Các câu thành ngữ có hình ảnh so sánh năm 2024

Trong số các thành ngữ tiếng Việt (thành ngữ ẩn dụ hoá đối xứng, thành ngữ so sánh, thành ngữ thường) thì hình ảnh biểu trưng trong thành ngữ so sánh dễ khái quát hơn cả bởi nằm chúng trong một mô hình chung là A như B.

Thế giới hình ảnh biểu trưng nằm ở vế B. Theo thống kê, qua 816 thành ngữ, thế giới hình ảnh này có thể tạm chia được 10 nhóm – xét theo phạm vi sự vật:

1. Hình ảnh các con vật ( cao như sếu, ró ráy như cáy vào hang cua…).

2. Hình ảnh các đồ vật, các thực thể quen thuộc ( bé bằng cái kim, lật đật như xa vật ông vải…).

3. Hình ảnh liên quan đến hiện tượng xã hội ( đông như trẩy hội, tất tả như đi ăn cỗ hậu…).

4. Hình ảnh liên quan đến hiện tượng tự nhiên ( ngáy như sấm, lơ thơ như sao buổi sớm…).

5. Hình ảnh liên quan đến các loài thực vật ( mọc như nấm, đen như củ tam thất…).

6. Hình ảnh liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng ( xấu như ma, lừ đừ như ông từ vào đền…).

7. Hình ảnh liên quan đến hoạt động của con người ( dẻo như múa, nói như tát nước vào bè…).

8. Hình ảnh liên quan đến ăn uống ( ngọt như đường phèn, lè nhè như chè thiu…).

9. Hình ảnh liên quan đến tên gọi các bộ phận cơ thể người ( dễ như trở bàn tay, xoen xoét như mép thợ ngôi…).

10. Hình ảnh xuất phát từ lịch sử - văn học ( nóng như Trương Phi, đa nghi như Tào Tháo…).

Sự phong phú của các loại hình ảnh trong thành ngữ so sánh phản ánh sự phong phú của bức tranh đời sống của con người Việt Nam, từ tự nhiên đến xã hội, từ đời sống vật chất đến tinh thần. Bức tranh ấy như sau:

1. Qua thành ngữ so sánh hiện lên cảnh sắc thiên nhiên của miền nhiệt đới đặc trưng. Đó là cảnh sắc của một vùng khí hậu lắm mưa nhiều nắng: mưa như trút nước, mưa như đổ nước, mưa trở thành vật chuẩn so sánh: bắn như mưa, nước mắt như mưa. Bên cạnh đó là cái nắng: nắng như đổ lửa, nắng như lửa đốt, như nắng hạn gặp mưa rào. Mọi hiện tượng, các hoạt động của khí hậu, thời tiết thường xuyên và quen thuộc tới mức chúng trở thành chuẩn so sánh trong tư duy của người Việt: ăn vụng như chớp, nhanh như gió, dấy lên như vũ bão, ngáy như sấm. Cũng có khi thiên nhiên êm đềm, thơ mộng: tròn như trăng rằm, vằng vặc như trăng hôm rằm, êm như cát,mát như nước…

Hình ảnh trong thiên nhiên cũng cho thấy Việt Nam là một vùng có cảnh thiên nhiên phong phú: dài nhưsông , cao như núi, như giời như biển. Đất nước ta có sông, có biển, có núi, có non, cảnh sắc thiên nhiên thật bao la hùng vĩ. Đó là đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên: đen như than, cứng như thép, nặng như chì, đỏ như đồng hun, trơ như khúc gỗ, đắt như vàng.

Đây đích thực là bản sắc thiên nhiên Việt Nam.

Đặc điểm tự nhiên Việt Nam còn gián tiếp hiện qua một vài phương diện khác của đời sống con người. Chẳng hạn, đặc điểm khí hậu có thể là nguyên nhân của sự khác biệt trong liên tưởng. Hãy so sánh người Việt nói: đắt như tôm tươi, còn người Anh lại nói: đắt như bánh nóng(like hot cakes).

Tôm tươi là loại thang giá trị cao của người Việt, vì đó là hải sản mang tính hàn. Ngược lại, sống trong khí lạnh và sương mù, với người Anh, thức ăn nóng luôn được đề cao.

Có trường hợp cùng một miền khí hậu nhưng ở những dân tộc khác nhau, với các hệ sinh thái khác nhau đã có những thang giá trị khác nhau. Chẳng hạn:

Người Việt

Rẻ như bèo

Nhát như cáy

Mặt đỏ như gà chọi

Lép như trấu

Các dân tộc khác ở Việt Nam

Tày, Nùng: Rẻ như cứt voi

Thái: Nhát như gà rừng

Thái: Mặt đỏ như con căng

Tày, Nùng: Lép như con cà cuống

Nguyên nhân của sự khác nhau này không quá khó lí giải. Trong nói năng giao tiếp, người nói thuộc cộng đồng nào cũng thường chọn những hình ảnh sẵn có, quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày để đưa vào lời ăn tiếng nói của mình.

2. Qua thành ngữ so sánh thấy dấu ấn nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Từ trong cội nguồn, không gian văn hoá Việt Nam vốn được định hình trên nền của không gian văn hoá Đông Nam Á. Đặc điểm chung của khu vực văn hoá này theo G. Coedes là: “Về phương diện vật chất: làm ruộng cấy lúa, nuôi trâu bò, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền”.

Thành ngữ tiếng Việt đã lưu lại dấu ấn văn hoá lúa nước của người Việt, đó là tên gọi các con vật gắn liền với nghề ruộng: lấm như trâuvùi, kêu như bòrống, lấc láo như quạ vào chuồng lợn, mặt tái như gàcắt tiết, lạch bạch như vịt bầu…

Đó là tên những con vật sống trong môi trường nước: đắng như mật cá mè, đắt như tôm tươi, lẩn như chạch, ró ráy như cáy vào hang cua, nhung nhúc như rươi tháng chín, nợ như lông lươn, bám dai như đỉa đói, nhạt như nước ốc, lò lò như cò mổ tép, mặt xanh như đít nhái, mắt dương như mắt ếch…

Đó là các giống cây quen thuộc gắn với nghề trồng trọt, với làng xã nông thôn Việt Nam: con như ngônhư khoai, vàng như nghệ, rách như xơ mướp, trắng như ngó cần, thuyền như lá tre…

Đặc biệt, văn minh lúa nước in dấu rất đậm qua một số hình ảnh đặc trưng của nghề trồng lúa. Hình ảnh cây lúa xuất hiện trong nhiều dạng thể: mỏng như lá lúa, câm như thóc, muỗi như trấutrát, chắc như tên bắn đụn ra, lằng nhằng như cưa rơm, chuyện như gạorang, láo nháo như cháotrộn cơm, chán như cơm nếp nát, nát như cám…

Văn hoá phương Đông và phương Tây truyền thống phân biệt nhau ở văn minh nông nghiệp và văn minh công nghiệp. Tư duy liên tưởng, thói quen lựa chọn hình ảnh so sánh trong thành ngữ người Việt cũng cho thấy bản sắc văn hoá riêng biệt này.

Người Việt Nam so sánh: gầy như cá rô đực, gầy như con mắm, gầy như cò hương, gầy như que củi… Cùng biểu đạt nội dung tương ứng, người Pháp ví von: gầy như que diêm.

Các so sánh của Việt đều quen thuộc bởi hình ảnh gắn với văn hoá nông nghiệp, xuất phát từ con mắt nhìn lựa chọn của người nông dân. Trong khi đó, que diêm là sản phẩm của máy móc công nghiệp. Dấu ấn văn hoá trong ngôn ngữ thể hiện trước hết ở cách nhìn và sự lựa chọn hình ảnh là như vậy.

3. Qua thành ngữ so sánh thấy đời sống tinh thần người lao động. Nền kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên cùng tư duy hướng nội là hai nguyên nhân cơ bản tạo nên sự khác biệt trong thế giới tâm linh của người Việt so với người phương Tây. Dân gian có tín ngưỡng riêng, dấu ấn của nó để lại trong lời ăn tiếng nói, trong thành ngữ: bòn như thổ công bòn vàng, chấp chới như thầy bói cúng thánh, vái như tế sao, len lét như rắn mùng năm, sướng như tiên, lang thang như thành hoàng làng khó…

Quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá đã đưa tôn giáo Ấn Độ vào Việt Nam, và điều đó được thể hiện trong thành ngữ : đứng như Bụt mọc, hiền như Bụt, ngồi như Bụt ốc, vắng như chùa bà Đanh, lúng túng như bà sư đẻ.

Dấu ấn văn hoá trong hiện tượng này thể hiện ở hai phương diện:

Trước hết, lời nói của người Việt đã nhắc đến thứ tôn giáo phổ biến hơn cả ở Việt Nam: Phật giáo (lời nói của người Châu Âu thường gắn với Chúa trời, nhà thờ; lời nói của thế giới Hồi giáo thường gắn với Thánh Ala).

Mặt khác, người Việt gọi đến Bụtchứ không phải Phậtdù đây là hai tên gọi của một đối tượng: Bụtlà cách gọi dân gian trong quá trình tiếp xúc tôn giáo trực tiếp từ cội nguồn Ấn Độ., Phậtlà cách gọi phiên âm từ tiếng Hán. Thậm chí, Phật Tổ Như Lai (có tóc xoăn trên đầu) được có tên Việt Nam là Bụt Ốc.

Văn minh nông nghiệp lúa nước còn tạo ra một hệ quả nữa là tâm lí cộng đồng và sự trọng tình. Là lời ăn tiếng nói của người lao động, thành ngữ in dấu tất cả những biểu hiện này. Thành ngữ ghi lại thói quen, lối sống của người Việt: mong như mong mẹ về chợ, khép nép như dâu mới về nhà chồng, lon xon như con gặp mẹ, say như điếu đổ…

Thế giới hình ảnh này còn cho ta biết đến những sinh hoạt, văn hoá cổ truyền của người Việt: đông như hội, vui như tết, đông như đám gà chọi, dẫn như dẫn cưới, cưới chẳng tày lại mặt, làm như đánh vật, nhởn nhơ như phường chèo, đẹp như tranh tố nữ, nhăn như mặt hổ phù, cao như cái minh tinh…

Cũng thành ngữ so sánh, ta nhận ra được một số sự kiện lịch sử của dân tộc như : lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, nợ như Chúa Chổm, lệnh ông không bằng cồng bà, oai oái như phủ Khoái xin cơm. Chính vì vậy, người ta mới kể được những câu chuyện liên quan đến thành ngữ.

Tóm lại, hình ảnh trong thành ngữ so sánh rất phong phú, đa dạng. Qua những hình ảnh đó, ta thấy được đất nước Việt Nam: miền thiên nhiên nhiệt đới và nền văn minh nông nghiệp lúa nước của những chủ nhân giàu bản sắc văn hoá.

Như vậy, thành ngữ so sánh của người Việt đã “phản ánh và lưu trữ cả những khái niệm, những đặc tồn đã được kinh nghiệm, lịch sử của một dân tộc nào đó tạo ra phù hợp với điều kiện của đời sống lao động, văn hoá, xã hội của họ”.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tp HCM, 1997.

2. Nguyễn Đức Tồn – Tìmhiểu đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, NXB ĐHQG, H. 2002.