Bản chất cuả đế quốc nhật là gì năm 2024

TCCS - Ngày 15-7-2022 là ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Nhật Bản. Là chính đảng có lịch sử lâu dài nhất tại Nhật Bản, Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn kiên trì tư tưởng tự do, hòa bình, đấu tranh phản đối chiến tranh và chủ nghĩa bá quyền. Hiện nay, Đảng Cộng sản Nhật Bản là một trong số ít các đảng cộng sản có lực lượng hoạt động mạnh mẽ trong một quốc gia phát triển.

100 năm kiên trì chủ nghĩa cộng sản

Đảng Cộng sản Nhật Bản thành lập vào thời kỳ Nhật Bản đang trong chế độ chuyên chế, dần đi theo con đường tiến hành chiến tranh xâm lược và cai trị thực dân đối với các nước châu Á. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản bị coi là tổ chức “bất hợp pháp” và chịu sự đàn áp dữ dội. Năm 1924, Đảng Cộng sản Nhật Bản tuyên bố giải tán do bị khủng bố khốc liệt. Năm 1926, Đảng đã thành lập trở lại nhưng hoạt động bí mật. Sau khi phát-xít Nhật đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đảng Cộng sản Nhật Bản chuyển sang hoạt động công khai.

Tại Đại hội lần thứ VIII (năm 1961), Đảng Cộng sản Nhật Bản thông qua Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Nhật Bản là cách mạng dân chủ, bao gồm dân chủ nghị trường và khẳng định đường lối độc lập, tự chủ. Theo Cương lĩnh, Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn kiên trì nền tảng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì vậy đã giành nhiều thắng lợi và đạt được những bước tiến khi nhiều đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản trúng cử vào Quốc hội và hội đồng nghị sĩ địa phương, tham gia chính quyền các địa phương, không ngừng đấu tranh vì mục tiêu: Nhật Bản độc lập, dân chủ, hòa bình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao đời sống người lao động và nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền tự do, quyền con người cơ bản, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ và xây dựng nền kinh tế, xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ ở Nhật Bản.

Tại Đại hội XX (năm 1994), Đảng Cộng sản Nhật Bản tái khẳng định các giá trị của chủ nghĩa xã hội khoa học là không thay đổi, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nhật Bản. Tại Đại hội XXI (năm 1997), Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục khẳng định lựa chọn chủ nghĩa xã hội khoa học làm kim chỉ nam cho mọi hành động, kiên quyết chống chiến tranh đế quốc; khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Nhật Bản là sau khi tiến hành cách mạng dân chủ tư sản sẽ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; tái khẳng định Cương lĩnh và Điều lệ đã được đưa ra tại Đại hội VIII.

Bước vào thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Nhật Bản thông qua Cương lĩnh sửa đổi toàn diện (năm 2004), đề ra mục tiêu liên minh với các lực lượng chính trị dân chủ để thành lập chính phủ liên hiệp dân chủ, thực hiện cải cách dân chủ theo từng bước, hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Năm 2006, Đảng Cộng sản Nhật Bản thông qua nghị quyết về phương hướng hoạt động là đấu tranh chống các chính sách đối nội phản dân chủ, đi ngược lại lợi ích và các quyền dân sinh, dân chủ của nhân dân Nhật Bản.

Tại cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào tháng 7-2013, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã có bước tiến quan trọng, khi có thêm 5 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện, nâng tổng số ghế tại Thượng viện lên 11 ghế, giành được quyền trình dự thảo luật tại Thượng viện. Đảng Cộng sản Nhật Bản đã khẳng định bước tiến trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2013 là “bước tiến thứ ba” mà Đảng đã đạt được trong lịch sử hơn 91 năm hoạt động (1); đồng thời chỉ rõ mục tiêu tiếp theo là cần thúc đẩy “bước tiến thứ ba” phát triển thành dòng chảy của thời đại và sự nghiệp của Đảng không chỉ mang lại hy vọng và hạnh phúc cho nhân dân Nhật Bản, mà còn là sự cống hiến cho hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Tại Đại hội XXVIII (năm 2020), Đảng Cộng sản Nhật Bản thông qua Cương lĩnh sửa đổi, trong đó bổ sung nội dung về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước tư bản chủ nghĩa phát triển như Nhật Bản, cho rằng cải cách mang tính chất xã hội chủ nghĩa ở một nước tư bản chủ nghĩa phát triển là con đường có nhiều khó khăn đặc biệt, nhưng cũng có cả những cơ hội to lớn. Cuộc cách mạng này được thực hiện thông qua sự kế thừa và phát triển các thành quả đã được tạo dựng dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Đại hội XXVIII cũng đã quyết định đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng xã hội tiến bộ. Tại cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vào cuối năm 2021, Đảng Cộng sản Nhật Bản lần đầu tiên hợp tác toàn diện với Đảng Dân chủ Lập hiến (đảng đối lập lớn nhất) và một số đảng nhỏ khác để thành lập liên minh đối lập. Gần đây, Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục chủ trương hợp tác với một số đảng đối lập trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2022 và đưa ra chính sách tranh cử, trong đó nhấn mạnh thực hiện ngoại giao hòa bình trên cơ sở Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, xây dựng nền kinh tế hài hòa và mạnh mẽ, bảo đảm cuộc sống của người dân trước tình trạng giá cả leo thang; duy trì hợp tác giữa các đảng đối lập nhằm thay đổi nền chính trị Nhật Bản.

Bản chất cuả đế quốc nhật là gì năm 2024
Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo phát biểu tại Đại hội lần thứ XXVIII (năm 2020)_Nguồn: japantimes.co.jp

Về đường lối đối ngoại, từ năm 1999, Đảng Cộng sản Nhật Bản thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, tăng cường giao lưu với các chính đảng, các chính phủ trên thế giới. Đến nay, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã mở rộng quan hệ với các nước ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Trung Đông...; tăng cường quan hệ với các đối tác tại khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh. Đảng còn phát triển quan hệ với các chính đảng tại châu Âu, thông qua giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các chính đảng ở các nước tư bản phát triển để làm phong phú thêm các phong trào cải cách xã hội tại Nhật Bản, đồng thời tích cực đóng góp vào phong trào tiến bộ chung trên thế giới.

Trong diễn văn Kỷ niệm 99 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Nhật Bản, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Nhật Bản là chính đảng hướng tới một xã hội vượt qua chủ nghĩa tư bản, là xã hội xã hội chủ nghĩa - chủ nghĩa cộng sản. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã được bộc lộ rõ nét, như vấn đề phân hóa giàu nghèo sâu rộng và môi trường bị phá hoại trên quy mô toàn cầu. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều ý kiến tỏ ra nghi hoặc về tính bền vững của hệ thống chủ nghĩa tư bản và mong muốn tìm kiếm một xã hội mới. Nhân loại có đầy đủ năng lực, sức mạnh để vượt qua xã hội tư bản chủ nghĩa và vươn tới một xã hội mới, đó chính là xã hội xã hội chủ nghĩa - chủ nghĩa cộng sản. Đây là niềm tin vững chắc của Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Ngày 4-1-2022, trong bài phát biểu đánh giá về 100 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Nhật Bản, đồng chí Shii Kazuo khẳng định, 100 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Nhật Bản là lịch sử 100 năm đấu tranh bất khuất, không bỏ cuộc trước mọi áp bức, khó khăn. Đó cũng là quá trình 100 năm tìm tòi, nghiên cứu, mở đường để phát triển lý luận, đường lối, Cương lĩnh và tổ chức của Đảng. Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn bình tĩnh phân tích những diễn biến phức tạp của tình hình trong và ngoài nước với con mắt của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Nhật Bản về một số vấn đề quốc tế

Về tình hình thế giới, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng, trong những biến chuyển của thế giới thế kỷ XX thì sự sụp đổ của chế độ chủ nghĩa thực dân là chuyển biến lớn, thúc đẩy quyền dân chủ, quyền con người và sự tiến bộ trên thế giới. Hơn 100 quốc gia có chủ quyền ra đời đã và đang phát huy sức mạnh thúc đẩy hòa bình và tiến bộ xã hội. Thời kỳ một số ít cường quốc chi phối nền chính trị thế giới và quan hệ quốc tế đã kết thúc, tất cả các nước lớn, nhỏ ngày càng khẳng định vai trò chủ động trong quan hệ quốc tế với sự bình đẳng và công bằng.

Trong đó, quan điểm của Đảng Cộng sản Nhật Bản còn có những điểm đáng chú ý: Một là, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua với sự ủng hộ của đông đảo các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và các nước châu Phi, Mỹ La-tinh, trong khi đó lại có rất ít nước phát triển tham gia; hai là, hợp tác khu vực được tăng cường, đặc biệt là hợp tác khu vực Đông Nam Á. Xu hướng hợp tác vì hòa bình đang được hình thành và phát triển tại khu vực Đông Nam Á và Mỹ La-tinh. Dù đang phải đối mặt và trải qua không ít khó khăn, các khu vực này vẫn giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, giữ vững độc lập, tự chủ, chống lại sự chi phối của các nước lớn, xây dựng và thông qua Hiệp ước khu vực không có vũ khí hạt nhân, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang xây dựng một cộng đồng hòa bình trên nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, góp phần hình thành một trật tự quốc tế hòa bình; ba là, nhấn mạnh sự phát triển các quy phạm pháp luật để bảo đảm nhân quyền quốc tế.

Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn giữ vững lập trường chống chủ nghĩa bá quyền, nỗ lực theo đuổi con đường chung sống hòa bình dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc giải quyết mọi tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình. Đứng trên quan điểm đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản đưa ra tầm nhìn kiến tạo hòa bình ở khu vực Đông Á với nội dung: 1- Coi trọng những nguyên tắc, chuẩn mực, khuôn khổ và cơ chế đa phương, đa tầng nấc mà ASEAN xây dựng ở khu vực Đông Nam Á và các khu vực rộng hơn với vai trò trung tâm của ASEAN; 2- Coi trọng vai trò của cơ chế Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), ủng hộ ASEAN và các nước đối tác tiếp tục củng cố, phát triển cơ chế này, đẩy mạnh hợp tác theo Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), qua đó thúc đẩy những mục đích, nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hữu nghị Đông Nam Á (TAC), mở rộng ra thành chuẩn mực chung cho khu vực Đông Á; 3- Nhật Bản cần đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao hòa bình dựa trên Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, phối hợp với ASEAN để thúc đẩy phát triển những trào lưu hòa bình thay vì tăng cường năng lực quân sự.

Là chính đảng của một dân tộc vốn chịu đau thương vì bom đạn hạt nhân, Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn nhất quán chủ trương tiến tới một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Đảng Cộng sản Nhật Bản coi trọng vấn đề giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, coi Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (có hiệu lực từ tháng 2-2021) là một bước đột phá tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân. Đối với hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Đảng Cộng sản Nhật Bản đề xuất: 1- Các nước cần chia sẻ nhận thức chung về tính vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân; 2- Khẳng định lại thỏa thuận “nỗ lực đặc biệt để hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân”; 3- Thúc đẩy các biện pháp góp phần giải trừ vũ khí hạt nhân, như Hiệp ước cấm thử nghiệm, Cam kết không sử dụng đánh phủ đầu, khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Về chủ nghĩa Mác, Đảng Cộng sản Nhật Bản khẳng định, C. Mác đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức lý luận đồ sộ và phong phú trên nhiều lĩnh vực, điển hình là triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Lý luận của chủ nghĩa Mác là “lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc” như Ph. Ăng-ghen từng chỉ dẫn; vì vậy, những người mác-xít phải biết tổng kết thực tiễn thời đại để vận dụng một cách sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc. Đảng Cộng sản Nhật Bản đã cụ thể hóa lý luận về cách mạng của C. Mác trong Cương lĩnh một cách phù hợp với điều kiện ngày nay. Lý luận về cách mạng trong Cương lĩnh Đảng Cộng sản Nhật Bản thể hiện quan điểm xã hội phát triển theo giai đoạn và lập trường cách mạng đa số.

Tăng cường quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai Đảng, góp phần hiệu quả phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản có quan hệ những giao lưu, hợp tác từ những năm 1930 của thế kỷ XX và chính thức thiết lập quan hệ vào năm 1960. Đảng Cộng sản Nhật Bản đã ủng hộ nhiệt tình các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Tháng 2-1966, khi Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Đảng Cộng sản Nhật Bản lần đầu tiên cử Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Kenji Yamamoto dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Chuyến thăm đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng và để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng.

Trong chuyến thăm này, có đồng chí Fuwa Tetsuzo, nguyên Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, khi đó tham gia Đoàn đại biểu với tư cách là cán bộ trẻ của Đảng, đã kể lại kỷ niệm về chuyến thăm trong một lần gặp gỡ với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chuyến thăm, Đoàn Đảng Cộng sản Nhật Bản đi thăm ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên, trong đó Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Mục đích chuyến thăm Việt Nam là nhằm đề xướng xây dựng Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời gian thăm Việt Nam, Đoàn đã hội đàm với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh. Hai bên đã nhất trí thành lập Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam, Đoàn đã gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau chuyến thăm trên, Đảng Cộng sản Nhật Bản quyết định đặt cơ quan đại diện Đảng thường trú tại thành phố Hà Nội từ năm 1966 (duy trì đến tháng 11-1999); đặt phân xã báo Akahata thường trú tại Hà Nội từ năm 1966 đến nay. Đây là kênh thông tin khách quan, cập nhật tích cực các thông tin về Việt Nam cho đông đảo độc giả và nhân dân Nhật Bản. Việc sớm quyết định đặt cơ quan đại diện và phân xã báo Akahata tại Hà Nội ngay từ giai đoạn khó khăn ban đầu đã thể hiện sự coi trọng của Đảng Cộng sản Nhật Bản đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Bản chất cuả đế quốc nhật là gì năm 2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo thăm và làm việc tại Việt Nam, năm 2018_Ảnh: TTXVN

Tại Nhật Bản, Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn là một lực lượng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các phong trào, dư luận phản đối chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã cử 15 đoàn sang thăm hỏi và cử các đoàn chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam, tiếp nhận và đào tạo tiếng Nhật cho một số cán bộ làm công tác đối ngoại của Đảng ta. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Đảng Cộng sản Nhật Bản đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam năm 1975 là thắng lợi có ý nghĩa thời đại. Sau năm 1975, Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Việt Nam. Đảng Cộng sản Nhật Bản đánh giá cao công cuộc đổi mới và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; ủng hộ phát triển quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản và việc Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển quan hệ với các chính đảng tại Nhật Bản.

Sau chuyến thăm Việt Nam vào năm 2007 của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo, hai Đảng đã tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, trao đổi lý luận, chia sẻ thông tin qua nhiều hình thức linh hoạt và phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế. Đây là những bước phát triển mới và tích cực của mối quan hệ giữa hai Đảng trong giai đoạn mới, đóng góp thiết thực và ý nghĩa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước.

Đặc biệt, hoạt động trao đổi lý luận là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai Đảng với việc hai bên đã thiết lập cơ chế trao đổi lý luận từ năm 2007. Đến nay, hai Đảng đã tổ chức được 9 lần trao đổi lý luận và nhiều cuộc tọa đàm, chia sẻ thông tin về các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Thông qua các cuộc trao đổi lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản chia sẻ những quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề, như tính chất và nội dung của thời đại, đánh giá về bản chất của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, giá trị và sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học, nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội...

Trên các diễn đàn quốc tế, hai Đảng luôn phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là tại Hội nghị các chính đảng châu Á (ICAPP) và Hội nghị của Liên hợp quốc về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Đảng Cộng sản Nhật Bản luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phản đối các hành động gây căng thẳng và quân sự hóa dẫn đến thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Nhìn lại lịch sử, mối quan hệ giữa hai Đảng đã được xây dựng và vun đắp từ sớm trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Quan hệ đoàn kết giữa hai Đảng từ những năm 1960 của thế kỷ XX đã góp phần quan trọng thắt chặt tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9-1973 và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không ngừng phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Ngày nay, Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục chia sẻ, ủng hộ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và ủng hộ sự phát triển quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Với lực lượng quần chúng nhân dân ủng hộ đông đảo, Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục có những đóng góp tích cực vào tăng cường giao lưu nhân dân và tình cảm hữu nghị giữa hai dân tộc. Tháng 12-2021, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tiến hành hội đàm cấp cao trực tuyến với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo. Hai bên đã tái khẳng định và nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao, duy trì trao đổi lý luận, tiếp tục phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; hai Ban Đối ngoại và Ban Quốc tế của hai Đảng thường xuyên trao đổi thông tin về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, hỗ trợ các đoàn thể, nhân dân hai nước không ngừng phát triển giao lưu.

Những thành quả trong quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản đã làm phong phú thêm quan hệ giữa hai nước, đồng thời góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững chắc. Với bề dày quan hệ truyền thống, sự tin cậy, gắn bó, tình cảm chân thành của những người cộng sản chân chính, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước và sự phát triển toàn diện của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản./.

----

(1) Bước tiến thứ nhất là giai đoạn từ cuối những năm 1960 đến những năm 1970; bước tiến thứ hai là vào nửa cuối những năm 1990 của thế kỷ XX.