có những ưu và nhược điểm đối với cả hai ứng cử viên nhưng về lâu dài, người có kỹ năng tốt hơn và tư duy tăng trưởng sẽ là ứng cử viên tốt hơn trong đa số trường hợp. Bộ phận nhân sự ở các công ty hiện đang bổ sung các câu hỏi về hành vi để kiểm tra xem các ứng viên muốn gia nhập công ty họ có tiếp thu lối suy nghĩ này hay không.

Tư duy tăng trưởng với Cái tôi cá nhân

Tư duy cố định và tư duy tăng trưởng chính là lý do tại sao các thần đồng thường không bao giờ tạo ra những ý tưởng đột phá. Họ trở thành những bác sĩ hoặc luật sư rất giỏi, nhưng vì có một hình ảnh cần theo đuổi từ khi còn nhỏ, họ không bao giờ muốn hủy hoại danh tiếng của mình bằng cách chấp nhận rủi ro. Họ rất sợ thất bại.

Những thần đồng này đã sống an toàn để có được sự công nhận của cha mẹ và giáo viên. Điều đó khiến họ không thể làm những gì mình thực sự muốn làm. Điều đó thật đáng thất vọng vì những thần đồng này có thể có những bước đột phá lớn về khoa học, công nghệ, nghệ thuật hoặc bất kỳ lĩnh vực nào nếu họ đủ khiêm tốn để đương đầu với cái tôi của chính mình.

Trong doanh nghiệp, với tư duy tăng trưởng, nhân viên của bạn sẽ giữ được sự khiêm tốn, không ngại đưa ra những ý tưởng tồi hoặc đề xuất những giải pháp sáng tạo.

Cách thức thực hiện quan trọng hơn kết quả

Các đội ngũ thành công – những người có tư duy tăng trưởng – luôn tập trung vào quá trình, chứ không phải kết quả. Trong một cuộc phỏng vấn với Harvard Business Review, Carol Dweck đã giải thích lý do một cách hoàn hảo:

Nhiều nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc ca ngợi tài năng của một người sẽ đưa họ vào tư duy cố định. Toàn bộ phong trào về lòng tự trọng đã dạy chúng ta một cách sai lầm rằng việc ca ngợi trí thông minh, tài năng và khả năng sẽ thúc đẩy sự tự tin, lòng tự trọng và mọi thứ tuyệt vời sẽ đến sau đó. Nhưng chúng tôi đã thấy nó phản tác dụng. Những người được khen có xu hướng lo lắng về công việc tiếp theo và về việc đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, thay vào đó, họ sẽ bám vào vùng an toàn của mình và thực sự phòng thủ khi gặp thất bại.

Vậy chúng ta nên khen ngợi điều gì? Nỗ lực, chiến lược, sự kiên trì và bền bỉ khi đối mặt với những trở ngại, khi gặp sự cố và khả năng biết phải làm gì tiếp theo. Để thúc đẩy tư duy tăng trưởng tại công ty, bạn cần truyền đạt những giá trị của quá trình làm việc, đưa ra những phản hồi, thưởng cho những người tham gia vào quá trình chứ không chỉ kết quả thành công.

Tạo thay đổi về tư duy tăng trưởng trong startup

Vậy làm thế nào để các startup giúp nhân viên có tư duy tăng trưởng? Các CEO cần phải ưu tiên tư duy này và sống theo các giá trị của nó để thúc đẩy sự thay đổi từ trên xuống.

Dweck chia sẻ một ví dụ về Jack Welch, CEO của GE, người đã từ chối tuyển dụng dựa trên danh tiếng. Jack đã chọn 10 sinh viên tốt nghiệp và cựu quân nhân thay vì những ứng viên từ các công ty hàng đầu. Ông cũng đầu tư rất nhiều thời gian và chi phí để huấn luyện đội ngũ điều hành của công ty mình.

“Tập trung vào danh tiếng… sẽ không hiệu quả bằng việc tìm những người yêu thích thử thách, muốn phát triển và hợp tác”, Dweck cho biết.

Google có vẻ cũng đang thay đổi theo hướng đó. Công ty này gần đây bắt đầu tuyển dụng nhiều người không có bằng đại học nhưng đã chứng minh rằng là những người ham học hỏi độc lập và có khả năng.

Việc có tư duy tăng trưởng sẽ giúp bạn nổi bật và giúp ích được cho bất kỳ startup nào muốn giải quyết các vấn đề lớn. Một khi toàn bộ đội ngũ thấm nhuần tư duy tăng trưởng này, họ có thể làm việc tốt nhất với sự khiêm tốn và đạt được những mục tiêu lớn nhất của công ty.

Nguồn: Draper University Blog

Babuki lược dịch và hiệu đính

Anh/chị có thể để lại thông tin liên hệ tại đây để Babuki gửi các bài viết hay hoặc hỗ trợ tư vấn về chiến lược và chuyển đổi số.

Video liên quan

Chủ Đề