Bến nhà rồng hiện nay có tên gọi là gì

Tại Bến Nhà Rồng có tòa nhà lớn, kiến trúc theo kiểu Á Ðông, cao hai tầng do Công ty vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863, dùng làm nơi bán vé tàu và nơi ở cho người Pháp quản lý tàu vào ra. Trước đây, từ mé sông Sài Gòn hoặc từ đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 [hiện nay] nhìn vào sẽ thấy hai chữ M.I [chữ viết tắt của Công ty vận tải Hoàng Gia Messageries Impériales]. Ðây là tên gọi của Công ty Vận tải đường biển, vì năm 1859, lúc Pháp chiếm Gia Ðịnh, nước này còn theo chế độ quân chủ, sau chiến tranh Pháp - Ðức 1870, nhà vua bị lật đổ, lập ra chế độ Cộng hòa [tức đệ tam cộng hòa], vì vậy Công ty vận tải Hoàng Gia được đổi tên thành Công ty Vận tải đường biển để xóa bỏ di tích quân chủ của thời "chính quốc" Pháp lúc đó.

Ðáng chú ý là trên nóc tòa nhà này có gắn một đôi rồng lớn làm bằng đất nung, tráng men xanh, cho nên nhân dân quen gọi là Bến Nhà Rồng. Những người lớn tuổi lại gọi là Sở ông Năm bởi tòa nhà này do viên quan năm người Pháp tên là Ðu-me xây dựng năm 1863. Ðến tháng 10-1865, Nhà Rồng còn có tên khác là Sở Canh Tân tàu biển, sau khi ở đây xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu giúp tàu thuyền ra vào dễ dàng. Ðến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến tàu đàng hoàng để tàu cập bến. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bến này cách bến kia chỉ 18 m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ 8 m, chỉ vừa đủ cho tàu ra vào. Xong cảng, người Pháp làm đường ra vào cảng và con đường sát bến cảng xây sau, người Pháp gọi là bến Khánh Hội. Bến này xây dựng thiếu kiên cố, nhiều chỗ bị sụt lở, cho nên ít tàu ra vào. Năm 1900 bến Khánh Hội được khởi công tu bổ, nhưng công việc này kéo dài mãi đến năm 1912 mới hoàn thành để các tàu loại nhỏ và vừa ra vào.

Một di tích có bề dày gần 150 năm nay còn nguyên vẹn như thuở ban đầu là điều không dễ có. Ðiều quý giá hơn, là nơi đây, sáng ngày 4-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống làm việc tại con tàu La-tu-sơ Trê-vi-lơ,  đậu ở cảng. Sáng hôm sau, ngày 5-6-1911, tàu nhổ neo ra khơi mang theo người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Từ đây Người bắt đầu cuộc hành trình trên bốn biển, năm châu để tìm ra chân lý sáng ngời - con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, khỏi ách áp bức bóc lột của phong kiến đế quốc và thực dân.

 Ðón Năm Nhâm Thìn 2012, đến Bến Nhà Rồng được xây dựng cách đây gần 150 năm để nhớ lại những ngày đầu gian nan, vất vả trong cuộc hành trình của người thanh niên vĩ đại Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường đúng đắn nhất giải phóng dân tộc. Tết này, có về thăm lại Bến Nhà Rồng cũng là để tham quan, tìm hiểu về một di tích quý tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, cảm nhận hơi ấm của Người từ 100 năm trước ra đi. Nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa. Và không có người xưa, cảnh cũ thì làm sao có một Sài Gòn hoa lệ, một nước Việt Nam giàu đẹp như hôm nay.

[VOV5] - Kể từ thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bến Nhà Rồng, trên sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, ra đi tìm đường cứu nước đã hơn 100 năm. Ngày  nay, bến Nhà Rồng đã trở thành nơi mà các thế hệ cháu con đất Việt tìm về để hiểu và trân trọng hơn những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh Cách mạng kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bến cảng Nhà Rồng hiện nay thuộc quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm năm 1863, người Pháp xây dựng công trình này để làm trụ sở Công ty tàu biển Năm Sao. Trong lúc nhân dân Việt Nam phải sống trong phận đời nô lệ, bị áp bức, lầm than, từ chính nơi này, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong nước và quốc tế, năm 1979, bến Nhà Rồng được chọn làm địa điểm trưng bày những hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Khi đó, nơi đây chỉ là nhà lưu niệm với quy mô còn hạn chế. Đến năm 1995, nhà lưu niệm được xây dựng quy mô hơn, hiện vật cũng được sưu tầm nhiều hơn và chính thức đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là nơi trưng bày các hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.


Toàn bộ số tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đang trưng bày lên tới con số gần 20 nghìn. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền giáo dục về cuộc đời sự nghiệp của Bác, trong những năm gần đây, cán bộ công nhân viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn tập trung sưu tầm những hiện vật và các câu chuyện kể về Bác chủ đề “Tình cảm Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam đối với Bác Hồ” và “Hành trình tìm đường cứu nước của Bác” để làm phong phú hơn cho bảo tàng. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng tuyên truyền và giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “
Không chỉ riêng tôi mà tất cả các anh chị cũng như các bạn trong phòng tuyên truyền hàng ngày phải đọc sách, nghiên cứu tư liệu, đặc biệt là có những nghiên cứu theo những chuyên đề. Ví dụ đối với những đối tượng sinh viên thì mình sẽ giới thiệu như thế nào, khách du lịch thì giới thiệu ra sao, tức là phải có phương pháp giới thiệu phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, mình sẽ khai thác những câu chuyện hay những hiện vật để thu hút cũng như làm cho khách hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ngoài ý nghĩa lịch sử, mỗi kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là hiện thân của tình cảm và sự kính yêu mà mỗi người con miền Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình như chiếc áo trấn thủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất, nguyên là chiến sĩ trinh sát đặc công quân khu 9; Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cá nhân điển hình tiên tiến; Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vật dụng dùng để làm cơm cúng giỗ Người hàng năm của một gia đình đồng bào miền Nam; những băng tang đen của các chiến sỹ để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Nhà tù Côn Đảo và Nhà giam Chí Hòa khi Người mất; cây bút máy có khắc chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ông Lê Minh Đức – cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc… Từ những kỷ vật này cùng với những câu chuyện kể của cán bộ hướng dẫn viên trong bảo tàng  đã giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về  sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Minh Thiện, sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Khoa học và Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Khi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan, tôi cảm nhận sâu sắc thêm những hình ảnh và những tác phẩm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và đã trải qua trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh đó đã mang nhiều ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên chúng tôi. Qua chuyến tham quan này chúng tôi học tập được Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sự cống hiến và nhiệt thành để phấn đấu cho tương lai sau này”.  

Hiện nay, lượng du khách đến tham quan tìm hiểu các tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng càng ngày càng đông hơn. Năm 2012, bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón 350 nghìn du khách trong nước và quốc tế và 7 tháng đầu năm nay, lượng khách đến đây là hơn 250 nghìn người. Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã đưa vào hoạt động công trình cải tạo, mở rộng chi nhánh Bảo tàng với kinh phí 47 tỷ đồng nhằm phục vụ tốt hơn cho mọi đối tượng trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đã hai lần được chọn vào Top 10 điểm tham quan đặc sắc trong bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh- 100 điều thú vị”. Mỗi năm số lượng khách đông hơn. Những năm trước diện tích để mình thực hiện trưng bày chưa được nhiều, hiện vật có nhưng chưa có chỗ để trưng. Thì vừa rồi mới xong công trình cải tạo, mở rộng nói chung là tương đối hiện đại để phục vụ tốt nhất khách tham quan”.    

Hơn 100 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, bến Nhà Rồng cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Sài Gòn năm xưa nay là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của đất nước, năng động và không ngừng phát triển. Với giá trị lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng và di tích lịch sử Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh và là niềm tự hào của nhân dân cả nước./. 

Chủ Đề