Tại sao cột mốc 108 đổi sang675

Trong các đoàn khách từ nhiều miền về đây, chúng tôi chú ý đến đoàn của thầy và trò Trường THPT Hà Quảng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, với khoảng 60 người, xếp hàng ngay ngắn, được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn trước khi lên núi tham quan cột mốc 108, nay là cột mốc 675-nơi đây đã in dấu chân đầu tiên Bác Hồ về nước (ngày 28-1-1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sau 30 năm Người bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước.

Thầy tổng phụ trách nhà trường cho biết: Hằng năm, cứ vào dịp đầu Xuân, nhà trường đều tổ chức chương trình ngoại khóa "Hành trình về miền biên giới", giúp các thầy cô giáo và học sinh hiểu sâu hơn về công tác quản lý biên giới, phân giới cắm mốc trên đất liền; qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là học sinh trong việc tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn...

Tại sao cột mốc 108 đổi sang675

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo viên, học sinh bên cột mốc 675, nơi Bác Hồ về nước cách đây 75 năm. 

Đường mòn lên núi mùa xuân nở đầy hoa. Thiếu tá Hoàng Văn Loa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang vừa đi vừa hát cho cả đoàn nghe: "…Ơ rừng Pác Bó quê ta, nhớ rừng xưa ôm bóng Người". Lên đến lưng chừng núi, Thiếu tá Hoàng Văn Loa dừng lại nói với chúng tôi: "Cột mốc 108 nằm trong quần thể Di tích lịch sử Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, là địa danh ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là nơi Bác Hồ đặt chân về nước sau 30 năm xa quê hương và khơi nguồn, tạo lập tổ chức cách mạng. Cột mốc 108 nằm ở cuối đường mòn từ suối Lê-nin lên đỉnh núi.

Mùa Xuân năm 1941, đúng ngày 28-1, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng một số đồng chí thân cận trở về Việt Nam qua cột mốc 108. Về đến đây, Người lặng đi trước cảnh quê hương đất nước, lòng quặn đau vì nhân dân ta vẫn phải sống trong cảnh lầm than, nô lệ... Về nước, Bác Hồ ở trong hang Cốc Bó, cách biên giới không xa. Người ở đây một thời gian dài, với cái tên già Thu, còn được dân địa phương yêu mến gọi là ông Ké. Sau đó, Bác chuyển ra ở lán Khuổi Nậm để tiện cho việc họp bàn công việc cách mạng. Tại Pác Bó, Bác Hồ và các đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng đã vạch ra nhiều chủ trương, quyết định quan trọng chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam. Chính Người đã đặt tên cho một ngọn núi nơi đây là núi Các Mác, cho dòng suối chảy hiền hòa là suối Lê-nin, như tên gọi hiện nay.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 20km, gồm 55 cột mốc, trong đó có 41 mốc chính, 14 mốc phụ. Địa bàn đồn quản lý gồm 3 xã: Sóc Hà, Nà Sác và Trường Hà-đều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cột mốc 108 là một trong 314 cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc được lập theo Công ước hoạch định biên giới ký kết giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương và triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc). Năm 2001, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã hoạch định phân giới cắm mốc, bên cạnh cột mốc 108, cách khoảng 5m là cột mốc số 675. Cột mốc 675 mang ý nghĩa pháp lý, còn cột mốc 108 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

75 năm đã qua, kể từ ngày Bác Hồ về nước qua vị trí cột mốc 108. Đất nước ta đã có bao đổi thay to lớn, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng Bác đã đi xa hơn 45 năm... Non nước Cao Bằng vẫn ôm bóng Người, như một lời tri ân đặc biệt, để rồi: “Người về chỉ lối, theo Người ngày mai tươi sáng/ Bát cơm mong chờ người già ước mơ/ Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ/ Bác ơi tóc sương bạc phơ/ Núi cao suối sâu thủ đô yêu dấu/ Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ... Người”.

Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN - VĂN LOA