Án ma ni bát di hồng là gì

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hồng Như chuyển Việt ngữ
Nguyên bản tiếng Anh: Om Mani Padme Hum, by HH the Dalai Lama
******

  • Nghiên cứu về thần chú Om Mani Padme Hum
  • Ý nghĩa của Om Mani Padme Hum
  • Lý Luận Dịch Kinh Của Huyền Trang

Trì tụng minh chú Om mani padme hum [Án ma ni bát di hồng] là một việc rất tốt. Tuy vậy, khi tụng chú cần phải nhớ nghĩ đến ý nghĩa của lời chú, vì sáu âm này mang ý nghĩa thâm sâu quảng đại vô cùng.

Âm thứ nhất, OM, là tổng hợp của ba mẫu tự A, U và M, tượng trưng cho thân miệng ý ô nhiễm của người tụng chú, đồng thời cũng tượng trưng cho thân miệng ý thanh tịnh của Phật đà.

Có thể nào chuyển thân miệng ý ô nhiễm thành thân miệng ý thanh tịnh được không? hay đây là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt? Tất cả chư Phật đều là đã từng là chúng sinh, nhờ bước theo đường tu nên mới thành đấng giác ngộ; Phật Giáo không công nhận có ai ngay từ đầu đã thoát mọi ô nhiễm, mang đủ mọi tánh đức. Thân miệng ý thanh tịnh đến từ sự tách lìa trạng thái ô nhiễm, chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh.

Chuyển hóa bằng cách nào? Phương pháp tu được nhắc đến qua bốn âm kế tiếp. MANI [ma ni], nghĩa là ngọc báu, tượng trương cho phương tiện, là tâm bồ đề, vì chúng sinh mà nguyện mở tâm từ bi, đạt giác ngộ. Cũng như viên ngọc quí có khả năng xóa bỏ cảnh nghèo, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng xóa bỏ sự bần cùng khó khăn trong cõi luân hồi và niết bàn cá nhân. Như ngọc như ý có khả năng chu toàn mọi ước nguyện của chúng sinh, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng chu toàn mọi ước nguyện chúng sinh.

Hai chữ PADME [bát mê], nghĩa là hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ. Hoa sen từ bùn mọc lên nhưng lại không ô nhiễm vì bùn. Tương tự như vậy, trí tuệ có khả năng đặt người tu vào vị trí không mâu thuẫn ở những nơi mà người thiếu trí tuệ đều sẽ thấy đầy mâu thuẫn. Có nhiều loại trí tuệ, trí tuệ chứng vô thường, trí tuệ chứng nhân vô ngã [con người không tự có một cách độc lập cố định], trí tuệ chứng tánh không giữa các phạm trù đối kháng [nói cách khác, giữa chủ thể và khách thể] và trí tuệ chứng sự không có tự tánh. Mặc dù có nhiều loại trí tuệ, nhưng chính yếu vẫn là trí tuệ chứng tánh Không.

Trạng thái thanh tịnh có được là nhờ sự kết hợp thuần nhất giữa phương tiện và trí tuệ, được thể hiện qua âm cuối, HUM [hồng]. Âm này ứng vào trạng thái bất nhị, không thể phân chia. Trong hiển thừa, phương tiện và trí tuệ bất nhị có nghĩa là phương tiện ảnh hưởng trí tuệ, và trí tuệ ảnh hưởng phương tiện. Trong mật thừa, sự hợp nhất này ứng vào một niệm tâm thức trong đó phương tiện và trí tuệ đồng loạt hiện hành. Nói về chủng tự của năm vị Thiền Phật, HUM là chủng tự của Bất Động Phật [Akshobhya], sự đứng yên không gì có thể lay chuyển nổi.

Vậy Lục Tự Đại Minh Chú, Om mani padme hum, có nghĩa là dựa vào đường tu kết hợp thuần nhất phương tiện và trí tuệ mà người tu có thể chuyển hóa thân miệng ý ô nhiễm của mình thành thân miệng ý thanh tịnh của Phật. Thường nói người tu không thể tìm Phật ở bên ngoài, tất cả mọi nhân tố dẫn đến giác ngộ đều sẵn có từ bên trong. Đức Di Lạc Từ Tôn có dạy trong bộ Tối Thượng Đại Thừa Mật Luận [Uttaratantra] rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh trong tâm. Chúng ta ai cũng mang sẵn trong mình hạt giống thanh tịnh, cốt tủy của Như Lai [Tathatagarbha – Như lai tạng], đó là điều cần nuôi nấng phát triển đến mức tột cùng để bước vào địa vị Phật đà.

Chùa Từ Lâm

ghi chú thêm của Thienphatgiao.org:
“Án ma ni bát di hồng” là phiên âm tiếng Việt cũ, hiện nay đa số các Phật tử nếu trì tụng thần chú này thì thường trì tụng theo âm tiếng Tây tạng, tiếng Phạn, hoặc phiên âm latin gắn sát với chữ Om Mani Padme Hum

  • Nghiên cứu về thần chú Om Mani Padme Hum
  • Ý nghĩa của Om Mani Padme Hum
  • Lý Luận Dịch Kinh Của Huyền Trang

Aum Mahi Padmé Hum

Câu chú rất linh bằng tiếng Phạn, hiệp lại sáu chữ. Nên đọc: Ốm ma Ni bát di hồng. Tức là câu Lục tự Đại Minh Chơn ngôn. Các người tu Phật, nhứt là các người tu Phật ở Tây Tạng thường đọc câu ấy lắm. Có lắm người nhập thất, đọc luôn câu ấy hết ngày thâu đêm. Đọc câu ấy thì được chư Phật phò trì, tu hành tấn hóa và khi thác thì vãng sanh về với Tịnh độ.

Mỗi lần niệm mà muốn có công hiệu thì nên niệm cho đủ 108 lần.

Câu chú niệm ấy có nghĩa như vầy:

Án: chữ thay thế cho chư Phật, chư Thánh, chư Thần, gồm tất cả Võ trụ.

Ma ni: món quý báu: joyau.

Bát mê: hoa sen.

Hồng: chữ linh, chư quỷ thần nghe tiếng ấy đều kính nể, hộ trợ.

Vậy trọn câu niệm có ý nghĩa: Cái quý báu trong hoa sen!

Người niệm câu ấy có ý mong rằng mình sẽ vượt qua các quả mà đến ngôi vị của Phật. Hoặc họ có ý nguyện chừng thác thì sẽ được mình ngồi trong tòa sen ở cảnh Tịnh độ ở Tây phương.

Bên Tây Tạng, từ người tu xuất gia cho đến kẻ thiện tín tại gia, ai nấy đều trì niệm câu Lục tự đại minh chơn ngôn ấy.

Riêng ai muốn chuyên môn tu pháp môn ấy thì họ đến cầu pháp, thọ lễ "qui y" ở một vị sư.

Theo từ điển Phật học Hán Việt của Đoàn Trung Còn

Chủ Đề