Vì sao không muốn cứu người tai nạn

Tai nạn giao thông - là điều không ai mong muốn, nhưng nó có thể xảy đến với bất kỳ ai hoàn toàn bất ngờ và người gặp nạn luôn cần đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Thực tế cho thấy, không nhiều người sẵn lòng giúp đỡ người tai nạn, thay vào đó là thái độ thờ ơ, sợ hãi. Ở nhiều trường hợp, sự bàng quan đó có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng đối với nạn nhân và người không cứu giúp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cứu giúp người gặp tai nạn giao thông là hành động mang tính nhân văn sâu sắc. Ảnh Trường Khanh

Thời gian gần đây, những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra liên tiếp khiến nhiều người thương cảm, lo sợ và hoang mang. Bên cạnh đó thì sự vô tâm, ngần ngại của những người chứng kiến tai nạn lại là điều ám ảnh mỗi chúng ta. Có lẽ, hình ảnh đám đông hiếu kỳ dừng lại trước mỗi vụ tai nạn và bình luận, quay phim, chụp ảnh thay vì nhanh chóng giúp đỡ người gặp nạn đã trở nên quen thuộc. Chính sự hiếu kỳ đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cứu hộ, cứu nạn và là nguyên nhân gây ra các vụ ùn tắc giao thông, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Lý giải cho hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, hầu hết những người lái xe đi qua hiện trường đều muốn cứu người, thậm chí khi được yêu cầu, họ đã dừng xe, nhưng sau một hồi phân vân, họ lại bỏ đi. Điều đó xuất phát từ sự suy tính, sợ bị phiền hà khi phải hợp tác, trả lời thông tin cho cơ quan chức năng, sợ bị gia đình nạn nhân hiểu lầm và đôi khi là sự ái ngại về tâm linh khi chở những nạn nhân tai nạn nguy kịch trên xe của mình.

Anh Trần Văn Nam [phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên] cho biết: "Làm nghề lái taxi, tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông. Tôi nhận thấy, với những vụ tai nạn nhẹ thì mọi người nhanh chóng giúp đỡ người gặp nạn dựng xe hoặc kịp thời sơ cứu, nhưng với những vụ nghiêm trọng, hầu hết phản ứng ban đầu của mọi người là sợ hãi, tò mò và không biết cách xử lý tình huống. Khi được yêu cầu giúp đỡ, nhiều người có phương tiện tỏ ra ngần ngại hoặc trốn tránh. Bản thân tôi đã từng chở một nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện. Tôi nghĩ, nếu mình cũng rơi vào trường hợp này mà không ai cứu giúp thì sao?".

Khi gặp những vụ tai nạn không phải ai cũng mạnh dạn giúp đỡ người bị nạn, hoặc muốn giúp nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Họ không có kỹ năng xử lý tình huống, sơ cứu, hiểu biết các quy định của pháp luật. Nhưng cũng có người lo sợ lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng bởi trên thực tế, lợi dụng lúc lộn xộn, có nhiều đối tượng giả vờ giúp đỡ, mượn điện thoại để báo cho người thân của nạn nhân rồi cướp tài sản hoặc trộm cắp đồ. Tuy nhiên, dù biện minh bằng lý do gì thì khi có khả năng giúp đỡ mà bỏ mặc nạn nhân là điều thật sự đáng trách. Cứu giúp người tai nạn giao thông không những là đạo lý mà còn là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đã được quy định rõ trong luật.

Luật sư Tạ Ngọc Toàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định: Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, trừ các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này. Tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 - 1.000.000 đồng theo quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, việc không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có điều kiện cứu giúp có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có thể bị xử phạt đến 5 năm tù giam.

Tuy nhiên, luật sư Tạ Ngọc Toàn cũng cho biết, rất khó xác định "các điều kiện cứu giúp" của người không thực hiện trách nhiệm cứu giúp, cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của người gặp nạn có xuất phát từ hành động thờ ơ của người bị truy tố hay không? Vì vậy, để loại trừ những hành động và thái độ vô tâm của mọi người, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, quan tâm tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan lồng ghép với việc giáo dục ý thức, nâng cao trách nhiệm của con người trước con người. Đồng thời, mọi người cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cơ bản, kỹ năng xử lý tình huống khi gặp tai nạn giao thông, như: Kêu gọi mọi người chứng kiến hỗ trợ và bảo vệ hiện trường; báo cho công an nơi gần nhất; gọi cấp cứu 115 hoặc bệnh viện nơi gần nhất… Quan trọng nhất, chúng ta cần có sự đồng cảm với những người không may gặp tai nạn và hãy nhớ rằng tai nạn giao thông có thể xảy ra với bất cứ ai. Đừng vì sự vị kỷ cá nhân mà tiếp tục để sự vô cảm lan dần trong xã hội văn minh. Cứu người - trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đó mới là lẽ sống mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Mai Thơ


[PLO]- Vụ việc cô gái bị bỏ mặc khi tai nạn ở quận Tân Phú, TP.HCM đã tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.

Ngay sau các bài viết "Vụ cô gái bị tai nạn không ai cứu: Tôi đau lắm" [tác giả là bạn đọc Thái Hoàng]; "Vụ cô gái bị tai nạn không ai cứu: Vì sao tôi chọn bỏ đi?" [tác giả là bạn đọc Võ Phạm] được đăng tải, PLO đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc xung quanh vấn đề bỏ mặc người bị tai nạn.

Vì sợ vạ lây nên không dám cứu

Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi bỏ mặc cô gái gặp tai nạn ở quận Tân Phú là do sợ gặp rắc rối về sau. Chúng tôi xin tổng hợp lại một số ý kiến bình luận của bạn đọc được gửi về theo chiều hướng này. 

- Tôi từng giúp người và suýt bị người nhà nạn nhân đánh chết vì tôi chở người bị tai nạn vào bệnh viện nhưng họ lại nghĩ tôi là người gây tai nạn. Họ không hỏi một lời, tự dưng 4 người xúm lại đánh tôi. Sau đó lại xin lỗi. Đúng là cứu vật vật trả ơn, cứu người người trả oán... Những người bạn cứu không phải ai cũng có hiểu biết - Nguyễn Tự Lập.


Nhiều người đi đường chỉ đứng nhìn hai nạn nhân nằm trên vỉa hè ở quận Tân Phú. 

- Nhìn clip thì thấy đúng là quá vô cảm và tự nhủ rằng nếu có mình ở đó thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác, rằng mình đã tìm mọi cách để cứu cô gái ấy. Thế nhưng, thật tâm nhìn lại, nếu ngay lúc đó ở trong hoàn cảnh đêm hôm khuya vắng như thế, tôi không chắc mình có đủ can đảm để quyết định dừng lại cứu hay không- Lê Phương.

- Thật là tội nghiệp cho cô gái trẻ bị tai nạn mà không ai cứu giúp. Nhưng tôi cũng có suy nghĩ như tác giả bài viết trên. Đưa người vào bệnh viện thì bị giữ lại để xem có phải là người gây tai nạn không, sau đó còn bị công an mời lên mời xuống... Nếu nạn nhân còn sống thì đỡ hay có camera như vụ vừa rồi thì được minh oan, không thì rắc rối với gia đình nạn nhân và pháp luật. Trước khi kêu gọi tình người với nhau thì ít nhất các cơ quan chức năng như bệnh viện, công an phải có cách làm việc như thế nào đó để mọi người cảm thấy yên tâm khi giúp người- Tu Huynh 

  - Tui giúp đưa một bà già khoảng hơn 70 tuổi một chút bị tai nạn về nhà bà ở Trác Văn-Duy Tiên-Hà Nam. Bà bảo với người nhà bà là tui gây tai nạn cho bà. Cả nhà họ chửi tui. May mà chưa bị đánh- Linh.

- Cách đây vài năm, tôi cũng suýt trở thành nạn nhân lúc cứu giúp người bị nạn, máu chảy rất nhiều... Sau đó, người nhà nạn nhân lao vào đánh vì tưởng tôi là thủ phạm. Vụ khác, sau khi đưa nạn nhân đi bệnh viện, tôi bị giữ lại rất lâu làm "thủ tục" giấy tờ thay người nhà và sau đó là công an mời tới lấy lời khai... Điều chán nhất là tôi bị đối xử như kẻ có lỗi... Lòng tốt, lòng trắc ẩn ai cũng có ít nhiều, nhưng trải qua sự phức tạp sau khi hành hiệp hay đã từng bị rầy rà bởi các cơ quan công quyền, thì việc mọi người né chuyện là dễ hiểu, dù bị chê là vô cảm. Xã hội phương tây ở các nước giàu cũng thế thôi! - NSQ13

Dù bị vạ lây nhưng vẫn phải cứu người

Tuy nhiên, hầu hết các bình luận bạn đọc gửi về là bày tỏ sự phẫn nộ khi cho rằng những người đi đường thấy cô gái và người thanh niên gặp nạn mà vẫn không giúp là quá vô cảm. Rất nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người hãy xắn tay áo bằng nhiều cách cứu người trong khả năng của mình [gọi cảnh sát, xe cứu thương, hoặc cùng thuyết phục những người đi đường khác đưa nạn nhân đến bệnh viện]...

- Cô gái ấy nằm trên lề đường ở quận Tân Phú [TP. HCM] một mình suốt mười mấy phút sáng sớm 25-6. Cô đã ra đi vĩnh viễn mà không thể nhắn gửi ai đó chuyển một lời tới mẹ, tới con gái. Cặp mắt cô trước khi khép lại rất có thể đã nhìn thấy những bóng người lướt qua. Sao mọi người tàn ác đến như vậy? Đừng ngụy biện cho sự hẹp hòi, ích kỷ và bởi sự tàn ác của mình nữa. Không chở họ đi bệnh viện thì cũng móc điện thoại để gọi cho cảnh sát hay y tế mà. Nhưng họ vô cảm và quá tàn ác với đồng loại khi chỉ đứng nhìn rồi đi- Bùi Ngọc

- Đừng nhìn thấy những rắc rối xung quanh rồi tự co mình lại, không dám làm gì. Cứ hãy giúp người đi đã...- Hoàng Đông.

 - Chính tôi đã từng cứu giúp người gặp nạn ít nhất 3 lần mà cũng không có được đến một lời cảm ơn. Mặc kệ, việc cần thì mình cứ làm thôi! - Xuân Trường.

- Người xưa từng dạy: "Thi ân bất cầu báo". Nếu bạn có lòng cứu người thì cứ làm, đừng ngụy biện này nọ. Bạn đứng đó "tư duy" thì có khi đã muộn cho nạn nhân. Sao phải đắn đo - Phạm Minh Thạo

 - Giúp người thì đừng nghĩ lý do. Giúp người là vì cái tâm chứ không phải vì một lý do nào khác. Nếu trong một hoàn cảnh như vậy, tôi giúp cô gái đó có thể sống sót, dù tôi ở tù tôi cũng đồng ý. Nhiều người nghĩ quá nhiều lý do để từ chối rồi dần họ sẽ bỏ mặc hết với nhũng lý do đó. Sự vô tâm của những đi ngang qua vụ tai nạn này, kèm theo sự nhẫn tâm của tài xế taxi là một bài học đắng lòng cho cộng đồng - Trần Văn Tài.

Từ các bình luận của bạn đọc đã phản ánh đa dạng bức tranh xã hội trong câu chuyện này. Chúng tôi cho rằng, việc cứu giúp người gặp nạn có thể khiến người tốt gặp rắc rối, bị hiểu nhầm sau đó. Tuy nhiên, không thể vì những rắc rối đó mà chúng ta có thể dửng dưng bỏ mặc đồng loại của mình. Tính mạng con người phải được đặt lên trên hết, dù bất kể lý do gì. Những hiểu nhầm hay rắc rối về sau rồi cũng sẽ được hóa giải, nhưng sự sống-chết của một người có khi nằm ở quyết định của bạn trong vài giây. 

TRÚC PHƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề