Mười đại nạn kinh hoàng review

Ra rạp vào thời điểm thị trường Việt kiệt quệ vì vắng bóng phim chất lượng, dự án đầu tay của Hằng Trịnh tuy nhiều lỗi nhưng vẫn là một bộ phim có tiềm năng.

Mười đại nạn kinh hoàng review

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một số chi tiết nội dung phim

Thể loại: Kinh dị Đạo diễn: Hằng Trịnh Diễn viên: Chi Pu, Rima Thanh Vy, Hồng Ánh, Bình Minh, Anh Thư, ... Đánh giá: 6/10

Mười: Lời Nguyền Trở Lại là dự án đầu tay của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Hằng Trịnh, lấy ý tưởng từ tác phẩm Mười ra mắt vào năm 2007. Chuyện phim xoay quanh tình bạn giữa Linh (Chi Pu) và Hằng (Rima Thanh Vy). Bộ đôi từng là tri kỷ nhưng đã sứt mẻ vì mâu thuẫn chuyện tình tay ba. Bẵng đi một thời gian, hai người tái ngộ và Hằng chủ động làm hoà, rủ bạn thân cũ về thăm căn biệt thự cổ giữa rừng cao su nơi mình đang sống.

Từ đây, bi kịch chính thức nảy sinh. Hàng loạt hiện tượng kỳ dị và ghê rợn ám ảnh Linh về những câu chuyện chẳng lành sắp xảy đến với mình. Từng ẩn ức của quá khứ lẫn thực tại đan xen, gợi mở nhiều sự thật bất ngờ đằng sau lời nguyền truyền kiếp.

Những lựa chọn không đúng

Được xây dựng theo cấu trúc 3 hồi, bộ phim dễ cho cảm giác mạch lạc nhưng thực tế thiếu sức sáng tạo. Hồi đầu của phim thường được coi là thành tố quyết định việc lôi kéo và níu chân khán giả. Tuy nhiên, dự án đầu tay của đạo diễn Hằng Trịnh không làm tốt điều này. Nhiều chi tiết được cài cắm không rõ mục đích, làm loãng mạch tự sự.

Màu phim nhuốm đậm sắc xanh pha xám cổ điển quá lố thành ra không phù hợp, cùng nhiều cảnh quay thiếu sáng một cách phi lý. Bên cạnh đó, Mười cũng để lộ thiếu sót vì vắng bóng những cú máy wide-shot kết hợp zoom-out, cô lập diễn viên trong khung hình - một điều rất cần thiết trong việc khơi mào hiệu ứng kinh dị.

Mười đại nạn kinh hoàng review

Rima Thanh Vy và Chi Pu trong phim mới của đạo diễn Hằng Trịnh.

Lời thoại đích thị là điểm đáng chê trách nhất mà Mười để lộ sự thiếu chỉn chu trong khâu biên kịch. Cụ thể, thoại phim quá nhiều, lê thê và dàn trải. Điều này không mang lại sự phù hợp cần thiết với một tác phẩm kinh dị giật gân.

Diễn viên đài từ nhàm chán, tạo cảm giác như đang đọc kịch bản. “Hai đứa nói chuyện với nhau rõ ràng rồi mình sẽ lại thân thiết với nhau như xưa được không Linh?”, điển hình của những lời thoại thừa thãi, thiếu chắt lọc, được sử dụng như miếng vá lỗ hổng kịch bản. Một điểm yếu chí mạng của điện ảnh Việt!

Trải nghiệm thể loại phim mới trong sự nghiệp, Chi Pu gần như loay hoay tìm ra sợi dây liên kết với tính cách nhân vật. Cau mày, trợn mắt, bặm môi, thở dốc,... một loạt những biểu hiện “xôi thịt” của overacting được sử dụng chẳng khác gì trong những phim trước đó. Tuy nhiên, không phủ nhận sự nỗ lực của nữ diễn viên trẻ khi đã chịu khó thể nghiệm những khía cạnh đa dạng của cảm xúc. Chỉ có điều, cố gắng thôi là chưa đủ, diễn xuất của cô vẫn khó lòng tìm được ví trị vừa vặn trong tác phẩm điện ảnh này.

Tương tự, Thanh Vy ít nhiều gây bất ngờ khi liều lĩnh giảm cân để thử sức một vai diễn khó nhằn. Dẫu vậy, Hằng dù sao vẫn là một chiếc áo quá rộng so với cô. Nữ diễn viên trẻ đôi khi để lộ nét diễn gượng gạo và khiên cưỡng, đặc biệt trong những phân cảnh hồi tưởng, khóc lóc. Những cảnh phim body horror (lột móng, bẻ khớp) có thể khiến khán giả rợn người, nhưng chủ yếu lại nhờ âm nhạc hay tạo hình.

Nội dung còn nhiều tranh cãi

So với phần đầu tiên, tính cách và tâm lý nhân vật trong phim chưa thực sự “làm tới” và khó tạo được đồng cảm. Động cơ báo thù của Hằng mờ nhạt, không mạnh mẽ, không thuyết phục như Seo Yeon trong bộ phim tiền nhiệm của đạo diễn Kim Tae-kyeong. Thậm chí, nếu Hằng quái dị do vong nhập (motif Hysteric), thì diễn biến tâm lý của Linh cũng đầy rẫy những điểm bất thường!

“Để đổi lấy những cảnh quay máu me kinh dị, chúng ta thường phải hy sinh sự thông minh của ai đó. Nhưng đôi khi, sự hy sinh này lại trở nên quá đà”. Và Chi Pu với vai diễn Linh là minh chứng điển hình cho motif Stoner (nhân vật ngu ngốc) gây ức chế đó: đơn độc tiến vào bóng tối, rừng sâu, lần theo âm thanh lạ, tò mò trước những bí ẩn ghê rợn dù “không biết làm gì ngoài la hét”.

Nếu biết cách kết hợp với jumpscare và nhạc nền, các mánh kinh dị cũ kỹ như vậy thường thành công trong việc hù dọa người xem yếu tim. Chỉ có điều, những khán giả tinh nghề đều đã ngán ngẩm món tráng miệng nhàm chán này sau hàng loạt bộ phim kinh phí thấp trước đó. Giật mình, nhưng trống rỗng và không có ám ảnh - thứ cảm xúc thăng hoa nhất mà chỉ những tác phẩm điện ảnh cao tay mới có thể mang lại.

Mười đại nạn kinh hoàng review

Ngôn ngữ kinh dị trong phim chưa thực sự sáng tạo.

Bên cạnh đó, phim lạm dụng hiệu ứng Spielberg-face, zoom cận mặt nhân vật hòng tối đa hóa việc sử dụng chất liệu kinh dị cổ điển. Trớ trêu thay, diễn xuất của nữ chính chưa đủ chín muồi, thuyết phục. Thành thử, Hằng Trịnh vô tình tự tay “dìm” dự án điện ảnh tâm huyết của chính mình.

Thông điệp được cài cắm trong phim cũng cho thấy yếu điểm lệch lạc của khâu biên kịch. Kết phim vô tình tạo cảm giác cổ xúy thói đổ lỗi cho nạn nhân, hun đúc định kiến chống lại phụ nữ, khác hẳn với lăng kính nhân văn mà đạo diễn Kim Tae Kyung trân trọng nhìn ngắm các nhân vật của mình. Thậm chí, tagline “Màn trừng trị tiểu tam thâm độc nhất” cũng xuất hiện trên poster phim phản cảm tới khó hiểu.

Điểm sáng là sự đầu tư nghiêm túc

Khai thác đủ 5 yếu tố kinh dị cơ bản theo lý thuyết Konn Lavery bao gồm: hồi hộp, sợ hãi, bạo lực, máu me và siêu nhiên, tổng thể phim Mười dù tồn đọng nhiều điểm yếu nhưng trên hết là một sự đầu tư nghiêm túc. May mắn thay, đứa con tinh thần của Hằng Trịnh là một trong số những phim kinh dị Việt hiếm hoi không rơi vào vũng lầy của việc nhồi nhét hài nhảm lố bịch.

Tác phẩm nhìn chung được tạo dựng chỉn chu về mặt hình ảnh. Từ hóa trang cho tới thiết kế phục trang của nhân vật đều chi chút tỉ mỉ. Quay phim cũng xứng đáng được ghi nhận với nỗ lực thay đổi góc máy, đem tới những điểm nhìn đa dạng cho khán giả. Chất liệu kinh dị của Mười không tệ, tuy có phần ôm đồm nhưng chí ít cũng cho thấy sự cố gắng tìm tòi, va chạm của đạo diễn.

Hồng Ánh chắc chắn là điểm sáng rực rỡ của phim. Diễn xuất của cô cho thấy đầu tư thâm nhập tâm lý nhân vật, vừa vặn, không sượng, lố. Sự xuất hiện của Bình Minh và Anh Thư chưa mang lại nhiều giá trị cho phần mới của Mười, chủ yếu chỉ nhằm gợi nhắc mối liên hệ với phần phim trước. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố tô vẽ màu sắc điện ảnh homage, tham chiếu các cảnh phim kinh điển tiền nhiệm.

Hơi đáng tiếc, Hằng Trịnh lại bỏ lỡ cơ hội lập cú penalty lội ngược dòng cho phim Việt. Nút thắt cao trào của Mười lên tới đỉnh điểm khi Linh buộc phải đứng trước hai lựa chọn. Không ngoài dự đoán, đạo diễn chọn cách an toàn khi chạy theo những giá trị nhân văn muôn thuở hòng chiều chuộng khán giả.

Chỉ có điều, nếu nữ đạo diễn họ Trịnh mạo hiểm chọn cách xử lý nút thắt ngược dòng, thoái trào mới có thể biến đổi trở thành cao đặc sắc ở mức độ sâu hơn, “đã” hơn. Khi đó, xúc cảm nội tâm của nhân vật mới tạo được ấn tượng, thuyết phục. Đi ngược lại với suy tính của khán giả, đó mới đúng nghĩa là cú plot-twist ghi điểm mạnh mẽ.

Mười đại nạn kinh hoàng review

Diễn xuất của Hồng Ánh cứu phim Mười.

So sánh với Mười: Truyền thuyết về bức chân dung ra mắt năm 2007, thời điểm ngành phim kinh dị nội địa còn ở thuở ban sơ, dự án điện ảnh đầu tay của Hằng Trịnh khó lòng bì kịp về chất lượng. Phim để lộ nhiều thiếu sót trong kịch bản, nội dung còn sạn, phần nào phản ánh sự non tay của đạo diễn.

Tuy vậy, suy xét trong bối cảnh phim nội đang thất thế thảm hại tại rạp trước những đối thủ quốc tế, đây vẫn là một tác phẩm đáng xem. Với chất lượng trung bình khá , Mười: Lời nguyền trở lại nhiều khả năng có thể là nước đi cứu giúp thị trường phim Việt sau chuỗi thất bại nặng nề. Tuy bỡ ngỡ, chuệnh choạng, nhưng có đầu tư, có gu thẩm mỹ nhất định.