Bài tập bảo tồn di sản kiến trúc năm 2024

Những công trình kiến trúc xưa cũ tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những công trình kiến trúc xưa cũ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị, và tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố.

Hơn thế nữa, những công trình đó còn gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển lịch sử.

Thế nhưng, áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa, những di sản kiến trúc luôn phải đối mặt với tình trạng đe dọa bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. Trước tình hình này, một số đô thị trên thế giới đã áp dụng thành công những biện pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc.

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn, là một cửa ô của Hà Nội xưa

TS Ngô Viết Nam Sơn- Chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm quy hoạch, kiến trúc tại nhiều đô thị trên thế giới cho biết, bất cứ một đô thị nào cũng chịu áp lực của sự phát triển với những xu hướng kiến trúc hiện đại.

Tuy nhiên, phần lớn các đô thị lựa chọn cách bảo tồn các công trình di sản kiến trúc và hạn chế tình trạng tháo dỡ, phá bỏ các công trình này bởi họ ý thức được những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của những công trình này đem lại.

Đơn cử như Tp. New York, Mỹ cũng đã từng đối mặt với những làn sóng phát triển sau năm 1945. Các nhà đầu tư sẵn sàng phá bỏ toàn bộ khu phố di sản để xây nhà cao tầng. Tuy nhiên, nhờ các chuyên môn lên tiếng kịp thời và chính quyền thành phố lắng nghe nên đến nay, công trình kiến trúc di sản làng Greenwich vẫn được bảo tồn và trở thành một trong những khu vực đắt đỏ nhất hiện nay ở thành phố New York. Một ví dụ tương tự cũng xảy ra tại thành phố Montreal, Canada.

TS Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng: "Ở thành phố Môngreanthì cũng có khu phố cổ mà có thời gian cũng muốn đập di sản để mở rộng đường. Nhưng người ta giữ lại và xây khu mới ở gần đó và khu phố cổ họ giữ lại. Và khu đó bây giờ là một khu rất là nổi tiếng, bây giờ khách du lịch đếm Môntreal thì không thể nào không đến khu phố cổ. Để cho thấy rằng cái giá trị giữ lại di sản nó mang đến một cái giá trị kinh tế xã hội rất là cao. Chứ không phải như người ta tưởng mình xây nhà cao tầng là lợi đâu".

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết thêm, tại các thành phố là ở Rome, Pari. New York thực hiện sự có sự phân vùng các khu lịch sử rất rõ ràng với quy chế phát triển chặt chẽ. Theo đó, quy chế quy định và hướng dẫn cụ thể về mật độ xây dựng, chiều cao, phong cách kiến trúc, chất liệu và vật liệu, màu sắc xây dựng cho khu vực đó phải đảm bảo sự thống nhất và tạo nên được bản sắc riêng.

PGS- TS Khuất Tuấn Hưng- Trưởng khoa Kiến trúc cảnh quan- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, mỗi một quốc gia có những cách bảo tồn di sản kiến trúc khác nhau. Trong đó, có xu hướng cho phép thay đổi phía bên trong một số công trình kiến trúc không thực sự có giá trị. Cụ thể là thủ đô Paris, Pháp hay Barcelona, Bruxen, Bỉ mặc dù cho phép thay đổi chức năng bên trong nhưng cố gắng bảo tồn mặt ngoài các công trình kiến trúc để giữ được ký ức đô thị trong các mối quan hệ tổng thể của khu đô thị. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số công trình mới được khéo léo đưa vào bên trong khu vực trung tâm tạo nên sự sống động, hấp dẫn.

PGS-TS Khuất Tuấn Hưng nêu dẫn chứng: "Nếu mà bạn đến Paris của bạn có thể thấy rằng là có rất nhiều những công trình, chẳng hạn như là trung tâm văn hóa Pompidou, nó được xen cấy vào ngay trung tâm của Paris. Nhìn một góc độ nào đó ta thấy rằng là những công trình đó tạo nên thêm sức sống. Vấn đề rất khó ở cái là như thế nào là vừa, như thế nào là vừa phải".

Hiện nay, tại các đô thị châu Á đang lan hỏa rất nhanh xu hướng “ quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng” có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Theo đó, khác với cách thông thường mà các đô thị hiện nay đang làm là công tác bảo tồn di sản kiến trúc chủ yếu có sự tham gia của các nhà chuyên môn và chính quyền đô thị, trong xu hướng mới này, huy động sự tham gia của người dân ngay từ những khâu đầu tiên trong công tác bảo tồn các công trình di sản kiến trúc để cùng thảo luận nên bảo tồn cái gì? Cái gì sẽ bị loại bỏ và cách ứng xử với các công trình kiến trúc như thế nào?.

Điều đáng ngạc nhiên là sau khi người dân Thái Lan tham gia vào quá trình này, thì số lượng di sản nó được bảo tồn tăng lên so với số lượng các nhà chuyên môn dự tính và khu vực đó được bảo tồn rất tốt so nhờ sự đồng thuận của người dân.

Với kinh nghiệm nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, TS Lê Quỳnh Chi- Giảng viên Khoa Kiến trúc quy hoạch trường ĐH Xây dựng cho biết, nhiều đô thị trên thế giới nhận diện di sản đô thị rộng hơn nên các giải pháp bảo vệ các công trình di sản kiến trúc cũng linh hoạt hơn. Đáng chú ý là những con ngõ nhỏ rộng chưa đầy 2 mét ở thủ đô Tokyo hay những nhà kho được biến thành khu vực shopping ở thành phố Yokohama, Nhật Bản đều là những công trình di sản cần được bảo vệ.

Để bảo tồn những công trình di sản kiến trúc có giá trị tại các khu vực trung tâm, một số thành phố của Nhật Bản đã sử dụng công cụ Chuyển nhượng quyền phát triển không gian [TDR-Transfer Development Rights]- một công cụ thông minh, có khả năng hỗ trực thực hiện và điều chỉnh các nội dung quy hoạch phát triển trên thực tế.

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội

TS Lê Quỳnh Chi cho biết: "Ở Nhật cũng có 1 cái gọi là TDR, cho phép chuyển giao quyền phát triển trên không. Ví dụ như ở trung tâm [li ô ghi chi] của Nhật thì người ta áp dụng cái phương pháp này. Có nghĩa là cái khu vực ấy nó giống như khu vực phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm ấy. Nó như 1 cái trung tâm tài chính, kinh tế của thủ đô Tokyo, nó cũng có di sản từ thời Minh Trị. Thế nhưng để bắt buộc giữ lại cái di sản ấy thì rất là khó vì áp lực phát triển rất là mạnh.

Thế là chính quyền mới đưa ra một cái chính sách là nếu như anh giữ được 1 phần nào đó của di sản thì anh được phép tăng chiều cao, tăng hệ số sử dụng đất lên. Cái đấy rất là thành công và cho phép ứng xử về di sản rất là linh hoạt. Tức là mình cho phép xây 1 cái nhà cao tầng với kiến trúc rất hiện đại ngay bên cạnh 1 công trình di sản chỉ có 3 tầng thôi, bằng đá hay bằng gạch chẳng hạn. Thế thì đấy là 1 cách nhìn rất là linh hoạt và nó giữ được công trình di sản ở lại".

Ở một góc nhìn khác, KTS Nguyễn Tuấn Anh- Nhà sáng lập Không gian kiến trúc cộng đồng [Agohub] cho rằng, một số đô thị trên thế giới cũng đã có những bài học “xương máu” về cách ứng xử với các công trình di sản kiến trúc. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, những công trình kiến trúc nếu được đối xử đúng cách sẽ mang lại những giá trị văn hóa, lịch sử và giá trị kinh tế rất lớn. KTS Nguyễn Tuấn Anh cho biết, ở một số quốc gia ý thức rất rõ ràng về việc gìn giữ những công trình di sản kiến trúc bởi nó giúp người dân, chủ sở hữu của các công trình có thể thu hút được những nguồn lực, từ những hoạt động du lịch và những dự án liên quan.

Có thể nhìn thấy những quán cafe có thể không quá đặc biệt nhưng lại có dấu ấn của những vĩ nhân ở đấy, hay là những toà nhà không có chức năng gì đặc biệt phục vụ cho thành phố nhưng lại có dấu ấn về nghệ thuật và đã thu hút được rất nhiều những chương trình tham quan về du lịch, đóng góp rất nhiều GDP cho thành phố đó và đặc biệt đem đến giá trị khác biệt cho thành phố đó với thành phố khác ở trên thế giới.

Chia sẻ về kinh nghiệm hài hoà giữa xu hướng phát triển hiện đại với việc bảo tồn di sản kiến trúc của một số đô thị trên thế giới, KTS Nguyễn Tuấn Anh nói: "Việc hài hoà giữa kiến trúc truyền thống với các kiến trúc mới thì cũng là bài học của rất nhiều đô thị trên thế giới.Chúng ta có thể tham khảo rất nhiều thành phố như Tokyo, London ngay cả những thành phố có địa lý rất gần chúng ta như Kualalampua, họ cũng có rất nhiều những giải pháp thú vị".

Nguyên tắc đầu tiên của họ theo quan sát của tôi thì việc bảo tồn các công trình có giá trị là điều bắt buộc. Không vì lý do gì vội vàng mà phá ngay các công trình ấy đi chỉ vì lợi ích kinh tế. Và họ sẽ tìm 1 giải pháp sao cho tất cả những công trình kiến trúc có nhiều niên đại, có nhiều giai đoạn khác nhau có thể đứng cạnh nhau hài hoà.

Ngoài ra, ở một số quốc gia thì có những vùng lõi đậm đặc, những công trình cổ điển hay có những niên đại thuộc cùng một giai đoạn thì họ có những cái đồ án quy hoạch bảo tồn, tuyệt đối không xâm phạm những công trình mới vào trong đó. Bởi vì lúc đó không có khoảng trống nào để xây dựng công trình mới vào đó cả. Nếu xây dựng 1 công trình mới thì phải bỏ đi 1 công trình cũ. Mà bỏ đi 1 công trình cũ đồng nghĩa là tạo ra một kiến trúc ngoại lai với hình ảnh kiến trúc chung.

Hà Nội có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến và Tp.HCM cũng có hơn 300 năm phát triển với nhiều công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo, pha trộn giữa kiến trúc phương Tây và phương Đông. Cùng với thời gian, nhiều công trình kiến trúc có giá trị đã bị xuống cấp, mai một cần phải tu bổ sửa chữa nhưng một số trường hợp lại bị can thiệp quá nhiều, ảnh hưởng đến nguyên trạng như trường hợp Cung thiếu nhi Hà Nội của tác giả KTS Lê Văn Lân. Trong ký ức của người dân Hà Nội và hàng nghìn người thế hệ 7x, 8x luôn hiện diện những kỷ niệm tuổi thơ gắn với Cung thiếu nhi Hà Nội.

Chị Phạm Hải Yến, ở Tam Trinh, cựu đội viên của Cung Thiếu nhi Hà Nội bày tỏ: "Nhìn chung những người sinh ra ở Hà Nội và lớn lên thì cái cung thiếu nhi nó nằm ở góc đường Lê Lai và Lý Thái tổ ấy nó là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Đối với riêng mình thì nó là một hình ảnh rất là thân quen và nó còn có ý nghĩa lịch sử, vừa có ý nghĩa văn hóa. Vì cái nơi ấy nó như ngôi nhà tuổi thơ của mình.Mình nghĩ là cần phải gìn giữ nó như một cái nhà lưu niệm, đối với thiếu nhi thủ đô nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. Đối với thế hệ bọn mình thì nó rất gắn bó, rất thân quen. Bây giờ bảo là biến cái Cung thiếu nhi thành một cái nhà khác, hay là đập đi xây lại cái mới thì dù có hiện đại đến đâu thì mình cũng cảm thấy tổn thất ở trong lòng".

Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội khi mới hoàn thành [1978-1980]. Ảnh tư liệu.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cựu đội viên Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội cho biết, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội không chỉ là một công trình kiến trúc lịch sử và còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố tới các em thiếu nhi: "Kiến trúc cung thiếu nhi thì ngày xưa được gọi là Ấu trĩ viên, được thừa hưởng một cái kiến trúc người Pháp người ta để lại rất là đẹp. Và sau này người Tiệp người ta mới xây cái kiến trúc cao tầng đó. Lần đầu tiên tôi nhớ ở Hà Nội có thang máy, cung thiếu nhi có thang máy. Cái giá trị truyền thống văn hóa của cung thiếu nhi tồn tại hơn 60 năm rồi, trên cái mảnh đất ở giữa thủ đô như thế. Với suy nghĩ của tôi cũng như rất nhiều người làm công tác văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội thì Cung thiếu nhi vẫn là một địa danh cần phải được tồn tại, lưu giữ và phát triển mạnh hơn nữa".

Tại Tp.HCM, trong năm qua, nhiều công trình kiến trúc ở những vị trí đắc địa của thành phố có nguy cơ bị tháo dỡ, thậm chí đã bị phá bỏ bởi những dự án bất động sản. Đơn cử như như công trình kiến trúc, văn hóa biểu tượng Thương xá Tax hơn 130 tuổi ở góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi [quận 1] đã bị tháo dỡ hay khu đất Hãng đóng tàu Ba Son cũng bị thay thế bằng khu nhà cao tầng quy mô lớn. Trong năm 2018, nhiều kiến trúc sư, các văn nghệ sĩ cũng đã bản kiến nghị hơn 6 nghìn chữ ký gửi UBND Tp.HCM đề nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ trong dự án mở rộng Trụ sở UBND & HĐND TPHCM.

Theo TS Ngô Viết Nam Sơn, trong quá trình phát triển mạnh mẽ tại các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt từ thập niên 1990 đến nay, số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn, thậm chí còn cao hơn mức độ bị tàn phá bởi chiến tranh.

Có thể bảo vệ những công trình di sản kiến trúc có giá trị tại Tp.HCM, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trước hết cần phải xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, trong Luật di sản cần có những sự điều chỉnh cho phù hợp để bảo vệ những công trình chưa được xếp hạng. Bên cạnh đó, chính quyền đô thị cũng cần xây dựng được những quy chế quản lý, quy định rõ ràng cho sự phát triển ở từng khu vực, đặc biệt ở các khu vực cần bảo tồn, những công trình được cải tạo, mở rộng phải đảm bảo cùng phong cách kiến trúc hoặc có sự tương xứng, tương hợp.

Ông Sơn đề xuất: "Một mặt là về quản lý mình thiếu cái pháp lý phù hợp, mình thiếu cái quy hoạch phù hợp, thiếu những chuyên gia được đào tạo bài bản phù hợp. Cái điểm thứ 2 cũng quan trọng là trong nguyên lý bảo tồn về di sản thì mình cần khoanh vùng cái trung tâm lịch sử. Ở các nước thì ở các đô thị lâu năm nó đều có cái vùng trung tâm lịch sử. Thì những đô thị lâu năm ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Tp HCM chẳng hạn. tới giờ vẫn chưa có cái khoanh vùng gọi là rõ ràng".

PGS-TS Khuất Tuấn Hưng – Trưởng khoa Kiến trúc Quy hoạch Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, chính quyền các đô thị của Việt Nam có thể học hỏi phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị từ kinh nghiệm thế giới: "Để có thể bảo tồn giữ gìn được những di sản của quá khứ thì cái việc đầu tiên chúng tôi làm là đưa ra được những cái quy hoạch bảo tồn hết sức chặt chẽ. Và những quy hoạch đó là phải nhìn nhận được một cách tổng thể và có đánh giá tiềm năng bảo tồn. Ở đây là cái công cụ đánh giá tiềm năng bảo tồn là công cụ hết sức quan trọng để chúng ta có thể xác định được là khu vực nào là khu vực có giá trị và khu vực nào là khu vực ít giá trị thì ta có thể phân cấp ra, để có thể ưu tiên hơn cho những cái khu vực nào đó quan trọng hơn. Trong cái bảo tồn di sản đô thị thì chúng ta không chỉ giới hạn dừng lại ở trong các công trình mà có giá trị thực sự mà phải mở rộng phạm vi đó ra. Mà việc mở rộng phạm vi đó ra thì cho phép làm gia tăng giá trị của khu vực đô thị".

Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý, việc sử dụng công cụ đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản khá nhạy cảm và không đơn giản, đòi hỏi có sự tham gia của những nhà chuyên môn và phải được thực hiện bài bản, tránh để tình trạng lạm dụng nó.

Nhà thờ Đức Bà

PGS-TS Nguyễn Quốc Thông- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hiện nay tại một số đô thị đã có bảng đánh giá, xếp hạng và phân loại các công trình kiến trúc có giá trị được các nhà chuyên môn xây dựng. Tuy nhiên ông Thông cũng lưu ý, nhìn từ góc độ di sản kiến trúc và đô thị, phải nhìn nhận di sản kiến trúc trong mối quan hệ, với tổng thể, không nên chỉ xem xét những công trình đơn lẻ, tách biệt. Bởi nếu nhìn nhận, đánh giá công trình trong tổng thể với các khu vực xung quanh, tạo thành quần thể có giá trị, giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về những giai đoạn phát triển lịch sử của đô thị.

PGS-TS Nguyễn Quốc Thông- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: "Không chỉ bảo tồn 1 mình công trình mà phải bảo tồn khung cảnh , vì 1 công trình tồn tại mà không có khung cảnh thì rất là không đầy đủ, nhất là thể loại công trình này có 1 cụm, thì mình bảo tồn cả cụm công trình đó hơn là đơn lẻ, vì tất cả những cái đó tạo ra hình ảnh đô thị, tạo ra ký ức đô thị được gìn giữ. Và đô thị nhờ nó mà có sự đa dạng về kiến trúc và lịch sử, chứ nếu xóa đi thì xóa hết dấu vết rất là tiếc".

Đối với công tác cải tạo, nâng cấp, sửa chữa những công trình di sản kiến trúc cũng cần tôn trọng và bảo tồn phong cách kiến trúc của công trình. Từ thực tế công trình Cung thiếu nhi Hà Nội sau khi tiến hành cải tạo sửa chữa lớn, nhiều chi tiết kiến trúc có giá trị đã bị thay đổi thô bạo dẫn đến biến dạng nên đã không được đưa vào danh sách Di sản Kiến trúc hiện đại thế giới mặc dù trước đó đã được Tổ chức Kiến trúc quốc tế lập hồ sơ để xếp hạng, cho thấy đây là bài học mà thành phố Hà Nội và các đô thị khác cần rút kinh nghiệm.

KTS Lê Văn Lân- tác giả thiết kế của Cung thiếu nhi Hà Nội mong muốn, giá như ông có thể tham gia quá trình sửa chữa cải tạo công trình, ông sẽ có thể bảo vệ nguyên trạng và giữ nguyên được “thần thái” cho công trình: "Để giữ được cảm xúc tốt cho công trình thì phải là tác giả. Vì chỉ có tác giả mới có thể biết, cài gì cần phải chỉnh sửa, tác giả cũng biết cần phải làm gì để cho Hà Nội có ký ức, còn cho mất đi thì sẽ mất đi ký ức.Trong kiến trúc đô thị của Hà Nội, cái quý là cái ký ức không phải tiền của, một sự liên tục về quá trình phát triển và xây dựng của người Hà Nội, nó không đứt đoạn, trong lúc chiến tranh vẫn không đứt đoạn thì đấy mới là cái quý".

Trong những giải pháp để bảo tồn các công trình di sản kiến trúc, thì những giải pháp về cơ sở pháp lý đôi khi khá cứng nhắc nên nhiều đô thị trên thế giới đã sử dụng những công cụ về kinh tế để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn của bảo tồn các công trình kiến trúc. Đối vơi các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, biện pháp này lâu nay ít được sử dụng. Trong khi đó, mâu thuẫn lớn nhất trong quá trình bảo tồn và phát triển đó là những xung đột về lợi ích giữa những tổ chức, cá nhân sở hữu công trình di sản kiến trúc và xã hội. Ông Phan Xuân Hải- Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM phân tích, đa phần các công trình di sản kiến trúc đều nằm tại những trục đường lớn, những khu vực trung tâm tại Tp.HCM nên chịu sự “dòm ngó” của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Để bảo vệ những công trình di sản kiến trúc này, hiện thành phố đang nghiên cứu và đề xuất chính phủ cho phép áp dụng công cụ “nhượng quyền phát triển không gian”.

Với cách làm này, có thể thực hiện việc bảo tồn linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa chính quyền đô thị, cá nhân, tổ chức sở hữu di sản và xã hội: "Vấn đề là làm thế nào để hài hòa các công trình kiến trúc di sản thì là ở đây giải quyết vấn đề xung đột về lợi ích, song song với xung đột lợi ích chung của toàn xã hội thì chúng ta cần phải bảo đảm lợi ích riêng của những cá nhân, tổ chức sở hữu các di sản kiến trúc đó. Trong đó tổ chức cốt lõi nhất quyền phát triển bất động sản của cá nhân tại khu đất này. Ví dụ như người ta không thể phát triển bất động sản trên một khu đất, bởi vì khu đất này có di sản phát triển, tuân thủ các quy định về bảo tồn di sản thì các khu đất đó phải được bảo đảm là được chuyển đổi hoặc chuyển nhượng sang khu đất khác sang khu vực có khả năng tiếp nhận. Đó là vấn đề mấu chốt của Tp.HCM trong việc bảo tồn di sản kiến trúc".

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Quỳnh Chi cho rằng, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tại những khu vực có áp lực phát triển kinh tế mạnh như Hà Nội và Tp.HCM thì có thể xem xét giải pháp linh hoạt trong việc hài hòa lợi ích của các bên trong việc bảo tồn di sản. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này sẽ gặp không ít thách thức do Việt Nam trong việc xác định giá trị chuyển đổi trong khi thực hiện nhượng quyền phát triển không gian. Bên cạnh đó, các đô thị Việt Nam cũng có thể khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn di sản: "Trên khía cạnh cá nhân thì tôi thấy có một số bài học như thế này. Cái thứ nhất là sự tham gia của cộng đồng trong quy trình đưa ra giải pháp bảo tồn thì nó cần mở rộng hơn so với cái mọi người vẫn thường nghĩ. Cộng đồng này không chỉ là cộng đồng cư dân sống tại đấy mà cộng đồng doanh nghiệp tham gia trên địa bàn ấy, hay là cộng đồng các hiệp hội, các nhà chuyên môn chẳng hạn. Trong quá trình tham gia một số dự án tại Nhật thì mình có thì mình thấy ở từng khu vực nó có cộng đồng các doanh nghiệp tại đấy và họ có tiếng nói rất quan trọng và có đóng góp rất tích cực để tìm ra các giải pháp bảo tồn".

Nhà thờ Lớn Hà Nội

Theo nhiều chuyên gia, trong điều kiện các đô thị như Hà Nội và Tp.HCM hiện nay có thể cân nhắc, xem xét đến công cụ chuyển nhượng quyền phát triển, một mặt vừa để bảo tồn các công trình di sản kiến trúc, vừa đảm bảo cho sự phát triển. Với công cụ này, các công trình có giá trị được bảo tồn vĩnh viễn với quyền phát triển đã được chuyển nhượng và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các chủ sở hữu công trình có giá trị và người dân.

Hiện nay, vấn đề bảo tồn các công trình di sản kiến trúc nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn, chính quyền các đô thị và đông đảo người dân. Trong phần cuối chương trình, chúng tôi có cuộc trao đổi với KTS Nguyễn Tuấn Anh- Nhà sáng lập Không gian kiến trúc cộng đồng [Agohub] về những lưu ý trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc trong thời gian tới:

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

PV: Thưa ông, để bảo vệ các công trình di sản kiến trúc trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện những giải pháp như thế nào trong ngắn hạn?

KTS Nguyễn Tuấn Anh: Tôi nghĩ việc bảo tồn các giá trị văn hoá lịch sử cũng như là các công trình kiến trúc nói riêng là trách nhiệm chung của tất cả những người đang sinh sống trong thành phố đó. Dù bạn có thể sống ở thành phố này 1 vài năm hay bạn là công dân sống lâu năm.

Việc này cũng có liên quan đến ít nhất 3 cấp độ.Cấp độ thứ nhất là cấp độ quản lý, là cấp độ thuộc về chính sách, thuộc về quan điểm. Việc này thì cần đến những văn bản có những khung pháp lý rất rõ ràng, cụ thể. Bởi nếu không cụ thể thì chúng ta rất dễ sử dụng tuỳ tiện những ngôn ngữ trong văn bản đó để hiểu theo cách này cách kia và dẫn đến việc công trình vẫn có thể bị phá bỏ, mặc dù chúng ta vẫn có những văn bản bảo vệ nó trên lý thuyết.

Cái thứ 2 ở góc độ chuyên môn, giới chuyên môn ở trong lĩnh vực này sẽ phải là những người tiên phong, những người đóng sứ mệnh lớn trong việc chứng minh rằng công trình này có giá trị hay không.Hoặc nếu phải bảo tồn thì bảo tồn thế nào cho phù hợp. Hoặc phải chứng minh việc bảo tồn công trình này không ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố. Đó là công việc của giới chuyên môn và giới chuyên môn phải mạnh mẽ hơn nữa và đưa ra được những luận cứ mang tính khoa học thuyết phục được những nhà quản lý nhà nước hoặc là lôi cuốn được những người dân để tham gia vào công tác này.

Cái thứ 3 liên quan đến người dân và những người sử dụng công trình thì họ phải nhận thức được tốt hơn thông qua sự tự tìm hiểu hoặc được giới chuyên môn trao đổi.Điều đặc biệt nhất là họ phải nhận thức được rằng những công trình đã có giá trị lịch sử như vậy thì nó có thể có những giá trị to lớn hơn rất nhiều, lớn hơn khối lượng vật lý, lớn hơn khối lượng vật chất mà các công trình mới đem lại.Nếu họ hiểu được cái giá trị đó nó sinh lời được cho họ và họ có thể được hưởng lợi từ việc bảo tồn này thì tôi tin tưởng việc bảo tồn này không phải là cái thứ phong trào. Rất nhiều công trình thay đổi là nhu cầu của người dân mà giới quản lý muốn giữ cũng khó vì dân họ có nhu cầu bức thiết tronh đời sống. Đấy là những điều tôi nghĩ phải có những giải pháp ít nhất từ 3 cấp độ: người quản lý thành phố đô thị, giới chuyên môn và những người sử dụng các công trình đó.

KTS Nguyễn Tuấn Anh- Nhà sáng lập Không gian kiến trúc cộng đồng [Agohub]

PV: Hiện nay, các nhà chuyên môn, giới kiến trúc sư đã có những hành động cụ thể như thế nào để bảo vệ các di sản kiến trúc hiện đại thưa ông?

KTS Nguyễn Tuấn Anh: iện nay chúng tôi, 1 nhóm các kiến trúc sư làm việc tại Việt Nam, cũng vừa được sự hỗ trợ từ 1 tổ chức hợp tác quốc tế liên quan đến việc gìn giữ, bảo tồn các công trình kiến trúc hiện đại từ khắp các nơi trên thế giới. Chúng tôi vừa tham gia vào 1 tổ chức có tên gọi là Docomomo.Đây là 1 tổ chức quốc tế được tập hợp bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ các di sản kiến trúc thuộc trào lưu kiến trúc hiện đại. Những công trình này nó đem đến những giá trị rất lớn về phát triển tư duy, phát triển kỹ thuật, giúp cho những người của thời đại sau có thể nhìn nhận các công trình kề cận sát nhất với thời đại mình như thế nào. Từ đó đem đến cái nguồn lợi ích rất lớn.

Được biết trên thế giới đã có những chương trình để đưa khách tham quan đến lần lượt những công trình kiến trúc hiện đại như thế này.Và họ tạo ra 1 sự liên kết, liên minh chặt chẽ để bảo tồn những công trình. Chúng tôi ở Việt Nam thì cũng mới tham gia vào được tổ chức này, và chúng tôi cũng sẽ cam kết với bạn bè quốc tế cũng như chính những người làm chuyên môn ở Việt Nam để thực hiện bảo tồn những công trình kiến trúc hiện đại này.

Vâng xin cám ơn ông!

Những công trình kiến trúc xưa cũ như Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, Nhà hát lớn ở Hà Nội, Thương xá Tax, hay Dinh Thượng Thơm chợ Bến Thành, Tp.HCM…đã gắn bó với cuộc sống của người dân tại các thành phố này. Bảo vệ, gìn giữ, bảo tồn những công trình di sản kiến trúc qua từng giai đoạn phát triển không chỉ lưu giữ những ký ức đô thị mà còn có thể tạo thành bản sắc riêng cho từng đô thị trong quá trình hội nhập và phát triển.

Để làm được điều này, ngoài việc xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ, các quy hoạch bảo tồn di sản chặt chẽ, cũng cần sử dụng các công cụ một cách linh hoạt để hài hòa lợi ích của các bên. Tuy nhiên, điều quan trọng, các cấp chính quyền và người dân cần nhận thức được ý nghĩa, giá trị của những di sản kiến trúc để có cách ứng xử cho phù hợp. Đến đây, chương trình xin được khép lại. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Chủ Đề