Truyện tấm cám tác giả là ai

– Truyện cổ tích là những tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận những con người bình thường trong xã hội có giai cấp, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.

– Truyện cổ tích được chia thành ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích sinh hoạt và cổ tích thần kì. Trong đó, truyện cổ tích thần kì là phong phú nhất và chiếm số lượng nhiều nhất.

b. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì

Sự tham gia của yếu tố thần kì là khá phổ biến [tiên, bụt, sự biến hoá thần kì, những vật có phép màu…].

Kết cấu tương đối thống nhất: Dạng kết cấu phổ biến là nhân vật chính trải qua những phiêu lưu, hoạn nạn, thử thách, cuối cùng đạt được ý nguyện của mình.

Nhân vật chính phần lớn là những con người bình thường.

Mâu thuẫn, xung đột gia đình và xã hội được thể hiện dưới dạng khái quát: đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác.

2. Tác phẩm Tấm Cám

– Tấm Cám là một truyện cổ tích đặc sắc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Câu chuyện này được truyền miệng từ bao đời nay, là kết quả của quá trình sáng tác tập thể, gắn bó mật thiết với các sinh hoạt tinh thần trong đời sống cộng đồng.

– Văn bản Tấm Cám đưa vào SGK được chọn từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, của Nguyễn Đổng Chi, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

– Tấm Cảm là một tác phẩm tự sự. Đây là câu chuyện về cuộc đời Tấm – cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với mẹ con người dì ghẻ độc ác, trải qua nhiều nỗi khổ, Tấm đã tìm thấy hạnh phúc và đấu tranh quyết liệt đến cùng để giành lại cuộc sống, giữ gìn được hạnh phúc.

– Theo hệ thống thể loại văn học dân gian thì Tấm Cám thuộc loại truyện cổ tích thần kì. Truyện cổ tích có nguồn gốc xa xưa được phát triển trong xã hội có giai cấp cùng với sự xuất hiện chế độ tư hữu tư sản, chế độ gia đình phụ quyền thời cổ.

– Kiểu truyện Tấm Cám rất phổ biến ở nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới: Cô bé lọ lem [Pháp], Chiếc hài cườm pha lê [Đức],… và có những điểm chung về nội dung như:

+ Phản ánh số phận của những con người nhỏ bé, bất hạnh.

+ Thể hiện ước mơ về sự công bằng, dân chủ, hạnh phúc.

3. Tóm tắt tác phẩm Tấm Cám

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Cha mẹ mất sớm, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Một lần, khi đi bắt tôm tép ngoài đồng, Cám đã lừa Tấm, trút hết tép vào giỏ của mình. Tấm khóc, Bụt hiện lên bảo Tấm mang con bống còn sót lại trong giỏ về nuôi ở giếng. Mẹ con Cám biết chuyện, lừa Tấm bắt bống giết thịt. Mất bống, Tấm ngồi khóc thì Bụt lại hiện ra và bảo Tấm hãy nhặt lấy xương bống bỏ vào bốn lọ chôn ở bốn chân giường. Ít lâu sau, nhà vua mở hội. Dì ghẻ lấy gạo trộn lẫn với thóc, bắt Tấm ở nhà nhặt rồi cùng Cám đi trảy hội. Tấm ngồi khóc một mình, Bụt lại hiện ra và sai đàn chim sẻ xuống nhặt giúp, lại bảo Tấm đào các lọ chôn ở chân giường lên để có đủ mọi thứ để đi trảy hội. Trên đường trảy hội, khi phóng ngựa qua chỗ lội Tấm đánh rơi một chiếc giày mà không kịp nhặt. Nhà vua đi qua nhặt được chiếc giày xinh xắn liền ra hạ lệnh để tất cả đàn bà con gái đi xem hội ướm thử, ai đi vừa thì sẽ lấy làm vợ. Tất cả không ai ngoài Tấm đi vừa chiếc giày rồi được rước vào cung làm vợ vua.

Ngày giỗ cha, Tấm về nhà, mẹ con Cám ghen ghét bày mưu để Tấm trèo cau rồi chặt gốc, giết chết Tấm. Cám vào cung thay Tấm. Tấm chết hoá thành chim vàng anh quấn quýt bên vua, Cám bắt chim làm thịt vứt lông chim ra vườn. Lông chim hoá ra hai cây xoan đào, vua thấy đẹp bèn sai mắc võng nằm chơi hóng mát hằng ngày, Cám sai chặt hai cây xoan đào làm khung cửi. Cám ngồi dệt, từ khung cửi phát ra tiếng oán trách. Cám đem đốt khung cửi, vứt tro ra xa hoàng cung. Từ đống tro mọc lên cây thị, đến mùa thị chỉ ra một quả và được bà lão hàng nước đem về. Hàng ngày, khi bà lão đi vắng, Tấm từ trong quả thị chui ra giúp bà mọi việc trong nhà xong lại chui trở vào. Bà lão rình biết được bèn ôm choàng lấy Tấm, nhận làm con. Một hôm vua đi chơi qua, ghé vào quán nước của bà lão, nhận ra Tấm và đón nàng về cung. Thấy Tấm ngày càng xinh đẹp, Cám hỏi, Tấm lừa Cám tự đào hố rồi sai đổ nước sôi. Cám chết, Tấm đem xác làm mắm và gửi về cho dì ghẻ. Mụ dì ghẻ ăn đến khi mắm gần hết thì thấy đầu lâu con gái, mụ lăn đùng ra chết.

4. Bố cục: 2 phần

– Phần 1: từ đầu đến “đẹp thế”: Thân phận của Tấm – cô gái mồ côi và con đường đến với hạnh phúc.

– Phần 2: từ “Vào cung vua” đến hết: Cuộc đấu tranh quyết liệt của Tấm để giành lại sự sống và hạnh phúc.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Mâu thuẫn, xung đột giữa Tấm và mẹ con người dì ghẻ

– Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám phản ánh mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nói riêng; mâu thuẫn giữa lao động và bóc lột, giữa thiện và ác trong xã hội nói chung.

+ Tấm đại diện cho loại nhân vật mồ côi [mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi; sau đó ít năm người cha cũng chết]: chăm chỉ, hiền lành, đôn hậu [mải miết bắt được đầy giỏ tâm tép không quản trời nắng, bớt phần ăn dành nuôi bống, cho trâu đi ăn thật xa,…]

+ Mẹ con người dì ghẻ là hiện thân của cái ác: Cám lừa gạt chị xuống tắm, trút hết tôm tép của Tấm vào giỏi của mình để giành chiếc yếm đỏ; mẹ con Cám rắp tâm lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để tiện bề bắt con cá bống – nguồn vui duy nhất của Tấm; trắng trợn trộn một đấu thóc vào một đấu gạo để bắt Tấm ngồi nhặt, không được đi hội do nhà vua mở;…

– Mâu thuẫn từ chỗ xoay quanh quyền lợi vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình thường ngày [dì ghẻ – con chồng] đến mức biến thành xung đột về quyền lợi xã hội.

– Mâu thuẫn phát triển ngày càng gay gắt, không thể dung hòa, buộc phải giải quyết: Mọi đau khổ, tủi cực của Tấm đều bắt nguồn từ mẹ con Cám. Cô gái Tấm mồ côi chỉ biết khóc khi lừa gạt, bị tước đoạt đến cả những niềm vui bé nhỏ nhất. Trong truyện này, cũng như hầu hết các truyện cổ tích khác, nhờ sự can thiệp của các yếu tố kì ảo, xung đột thiện – ác cũng được giải quyết theo hướng: dù khó khăn đến đâu, dù lâu hay chóng thì cái thiện cuối cùng cũng thắng cái ác.

– Tấm có được hạnh phúc nhờ có sự giúp đỡ của Bụt. Cách giải quyết mâu thuẫn như vậy thể hiện ước mơ của người lao động, niềm tin của họ về lẽ công bằng mà trong đời sống thực còn quá mong manh và hầu như khó có thể thực hiện được.

+ Tấm bị Cám lừa nên không được thưởng chiếc yếm đỏ, chỉ biết khóc – Bụt xuất hiện an ủi cô, bày cho cô cách nuôi bống để làm bầu bạn.

+ Tấm bị mất cá bống – được gà tìm xương, được Bụt cho hi vọng đổi đời.

+ Tấm không được đi hội – Bụt cho chim sẻ xuống giúp nhặt thóc ra khỏi gạo, đưa Tấm đến đỉnh cao hạnh phúc: gặp vua và trở thành hoàng hậu.

=> Trở thành hoàng hậu là niềm hạnh phúc cao nhất trong xã hội phong kiến, là phần thưởng nhân dân lao động dành tặng cho những cô gái hiền thục, chăm làm, đôn hậu như Tấm.

3. Thái độ phản kháng, sự đấu tranh quyết liệt của Tấm để giành lại sự sống và hạnh phúc

– Tấm trở thành hoàng hậu nhưng cái ác vẫn đeo bám, vẫn tìm cách chiếm đoạt tất cả những gì Tấm có được, muốn tiêu diệt Tấm đến cùng. Khác với phần đầu câu chuyện, ở phần hai, cuộc đấu tranh giữa Tấm và mẹ con Cám hết sức quyết liệt nhưng ta không thấy Tấm khóc, cũng không thấy nhân vật Bụt xuất hiện; chỉ thấy sau mỗi lần hóa thân: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửu, quả thị – một cô Tấm ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt sống dậy, trở lại cuộc đời để đòi quyền được sống, đòi lại hạnh phúc đã bị Cám cướp mất.

=> Tấm thực sự bước vào cuộc đấu tranh một cách quyết liệt, tích cực. Tác giả dân gian đã gửi vào nhân vật Tấm mong ước về quyền được sống, về lẽ công bằng: người tốt phải được hưởng hạnh phúc, kẻ ác phải bị trừng trị thích đáng.

– Các yếu tối kì ảo ở phần hai không thay thế Tấm trong cuộc đấu tranh quyết liệt với mẹ con Cám, dường như nó là nơi Tấm hóa thân để trở lại đối đầu với kẻ ác, để giành lại hạnh phúc của mình. Lại một lần nữa, người đọc cảm nhận được quan niệm giản dị, thực tế về hạnh phúc của người lao động: người tốt phải tự mình tiêu diệt cái ác, giành lại hạnh phúc; hạnh phúc chỉ có thể có ở cuộc đời thực, chỉ trọn vẹn khi không còn cái ác, khi cái ác đã bị tiêu diệt đến cùng. Sự hóa thân của Tấm không hẳn là do ảnh hưởng của thuyết luân hồi của nhà Phật; nếu có chăng, tác giả dân gian chỉ mượn cái vỏ ngoài để thể hiện ước mơ, tinh thần lạc quan của người lao động mà thôi.

– Chi tiết Tấm ẩn mình trong quả thị và từ quả thị bước ra, trở lại làm người là một chi tiết có giá trị thẩm mĩ cao. Ý nghĩa cổ xưa nhất của nó là một quan niệm của tác giả dân gian [Sọ Dừa là một cục thịt biết lăn tròn, biến thành chàng trai khôi ngô tuấn tú – trong truyện Sọ Dừa; người đẹp từ trong tranh bước ra – trong truyện Tú Uyên – Giáng Kiều; cô gái mang lốt cóc xấu xí bẩn thỉu trở thành người, lấy được người chồng dũng cảm, đẹp đẽ – truyện Lấy vợ cóc;…]. Sau này, một lớp nghĩa mới mang tính hiện đại hơn được gửi gắm ở chi tiết biến hóa cuối cùng của Tấm, đó là nội dung tốt đẹp thường được ẩn dưới một hình thức bình thường, thậm chí xấu xí.

– Kết thúc truyện cổ tích Tấm Cám là kết thúc có hậu: mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng; cô Tấm mồ côi bị đọa đày sau bao lần chết đi sống lại cuối cùng vẫn gặp được nhà vua, vẫn là hoàng hậu bên những người dân hiền lành tử tế.

– Trong sự trở về của Tấm có vai trò của miếng trầu têm cánh phượng, một hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa Việt Nam, trong lễ tết, cưới hỏi của người Việt. Và ở đây, trong sự hội ngộ của nhà vua với người vợ khéo léo, đảm đang của mình, miếng trầu têm cánh phượng lại có mặt, như một sự nhận viết thiêng liêng mang đậm dấu ấn dân tộc Việt, càng tôn thêm giá trị nhân văn của câu chuyện.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Sự biến hóa của Tấm thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của cái thiện chiến thắng cái ác qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng đến cùng. Chiến thắng ấy thể hiện niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, tinh thần lạc quan và ước mơ về một xã hội công bằng.

2. Nghệ thuật

– Cốt truyện li kì, hấp dẫn với những mâu thuẫn, xung đột ngày càng quyết liệt.

– Xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập.

– Sử dụng các yếu tố, chi tiết tưởng tượng kì ảo

Video liên quan

Chủ Đề