Nếu là chủ tài khoản thầy cô làm gì để công tác tài chính của đơn vị mình hiệu quả và đúng quy định

Hiệu trưởng có quyền xử lý kỷ luật đối với vi phạm về chuyên môn không? Hiệu trưởng đe dọa giáo viên có vi phạm luật giáo dục không? Xử lý như thế nào khi hiệu trưởng có hành vi xúc phạm giáo viên?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin luật sư cho biết:

1. Trường tôi có một giáo viên xin nghỉ không lương, hiệu trưởng đồng ý và phân công giáo viên khác dạy thay. Đồng thời hiệu trưởng dùng số tiền lương của giáo viên đó nhập vào quỹ nhà trường. Hiệu trưởng làm đúng hay sai? Vì sao?

2. Trường tôi có một giáo viên sau 3 năm giảng day nay xin chuyển công tác theo gia đình. Hiệu trưởng không đồng ý và tự đưa ra tiêu chí là giáo viên giỏi đang bồi dưỡng học sinh giỏi đồng chí phải phục vụ thêm hai năm nữa. Quyết định của hiệu trưởng đúng hay sai ? vì sao ? Cám ơn !?

Luật sư tư vấn:

Bạn không trình bày rõ cấp trường học mà bạn đang nói đến là cấp trường học nào, tuy nhiên bạn có thểm tham khảo các văn bản quy định về điều lệ trường học theo các văn bản pháp luật nêu trên. Theo đó thẩm quyền của Hiệu trưởng theo từng cấp học được xác định như sau:

Trường hợp 1: Đối với trường mầm non

+ Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục từng năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

+ Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường, nhà trẻ; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó. Đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

+ Phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định;

Xem thêm: Mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy

+ Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường, nhà trẻ;+ Tiếp nhận trẻ em, quản lý trẻ em và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường, nhà trẻ; quyết định khen thưởng, phê duyệt kết quả đánh giá trẻ theo các nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;

+ Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia các hoạt động giáo dục 2 giờ trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;

+ Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội trong nhà trường, nhà trẻ hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ;

+ Thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.

Trường hợp 2: Trường tiểu học

+ Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

+ Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó;

+ Phân công, quản lí, đánh giá, xếp loại; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; khen th­ưởng, thi hành kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định;

Xem thêm: Quy định về định mức số tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở

+ Quản lí hành chính; quản lí và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trư­ờng;

+ Quản lí học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà tr­ường; tiếp nhận, giới thiệu học sinh chuyển trường; quyết định khen thưởng, kỉ luật, phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại, danh sách học sinh lên lớp, ở lại lớp; tổ chức kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách;

+ Dự các lớp bồi d­ưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lí; tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết trong một tuần; được hư­ởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;

+ Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị – xã hội trong nhà trường hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục;

+ Thực hiện xã hội hoá giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng.

Trường hợp 3: Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học

+ Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;

+ Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường

Xem thêm: Điều kiện bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng

+ Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

+ Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

+ Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;

+ Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

+ Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;

+ Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường;

+ Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;

+ Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Quy định về định mức giờ dạy của giáo viên tổng phụ trách đội

Dựa trên những quy định về thẩm quyền nêu trên giải quyết trường hợp của bạn như sau:

1. Trường tôi có một giáo viên xin nghỉ không lương, hiệu trưởng đồng ý và phân công giáo viên khác dạy thay. Đồng thời hiệu trưởng dùng số tiền lương của giáo viên đó nhập vào quỹ nhà trường. Hiệu trưởng làm đúng hay sai? Vì sao?

Hiệu trưởng có quyền quản lý, phân công công việc để phù hợp và đáp ứng yêu cầu tại đơn vị sự nghiệp có nghĩa là hiệu trưởng có quyền phân công giáo viên dạy thay cho giáo viên xin nghỉ không hưởng lương. Tuy nhiên về vấn đề tiền lương của giáo viên dạy thay thì Hiệu trưởng tự nhập vào quỹ nhà trường là không đúng. Mặc dù hiệu trưởng có quyền quản lí và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trư­ờng nhưng số tiền bạn đang nêu trên là tiền công của giáo viên được phân công dạy.

Theo quy định tại Điều 12 Luật viên chức 2010 thì giáo viên được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy nên việc Hiệu trưởng tự nhập khoản lương vào quỹ là không đúng.

2. Trường tôi có một giáo viên sau 3 năm giảng dạy nay xin chuyển công tác theo gia đình. Hiệu trưởng không đồng ý và tự đưa ra tiêu chí là giáo viên giỏi đang bồi dưỡng học sinh giỏi đồng chí phải phục vụ thêm hai năm nữa. Quyết định của hiệu trưởng đúng hay sai? Vì sao? Cám ơn!

Theo quy định của Luật viên chức 2010 có quy định về việc thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Nếu như giáo viên mà bạn đang nhắc đến nếu do vấn đề gia đình có hoàn cảnh khó khăn không làm việc tại đơn vị trường học đang làm việc thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, trừ trường hợp giáo viên này được đưa đi đào tạo và có cam kết về thời hạn làm việc. Khi không thuộc trường hợp có cam kết mà giáo viên muốn chuyển công tác thì phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Việc hiệu trưởng không đồng ý và yêu cầu phục vụ thêm 2 năm là không có căn cứ.

2. Hiệu trưởng có quyền xử lý kỷ luật đối với vi phạm về chuyên môn không?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư! Xin hỏi luật sư: Hiệu trưởng trường mầm non công lập có quyền thi hành kỷ luật giáo viên vi phạm quy định chuyên môn không? Xin cảm ơn.

Xem thêm: Chế độ giảm tiết dạy cho giáo viên nuôi con nhỏ dưới 12 tháng

Luật sư tư vấn:

Trong trường hợp này, ta xác định hiệu trưởng trường mần non công lập là công chức và là người đứng đầu của trường mần non công lập đó có trách nhiệm quản lý những giáo viên trong trường.

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý kỷ luật. Theo quy định trên, giáo viên vi phạm quy định chuyên môn là viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì hiệu trường trường mầm non đó có quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với giáo viên vi phạm quy định chuyên môn.

Như vậy, dù là viên chức hoặc giáo viên dạy hợp đồng khi vi phạm các quy định chuyên môn thì hiệu trưởng trường mầm non công lập có thẩm quyền quản lý họ có quyền tiến hành xử lý kỷ luật đối với họ nếu họ không giữ chức vụ quản lý.

3. Hiệu trưởng đe dọa giáo viên có vi phạm luật giáo dục không?

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư! Tôi là 1 giáo viên trường Trung học cơ sở, vào đầu năm học hiệu trưởng của trường có họp giáo viên chủ nhiệm là sẽ ủng hộ cho các em học sinh đặc biệt khó khăn mỗi người một chiếc xe đạp và nếu lớp nào có học sinh được nhận xe đạp thì hiệu trưởng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp đó vận động học sinh lớp mình đóng tiền ủng hộ 50% giá tiền xe.Tôi thấy điều này là áp đặt nên đã có ý kiến trong cuộc họp chủ nhiệm, nhưng hiệu trưởng đã quát nạt tôi  trong cuộc họp đó.Và sau đó còn nói với người quản lý tổ tôi là nói với tôi rằng “nếu muốn dạy trường này thì phải tuân theo, không thì chuyển sang trường khác dạy” . Tôi xin luật sư tư vấn dùm là hành vi và thái độ của hiệu trưởng đối với giáo viên như vậy là đúng không, có phạm luật giáo dục không? Tôi có thể thưa kiện vì hành vi đó được không ? Xin cảm ơn ạ

Luật sư tư vấn:

Hành vi quát nạt, đe dọa đuổi việc bạn của hiệu trưởng tùy vào mức độ, tính chất mà có thể vi phạm pháp luật hình sự, dân sự.

Xem thêm: Chế độ nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi dành cho giáo viên mới nhất năm 2022

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định tội làm nhục người khác. Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bất cứ cá nhân tổ chức nào cũng không được xâm phạm, hủy hoại danh dự, nhân phẩm của người khác, việc xúc phạm danh dự mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 22 và Điều 70 Luật giáo dục 2019 quy định về quyền của nhà giáo đó là được bảo vệ danh dự nhân phẩm cụ thể hành vi quát nạt, đe dọa của hiệu trường với bạn vì bạn đã nêu ý kiến về việc quyên góp tặng xe là áp đặt là xúc phạm danh dự, nhận phẩm của bạn, và hành vi này vi phạm quy định của pháp luật và là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục.

Do đó, bạn có thể yêu cầu hiệu trưởng không được có hành vi xúc phạm danh dự và nhận phẩm của bạn nữa. Nếu trong trường hợp Hiệu trưởng vẫn có hành vị xúc phạm đe dọa bạn thì bạn có thể làm đơn kiến nghị, phản ánh về hành vi của hiệu trưởng gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

4. Xử lý như thế nào khi hiệu trưởng có hành vi xúc phạm giáo viên?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư. Tôi xin luật sư tư vấn như sau: Vợ tôi là giáo viên mầm non gần đây mới nhận quyết định nâng bậc lương thường xuyên, khi nhận thì kế toán trường có thu một khoản tiền là 25.000 đồng/2 tờ quyết định (Đây không phải lần đầu) vợ tôi thấy khoản thu này là vô lý nên đã hỏi lãnh đạo và kế toán trường nhưng nhận được câu trả lời rất khiếm nhã, và không cho vợ tôi ý kiến thêm và nói muốn biết rõ thì lên phòng giáo dục mà hỏi.

Và vợ tôi đã lên phòng chức năng của phòng giáo dục để hỏi và kết quả là họ chỉ thu có 5000 đồng/2 cái quyết định là tiền phô tô hồ sơ mà thôi. Ngày hôm sau khi vợ tôi tới trường thì bị cô hiệu trưởng gọi vào chửi sối sả cụ thể như (Mày là đồ con chó có thế cũng lên phòng giáo dục mà hỏi để rồi mang tiếng lãnh đạo phòng, cái loại có học mà ngu như chó).

Đây cũng không phải lần đầu hiệu trưởng xúc phạm nhân viên như vậy. Trong khi khoản thu ấy là cô hiệu trưởng nói Phòng giáo dục họ thu nên muốn biết thì lên mà hỏi, như vậy thì chính cô hiệu trưởng mới là người gây tai tiếng cho phòng giáo dục, mà lại còn xúc phạm nhân viên. Vậy tôi kính mong luật sư tư vấn giúp tôi mẫu đơn và căn cứ pháp lý, để gửi cơ quan chức năng giải quyết lấy lại công bằng cho vợ tôi. Thực sự tôi cũng không muốn làm vậy nhưng vì quá bức xúc nên buộc tôi phải làm như vậy. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư đã giúp đỡ!? 

Luật sư tư vấn:

Xem thêm: Thẩm quyền của Hiệu trưởng trong việc quản lý giáo viên trong trường

Bạn có nêu vợ bạn bị cô hiệu trưởng mắng chửi, xúc phạm. Theo đó, cô hiệu trưởng đã có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của vợ bạn. Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 

Xét trong trường hợp này, cô hiệu trưởng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ bạn thì vợ bạn có quyền tự áp dụng những biện pháp cần thiết để tự bảo vệ mình hoặc nhờ cơ quan có thẩm quyền bảo vệ. Đối với trường hợp của vợ bạn nếu vợ bạn bị xúc phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của vợ bạn thì vợ bạn có thể trình báo tới cơ quan công an cấp xã nơi người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín bạn để yêu cầu xử lý. Kèm theo đơn trình báo thì bạn phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc xúc phạm của cô hiệu trưởng (ví dụ như băng ghi âm, lời chứng,..).

– Trường hợp nếu cô hiệu trưởng có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm người khác có thể bị xử lý theo tội danh làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 về tội làm nhục người khác.

– Trường hợp hành vi làm nhục người khác của cô hiệu trưởng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

– Ngoài ra, theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 về việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Theo đó, cô hiệu trưởng có thể bồi thường cho vợ bạn các chi phí sau đây:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cho vợ bạn;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của vợ bạn;

+ Các thiệt hại khác theo quy định của pháp luật. 

Xem thêm: Xử lý thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên

+ Bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà vợ bạn phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho vợ bạn không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.