Hình ảnh bằng đại học tại chức

Hình ảnh bằng đại học tại chức
Không phân biệt bằng chính quy, tại chức (ảnh minh họa)

Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 69 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Trước khi thông qua luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù.

UBTVQH nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong Dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung.

Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của giáo dục đại học.

Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra… của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo.

Bởi vậy, dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.

Mở rộng quyền tự chủ

Về cơ sở giáo dục đại học, có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở giáo dục đại học là trường đại học; xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo 2 cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học.

Luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Về tự chủ đại học, UBTVQH chỉ rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ tại khoản 2, Điều 32. Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học. Do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.

Dự thảo cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức – nhân sự và tài chính – tài sản tại các khoản 3, 4, 5, Điều 32 và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật. Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Phù hợp với hội nhập quốc tế

Trao đổi với báo chí, trước đó Luật Giáo dục Đại học năm 2017, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD – ĐT), cho biết: Dự kiến, các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo và không có sự phân biệt giữa hệ tại chức hay chính quy.

Cụ thể, bà Nguyễn Kim Phụng cho hay: “Điều 6 trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có đưa ra quy định về hình thức đào tạo. Theo đó, chia làm 2 hình thức là tập trung và không tập trung, nhằm xác định đào tạo cho đối tượng nào. Tuy nhiên hình thức không tập trung được xây dựng trên phương thức đào tạo từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra giống hình thức tập trung.

Vì không xác định 2 loại hình đào tạo có tên gọi là chính quy và thường xuyên và bằng cấp, nên sẽ không có sự khác biệt, hay nói cách khác hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH. Chúng tôi kỳ vọng các cơ sở đào tạo sẽ quan tâm đến chất lượng của cơ sở mình trong quá trình đào tạo sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp.

Bởi lẽ, đã không phân biệt bằng hệ tại chức hay chính quy, tức là văn bằng theo hình thức đào tạo nào của các cơ sở đều là lời khẳng định với xã hội chất lượng đào tạo phải chuẩn”.

Theo Tờ trình Dự thảo, Luật GDĐH ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực GDĐH, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các quy định của Luật GDĐH đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của các cơ sở GDĐH.

Nhiều năm triển khai thực hiện, Luật GDĐH đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiều kiện phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhất là khi các việc tự chủ của các trường Đại học, Cao đẳng đang được đẩy nhanh, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm theo quy luật tự đào thải của các trường trong việc đào tạo và đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, để việc coi bằng tại chức và chính quy tương đương nhau thật sự có ý nghĩa, ngành giáo dục cần chú trọng, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tại chức, văn bằng 2, đại học dân lập từ chuẩn đầu vào đến chuẩn đầu ra, hạn chế tình trạng gian lận thi cử, học hộ, đề thi quá dễ, mua điểm… Chỉ có như vậy, việc không phân biệt bằng chính quy với bằng tại chức, bằng từ xa, bằng liên thông, văn bằng 2 là tương đương nhau mới có ý nghĩa.