Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam 2022

Khẳng định thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường

[ĐCSVN] – Các đại biểu đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới hiệu quả hơn, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, cũng là góp phần khẳng định các thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong xu thế hội nhập ngày càng sâu hơn.

Quang cảnh Hội thảo.

Sáng 22/4 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội thảo kết nối cung-cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương, năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp đã bám sát Chỉ thị số 03, triển khai thực hiện đồng bộ 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD; chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 chỉ giảm nhẹ 4,6% so với năm 2020.

Có được các kết quả trên là nhờ các bộ ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển, cũng như triển khai nhiều hoạt động rất thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến; tổ chức chuỗi Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu trực tuyến và trực tiếp cho trên 2.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia tích cực vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch; đã nhanh chóng thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19. Đây là cơ chế đặc biệt nhằm kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó COVID-19, hạn chế tổn thất, duy trì vận hành của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, người lao động và các hoạt động kinh tế, đồng thời góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của cả nước.

Bên cạnh đó, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tổ chức được hàng nghìn hội nghị kết nối cung cầu, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở Công Thương và các sở ngành ở các địa phương đã phối hợp tập trung đẩy mạnh triển khai tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cần khắc phục. Đó là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; năng lực, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế; hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2022 và những năm tiếp theo; dịch bệnh kéo dài liên tiếp sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống Nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng; Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động bất ổn cho sự hồi phục kinh tế đất nước sau đại dịch.

“Tình hình đó đang đặt lên vai các doanh nghiệp trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Muốn vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chia sẻ, đoàn kết để phát triển thị trường trong nước, giữ niềm tin của người tiêu dùng”- đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh nói.

Do đó, các cấp, các ngành phải vào cuộc tích cực nhằm triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch, tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.

Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Các chuyên gia, bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà phân phối cũng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, đề xuất và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh xuất khẩu; tạo cơ chế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản của các địa phương chưa được tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu

Các đại biểu tập trung bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung-cầu trong thời gian tới. Các ý kiến đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước làm sao đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng tối đa các nguyên vật liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh…đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một số ý kiến đề xuất việc tổ chức các phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thông tin kịp thời; bên cạnh đó tổ chức các Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm theo từng khu vực, theo nhóm ngành hàng [trực tiếp kết hợp trực tuyến]; quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Cùng với đó tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua kênh thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia… Mặt khác, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới hiệu quả hơn, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, cũng là góp phần khẳng định các thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong xu thế hội nhập ngày càng sâu hơn./.

Trung Anh

Video liên quan

Chủ Đề