Học giáo lý hôn nhân đạo ai nấy giữ


3- Sống thử trước khi kết hôn

Hỏi:
Sống thử trước khi kết hôn có tội vạ gì không?

Đáp:

Sự kết hợp xác thịt ngoài hôn nhân hợp pháp, dù trước hay sau, đều được coi là tội trọng khách quan, cần phải tránh.

Nếu đang chung sống công khai như vợ chồng thì sẽ không được Rước Lễ. Khi đó, nếu hai người không có ngăn trở thì vẫn có thể tiến đến kết hôn theo luật đạo. Tuy nhiên vì có cuộc sống chung công khai, cha sở thường không cho cử hành kết hôn bình thường trong Thánh Lễ, chỉ làm phép giao, tức là cho kết hôn ngoài Thánh Lễ.

4- Tránh thai: bao cao su…

Hỏi:
Vợ chồng trong quan hệ sử dụng biện pháp tránh thai là bao cao su có tội nặng không. Và có được rước lễ nữa không?

Đáp:

Theo nguyên tắc luân lý, tránh thai trái tự nhiên đều có tội nặng. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh riêng biệt của từng cá nhân, tội có thể được giảm nhẹ hay không có tội do các áp lực: sức khỏe, nghèo đói, quá đông con… Người tránh thai được giảm nhẹ hay không mắc tội là tùy theo lương tâm mình và chịu trách nhiệm với Chúa. Lương tâm người đó có quá phóng khoáng hay chân thực hay không, có tội hay phúc hay không, đều thuộc lãnh vực riêng của tâm hồn, của ơn Chúa, người ngoài không đoán xét được. Người có lòng, chịu khó, cho sinh ra đời những đứa con, cho dù phải hy sinh khổ nhọc, luôn là người có phúc. Chúng ta đều kính phục những bậc cha mẹ đã sinh ra và giáo dục được nhiều người con. Chính những người con đó cũng cảm thấy cha mẹ đã có công ơn rất lớn, ít là đã cho mình ra đời, làm một con người.

Trái lại, hoặc chính cha mẹ ích kỷ không muốn mang nặng đẻ đau, hoặc chính xã hội, công ty... vì lợi nhuận của mình muốn áp chế sự sinh sản đều đi ngược lại với ý định Đấng Tạo Hóa. 


Nếu con cảm thấy hay ý thức mình có tội nặng thì phải ăn năn thống hối và xưng tội trước khi rước lễ.

IX- THỜ CÚNG ÔNG BÀ TỔ TIÊN, PHẬT

1- Thờ cúng ông bà tổ tiên


Hỏi:
Cho em hỏi, em là người công giáo, bạn gái em là người không theo đạo. Chúng em quyết định tiến tới hôn nhân. Bạn gái cũng quyết định theo đạo. Nhưng có một vấn đề là bạn gái em là con một. Sau này khi ba mẹ mất đi, có được làm lễ giỗ hay cúng không? Xin cảm ơn!

Đáp:

Những hình thức cúng giỗ tổ tiên, bái lạy trước bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính đều được phép. Người lương vẫn sợ rằng, theo đạo là bỏ ông bỏ bà. Thật ra, theo đạo mình lại càng thảo kính cha mẹ nhiều hơn, không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã qua đời. Có điều là, bên đạo thì có những phương thức khác nhau để cầu cho ông bà tổ tiên.

Người Công Giáo, vào ngày lễ giỗ ông bà cha mẹ, ngoài việc tổ chức đám giỗ lớn nhỏ tuy hoàn cảnh, còn thường xin áp dụng ơn Thánh lễ [xin Lễ], tức là Hy lễ cao trọng của Đức Giêsu Kitô, để cầu nguyện đặc biệt cho ông bà cha mẹ mình. Họ lại còn phải sống bác ái hy sinh, lập công đức, để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

2- Bái lạy trước bàn thờ Phật


Hỏi:
Con là người Công Giáo kết hôn với người Phật giáo. Trong ngày lễ tang hay lễ giỗ con phải bái lạy trước bàn thờ tổ tiên, nhưng bên trên đó lại có bàn thờ Phật. Vậy con có được bái lạy cả hai không?
Đáp: Đức Phật không phải là bụt thần hay ma quỷ. Chúng ta tôn kính ngài như một vị thánh hiền. Khi Giáo Hội cho phép bái lạy trước bàn thờ tổ tiên, thì Hội Thánh cũng cho phép được bái lạy trước bàn thờ Phật. Tôi biết, đã có vị linh mục khi đi qua tượng Phật đã cúi đầu tôn kính. Điều bị cấm là không được thờ lạy Phật như là Đấng Tối Cao, ngang hàng với Thiên Chúa và người Công Giáo cũng cần phải tránh để người ta hiểu lầm là mình chối đạo, theo Phật. Trong phạm vi gia đình có người Phật giáo, mình nên có thái độ tôn trọng tín ngưỡng của người thân, đồng thời mình làm chứng cho sự hòa nhập, bao dung đại lượng của Thiên Chúa. Công Đồng Vatican II công nhận trong các tôn giáo khác cũng có những chân lý. Các nhà thần học hiện nay cũng thấy ơn Cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các tôn giáo khác.

Một đời sống bác ái yêu thương với lời cầu khẩn tha thiết để được cứu vớt, được khỏi bệnh… cho dù trước Đức Phật [người xin vẫn tin đó là Đấng Tối cao] vẫn có thể được chấp nhận. Chúng ta đừng giới hạn hoạt động hay ân sủng của Thiên Chúa chỉ trong Đạo.

3- Phản bội Đức Phật!


Hỏi:
Con là Đạo Phật, theo Đạo Thiên Chúa khi lấy chồng. Con thấy Đạo cũng tốt, nhưng sao con vẫn chưa thấy có đức tin. Xin cha giúp con.
Đáp:   Dường như con còn có cảm thức rằng khi con theo Đạo, con đang phản bội lại Đức Phật, đấng mà con hằng tôn thờ. Thật ra, chẳng có sự phản bội nào đâu. Trong nhân gian, người ta vẫn thường nói “Trời - Phật” đi đôi với nhau, chứ không phân biệt thành hai và đặt đối chọi nhau. Con thờ Thiên Chúa, cũng chính là con thờ Trời, thờ Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng lên muôn loài. Cách riêng trong đạo Công Giáo, ông Trời đã tỏ mình ra cho nhân loại để nói lên tình yêu thương và chăm sóc của Ngài đối với loài người và kêu gọi loài người yêu thương nhau. Tất cả những điều đó được ghi chép trong Kinh Thánh.

Con vẫn có thể tôn thờ Chúa và đồng thời cũng tôn kính Đức Phật như một vị thánh.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi yêu nhau được hai năm. Cả hai chúng tôi đều không muốn mất nhau. Em đã đồng ý đạo ai nấy giữ, nhưng còn chuyện con cái sau này thì đang băn khoăn [theo tôi tìm hiểu thì về con cái, bên Công giáo bắt buộc phải rửa tội]. K

hi tôi thưa chuyện với gia đình về việc em theo đạo, bố mẹ tôi phản ứng gay gắt và bảo tôi là trai trưởng, cháu đích tôn sau này phải thờ cúng ông bà. Gia đình bắt tôi phải bỏ em.

Mấy ngày qua, tôi rất buồn, không biết tìm cách nào để giải quyết cho ổn thỏa. Mong được sự tư vấn giúp đỡ của chuyên gia. [Thanh]

Trả lời

Tôn giáo thiêng liêng và không giống nhau, mỗi tôn giáo có luật lệ riêng, vì thế các tôn giáo không chấp nhận lễ nghi của tôn giáo khác. 

Để khắc phục khó khăn này, nhiều người đã đưa ra quan điểm “đạo ai người ấy thờ”, nhưng cũng rất khó, vì nếu thờ nơi nhà thờ, chùa... thì không sao, nhưng đem về nhà thờ rất phức tạp vì trong nhà để 2 bàn thờ, thậm chí 3 bàn thờ thì rất phiền. 

Đây là vấn đề nhạy cảm và khó khăn cho những người kết hôn khác tôn giáo nhưng không tìm được ý tưởng mục đích chung thống nhất.

Cái khó của bạn “là cháu đích tôn của dòng họ” mà dòng họ lại không theo tôn giáo. Nếu thực sự cô ấy đồng ý “đạo ai nấy giữ” là điều thuận lợi để có thể tiến tới kết hôn. 

Nếu đạo ai người ấy giữ thì con cái của các bạn cũng có thể theo đạo của cha, tức là không nhất thiết phải đi rửa tội. Việc này phải có sự thống nhất giữa bạn và cô ấy để sau này không ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.

Tuy nhiên, vấn đề “bố mẹ bạn phản ứng gay gắt và bảo bạn là trai trưởng, cháu đích tôn sau này phải thờ cúng ông bà” thì không còn là chuyện của 2 bạn nữa mà liên quan đến gia đình và dòng họ. Nếu thống nhất đạo ai người ấy thờ nhưng cô ấy là dâu trưởng, cô ấy có hoàn thành trách nhiệm làm dâu khi thờ cúng hay không? 

Bạn phải thống nhất được với cô ấy, sau đó đem những tính toán, dự định của bạn và cô ấy để trình bày với cha mẹ xem có được đồng ý không. Nếu bạn không giải quyết được chuyện trách nhiệm của con trưởng, dâu trưởng và con cái theo hướng không có đạo thì khó thuyết phục gia đình.

Bên tình và bên hiếu của bạn mà không có cách giải quyết tốt bên hiếu thì rất khó, vì bạn là con trai trưởng. Nếu bạn quyết tâm giữ bên tình mà bên hiếu không ổn thỏa thì bạn có thể phải chấp nhận “quyền công dân” để cưới vợ và bất chấp sự cấm cản. 

Còn nếu bạn không thể bất chấp và các cách trên không thể cứu vãn thì phải chấm dứt tình yêu. Trời không cho con người đầy đủ tất cả.

Chúc bạn sáng suốt!

Có tất cả năm câu hỏi liên quan đến vấn đề hôn nhân khác tôn giáo. Chúng tôi đưa ra năm câu trả lời và một một lời khuyên của một vị tu sĩ Phật giáo. Hai câu trả lời do ban tư vấn Tạp chí Giác Ngộ, một câu do ban biên tập Thư Viện Hoa Sen, và một câu do Tờ báo VietTide biên tập. Quý bạn đang ở trong trường hợp sửa soạn một cuộc hôn nhân khác tôn giáo nên nghiên cứu tất cả các câu trả lời và quán chiếu lại trường hợp của riêng mình để có thể tìm ra một giải pháp thích hợp. Chúc các bạn may mắn.

CÂU HỎI 1:

Con là một Phật tử thuần thành, gia đình con có truyền thống Phật giáo đều quy kính Tam bảo. Con thường xuyên đến chùa tụng kinh, học hỏi giáo lý. Vì hoàn cảnh riêng nên con phải lên thành phố học tập và làm việc. Trong thời gian này, con đã yêu một người con gái, cô ấy cũng rất thương con và chúng con có ý định tiến đến hôn nhân. Tiếc rằng, người yêu của con bắt buộc con phải theo tôn giáo của cô ấy và nói rằng đó là điều kiện để đi đến hôn nhân. Con không muốn mất cô ấy, khuyên cô ấy theo con thì con không có khả năng mà bỏ đạo thì con không thể..

ĐÁP:

Một trong những yếu tố cơ bản để cấu thành cuộc hôn nhân bền vững ngoài tình yêu là hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong hôn nhân, cố nhiên tình yêu vốn cực kỳ quan trọng song chỉ có tình yêu đơn thuần thì chưa đủ. Một tình yêu đúng nghĩa phải vượt lên tất cả những chướng ngại bằng bao dung, vị tha và đặc biệt là sự tôn trọng.

Có thể các bạn thương nhau nhưng chưa thực sự đạt đến độ chín của tình yêu chân thật. Trở ngại lớn nhất giữa các bạn bây giờ là niềm tin tôn giáo mà tôn giáo và tín ngưỡng lại thuộc phạm trù thiêng liêng, vốn bất khả xâm phạm. Theo như tâm sự của bạn trong thư thì chính bản thân bạn cũng như người yêu của bạn cả hai đều có lập trường kiên định trong việc bảo vệ niềm tin của mình.

Giữ vững niềm tin là điều tốt song éo le ở chỗ là tôn giáo hiện hữu trên đời để hướng thiện con người, giúp con người ngày một thăng hoa và tiến bộ trên phương diện đạo đức và tâm linh trong đó có vấn đề bảo vệ và xây dựng tình yêu chứ không phải làm chướng ngại, ngăn cách tình yêu. Vấn đề đặt ra ở đây là người yêu của bạn “thách cưới” bằng việc bắt buộc bạn phải từ bỏ tôn giáo của mình để theo tôn giáo của cô ấy. Nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì hôn nhân chỉ là chuyện trong mơ. Chính yêu cầu này bộc lộ một điều rằng cô ấy quá ích kỷ, hẹp hòi; bảo vệ niềm tin một cách thiển cận, thiếu tôn trọng và yêu tôn giáo của mình hơn yêu bạn.

Một khi lập trường hôn nhân của người yêu bạn nghiêng nặng về tôn giáo hơn là tình yêu đồng thời ra điều kiện cho bạn muốn đi đến hôn nhân với cô ấy thì phải bỏ đạo, chính bạn cần phải sáng suốt cân nhắc và kiểm định lại quyết định hôn nhân của mình. Bởi lẽ, điều kiện trên đã cho thấy người yêu của bạn sẵn sàng hy sinh tình yêu để bảo vệ tôn giáo đồng thời lộ rõ sự thiếu tôn trọng, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo thiêng liêng của bạn.

Còn đối với bạn, dù yêu thương cô ấy và có dự định hôn nhân nhưng vẫn giữ vững lập trường kiên định về niềm tin tôn giáo của mình. Bạn đã có một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Đạo Phật không chủ trương lợi dụng hôn nhân để quy nạp tín đồ đồng thời cũng không khắt khe đến độ cực đoan khi bắt buộc người chung sống với mình phải cải đạo. Người Phật tử, quy hướng đạo Phật xuất phát từ niềm tịnh tín, với ý thức tự giác và tự nguyện đồng thời rất tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của người khác. Do vậy, bạn cũng không cần người yêu của bạn từ bỏ tôn giáo của mình để theo bạn nếu không xuất phát từ tự giác và tự nguyện, nhưng đối với riêng bản thân bạn thì cần phải sáng suốt, không mù quáng và nhất là không đánh mất lòng tự trọng của người Phật tử, vốn dĩ cao quý và thiêng liêng.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, được làm người Phật tử là đã đặt chân lên thềm thang giác ngộ, đó là một trong những căn lành mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Do vậy, nếu bạn không muốn trầm luân, đọa lạc trong đời này và đời sau thì phải giữ vững niềm tin của mình. Hôn nhân có thể đem lại cho bạn hạnh phúc trong một đời nhưng để đạt được hạnh phúc trước mắt vốn mong manh ấy mà phải thay đổi lý tưởng và niềm tin là một điều tệ hại nhất trong các điều tệ hại vì đánh mất chánh kiến nên chắc chắn bị đọa lạc ở những đời sau.

Vẫn biết rằng nếu cùng một chí hướng và niềm tin thì rất tốt cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình song thực tế quan điểm của hai người hiện giờ thì điều ấy trở thành không thể. Giải pháp “đạo ai nấy giữ” dù còn nhiều giới hạn và trở ngại nhưng vẫn không có tính khả thi vì điều kiện bắt buộc để tiến tới hôn nhân của cô ấy là bạn phải bỏ đạo. Và đây cũng là tín hiệu rõ ràng nhất của vấn đề rằng chuyện tình yêu của các bạn còn một khoảng trống bất hòa khá lớn, chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Do vậy, nếu đi đến hôn nhân khi tình yêu cũng như quan điểm chưa đạt đến độ hòa hợp, chín muồi thì chắc chắn sẽ bất hạnh, đổ vỡ và chuốc lấy thất bại mà thôi.

Người Phật tử luôn vận dụng trí tuệ để làm hành trang cho cuộc sống. Bạn phải luôn ý thức để quán niệm rằng hôn nhân [nếu may mắn] chỉ đem lại hạnh phúc một đời, còn Chánh pháp sẽ dẫn bước và soi đường cho bạn đạt đến hạnh phúc và an vui trong đời này và mãi mãi về sau. [Ban Tư Vấn Tạp chí Giác Ngộ]

CÂU HỎI 2:

Cháu là một Phật tử thuần thành, áp dụng những lời Đức Phật dạy vào cuộc sống thực tiễn được nhiều lợi ích. Cháu đang làm việc cho một công ty nước ngoài và yêu thương một bạn gái theo đạo Thiên Chúa. Bạn này cũng như cháu rất ngoan đạo. Hơn một năm, tình cảm tụi cháu vẫn tiến triển tốt đẹp, bàn về tương lai xa chúng cháu đã thống nhất với nhau đạo ai nấy giữ. Nhiều người nói với cháu: “Hai đạo khó làm ăn, khó dạy con cháu, khó hạnh phúc…”.

TRẢ LỜI :

Đúng là trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng đã không hạnh phúc chỉ vì họ theo hai đạo khác nhau. Tuy mỗi tôn giáo có một nền giáo lý khác nhau, mục đích tối hậu khác nhau nhưng vẫn có những điểm giống nhau trong quan niệm cuộc sống. Ví dụ như tôn giáo nào cũng khuyên tín đồ của mình nên siêng làm những việc lành và cố gắng lánh xa điều ác. Cho nên hai người khác đạo quyết định lấy nhau, họ đã tìm ra chỗ dung thông sau khi vượt qua biết bao cách trở: Đạo ai nấy giữ.

Song, họ đã không hiểu hết lời tuyên thệ đó. Họ chỉ hiểu đơn giản khi lấy nhau rồi thì ai nấy cứ tiếp tục tín ngưỡng tôn giáo của mình, tự do cúng kiếng lễ bái hay những hình thức sinh hoạt khác mà một tín đồ cần phải thực hiện. Họ không hề nghĩ đến sự khác nhau giữa tư tưởng của hai tôn giáo là một trở ngại lớn. Càng là tín đồ thuần thành thì họ càng khó chấp nhận về quan niệm sống hay những điều chân lý của tôn giáo khác. Nếu như chân lý là một cái gì đó ở đằng xa, họ ít có dịp luận bàn đến thì những giáo lý áp dụng ngay trong đời sống hiện thực cũng không phải luôn luôn có điểm chung giữa hai tôn giáo. Vì ai cũng giữ cái “ngoan đạo” của mình mà không chấp nhận nhau rồi xảy ra việc tranh cãi và chê trích đạo của nhau là chuyện thường có. Nếu họ là những người hiểu biết, ôn hòa và nhường nhịn lẫn nhau thì với tình yêu sắt son cũng không khó xây dựng hạnh phúc gia đình.

Song, đến khi có con lại là một vấn đề nan giải. Lời giao kết “đạo ai nấy giữ” thuở ban đầu ấy là dành cho vợ chồng, nhưng con của họ thì sao? Theo cha hay theo mẹ? Ai mộ đạo thì cũng muốn con mình theo đạo truyền thống của ông bà cha mẹ mình, phải tranh thủ hướng đạo cho con ngay từ nhỏ. Nếu cha mẹ khoáng đạt hơn thì lớn lên cho con tự quyền lựa chọn tôn giáo, nhưng nếu đứa con mặc dù đã đủ lớn khôn để nhận thức nên theo đạo nào lại ngặt nỗi sợ mất lòng cha hoặc mẹ thì càng rắc rối hơn.

Đó là chưa nói đến hai họ, bên nội và ngoại, họ là những bức tường thành kiên cố khó mà vượt qua. Ngay từ khi cha mẹ chúng lấy nhau đã phải khổ sở lắm mới chinh phục được quan niệm “như đinh đóng cột” của nội ngoại, bởi những người theo đạo lâu năm họ cho rằng đó là một điều thương tổn đạo đức. Vì thương con mà họ đành ngậm ngùi chấp nhận, nhưng đến khi có cháu thì bất ngờ trong họ nảy sinh một sự chiếm hữu rất lớn, họ không thể “mất” thêm đứa cháu. Thật ra, tất cả cũng chỉ là quan niệm mà con người đã lỡ đặt ra và chấp chặt vào. Tôn giáo không hề có lỗi, bởi tôn giáo ra đời là để giáo dục con người hướng đến hạnh phúc trọn vẹn, chỉ tại con người bị bản ngã làm kẹt vào những quan niệm. Hai người khác đạo lấy nhau nếu muốn có hạnh phúc thì phải vượt lên những quan niệm đó. Còn chưa hiểu gì về tôn giáo của nhau, chưa tìm thấy được điểm chung để cố gắng hòa vào và điểm riêng để vượt ra khỏi thì nhất định sẽ rơi vào nghịch cảnh tan vỡ nếu vội vã lấy nhau. Không nên vì tình yêu quá độ mà lờ đi những hiểu biết về đạo của nhau. Phải thực sự hiểu giá trị đích thực của cuộc sống là gì thì mới thấy được sự cần thiết của đạo, bằng không sẽ xem nó như một nỗi ám ảnh đọa đày.

Giáo lý Đức Phật dạy chúng ta từ bi bình đẳng, độ lượng vị tha, nhu hòa nhẫn nhục… để thanh tịnh hóa nội tâm, chuyển hóa và trị liệu những tật bệnh phiền não chứ không hề khuyên chúng ta phải chết sống để bám giữ khư khư vào đạo mà không được phép tạm rời. Sống hình thức trong đạo mà không thực hành được những điều đạo đã dạy thì coi như hoàn toàn xa đạo, ngược lại không điều kiện để gần đạo hoặc có thể ở chung đạo khác mà vẫn sống tốt theo những gì đã được hấp thụ từ đạo của mình và còn tạo ảnh hưởng đến người đạo khác thì quả là một tín đồ thuần đạo, rất gần với đạo. Đó là lời răn nhắc của Đức Phật. Nhưng tư vấn đến đây, chúng tôi có ý định khuyên cháu khoan tiến xa hơn trong mối tình này, bởi chúng tôi vừa phát hiện ra cháu phát biểu nông nổi: “Chúa Jesus và Phật Thích Ca là một“. Dựa vào đâu là cháu dám nói càn như vậy? Cháu hiểu Phật Thích Ca là như thế nào và Chúa Jesus ra sao? Không nên vì muốn chuyện tình cảm của mình được trọn vẹn mà cẩu thả “sáp nhập” đại để tìm ra sự “dung hòa chân tình” trong tư tưởng của mình. Điều đó chứng tỏ rằng vì những lời cảnh báo của kẻ bàng quan và thấy người đi trước gặp thất bại nên cháu mới lo lắng băn khoăn chứ cháu chưa thật sự quan tâm đến vấn đề trở ngại của chính bản thân mình. Chúng tôi tán đồng quan điểm của cháu là cuộc sống là do bàn tay và khối óc của mình tạo nên, song sức mạnh của bàn tay thì có thể dễ dàng biết rõ chớ còn khối óc thì cần phải kiểm tra thật kỹ lại từng giây phút mới không lầm nhận về nó. Sự hiểu biết của con tim luôn nhạy cảm tìm sự thích nghi với hoàn cảnh và cũng bị tác động ít nhiều từ hoàn cảnh. Cháu không được phép chủ quan mà không chịu tìm ra chỗ gút của bài toán khó này thì về sau cháu sẽ hối tiếc vì không còn đủ sức để nhận diện nữa, lúc ấy chỉ còn biết đương đầu chấp nhận và thở dài mặc tùy số phận mà thôi. [Ban Tư Vấn Tạp Chí Giác Ngộ]

CÂU HỎI 3:

Em năm nay 20 tuổi, anh ấy 23, em quen anh ấy đã được 3 năm, tình cảm giữa em và anh ấy rất mặn mà, anh ấy đang học computer science, nhưng có một chuyện mà hai đứa em luôn đau khổ: em là người đạo Thiên Chúa, nhưng gia đình anh ấy theo đạo Phật, có nhiều lần anh đã muốn công khai chuyện tình cảm của hai đứa nhưng không dám vì gia đình của anh ấy không chấp nhận anh quen với người có đạo, bản thân anh cũng là con út trong gia đình, cho nên bây giờ hai đứa em quen nhau cứ phải lén lút, điều này làm em buồn lắm, gia đình em khó lắm, không chấp nhận em kết hôn với người ngoại đạo, thậm chí anh ấy đồng ý theo đạo mà ba em cũng còn không chấp nhận, chúng em không thể xa nhaụ

Bây chúng em phải làm sao để hai gia đình chấp nhận, bản thân anh là người rất có trách nhiệm, là đứa con ngoan trong gia đình, anh ấy sẵn sàng theo đạo nếu gia đình chấp nhận, nhưng mãi mãi gia đình anh ấy không chấp nhận thì chúng em sẽ phải xa nhau mãi mãi ư, đời em đã thuộc về anh ấy, em không hề hối hận những điều em đã làm, nhưng em phải làm sao để gia đình cho anh ấy theo đạo, chẳng lẽ em cứ chờ đợi mòn mỏi hoài vậy, em và anh ấy yêu nhau là một cái tội ư, bây giờ em phải làm sao đây Xin chỉ giúp em với

TRẢ LỜI :

Phải nói thẳng một điều là cả hai gia đình, gia đình em và gia đình anh ấy của em, đều hẹp hòi, ích kỷ, không quan tâm đến hạnh phúc của con cái mà chỉ muốn chúng phải là những con cừu do mình chỉ huy, áp đặt, nếu chúng không làm đúng theo ý mình thì mặc kệ, cho chúng nó đau khổ. Họ không thèm quan tâm đến tình huống cặp tình nhân tre, quá yêu nhau, muốn sống chung với nhau nhưng phải lén lén lút lút, nếu người con gái có thai ngoài hôn nhân, rồi hậu quả sẽ ra sao, liệu mầm sống mới chưa kịp mở mắt chào đời kia có vì sự khắt khe của ông bà nội, ông bà ngoại mà đành trôi theo bàn tay nạo thai mà ngậm hờn dưới lòng cống không?

Tuyệt đỉnh của tôn giáo là CHÂN THIỆN MỸ. Nhưng khi tôn giáo đã gom lại thành tổ chức thì đôi khi lại nẩy sinh ra những hạng người cuồng tín, làm những điều khiến cho tôn giáo của họ trở thành biến thể, đi xa cái chân thiện mỹ, mà trở thành một hình thức giống như là phe pháị Phe này muốn lấn lướt phe kia, tự cao về phe mình, không nghiên cứu giáo lý của tôn giáo khác để nhìn thấy được cái tuyệt đỉnh, cái CHÂN THIỆN MỸ mà giáo chủ của họ đã vì những điều đó mà hình thành tôn giáo của họ. Trái lại, cứ như con ếch ngồi dưới đáy giếng, nhìn lên thấy bầu trời nhỏ hơn cái chiếu, tưởng rằng chỉ có đạo của mình là hay nhất, không biết gì về các đạo khác, thậm chí, do không hiểu biết, đôi khi nói những điều vô căn cứ, hoang đường, thành ra như là nói xấu đạo khác vậỵ

Căn bệnh trầm kha này đã và đang gây tai họa cho nhân loại qua các cuộc thánh chiến. Chỉ khi nào, hoặc là mọi người đều nghiên cứu thêm về các tôn giáo khác để hiểu biết và thông cảm nhau hơn, hoặc là không nghiên cứu thì cứ nên tôn trọng sự tự do tôn giáo, tự nhủ rằng vì mình thiếu hiểu biết, không thấy cái hay của các tôn giáo khác không có nghĩa là đạo khác xấu, mình có bổn phận phải >. Đừng nghĩ rằng chỉ có riêng những người theo tôn giáo mình là , còn các người không theo đạo của mình thì gom chung thành > cần được giáo dục để >. Điều này phải cần đến sự tận tâm giảng dậy của các vị linh hướng có tinh thần cởi mở, hiểu biết rộng, và có tấm lòng từ bi, bác ái, thương xót cho cái kiếp người vốn đã đầy nỗi thống khổ, không nên lợi dụng tôn giáo để quàng thêm vòng dây kẽm gai lên đầu lên cổ tuổi trẻ nữạ

Các em nên cố gắng học hành chăm chỉ để kiếm được việc làm, thoát được ảnh hưởng của gia đình về mặt kinh tế, rồi sau đó, hãy can đảm trình bầy hoàn cảnh thực sự của hai em, là hai em không thể xa nhau được, yêu cầu hai bên cha mẹ tác thành, nếu không, các em đã lớn, các em cũng có bổn phận đối với chính mình, các em có thể tự định đoạt đời các em.

Về việc đổi đạo, em nên giữ sự tế nhị và hợp lý, không nên đem hôn nhân làm một áp lực bắt người khác đổi đạọ Hai em nên đạo ai nấy giữ. Sau này, khi hai em sống chung, chính cung cách sống của các em sẽ nói lên tính ưu việt của tôn giáo mà các em chịu ảnh hưởng. Từ đó, tùy theo lòng kính quý của mỗi em đối với từng tôn giáo, các em vẫn còn dư thời giờ để đổi đạo, nếu muốn. Sự cưỡng bách không thể thấm sâu vào lòng người, mà lại phát sinh ẩn ức. Để xứng đáng đi vào lãnh vực tâm linh, mỗi người phải có tấm lòng thành khẩn, bước những bước hân hoan, tâm hồn sung mãn với những tư tưởng khai phóng, không phải là những bước lầm lũi tủi hờn vì bị ép buộc. [Thuần Nhã, Tờ báo VietTide]

CÂU HỎI 4:

Con tên là Trung, cư ngụ tại tiểu bang Arizona, là một tín đồ Công Giáo cùng một người bạn đường và bạn đời cùng kết nghĩa vợ chồng. Tất cả mọi việc đều giải quyết thật ổn thỏa êm đẹp. Nhưng có một điều là con cái sau này thì làm sao? Theo Chúa hay Phật !! Thật là nan giải. Xin quý thầy cùng các bậc hiểu biết làm ơn giúp ý. Thành thật cảm ơn. Cầu xin ơn Trên trả công cho quý vị.

ĐÁP

Theo như thư anh kể, anh, một người theo đạo Thiên Chúa Giáo và chị, một người theo đạo Phật đã yêu nhau và kết nghĩa vợ chồng, cùng chung sống hạnh phúc bên nhau. Sự kiện đó đã nói lên một thực thể đẹp và có thể là trong tương lai con cái anh chị cũng sẽ thừa hưởng được cái đẹp đó.

Chúng tôi nghĩ rằng những cuộc hôn nhân như vậy sẽ tạo nên cơ hội tốt để hai người có thể học hỏi truyền thống tôn giáo của mỗi bên. Khi anh chị sanh các cháu, anh chị có thể khuyên các cháu theo cả hai truyền thống tôn giáo của cha mẹ hoặc là để cho các cháu được tự do học hỏi và lựa chọn, đừng nên bắt ép các cháu phải bỏ bên này mà theo bên kia, cũng đừng bắt buộc các cháu phải rửa tội hay phải quy y Tam Bảo trước khi các cháu tới tuổi trưởng thành.

Cũng thế, trong đời sống gia đình, anh nên nói với chị, “Khi nào em đi chùa, nhớ cho anh đi với để chúng ta cùng cúng hoa lên Phật.” Chị cũng nên nói với anh: “Chủ Nhật tới anh hãy cho em đi nhà thờ với để cùng dự lễ cầu kinh với anh.” Thật là tuyệt đẹp, con cái cũng vậy, đứa nào thích đi chùa thì đi chùa, đứa nào thích đi nhà thờ thì đi nhà thờ, hay thích đi cả hai càng hay, hãy để chúng tự do lựa chọn, đừng ép buộc, đừng khuyến dụ. Trong cuộc sống hằng ngày hãy dạy các cháu những điều cơ bản mà cả hai truyền thống tôn giáo đều dạy là không làm các điều ác, làm các việc lành và hiếu kính cha mẹ. [1]

Đó là tương lai của con cháu chúng ta, bởi vì nếu chúng ta khác truyền thống tôn giáo, khác tư tưởng mà có thể sống với nhau đẹp đẽ như vậy, chắc chắn xã hội chúng ta sẽ không còn hận thù, xung đột và chiến tranh. Chúng ta sẽ sống an lạc, và hạnh phúc hơn trong tinh thần tự do, cởi mở vì không chấp trước bất kỳ một tư tưởng nào. Anh hay chị hay cháu hãy cứ là Phật tử hay là con của Thiên Chúa, cứ giữ những giá trị truyền thống sẵn có và luôn luôn mở rộng lòng đón nhận giá trị truyền thống khác của người bạn đời hay của con cái. Không nên có tư tưởng hay tìm cách cải đạo [convert] của nhau. [BBT Thư Viện Hoa Sen]

[1] Lẽ dĩ nhiên có những sự khác biệt quan trọng giữa đạo Phật và các đạo khác, mà trong đó đạo Phật có điểm “tự tịnh kỳ ý” nghĩa là phải “tự thanh tịnh tâm ý”.

CÂU HỎI 5: 

Con lấy vợ là một người công giáo và con đã quyết giữ đạo của mình là đạo Phật. Con đã đọc quyển sách ” Living Budha, Living Christ” của Sư Ông Nhất Hạnh, con sống trong tinh thần tôn trọng tín ngưỡng, nhưng khi có con thì vợ con một mực không cho phép con đưa con của con lên Chùa, và trong nhà thì không chỉ thờ một mình Chúa. Điều này con cũng rất hiểu là vợ con bị kẹt trong perception, rất là khổ sở vì perception này. Con thì OK, Phật tại tâm thôi, nhưng con của con là của chung, con cảm thấy mình bị xử ép, và buồn lắm. Nhiều lúc muốn ly dị nhưng con còn nhỏ, hơn nữa ly dị vì tôn giáo thì không đúng con cũng đang bị kẹt trong perception là Phật và Chúa. Con muốn con của con biết nội ngoại tức biết hai gốc rễ tâm linh để sau này lớn lên không bị kẹt và sinh tâm kỳ thị. Xin quí thầy và sư cô giúp đỡ

ĐÁP:

Đọc thư anh xong, chúng tôi rất thương cho đứa trẻ. Nó đang là nạn nhân của tôn giáo. Anh chị có thấy điều này không?

Nếu anh ‘quyết tử’ vì đạo Phật mà gia đình phải cắn đắn nhau, con anh phải chứng kiến cảnh cha mẹ nó giận hờn nhau, hơn thua với nhau vì tôn giáo, thì sự hy sinh hạnh phúc gia đình của anh cho đạo Phật có xứng đáng không? Sự hy sinh của chị cho đạo Công giáo có xứng đáng không? Nếu vì đạo Phật, vì đạo Công giáo, mà vợ chồng phải bỏ nhau để con trẻ bơ vơ, đói khát tình thương từ cha lẫn mẹ và mái ấm gia đình, thì đạo Phật đó chỉ làm khổ gia đình anh, đạo Công giáo ấy chỉ làm khổ gia đình chị, vậy thì anh chị muốn con mình theo đạo của mình để làm gì, rồi nó cũng sẽ gặp chuyện khó xử sau này y hệt như cha mẹ nó vậy thôi. Thầy chúng tôi thường nói: ‘Phật ra đời đâu phải để cho con của Phật khổ’. Xin anh hãy nghiệm lấy câu này để hiểu cho thật tường tận về gốc rễ tâm linh của mình.
Anh và chị là vợ chồng với nhau. Khi thương nhau, hai người đã lấy đi hàng rào tôn giáo để đi đến hôn nhân hoàn toàn không kỳ thị. Vậy tình thương đó bây giờ đâu rồi? Tinh thần không kỳ thị đó đâu rồi? Tình thương đó là đạo Phật. Tinh thần không kỳ thị đó là đạo Phật. Đó là đạo Phật trong cuộc sống hàng ngày. Anh đã đánh mất đạo Phật như anh đã đánh mất tình thương cho vợ anh vậy. Chuyện của anh chị, gợi lại cho chúng tôi một câu chuyện khác, có thật:

– Có một gia đình nọ có hai đứa con. Trong nhà chỉ độc nhất có một cái ti-vi, mà thằng lớn ưa coi phim cao bồi, thằng nhỏ ưa coi phim hoạt họa. Cứ đến ngày thứ bảy là chúng giành nhau cái ti-vi. Thằng lớn nói cái lý của thằng lớn: ‘Nó là em, nó không được cãi.’ Thằng em nói cái lý của thằng em: ‘Ảnh là anh mà ảnh không biết nhường nhịn em.’ Người cha muốn xử đề huề cho cả hai đứa, nhưng đứa nào cũng bảo cha xử ép chúng. Người cha thấy hai con không đứa nào lắng nghe đứa nào, không đứa nào nhường nhịn đứa nào, và tệ hơn cả là chúng không còn biết nghe đến lời can ngăn của ông nữa. Ông giận lên và quăng cái ti-vi đi.

Đọc xong câu chuyện này, anh nghĩ gì? Anh tự nghiền ngẫm lại đi.

Anh muốn con anh tiếp xúc với đạo Phật, thì anh phải cho con anh thấy tận mắt cái đẹp, cái lành, cái thật của đạo Phật qua đời sống hàng ngày của anh. Nếu con anh tiếp nhận được tấm lòng vị tha, bao dung, rộng lượng, hiểu biết lớn… của anh, thì nó sẽ thấy gốc rễ tâm linh của ba nó, ông nội nó rất giàu có. Và gốc rễ tâm linh đó sẽ ăn sâu vào lòng nó mỗi ngày mỗi ngày một cách rất âm thầm. Thành ra anh đừng lo rằng con anh sẽ mất gốc.

Anh hãy tưởng tượng một cái cây chỉ sống trong chậu. Cây có lớn đến đâu đi nữa thì gốc rễ của nó cũng không thể vươn ra ngoài cái chậu. Nếu anh cho rằng, con anh đi chùa sẽ tiếp xúc được với gốc rễ tâm linh đạo Phật, thì chẳng khác gì cái cây ở trong chậu mà thôi. Đạo Phật có tầm vóc lớn lao hơn nhiều. Nó vượt ra ngoài không gian [khuôn viên chùa] và thời gian [từ ông bà truyền qua nhiều đời con cháu]. Xin anh hãy nghiền ngẫm lại.

Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở anh chị nên nghĩ đến tâm trạng của một đứa trẻ. Đứa trẻ nào cũng muốn thấy cha mẹ chúng thương yêu nhau, sống hạnh phúc với nhau. Đối với chúng, Phật và Chúa đều xa lạ lắm. Chúng không tưởng tượng ra được Phật từ bi như thế nào, Chúa cứu thế như thế nào. Nhưng chúng thấy rõ, biết rõ là cha mẹ chúng sống như thế nào. Đứa trẻ sẽ thích đạo Phật nếu cha nó bao dung và rộng lượng như Phật, biết thương nó và mẹ nó; đứa trẻ sẽ thích đạo Công giáo nếu mẹ nó ngọt ngào và hiền dịu như thiên thần, biết thương nó và cha nó. Nếu anh và chị làm đúng vai trò của mình, thì đứa trẻ tiếp nhận hai gốc rễ tâm linh cũng dễ dàng như ‘ăn cơm Tàu mà ở nhà Tây’ vậy. Gia đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều.

Anh và chị có bảo đảm là đứa trẻ khi lớn lên sẽ theo đạo của mẹ nếu nó đi nhà thờ mỗi tuần từ khi còn bé thơ, hay theo đạo của cha nếu nó đi chùa mỗi tuần không? Theo chúng tôi thì vấn đề không phải ở chỗ cho cháu đi nhà thờ hay đi chùa. Vấn đề là: Nhà thờ có gì cung cấp cho cháu làm hành trang sau này khi cháu gặp khó khăn hay không? Nhà chùa có gì cung cấp cho cháu làm hành trang sau này khi cháu khổ đau, tuyệt vọng hay không? Xin anh suy nghĩ lại.

Thư khá dài, chúng tôi xin dừng ở đây. Mong rằng với những dòng chữ này sẽ giúp anh chị thoát ly được ‘perception’ của mình để tìm lại được hạnh phúc thuở ban đầu. Hạnh phúc của anh chị là món quà mà đứa trẻ sẽ thích nhất, trân quý nhất. Cảm ơn anh đã để thì giờ đọc lá thư này. [Sư Cô Đoan Nghiêm]

Lời khuyên của một vị tu sĩ Phật giáo:

Đối với Đạo Phật, Đức Phật quan niệm rằng: “Không có sự phân biệt Tôn giáo và giai cấp, khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn“. Lời dạy ấy chứng tỏ rằng: Đối với Ngài hay đối với Đạo của Ngài – Ngài không phân biệt ai cả. Ai tin thì theo Phật, ai không tin Ngài cũng không sao. Câu nói ấy cũng chứng tỏ rằng: Ngoài Đạo Phật, Ngài còn công nhận nhiều Đạo khác nữa. Trong khi đó những Đạo khác có tính cách cực đoan hơn, chỉ biết công nhận Đạo của mình, còn những ai không tin mình đều là Ngoại Đạo cả. Từ đó mới phát sinh ra chuyện khó khăn giữa một chàng trai Phật Tử đã quy y Tam Bảo đi yêu một cô gái theo đạo Thiên Chúa.

Cuộc tình nào cũng đẹp nhưng cũng lắm đắng cay. Nếu chỉ có hai người không thì họ đã tự quyết định rồi; nhưng ngặt còn cha mẹ của hai bên và còn chuyện tương lai của con cái nữa. Có nhiều cuộc tình rất đẹp; nhưng đến ngày cưới lại tan vỡ, vì bên này không chấp nhận lễ nghi bên kia, hoặc bên kia không chấp nhận lễ nghi bên này. Thật ra thì Phật Tử chưa hiểu Đạo vẫn có người cực đoan, mà con Chiên của Chúa cực đoan cũng không phải là ít.

Điều mà người Phật Tử phải nhớ là đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi thì dầu cho không gian và thời gian có thay đổi cũng không được quyền thay đổi Đạo của mình. Đổi Đạo tức là đã phạm vào những giới mà mình đã phát nguyện lúc quy y Tam Bảo. Và Phật Giáo cũng không bắt buộc một người nào theo Đạo của mình dưới bất cứ một hình thức nào cả.

Một vị Tăng sĩ có thể đứng ra chủ lễ cho một đám cưới hai Đạo khác nhau; nhưng chúng tôi đoan chắc rằng một vị Linh Mục Việt Nam không làm điều đó. Vì cho rằng chú rể hoặc cô dâu kia là người ngoại đạo. Nhưng đó chỉ là những vị Linh Mục Việt Nam bắt buộc như thế thôi, còn các Linh Mục Âu, Mỹ vẫn khuyên rằng đạo ai nấy giữ – nếu có đi chăng nữa là từ hồi xưa – lúc họ còn ít tín đồ- chứ bây giờ có lẽ vì bị sự chống đối của Tín hữu nên không thấy nói.

Chúng tôi thấy Phật Tử của mình bị mất mát quá nhiều; vì một cậu Phật Tử đi lấy vợ theo Thiên Chúa hoặc một cô Phật Tử đi lấy chồng theo Thiên Chúa là sự đi chùa của cô hay cậu đó hoàn toàn trống vắng mà lâu nay quý Thầy không nói có lẽ còn nể tình, hoặc bảo rằng chuyện không đáng. Vì Phật Giáo không có chủ trương thâu nhận tín đồ cho lấy nhiều mà chỉ tự nơi tâm thôi.

Nhiều Phật Tử có tâm đạo hay nói với chúng tôi rằng: “Nếu chỉ theo Đạo Chúa để lấy được vợ thì sau khi lấy vợ xong con phải dẫn vợ về chùa, chứ không đi nhà thờ nữa”. Nhưng thông thường thì đàn ông theo đạo vợ hơi nhiều, chứ đàn bà ít theo đạo chồng – có lẽ niềm tin của các ông chồng còn yếu.

Gần đây bên Giáo Hội Thiên Chúa có cho xuất bản bộ giáo luật mới có đề cập đến vấn đề hôn nhân giữa người khác Đạo. Chúng tôi thấy rằng Giáo Hội Thiên Chúa giáo có cho tự do kết hôn giữa người khác Đạo [nghĩa là Đạo ai nấy giữ] nhưng đến đời con, cháu phải theo Đạo Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng đó cũng chỉ là tự do trong một giai đoạn ngắn thôi. Điều quan trọng là ở tương lai chứ hiện tại cũng không có gì đáng nói lắm. Chúng tôi thấy hơi lạ là bên Đạo Thiên Chúa cứ bắt buộc người khác rửa tội mới được làm lễ nhà thờ. Trong khi đó Đạo Phật thì không bắt buộc gì cả. Đạo ai nấy giữ. Nếu cứ tình trạng này thì con Chiên của Chúa cứ tăng dần mà Phật Tử càng ngày càng ít. Nên chúng tôi có một số ý kiến như sau :

Việc viết lên bài này không nhằm đả kích giữa Tôn giáo này hay Tôn giáo khác mà chỉ nhằm mục đích nói rõ, nói thẳng cho người Phật Tử cũng như con Chiên của Chúa hiểu được Đạo là gì theo một Tôn giáo không phải là thay cái áo cũ mặc cái áo mới, mà theo một Tôn giáo là trọn đời của mình phải phục vụ cho một niềm tin cao thượng, giải thoát – chứ không phải theo một Tôn giáo để lấy vợ hoặc chồng rồi lại thôi không theo nữa.

Chúng tôi thấy có nhiều gia đình sống không có hạnh phúc với nhau vì khác Đạo. Nên chúng tôi khuyên những vị sắp lập gia đình nên tìm những người cùng Tôn giáo để kết hôn nhau vẫn hơn là khác Tôn giáo. Vì con cái của quý vị sẽ khổ sở, không biết nên theo Đạo của cha hay Đạo của mẹ. Người Phật Giáo luôn luôn quan niệm rằng Đạo nào cũng tốt; nhưng cuối cùng người Phật Tử để bị đồng hóa trở thành con Chiên của Chúa hơn là con Chiên của Chúa trở thành Phật Tử.

Chúng tôi cũng đề nghị với quý vị Linh Mục Việt Nam rằng: “Không nên bắt buộc những người Phật Tử phải bỏ Đạo Phật để theo Đạo Chúa. Vì điều đó Chúa cũng không dạy mà Phật cũng không muốn“. Chúng tôi chỉ trình bày sơ lược một số vấn để có liên quan về việc hôn nhân giữa người cùng Đạo và khác Đạo. Hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp tích cực của những bậc Tôn Túc, quý vị lãnh đạo tinh thần giữa Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo. [Thầy Thích Như Điển, Chùa Viên Giác-Nước Đức]

Ý Kiến Của Độc Giả

Kính chào ban biên tập,Tôi là một phật tử sinh hoạt trong gia đình phật tử gần 10 năm nay và có chút ít hiểu biết về Phật pháp. Tôi có vợ là người theo Thiên Chúa giáo, lấy nhau đã gần 4 năm. Chúng tôi đạo ai nấy giữ và thường hay chia sẻ hiểu biết về đạo của mình với nhau. Tình cờ đọc các câu hỏi và trả lời trong mục “Hôn Nhân Khác Tôn Giáo”, tôi thấy các ý kiến hỏi cũng như trả lời đều rất hay và bổ ích. Tuy nhiên có một vài ý khác mà chỉ từ kinh nghiệm bản thân mới có được, tôi xin chia sẻ dưới đây.

Nhìn từ bên ngoài, Thiên Chúa giáo so với Phật giáo có vẻ là một tôn giáo “ích kỷ” vì không cho phép tín đồ của mình bỏ đạo trong khi lại yêu sách tín đồ của tôn giáo khác cải đạo sang tôn giáo mình. Nhận xét này có phần nào đúng, nhưng nếu nhìn từ bề trong và qua trao đổi với ngưòi theo Thiên Chúa thật sự hiểu đạo và sống đạo, hoặc các vị linh mục VN sống ở phương Tây [vợ tôi đã làm điều này trước khi chúng tôi cưới nhau], thì có một số điều mà người phật tử chúng ta cần phải suy nghĩ.

Một lý do theo tôi khá chính đáng mà phía bên Thiên Chúa giáo trông đợi người Phật tử cải đạo trong một cuộc hôn nhân, là biểu hiện “mê tín” của “đa số” tín đồ Phật Giáo. Tôi dùng từ trong ngoặc kép vì chỉ có Phật tử hiểu biết Phật pháp mới đoan chắc được là Phật Giáo không mê tín. Nhưng đối với “người ngoài đạo”, Phật Giáo gắn liền với coi bói, xin xăm, phong thủy, coi tuổi và ngày lành tháng tốt, v..v… Chính vì không thể chấp nhận người phối ngẫu và con cái sau này đi theo con đường mê tín, mà phía bên Thiên Chúa giáo mới có điều kiện bắt người phối ngẫu cải đạo. [Dĩ nhiên, cũng có rất nhiều người Thiên Chúa giáo áp dụng điều này một cách máy móc, và hoàn toàn không hiểu tại sao họ cần làm vậy].

Đây là một vấn đề đau lòng của riêng tôi khi nghĩ về tình trạng của Phật Giáo hiện nay. Tôi thiết nghĩ, các vị lãnh đạo Phật Giáo cần có thái độ rõ ràng để xác nhận đường lối Phật Giáo, tránh ngộ nhận về đức tin cho những người “ngoài đạo” và cho chính các phật tử cùa mình. Chúng ta không cần phải lên án hay chống báng những hành vi “mê tín” kể trên [thật ra những điều “mê tín” đó cũng có khi đúng vì nó là kết quả của hàng ngàn năm kinh nghiệm của tổ tiên chúng ta], nhưng chúng ta cần phải xác định đức tin của mình đặt ở đâu nếu mình nhận mình là phật tử [quy y Phật-Pháp-Tăng, không quy y quỷ thần, v..v..].

Nghĩ xa hơn nữa, chúng ta không nên chấp nhất sự “thiệt thòi” nhất thời từ việc cho con cái theo đạo Thiên Chúa. Chúng ta nên giữ đạo cho mình chứ không nên tìm cách giữ đạo cho người khác, dù đó là con cái của chính chúng ta. Vì nếu làm như vậy, chúng ta đã sa vào chấp ngã, và thấy hột sạn trong mắt [đạo] người mà không thấy hột cát trong mắt [đạo] mình. Đối với Phật Giáo, mỗi người phải tự mang trách nhiệm tối hậu về đời sống tinh thần và sự giải thoát cho chính mình, không ai khác gánh vác được. Chỉ vì một người được sinh ra là Phật tử hay con chiên của Chúa không có gì bảo đảm là người ấy sẽ được giải thoát hay cứu rỗi, hay ít ra sẽ trở thành một người tốt hơn người của “phía bên kia”.

Nếu chúng ta có niềm tin chân chính đối với giáo pháp, chúng ta phải tin rằng dù thân nhân chúng ta có theo tôn giáo nào đi nữa, Phật Giáo thông qua chính hành vi, nhân cách của chúng ta luôn có giá trị bổ sung, hoàn chỉnh, và mang lại lợi lạc cho họ. Nếu chúng ta cảm nhận được sự tồn tại của Phật Giáo trên thế gian này ngay cả khi không còn một người niệm Phật, theo tôi nghĩ, chúng ta mới thật sự hiểu được giá trị của tôn giáo mình, và từ đó không còn hồ nghi lo lắng về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo nữa.

Thân kính,

Minh Phước
Trần Kim Long Hưng.

theo thuvienhoasen.org

Video liên quan

Chủ Đề