Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhỏ lẻ

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn có một số bất cập như quy mô còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn.

Về quy mô thị trường, trong vòng 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%).

Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%).

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: Báo Đầu tư)

“Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng bất động sản nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn” - TS. Cấn Văn Lực nói.

Khó khăn trong phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng bởi tư duy “ngại đi vay tiêu dùng” và bản thân các công ty tài chính còn khó khăn về huy động vốn (do thị trường vốn còn chưa phát triển) thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều, bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí hoạt động còn cao" - TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, tài chính tiêu dùng có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đây không chỉ tạo cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng, mà còn đảm bảo cho các tầng lớp dân cư trong xã hội có thể tiếp cận những mục tiêu cải thiện điều kiện sống, đảm bảo công bằng xã hội.

“Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo như: FE Credit, HD Saison và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Home Credit. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, sự phát triển cho tín dụng tiêu dùng còn rất lớn nhưng cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển tạo nên một thị trường cạnh tranh” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cách đây 10 năm người dân gom đủ tiền mới mua sản phẩm, còn bây giờ là xu hướng vay rồi mua hoặc thậm chí thuê về dùng.

"Đặt vấn đề tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen tôi cho rằng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bởi hoạt động này có liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính. Tài chính tiêu dùng thúc đẩy sản xuất bởi nhiều quốc gia thống kê số liệu này hàng ngày, hàng tuần để thúc đẩy kinh tế, điều hành nền kinh tế" - ông Phan Đức Hiếu nói.

Tín dụng tiêu dùng trong 10 năm qua đã phát triển đa dạng với các phân khúc khách hàng khác nhau cho các vùng miền. Phổ biến nhất là các khoản vay tiền mặt, vay để mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính hay phương tiện (xe máy). Đồng thời, danh mục đã có cả nhóm sản phẩm hiện đại như một số quốc gia phát triển như sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm y tế…

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. (Ảnh: KT)

Để phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh, cạnh tranh đưa đến hạ lãi suất cho vay, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, nhất là các quy định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế rủi ro, nợ xấu có thể tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi nền kinh tế có nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế… để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các công ty tài chính lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm - dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực phân tích./.

Đầu tháng 3, anh Nguyễn Ngọc Q. (Hà Nội) cho biết đang làm thủ tục giải quyết khiếu nại với Công ty tài chính VPBank (FE Credit) sau khi bị phát sinh một khoản nợ xấu tại công ty này dù chưa từng làm thủ tục vay tiền.

Khoản nợ này gắn với thông tin cá nhân của anh Q. và lưu trữ trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) với số dư 35 triệu đồng, hiện đã được xếp vào nhóm nợ cao nhất (nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn).

Không riêng anh Q., nhiều khách hàng khác cũng phản ánh về tình trạng tương tự diễn ra khi không vay nhưng vẫn bị đòi nợ hoặc phát sinh nợ xấu tại FE Credit.

FE Credit là doanh nghiệp có số dư nợ vay lớn nhất thị trường tiêu dùng hiện nay.

Trong tay 3 doanh nghiệp

Cụ thể, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối năm 2020, có tổng cộng 16 công ty tài chính đã được cấp giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường với tổng vốn điều lệ hơn 22.000 tỷ đồng.

Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay là FE Credit (7.328 tỷ); SBIC Finance (2.523 tỷ); EVN FC (2.500 tỷ); HD Saison (1.400 tỷ); Tài chính Bưu điện - PTF (1.050 tỷ); SHB Finance (1.000 tỷ)…

Báo cáo của Fiingroup về thị trường cho vay tiêu dùng trong nước cũng ghi nhận tỷ trọng tín dụng tiêu dùng hiện đã chiếm 20,5% tổng dư nợ nền kinh tế, cao gấp 2,5 lần so với năm 2012, tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng hiện vẫn nằm chủ yếu trong tay 3 doanh nghiệp FE Credit, HD Saison và Home Credit với khoảng 80% thị phần. Trong đó, riêng FE Credit hiện chiếm hơn 52% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước, bỏ xa đối thủ đứng thứ 2 là Home Credit với 17% và thứ 3 là HD Saison với 11%.

Báo cáo thường niên của VPBank cũng cho biết FE Credit là doanh nghiệp đứng đầu thị trường tài chính tiêu dùng với hơn 55% thị phần.

Trong năm 2020, công ty này đã giải ngân được khoảng 63.000 tỷ đồng cho vay mới, thấp hơn gần 10.000 tỷ so với năm 2019. Dẫu vậy, đây vẫn là doanh nghiệp có số cho vay phát sinh mới lớn nhất thị trường.

Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit vào khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu theo tiêu chuẩn VAS là 6,6%, tăng so với mức 5,6% của năm 2019, tương đương giá trị nợ xấu khoảng 4.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, với hơn 16.100 tỷ đồng tổng tài sản đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay khách hàng của HD Saison đạt 14.230 tỷ đồng, tăng 13% so với năm liền trước và chiếm 11-12% thị phần trong nước. Giá trị nợ xấu của công ty tài chính này hiện vào khoảng 826 tỷ, tương đương tỷ lệ 5,8%.

Tuy không có số liệu cụ thể từ dư nợ cho vay của Home Credit, nhưng với khoảng 17% thị phần, số dư cho vay khách hàng của công ty này hiện vào khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.

Một số công ty tài chính mới có hoạt động sôi nổi trên thị trường gần đây cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cho vay lớn như SHB Finance với dư nợ đến cuối 2020 đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 32%.

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Ngoài ra, một số công ty tài chính độc lập tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay nhanh trong năm vừa qua.

Cụ thể, báo cáo tài chính 2020 của EVN FC ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 12.030 tỷ đồng, tăng 22%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại doanh nghiệp này chỉ ở mức 2,46%, thấp hơn rất nhiều nhóm công ty tài chính kể trên.

Tuy vậy, nếu xét riêng đối tượng vay, số dư cho vay cá nhân tại EVN FC chỉ vào khoảng 900 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dư nợ cho vay toàn công ty. Số dư còn lại đều là các khoản cho vay với tổ chức kinh tế, trong đó nhóm doanh nghiệp nhà nước và công ty CP nhà nước chiếm gần 35% tổng dư nợ.

Đây cũng là lý do mà tỷ lệ nợ xấu tại EVN FC thấp hơn nhiều so với nhóm công ty trên.

Miếng bánh béo bở

Từ tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có thể thấy cho vay tiêu dùng có rủi ro cao hơn nhiều so với kênh ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường này vẫn thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hiệu suất lợi nhuận mà mảng kinh doanh này mang lại.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời trong các loại hình tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Tại thời điểm tháng 10/2020 (số liệu mới nhất), chỉ số ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt lần lượt 2,19% và 10,55%, cao nhất trong các loại hình tổ chức tín dụng. Chỉ số ROA của nhóm công ty này thậm chí cao gấp 2,8 lần nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Đây là lý do nhiều ngân hàng đã đổ tiền để xây dựng các công ty tài chính hoạt động dưới mô hình công ty mẹ con như VPBank - FE Credit; HDBank - HD Saison; SHB - SHB Finance; MBBank - Mcredit…

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022

Không riêng nhà đầu tư trong nước, hiệu quả lớn từ hoạt động kinh doanh này những năm gần đây cũng thu hút lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài Home Credit là công ty 100% vốn nước ngoài thì cả HD Saison và Mcredit đều là những doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Năm 2018, Lotte đã chi 1.700 tỷ đồng để mua lại Techcom Finance, đến đầu năm 2019, Shinhan Card cũng đã mua lại toàn bộ công ty tài chính Prudential ở Việt Nam với giá 151 triệu USD.

Giai đoạn 2017-2019, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm và muốn mua lại các công ty tài chính hoạt động kém hiệu quả tại Việt Nam. Như Công ty Srisawad Corporation (Thái Lan) có công văn gửi Chính phủ xin mua lại 100% vốn của Agribank tại Công ty cho thuê tài chính ALCI.

Trường hợp khác là Công ty dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) cũng bày tỏ muốn mua lại các công ty tài chính có cổ phần của Nhà nước để gia nhập thị trường.

Thị trường cho vay tiêu dùng 2022
VPBank đang có kế hoạch bán vốn tại FE Credit và niêm yết cổ phiếu công ty tài chính này. Ảnh: VPB FC.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nguyên nhân chính khiến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hấp dẫn là do tiềm năng phát triển còn rất lớn. Theo đó, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam hiện chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nếu bóc tách rõ ràng phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất, tín dụng tiêu dùng cũng chỉ tương đương khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các quốc gia xung quanh như Trung Quốc là 21%, nhóm các nước ASEAN là 34%. Điều này cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam mang rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tại VPBank, lãnh đạo nhà băng này luôn khẳng định FE Credit nhiều năm liền là động lực chính giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục qua từng năm. Như năm 2019, riêng FE Credit đã đóng góp 43% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho ngân hàng, tương đương hơn 4.400 tỷ đồng. Số liệu năm 2018 cũng vào khoảng 45%, tương đương 4.100 tỷ đồng.

Năm 2020, mức đóng góp này giảm xuống 28% nhưng vẫn mang về cho ngân hàng mẹ 3.713 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Hay tại HDBank, báo cáo kết quả kinh doanh của HD Saison cho biết công ty đạt 1.001 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2020, tương đương số thu năm 2019 và chiếm 17% lợi nhuận hợp nhất ngân hàng mẹ. Các năm trước đó, HD Saison vẫn đều đặn đóng góp hơn 20% vào lợi nhuận hợp nhất của HDBank.

Theo báo cáo của MBBank, năm 2020 Mcredit đạt dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng và mang về 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Cũng trong năm 2020, EVN FC ghi nhận hơn 900 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với năm liền trước. Khoản lợi nhuận trước thuế công ty này ghi nhận được là 285 tỷ đồng, tương đương năm trước.