Đánh giá biện pháp quản lý bệnh viện năm 2024

Tại Mục 9 Quyết định 6858/QĐ-BYT năm 2016 về Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, có quy định phương pháp đánh giá tiêu chí sau:

1. Căn cứ đánh giá

  1. Dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quyết định của cơ quản lý có thẩm quyền quy định.
  1. Dựa trên các hoạt động của bệnh viện cần đánh giá và cải tiến chất lượng.

2. Năm mức đánh giá một tiêu chí

Mỗi tiêu chí đề cập một vấn đề xác định, được xây dựng dựa trên năm bậc thang chất lượng (năm mức độ đánh giá). Một tiêu chí xem xét các khía cạnh toàn diện của một vấn đề, bao gồm các nội dung về yếu tố cấu trúc, yếu tố quy trình thực hiện và kết quả đầu ra. Năm mức độ chất lượng như sau:

- Mức 1: Chất lượng kém (chưa thực hiện, chưa tiến hành cải tiến chất lượng hoặc vi phạm văn bản quy pháp luật, quy chế, quy định, quyết định).

- Mức 2: Chất lượng trung bình (đã thiết lập một số yếu tố đầu vào).

- Mức 3: Chất lượng khá (đã hoàn thiện đầy đủ các yếu tố đầu vào, có kết quả đầu ra).

- Mức 4: Chất lượng tốt (có kết quả đầu ra tốt, có nghiên cứu, đánh giá lại công việc và kết quả đã thực hiện)

Mức 5: Chất lượng rất tốt (có kết quả đầu ra tốt, có áp dụng kết quả đánh giá, nghiên cứu vào cải tiến chất lượng, tiếp cận với chất lượng bệnh viện các nước trong khu vực hoặc các nước tiên tiến trên thế giới).

3. Nguyên tắc đánh giá tiêu chí

- Mỗi tiêu chí được đánh giá chia theo 5 mức, bao gồm từ mức 1 đến mức 5.

- Tiêu chí được xếp ở mức 1 nếu có bất kỳ một tiểu mục nào trong mức 1.

- Tiêu chí được xếp ở mức 2 nếu:

+ Không có tiểu mục nào trong mức 1.

+ Đạt được toàn bộ các tiểu mục trong mức 21.

- Tiêu chí được xếp ở mức 3 nếu:

+ Đạt được mức 2.

+ Đạt được toàn bộ các tiểu mục trong mức 3.

- Tiêu chí được xếp ở mức 4 nếu:

+ Đạt được mức 3.

+ Đạt được toàn bộ các tiểu mục trong mức 4.

- Tiêu chí được xếp ở mức 5 nếu:

+ Đạt được mức 4.

+ Đạt được toàn bộ các tiểu mục trong mức 5.

4. Nguyên tắc đánh giá các tiểu mục

- Mỗi một tiểu mục của tiêu chí được đánh giá là “đạt” hoặc “không đạt” (riêng các tiểu mục trong mức 1 (mang nghĩa âm tính) được đánh giá là “có” hoặc “không”).

- Một tiểu mục được đánh giá là “đạt” cần tuân thủ triệt để theo nguyên tắc: “hoặc không, hoặc tất cả”2.

- Phạm vi thời gian đánh giá:

+ Tại thời điểm đánh giá

+ Trong vòng 1 năm trước thời điểm đánh giá

- Mỗi tiêu chí được tính mốc trong 1 năm nếu không có các yêu cầu cụ thể về mặt thời gian (từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau); hoặc tính từ ngày 1/10 của năm trước đến thời điểm đánh giá. Ví dụ tiêu chí mỗi người một giường, nếu có bất kỳ 1 giường bệnh có hiện tượng nằm ghép 3 người trong khoảng thời gian từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau thì xếp tiêu chí này ở mức 1.

- Các tiểu mục cần phỏng vấn ý kiến của nhân viên y tế/người bệnh được đánh giá là đạt nếu phỏng vấn ít nhất 7 người và có từ 5 người trở lên trả lời đồng ý1.

- Các tiểu mục cần đánh giá bệnh án, hồ sơ… được đánh giá là đạt nếu kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 7 mẫu và có 5 mẫu trở lên đạt yêu cầu.

5. Phương thức đánh giá các tiểu mục của tiêu chí

- Quan sát thực trạng, theo dõi hoạt động.

- Tra cứu sổ sách, máy tính, văn bản, nhật ký, tài liệu, số liệu…

- Kiểm tra, phỏng vấn nhanh nhân viên y tế/người bệnh/người nhà người bệnh.

6. Phương châm áp dụng đánh giá Bộ tiêu chí

- Không bỏ qua những việc chưa làm được.

- Không che giấu những sai phạm (nếu có)

- Đánh giá nhưng không “đánh đồng” (bệnh viện chưa đạt chất lượng tốt không được đánh giá tương đương bệnh viện có “chất lượng vàng”).

Thời gian qua, các bệnh viện của Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực để nâng cao chất lượng bệnh viện, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, quản lý chất lượng bệnh viện với mục tiêu cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đem đến cho người bệnh một dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng nhất, an toàn nhất và hài lòng nhất. Nguyên tắc thực hiện là lấy người bệnh làm trung tâm và việc bảo đảm cải tiến chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các bệnh viện, được tiến hành thường xuyên, liên tục và ổn định. Chất lượng dịch vụ y tế theo xu hướng ngày càng được đòi hỏi cao hơn do nhu cầu phát triển của xã hội và sự cập nhật của tri thức khoa học. Việc triển khai các hoạt động quản lý và cải tiến chất lượng là rất cần thiết nhằm ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với xu thế phát triển của ngành y tế, công tác quản lý chất lượng bệnh viện đang ngày càng được coi trọng và được coi là hoạt động xuyên suốt của các bệnh viện. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm an toàn người bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh đến khám bệnh chữa bệnh.

Công tác xây dựng chất lượng bệnh viện trên địa bàn Hà Nội từ năm 2013 đến nay đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện khi mới ban hành năm 2013. Bên cạnh đó, hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện trong việc định hướng phát triển các hoạt động nâng cao chất lượng các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh một cách toàn diện, với nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, các hoạt động đều hướng đến sự an toàn, thoải mái cho người bệnh khi đến khám bệnh chữa bệnh.

Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của công tác quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện là "yếu tố sống còn", Ban lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, có cách làm mới, tiếp cận với phương thức quản lý, cải tiến phù hợp thông qua đầu ngành quản lý chất lượng như: Đầu tư mở các khóa đào tạo về quản lý bệnh viện, cải tiến chất lượng cho đội ngũ lãnh đạo và chuyên trách; xây dựng chương trình hành động nâng cao chất lượng các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh để định hướng các hoạt động và kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá mức chất lượng bệnh viện; giao phòng Nghiệp vụ Y hỗ trợ công tác quản lý, tham mưu cải tiến chất lượng, tổ chức đánh giá độc lập mức chất lượng cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Đây cũng là phương pháp hướng tới sự công bằng, minh bạch và nâng cao năng lực cho hệ thống chuyên trách về quản lý chất lượng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, hằng quý, Sở Y tế cũng tổ chức hội nghị về công tác khám, chữa bệnh và quản lý chất lượng với sự tham gia của các bệnh viện trong và ngoài công lập. Qua đó, nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ như vấn đề về công tác vệ sinh trong bệnh viện, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải y tế, công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh, công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe trong bệnh viện… sau mỗi hội nghị các bệnh viện đều có sự cải thiện rõ rệt về các nội dung có liên quan.

Nhằm đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022. Đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng gồm 83 tiêu chí; tổ chức khảo sát sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế, tiêu chí về bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19, công tác cấp cứu, hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 và áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nâng cao chất lượng... Tổng số bệnh viện đã được kiểm tra, đánh giá, phúc tra là 66/83 bệnh viện (đạt 79,5%). Trong đó có 40/41 bệnh viện công lập; 26/42 bệnh viện ngoài công lập; 1/1 bệnh viện Bộ, ngành.

Để nâng cao chất lượng hướng đến người bệnh, góp phần hài lòng người bệnh và nhân viên y tế phục vụ tốt hơn, các bệnh viện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất phục vụ người bệnh được tốt hơn từ ngoài khoa khám bệnh tới các khoa lâm sàng hệ thống phòng ốc trang bị đầy đủ tiện nghi. Cảnh quan, môi trường của phần lớn các bệnh viện được cải thiện đáng kể, nhiều bệnh viện đảm bảo được đầy đủ hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, đài phun nước... tạo môi trường xanh- sạch- đẹp- an toàn cho người bệnh.

Các bệnh viện đều đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá các quy trình khám bệnh làm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và đảm bảo minh bạch trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Đồng thời, đa dạng hóa nhiều hình thức thu nhận ý kiến người bệnh và khách đến thăm bệnh viện qua hộp thư góp ý, website, phiếu khảo sát, điện thoại đường dây nóng,… Từ những ý kiếm của người bệnh đã giúp bệnh viện cải thiện tốt hơn như nâng cấp toàn bộ nhà vệ sinh, tăng cường thêm chỗ ngồi chờ cho bệnh nhân, gắn thêm các bảng biển hướng dẫn đường đi trong bệnh viện, bố trí thêm cây xanh trong khuôn viên bệnh viện,…

Kết quả kiểm tra, đánh giá xếp loại đoàn ghi nhận 10 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng cao nhất gồm: Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa Hà Đông, Bệnh viện đa Đức Giang; Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc, Bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội.

Bên cạnh đó, có 5 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng thấp. Qua đó, đoàn cũng đã đóng góp ý kiến để các đơn vị khắc phục những khó khăn, tồn tại nỗ lực sáng tạo, nâng cao chất lượng bệnh viện phục vụ tốt công tác khám bệnh chữa bệnh.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để tiếp tục nâng cao chất lượng bệnh viện thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ các đơn vị như: Tổ chức đào tạo, tập huấn về quản lý, cải tiến chất lượng; hỗ trợ hướng dẫn triển khai các đề án cải tiến chất lượng; cụ thể hoá các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện qua đó định hướng cho các đơn vị trong công tác đánh giá chất lượng bệnh viện. Đồng thời triển khai các hội nghị chuyên đề về quản lý chất lượng nhằm đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng đối với từng vấn đề cụ thể. Xây dựng diễn đàn chuyên về quản lý chất lượng để những cán bộ quan tâm đến vấn đề chất lượng khám bệnh chữa bệnh, chia sẻ những mô hình, sáng kiến hay, có hiệu quả cũng như thảo luận để tìm kiếm các giải pháp tốt giúp nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh, hướng tới nâng cao sự hài lòng của người bệnh...

Với những kết quả đạt được, theo Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế của Hà Nội trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Hà Nội cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh.