Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

Chia sẻ của Emmanuel Woyome – nhà tư vấn, định hướng nghề nghiệp nổi tiếng, tác giả của cuốn sách “Career Branding – The new rule of Marketing Yourself” về lí do sinh viên chọn sai ngành nghề. 

Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

Tháng 11/2014, tôi được mời về trường cấp 3 trước đây tôi học để chia sẻ việc chọn ngành học như là một phần của chương trình định hướng cho 600 học sinh mới. Sau một giờ chia sẻ đã giúp các em tìm ra điểm mạnh và yếu của bản thân đồng thời tìm ra con đường nghề nghiệp phù hợp, trên 50% trong số đó đã thay đổi quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với  những quan điểm mới có được,  họ đã quyết định thay đổi chương trình cấp ba của họ  để chuẩn bị tốt hơn cho con đường sự nghiệp lý tưởng của họ sau này.

Với hơn một nửa cuộc đời làm việc trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp, tôi đã phát hiện ra 5 lý do chính tại sao sinh viên thường chọn sai con đường sự nghiệp, điều này đã được giải thích như sau:

5 lý do tại sao nhiều học sinh chọn sai con đường sự nghiệp

  1. Học sinh không hiểu chính bản thân họ. Nhiều người trẻ chỉ biết một chút hoặc không biết gì về điểm mạnh, điểm yếu, giá trị, tính cách và những khả năng của chính bản thân họ. Chính những điều này là những nhân tố quan trọng được xem xét trước khi đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp. Do đó, họ chỉ chọn công việc dựa trên khả năng tài chính.
  1. Học sinh không hiểu về thị trường việc làm. Thị trường việc làm thay đổi và luôn luôn thay đổi, tuy nhiên người trẻ chỉ có ít thậm chí không có chút kiến thức gì về vấn đề này. Khi học sinh không biết gì về thị trường việc làm, họ sẽ chọn bất cứ công việc gì với hi vọng có việc làm và có thu nhập.
  1. Học sinh có ít kiến thức về chuyên ngành mình theo học. Có rất nhiều các loại hình đào tạo và các cấp bậc khác nhau, với giáo trình giảng dạy khác nhau. Học sinh có hiểu biết về các chương trình học này sẽ giúp họ đưa ra những định hướng nghề nghiệp ngay từ những năm cấp 2.
  1. Học sinh chọn ngành nghề theo xu hướng và bạn bè. Khi học sinh không hiểu chính bản thân họ mong muốn gì cũng như không biết về trị trường việc làm, họ lựa chọn các ngành nghề “hot” trên thị trường hoặc theo bạn bè.
  1. Chỉ rất ít chuyên gia giúp họ định hướng nghề nghiệp. Học sinh rất cần những chuyên gia tư vấn nghề nghiệp để giúp họ định hướng phát triển sự nghiệp trong thế kỷ 21 luôn đổi thay. Thật không may, chỉ có rất ít các chuyên gia có thể giúp học sinh phát triển nghề nghiệp chuyên nghiệp. Sinh viên có thể đưa ra những lựa chọn sai lầm trong sự nghiệp và ảnh hưởng đến công việc tương lai, gia tăng tỷ lệ người thất nghiệp.

Có thể bạn quan tâm:

  • Bí kíp chọn ngành học và các tiêu chí lựa chọn cho du học sinh?

  • Du học singapore mất bao nhiêu tiền

  • Kinh nghiệm săn học bổng du học Singapore

  • Du học singapore có cần xin visa

  • Du học sinh làm thêm tại Singapore

(Nguồn: voyome.com)

“Sai lầm khi đua vào ngành hot, nghề mốt”

“ Chọn ngành chọn nghề: Sai một ly, đi một dặm”

“Chọn ngành nghề sai, giới trẻ phải trả giá bằng thanh xuân”

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy và đọc được những mẩu tin với tiêu đề như vậy trên các trang báo mạng hiện nay. Những dòng tiêu đề ngắn gọn ấy đã phản ánh một vấn đề đang diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua - Lựa chọn nghề nghiệp chưa phù hợp, hay nói rộng ra là sai lầm trong lựa chọn con đường tương lai.

Việc chọn đúng ngành nghề để theo đuổi tưởng chừng dễ nhưng lại khó.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM, 75% người vào Đại học, Cao đẳng mới nhận ra mình chọn sai nghề, 92% thí sinh vẫn chọn ngành dù chưa biết rõ phải học những môn nào và trên 50% mong muốn chọn lại nếu có cơ hội thứ 2.

Hay cụ thể hơn là câu chuyện mà một bạn sinh viên từng tâm sự trên VOV rằng mình bị trầm cảm và hoang mang vì chọn sai ngành, ngày ngày trốn trong 4 bức tường vì tuyệt vọng. Với một trường hợp khác là anh T. đã chia sẻ, bản thân bỏ phí 11 năm học một ngành mà “trật chìa” với năng lực của mình, để đến nỗi 3 bằng bào chế dược phẩm phải cất vào tủ do không xin được việc. Cùng với đó là những lời than thở của phần đông các bạn trẻ trên các diễn đàn mạng xã hội, rằng mình rất hối hận khi đã chọn ngành học ấy.

Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

Nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, than phiền về ngành học

Những con số và ví dụ trên đã phần nào lột tả thực trạng báo động của việc chọn sai ngành, sai nghề của giới trẻ hiện nay.

Khi mới bước vào năm nhất và tiếp xúc qua về cơ hội của ngành, các bạn sinh viên đều có tâm lý chung là hào hứng và đôi khi là “mơ mộng” với ngành mình chọn. Thế nhưng, có những bạn chỉ sau một kì học đã cảm thấy chán chường, mệt mỏi, số khác thì mãi đến tận năm 3 mới nhận ra mình đã chọn sai. Thế là, bạn thì chọn rút hồ sơ thi lại, có bạn lại chọn tiếp tục học để lấy một cái bằng rồi ra trường tính tiếp.

Mặc dù ở nước ta đã trải qua nhiều kì cuộc tuyển sinh với nhiều đổi thay về định hướng nghề nghiệp nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Tại sao lại như vậy?

Nhiều bạn trẻ đã phải rất khó xử khi đứng giữa lựa chọn vì đam mê hay vì nguyện vọng của gia đình, cũng có nhiều trường hợp đã nghe theo quyết định của gia đình, để cho cha mẹ lựa chọn “hộ” ngành học. Hà T. (26 tuổi) đã không chút đắn đo khi chọn vào học Ngân hàng vì “cả nhà mình đều theo ngành đó, sau này đi làm còn có người giúp đỡ”. Còn với Hồng T. việc bạn đăng kí vào khoa Luật dựa theo sự góp ý của bố mẹ và gia đình có người làm trong nghề.

Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

Bố mẹ quyết định “hộ” ngành cho con

Có thể thấy, quyết định của các bậc phụ huynh ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn ngành nghề của mỗi chúng ta. Nhiều bậc cha mẹ vì lo lắng cho tương lai của con cái mà thay con quyết định luôn ngành nghề, đôi khi vô ý bỏ qua suy nghĩ, quan điểm riêng của con. Tuy nhiên, vấn đề lại không hoàn toàn nằm ở phía cha mẹ. Nếu như các bạn học sinh có chính kiến rõ ràng và sự kiên định đối với quyết định của mình thì có lẽ các phụ huynh ít nhiều cũng sẽ an tâm, tin tưởng vào lựa chọn của các bạn.

Một lý do khác dẫn đến chọn sai ngành là do các bạn muốn học cùng trường, cùng lớp với bạn bè. Nhiều bạn có “tâm lý đám đông” thấy bạn chọn học Kế toán thì mình cũng đăng kí Kế toán, nghe nói bạn chọn Thương mại cũng “đăng kí cùng cho vui” còn “sau này làm gì thì chưa rõ”. Ngoài ra, yếu tố “tâm lý đám đông” cũng liên quan chặt chẽ đến một lý do khác: chọn vì ngành hot, vì xu thế của xã hội. Theo các chuyên gia cho biết, đăng kí khối ngành Kinh tế là xu hướng được đông đảo người học lựa chọn, nguyện vọng đăng kí chiếm đa số so với các ngành khác. Tuy nhiên, nhiều học sinh khi đỗ xong ngành Kinh tế vẫn chưa hình dung được cụ thể về công việc của mình sau này.

Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

“Tai hại” khi chọn nghề theo đám đông

Chính tâm lý ấy sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định vội vàng, không rõ ràng trong khi bản thân chưa chắc đã hiểu hết về cơ hội trong nghề cũng như mức độ phù hợp với năng lực của mình.

Những lý do như trên dù khác nhau nhưng nhìn chung đều bắt nguồn từ một lý do khác, thuộc về phía mỗi người trẻ. Nếu như chúng ta có đầy đủ hiểu biết về các ngành nghề, có hoạch định rõ ràng về kế hoạch đường đời và cả sự quyết tâm, nỗ lực thì liệu rằng có dẫn đến việc thuận theo gia đình, nghe theo bạn bè và tiếng gọi của xã hội để chọn nghề không? Việc không tìm hiểu kĩ về các ngành nghề như là chương trình đào tạo, mô tả công việc khi đi làm, những yêu cầu về năng lực đã khiến nhiều bạn trẻ có những lựa chọn sai lầm, để rồi khi vào học thì rơi vào tình trạng chơi vơi, mơ hồ trước viễn cảnh tương lai.

Sai lầm trong việc chọn nghề để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, và chỉ đến khi có trải nghiệm thực sự thì mới “à” rằng “thì ra mình đã chọn nhầm nghề”

Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

Các bạn sinh viên đau đầu vất vả với ngành học mình không thích

Quay lại với câu chuyện của anh T. đã chia sẻ, kết thúc cuộc trò chuyện anh đã ước rằng giá như được trở về thời điểm 16 năm trước, anh nhất quyết sẽ chọn kỹ thuật, chế tạo rôbốt – ước mơ của anh hồi nhỏ. Theo anh T. việc chọn sai ngành, sai nghề sẽ khiến các bạn học sinh lãng phí rất nhiều thứ, không chỉ là thời gian 4-5 năm trên giảng đường mà còn là tiền học phí, sinh hoạt và công sức nhiều năm trời học tập miệt mài chỉ để khi ra trường có một cái bằng tạm ổn. Nghiêm trọng hơn cả, việc phải cố gắng thích nghi và chống chọi với ngành học khiến một bộ phận người trẻ mắc phải các vấn đề tâm lý: lo âu, căng thẳng, tinh thần bất ổn,… nặng hơn là bị trầm cảm và muốn giải thoát cho bản thân mình.

Không chỉ có vậy, có những bạn sinh viên chọn sai nghề ra trường đi làm thì lại bỏ việc hoặc làm trái nghề. Theo điều tra của bộ Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc khác, 40% còn lại chưa rõ mục tiêu nghề nghiệp. Nhiều bạn chưa hiểu rõ yêu cầu, mục tiêu công việc nên ra trường rất lúng túng, vật lộn để tìm một công việc phù hợp.

Vậy khi đã “trót” chọn sai ngành, các bạn trẻ cần phải làm gì?

Sẽ có một số hướng giải quyết cụ thể cho các bạn trẻ như sau:

·       Tiếp tục theo các ngành đã lựa chọn

Nếu như chưa thể xác định ngành mình thật sự mong muốn thì bỏ học và chọn lại liệu có mang lại hiệu quả? Hay là chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đi vào một ngõ cụt khác, lãng phí thời gian, tâm sức chỉ để “sai thêm lần nữa”. Đối với những bạn không có điều kiện kinh tế tốt, dừng lại không phải là một giải pháp tối ưu. Vì vậy, các bạn có thể tự tạo cho mình một cơ hội, thử nỗ lực một lần, biết đâu nếu như đã hiểu rõ về ngành học ấy các bạn lại đam mê nó thì sao?

Tuy nhiên, hướng đi này chỉ phù hợp với những bạn chưa có định hướng, chưa tìm hiểu kĩ về ngành, nghề hoặc không có điều kiện để chuyển ngành. Bởi suy cho cùng, tiếp tục một ngành học mà không có hứng thú sẽ gây ra nhiều cản trở, ảnh hưởng đến chất lượng việc làm sau này.

·       Rẽ ngang sang ngành mới

Khi các bạn đã có quyết định của riêng mình và có sự chuẩn bị kĩ càng cho việc chuyển ngành, lúc đó rẽ sang một con đường khác sẽ phù hợp và thuận lợi hơn. Thường là sau những kì học đầu, một số sinh viên nhận ra mình không thể thích nghi với ngành học thì sẽ rút hồ sơ thi lại hoặc du học. Trong lớp đại học của tôi, đã có 3 – 4 trường hợp chọn ra nước ngoài vào năm 2 hoặc vào Nam học ngành mới. Có thể các bạn ấy sẽ có chút tự ti, ngần ngại khi phải học cùng những bạn ít tuổi hơn mình nhưng ít nhất các bạn không phải gồng gánh, chịu đựng áp lực để hoàn thành cho xong ngành học hiện tại.

Nếu bạn đã định dứt khoát bỏ ngành học của mình, hãy làm điều đó từ sớm để hạn chế phung phí thời gian, tiền bạc, chất xám của mình vào những gì mình không muốn.

·       Học văn bằng 2 ngành khác

Đây cũng là một lựa chọn mà theo tôi là an toàn, đảm bảo nhất cho các bạn trẻ, nhất là với những người đã vào năm cuối ở giảng đường đại học. Khi bạn đã có trong tay tấm bằng cử nhân đầu tiên, bạn vẫn có thể tiếp tục học thêm ngành khác theo diện “vừa học vừa làm”. Khi các bạn có kiến thức về nhiều hơn một ngành, cơ hội làm việc sẽ cao hơn nhiều, đồng thời bạn không cần phải học lại các môn đại cương của ngành như Triết, Thể chất,… được tinh giản tối đa số lượng tiết học, thay vì học 4 năm bạn chỉ cần học trong 2 năm.

Mặc dù vậy, việc vừa học vừa làm cũng có những điểm hạn chế. Trước hết, sức khỏe của bạn sẽ không được đảm bảo, hiệu quả công việc cũng không cao do phải cân đối với việc học. Hay nói cách khác, muốn học bổ sung một bằng khác, bạn cần phải có đủ điều kiện tài chính, thể chất và sắp xếp thời gian linh hoạt, hợp lí.

Thành thực mà nói, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc sửa chữa sai lầm đã xảy ra trước đó mà còn phải sẵn sàng trang bị các biện pháp ngăn chặn sai lầm xảy ra. Để không mắc phải “bệnh” chọn sai ngành, chúng ta cần phải tìm ra đúng ngành mình muốn và phải cân nhắc, suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra lựa chọn.

Nguyên nhân chọn sai nghề của giới trẻ hiện nay

Trước khi lựa chọn hãy tìm hiểu kĩ về các ngành học

Ngay từ những năm cuối cấp 2 và đầu cấp 3, các bạn nên xác định trước mục tiêu của mình, “Mình thích làm việc gì nhất?”, “Mình đang có những năng lực phù hợp với ngành nào?” từ đó từng bước tìm hiểu rõ ràng về những khó khăn và thuận lợi của ngành, nghề trước khi đặt bút vào tờ đăng kí nguyện vọng và khi chỉnh sửa nguyện vọng. Các bạn có thể tham khảo những gợi ý, lời khuyên từ người thân, bạn bè, thầy cô về ngành học, quan trọng nhất là dựa vào đó để bạn cân nhắc về lựa chọn của mình chứ không phải là lập tức “quay xe”.

Hơn hết, các bạn cần phải rèn luyện sự kiên trì và thật lòng dứt khoát với ngành mình chọn để đến khi kết thúc khóa học và đi làm không phải lắc đầu tiếc nuối, thốt lên hai chữ “Giá như”.

“Cuộc đời đơn giản chỉ là một chuỗi các sự lựa chọn. Nhất định sẽ đến lúc chúng ta phải nhìn lại, vậy hãy chọn sao cho sau này nhìn lại, bạn không cảm thấy hối hận chứ đừng lựa chọn chỉ vì lúc đó bạn thấy hợp lí”

Tác giả: Phương Nguyễn

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hobao.phuong.1

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.