Truyền thống cách mạng là gì

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC

GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

                                                                     Phạm Văn Uýnh

››››››

 1. Khái niệm về truyền thống

 Truyền thống là những đức tính, tập quán, tư tưởng, tình cảm, lối sống, những hành vi, nguyên tắc được biểu hiện qua mối quan hệ giữa người và người trong xã hội; được hình thành trong lịch sử, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được duy trì bởi ý thức cộng đồng xã hội.

 2. Mục đích ý nghĩa của công tác giáo dục truyền thống

 Giáo dục truyền thống tức là chuyển giao một di sản qúy báu của dân tộc cho những người trẻ tuổi, để họ có cơ sở hiểu được một quá khứ gian khổ, đau thương, vinh quang, anh dũng mà bao thế hệ trước đã đấu tranh gìn giữ và sáng tạo ra; để chúng ta có được ngày hôm nay. Từ đó nâng cao lòng tự hào, tự trọng dân tộc, rút ra cho mình một thái độ lao động mới, một cách nghĩ, cách sống mang đậm ý thức trách nhiệm với hiện tại và tương lai dân tộc.

 “Lịch sử không phải là ngọn đèn đỏ gắn sau đuôi con tàu chỉ cho ta con đường đã qua, mà lịch sử là ngọn đèn pha rọi về phía trước chỉ cho ta biết ta từ đâu tới”. [Rô manh -Rô lăng, đại văn hào Pháp].

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC

GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

I. Truyền thống của dân tộc Việt Nam

Nói đến truyền thống của dân tộc Bác Hồ nói: “Dân tộc ta có một lòng nòng nàn yêu nước, đó là truyền thống qúy báu của ta. Từ xưa tới nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”.

1. Truyền thống dựng nước và giữ nước

- Từ buổi bình minh lịch sử loài người, dải đất Việt Nam có người Việt sinh sống, di chỉ tìm được ở vùng cao châu thổ sông Hồng [Phùng Nguyên] và lưu vực sông Mã cho thấy người Việt xuất hiện và có trình độ văn hóa phát triển sớm. Di vật như trống đồng, thạp đồng có hoa văn là đỉnh cao nền văn hóa của người Việt cổ.

- Truyện truyền thuyết “Đẻ trăm trứng” muốn lý giải cội nguồn dân tộc ta cùng bào thai, con của Lạc Long Quân - âu Cơ, thuộc nòi giống rồng tiên.

- Trước công nguyên người Việt cổ có 15 bộ lạc sống từ phía Bắc sông Hồng đến sông Cả [Nghệ-Tĩnh]. Nền kinh tế chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi. Xã hội là xóm làng dựa trên kết cấu nông thôn. Để cùng nhau chống giặc và trị thủy, 15 bộ lạc đã hợp nhất thành lập nhà nước. Thủ lĩnh tài giỏi của bộ lạc Văn Lang được tôn làm vua là vua Hùng, Vua Hùng đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc [Việt Trì - Phú Thọ].

- Vua Hùng đã trị vì đất nước trải qua 18 đời, dân số nước ta lúc ấy gần 1 triệu người. Nền kinh tế, văn hóa phát triển mạnh mang sắc thái người Việt như qua truyện “ Bánh chưng, bánh dày”, “ Chử Đồng Tử”, “ Sơn tinh - Thủy tinh”, dân ta có tục nhuộm răng đen, ăn trầu, thờ cúng tổ tiên. Người Việt đã lấy ngày 10 tháng 03 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ Hùng Vương.

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba".

 Tại Đền Hùng, Bác Hồ nói với bộ đội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

 - Năm 218 trước công nguyên quân Tần Thủy Hoàng [Trung Quốc] sang xâm lược nước ta. Người âu Việt và Lạc Việt đoàn kết với nhau để chống giặc. Thục Phán là thủ lĩnh người âu Việt được cử ra cầm quân chiến đấu, khi đánh thắng quân Tần năm 208 trước công nguyên, Thục Phán đã hợp nhất đất đai âu Việt vào nước Văn Lang lập ra nước âu Lạc.  ông lên làm Vua lấy hiệu là An Dương Vương cho xây thành đóng đô ở Cổ Loa [Đông Anh, Hà Nội].

- Từ khi Triệu Đà đem quân xâm lược nước ta năm 179 trước công nguyên, vua An Dương Vương mất cảnh giác bị thất trận, các triều đại phong kiến Trung Quốc liên tiếp thống trị nước ta hơn một nghìn năm [thời kỳ Bắc thuộc]. Song đó cũng là thời kỳ tổ tiên ta liên tục đấu tranh chống Bắc thuộc: khởi nghĩa đánh đuổi chính quyền đô hộ để giành lại chủ quyền đất nước; đấu tranh để duy trì cuộc sống, phát triển nền kinh tế để bảo vệ tiếng nói và di sản văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc nhiều thành tựu văn hóa của Trung Quốc  [chữ Hán, văn học nghệ thuật, tổ chức chính quyền], của ấn Độ [Đạo Phật, kiến trúc, âm nhạc] và các nước khác để làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc.

- Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng là những người anh hùng của đất nước đã lãnh đạo nhân dân ta liên tiếp vùng lên kiên quyết không chịu làm nô lệ, không chịu để nước ta biến thành một quận huyện của Trung Quốc, không để người Việt thành người Hán. Lối sống riêng xác lập từ xưa và những ảnh hưởng văn hóa mới tiếp thu đã làm thất bại âm mưu đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ.

- Thế kỷ X, phong trào đấu tranh của tổ tiên ta chống đô hộ đã trưởng thành. Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền kế tiếp nhau xác lập quyền tự chủ. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ bị phong kiến Trung Quốc đô hộ, mở ra thời kỳ độc lập và phát triển rực rỡ của đất nước. Sau Vua Hùng là Ngô Quyền, người anh hùng làm nên chiến thắng Bạch Đằng được coi là ông tổ phục hưng nền độc lập của dân tộc Việt nam.

- Đến thời nhà Lý danh tướng Lý Thường Kiệt hai lần phá Tống thắng lợi đã viết bài “ Nam quốc sơn hà” được coi là bản tuyên ngôn về chủ quyền đầu tiên bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.

“Sông núi nước Nam, Vua Nam ở

Rành rành phân định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Thế giặc mạnh như Mông - Nguyên, đánh chiếm gần hết châu âu, châu á, chúng tiến quân vào xâm lược Việt Nam, cả ba lần đều bị đánh bại. Trong bài Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã trút căm thù và lòng quyết tâm chiến thắng:

 “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng”.

- Nguyễn Trãi - người con ưu tú của dân tộc, văn, võ song toàn đã thể hiện tinh thần yêu nước, nhân đạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thật là cao cả:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn.

Lấy trí nhân để thay cường bạo”.

                           [Cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi].

- Căm thù giặc nhưng tổ tiên ta cũng rất nhân đạo “mở đường hiếu sinh” chẳng muốn ra tay giết hại khi kẻ thù bại trận, còn cấp thuyền, ngựa, lương thực cho chúng về nước đoàn tụ gia đình, cho nhân dân hai nước giao hảo bình yên .

Tư tưởng hòa bình, lấy dân làm gốc đã được ông cha ta xây dựng từ ngàn xưa. Đó là diệu kế tuyệt vời chưa từng có, làm nên phẩm chất cao đẹp của người Việt, làm rạng danh cho đất nước. Chính vì vậy thế kỷ 15 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá, kinh tế, quân sự của Việt Nam.

...  "Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức.

Chẳng những mưu kế này kỳ diệu

Cũng là chưa thấy xưa nay

Xã tắc từ đây bền vững

Giang sơn bởi đó đẹp thay".

                 [Cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi].

- Thế kỷ 18, người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung với tài thao lược quân sự hành quân “thần tốc” đã đánh tan nát 5 vạn quân Xiêm do Nguyễn Aựnh hèn nhát dẫn về và 20 vạn quân Thanh thừa cơ sang xâm lấn không còn mảnh giáp, làm cho bọn giặc ngoại bang không dám lăm le xâm phạm nước ta. 

- Nghệ thuật giữ nước của tổ tiên ta không dựa vào thành cao, vũ khí tốt mà dựa vào lòng dân - chiến tranh nhân dân; truyền thống ấy được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đời Bác Hồ bôn ba gian khổ chỉ nhằm đem lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì thế cả dân tộc đoàn kết hành quân giết giặc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ [1954] chấn động địa cầu, chấm dứt  80 năm đô hộ của đế quốc Pháp, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

- Bài học Điện Biên chưa đủ làm cho kẻ thù hung hăng nhất thế giới - đế quốc Mỹ học tập; với sức mạnh siêu cường, vũ khí hiện đại, âm mưu xảo quyệt, hành động dã man - Mỹ nhảy vào Việt Nam. Hai mươi năm chiến tranh gian khổ quyết liệt, nhân dân ta đã đập tan cuộc viễn chinh xâm lược của đế quốc Mỹ, ghi vào trang sử chói lọi nhất mấy nghìn năm giữ nước của dân tộc.

Yêu nước, căm thù giặc, đoàn kết dân tộc để chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam. Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc ta gắn liền với cầm gươm, cầm súng bảo vệ Tổ quốc.  Từ thuở bình minh lịch sử dân tộc đến thời đại Hồ Chí Minh thì chân lý “Không có gì qúy hơn độc lập, tự do” là cốt lõi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Do đó ta kết luận: Tình cảm và tư tưởng yêu nước là giá trị truyền thống lớn nhất của dân tộc Việt Nam.

2. Tinh thần lao động cần cù siêng năng học tập, đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau là giá trị truyền thống sâu sắc của dân tộc Việt Nam

- Cần cù lao động, đoàn kết dân tộc để ngăn chặn thiên tai mở mang đồng ruộng, phát triển giống nòi, xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa xã hội, phát triển trí tuệ, tài năng là đức tính cao qúy của dân tộc Việt Nam được chứng minh suốt chiều dài lịch sử. Đức tính ấy là tận dụng thời gian để học tập, lao động. Làm lụng thì một nắng hai sương, đi học thì sớm tối dùi mài kinh sử, học cho đến già ... Làm ruộng không có cày thì dùng cuốc, không có trâu, bò cày kéo thì dùng sức người, cấy trồng hỏng cây này trồng cây khác. Đi học không có giấy thì viết vào lá chuối, không có đèn dầu thì bắt đom đóm. Đó là tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, đó là phong thái ung dung chấp nhận sự vất vả để vươn lên. Trong kho tàng cổ tích và tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam đã nói lên điều đó như :

- “Rủ nhau đi cấy, đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”.

- “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”.

- “Có công mài sắt, có ngày nên kim”

- “Muốn sang phải bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Người Việt Nam ta hiểu rất rõ lẽ sống là lao động, có lao động vất vả mới đem lại cuộc sống no đủ khá giả; tổ tiên dạy chúng ta :

"Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần cho ta".

Chính vì nhận thức được ý nghĩa trên mà đức tính cần cù lao động, siêõng  năng học tập luôn được duy trì phát triển, nó không hề mất đi khi hoàn cảnh thay đổi.

- Đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau là ý thức cộng đồng của dân tộc ta được thể hiện trên nhiều phương diện, đó là trách nhiệm của cá nhân trước làng xã, tổ tiên, đất nước; đó là sức mạnh, tình ruột thịt thống nhất cộng đồng của người Việt sống trên dải đất Việt Nam.

- “Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

- “Nhiễu điều phủ lấy giá giương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

- “Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tiếp thu tinh hoa dân tộc Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công”. Người Việt sống với nhau trong tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Nhường cơm xẻ áo”, “Chị ngã em nâng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Môi hở răng lạnh” đã cùng nhau hưởng hạnh phúc, vui buồn, cùng chịu đói no, cùng chia ấm lạnh.  Tình thương đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam phát triển thành nhân phẩm Việt Nam. Đặc biệt người Việt có lối sống thanh cao, văn hóa; lối sống đẹp được vun đắp xây dựng hòa quyện với xã hội, đó là lối sống giản dị trong sạch, không tham địa vị, trục lợi, tiền tài. Nhiều tấm gương trong sáng được ca truyền như Chu Văn An, Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi - khi quyền cao chức trọng vẫn sống thanh cao, khi nước vô đạo đã bỏ quan về nhà sống cuộc đời ẩn dật. Điển hình ở thời đại ngày nay là Hồ Chí Minh - người đứng đầu Nhà nước mà vẫn “Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son”. Những người như vậy không phải không có điều kiện để sống giàu sang, không phải không biết hưởng thụ mà vì biết sống lẽ sống cao đẹp, lẽ sống vì nhân dân ... trở thành tinh hoa cốt cách thơm truyền cho các thế hệ noi theo.

- Trong gia đình, đạo lý Việt Nam thật sâu sắc: đó là sự thủy chung vợ chồng, hiếu thảo với cha mẹ, nuôi dạy con cái nối chí ông cha - truyền thống gia đình là nền tảng cho sự tồn vong của dân tộc .

"Công cha như núi Thái Sơn"

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

                       [Ca dao]

Anh hùng, nhân ái, đoàn kết, lao động cần cù, siêng năng học tập, sống có đạo lý, trọng nghĩa - khinh tài, thủy chung - hiếu thảo là biểu tượng tâm hồn của người Việt Nam được hình thành trong qúa trình tiến triển lịch sử dân tộc mà các thế hệ sau luôn đón nhận, giữ gìn và làm giàu lên mãi. Đặc biệt là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì truyền thống dân tộc được các thế hệ thanh niên phát huy cao độ nâng lên thành phẩm chất mới, niềm tự hào mới.

II. TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG, CON NGƯỜI CÀ MAU

1. Quá trình hình thành

Khi gần cuối cuộc chiến tranh Lê - Mạc, do Chúa Trịnh lộng quyền, vào năm 1558 Nguyễn Hoàng xin vào trấn aỉ vùng đất phía nam [Đàng Trong]; từ đó ông bắt tay vào chiêu mộ dân công khai khẩn đất hoang, lập nên làng mạc, đắp thành lũy, xây dựng lực lượng chống lại Chúa Trịnh gây nên cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài. Thời đó Chiêm Thành chỉ còn là phiên quốc của Nhà Lê và Nam Bộ còn hoang vu do vương quốc cổ Phù Nam tiêu vong không còn tồn tại. Đến cuối thế kỷ 17 thì Cà Mau và vùng đất Nam bộ là mảnh đất cuối cùng trên con đường cuả người Việt-Kinh đi chinh phục hoang vu mở mang bờ cõi. Ngày ấy vùng đất Cà Mau hoang vu rừng rậm ngập mặn, phèn: chủ yếu là cỏ, sậy, đước, vẹt, sú, tràm, nhiều muỗi, vắt... lại thiếu nước ngọt nên rất ít người sinh sống “Cà Mau khỉ khọt trên cây, dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua” . Ban đầu có một số ngư dân vùng Gò Công xuống đánh cá theo mùa rồi về xứ, dần dần Cà Mau là nơi tụ hợp của dân tứ xứ đến làm ăn.

Năm 1680 một số ấp ở ven sông Bảy Háp, sông ông Đốc, sông Gành Hào được hình thành; năm 1714 Mạc Cửu dâng phần đất Cà Mau cho chúa Nguyễn. Mạc Thiên Tứ là con Mạc Cửu vâng lệnh triều đình lập ra đạo Long Xuyên [vùng Cà Mau] để cai quản.

Năm 1882 Cà Mau tách khỏi Rạch Giá, Bạc Liêu tách khỏi Sóc Trăng thành lập ra tỉnh Bạc Liêu, đây là hạt thứ 21 của Nam kỳ thuộc địa. Sau nhiều lần sáp nhập chia tách, năm 1975 Cà Mau và Bạc Liêu được đổi tên là tỉnh Minh Hải. Đến đầu năm 1997 Minh Hải lại tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

2. Vị trí địa lý

- Cà Mau là tỉnh ở cực Nam của Tổ quốc, hình dạng giống chữ V, có 3 mặt quay ra biển, có tọa độ địa lý từ  8o30’ đến 9o10’ vĩ độ Bắc và từ 104o80 đến 105o5 kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông Nam và Nam giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.

- Diện tích tự nhiên 5.210 km2, gồm đất liền và đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Bương, hòn Đá Bạc, bằng 13,1% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và bằng 1,57% diện tích cả nước. Cà Mau có bờ biển dài 251,7 km.

- Nơi xa nhất :

+ ở phía Bắc là xã Biển Bạch - huyện Thới Bình

+ ở phía Nam là xã Đất Mũi - huyện Ngọc Hiển.

+ ở phía Đông là xã Tân Thuận -huyện Đầm Dơi.

+ ở phía Tây là xã Đất Mũi - huyện Ngọc Hiển

3. Thổ nhưỡng

Cà Mau là vùng đất phù sa mới, đồng bằng thuần nhất, địa hình bằng phẳng, mặt đất trung bình chỉ cao hơn mặt nước biển 0,5 mét. Tuy không có đầm lầy nhưng toàn bộ nền đất Cà Mau rất yếu. Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập mặn với cây đước là chủ yếu ở vùng Năm Căn, rừng ngập lợ chua phèn mà cây tràm chiếm ưu thế ở vùng U Minh với tổng diện tích trên 100.000 ha.

4. Sông ngòi

Là tỉnh có nhiều sông lạch nhất vùng đồng bằng Cửu Long, mỗi sông lớn kéo theo mình nhiều lạch nhỏ, dòng chảy theo thủy triều lên, xuống đổ ra biển Đông và Vịnh Thái Lan. Sau đây là một số sông chính

- Sông Cửa lớn: dài 56 km rộng 500 m có nơi rộng gần 1 km, có hai cửa, cửa Bồ Đề đổ ra Biển Đông [sâu 20 m] cửa ông Trang đổ ra Vịnh Thái Lan [sâu 5 m].

- Sông Gành Hào chảy từ thị xã Cà Mau ra biển Đông, sông dài 55 km rộng 300 m cửa sông sâu 19 m.

- Sông Bảy Háp, xuất phát từ kinh xáng Đội Cường chảy ra Cửa Háp [Vịnh Thái Lan] dài 48 km, sâu 4 - 5 m.

- Sông Đầm Dơi xuất phát từ vàm Mương Điều chảy ra ngã ba Tam Giang [đổ ra sông Cửa lớn] dài 45 km sâu 5 đến 6 m.

- Sông Ông Đốc, xuất phát từ ngã ba Cái Tàu chảy ra cửa ông Đốc, Vịnh Thái Lan, sông dài 44 km, sâu trung bình 4 m, tại cửa ông Đốc rộng gần 1 km.

- Sông Cái Tàu, xuất phát từ ngã ba Cái Tàu thông ra Vịnh Thái Lan, sông dài 43 km, sâu 2,5 - 3 m.

- Sông Trẹm xuất phát từ tỉnh Kiên Giang chảy tới ngã ba Cái Tàu, nối liền với sông ông Đốc, sông dài 42 km, sâu trung bình 2,5 m.

Ngoài ra còn rất nhiều sông nhỏ và kinh, như kinh Quản Lộ Phụng Hiệp chạy từ ngã Bảy đến Cà Mau dài 120 km; kinh Cà Mau - Bạc Liêu v.v...

5. Khí hậu

Cà Mau thuộc vùng khí hậu nhiệt đới-cận xích đạo, gió mùa, quanh năm nóng. Có hai mùa mưa nắng rõ rệt, không bị lũ, ít bão. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau

6. Con người và dân số

a] Những người tiên phong khai hoang mở đất thuở đó là ai ? đó là người Việt Kinh nghèo khổ quê ở miền Bắc, miền Trung khát khao sống tự do, không chịu khuất phục cường quyền bạo lực; là nạn nhân của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài đẫm máu muốn tìm mảnh đất sống yên thân; là những chiêu mộ của các nhà giàu có đưa vào khai hoang lập ấp; là những binh lính, tội đồ ... những người Hoa, Khmer nghèo khổ lưu lạc tứ chiếng dừng chân tại nơi đây. Tất cả những con người rời xứ bất chấp khó khăn băng ngàn vượt núi vào Nam tìm nơi sinh cơ lạc nghiệp, gọi chung là dân lưu tán.

Việc biến những khu rừng bạt ngàn âm u, ngập mặn nhiều phèn thành cánh đồng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh nghĩa là ông cha ta đã can đảm vật lộn với thiên nhiên, thú dữ, muỗi vắt, bao nhiêu mồ hôi nước mắt và cả máu đổ ra để tạo thành nơi sinh sống lý tưởng như ngày nay.

Con người Cà Mau sống phóng khoáng, hào hiệp, chất phác, mến khách, trọng đạo lý-nghĩa tình. Ghét kẻ tham lam phụ bạc. Người Cà Mau yêu lao động, đã làm là làm “chết bỏ” xong rồi nghỉ chứ không lề mề, ăn tiêu ít đắn đo tính toán. Đặc biệt tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, phẩm chất anh dũng tuyệt vời dám xả thân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đạo lý và lẽ phải. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là quê hương căn cứ địa cách mạng, từng là nơi hoạt động của nhiều đồng chí cách mạng tiền bối như  Lê Duẩn, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt v.v...

b] Dân số

Cà Mau chủ yếu có 3 dân tộc anh em chung sống với 1.100.000 người, đông nhất là người Kinh chiếm 96 %, người Khmer 23.483 người [2,16%] sống đông ở huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, Đầm Dơi, kế đến là người Hoa khoảng 21.000 người gần 2% dân số, sống chủ yếu ở thị xã Cà Mau và ở các thị trấn huyện lỵ. Các dân tộc sống đoàn kết với nhau tạo nên mối giao lưu huyết thống, văn hóa, ngôn ngữ phong tục có ảnh hưởng qua lại phong phú. Những người Việt gốc Hoa thế hệ ngày nay gần như Việt hóa, họ sinh hoạt, ăn mặc, nói năng, học hành như người Kinh.

7. Di tính lịch sử văn hóa, Danh lam thắng cảnh

* Cà Mau có 03 di tính lịch sử văn hóa được công nhận cấp Quốc gia gồm:

- Di tính lịch sử văn hóa Hòn Khoai;

- Di tính lịch sử văn hóa Đình Tân Hưng;

- Di tính lịch sử văn hóa Hồng Anh Thư Quán.

* Các Di tính lịch sử văn hóa khác gồm:

- Di tính lịch sử văn hóa Đền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước; ở xã Viên An; ở xã Trí Phải cùng với cây vú sữa;

- Di tính lịch sử văn hóa Lung lá Nhà Thể;

- Di tính lịch sử Mặt trận Bào Thúi;

- Di tính lịch sử văn hóa Xẻo Đước;

- Di tính lịch sử Chiến thắng Chà Là;

- Di tính lịch sử Tội ác đế quốc Mỹ - Bình Hưng.

* Danh lam thắng cảnh:

- Hòn Khoai;

- Hòn Đá Bạc;

- Đầm Thị Tường;

 - Bãi Khai Long - Mũi Cà Mau;

 - Gía Lồng Đèn;

 - Các sân chim ở: Chà Là; Đầm Dơi; Ngọc Hiển; Công viên Văn Hóa.

8. Truyền thống đấu tranh chống xâm lược

- Trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, các năm 1926, 1927, 1928  với các sự kiện ở vùng Cà Mau - Bạc Liêu như  900 hộ nông dân xã Ninh Thạnh Lợi [Hồng Dân], sự kiện đồng Nọc Nạng [Giá Rai], 200 gia đình nông dân ấp Rạch Mũi, Cái Rắn [Tân Hưng, Cái Nước] đứng lên chống lại địa chủ, điền chủ, hương quản cướp bóc ruộng đất.

- Đầu năm 1929 cán bộ Liên Tỉnh ủy về Cà Mau thành lập một nhóm thanh niên cách mạng có 4 đồng chí tham gia là Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh, Trần Hải Thoại, Tăng Văn Hải.                      

- Tháng 01/1930 Chi bộ Đảng đầu tiên ở Cà Mau được thành lập gồm có các đồng chí : Lâm Thành Mậu [bí thư] Nguyễn Văn Chánh, Tăng Văn Hải, Phạm Văn Cừ .                             

- Tháng 02/1930 Chi bộ xã Phong Thạnh [ Giá Rai] ra đời có các đồng chí Nguyễn Văn Uông [ bí thư ], Châu Văn Lục, Trần Văn Tiên.

- Tháng 10/1930 Chi bộ xã Tân Thành ra đời, có các đồng chí Tăng Hồng Phúc [ bí thư ], Phan Khắc Nhượng, Huỳnh Đề Thám, Hồng Lạc Bông.

- Sau đó có nhiều Chi bộ Đảng ra đời hoạt động mạnh mẽ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh sôi nổi. Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 26/10/1938 Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, đồng chí Bùi Thị Trường được cử làm bí thư, đồng chí Trần Văn Đại phó bí thư.

- Ngày 02/02/1939 Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất, bầu ra 9 ủy viên chính thức, 2 dự khuyết, đ/c Trần Văn Đại được bầu làm bí thư.

* Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai: Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa ở ba khu vực : Bạc Liêu, Cà Mau, Năm Căn. Ngày 12/12/1940 Tỉnh ủy nhận được lệnh của trên ngừng khởi nghĩa. Khu vực Năm Căn không kịp nhận thông báo này nên cuộc khởi nghĩa nổ ra đúng kế hoạch đã định. 11 giờ đêm 13/12/1940 cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai nổ ra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Ngọc Hiển đã giành thắng lợi, thừa thắng quân ta tiến về đất liền, hạ một số đồn của địch.

Thực dân Pháp cay cú cho quân bao vây bắt bớ tra tấn đồng bào, truy bắt chiến sĩ khởi nghĩa. Sau những ngày bị giam cầm tra tấn dã man nhưng các đồng chí vẫn giữ khí tiết người cộng sản. Cuối cùng địch tuyên án tử hình 8 đồng chí, lưu đày Côn Đảo 27, tù ở các nhà lao khác 12 người để hòng tiêu diệt mầm mống cách mạng còn non trẻ của ta.

Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai bị kẻ thù dìm trong biển máu, nhưng không dập tắt được tinh thần yêu nước của nhân dân ta, càng tăng lòng căm phẫn quyết tâm đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương. Cuộc khởi nghĩa đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ và chứng minh tinh thần dũng cảm kiên trung bất khuất của chiến sĩ, nhân dân đất Mũi khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940.

- Ngày 23/08/1945 Đảng lãnh đạo nhân dân đứng lên cướp chính quyền tên tỉnh trưởng Trương Công Thiện đã đầu hàng, Cà Mau - Bạc Liêu được giải phóng. Ngày 30/08/1945 Chính quyền Cách mạng được thành lập do đồng chí Tô Thúc Rịch làm bí thư Tỉnh ủy.

- Chín năm kháng chiến chống Pháp, ta xây dựng căn cứ U Minh và tổ chức nhiều trận đánh nổi tiếng. Năm 1946 đánh chìm tàu Henri Mariette [Hăng-ri-ma-ri-ét] ở Mây Dốc. Năm 1947 đánh chìm một tàu tại Mương Điều và 1 tàu ở Ao Kho diệt gần 200 tên địch thu nhiều vũ khí. Trong chống Pháp quân và dân ta tiêu diệt 6.996 tên địch, nhiều tấm gương hy sinh anh dũng cho công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương như Phan Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Châu Văn Đặng, Lương Thế Trân, Quách Văn Phẩm .

- Sau năm 1954, Mỹ phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, sang xâm lược Việt Nam, Cà Mau tiếp tục là căn cứ địa kiên cường của cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã từng được nhân dân Cà Mau che chở nuôi giấu như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt [ đồng chí Võ Văn Kiệt lúc ấy là bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu ].

- Sau Đồng khởi năm 1960, quân dân ta tiến lên đánh địch giành nhiều thắng lợi như năm 63 trong hai tháng ta diệt chi khu Cái Nước, Đầm Dơi và cứ điểm Chà Là, giải phóng vùng nông thôn rộng lớn. Năm 1968 ta đánh vào thị xã Cà Mau và giải phóng hoàn toàn huyện Ngọc Hiển. Năm 72 ta tấn công đồng loạt, bao vây 200 đồn bót giặc buộc chúng phải đầu hàng hoặc bị tiêu diệt. Cùng với chiến dịch mùa xuân 1975, ngày 01/05/1975 thị xã Bạc Liêu - Cà Mau hoàn toàn giải phóng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước quân và dân ta tiêu diệt 310.907 tên ngụy  và 1.764 tên Mỹ. Hiện nay trong tỉnh có 31 cá nhân và 35 tập thể được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 476 bà mẹ Việt Nam anh hùng; hàng chục nghìn thương binh và 16.000 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt Mũi Cà Mau là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược cuả đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, đến nay còn để lại sự huyền bí về ý chí oai hùng và sứ mệnh lịch của những “con tàu không số”... Những tấm gương tiêu biểu trong kh1ng chiến chống đế quốc Mỹ như  Bông Văn Dĩa, Nguyễn Việt Khái, Lý Văn Lâm, Dương Thị Cẩm Vân, Hồ Thị Kỷ, Huỳnh Phi Hùng, Hồ Trung Thành, Đặng Tấn Triệu v.v... Những chiến công và tấm gương đó đi vào lịch sử là niềm tự hào mãi mãi của quê hương Cà Mau.

8. Những tấm gương lớn và anh hùng của tuổi trẻ

- Đồng chí Lâm Thành Mậu, sinh năm 1898 tại Cà Mau trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước [bố là Lâm Mẫn Huệ làm nghề thuốc Đông y]. Tiếp thu tư tưởng yêu nước qua sách báo của Nguyễn Aựi Quốc gửi về, tháng 01/1928 đồng chí gia nhập “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng” và thành lập Chi bộ Hội thị trấn Cà Mau. Chi bộ có mở một nhà sách lấy tên “Hồng Anh Thư Quán”, chuyên bán sách báo yêu nước để tuyên truyền cho thanh niên. Ngày 01/01/1930 Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh ta được thành lập do đồng chí Lâm Thành Mậu làm bí thư, từ đó trở đi đồng chí hoạt động rất tích cực, tham gia viết báo ký tên là Bình Dân. Năm 1941 trên đường đi công tác đồng chí bị địch bắt, chúng tra tấn dã man, kết án 15 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tháng 7/42 vì bị tra tấn nặng đồng chí hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.

- Đồng chí Phạm Hồng Thám : sinh năm 1902 ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư  tỉnh Thái Bình trong gia đình nông dân nghèo. Năm 17 tuổi đi làm phu cho Pháp ở mỏ than Quảng Ninh, năm 1920 Pháp tuyển anh đi lính và đưa sang Pháp năm 1921. Thời gian ở Pháp anh đọc báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Aựi Quốc và được nghe Nguyễn Aựi Quốc diễn thuyết ở câu lạc bộ. Lòng yêu nước, căm thù đế quốc của anh được nhen nhóm lên từ đó. Năm 1925 anh về nước, năm 1926 bắt liên lạc với chi bộ “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng”  ở thị xã Bắc Ninh, sau đó được  kết nạp vào Hội. Năm 1929 anh được kết nạp vào Chi bộ đặc biệt của Đông dương Cộng sản Đảng, tháng 2/1930 đồng chí bị địch bắt kết án 20 năm tù, đày Côn Đảo. Năm 1935 đồng chí vượt ngục về đất liền cập vào bờ biển Vĩnh Châu [Sóc Trăng]. Đồng chí được tổ chức phân công về Năm Căn hoạt động lấy bí danh là Thanh Phong. Tháng 8/1935 đồng chí đến Rạch Gốc xã Tân ân gặp Phan Ngọc Hiển; gặp đồng chí Lâm Thành Mậu ở Cà Mau và đi một số nơi khác để phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Năm 1937 đồng chí được chỉ định vào liên Tỉnh ủy Hậu Giang phụ trách ba tỉnh : Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng. Năm đó đồng chí thành hôn với Trần Thị Bướm [bí danh Hồng Điệp - là em ruột của Trần Văn Thời]. Năm 1940 đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy Nam kỳ sau đó vào Ban thường vụ Xứ ủy, từ đó cho đến năm 1950 đồng chí hoạt động mạnh ở Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên, xây dựng căn cứ kháng chiến và xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1951 đồng chí về làm phó giám đốc sở Thương binh Nam bộ.

 Sau năm 1954 đồng chí tiếp tục ở lại miền Nam chiến đấu và tổ chức bảo vệ đồng chí Lê Duẩn. Năm 1971 vì bệnh nặng, tuổi cao sức yếu đồng chí ra miền Bắc và đi nước ngoài trị bệnh. Năm 1978 đồng chí từ trần. Đồng chí Phạm Hồng Thám qua đời để lại cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh ta tình thương vô hạn. Cuộc đời hoạt động của đồng chí gắn chặt qua nhiều thời kỳ cách mạng vẻ vang với vùng đất Cà Mau kiên cường.         

- Đồng chí Trần Văn Thời:  sinh năm 1902 ở xã Phong Lạc nay là xã Lý Văn Lâm - Cà Mau, trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 1936 đồng chí cùng các em của mình được đồng chí Phạm Hồng Thám tuyên truyền giác ngộ cách mạng đã tích cực tham gia hoạt động . Năm 1937 đồng chí được kết nạp vào Đảng, sau đó đồng chí hoạt động rất mạnh ở vùng Cà Mau, Cái Nước. Năm 1940  đồng chí được cử làm bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, được xứ ủy chỉ định vào Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Bọn mật thám Pháp biết đồng chí là một cán bộ lãnh đạo của Đảng nên chúng ráo riết truy lùng nhưng với tinh thần cảnh giác, mưu trí, đồng chí nhiều lần thoát khỏi tay giặc.

Năm 1940 đồng chí cùng Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa Hòn Khoai tiến lên giải phóng toàn tỉnh. Để thi hành nghị quyết này, Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ huy quân sự tỉnh do đồng chí phụ trách. Sau khởi nghĩa Hòn Khoai địch khủng bố và truy lùng những chiến sĩ cách mạng, đồng chí tập hợp lực lượng vào rừng U Minh xây dựng căn cứ lập xưởng sản xuất vũ khí tiếp tục chiến đấu. Năm 1941 đồng chí được cấp trên điều về xây dựng lực lượng ở Châu Đốc [ lấy tên là Nguyễn Văn Chất ], tháng 05/1941 đồng chí bị địch bắt tra tấn dã man nhưng đồng chí quyết bảo vệ tổ chức Đảng kể cả tên thật của mình. Đế quốc Pháp đã kết án đồng chí 20 năm tù, đày Côn Đảo.

Vì bị tra tấn dã man cộng với nhà tù khắc nghiệt, năm 1942 đồng chí đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.

Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí với cách mạng, Tỉnh ủy đã lấy tên đồng chí đặt tên huyện Trần Văn Thời . Ngày 03/02/1997 tượng Trần Văn Thời đã được  long trọng khánh thành đặt tại công viên Hùng Vương  thị xã Cà Mau.

- Đồng chí Phan Ngọc Hiển : sinh năm 1910 trong một gia đình nghèo ở  xã Thới Bình, Cái Khế, Cần Thơ, bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

Năm 1926 anh tham gia phong trào để tang Phan Chu Trinh nên sau khi ra trường Trung học Sư Phạm, nhà trường đưa anh đi dạy ở vùng xa cách biệt với thành thị. Đó là mùa hè 1931 thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã tới Rạch Gốc - Tân ân - Năm Căn .

Năm 1935 Phan Ngọc Hiển được gặp đồng chí Phạm Hồng Thám - cán bộ của Đảng từ Côn Đảo vượt ngục trở về. thầy giáo Hiển được Phạm Hồng Thám giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở quần chúng để chuẩn bị đón các đồng chí vượt ngục từ Côn Đảo về vùng này. Đồng chí hăng hái hoạt động và viết báo tuyên truyền chống giặc, nên bị địch cấm không cho dạy học. Năm 1936 đồng chí được gặp Phạm Hồng Thám, Lâm Thành Mậu và nhiều đồng chí khác và được kết nạp vào chi bộ Đảng thị xã Cà Mau.

Năm 1937 đồng chí trở về Rạch Gốc tổ chức tập hợp thanh niên tuyên truyền cách mạng, khi phong trào quần chúng lên cao cần có Đảng lãnh đạo thế là một chi bộ Đảng ở Rạch Gốc ra đời .

Cuối năm 1937 đồng chí được xứ ủy Nam kỳ điều về ban biên tập báo Lao Động đóng tại Sài Gòn. Năm 38 đồng chí được đưa về Bạc Liêu phụ trách tờ báo của tỉnh nhàứ nhưng chiến tranh thế giới bùng nổ đồng chí trở về hoạt động bí mật ở Rạch Gốc.

Giữa năm 1940  Tỉnh ủy quyết định đồng chí ra hoạt động ở Hòn Khoai, tại đây đồng chí cùng tập thể những chiến sĩ cách mạng đã làm nên cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đi vào lịch sử .

Đồng chí Phan Ngọc Hiển và các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tinh thần trung kiên của đồng chí sống mãi trong lòng nhân dân với niềm tiếc thương vô hạn. Sau ngày cách mạng tháng tám thành công một phần đất mũi Cà Mau nơi anh hoạt động đặt tên huyện Ngọc Hiển và tỉnh đã lấy ngày khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12 làm ngày truyền thống của tỉnh Cà Mau.

- Anh hùng Bông Văn Dĩa: sinh năm 1905, tại ấp Rạch Gốc xã Tân ân huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau trong gia đình dân nghèo vùng biển. Được thầy giáo Phan Ngọc Hiển giúp đỡ, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1940. Từ khi vào Đảng đồng chí hoạt động rất tích cực ở vùng Rạch Gốc, được cấp trên giao nhiệm vụ đưa thư cho Phan Ngọc Hiển tổ chức cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai vào cuối năm 1940 giành thắng lợi. Khi cuộc khởi nghĩa bị khủng bố, đồng chí bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày đi Côn Đảo. Suốt những năm lưu đày chịu nhiều cực hình tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, cùng với chi bộ nhà tù đấu tranh và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục đưa các chiến sỹ của ta về đất liền hoạt động. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí cùng các chiến sỹ tù Côn Đảo được rước trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.

Lúc đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ rất cần vũ khí đánh giặc, đồng chí được phân công chở hàng qua Thái Lan đổi lấy vũ khí. Chuyến đi này được sự trợ giúp cuả chị Nguyễn Thị Hoài - là vợ đồng chí Bông Văn Dĩa nên công việc được cải trang chu đáo bí mật. Đến Thái Lan mặc dù bị nhà cầm quyền bắt giam 4 tháng nhưng khi vưà ra tù đồng chí chở ngay chuyến vũ khí từ Thái Lan về Rạch Gốc Năm Căn. Lần thứ 2 do vận chuyển bằng đường biển khó khăn nên phải tổ chức bằng đường bộ từ Thái Lan qua Căm Pu Chia về Việt Nam và phải chuyển từng đoạn hết sức vất vả; trên đường vận chuyển bị địch ngăn chặn, đồng chí cùng đơn vị chiến đấu 10 trận để bảo toàn vũ khí, chiến sỹ ta có 10 đồng chí phải hy sinh. Sau đó đồng chí được bổ sung vào đơn vị Cửu Long, tham gia nhiều trận đánh Pháp. Năm 1953  đồng chí được biệt phái sang Căm Pu Chia công tác, làm huyện uỷ viên tỉnh Kô Kông  cho đến khi chuyển quân tập kết năm 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào năm 1961 đồng chí được trung ương bố trí giao nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức thăm dò tuyến đường biển từ Cà Mau ra miền Bắc để chở vũ khí vào miền Nam đánh giặc. Qua 2 chuyến đi, về vượt sóng gío và tầu tuần tra của địch, đồng chí báo cáo tỉ mỉ tình hình thăm dò và xây dựng bến bãi tiếp nhận vũ khí cho Trung ương và Bác Hồ nghe. Ngày 14 tháng 9 năm 1962  đồng chí trực tiếp chỉ huy chở chuyến vũ khí 28 tấn đầu tiên từ miền Bắc về tới Cà Mau ngày 20/9/1962 cập vào bến Vàm Lũng [quê hương đồng chí] an toàn. Đồng chí Bông Văn Dĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành người chiến sỹ đầu tiên mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Từ đó trở đi vũ khí liên tiếp được đưa từ miền Bắc vào cập bến khu vực mũi Cà Mau. Lúc này đồng chí lại làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí luồn lách qua nhiều đồn bốt địch phân phối cho chiến trường.

Với những thành tích và công lao cống hiến đặc biệt, năm 1967 đồng chí được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Đồng chí Bông Văn Dĩa là một tấm gương trong sáng, hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng - đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí luôn thể hiện đức tính cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Ngày 30 tháng 5 năm 1983 đồng chí từ trần, thọ 78 tuổi, mai táng ở Rạch Gốc xã Tân ân quê hương  đồng chí.

- Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Việt Khái : sinh năm 1940 tại xã Tân Hưng Tây, Cái Nước. Năm 1954 làm liên lạc xã, sau chuyển sang công tác thanh niên. Năm 1961 là ấp đội trưởng, năm 1962 là bí thư Chi bộ trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích xã.

Năm 1962 bọn địch ở chi khu Bình Hưng, tập trung 600 quân đánh vào vùng giải phóng, anh chỉ huy du kích đánh trả quyết liệt, 10 đồng chí du kích hy sinh nhưng anh vẫn tổ chức nhóm còn lại chặn đánh bẻ gãy cuộc càn của địch. Sáng ngày 08/12/1962 địch đi càn cho đổ bộ bằng máy bay xuống vùng giải phóng, anh tổ chức chiến đấu, diệt địch để bảo vệ mình. Với 8 viên đạn cạc bin anh đã hạ 04 máy bay địch làm hàng trăm tên chết và bị thương, bẻ gãy cuộc đổ bộ của địch. Tháng 10/1963 trong trận quyết chiến đánh đồn Vàm Cái Tàu, anh đã anh dũng hy sinh [lúc đó là Trung đội phó tiểu Đoàn U Minh II].

Suốt quá trình chiến đấu anh đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tham gia đánh địch 50 trận. Với 8 phát đạn hạ 04 máy bay, đồng chí Nguyễn Việt Khái trở thành thần kỳ mở ra khả năng đánh bại chiến thuật trực thăng vận của Mỹ, cổ vũ phong trào diệt máy bay địch trong toàn chiến trường miền Nam.

Năm 1965 anh được truy tặng danh hiệu anh hùng. Quê hương anh đã đặt tên xã Nguyễn Việt Khái.

- Anh hùng liệt sĩ Lý Văn Lâm : [tức Lý Ngọc Báu] sinh năm 1941 [có tư liệu ghi 1938] trong gia đình nông dân nghèo ở thị xã Cà Mau. Năm 1959 anh tham gia vào du kích xã, năm 1960 anh được kết nạp vào Đoàn thanh niên, năm 1961 được kết nạp vào Đảng sau đó làm Trung đội phó du kích xã Lợi An. Trong một trận đánh năm 1961 anh bị thương cụt tay phải và mờ cả hai mắt, nhưng anh vẫn kiên trì tập luyện kéo cò súng bằng cùi tay và trở thành xạ thủ bắn tỉa rất giỏi [21 viên đạn diệt 22 tên địch].

Trong 8 năm đồng chí tham gia chiến đấu 56 trận, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí đã diệt và làm bị thương 101 tên, bắt sống 04 tên và thu nhiều vũ khí.

Năm 1967 Lý Văn Lâm được phong tặng danh hiệu anh hùng. Năm 1969 trên đường công tác bị địch phục kích, đồng chí chiến đấu dũng cảm đã hy sinh trong tư thế chiến đấu.

Lý Văn Lâm là tấm gương anh hùng tiêu biểu của tuổi trẻ, sau khi anh hy sinh, trên quê hương Cà Mau đã đặt tên một xã Lý Văn Lâm và một đường phố Lý Văn Lâm tại thị xã Cà Mau.

- Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Kỷ : sinh năm 1949 ở ấp Cây Khô xã Tân Lợi huyện Thới Bình, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 10 tuổi Hồ Thị Kỷ đã được hướng dẫn biết đưa thư bí mật, đưa tin; năm 12 tuổi được kết nạp vào Đội TNTP, sau đó tiếp tục làm giao liên ở ấp, xã. Năm 1968 chị được kết nạp vào Đoàn thanh niên.

Năm 1969 chị tổ chức nhiều trận đánh biệt động vào thị xã Cà Mau diệt ác ôn và phá hủy kho tàng vũ khí, xe của địch. Với những thành tích xuất sắc chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 03/04/1970  chị đưa 10 kg mìn vào đánh ty Cảnh sát nhưng tình huống diễn ra ngoài ý định, không bỏ lỡ thời cơ chị giả giờ làm quen với địch và kịp ấn kíp mìn, một tiếng nổ long trời từ chị phát ra diệt 27 tên ác ôn [trong đó có 1 sĩ quan Mỹ]  3 xe quân sự và bốt gác địch bị phá sập.

Là trận đánh mà Hồ Thị Kỷ đã anh dũng hy sinh trong tiếng nổ, chị là biểu tượng của tuổi trẻ anh hùng trên quê hương cách mạng Cà Mau. Chị hy sinh để lại muôn vàn tình thương của nhân dân với người con gái 21 tuổi vì nước quên mình. Trong mấy năm làm chiến sĩ biệt động chị đã đánh 6 trận diệt 46 tên địch, phá hủy nhiều xe, đạn dược, kho tàng của địch, Với thành tích đó năm 1972 chị được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Để ghi nhận chiến công oanh liệt của nữ tuổi trẻ anh hùng, xã Tân Lợi quê hương chị đã mang tên Hồ Thị Kỷ; một trường cấp 3, một đường phố Cà Mau cũng được mang tên Hồ Thị Kỷ.

- Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Phi Hùng : sinh năm 1950 ở Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, trong một gia đình nông dân nghèo, cha và anh em trong gia đình hầu hết đi bộ đội tham gia cách mạng [cha là liệt sĩ ].

Năm 1961 Huỳnh Phi Hùng vào học trường thiếu sinh quân, năm 1966 anh xin nhập ngũ vào tiểu đoàn 303 Quân khu 9. Trong trận chống càn ở Thác Lác cuối năm 1967 đại đội của đồng chí đẩy lùi 7 đợt tấn công ồ ạt của địch, riêng anh trận này đã tiêu diệt 40 tên địch. Đặc biệt anh có sáng kiến đánh tàu địch, sáng kiến được phổ biến toàn tiểu đoàn và tiểu đoàn của anh đã bắn chìm, cháy 36 tàu địch. Năm 1969 trong một trận đánh địch đông gấp bội, anh đã chiến đấu dũng cảm hy sinh, để lại tình thương tiếc vô vàn cho đồng đội, khi ấy anh mới vừa 19 tuổi.

Trong ba năm anh tham gia chiến đấu 26 trận, diệt 74 tên địch, bắn rơi 03 máy bay, phá hủy 02 xe quân sự, bắn chìm 1 tàu chiến, bắn hư nặng 03 chiếc khác. Với những chiến công to lớn ấy năm 1970 anh được truy tặng danh hiệu anh hùng.

- Anh hùng liệt sĩ Hồ Trung Thành : [tức Hồ Ngọc Lân] anh sinh năm 1952 ở xã Phú Mỹ huyện Cái Nước. Khi được tuyên dương anh hùng năm 26 tuổi là đại đội trưởng tiểu đoàn 8, quân khu 9, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 10 tuổi anh học trường Ninh Bình, năm 15 tuổi xin nhập ngũ làm thư ký văn phòng Tỉnh Đội, năm 1968 làm liên lạc tiểu Đoàn U Minh II, sau đó anh được kết nạp vào Đoàn thanh niên. Năm 1970 anh về binh chủng đặc công đoàn 8 quân khu 9.

Trong ba năm 1970 - 1971 - 1972 anh tham gia 13 trận đánh đặc công ở vùng Cần Thơ cùng với đồng đội tiêu diệt nhiều vũ khí, kho tàng, sinh lực địch. Riêng anh tiêu diệt 47 tên, phá hủy 15 máy bay, 15.000 tấn đạn, 03 xe quân sự, đốt cháy kho xăng 1 triệu lít.

Năm 1987 vết thương nặng của anh tái phát, mặc dù được các y bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng không khỏi, anh đã mất ngày 22/07/1978. Cũng năm đó anh được Nhà Nước phong tặng danh hiệu anh hùng.

III. NHỮNG TRUYỀN THỐNG CƠ BẢN CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

1. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, quyết tâm đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng đến thắng lợi

Từ khi ra đời đến nay, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, khi phong trào lên cao hay tạm thời lắng xuống; Đoàn và thế hệ trẻ luôn thể hiện lòng trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng là đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ta tiến lên theo con đường XHCN. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn giáo dục, tổ chức, động viên thanh niên gương mẫu thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong từng thời kỳ. Tiêu biểu cho lòng trung thành và tinh thần kiên cường cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam là những tấm gương sáng ngời của lớp lớp đoàn viên thanh  niên, đó là:

- Lý Tự Trọng : người đoàn viên TNCS  đầu tiên của Đoàn với lời tuyên bố đanh thép trước toà án đại hình của thực dân Pháp. “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể là con đường nào khác”, đã được lớp lớp đoàn viên sau anh coi như lời tuyên ngôn của thế hệ mình.

- Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng mở đầu cho truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đoàn, đó là: Cao Xuân Quế, 17 tuổi, quê Lĩnh Sơn huyện Anh Sơn, được kết nạp Đoàn trong những ngày đấu tranh quyết liệt. Bị địch bắt tra tấn dã man nhưng anh vẫn trung thành với Đảng, vẫn lạc quan hát vang bài ca “Thanh niên cận vệ” ở trong tù. “Chúng ta là thanh niên cận vệ. Chúng ta là đội cận vệ của ngày mai, sinh trưởng trong nỗi đớn đau, khốn cùng, một là toàn thắng, hai là hy sinh...”  và Cao Xuân Quế đã anh dũng hy sinh trong ngục tù đế quốc.

Đó là Lê Cảnh Nhượng, bí thư chi bộ đoàn TNCS xã Phong Mẫn, Thanh Chương, Nghệ An, anh đã chỉ huy đội tự vệ xã gan dạ chiến đấu; khi bị bắt và xử bắn, bọn quan tòa thóa mạ Đảng ta, anh đã đứng phắt  dậy chỉ vào mặt bọn chúng: “Các người không được nói láo, Đảng Cộng sản chúng tôi không hề cướp của giết người. Đảng chúng tôi làm cách mạng để đánh đổ đế quốc, phong kiến, chính các người mới là bọn cướp nước, giết người”.

- Đi theo con đường của các anh, người con gái Đất Đỏ anh hùng Võ Thị Sáu đã bước ra pháp trường với tư thế hiên ngang của người chiến thắng. Chị nói : “Vì Tổ quốc, vì đồng bào mà hy sinh thì tôi sẵn sàng hy sinh cả tuổi trẻ của mình”.

Thật là : “Chị Sáu ơi bông hoa chị cài đầu

              Còn thắm mãi với ngàn cây Côn Đảo”.

Chính lòng trung thành đó là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam, giúp cho biết bao thế hệ thanh niên nước ta làm nên những sự tích anh hùng như La Văn Cầu chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo .v.v...

 “Phan Đình Giót như hòn núi lớn

Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai”.

- Chị trần Thị Lý trước sự tra tấn dã man của kẻ thù vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với Tổ quốc chị trở thành biểu tượng người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

- Nguyễn Văn Trỗi - người công nhân thợ điện 9 phút cuối cùng còn chiến đấu và hóa thành bất tử : “Còn giặc Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả”.

- Ngay tại Cà Mau xuất hiện bao tấm gương tuổi trẻ anh hùng: Chị Hồ Thị Kỷ cùng giỏ mìn bật kíp quyết tiêu diệt lũ ác ôn :

 “Từ trái tim em bừng tiếng nổ

Cuối trời Tổ quốc lửa dâng cao

Từ trái tim em nung thép đỏ

Chảy vào mạch sống vạn đời sau”.

                                [Nguyễn Hải Tùng]

Khi Nguyễn Viết Xuân hô: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”; 10 cô gái thanh niên xung phong -10 cây mốc sống anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc và Lê Đình Chinh kiên cường không lùi một bước, không nhượng một gang là giai đoạn phẩm chất anh hùng cách mạng và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân của tuổi trẻ Việt Nam nở rộ như hoa mùa xuân, trở thành một lực lượng hùng hậu trên chiến trường góp phần quyết định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

 “Sống cùng Đảng chết không rời Đảng

Tấm lòng son chói sáng nghìn thu”.

                                          [Tố Hữu]

Giác ngộ và trung thành với lý tưởng của Đảng, suốt chặng đường qua Đoàn thanh niên đã chiến đấu vinh quang dưới ngọn cờ của Đảng, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những năm gần đây kẻ thù và những thế lực phản động dùng âm mưu, “diễn biến hòa bình” tấn công sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; khi tình hình Liên Xô và các nước XHCN Đông âu sụp đổ, một lần nữa chứng minh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kiên định lý tưởng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân lựa chọn; tích cực hưởng ứng công cuộc đổi mới đất nước, tiến quân vào thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp theo con đường XHCN.

2. Truyền thống của một lực lượng xung kích cách mạng luôn nêu chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần sáng tạo, đoàn kết thanh nên cả nước để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, của nhân dân giao phó

Ngay sau khi thành lập [26/03/1931] các đoàn viên TNCS Đông Dương đã tỏ rõ vai trò xung kích cách mạng của mình trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh qua các đội “cận vệ đỏ”, chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân; đi đầu trong các phong trào đấu tranh  đòi dân sinh,  dân chủ, đấu tranh chống  đế quốc và phong kiến. Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ: “Đâu Đảng cần thanh niên có,  Việc gì khó có thanh niên”.Hàng vạn thanh niên đã xung phong tòng quân giết giặc, tham gia dân quân du kích hỏa tuyến vận lương tải đạn ra chiến trường, tay cày, tay súng hăng hái lao động sản xuất ở hậu phương. Hầu hết ở mũi nhọn tiền tuyến cũng như hậu phương thanh niên đều xung phong đảm nhận nhiệm vụ nặng nề, gian khổ, hy sinh với tinh thần sáng tạo, tiến công, lạc quan cách mạng :

                        - “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

                             Mà lòng phơi phới dậy tương lai”:

             và :  - “Đi ta đi khai phá rừng hoang

                           Hỏi núi cao đâu sắt đâu vàng

                           Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy

                           Sông Đà, Sông Lô, Sông Hồng, Sông Chảy

                           Hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều”.

                                                                  [ Tố Hữu ]

Họ phát huy lời thề cao cả: “Đời chưa hết giặc là ta chưa về”. Đó là Lê Mã Lương với “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; là Võ Thị Thắng cười tươi trước tòa tuyên bố: “Ta chỉ sợ chúng mày không tồn tại đến 20 năm để thi hành bản án”.v.v...

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đoàn đã phát động phong trào thanh niên “3 Sẵn sàng” ở miền Bắc và “5 xung phong” ở miền Nam và nhiều phong trào khác, chính vì vậy mà cả thế hệ lên đường làm nên chiến thắng. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống Pháp và Mỹ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam phát triển rực rỡ, tiêu biểu nhất là những tấm gương đoàn viên TNCS . Tuổi trẻ đã cùng Đảng cùng toàn dân làm nên những Điện Biên Phủ anh hùng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chấn động toàn cầu, góp phần to lớn làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới của đế quốc.

Đất nước giải phóng với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đoàn thanh niên đã động viên tuổi trẻ đi vào cuộc chiến đấu mới đầy gian khổ, thử thách, khắc phục hậu qủa chiến tranh, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc thân yêu. Nhiều phong trào của Đoàn liên tiếp được phát động như: “3 xung kích làm chủ tập thể”, “Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Cuộc hành quân theo chân Bác”. Hiện nay Đoàn đang phát động tổ chức thực hiện hai phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”. Qua những phong trào đã thu hút hàng triệu đoàn viên thanh niên tham gia sôi nổi, lập nhiều thành tích mới.

Trên mặt trận sản xuất, thanh niên đã lập nên nhiều kỳ tích với phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi đã sản sinh ra những “Bàn tay vàng” của một lớp thợ trẻ ra đời.  Đặc biệt Đoàn đã động viên tuổi trẻ đến với những công trình lớn của đất nước như Sông Đà, Trị An, Dầu Tiếng, Ya ly, đã xuất hiện gương mặt tuổi trẻ anh hùng lao động như Lê Thị Ngừng, nhiều nhà quản lý giỏi, doanh nghiệp trẻ ra đời trong thời kỳ đổi mới.  Có thể nói thanh niên đã phát huy vai trò xung kích cách mạng trên mọi lĩnh vực công tác, học tập, lao động sản xuất và chiến đấu góp phần to lớn vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của đất nước.

Trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc tuổi trẻ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng chống âm mưu luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, ngày đêm canh giữ biển trời biên giới, nhiều phong trào của Đoàn như “Vì Trường Sa thân yêu”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ”, “Tuổi trẻ làm theo 6 điều Bác dạy” .v.v... đã khẳng định sức sống mới của truyền thống Việt Nam mà thế hệ trẻ biết nâng niu và vươn tới.

3. Truyền thống không ngừng học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước

 Được Đảng, Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, Đoàn đã động viên thanh niên nêu cao truyền thống hiếu học của dân tộc để nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Ngay trong thời kỳ hoạt động bí mật, biết bao cán bộ, đoàn viên đã khắc phục khó khăn gian khổ để học tập; học tư tưởng cách mạng, học chỉ thị, nghị quyết của Đảng học kinh nghiệm đấu tranh. Nhiều đoàn viên đã biến nhà tù thành trường học để tự trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực và trình độ của mình.

Thực hiện lời Bác dạy: “Học ở trường, học ở trong sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Ở khắp nơi thanh niên đã ra sức học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật, chính trị và tay nghề chuyên môn. Nhiều tấm gương sáng của tuổi trẻ vượt khó trong học tập và trở thành học giỏi, nhiều bạn trẻ đạt giải nhất trong các kỳ thi toán quốc tế như Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng .v.v... hay như chị Lê Thị Hồng Vân [32 tuổi] là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới, người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng vật lý lý thuyết quốc tế; anh Hoàng Nam Nhật [32 tuổi] đã là tiến sĩ được bầu làm viện sĩ viện hàn lâm khoa học  Newyork - Mỹ. Các anh chị không những là niềm tự hào của thanh niên Việt Nam mà còn làm cho thế giới khâm phục. Chúng ta có thể tự hào về lĩnh vực âm nhạc với sự thành công của Đặng Thái Sơn; về nhiều môn thể thao trí tuệ khác tuổi trẻ Việt Nam cũng đạt giải.

Ở Cà Mau những năm gần đây phong trào học tập, rèn luyện của tuổi trẻ ngày một tăng lên, nhiều bạn trẻ tự khắc phục vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập. Từ năm học 1993 - 1994 đến năm học 1997 - 1998 có gần 200 bạn trẻ đạt học sinh giỏi quốc gia. Nhiều cuộc thi quốc gia như thể thao, văn nghệ nhiều bạn cũng đạt giải.

Để đạt được tầm vóc mới chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ 21, Đoàn đã tổ chức và cho ra đời các giải thưởng, học bổng để khuyến khích thanh niên học tập, rèn luyện toàn diện: “Nâng cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tâm hồn, trong sáng về đạo đức”.

67 Năm qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực sự là trường học XHCN của thanh niên, là nơi rèn luyện và nâng cao trình độ về mọi mặt của thanh niên thông qua phong trào hành động cách mạng. Đoàn đã giúp thanh niên luôn nâng cao nhận thức để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

Ngoài 3 truyền thống được nêu trên, chúng ta tìm hiểu thêm các truyền thống ở các nguồn tư liệu khác mà tác giả chưa có điều kiện biên tập đưa vào tập tài liệu này như :

- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam. Tấm gương sáng của Bác Hồ. Một số địa danh, di tích lịch sử văn hóa của các địa phương và của tỉnh Cà Mau  .v..v..

NHỮNG HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

1. Xây dựng chương trình GDTT theo những mốc lịch sử trong năm

3/2; 8/3; 26/3; 30/4; 1/5; 7/5; 19/5; 1/6; 27/7; 19/8; 2/9; 13/12; 22/12.

2. Hình thức giáo dục truyền thống

- Phát động học tập, sinh hoạt, tìm hiểu, sưu tầm, ghi chép các tư liệu, hiện vật lịch sử.

- Tổ chức các hoạt động về nguồn như viếng nghĩa trang liệt sĩ, hành quân cắm trại ở những nơi có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, căn cứ địa cách mạng; tổ chức thăm viện bảo tàng, phủ thờ, đền thờ Bác [ở những địa phương có phủ thờ, đền thờ Bác];  gặp mặt các thế hệ Đảng - Đoàn - Đội; giao lưu kết nghĩa với các đơn vị bộ đội, lực lượng vũ trang đóng ở địa phương mình; các hội thao quốc phòng, biểu diễn văn nghệ theo chủ đề  gắn với các loại hình nghệ thuật của dân tộc, mời các đồng chí  lão thành cách mạng nói chuyện hoặc cùng đi tham dự sinh hoạt.

- Kết hợp với các hình thức sinh hoạt như thi hái hoa dân chủ; thi tìm hiểu theo chủ đề, thi viết, vẽ, sáng tác văn, thơ, cải lương, lý, hò, vè, tranh, ảnh .v.v... ca ngợi truyền thống của dân tộc, quê hương .v.v...

+  Chú ý : đây chỉ là những gợi ý, các cơ sở Đoàn cần thử nghiệm, tìm tòi, chọn lọc những hình thức giáo dục phù hợp, đạt hiệu quả đối với đặc điểm riêng của địa phương, đơn vị mình ...

3. Phương pháp

- Phân công 1 đồng chí có năng khiếu phụ trách công tác này ...

- Xây dựng phòng truyền thống, góc truyền thống ...

- Có hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao kinh nghiệm, trình độ tổ chức và thiết lập chương trình hoạt thđộng mang tính chất giáo dục truyền thống.

- Có kế hoạch xây dựng chương trình tổng quát [3 tháng, 6 tháng, 1 năm...].

- Linh hoạt trong việc cùng phối hợp hoạt động với các tổ chức, các đoàn thể khác; quan hệ rộng rãi với các ngành, đoàn thể, các cơ sở để tập hợp được cho cơ sở mình một đội ngũ cộng tác viên đáp ứng những yêu cầu cụ thể của BCH Đoàn cơ sở ở từng lĩnh vực, từng thời điểm, từng đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên./.

Video liên quan

Chủ Đề