Tại sao hàn mặc tử mắc bệnh phong

Một trong những mối tình thơ, nàng thơ của Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm. Người đẹp này là niềm cảm hứng thi ca và tên tuổi nàng đã đi vào nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử. Những câu chuyện tình huyễn hoặc giữa hai người đã trở thành giai thoại gây ra những cuộc tranh luận không dứt trong nhiều năm qua. Dư luận đương thời còn cho rằng chính từ những cuộc dạo chơi với Mộng Cầm mà Hàn bị nhiễm bệnh phong cùi.

Mối tình lãng mạng bi thương Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm

Mộng Cầm là bút danh của cô gái tên Huỳnh Thị Nghệ, sinh năm 1917 tại Nghệ An, quê Quảng Ngãi.

Nghệ làm thơ từ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 16 tuổi cô đã có thơ đăng ở báo Công Luận và báo Sài Gòn với bút hiệu Mộng Cầm.

Cũng chính trong thời điểm này, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho các tờ Trong khuê phòng, Công Luận, Sài Gòn. Thỉnh thoảng Hàn nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Ông đã chọn đăng và xúc động trước tâm hồn thơ của cô gái trẻ, và để tâm tìm kiếm.

Thi xong sơ học, Mộng Cầm theo người cậu ruột ra làm việc tại bệnh viện Mũi Né. Một lần Mộng Cầm tình cờ đọc tờ báo Sài Gòn của một bệnh nhân đem đến có dòng nhắn tin: “Mộng Cầm em ở đâu, cho tôi biết địa chỉ - Hàn Mặc Tử”. Dòng chữ ngắn ngủi thực sự làm Mộng Cầm xúc động.

Chân dung nàng thơ Mộng Cầm thời trẻ

Đêm ấy cô thức suốt đêm suy nghĩ và viết thư hồi đáp. Đúng một tuần lễ sau, Hàn đi xe lửa ra Phan Thiết. Và tình yêu bắt đầu. Suốt mấy năm ròng, hàng tuần vào chiều thứ sáu, Mộng Cầm và Hàn mặc Tử lại gặp nhau.

Trong thời gian này, Hàn đã có những dấu hiệu bệnh nhưng ông không quan tâm, cho đó là bệnh thông thường. Khi bà Bút Trà xin được giấy phép ra báo Sài Gòn mới và mời Hàn về làm, ông mới quyết định điều trị bệnh để chuẩn bị sức khỏe cho công việc mới.

Mối tình tan vỡ khi Hàn có dấu hiệu bệnh phong, phải quay về Quy Nhơn. Mộng Cầm lập gia đình với người khác, trong lúc Hàn chơi vơi trong đau đớn bệnh tật và tan vỡ tình yêu.

Mối tình tan vỡ trong lưu luyến của cả hai và cả hàng triệu con tim bạn đọc yêu thơ được nâng niu tôn trọng như thế.

Thế nhưng 20 năm sau, đến năm 1961, trong bài trả lời phỏng vấn đăng ở tạp chí Phổ thông của nhà văn Nguyễn Vĩ, Mộng Cầm đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn. Theo cách nói của bà, đó chỉ là tình yêu một chiều đơn phương của Hàn, còn bà chỉ xem ông như bạn.

Người đọc bàng hoàng hụt hẫng trước thái độ này, người ta càng thương cảm cho mối tình bi lụy của Hàn, và phần nào đó mất mát về hình ảnh đẹp của nàng thơ Mộng Cầm lãng mạn mà họ hằng ái mộ.

Bị lây bệnh sau lần mắc mưa nghĩa địa hay bị “hồn ma báo oán”?

Vì sao Mộng Cầm lại phủ nhận mối tình đẹp đã đi vào thơ ca, văn học của mình với Hàn? Có thể vì nhằm bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình trong thời điểm ấy, trước những ám ảnh của bóng mây quá khứ. Nhưng cũng có thể do những dư luận đồn đoán quá cay độc về nguyên nhân khởi phát căn bệnh phong của Hàn được nhiều nguồn đưa ra.

Thời đó, người ta kể rằng một hôm từ Sài Gòn ra Phan Thiết, Hàn và Mộng Cầm đi dạo chơi ở lầu Ông Hoàng gần Mũi Né. Đến lúc chiều tối trở về, băng qua cánh đồng thì gặp cơn mưa giông. Cả hai chạy vào trú trong một căn chòi bên đường.

Mưa mỗi lúc một lớn, trời tối đen như mực. Từ trong căn chòi, hai người nhìn ra bên ngoài thấy có những quả cầu lửa màu xanh dưới đất vùn vụt bay lên. Những quả cầu lửa chớp tắt liên tục. Đồng thời lại nghe tiếng rền vang ầm ầm như ai lăn thùng sắt trên đường đá. Hai người rất hoảng sợ, ngồi ôm nhau run rẩy trong căn chòi.

Một lúc trời quang mây tạnh, bước ra khỏi nơi trú mưa thì mới biết mình đang ở cạnh những ngôi mộ ai mới chôn. Trở về Sài Gòn ít hôm, Tử thấy ngứa ngáy khó chịu trong người. Một thời gian thì nổi lên những vết đỏ như đồng xu ở trên lưng, sau lan dần ra khắp người. Căn bệnh phong xuất hiện từ đó.

Theo quan niệm mê tín, ấu trĩ của dư luận thời đó, bệnh phong là do nhiễm phải hơi dưới ngôi mộ mới bốc lên trong lúc mưa giông. Nhiều người tin điều đó là có thật nên càng trách Mộng Cầm nhiều hơn, rằng nàng đã gián tiếp đưa chàng đến chỗ bệnh tật rồi lại vội vã bỏ ra đi.

Ngoài ra, có một câu chuyện hoang đường khác cũng liên quan đến căn bệnh phong, được truyền tụng trong dân gian thời ấy. Đó là sự “báo thù” của những người chiến binh Chămpa chiến bại ở thành Đồ Bàn khi xưa chỉ nhắm vào những thanh niên đẹp trai, học giỏi.

Lời đồn đại này làm cho người dân thành phố Quy Nhơn thời ấy luôn sống trong hồi hộp lo âu. Lâu lâu ở thành Quy Nhơn, thấy vắng bóng một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai là mọi người đồn đoán là anh ta vừa phát bệnh phong, phải đi trốn.

Lời đồn này đã có từ xa xưa, trở thành một truyền thuyết lưu truyền qua nhiều thế hệ. Người dân Bình Định, đặc biệt là Quy Nhơn, bao giờ cũng nơm nớp lo sợ sự báo thù ghê gớm của một “ma Hời”.

Cuối đời nhìn lại, thừa nhận tình yêu

Sau một thời gian dài im lặng, đến cuối đời, nàng thơ Mộng Cầm đã nhìn lại, đã không còn phủ nhận tình yêu với Hàn mà chân thành trân trọng nâng niu những hình ảnh những kỷ niệm và người yêu tài hoa bạc mệnh của mình.

Chân dung và bút tích nhà thơ Hàn Mặc Tử

Dzũ Kha, một kiến trúc sư, một người yêu thơ Hàn đến mức dành cả phần đời để sưu tầm hiện vật, thư từ di cảo và cả những ký ức về nhà thơ đã gặp lại Mộng Cầm và kể lại như sau:

“Đó là vào năm 1999, lúc này bà đã ở vào tuổi 83, nhưng còn khá mạnh khỏe và minh mẫn. Biết tôi là người yêu thơ Hàn, bà tâm sự với tôi rất nhiều về những kỷ niệm của bà với Hàn. Điều khá dễ thương, là cho đến bây giờ bà vẫn một “anh Trí”, hai “anh Trí” như thuở nào khi nói về Hàn Mặc Tử, khiến đôi lúc tôi cứ phải che miệng cười thầm.

Bà kể hằng tuần, Hàn vẫn đều đặn về Phan Thiết thăm bà. Hai người đã có những ngày tháng đầy mộng đẹp bên nhau. Họ đưa nhau đi khắp các vùng trời tình yêu.

Bà nói với lòng đầy thương cảm: “Tính anh Trí rất hiền hậu và nhút nhát, cả cái nắm tay cũng rụt rè…”. Nhưng có lẽ, chính vì thế, mà tình yêu của họ thơm nồng hương tinh khiết, đã thăng hoa vào thơ, thành niềm chan chứa nhớ thương”.

Bài thơ “Chan chứa” của Mộng Cầm gửi cho Hàn đã ra đời trong khoảng thời gian này. Xúc động với nỗi nhớ trào dâng, bà đã tự tay viết tặng Dzũ Kha bài thơ này làm kỷ niệm, nhắc nhiều đến những kỷ niệm của cái thuở ban đầu, cái thuở "xuân mỗi tuần".

Nay những người trong cuộc đều hóa thành thiên cổ nhưng câu chuyện tình đẹp của họ sẽ để lại cho đời những áng văn bất hủ, và lầu Ông Hoàng từ một phế tích hoang vu đã đi vào văn học, trở thành điểm du lịch hấp dẫn kỳ thú.

Theo Xa lộ pháp luật

HÀN MẤT VÌ BỆNH GÌ?

Hàn Mạc Tử không hề bị bệnh phong!

Câu phủ định dứt khoát đó có lẽ làm bạn đọc quá đỗi ngạc nhiên. Bởi suốt bấy lâu, tuyệt đại đa số tài liệu đều khẳng định rằng nhà thơ Hàn Mạc Tử – họ tên thật Nguyễn Trọng Trí – chẳng may mắc phải một trong “tứ chứng nan y”, và éo le thay, dính ngay “đệ nhất nan y” là bệnh phong.

Chính xác thì sao?

Tôi sẽ trưng dẫn đầy đủ cứ liệu cần thiết để bạn đọc có cơ sở thẩm định vấn đề.

Trong chương trình giảng dạy văn học Việt Nam dành cho bậc trung học lẫn đại học, khi đề cập Hàn Mạc Tử, các bộ sách giáo khoa và giáo trình luôn ghi nhận căn bệnh của thi nhân là phong. Sách giáo khoa Văn học lớp 8 (Tập 1 – NXB Giáo Dục tái bản lần thứ 12, Hà Nội, 2001, trang 52) in tiểu dẫn về Hàn: “chủ yếu sống ở Quy Nhơn (Bình Định), mất cũng ở Quy Nhơn, do bệnh phong.” Sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất Văn học lớp 11 (Tập 1 – NXB Giáo Dục tái bản lần đầu, Hà Nội, 2001, trang 144-145), phần tiểu dẫn về Hàn cũng y hệt: “Trở lại Quy Nhơn khoảng 1936, khi bắt đầu mắc bệnh phong. Ông mất tại trại phong Quy Hòa, Quy Nhơn.” Tài liệu tra cứu dùng trong nhà trường, như bộ sách Tác giả văn học Việt Nam (Tập 2 – NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1992, trang 30) viết về Hàn không khác: “Cũng từ 1936, phát hiện mắc bệnh phong nhưng vẫn sống ở Quy Nhơn và vẫn viết nhiều. Năm 1940, vào nhà thương phong Quy Hòa và mất ở đó.”

Sách, báo, tạp chí, tập san thảy đều ghi bệnh trạng của Hàn như thế. Trong một bài viết về Hàn Mạc Tử đăng trên tuần báo Văn Nghệ ra ngày 24-4-1999, Phạm Đình Ân giải thích: “Bệnh hủi còn gọi là bệnh phong, bệnh cùi, từng là nỗi khiếp đảm của bao đời, từng bị coi là một trong tứ chứng nan y (bệnh phong, bệnh lao, bệnh xơ gan cổ trướng, bệnh thương hàn).”

Quả thật, đấy là sự nhầm lẫn rất đáng tiếc và quá phổ biến!

Trước tiên, nên biết: “tứ chứng nan y” gồm những bệnh nào? Theo quan niệm của người xưa, đó là 4 căn bệnh khó chữa khỏi, nếu không muốn nói mọi thầy thuốc đành chịu bó tay: phong, lao, cổ, lại. Chỉ cần tra cứu Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh hoặc của Thiều Chửu, chúng ta sẽ nắm chính xác ý nghĩa 4 từ thông dụng kia.

Phong 瘋 hoàn toàn chẳng phải bệnh cùi hủi như nhiều người lâu nay vẫn nghĩ, mà chính là “bệnh điên cuồng” như Đào Duy Anh giải thích, hoặc “bệnh điên rồ” như Thiều Chửu xác định. Trong Từ điển Việt Hán do Đinh Gia Khánh biên soạn, còn có từ phong tử nghĩa là “người điên”. Y học hiện đại sử dụng thuật ngữ “bệnh tâm thần” hoặc “rối loạn tâm thần” nhằm trỏ bệnh phong với vô vàn trạng thái, triệu chứng và hội chứng khác nhau. Vậy lẽ nào bảo Hàn Mạc Tử mắc bệnh phong nhỉ?

Lao 癆 được Đào Duy Anh định nghĩa đơn giản: “Một thứ bệnh kết hạch ở phổi, ở ruột hoặc ở khớp xương.” Từ điển còn nêu lao thương và lao trái cùng nghĩa “bệnh ho lao (tuberculose)”, lại thêm lao trùng là “con sâu ho lao (bacille de Koch).”

Cổ 鼓 tức cổ trướng, cũng được học giả họ Đào cắt nghĩa kèm chú thích bằng tiếng Pháp: “Một thứ bệnh trong ruột phát diếu chứa hơi nhiều, đến nỗi bụng trướng lên to như trống (hydropisie).”

Còn lại 癩, biến âm thành lị, là gì? Đương nhiên chẳng phải bệnh kiết lị như có kẻ ngộ nhận. Cũng không phải bệnh thương hàn. Lại đích thị “bệnh phung, cùi, hủi” mà các từ điển Hán Việt lẫn Việt Hán đã chỉ rõ.

Vậy muốn chính xác, cần diễn đạt: Hàn Mạc Tử mắc bệnh lại / lị / cùi / hủi / phung, chứ không bị bệnh phong.

Tại sao hàn mặc tử mắc bệnh phong

Ghi “bệnh phong” là sai lầm. Muốn chính xác, cần ghi “bệnh lại / lị / cùi / hủi / phung”. Ảnh: Phanxipăng

Như thế, trong 4 căn bệnh thuộc hạng “tứ chứng nan y”, lâu nay chúng ta gọi nhầm lẫn tên 2 bệnh: phonglại. Duyên cớ rất dễ thấy: do hiện tượng đồng âm, hoặc âm hao hao nhau. Vì lại có khi đọc lị, khiến thiên hạ liên tưởng bệnh… kiết lị. Còn phong (tiếng Hán-Việt) gần giống phung (tiếng Nôm), lại đồng âm với âm tiết đầu của các từ phong ngứa, phong thấp nên sự sai lệch đã diễn ra. Sự sai lệch kéo dài nhiều năm, nhưng không ai lên tiếng, do đó càng trầm trọng: cách dùng từ nhầm lẫn kia không chỉ tồn tại trong sách giáo khoa và giáo trình, mà đã xuất hiện trong các từ điển được biên soạn gần đây, trong công văn hành chính, cả trong tài liệu chuyên ngành y dược.

Rõ ràng nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu và điều trị bệnh phung lâu nay vẫn quen dùng từ phong cực kỳ sai lệch. Ví dụ: Làng phong, Trại điều dưỡng phong, Bệnh viện phong. Các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua cổ động mạnh cho chương trình “thanh toán bệnh phong trên toàn quốc”. Cuốn Giữ làn da khỏe đẹp (NXB Y Học, Hà Nội, 2001) do “các thầy thuốc da liễu lâu năm” biên soạn cũng ghi bệnh phong. Há lẽ dùng từ sai lệch quá lâu, quá phổ biến, nên hết phương điều chỉnh ư?

Thật ra, không phải tất cả mọi người đều nhầm lẫn vậy đâu. Trong hồ sơ gia đình Kitô giáo (liber status animarum) mấy thập niên 1930 và 1940, hiện còn lưu tại giáo đường chánh tòa Quy Nhơn, phần liên quan Hàn Mạc Tử được ghi rõ bằng tiếng Việt: “Chết tại nhà thương phung Quy Hòa.” Tài liệu của Ủy ban Truyền thông xã hội thuộc giáo phận Quy Nhơn, ấn hành năm 1973, đề rõ: Vài nét về trại cùi Quy Hòa. Thực hiện Tuyển tập Hàn Mạc Tử (NXB Văn Học, Hà Nội, 1987), nhà thơ Chế Lan Viên nhiều lần nhắc đến căn bệnh của bạn mình. Chế không viết phong, mà viết phung. Nhà văn Trần Thanh Địch – một người đồng tuế rất thân thiết với Hàn – đã cảm tác lúc ghé Quy Hòa:

            Không gian đầy buồn úa

            Quy Hòa khi ngày cùng…

            Đức tin không còn nữa:

            Nùi tím thẫm màu phung!

Vài nét về bệnh phung

Có lẽ chúng ta nên tìm hiểu sơ lược về căn bệnh mà Hàn đã mắc: bệnh phung. Bệnh này, tiếng Hán là 癩 lại; tiếng Anh là leprosy; tiếng Pháp là lèpre; tiếng Ý là lebbra; tiếng Đức cùng tiếng Hà Lan và tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Bồ Đào Nha là lepra; tiếng Nga là лепра. Ấy là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính, tác động chủ yếu ở da và thần kinh ngoại biên. Trực khuẩn hình que đó có tên Mycobacterium leprae do nhà bác học Na Uy Gerhard Henrik Armauer Hansen (1841-1912) phát hiện năm 1873. Y giới lắm phen còn gọi trực khuẩn Hansen (bacille de Hansen), viết tắt là BH.

Tại sao hàn mặc tử mắc bệnh phong

Tượng chân dung nhà bác học Na Uy Gerhard Henrik Armauer Hansen (1841-1912) tại Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Phanxipăng

Tùy thuộc phản ứng cùng khả năng đề kháng và miễn dịch của từng cơ thể, bệnh phung có nhiều biểu hiện khá đa dạng. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3 năm đến 20 năm, là giai đoạn của thể phung bất định với biểu hiện: vài vết hồng thâm hoặc trắng ở mặt và chi trên, khi sờ có cảm giác tê dại hoặc bì bì. Bệnh có thể tiến triển sang nhiều thể khác: thể củ, thể u, thể trung gian, thể ác tính (còn gọi phung mỡ). Bệnh không di truyền, song lại lây lan với mức độ rất ít và rất chậm.

Xưa kia, thiên hạ đồn thổi rằng chỉ đi qua mồ mả người phung là đủ bị lây, do đó xã hội tỏ thái độ xa lánh, kỳ thị, xua đuổi bệnh nhân cùi. Ông Nguyễn Bá Tín ghi nhận quan niệm một thời về bệnh phung qua hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi (NXB TP. HCM, 1991) bằng những dòng chua chát: “đến đỗi mẹ tôi, người mẹ khốn khổ vì mặc cảm trong tâm hồn, đã cấm trong gia đình, không cho ai nhắc đến tên anh Trí, như một điều bất hạnh lớn cho dòng họ.”

Định kiến ấy từng tồn tại từ Đông sang Tây, được nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh phản ánh sinh động. Như tiểu thuyết Ben-Hur của nhà văn Hoa Kỳ Lewis “Lew” Wallace (1827 – 1905) đã nhiều lần chuyển thể thành phim (2), hoặc pho truyện Hijo de hombre / Con của người của nhà văn Paraguay Augusto Roa Bastot (1917 – 2005) (2).

Tại sao hàn mặc tử mắc bệnh phong

Affiche / poster do Reynold Brown thiết kế nhằm quảng bá phim “Ben-Hur” do William Wyler đạo diễn năm 1959

Nỗi sợ hãi quá mức đối với bệnh phung dần được khoa học chế ngự. Noi gương một số đồng nghiệp tiến bộ và nhân ái tiền phong, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn (3) lúc làm giám đốc Bệnh viện Quy Hòa đã công khai biểu diễn thao tác chứng minh trực khuẩn Hansen truyền nhiễm rất hạn chế: đưa thẳng BH vào cơ thể ông (tiêm khuỷu tay và dái tai, nhỏ mũi, uống) trước sự chứng kiến của đồng nghiệp và báo giới vào ngày 23-10-1984 tại Bệnh viện Da liễu Phú Khánh!

Cần biết thêm rằng BH nếu ra ngoài trời chỉ sống được 1-2 tiếng đồng hồ. Các biện pháp vệ sinh thông thường như dùng nước nóng, xà phòng, thuốc sát trùng dễ kiếm đủ để diệt BH. Ngày nay, với phương pháp đa hóa trị liệu, ngành y tế sử dụng kết hợp một số loại thuốc đặc hiệu và rẻ tiền – gồm DDS (4), Clofazimine, Rifampicin (5) – để cứu chữa bệnh phung chẳng mấy khó khăn. Năm 1991, Tổ chức Y tế thế giới ra nghị quyết loại trừ bệnh phung năm 2000 với chỉ tiêu lưu hành 1/10.000 dân số. Nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và Australia đã tuyên bố xóa sổ bệnh phung. Do đó, cũng như lao, căn bệnh phung chẳng còn là “nan y” nữa.

Ở Việt Nam, thập niên 1980 trở về trước, tỉ lệ dân số mắc bệnh phung chiếm 2‰ (hai phần nghìn) tại miền Bắc và 4‰ tại miền Nam. Gần đây, nhờ tích cực thực thi chương trình phòng chống bệnh phung do Viện Da liễu trung ương chỉ đạo, tỉ lệ ấy đã giảm xuống dưới 1‰. Tính đến năm 2000, cả nước có 1.800 bệnh nhân phung được điều trị, chiếm tỉ lệ lưu hành 0,23/10.000 dân số. Hàng vạn người được điều trị khỏi bệnh phung, tái hội nhập xã hội bình thường.

Tại sao hàn mặc tử mắc bệnh phong

Bệnh nhân phung tại Quy Hoà chơi cờ tướng. Ảnh: Nguyễn Luân

Có 2 điểm đáng lưu ý:

1. Về tên gọi, không nên nhầm lẫn bệnh phung với bệnh phong như đã tồn tại quá lâu. Do đó, giới chuyên môn đề nghị gọi bệnh phung / cùi / hủi / lại / lị bằng thuật ngữ: bệnh Hansen. Thuật ngữ này dần được thể hiện trong các tài liệu chuyên ngành, như giáo trình Bệnh Hansen do bác sĩ Dương Đình Châu biên soạn (Bộ môn Da liễu, Đại học Y khoa Huế, 1991).

2. Trước kia, những trường hợp bị bệnh Hansen, thể ác tính, lâu ngày, thì dây thần kinh (thần kinh trụ, thần kinh giữa, thần kinh hông khoeo ngoài, v.v.) thường viêm to, đau, dẫn tới tàn phế vì co, rụt, teo, rụng một số cơ, chi. Thế nhưng, chưa ai tử vong vì bệnh Hansen. Vậy Hàn Mạc Tử khuất bóng vì lý do gì?

Nguyên nhân cái chết của Hàn

Xuất hiện một thắc mắc cần giải đáp: liệu Hàn có bị… trục trặc tâm thần chăng?

Câu hỏi đó không phải nẩy sinh vô cớ, mà hoàn toàn có cơ sở. Chính ông Nguyễn Bá Tín – em ruột của Hàn – viết trong hồi ký Hàn Mạc tử anh tôi (sđd): “Trong quá trình sống chung bên anh (6), tôi ghi nhận anh có hiện tượng suy nhược tâm thần, phát sinh có lẽ sau tai nạn xảy ra kỳ lạ (7) trong đời anh và ảnh hưởng sâu đậm vào trí óc anh khiến hình thể anh cũng thay đổi. Bệnh đó đã được nhiều người bạn tôi, chuyên khoa tâm lý, sau này xác nhận là hiện tượng névrose, một chứng khủng hoảng thần kinh nào đó mà con người vẫn còn sáng suốt và suy cảm nhạy bén, vẫn làm chủ được trí óc mình.” Thậm chí, ông Tín dành hẳn một phần trong chương V của hồi ký ấy, đặt tiêu đề theo lối nghi vấn là Bệnh tâm thần?

Một lần chuyện trò cùng tôi, Nguyễn Bá Tín kể:

– Hồi đó, cả nhà tôi đều nghĩ anh Trí mắc bệnh tâm thần, vì thấy anh có những biểu hiện kỳ quặc, khác lạ. Chính mẹ tôi bảo anh Trí đến ông đốc Kỷ, bạn của anh cả Mộng Châu, để khám bệnh. Ông đốc Kỷ bảo: “Trí không đau yếu gì cả, cưới vợ là yên.” Ấy là đùa trước mặt anh Trí, chứ ông ta nói riêng với gia đình rằng anh Trí bị névrose.

Névrose (tiếng Pháp) hoặc neurosis (tiếng Anh) là chứng nhiễu tâm. Từ điển tâm lý do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chủ biên (NXB Ngoại Văn, Hà Nội, 1991) viết về chứng này: “Rối loạn tâm lý không dẫn đến tan rã nhân cách, nhưng gây khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, do những triệu chứng mà người ta thường gọi là ‘dở hơi’: lo hãi vô cớ, ám sợ, ám ảnh, lên cơn hystérie, bệnh chứng ở bộ phận này hay bộ phận khác nhưng không có gì rõ ràng cả.”

Phải chăng thi nhân đa sầu đa cảm, lại quá mẫn cảm và tưởng tượng dồi dào, nên người bình thường cho đấy là chứng nhiễu tâm?

Đọc lại thơ Hàn, chúng ta thấy có lúc thi sĩ tự nhận mình điên dại:

            Em đã nghe qua, em đã hay

            Tình anh sao phải chứng mê say

            Anh điên, anh nói như người dại

            Van lạy không gian xóa những ngày (8)

Cả tập thơ Đau thương của mình, thoạt tiên Hàn chọn tiêu đề Thơ điên và tự đề tựa: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên.”

Điên kiểu đó nào phải điên bệnh lý. Mà dẫu bị nhiễu tâm thực sự, thì chứng này cũng không làm người ta chết nổi. Vậy cớ sao Hàn Mạc Tử mệnh chung?

Tại sao hàn mặc tử mắc bệnh phong

Tượng chân dung Hàn Mạc Tử do Thanh Phong tạc bằng thạch cao năm 1999. Ảnh: Phanxipăng

Tôi lật lại các hồ sơ liên quan bệnh trạng của Hàn. Tôi còn gặp các chứng nhân còn sống – trong điều kiện khả dĩ – nhằm xác minh vấn đề. Hầu hết hồi ký của gia đình và bạn bè Hàn cho biết: mấy năm 1937 – 1939, Hàn đi lánh bệnh nhiều nơi tại tỉnh Bình Định, từ xóm Động, xóm Tấn, đến Gò Bồi, Ghềnh Ráng. Giai đoạn nọ, những ai thỉnh thoảng ghé thăm Hàn? Nam, có Hoàng Diệp. Nữ, có Mai Đình. Còn thường xuyên chăm sóc cơm nước, tắm giặt giúp Hàn thì có tiểu đồng Phạm Hành. Ba nhân vật ấy, tôi đều đã tiếp xúc. Tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Phạm Hành kể tôi nghe:

– Thuở đó, tui còn nhỏ lắm, mới 13 – 14 tuổi. Người ta xì xào: “Trí bị cùi hủi.” Tui nỏ sợ. Vì có thấy anh Trí lở lói chi mô? Mấy ngón tay anh đơ đơ, chắc do viết nhiều. Trên má anh có nổi cái bớt nhỏ, hồng hồng. Tui thường xuyên giặt giũ áo quần giúp anh. Tui cũng giúp anh tắm nữa. Anh Trí nhác tắm ghê!

Tôi hỏi:

– Vậy Nguyễn Trọng Trí mắc bệnh gì?

Ông Hành đáp:

– Trong nhà nói anh Trí bị bệnh đơn. Tới khi anh Bửu Dõng, chồng chị Như Lễ, đưa anh Trí vô nhà thương Quy Nhơn rồi chuyển lên trại Quy Hòa, tui cũng đi theo.

Giai đoạn lánh mình đây đó, Hàn chữa chạy với lắm thầy lắm thuốc. Theo ông Nguyễn Bá Tín thì thầy lang có biệt danh Phụ Tử là người đầu tiên bắt mạch và bảo Hàn bị phung. Rồi một “thầy ngoại khoa” Hoa kiều ở Gò Bồi cho Hàn uống loại thuốc “luyện bằng chất độc rắn mai, rắn hổ”. Sau lại thêm võ sư kiêm thầy thuốc Đoàn Phong, cậu của Quách Tấn, cũng tham gia điều trị bệnh giúp Hàn.

Nữ sĩ Mai Đình cho hay:

– Hồi trước, thiên hạ nghĩ rằng mài vàng cho người bị phung uống thì được giảm hoặc khỏi bệnh. Hàn cũng từng theo lời khuyên này.

Rốt cuộc, anh rể Bửu Dõng – y tá tại Bệnh viện Quy Nhơn – khuyên Hàn vào cơ sở ấy để được khám chẩn kỹ lưỡng theo Tây y. Hàn đồng ý. Đó là ngày 8-9-1940. Kết quả xét nghiệm: Lèpre bactériologiquement confirmée (Chứng thực có trực khuẩn bệnh Hansen). 12 hôm sau, ngày 20-9-1940, Hàn được chuyển lên trại cùi Quy Hòa. Với số đăng bộ 1134, Hàn nhập vào cộng đồng bệnh nhân tại đây. Đến Quy Hòa 51 ngày vỏn vẹn, Hàn trút hơi thở cuối cùng vào sáng thứ hai 11-11-1940, nhằm ngày 12 tháng 10 Canh Thìn.

Bị phung lâu ngày, bệnh nhân dần tàn phế, chứ không chết. Vả lại, lúc bấy giờ, cơ thể Hàn vẫn lành lặn tương tự người bình thường. Thế chàng trai 28 tuổi Nguyễn Trọng Trí mất vì sao?

Nguyên nhân khiến Hàn tử vong đã được y tế vạch rõ: amib kiết lị (dysenterie amibienne) có tên khoa học Entamoeba histolytica.

Năm 1995, tôi ghé Bình Định và gặp bác sĩ Phan Cao Toại (1946 – 2007) bấy giờ công tác tại Bệnh viện Quy Hòa. Anh Toại nói:

– Về mặt chuyên môn, mình cam đoan Hàn không chết bởi bệnh Hansen. Hồ sơ ghi lý do Hàn từ trần là bệnh kiết lị, nhưng theo mình suy đoán thì lại vì tình trạng suy kiệt quá nặng do cơ thể không còn khả năng hấp thu.

Phan Cao Toại đưa nhận định ấy vào kịch bản Cái giá của vinh quang, được đạo diễn Đỗ Phú Hải dựng thành phim truyền hình Bến sông trăng dài 13 tập và phát sóng hồi tháng 7-2001. Phan Cao Toại còn phát biểu nhận định ấy trong sách Quy Hòa với Hàn Mạc Tử (NXB Văn Nghệ, TP. HCM, 2003).

Nhiều nhân chứng đồng ý rằng Hàn tạ thế vì kiết lị quá nặng. Ông Phạm Hành – tiểu đồng thường xuyên vào Bệnh viện Quy Hòa chăm lo cho Hàn – gật:

– Bị kiết lị nặng và kéo dài hơn chục ngày nên anh Trí qua đời.

Người nữa là ông Nguyễn Văn Xê – bệnh nhân kề cận Hàn thời gian cuối đời – từng thuật lại qua hồi ký Nhớ Hàn Mạc Tử đăng tạp chí Sông Hương số 28 (tháng 12-1987): “Cả buổi trưa cho đến tối 30-10-1940, tôi bận việc nên sáng hôm sau mới hay Trí đi kiết bị kiệt sức. Rồi suốt hơn một tuần lễ, từ 30-10-1940 đến 7-11-1940, thì bệnh kiết lị của Trí vẫn không thuyên giảm mà có phần tăng thêm nên trông Trí người khô đét, gầy guộc xanh xao đến thảm não. Đêm 8-11-1940, Trí đi tiêu rất nhiều lần, mỗi lần đi có một chút đàm và vài giọt máu nên tôi thấy Trí mệt lả đến đi không nổi. Và đêm 9-11-1940, Trí vẫn đi tiêu rất nhiều lần nữa nên nom người Trí phờ phạc mệt lả (…) cho đến ngày 11-11-1940 lúc 5 giờ 45 sáng thì Trí nhẹ nhàng tắt thở.”

Các nữ tu ở Quy Hòa cũng chứng kiến cảnh Hàn rời cõi thế. Trong tư liệu Notice sur la léproserie de Quy Hòa (Ghi chép về trại phung Quy Hòa), nữ tu Charles-Antoine nhận xét: “Ngày 11-11-1940, phải nói đến cái chết rất lành thánh của nhà thơ trẻ François Nguyễn Trọng Trí, nổi danh với bút hiệu Hàn Mạc Tử. Thi sĩ đến Quy Hòa ngày 20-9-1940. Như mẹ Juetta, y tá chăm sóc thi sĩ, đã chứng kiến thì thi sĩ dù đau nhức kinh khủng vẫn không bao giờ thốt ra một lời than phiền.”

Năm 2001, tôi trao đổi vấn đề này với Nguyễn Bá Tín. Ông Tín ngậm ngùi:

– Trong hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi viết năm 1988, tôi nhắc “bác sĩ G.”. Đó là bác sĩ Gourvil, quản đốc Bệnh viện Quy Nhơn ngày trước. Vị thầy thuốc người Pháp ấy bảo tôi rằng chẳng ai chết vì bệnh cùi, thế nhưng anh Trí lại không thể sống lâu vì nội tạng quá hư hỏng. Gourvil giận dữ thốt lên một câu khiến tôi nhớ mãi: “Ces charlatans l’ont tué!” (Bọn lang băm đã giết chết anh ấy!). Hỡi ôi! Giá gia đình tôi đưa anh Trí đến bệnh viện sớm, biết đâu anh còn thọ tới bây giờ.

Thời gian rất ngắn sau khi Hàn Mạc Tử từ trần, khoa học phát hiện ra Dapson / Dapsone – thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Hansen – vào năm 1941.

____________

(1)   Tiểu thuyết Ben-Hur có nguyên bản tiếng Anh, đã chuyển sang Việt ngữ bởi Nguyễn Bích Như (Hội Văn học nghệ thuật Hậu Giang xuất bản, 1988). Tiểu thuyết này đã được dựng thành phim câm năm 1907 bởi Sidney Olcott, phim truyện năm 1925 bởi Fred Niblo, phim truyện năm 1959 bởi William Wyler, phim hoạt hình năm 2003 bởi Bill Kowalchuk, v.v.

(2)   Tiểu thuyết Con của người có nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, được chuyển ngữ từ bản Pháp văn Le Feu et la Lèpre do Jean-Francis Reille thực hiện, nên bản tiếng Việt của Nguyễn Vĩnh cùng Trịnh Như Lương mang nhan đề Lửa và hủi (NXB Tác Phẩm Mới và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 1987).

(3)   Trần Hữu Ngoạn chào đời năm Giáp Tuất 1934 tại làng Nghĩa Đô, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Giai đoạn 1955 – 1962, sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội. 1962 – 1968, công tác tại Trại phung Quỳnh Lập ở tỉnh Nghệ An. 1968 – 1974, làm việc tại khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. 1974 – 1984, giám đốc Trại phung Quỳnh Lập, Nghệ An. 1984 – 1994, giám đốc Bệnh viện phung Quy Hòa ở tỉnh Bình Định. Giai đoạn này, Trần Hữu Ngoạn đã thực hiện nhiều điều hữu ích, trong đó có vườn tượng danh nhân y học thế giới & phòng lưu niệm Hàn Mạc Tử tại Bệnh viện Quy Hòa. Rồi ông về Hà Nội, làm chuyên viên Vụ Điều trị Bộ Y tế. Năm 1999, Trần Hữu Ngoạn nghỉ hưu.

(4)   Diamino-diphenyl sulfone có công thức hóa học C12H12N2O2S.

(5)   Các thuốc điều trị bệnh phung hiện phổ dụng: DDS (Dapson, Disulon), Rifampicin (Rimactan, Rifadine), Lamprene (Clofazimine, B663). Ngoài ra, còn có loạt biệt dược mới điều trị bệnh phung, chẳng hạn các thuốc nhóm kháng sinh Quinolon gồm những chế phẩm Pefloxacin, Ofloxacin, v.v.

(6)   Hàn Mạc Tử.

(7)   Suýt chết đuối.

(8)   Trích bài thơ Lưu luyến của Hàn.

(Còn nữa)