Theo EM tại sao quy trình sản xuất chăn nuôi phải đi đối với bảo vệ môi trường

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG []

I. KHÁI NIỆM VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Một số khái niệm

1.1. Môi trường

- Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật [Điều 3, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005].

- Hoạt động bảo vệ môi trường [BVMT] là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên [TNTN]; bảo vệ đa dạng sinh học.

- Thành phần môi trường là các yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.

Như vậy, môi trường sống của con người theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội,... Với nghĩa hẹp, thì môi trường sống của con người chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và nhân tố xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống của con người như số m2 nhà ở, chất lượng bữa ăn hàng ngày, nước sạch, điều kiện vui chơi giải trí...

Môi trường sống của con người thường được phân chia thành:

- Môi trường tự nhiên: Bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động và thực vật, đất và nước,... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

- Môi trường xã hội: Là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là luật lệ, thể chế, cam kết, quy định ở các cấp khác nhau. Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.

- Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên hoặc biến đổi theo, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống như ô tô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu đô thị, công viên,...

Đối với sinh vật nói chung và con người nói riêng thì môi trường sống có các chức năng chủ yếu sau:

1.1.1. Môi trường là không gian sinh sống cho con người và thế giới sinh vật [Habitat]

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi một người đều cần một không gian nhất định để phục vụ cho các hoạt động sống như: Nhà ở, nơi nghỉ, đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, kho tàng, bến cảng,... Trung bình mỗi ngày mỗi người đều cần khoảng 4m3 không khí sạch để hít thở; 2,5 lít nước để uống, một lượng lương thực, thực phẩm tương ứng với 2000 - 2400 Calo. Như vậy, chức năng này đòi hỏi môi trường phải có một phạm vi không gian thích hợp cho mỗi con người. Không gian sống của xã hội loài người là Trái đất.

Như vậy, môi trường là không gian sống của con người [Hình 1] và có thể phân loại chức năng không gian sống của con người thành các dạng cụ thể sau:

Hình 1. Các chức năng chủ yếu của môi trường

1.1.2. Môi trường là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người

Chức năng này của môi trường còn gọi là nhóm chức năng sản xuất tự nhiên gồm:

- Rừng tự nhiên: Có chức năng cung cấp nước, bảo tồn tính đa dạng sinh học và độ phì nhiêu của đất, nguồn gỗ củi, dược liệu và cải thiện điều kiện sinh thái.

- Các thủy vực: Có chức năng cung cấp nước, dinh dưỡng, nơi vui chơi giải trí và các nguồn hải sản.

- Động và thực vật: Cung cấp lương thực và thực phẩm và các nguồn gen quý hiếm.

- Không khí, nhiệt độ, ánh sáng mặt trời: Để giúp con người hít thở, cây cối ra hoa và kết trái.

- Các loại quặng, dầu mỏ: Cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp..

1.1.3. Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất

Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của cải vật chất, con người luôn đào thải ra các chất thải vào tự nhiên và quay trở lại môi trường. Tại đây, các chất thải dưới tác động của các vi sinh vật và các yếu tố môi trường khác sẽ bị phân huỷ, biến đổi từ phức tạp thành đơn giản và tham gia vào hàng loạt các quá trình lý – hóa - sinh phức tạp. Có thể phân loại chi tiết chức năng này thành các loại sau:

- Chức năng biến đổi lý - hoá học: Pha loãng, phân huỷ hoá học nhờ ánh sáng; hấp thụ; sự tách chiết các vật thải và độc tố.

- Chức năng biến đổi sinh hoá: Sự hấp thụ các chất dư thừa; chu trình nitơ và các bon; khử các chất độc bằng con đường sinh hoá.

- Chức năng biến đổi sinh học: Khoáng hoá các chất thải hữu cơ, mùn hoá, amôn hoá, nitrat hoá và phản nitrat hoá,...

1.1.4. Chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người

Môi trường trái đất được coi là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người. Bởi vì, chính môi trường trái đất là nơi:

- Cung cấp nguồn cho việc ghi chép và lưu trữ lịch sử địa chất, lịch sử tiến hoá của vật chất và sinh vật, lịch sử xuất hiện và phát triển văn hoá của loài người.

- Cung cấp các chỉ thị không gian và tạm thời mang tính chất tín hiệu và báo động sớm các hiểm hoạ đối với con người và sinh vật sống trên trái đất như phản ứng sinh lý của cơ thể sống trước khi xảy ra các tai biến tự nhiên và các hiện tượng tai biến tự nhiên, đặc biệt như bão, động đất, núi lửa,....

- Lưu trữ và cung cấp cho con người sự đa dạng các nguồn gen, các loài động thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các vẻ đẹp, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ để thưởng ngoạn, tôn giáo và văn hoá khác.

1.2. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên [TNTN] là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình thành và tồn tại trong tự nhiên mà con người đã và đang sử dụng để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống. Mỗi loại tài nguyên có một đặc điểm riêng, nhưng có 2 đặc điểm chung:

- TNTN phân bố không đồng đều giữa các vùng trên trái đất và trên một vùng lãnh thổ có thể tồn tại nhiều loại tài nguyên, tạo ra sự ưu đãi của tự nhiên với từng vùng lãnh thổ, từng quốc gia.

- Đại bộ phận các nguồn TNTN có giá trị kinh tế cao được hình thành qua quá trình phát triển lâu dài của tự nhiên và lịch sử.

Chính 2 thuộc tính này đã tạo nên tính quý hiếm của TNTN và lợi thế phát triển của các quốc gia giàu tài nguyên.

Trên quan điểm sinh thái - môi trường thì TNTN được chia làm 2 loại:

- Tài nguyên không tái tạo là nguồn tài nguyên sau khi khai thác và sử dụng bị cạn kiệt dần như tài nguyên khoáng sản.

- Tài nguyên tái tạo là nguồn tài nguyên sau khi sử dụng có thể tái sinh và ngày càng phong phú hơn nếu được sử dụng hợp lý, quản lý tốt như tài nguyên đất, rừng, biển và tài nguyên nông nghiệp.

Riêng con người là nguồn lao động, trí tuệ, gắn liền với các nhân tố kinh tế và xã hội, là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của sự phát triển của mỗi quốc gia. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, tồn tại nhiều phương pháp khác nhau để phân loại TNTN như phân loại theo trữ lượng, chất lượng, công dụng, khả năng tái tạo. Trong từng trường hợp cụ thể người ta có thể sử dụng một hoặc tổ hợp nhiều phương pháp phân loại TNTN. Sự phân loại chỉ có tính tương đối và đa dạng của tài nguyên tuỳ theo mục tiêu sử dụng khác nhau. Tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng nên tuỳ theo thành phần, mục đích sử dụng mà có cách phân loại khác nhau:

1.3. Phát triển

Trước hết cần làm rõ khái niệm "phát triển", theo cuốn Đại Từ điển tiếng Việt phạm trù "phát triển" được hiểu là quá trình vận động, tiến triển theo hướng tăng lên, ví dụ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội …

Phát triển kinh tế -xã hội được hiểu là sự tăng về số lượng và chất lượng của những giá trị kinh tế và xã hội. Phát triển kinh tế, xã hội là quá trình liên tục tạo ra những gía trị vật chất và tinh thần mới nhằm đáp ứng nhu cầu của con người qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nguyên lý mang tính quy luật khách quan là muốn tạo ra sự phát triển để nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần liên tục tăng lên của chính mình, con người phải tác động vào môi trường vật chất tự nhiên để tạo ra số lượng và giá trị vật chất mới. Quá trình tác động này sẽ làm thay đổi trạng thái tự nhiên của môi trường và sự thay đổi đó sẽ tác động ngược trở lại vào quá trình phát triển, làm cho phát triển có thể bị tiêu vong và các nhu cầu mới sẽ không được thỏa mãn, đó chính là mặt trái của tồn tại với quá trình phát triển.

Phát triển là một quá trình bao gồm nhiều thành tố khác nhau: Kinh tế, kỹ thuật, xã hội, chính trị, văn hóa và không gian. Mỗi một thành tố ấy lại là một quá trình tiến hóa, nhằm biến một xã hội nông nghiệp - "phụ thuộc" vào thiên nhiên thành một xã hội công nghiệp hiện đại "ít phụ thuộc" vào thiên nhiên. Ở phần lớn các khu vực trên thế giới, một thực tế đã ngày càng chứng tỏ: Phát triển là sự tiến hành đồng thời những cuộc tiến hóa trên 4 bình diện kinh tế - không gian - xã hội chính trị - văn hoá.

Đây là một xu thế phát triển của các nước phương Tây đã được nhiều nước lấy làm hình mẫu cho sự phát triển và có thể mô hình hoá sự phát triển của nước ta. Như vậy:

- Phát triển là quy luật chung của mọi thời đại, của các quốc gia

- Phát triển là mục tiêu trung tâm của mọi chính phủ

- Phát triển là trách nhiệm chính trị của các quốc gia

Tuy nhiên, nếu phát triển chỉ là sự tăng GDP hàng năm lên x% và xây dựng một xã hội tiêu thụ, tách hệ thống kinh tế khỏi hệ thống xã hội nhân văn và hệ nuôi dưỡng sự sống [môi trường sinh thái] sẽ không thể giải quyết được nghèo đói cũng như hàng loạt các vấn đề suy thoái môi trường nảy sinh. Do đó, để đảm bảo phát triển bền vững [PTBV], quá trình phát triển kinh tế phải gắn kết được với nhu cầu bảo vệ tài nguyên và môi trường, nhằm hai mục tiêu cụ thể sau:

- Nhanh chóng nâng cao mức sống của nhân dân, trong đó, quan tâm thích đáng đến nâng cao trình độ dân trí nói chung, đặc biệt là nâng cao về giác ngộ môi trường nói riêng.

- Đạt được lợi ích thực sự, đảm bảo sự cân bằng giữa con người, tự nhiên và các nguồn lợi kinh tế không những cho thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau.

2. Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển

2.1. Thực trạng vấn đề môi trường ở Việt Nam

Luật BVMT 2005 đề cập đến 3 loại hình về tài nguyên và môi trường theo mức độ nguy hiểm tăng dần là:

- Ô nhiễm môi trường

- Suy thoái môi trường

- Sự cố môi trường

Cả 3 loại hình này đều đang diễn ra ở nước ta theo các mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, chất lượng môi trường vẫn đang bị suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đô thị, làng nghề và ở các lưu vực sông Cầu, Nhuệ, Đáy và Đồng Nai.

2.1.1. Nước mặt

Chất lượng nước mặt hiện nay đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và suy thoái. Tình trạng này đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu. Có một số nơi, ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, điển hình như hạ lưu các sông và hệ thống hồ ao, kênh mương và các sông nhỏ trong khu vực nội thành, nội thị. Nguyên nhân là do chất lượng rừng đầu nguồn suy giảm, nước thải của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt không được xử lý hoặc xử lý không hiệu quả đã và đang thải vào các nguồn nước mặt.

2.1.2. Tài nguyên và môi trường đất

Việt Nam có diện tích tự nhiên khoảng 33 triệu ha, 3/4 trong số này là đất dốc đồi núi thường rất nhạy bén với các quá trình suy thoái, giảm độ phì nhiêu.

2.1.3. Tài nguyên và môi trường rừng

Việt Nam trải dài trên nhiều vĩ tuyến và đai cao, với địa hình rất đa dạng, 3/4 lãnh thổ là đồi núi, lại có khí hậu thay đổi từ nhiệt đới ẩm phía Nam đến á nhiệt đới ở vùng cao phía Bắc, đã tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái [HST] tự nhiên và sự phong phú về các loài sinh vật. Những HST này bao gồm nhiều loại rừng như rừng cây lá rộng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng rụng lá, rừng trên núi đá vôi, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim, rừng lá kim, rừng tre nứa, rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng ngập nước ngọt.

Trước đây phần lớn đất nước Việt Nam có rừng che phủ, nhưng chỉ khoảng một thế kỷ qua rừng bị suy thoái nặng nề. Sau chiến tranh, diện tích rừng chỉ còn lại khoảng 9,3 triệu ha, chiếm 28,2% diện tích cả nước. Những năm gần đây, tổng diện tích rừng tăng lên, nhưng phần lớn diện tích tăng thêm là rừng trồng. Diện tích rừng cây công nghiệp [cao su, cà phê, điều…] tăng nhanh, làm cho độ che phủ rừng liên tục tăng lên, từ 27,8% ở năm 1990 đến 39,1% vào năm 2009. Tuy nhiên, diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng [thường từ 3 đến 7 tầng] giảm sút trầm trọng; diện tích rừng trồng, rừng một tầng, rừng nhân tạo tăng cao, với tốc độ gia tăng trung bình từ năm 1990 đến 2009 cao gấp 13 lần rừng tự nhiên.

Tuy tổng diện tích rừng hàng năm tăng lên, nhưng chất lượng rừng ngày càng suy giảm. Rừng nguyên sinh chỉ còn 0,57 triệu ha phân bố rải rác, chiếm 8% tổng diện tích rừng [các nước trong khu vực là 50%]. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên hiện nay thuộc loại rừng nghèo có trữ lượng gỗ dưới 100 m3, như rừng khộp ở Tây Nguyên. Nguyên nhân mất rừng có nhiều, nhưng một số nguyên nhân chính là:

- Phá rừng: Một số hoạt động phát triển kinh tế thiếu cân nhắc như phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, chặt rừng để trồng cây công nghiệp như: cao su, cà phê làm cho hậu quả thiên tai ngày càng nặng nề hơn, các yếu tố môi trường sống ngày một xấu đi.

- Cháy rừng: Việt Nam có nhiều loại rừng dễ bị cháy trong mùa khô như rừng khộp Tây Nguyên, rừng tràm ở một số tỉnh phía Nam, rừng thông và một số loài cây rừng trồng khác. Theo số liệu thống kê của Cục kiểm lâm, từ năm 1995 đến nay trung bình mỗi năm rừng bị thiêu hủy khoảng 5.000 ha. Ví dụ, năm 2001 xảy ra 490 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 2.466 ha, năm 2002 xảy ra 1.098 vụ cháy rừng, thiệt hại 15.404 ha, năm 2003 xảy ra 1.158 vụ cháy rừng thiệt hại 1.785 ha, sáu tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 232 vụ cháy rừng, thiệt hại 960 ha và 4 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng.

- Rừng ngập mặn [RNM] đang bị suy thoái

Đất ngập nước rất đa dạng về loại hình và hệ sinh thái, chia ra 2 nhóm: đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển. Rừng ngập mặn [RNM] một loại rừng đặc thù phân bố ở vùng cửa sông ven biển các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, với tính ĐDSH cao. RNM là hệ sinh thái có giá trị lớn về sinh thái, môi trường và kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn [2007], diện tích RNM của cả nước vào khoảng 160.070 ha, giảm hơn 50% so với năm 1943. Thời gian gần đây tuy đã có các chương trình trồng, phục hồi RNM được triển khai nhưng diện tích RNM vẫn chưa được phục hồi đáng kể. Cho đến nay, RNM tự nhiên nguyên sinh còn không nhiều, đa số là rừng trồng [chiếm 62%], còn lại là rừng thứ sinh nghèo hoặc rừng mới tái sinh trên bãi bồi.

2.1.4. Đa dạng sinh học đang bị suy giảm

- Khái niệm: Theo định nghĩa của Hiệp hội Quốc tế bảo vệ tài nguyên thiên nhiên [IUCN] thì đa dạng sinh học là tổng hợp toàn bộ các gen, các loài và các hệ sinh thái. Đó là sự biến đổi liên tục theo tiến hoá để tạo ra các loài mới trong điều kiện sinh thái mới khi những loài khác mất đi.

Các loài động vật và thực vật qua quá trình tiến hoá trên trái đất hàng trăm triệu năm đã và đang góp phần quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng môi trường sống trên trái đất.

- Suy giảm đa dạng sinh học: Trong những năm gần đây, tình trạng phá rừng và săn bắt buôn bán động vật hoang dã diễn ra rất phức tạp. Nguyên nhân:

Khai thác quá mức và sử dụng không bền vững tài nguyên sinh vật: Khai thác quá mức gỗ và củi dẫn đến rừng bị xuống cấp, diện tích rừng bị thu hẹp, kéo theo sinh vật mất nơi cư trú, bị ảnh hưởng về nguồn thức ăn. Nhiều loài không thể tồn tại khi không thích nghi được với sự thay đổi về sinh thái và nguy cơ bị săn bắt nhiều hơn, làm giảm một lượng đáng kể ĐDSH của Việt Nam. Nạn săn bắt, buôn bán động thực vật hoang dã cũng dẫn đến suy thoái đa dạng loài. Mặc dù công tác kiểm soát và chống buôn bán các loài hoang dã đã diễn ra quyết liệt nhưng số vụ buôn bán và vận chuyển vẫn không giảm.

- Ô nhiễm môi trường, cháy rừng và biến đổi khí hậu

Ô nhiễm môi trường dẫn đến sự suy thoái ĐDSH ở các hệ sinh thái, các loài tại khu vực bị ảnh hưởng. Các chất thải ra môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp, các loại phân bón hóa học, các chất tẩy rửa chứa lượng lớn nitrat, photphat, đã chuyển vào hệ sinh thái thủy vực, dẫn đến hiện tượng phú dưỡng nước. Việc này dẫn đến sự phát triển mạnh các loài tảo, chúng có thể phát triển dày đặc đến mức lấn chiếm cả các loài động, thực vật nổi và tranh giành nguồn oxy với những loài sống dưới tầng đáy.

Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu để phòng trừ các loài côn trùng gây hại cho cây trồng và phun vào nước để diệt các ấu trùng muỗi đã làm hại tới những quần thể khác sống trong thiên nhiên, đặc biệt đối với những loài chim ăn côn trùng, cá và các loại động vật khác.

Cháy rừng đang được coi là một trong những mối đe dọa mới cho các khu vực phong phú về đa dạng sinh học, gây nguy hiểm cho các loài sống trong rừng và các khu vực lân cận do khói mù, tro bụi.

Nạn cháy rừng đã làm co hẹp nhanh chóng nguồn tài nguyên thực vật, động vật rừng. Bên cạnh những ảnh hưởng đến môi trường như khối lượng vật chất khổng lồ bị tiêu hủy, lũ lụt, xói mòn, rửa trôi đất, đáng lo ngại là nhiều loài động vật bị giảm sút nhanh chóng như: voi, hổ, báo, tê giác, gấu, công, trĩ, sao, lợn rừng… Các loài động vật sống ở vùng rừng tràm sông Cửu Long như: tôm, cua, rùa, rắn, trăn, cá, lươn… và nhiều sân chim bị mất, các loài chim như diệc, cò, quạ, cu xanh, két, le le… cũng bị giảm sút do rừng bị cháy.

2.1.5. Sự cố môi trường

Về lĩnh vực môi trường thì đây là loại hình nguy hiểm nhất dẫn đến mất hoàn toàn một số tài nguyên và cũng đang diễn ra ở nước ta.Ví dụ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở miền núi do chặt phá rừng và những nguyên nhân khác; hiện tượng sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức; sự sạt lở bờ sông, bờ biển, đổi dòng chảy của các con sông; sự vùi lấp đồng ruộng do cát ở khu vực miền Trung... do khai thác cát bừa bãi, do chặt phá rừng phòng hộ ven biển và do BĐKH

2.1.5. Biến đổi khí hậu

- Khái niệm và diễn biến toàn cầu

Biến đổi khí hậu [BĐKH] là sự thay đổi trạng thái trung bình của khí hậu theo một xu thế nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định [ thập kỷ, thế kỷ...]. Ví dụ: ấm lên, lạnh đi...Sự biến động của khí hậu dài hạn sẽ dẫn tới biến đổi khí hậu. BĐKH có tác động hết sức lớn đến sự sống cũng như hoạt động của con người. Kết quả đo đạc và nghiên cứu hiện nay cho thấy nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu trong thế kỷ XX đã tăng lên 0,60C [± 0,20C]; trên đất liền, nhiệt độ tăng nhiều hơn trên biển. Tương ứng với sự tăng của nhiệt độ toàn cầu, mực nước trung bình của đại dương cũng tăng lên 10 - 25cm [trung bình 1- 2mm/năm trong thế kỷ XX] do băng tan và giãn nở nhiệt đại dương. Từ cuối những năm 1960, phạm vi lớp phủ tuyết giảm khoảng 10%. Độ dày của lớp băng biển ở Bắc cực trong thời kỳ từ cuối mùa hạ đến đầu mùa thu giảm xuống khoảng 40% trong vài thập kỷ gần đây. Các dấu hiệu BĐKH trên thế giới hiện là:

+ Sự nóng lên do tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất

+ Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển

+ Mực nước biển dâng cao

+ Sự di chuyển của các đới khí hậu

+ Sự thay đổi cường độ hoạt động của hoàn lưu khí quyển, các chu trình sinh địa hoá khác.

+ Sự thay đổi năng suất sinh học của các HST, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, địa quyển.

+ Mùa đông ít tuyết ở khu vực trượt tuyết thuộc dãy Alpơ.

+ Hạn hán triền miên ở châu Phi.

+ Các sông băng trên núi tan chảy nhanh nhất trong vòng 5000 năm qua.

- Dự báo tác động của BĐKH cho Việt Nam

Tháng 2 năm 2007, Ngân hàng thế giới đ­ưa ra dự báo:

+ Việt Nam được dự đoán là một trong hai nước đang phát triển [Banglađet] bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới, nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 10C và mức nước biển dâng cao 1 mét. Những tác động xấu gây nên cho con người, đất nông nghiệp và GDP như sau:

+ Các hiện t­ượng thời tiết trở nên bất thường và khó dự báo hơn. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam tăng 0,70 C và mức nước biển dâng cao thêm 20cm.

+ Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 11 triệu người ở vùng đồng bằng sông Hồng [ĐBSH] và Đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL] sẽ chịu tác động, ảnh hưởng đến 10% tổng sản phẩm thu nhập quốc nội GDP, 29% diện tích ĐNN, 7% diện tích đất nông nghiệp, 11% đô thị

+ Ngày càng có nhiều cơn bão và mức độ tàn phá mạnh hơn. Năm 2006 thiệt hại do bão gây ra ở Việt Nam lên tới 1,2 tỷ USD. Từ 29/9 đến 1/10 năm 2009 bão số 9 có tên gọi quốc tế là Ketsana đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên với gió trên cấp 12, kéo theo lụt lớn, đã làm 146 người chết, 12 người mất tích, 522 người bị thương và thiệt hại 12 nghìn tỷ đồng. Nhiệt độ tăng cao và lượng mư­a thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp và nguồn tài nguyên nước. Cũng trong vòng 50 năm qua, ảnh hưởng của BĐKH đến điều kiện thời tiết của nước ta khá nặng nề, cụ thể:

Ảnh hưởng đến hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới: Trong 45 năm [1956-2000] có 311 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, trung bình mỗi năm có 6,9 cơn, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn.

Ảnh hưởng đến lượng mưa: Mức thâm hụt lượng mưa gây thâm hụt lượng nước ở hầu hết các vùng, phổ biến từ 25-50%.

Ảnh hưởng đến độ mặn nước biển vùng ven biển và hải đảo: Do hạn hán và ít mưa nên nước biển thấm sâu vào nội đồng ở hầu hết các tỉnh ven biển của nước ta.

Ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp: Trong điều kiện BĐKH, năng suất lúa bình quân giảm do thiếu nước hoặc ngập lụt và nhiều sâu hại.

Ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ con người: Theo thống kê, từ năm 1977 đến 2000, tổng số người bị chết và mất tích do thiên tai là 14.962, tỷ lệ số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên 100.000 người có xu hướng gia tăng..

2.2. Quan điểm và chính sách chung về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam

2.2.1. Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

2.2.2. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

2.2.3. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của cha ông ta.

2.2.4. Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.

2.2.5. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Bốn quan điểm của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

- Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và mọi người dân; bảo vệ môi trường mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên phải kết hợp giữa phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế.

- Bảo vệ môi trường phải trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mọi người dân, của toàn xã hội về bảo vệ môi trường.

- Bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên, lâu dài. Coi phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý và kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường; tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; coi khoa học và công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường.

2.3. Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển

Uỷ Ban thế giới về Môi trường và Phát triển năm 1987 đã công bố báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" đã phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường và phát triển. Theo lời của Chủ tịch Uỷ ban này là Gro Harlem Brundtland thì "Môi trường là nơi chúng ta đang sống, phát triển là những gì chúng ta làm để cố gắng cải thiện tất cả mọi thứ ở bên trong nơi chúng ta đang sống, và do vậy hai vấn đề này không thể tách rời nhau”. Thực tiễn cho thấy, một trong những hoạt động kinh tế quan trọng của loài người là hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên [TNTN] và từ quá trình này sẽ nảy sinh các vấn đề môi trường. Các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đều đã khẳng định: Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển.

Con người là nhân tố trung tâm của mọi mối quan hệ tương hỗ giữa hai hệ thống: Tài nguyên - xã hội. TNTN là nguồn nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người. Con người lấy cái ăn, cái mặc, nhà ở từ các tài nguyên thiên nhiên.Trong quá trình phát triển, để tồn tại con người phải sản xuất, tức là phải khai thác các TNTN, điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm thay đổi tự nhiên, thay đổi môi trường sống của chính con người. Như vậy, song song với việc tạo ra của cải vật chất, các hoạt động sản xuất còn gây ra hậu quả làm tổn hại đến môi trường. Mức độ tổn hại mạnh hay yếu, trước mắt hay lâu dài, điều đó phụ thuộc vào chính sự quan tâm của con người tới môi trường, tới phương thức khai thác và sử dụng tài nguyên. Trong mối quan hệ giữa con người với TNTN thì con người được xác định là trung tâm của mối quan hệ.

Bởi vì môi trường là một trong những yếu tố có nhiều ảnh hưởng đến các quá trình sản xuất và đời sống, do đó ảnh hưởng to lớn đến tốc độ tăng trưởng và toàn bộ quá trình phát triển. Các hoạt động sản xuất và đời sống diễn ra trong môi trường thuận lợi có tốc độ phát triển nhanh, tăng trưởng nhiều. Ngược lại, các hoạt động diễn ra trong môi trường không thuận lợi gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, thậm chí không có tăng trưởng và phát triển. Chỉ có những nguồn tài nguyên, những yếu tố môi trường cùng phát triển song song với sự phát triển của xã hội loài người mới có thể thoả mãn được nhu cầu của sự phát triển chung.

2.3.1. Môi trường không những chỉ cung cấp "đầu vào" mà còn chứa đựng "đầu ra”cho các quá trình sản xuất và đời sống.

Hoạt động sản xuất là việc sử dụng các nguồn tài nguyên, còn các hoạt động sống là những tiện nghi cần thiết như­ không khí để thở, nhà để ở, nơi vui chơi giải trí và học tập...

2.3.2. Môi trường liên quan đến tính ổn định và bền vững của sự phát triển kinh tế xã hội

Phát triển KT-XH là một quy luật tất yếu của mỗi quốc gia. Đó là quá trình nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần của con ngư­ời qua việc sản xuất ra của cải vật chất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất l­ượng văn hoá. Giữa môi trư­ờng và sự phát triển có mối quan hệ chặt chẽ: Môi trường là địa bàn và đối t­ượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Trong hệ thống KT-XH, hàng hoá đ­ược sản xuất, l­lưu thông, tiêu dùng và sản sinh chất thải, chúng luôn t­ương tác với môi tr­ường tự nhiên nơi chúng hiện diện. Do đó, tác động của hệ thống này luôn luôn có 2 mặt song hành:

- Tác động của con ngư­ời đến môi trường thể hiện ở khía cạnh có lợi là cải tạo môi trường tự nhiên hoặc tạo ra kinh phí cần thiết cho quá trình cải tạo đó, như­ng có thể gây ra ô nhiễm môi trường tự nhiên hoặc nhân tạo.

- Mặt khác, môi trường tự nhiên đồng thời cũng tác động đến sự phát triển KT-XH thông qua sự suy thoái tài nguyên do hệ thống KT-XH gây ra hoặc do những thảm hoạ thiên tai khác.

II. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Đất và môi trường - cơ sở bền vững để phát triển nông thôn. Đối với nông nghiệp và nông thôn, đất là tài sản vô giá, là nguồn tài nguyên tái tạo được, đất vừa là tư liệu sản xuất vừa là đối tượng lao động. Phần lớn những sản phẩm nông lâm nghiệp nuôi sống con người đều được lấy từ đất.

Do vị trí và địa hình của nước ta phức tạp làm cho tài nguyên đất rất đa dạng và phân hóa rõ từ đồng bằng lên núi cao, từ bắc vào nam và từ đông sang tây, có thể phân thành 13 nhóm đất chính và 31 loại. Ba phần tư diện tích đó thuộc về miền núi và trung du, chiếm khoảng 25 triệu ha. Diện tích đất phù sa không nhiều, chỉ có khoảng 3,4 triệu ha, chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên cả nước. Các loại đất sử dụng trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu là đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất cát biển, đất mặn và đất phèn.

Theo niên giám thống kê [2009], tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,105 triệu ha, trong đó diện tích sông suối và núi đá khoảng 1.370.100 ha [chiếm khoảng 4,16% diện tích đất tự nhiên], phần đất liền khoảng 31,1 triệu ha [chiếm khoảng 94,5% diện tích tự nhiên], và là một trong những nước có diện tích tự nhiên nhỏ, đất chật người đông, xếp vào nhóm thứ năm trong nhóm nước có diện tích bình quân từ 0,3 - 0,5 ha/người, đứng thứ 203 trong số 218 nước trên thế giới. Bình quân đất nông nghiệp 0,11 ha/người, thuộc nhóm 7 có mức bình quân diện tích đất từ 0,1 - 0,2 ha/người.

Hiện nay, đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 75% diện tích đất [25,127 triệu ha]. Đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp đã lên đến 3,4 triệu ha; đáng chú ý là diện tích đất chưa đưa vào sử dụng vẫn còn lớn, 4,5 triệu ha, chiếm 14,3%. Phần lớn diện tích này là đất bị suy thoái và hoang mạc hoá, mất giá trị sử dụng do quá trình khai thác không hợp lý.

Với xu hướng tăng dân số nhanh như hiện nay thì áp lực đối với nhu cầu khai thác, sử dụng đất sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước cũng gây ra nhiều sức ép đối với đất đai. Quy hoạch sử dụng đất của nhiều tỉnh thành bộc lộ hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực. Tình trạng phổ biến hiện nay là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp suy giảm mạnh do đô thị hoá quỹ đất nông nghiệp được chuyển đổi thành đất công nghiệp, xây dựng và giao thông. Tỷ lệ diện tích đất phi nông nghiệp trên diện tích nông nghiệp có xu hướng tăng. Năm 2006, tỷ lệ này là 0,133% và đến năm 2009 tỷ lệ tăng 0,138%. Nghiên cứu ở vùng đồng bằng sông Hồng, nơi tốc độ đô thị hoá diễn ra sôi động nhất cả nước thì trung bình mỗi năm quỹ đất nông nghiệp bị mất khoảng 0,43%.

Một thực tế là hiện nay tài nguyên đất đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Một mặt, hoạt động sản xuất nông nghiệp tác động mạnh đến môi trường đất như việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều trong môi trường đất, nước; nhiều vùng chăn nuôi tập trung thiếu hệ thống thu gom và xử lý chất thải; nhiều vùng làng nghề sản xuất thủ công chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải mà thải thẳng ra đất. Mặt khác thời tiết diễn biến phức tạp, vụ đông xuân ở miền Bắc ấm, lạnh bất thường, hạn hán, bão lũ lụt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, sâu bệnh cây trồng phát sinh trên diện rộng; nhiều vùng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số quá trình thoái hóa đất chính vẫn đang diễn ra phức tạp. Ví dụ: những thay đổi về sử dụng đất ở nước ta, chuyển đổi 400.00 ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp từ năm 2000 đến nay, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất lương thực và thực. Ở khu vực miền núi do địa hình cao, dốc nên các quá trình gây thoái hóa đất như: xói mòn, rửa trôi, đất có độ phì nhiêu thấp, mất cân bằng dinh dưỡng, đất chua dần, thoái hóa hữu cơ, ô nhiễm, khô hạn, hoang mạc hóa, trượt đất, nứt đất. Ở các vùng đồng bằng ven biển những quá trình mặn hóa, phèn hoá và cát bay, cát chảy đang diễn ra phổ biến. Những quá trình thoái hoá đất này dẫn tới suy giảm khả năng sản xuất của đất trong điều kiện quản lý đất đai chưa tốt..

Để đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn, cần tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của đất đai với các phương châm:

- Sử dụng tiết kiệm quỹ đất, với phương châm “tấc đất tấc vàng”, đặc biệt là những loại đất màu mỡ, đất lúa 2-3 vụ/ năm .

- Sử dụng đất luôn đi liền với bồi bổ độ phì nhiêu đất, tiến hành thâm canh tăng vụ, chú ý bón nhiều các loại phân bón hữu cơ, phân xanh, phân rác làm tơi xốp đất và tạo điều kiện để nhiều sinh vật khác trong đất phát triển.

- Có các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu ô nhiễm đất bởi các chất thải, các chất độc hại xung quanh các khu công nghiệp, các làng nghề...

2. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững

Mục tiêu phát triển trồng trọt: trong những năm tới, ngành trồng trọt tiếp tục hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đồng thời khai thác được tiềm năng thế mạnh của các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu của lâm nghiệp: trong kế hoạch 2011-2015 là tăng khả năng đóng góp của ngành lâm nghiệp cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội thông qua quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, phát triển rừng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp để nâng độ che phủ của rừng lên 42% vào năm 2015.Tuy nhiên, trong nông nghiệp và nông thôn vẫn đang diễn ra những quá trình gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

2.1. Ô nhiễm đất do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp

Tính từ năm 1985 tới nay, lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 517%. Phân bón khi sử dụng sẽ để lại một lượng không nhỏ dư lượng do không được cây trồng hấp thụ, sẽ tác động tiêu cực đến chính hệ sinh thái nông nghiệp cũng như làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Theo các số liệu về hiện trạng sử dụng phân bón hoá học thì việc sử dụng phân bón hoá học không cân đối giữa NPK, không đúng lúc cây cần đang diễn ra phổ biến dẫn đến hàng năm một lượng lớn phân bón bị rửa trôi hoặc bay hơi đã làm xấu đi môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống, đó cũng là những tác nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí. Khi sử dụng phân bón hóa học cần lưu ý:

- Nếu sử dụng phân khoáng liên tục mà không chú trọng bón phân hữu cơ thì làm cho đất chua dần, đất chai cứng, giảm năng suất cây trồng. Do đó, tốt nhất phân khoáng nên trộn với phân chuồng đã hoai. Phân chuồng và các phân hữu cơ khác cần phải ủ trước. Vì sau khi ủ, nhất là ủ xốp để đưa nhiệt độ trong đống phân lên cao [> 500C] thì các mầm bệnh do ký sinh trùng gây ra trong đống phân đã bị tiêu diệt, hạt cỏ dại đã mất sức nảy mầm, trứng ruồi muỗi cũng ung hết. Phân dùng được an toàn hơn

- Nếu bón phân đạm không đúng kỹ thuật, bón nhiều, bón lúc cây không cần vừa lãng phí phân bón vừa làm xuất hiện nhiều NO3- ở trong đất, trong nước và trong sản phẩm, NO3- rất nguy hiểm, nó sẽ gây ra các bệnh sau:

+ Bệnh trẻ xanh: Trẻ con ăn thức ăn có chứa nhiều NO3- sẽ bị thiếu máu, da xanh, còi cọc và không lớn được.

+ Bệnh ung thư ở người lớn: Người lớn nếu ăn thức ăn có chứa nhiều nitrat sẽ bị bệnh ung thư dạ dày.

- Nếu bón dư thừa phân lân thì lân sẽ xâm nhập vào các nguồn nước của hồ, ao, sông suối, biển và cùng với dư thừa đạm sẽ làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển và phân huỷ của rong tảo dẫn đến hiện tượng phú dưỡng. Rong tảo phát triển mạnh che lấp mặt nước, gây thiếu dưỡng khí. Đặc biệt khi rong tảo phân huỷ nước có mùi thối, màu đen, rất độc làm cá chết hàng loạt.

- Khi sử dụng phân bón hóa học đòi hỏi phải “sử dụng hợp lý” bao gồm:

[i] Bón đúng tỷ lệ giữa 3 loại phân khoáng là Nitơ; Phốt pho và Kali. Tốt nhất theo tỷ lệ sau cho các loại cây: N:P:K = 1: 0,6: 0,5 [ii] Bón đúng lúc cây cần;[iii] Cần bổ sung phân hữu cơ; tốt nhất nên ủ phân khoáng với phân chuồng, phân rác, phân xanh trước lúc bón khoảng 10 ngày trở lên và [iv]. Không được sử dụng phân đạm nhiều và liên tục mà không bón cùng với các loại phân khoáng khác.

2.2. Ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý hóa chất bảo vệ thực vật chưa được cải thiện

Cũng trong những năm qua, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng gia tăng cả về số lượng và liều lượng hoạt chất [kg /ha]. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc đã dẫn đến hậu quả nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng ruộng bị ô nhiễm. Một số nơi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong đất đã xấp xỉ bằng hoặc vượt ngưỡng giá trị cho phép theo QCVN 15: 2008/BTNMT.

Đặc trưng các tác động của hoá chất bảo vệ thực vật:

- Rất độc đối các cơ thể sinh vật: Chúng thường tác động đến hệ thần kinh làm cho sinh vật uể oải, tê liệt và chết. Nếu dùng nhiều lần một loại thuốc thì côn trùng và sâu hại sẽ tạo ra sức đề kháng, trơ dần với thuốc, làm xuất hiện những loài ký sinh trùng mới, buộc chúng ta phải dùng những loại thuốc đặc hiệu hơn, nồng độ cao hơn, số lần phun nhiều hơn và môi trường càng trở nên ô nhiễm.

- Tồn dư lâu dài trong đất, trong nước: Sau khi phun thuốc, chúng không phân giải hết và tồn tại lâu dài trong môi trường đất và nước, sau đó qua chuỗi thức ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây nhiều tai biến. Như vậy, tác động của hóa chất bảo vệ thực vật rất âm thầm, lặng lẽ, có tính ăn sâu, bào mòn và khi phát bệnh ở người rất khó cứu chữa.

- Tác động đến sinh vật một cách không phân biệt:

+ Hóa chất bảo vệ thực vật không chỉ tiêu diệt những sâu bọ, côn trùng có hại, mà đồng thời cũng tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích [thiên địch] như ếch, nhái, rắn, vi sinh vật, tôm, cua, cá...Theo Pamelet [1971], để chống lại 1.000 loài sâu hại, thì hóa chất bảo vệ thực vật lại tác động đến 100.000 loài động thực vật khác nhau không thuộc đối tượng phòng trừ nhưng rất cần thiết cho đời sống con người. Những sinh vật có ích này thường khống chế và ăn các sâu hại giữ cho hệ sinh thái [HST] đồng ruộng luôn được cân bằng.

+ Đặc biệt, khối lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trung bình là 19.637 tấn/năm, chủ yếu là các vỏ bao giấy tráng kẽm, túi nilon, các loại chai nhựa và thuỷ tinh. Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật hiện nay hầu như không được thu gom mà vương vãi trên đồng ruộng, kênh, mương là nguồn ô nhiễm khá nghiêm trọng cho môi trường đất, nước. [ Bộ NN&PTNT, 2008]

+ Nguyên nhân chính là [1] sử dụng phân bón hóa học không cân đối, không đúng lúc cây cần và bón ít phân hữu cơ; [2] chưa triển khai triệt để Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp [IPM]; [3] các tiêu chuẩn an toàn lao động không đủ nghiêm ngặt theo phương châm 4 đúng: " Đúng thuốc; đúng liều lượng; đúng lúc và dùng đúng cách", [4] người dân thiếu kiến thức khoa học, thiếu thông tin tư vấn về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, người nông dân xem hóa chất bảo vệ thực vật "thần dược" nên có thói quen thường xuyên sử dụng như một cứu cánh cho năng suất, sản lượng; một số khác thì vì ham lợi nhuận, mà bất chấp sự đe dọa của hóa chất bảo vệ thực vật đối với sức khỏe của người khác, thậm chí ngay cả bản thân mình.

Để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững cần tuyên truyền sâu rộng để nông dân tiến hành các biện pháp sau:

Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật: Trong sản xuất nông nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật chủ yếu sử dụng cho cây lúa, gần đây còn sử dụng cho các loại rau màu, hoa và các loại cây ăn quả

Người nông dân xem hóa chất bảo vệ thực vật như "thần dược" nên có thói quen thường xuyên sử dụng. Gần đây có nhiều báo cáo đề cập đến hiện tượng lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật như tăng số lần và nồng độ phun thuốc, không đảm bảo thời gian cách ly, phun định kỳ không theo diễn biến của dịch hại. Do đó, cần giáo dục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm ngặt việc lưu giữ và sử dụng theo phương châm 4 đúng "Đúng thuốc;đúng liều l­ượng; đúng lúc và đúng cách".

- Quản lý sâu hại tổng hợp – IPM: Để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, trong vòng 2 thập niên gần đây, nhiều chú ý tập trung vào việc "quản lý sâu hại tổng hợp - IPM" để kìm giữ sâu hại và bệnh ở mức chấp nhận được. IPM bao gồm việc sử dụng đồng thời thuốc trừ sâu một cách có chọn lọc và dựa trên việc sử dụng những phương pháp sinh học, tính đề kháng di truyền và những thực tiễn quản lý thích hợp. Cụ thể:

+ Biện pháp sinh học: Sử dụng thiên địch; dùng công nghệ gen để lai tạo các giống cây kháng sâu hại...

+ Biện pháp canh tác: Bố trí cơ cấu cây trồng như xen canh; luân canh; nông lâm nghiệp kết hợp hoặc gieo trồng, bón phân, tưới cây hợp lí, đúng qui cách giúp cây trồng khoẻ mạnh có sức đề kháng cao với sâu hại.

+ Biện pháp hoá học: Sử dụng có giới hạn và hợp lí HCBVTV và chỉ dùng khi các giải pháp khác không có thể.

IPM đòi hỏi kiến thức hiểu biết về vòng đời của sâu hại nơi chúng trú ngụ và tất cả mối quan hệ tương hỗ của chúng. Hầu hết, sâu hại có vòng đời phức tạp, nó bao gồm giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành. IPM cần hiểu tường tận những giai đoạn khác nhau để tác động vào sâu hại. Thời điểm xử lý là cực kỳ quan trọng và được xác định bằng việc quan trắc cẩn thận mật độ sâu hại. Mặc dù việc áp dụng IPM còn chậm, nhất là đối với các cây lương thực. Ở Mỹ, IPM hiện nay đang được áp dụng ở qui mô khoảng 20% tổng diện tích đất canh tác và tốc độ áp dụng ngày càng tăng. Ở Trung Mỹ và nhiều nước thuộc Châu á cũng đang phát triển mạnh và dự đoán rằng, nếu chiến lược IPM được thực hiện trong sự phối hợp với đào tạo nông dân và hướng dẫn họ sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thì chắc chắn sẽ đạt được những kết quả to lớn trong việc hạn chế tác động của hóa chất bảo vệ thực vật đến môi trường

- Áp dụng biện pháp nông lâm nghiệp kết hợp: Trồng nhiều loài cây trên cùng mảnh đất trong những trường hợp có thể theo phương thức xen canh, luân canh và nông lâm kết hợp [NLKH].

+ Xen canh hay NLKH nhằm đa dạng hoá cây trồng, vận dụng quy luật tự nhiên là sâu hại loài cây này sẽ khống chế sâu hại loài cây khác.

+ Luân canh: nhằm cắt thói quen ăn uống của sâu hại, cắt đứt các chuỗi thức ăn để tiêu diệt sâu hại.

- Đào tạo và giáo dục là rất cần thiết đối với những người trực tiếp sử dụng và những người gián tiếp tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật

+ Hiểu luật pháp và những quy định luật pháp về việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

+ Hiểu đúng các thủ tục về lưu giữ thuốc cũng như về biện pháp bảo vệ cơ bản cần áp dụng, về triệu chứng bị nhiễm độc, cách chữa trị thích hợp và chất giải độc.

+ Hiểu đúng các thủ tục để lưu giữ thuốc và thủ tục loại bỏ thuốc một cách an toàn.

+ Thực hiện tốt các tiêu chuẩn vệ sinh cá nhân, nhận biết được các triệu chứng nhiễm độc và cấp cứu ban đầu.

+ Về mối nguy hiểm khi dùng những vật liệu chứa hóa chất bảo vệ thực vật để giữ thức ăn, trữ nước hoặc may quần áo trong trường hợp bao bì bằng sợi nilon; hoặc vứt bừa bãi bao bì, chai lọ đựng thuốc ra đồng ruộng.

+ Về các biện pháp bảo vệ người sử dụng như: quần áo bảo vệ, nón mũ, bao găng tay, khẩu trang và kính bảo vệ phù hợp với nhu cầu và thích nghi với khí hậu.

+ Về vòng đời của sâu hại, chỉ sử dụng thuốc khi số lượng sâu hại đạt đến mức gây hại và vào thời điểm thích hợp trong chu kỳ sống của chúng.

3. Lâm nghiệp với phát triển nông thôn bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường

3.1. Vai trò của lâm nghiệp

Rừng có vai trò to lớn đối với môi trường và đời sống con người. Có thể nêu tóm tắt vai trò và chức năng của các loại rừng như sau:

3.1.1. Rừng phòng hộ đầu nguồn trên cạn

- Điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt ở vùng hạ lưu

- Hạn chế xói mòn, bồi lấp lòng hồ, sông suối

- Duy trì nguồn nước, chất lượng nước;

- Chống sạt lở đất.

3.1.2. Rừng phòng hộ ven biển

Việt Nam có tới 3.200 km bờ biển, hàng năm chịu tác động mạnh của gió bão nên vai trò của rừng ngập mặn ven biển là rất lớn.

- Rừng ngập mặn có thể giảm tới 80% năng lượng sóng

- Giảm xói lở, bảo vệ đê biển;

- Giảm các thiệt hại do tác động của sóng thần

- Chắn gió, hạn chế cát bay

3.1.3. Hấp thụ khí CO2 chống lại BĐKH

- Rừng hấp thụ CO2 làm giảm khí nhà kính gây BĐKH

- Trên phạm vi toàn cầu, rừng lưu giữ khoảng 800 - 1.000 tỷ tấn cac bon;

- Hàng năm hấp thụ khoảng 100 tỷ tấn CO2 và thải vào khí quyển khoảng 80 tỷ tấn O2;

- Phá rừng gây phát thải khoảng 20% tổng khí nhà kính.

3.1.4. Bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan tươi đẹp

- Rừng đặc biệt là rừng nhiệt đới là nơi có tính đa dạng sinh học rất cao, nơi sinh sống của nhiều động vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm;

- Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Mất rừng đa dạng sinh học giảm nhanh chóng.

- Tạo vẻ đẹp cảnh quan cho du lịch, nghỉ dưỡng

3.1.5. Đối với sản xuất nông nghiệp

- Rừng cung cấp nguồn nước tưới ruộng;

- Rừng cung cấp nguồn gen để tạo các giống loài cây mới;

- Rừng làm giảm sâu hại phá hoại mùa màng và

- Rừng bảo vệ đất, bảo vệ đồng ruộng cây trồng khỏi bão gió, khỏi lũ lụt và lũ quét, lũ ống.

3.2. Bảo vệ và phát triển rừng là yếu tố sống còn cho nông nghiệp và nông thôn bền vững

Như trên đã phân tích, rừng với sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân gắn bó chặt chẽ như “ môi với răng”. Có thể nói: mất rừng là mất nước, mất đất sản xuất nông nghiệp, mất các nguồn gen để tạo giống mới và làm gia tăng sự thất bát mùa vụ. Do đó, người nông dân cần phải được tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng mới, để tạo môi trường trong lành và phát triển nông nghiệp bền vững.

III. VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI HÔNG DÂN VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Hoạt động BVMT của các cấp Hội nông dân rất đa dạng, phong phú, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sau:

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT

Công tác tuyên truyền giáo dục vận động là giải pháp đầu tiên trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Các cấp Hội cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng và tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các qui ước, hương ước của cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn; trang bị những tri thức cần thiết và xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác trong bảo vệ môi trường; sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tăng cường truyên truyền qua báo chí, Website, bản tin công tác của các cấp Hội, đồng thời phối hợp với Đài, báo ở Trung ương và địa phương tích cực tuyên truyền hoạt động của các cấp Hội, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, phản ảnh kịp thời các vấn đề môi trường bức xúc và nước sạch vệ sinh nông thôn; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường cho cán bộ hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn.

Nhân các sự kiện môi trường hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành có liên quan tổ chức mít tinh kỷ niệm, các hoạt động hưởng ứng theo chủ đề của từng năm như: mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường, ngày Môi trường Thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, phát động phong trào ”ăn sạch, ở sạch, uống sạch”, ”sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”, ”sạch làng, tốt ruộng, đẹp quê hương”; đồng loạt ra quân tạo ra phong trào khí thế của cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường và nguồn nước sạch trên địa bàn như diễu hành biểu dương lực lượng đồng loạt ra quân tham gia các hoạt động vệ sinh, thu gom rác thải, trồng và chăm sóc cây xanh. Phát động phong trào thi đua "Sạch làng, tốt ruộng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá sức khoẻ" và "Làng văn hoá sức khoẻ”. Đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường vào bình xét hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi [SXKDG], gia đình nông dân văn hoá, thôn ấp bản làng, buôn sóc văn minh... Các cấp Hội chỉ đạo tổ chức các cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật bảo vệ môi trường”, viết tìm hiểu Luật Đất đai, pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường... đưa nội dung bảo vệ môi trường nông thôn vào nội dung các hội thi.

2. Nâng cao năng lực công tác bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn

Các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tổ chức tập huấn chuyên sâu về môi trường và công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ chủ chốt và chuyên trách các cấp; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân. Hội Nông dân Việt Nam chú trọng và quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng truyền thông về môi trường cho cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách, các cấp hội xây dựng mạng lưới cộng tác viên và đội ngũ tuyên truyền viên nguồn tại các tỉnh, thành Hội trong cả nước. Hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, các nhà khoa học và huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế tổ chức các lớp nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; lớp tập huấn IPM trong trồng trọt tăng năng suất cây nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và cải thiện sức khoẻ của người dân.

3. Huy động nguồn lực xây dựng mô hình điểm

Xây dựng các mô hình điểm phát triển bền vững hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn nông thôn. Cụ thể:

3.1. Mô hình vệ sinh môi trường thu gom xử lý chất thải

Nhằm mục đích tăng hiệu quả việc xử lí chất thải, cải thiện môi trường và nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, các cấp Hội hỗ trợ triển khai xây dựng các mô hình thu gom, xử lí chất thải, rác thải như “Hầm khí sinh học liên hoàn”, “Hầm bioga và bể chứa rác”, “Thu gom, phân loại và tái sử dụng rác thải sinh hoạt theo phương thức 3R”, “Xử lý chất thải làng nghề”; “Nhà tiêu hợp vệ sinh và hố rác tự phân hủy”.

Hội Nông dân Việt Nam các cấp huy động mọi nguồn lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhỏ lẻ, hỗ trợ và khuyến khích người dân sử dụng lu, bể chứa nước mưa để tận dụng nguồn nước mưa dồi dào, sẵn có; đối với những vùng núi cao, địa bàn dốc, các cấp Hội cần vận động, huy động kinh phí để chuyển giao xây dựng hệ thống cấp nước tự chảy, hệ thống lọc, vừa tận dụng được nguồn nước tự nhiên, kinh phí thấp nhưng đảm bảo tiêu chuẩn nước cho sinh hoạt cùng với việc áp dụng các công nghệ mới trong xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.

3.2. Mô hình về sử dụng hợp lý phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật [HCBVTV]

* Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chuyển giao quy trình sử dụng hợp lý HCBVTV qua hình thức tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; lớp tập huấn về phòng trừ dịch hại tổng hợp [IPM] trong trồng trọt, tăng năng suất cây trồng. Tiến hành chuyển giao và áp dụng biện pháp phòng trừ sâu hại tổng hợp [IPM], bao gồm:

- Biện pháp canh tác: Bón phân hợp lý, chăm sóc cây trồng phù hợp với từng giống để cây trồng khoẻ chống chịu tốt với sâu bệnh.

- Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng cường xen canh, luân canh, áp dụng trồng cấy theo hướng đa canh, nông lâm nghiệp kết hợp.

- Biện pháp sinh học: khai thác và áp dụng các biện pháp truyền thống, chiết rút và sử dụng các hoá chất thảo mộc. Sử dụng các giống cây trồng chống chịu sâu bệnh.

- Sử dụng hạn chế thuốc BVTV, đặc biệt chú ý tới việc sử dụng hợp lý, đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng đối tượng và đúng cách. Phát động phong trào " nói không" với việc sử dụng thuốc BVTV trong danh mục đã cấm. Hội cần đặc biệt chú trọng tới việc chuyển giao kiến thức và công nghệ đối với những người trực tiếp sử dụng và những người gián tiếp tiếp xúc với HCBVTV nhằm:

+ Hiểu luật pháp và những quy định luật pháp về việc sử dụng HCBVTV.

+ Hiểu đúng các thủ tục về lưu giữ thuốc cũng như về biện pháp bảo vệ cơ bản cần áp dụng, về triệu chứng bị nhiễm độc, cách chữa trị thích hợp và chất giải độc.

+ Hiểu đúng các thủ tục để lưu giữ thuốc và thủ tục loại bỏ thuốc một cách an toàn.

+ Thực hiện tốt các tiêu chuẩn vệ sinh cá nhân, nhận biết được các triệu chứng nhiễm độc và cấp cứu ban đầu và

+ Thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn an toàn lao động theo phương châm 4 đúng: "Đúng thuốc; đúng liều lượng; đúng lúc và dùng đúng cách".

* Xây dựng mô hình điểm phát động phong trào “nông dân sản xuất chế biến và sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh“; xây dựng các mô hình sản xuất rau sạch; tổ chức triển lãm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ …

3.3. Xây dựng các mô hình sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đất dốc

Đối với khu vực miền núi và trung du, nơi có nhiều đất dốc, nơi rất nhạy bén với quá trình thoái hoá đất, các cấp Hội tổ chức chuyển giao về "công nghệ canh tác nông nghiệp bền vững trên đất dốc" với các mô hình SALT, mô hình VAC mà nòng cốt là canh tác theo phương thức nông lâm nghiệp - gia súc kết hợp.

Ở vùng đồng bằng, đã tổ chức chuyển giao việc xây dựng các mô hình làng nông nghiệp hữu cơ, làng nông nghiệp sinh thái, làng nông nghiệp bền vững./.

Video liên quan

Chủ Đề