Cổ máy nhà nước việt nam có bao nhiêu người năm 2024

Nhà nước Việt Nam gồm hệ thống cơ quan, đứng đầu là Đảng Cộng sản, bao gồm: cơ quan lập pháp (Quốc hội ở cấp trung ương và Hội đồng Nhân dân các cấp địa phương), cơ quan hành pháp (Chính phủ ở cấp trung ương và Ủy ban Nhân dân các cấp địa phương), cơ quan tư pháp (Tòa án Nhân dân Tối cao ở cấp trung ương và Tòa án Nhân dân các cấp địa phương), và cơ quan kiểm sát (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cấp trung ương và Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp địa phương).

Bài viết này của Le & Tran Trial Lawyers sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn tổng quan về hệ thống cơ quan nhà nước Việt Nam.

Quốc hội

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nắm quyền lực Nhà nước cao nhất. Quốc hội có ba chức năng chính là thực hiện quyền lập hiến và lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội được quy định chi tiết tại Hiến pháp 2013.

Chủ tịch nước

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, thay mặt Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội và chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước. Chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước được quy định tại Hiến pháp 2013.

Chính phủ

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trong đó:

  • Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
  • Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.
  • Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.

Bộ và Cơ quan ngang Bộ

Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Theo Nghị quyết 03/2011/QH13, Chính phủ gồm có 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ.

Các Bộ bao gồm 18 Bộ sau đây:

  1. Bộ Quốc phòng;
  2. Bộ Công an;
  3. Bộ Ngoại giao;
  4. Bộ Nội vụ;
  5. Bộ Tư pháp;
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  7. Bộ Tài chính;
  8. Bộ Công thương;
  9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  10. Bộ Giao thông vận tải;
  11. Bộ Xây dựng;
  12. Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  13. Bộ Thông tin và Truyền thông;
  14. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  15. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  16. Bộ Khoa học và Công nghệ;
  17. Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  18. Bộ Y tế.

Các cơ quan ngang Bộ bao gồm Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, và Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban Nhân dân

Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng Nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Hội đồng Nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng Nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Chức năng nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các cấp được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương.

Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân gồm có các sở và cơ quan tương đương sở. Cơ cấu tổ chức của sở gồm phòng chuyên môn, nghiệp vụ; thanh tra (nếu có); văn phòng (nếu có); chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Tòa án Nhân dân

Tòa án Nhân dân là cơ quan xét xử của Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tổ chức Tòa án Nhân dân bao gồm Tòa án Nhân dân Tối cao; Tòa án Nhân dân Cấp cao; Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; và Tòa án Quân sự.

Viện Kiểm sát Nhân dân

Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Việt Nam. Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân bao gồm Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp tỉnh); Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp huyện); và Viện Kiểm sát Quân sự Các cấp.

Trong đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp cao; Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.