Nguyên nhân sùi mào gà ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mắc sùi mào gà khi mang thai có lẽ sẽ lo lắng rằng virus HPV có thể gây hại đến thai nhi của họ. Nhưng hầu hết các trường hợp không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Việc nhiễm HPV có thể biểu hiện thành mụn cóc sinh dục hoặc xét nghiệm cho thấy cổ tử cung bất thường. Điều này làm thay đổi cách chăm sóc phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà. Bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề sùi mào gà khi mang thai, cũng như cách điều trị giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh. 

Nội dung bài viết

  • Sùi mào gà khi mang thai là gì?
  • Tại sao phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà khi mang thai?
  • Dấu hiệu mắc bệnh sùi mào gà khi mang thai
  • Điều trị bệnh sùi mào gà khi mang thai
  • Phòng ngừa bệnh sùi mào gà khi mang thai

Sùi mào gà khi mang thai là gì?

Sùi mào gà còn được gọi là mụn cóc sinh dục hoặc mồng gà. Đây là căn bệnh chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn; và rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Virus gây bệnh sùi mào gà là Human Papillomavirus (HPV). Bệnh thường gặp ở cả nam lẫn nữ. Khoảng 80% người bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Nhiều người trong số họ không gây ra bất kỳ vấn đề nào và sẽ tự khỏi. Khoảng 40 chủng HPV có thể lây qua đường sinh dục. Điều này gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư ở một số vùng như: cổ tử cung, âm đạo, âm môn, dương vật, hậu môn.

Do đó, phụ nữ mang thai nhiễm HPV có thể lo lắng không biết bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi không. Tuy nhiên không có bất kỳ mối liên hệ nào được tìm thấy giữa HPV và sẩy thai, sinh non hoặc các biến chứng thai kỳ khác. Mặt khác, nguy cơ truyền virus từ mẹ sang con cũng rất thấp. Mô da có thể thay đổi nhiều đối với phụ nữ mắc sùi mào gà khi mang thai.

Tại sao phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà khi mang thai?

Phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà qua hoạt động tình dục bằng miệng, âm đạo và hậu môn. Hầu hết bệnh được gây ra bởi virus HPV. Khoảng 30 – 40 chủng HPV ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục và chỉ một vài chủng gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục.

Trên thực tế, HPV rất phổ biến nhưng virus này có thể tự biến mất không gây ra bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe.

Chủng HPV gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục khác với chủng HPV gây mụn cóc ở tay, chân và bộ phận khác. Nhưng mụn cóc có thể lây từ bàn tay của người này sang bộ phận sinh dục của người khác và ngược lại.

Nguyên nhân sùi mào gà ở phụ nữ mang thai
Quan hệ tình dục có thể khiến phụ nữ đang mang thai bị lây nhiễm sùi mào gà

Dấu hiệu mắc bệnh sùi mào gà khi mang thai

Đặc trưng của sùi màu gà là biểu hiện của những cục thịt (mụn cóc) mọc đơn lẻ hoặc kết thành từng đám trông như súp lơ. Bệnh lý này trong giai đoạn đầu thường khó nhận biết. Mụn cóc có thể chưa xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị nhiễm trùng. Thời gian sau, mụn bắt đầu phát triển rất nhỏ và có màu giống hoặc đậm hơn màu da. Bệnh nặng, mụn cóc có thể lớn với những mô sần sùi.

Sùi màu gà khi mang thai thường xuất hiện ở những vùng sau:

  • Bên trong hoặc ngoài âm đạo.
  • Bên trong hoặc ngoài hậu môn.
  • Cổ tử cung.
  • Môi, miệng, lưỡi, cổ họng.
  • Bàn tay.
  • Khuỷu tay.
  • Gót chân.

Ngoài ra, bệnh có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Dịch âm đạo.
  • Ngứa.
  • Chảy máu.
  • Châm chích.
  • Mụn cóc lan rộng và lướn gây đau đớn.

Trong thai kì, lượng hormone thay đổi có thể kích thích mụn cóc phát triển nhanh hơn bình thường. Cơ thể phụ nữ mang thai cũng tiết nhiều dịch tiết âm đạo hơn tạo môi trường ấm và ẩm ướt hơn. Điều này giúp mụn cóc phát triển tốt hơn.

Nguyên nhân sùi mào gà ở phụ nữ mang thai
Sùi mào gà khi mang thai khiến cho mẹ bầu gặp nhiều khó chịu ở vùng kín

Điều trị bệnh sùi mào gà khi mang thai

Mụn cóc sinh dục có thể tự biến mất theo thời gian nhưng virus HPV có thể vẫn tồn tại trong các tế bào da sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, virus có thể bùng phát và bệnh tái phát trở lại bất cứ thời điểm nào. Do đó, việc quản lý các triệu chứng của của bệnh rất quan trọng để ngăn ngừa việc lây truyền em bé sau khi sinh.

Sử dụng thuốc

Điều trị mụn cóc cho phụ nữ, bác sĩ thường kê toa các loại thuốc như:

  • Imiquimod (Aldara): Dùng điều trị một số dạng tăng trưởng trên da.
  • Podophyllin và podofilox (Condylox): Thuốc đặc trị bệnh sùi mào gà.
  • Axit trichloroacetic hoặc TCA: Thuốc đặc trị mụn cóc, da sần sùi, sùi mào gà.

Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể không được dùng cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, bà bầu không được tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tiểu phẫu

Trong trường hợp mụn cóc phát triển lớn ở vùng kín có thể gây cản trở cho quá trình sinh đẻ. Bác sĩ sẽ tiên lượng và đưa ra chỉ định dùng các phương pháp tiểu phẫu cho bà bầu như:

  • Phẫu thuật lạnh: Dùng nitơ lỏng để đóng băng mụn cóc.
  • Dùng laser để đốt mụn cóc.
  • Phẫu thuật cắt bỏ.

Các phương pháp chữa trị tự nhiên

Một số phương pháp điều trị sùi mào gà khi mang thai bằng các vật liệu tự nhiên như:

  • Dầu cây trà.
  • Trà xanh.
  • Tỏi.
  • Giấm táo.

Phòng ngừa bệnh sùi mào gà khi mang thai

Tiêm phòng HPV

Trước khi mang thai, phụ nữ có thể tiêm vắc xin HPV để ngừa các chủng virus phổ biến gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Các loại vắc xin như Gardasil và Gardasil 9 được tiêm cho cả nam lẫn nữ từ 9 đến 26 tuổi. Chúng bảo vệ cơ thể, chống ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục. Ngoài ra, vắc xin có tên Cervarix được khuyến cáo cho phụ nữ và bảo vệ chống ung thư cổ tử cung.

Các loại vắc xin này được tiên lượng với 3 liều. Mũi thứ hai cách mũi đầu hai tháng và cách mũi thứ ba bốn tháng. Mặc dù vắc xin không thể chữa khỏi hoặc điều trị hoàn toàn bệnh. Tuy nhiên, chúng giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi nhiễm các chủng HPV khác.

Xem thêm: Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung ở đâu: 4 địa điểm uy tín nhất

Nguyên nhân sùi mào gà ở phụ nữ mang thai
Tiêm phòng HPV trước khi mang thai giúp mẹ bầu giảm nguy cơ bị lây nhiễm sùi mào gà

Các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Điều này làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Một nghiên cứu cho thấy sử dụng bao cao su khi giao hợp giảm nguy cơ bệnh đến 70%.

Giữ mối quan hệ một vợ một chồng: Chỉ quan hệ với một bạn tình không có bất kỳ mụn cóc sinh dục giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV. Đôi khi người ấy có thể không biết họ bị nhiễm HPV, bởi bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng nào.

Ngoài ra, nếu quan hệ bằng đường miệng thì bạn nên vệ sinh răng miệng ngay sau khi quan hệ.

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh

Bạn nên hạn chế tối đa các tác nhân làm suy yếu miễn dịch để phòng ngừa sùi mào gà và các bệnh khác; đặc biệt là ở phụ nữ mang thai để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt lành mạnh như sau:

Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

  • Việt quất, anh đào, ớt chuông, cà chua, bí đao,…
  • Rau lá xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi,…
  • Các loại ngũ cốc.
  • Các loại quả hạch (các loại hạt vỏ cứng).
  • Đậu.
  • Thịt nạc.
Nguyên nhân sùi mào gà ở phụ nữ mang thai
Xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất giúp mẹ bầu ngăn ngừa các bệnh tật

Hạn chế thực phẩm làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh

  • Thịt đỏ.
  • Sữa, ngô, đậu nành, chất phụ gia.
  • Caffeine và chất kích thích khác như rượu bia, thuốc lá,…
  • Bánh mì trắng, mì ống,…
  • Thực phẩm chế biến cùng chất béo chuyển hóa.

Tăng sức đề kháng

  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
  • Tăng cường tập thể thao hằng ngày.
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và đúng giờ.
  • Tránh căng thẳng, áp lực,…

Xem thêm: Nhiễm virus HPV trong một số bệnh ở miệng

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sùi mào gà khi mang thai. Dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh lý này gây cảm giác khó chịu cho người mẹ. Điều này ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bà bầu. Mặt khác, khi bệnh tiến triển nặng, mụn cóc tăng trưởng kích thước gây tắc âm đạo. Tình trạng này cản trở quá trình em bé chào đời và tăng nguy cơ lây nhiễm cho bé sau khi sinh. Vì vậy, phụ nữ nên phòng ngừa trước khi mang thai. Nhận biết sớm các bất thường trong thai kỳ, cũng như khám thai định kỳ, nhằm kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh.